rước một con gà bị cắt cổ nằm rẫy chết trên sàn gạch, M. Kim Sơn quỳ ở “nhà tế” đền Bạch Mã thề rằng: “Nếu tôi nói dối, tôi xin chết!” … Mà thề như thế chỉ vì một sự lầm lẫn nhỏ ở trong sự buôn bán giữa M. M.[1] Đỗ Văn Tấn tức Quảng Thành ở 89 phố Hàng Bồ và Nguyễn Văn Kim tức Kim Sơn ở 14 phố Hàng Ngang Hà Nội. Ông Kim Sơn nói rằng: Tôi với ông Đỗ Văn Tấn vốn là anh em bạn. Năm ngoái, ông hỏi mua của tôi mấy cái tủ. Giá cả là 298p32. Hàng, ông nhận rằng sẽ mua ở Hàng Ngang. Tôi có đủ giấy má như thế. Tự nhiên đánh đùng một cái ông kiện tôi vì ông không thuê được cái nhà của ông Đốc Ngọc ở 53 Hàng Đường. Cái nhà này, tôi cũng thuê của người ta. Người ta cho ai thuê tuỳ ý, tôi có quyền gì vào đấy? Đó là tiếng chuông thứ nhất. Tiếng thứ hai “Cái chuông thứ hai” cũng đứng ở cạnh tôi và lên tiếng: − Thế sao không nói thế ngay lúc đầu? Anh dở lắm. Anh có hứa với tôi thuê hộ cái nhà, − nghĩa là 298p32 ấy là kể cả tiền tủ và tiền mua lại hợp đồng thuê cái nhà đó,− thì tôi mới thuê, chứ 298p32 có mấy cái tủ mọt thì hoạ có là thằng điên. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: tôi cả tin bạn quá. Nếu quả là người thường thì giấy tờ cẩn thận, đâu có phải dắt nhau đi thề như hôm nay. Hôm nay Từ tám giờ sáng, đền Bạch Mã đã đông người đến lắm. Người ta đến xem hai người thanh niên mới (ấy, cứ nói thế, bởi vì hai ông cùng trẻ và cùng mặc quần áo tây) đem nhau thề trước cửa thánh. Cửa thánh uy nghiêm lắm. Từ sáng sớm, người ta đã thắp nhang nghi ngút và đốt đèn ở ban thờ. Phía trong, một bóng tối bao phủ và gây một vẻ thần linh bí mật. Cửa đền mở rộng. Người ta thấy ở chính giữa một cái hoành phi lớn “Bạch Mã tối linh từ” và hai bên hai biển nhỏ đề mỗi bên bốn chữ “Vĩnh tạ an khang”. Ở lối đi ra đi vào, hai câu đối đề 10 chữ: “Thiên nam thượng đẳng thần; Long đỗ nhất vọng tự”. Sáng hôm nay hình như rõ chữ hơn lên. Cũng vậy, cờ, biển, trống chiêng, rùa, hạc hình như cũng được lau chùi cẩn thận hơn một chút. Giờ H Giờ H, giờ quan trọng, là tám giờ rưỡi. Tám rưỡi, đền chật ních. Người ta nghe thấy ở đền trong có người đàn bà nói ra: − Tôi thì đến 2000 bạc, tôi cũng không đi thề. Ồn ào… Một người lại nói: − Thề, chứ sợ gì? Tôi đã được xem bản biên lời thề rồi. Không có gì là chặt chẽ hết; vu vơ lắm. Thề như thế thì chẳng làm sao cả, tôi thề đến mười lần như thế mà cũng không sợ gì! − Nói gì lôi thôi. Tôi thề như thế từ thuở nhỏ mà có khi thề độc hơn nữa mà cũng chẳng làm sao hết. Chứng cớ là tôi vẫn sống nhăn ra đây này. Huống chi lại thề như lời thề hôm nay. Lời thề Vậy thì ta xem lời thề hôm nay ra thế nào. Một bọn năm sáu ông già đạo mạo,− cụ dân − đương nhúng… râu vào việc ở một cái bàn kê cạnh đấy. Các cụ hút thuốc lào, uống nước và chờ chứng kiến cuộc thề với ông lý trưởng đương thứ vậy. Họ cho M. Kim Sơn xem trước lời phải thề. Lời M. Kim Sơn phải thề như thế này: “Hà Nội, ngày hôm nay là mùng bốn tháng một năm Canh Thìn tức là mùng 2 tháng Chạp Tây năm 1940, tôi là Nguyễn Văn Kim tức Kim Sơn. Tôi xin thề rằng: Hôm 7 tháng 6 năm 1939 tôi bán những tủ kính và hàng hoá cho Đỗ Văn Tấn tức Quảng Thành giá 298p32 là chỉ bán những thứ ấy thôi, chứ không phải là nhượng quyền cho Đỗ Văn Tấn tức Quảng Thành thuê cái nhà 53 Hàng Đường mà tôi dùng để buôn bán. Tôi mà nói dối, tôi xin chết!” Con gà, cái chén, cái bát và con dao phay Ở nhà tế trong đền, giữa những cờ quạt và biển lọng uy nghi, một cái vòng tròn bằng cái nong kẻ vôi trắng đã vạch sẵn để đợi người bước vào thề. Trên ban thờ, một cái tách con. Dưới, một con gà sống bây giờ có lẽ bán đến đồng bạc, đã bị buộc sẵn ở đấy dãy dụa và đưa đôi mắt lờ đờ nhìn một cái bát úp xuống gạch và một con dao phay sắc bén. Mọi người chen nhau nhòm vào. Tiếng lào xào bỗng im bặt; tiếng trống tiếng chiêng vang động và người ta thấy khác ở trong người: đền Bạch Mã trở nên uy nghiêm lạ. Ông lý đương thứ mặc áo thụng xanh, lấy tay che râu và che kính quỳ xuống một cái bục ở đền trong, suỵt một tràng rồi khấn: “… Lạy thánh vạn bái, có hai tên Đỗ Văn Tấn và Nguyễn Văn Kim…” Máu kêu Cuộc thề bắt đầu. Ông từ đền vớ lấy con gà và cầm dao cắt tiết. Máu phun ra. Người ta lấy chiếc chén nhớn hứng lấy. Chỗ máu thừa bắn tung toé trên sàn gạch và… kêu lên! Thấy máu, tâm hồn người ta đổi khác. Tôi thấy rợn tóc gáy lên. Máu kêu? Chứ không ư? Máu nói cho người ta nhiều chuyện lắm. Ở đây, tiếng kêu đó là tiếng con gà, hết máu, kêu chết vậy. Nó dãy. Mắt nó trừng trừng lên. Nó chết. Trước cái chết ấy, M. Kim Sơn quỳ xuống giữa cái vong vôi, cầm cái giấy chép lời thề: “Nếu tôi nói dối, tôi xin chết” và đọc lên. Đọc lên khe khẽ… Một người kêu. − Chẳng nghe thấy tiếng gì cả. Biết họ thề ra thế nào? Một người khác trả lời: − Mà sao ông Đỗ Văn Tấn không phải thề? Ông ta bắt M. Kim Sơn thề vì ông cho là M. Kim Sơn gian giảo, thế nhưng ngộ chính ông ta nói vu cho người ta thì sao? Mọi vụ thề khác, − thường thường hai bên cùng thề. Cái bát vỡ Người ta chờ đợi xem thề trong hai tiếng đồng hồ, M. Kim đến lúc vào thề, chỉ một phút là xong. M. Kim nhấp một tí máu. Trong khi mọi người ngơ ngác chờ đợi một cái gì khác lạ thì nghe thấy đánh choang một cái. Con dao mới đánh, ông Kim cầm chém đánh chát vào cái bát úp trên sàn gạch. Thế là hết! Ra về … Và mọi người kéo nhau ra về. Mặt M. Kim hơi tái. Tay ông run run nhưng ông cười. Ông cười vì ông đã được kiện ở trước pháp luật chăng? M. Tấn có vẻ không được bằng lòng. Ông không bằng lòng về chuyện gì? − Không bằng lòng vì có một người anh em nhiễu sự? − Không bằng lòng vì ông tốn về việc thề này tới 100 đồng? − Không ai biết rõ cả. Người ta chỉ biết rằng hai ông ấy đều là người tử tế. Họ đi song song nhau ra ngoài. − Chào ngài! − Chào ngài! Riêng mắt tôi trông, thì cả hai ông Kim Sơn và Quảng Thành đều có vẻ thành thực cả. Chán lắm, đời ạ! Hai ông cùng trẻ, hai ông cùng đẹp cả. Thế mà tự nhiên một ông bắt ông kia phải đi thề… sẽ chết. Thế mà tự nhiên một ông nói rằng mình sẽ chết nếu mình nói dối! Thế có chán đời không? Chao ôi, đời nào có vui gì! Sống với nhau, khổ lắm hay sao mà lại muốn cho nhau chết? Tôi, cũng như các bạn ở trong số báo này, không tin rằng người ta có thể chết vì một lời thề được. Nhưng quả, sáng nay, xem việc hai ông Kim Sơn và Quảng Thành, tôi thấy rợn tóc gáy và buồn mang mang trong lòng. Cái đời này, thực thế, nếu không biết thương yêu nhau một chút, trái lại, lại cứ rình ghét nhau và lừa nhau thì chẳng nên vui thú gì. Như thế, chết lại hơn. Mà nói đến chết thì, tuy không tin lời thề có thể chết được người, tôi cũng cứ xin kể một chuyện này mà tôi được biết hồi tôi còn bé. Hai người đàn bà buôn gạo với nhau ở chợ Hôm. Một người bảo trả tiền rồi. Một người bảo chưa. Hai người ấy đem nhau xuống miếu H. C. và cùng thề. Không có nghi lễ gì cả. Họ cầm con dao bổ xuống gạch và thề nếu ai nói dối thì sẽ chết như thế này như thế nọ… Nửa tháng sau, một người chết gần đúng như lời thề ấy… Và một người nữa, một tháng sau cũng chết theo người đã cùng mình đi thề ở miếu H.C. Cẩn thận! Những ông khó tính xin chớ vội kết án người thuật chuyện trên kia. Tôi đã nói tôi không tin rằng người ta có thể chết vì lời thề được. Nhưng tôi cứ đem câu chuyện này ra kể để bạn đọc cùng nghĩ ngợi xem câu chuyện thề này ra thế nào. Câu chuyện thề không bịa đặt một tý nào đâu. Tôi được biết rõ lắm. Không tin tôi xin thề: “Nếu tôi nói sai một chút gì thì ông cầm cờ xanh, ông cầm cờ đỏ, hỏi cho tới ngõ, hỏi rõ tới cái tên này mà bắt nó đi!” [2]
[1] Do chịu ảnh hưởng cách trình bày của báo chí chữ Pháp, báo chí tíếng Việt trước 1945 ở Việt Nam cũng thường dùng chữ cái M. (viết tắt của từ monsieur = ngài) đặt trước tên riêng, hoặc dùng 2 chữ cái M liền nhau (M. M. = các ngài) khi kể tên từ 2 người trở lên. [2] Bài này đăng ở một số TBCN gần như chuyên đề, nói về “lời thề”. Ở các trang đăng bài này có in kèm một số ảnh do Võ An Ninh chụp, có ghi chú mô tả. Ảnh 1: Trước đền Bạch Mã. Thiên hạ kéo đến xem ông Kim Sơn và ông Quảng Thành thề ở trước sân đền Bạch Mã. Ảnh 2: Hai vai chính trong vụ thề. Bên trái là ông Kim Sơn bị ép đi thề, bên phải là ông Quảng Thành, người đòi đi thề. Ảnh 3: Kết quả của vụ thề: một con gà bị chết. Người thề chẳng thấy chết đâu! Ai gian ai ngay chưa biết, chỉ biết một con gà vô tội bị chết quay trên sàn gạch.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 40 (8/12/1940)
[1] Do chịu ảnh hưởng cách trình bày của báo chí chữ Pháp, báo chí tíếng Việt trước 1945 ở Việt Nam cũng thường dùng chữ cái M. (viết tắt của từ monsieur = ngài) đặt trước tên riêng, hoặc dùng 2 chữ cái M liền nhau (M. M. = các ngài) khi kể tên từ 2 người trở lên. [2] Bài này đăng ở một số TBCN gần như chuyên đề, nói về “lời thề”. Ở các trang đăng bài này có in kèm một số ảnh do Võ An Ninh chụp, có ghi chú mô tả. Ảnh 1: Trước đền Bạch Mã. Thiên hạ kéo đến xem ông Kim Sơn và ông Quảng Thành thề ở trước sân đền Bạch Mã. Ảnh 2: Hai vai chính trong vụ thề. Bên trái là ông Kim Sơn bị ép đi thề, bên phải là ông Quảng Thành, người đòi đi thề. Ảnh 3: Kết quả của vụ thề: một con gà bị chết. Người thề chẳng thấy chết đâu! Ai gian ai ngay chưa biết, chỉ biết một con gà vô tội bị chết quay trên sàn gạch.