ĐÚNG NHƯ BÁC SĨ PRESCOTT ĐÃ DỰ ĐOÁN, tai nạn kinh khủng và cuộc điều trị ở nông trại Rodney đã được tất cả các báo ở Manchester thuật lại trên trang nhất. Những cái tít chạy dài: “Một nhà phẫu thuật và một y tá đã cứu sống cho ba chục mạng người”. Anne rất bực bội thấy mình bỗng trở nên nổi tiếng. Trong các báo của phe Bảo thủ người ta nêu tên bác sĩ Prescott và nhắc tới những dự tính lớn lao của anh. Người ta nói rằng Bowley đã lưu tâm đến giúp đỡ cả mặt tài chánh lẫn chính trị thì những dự tính táo bạo kia có thể thực hiện.
Anne thích thú theo dõi báo chí địa phương. Sau tai nạn mười ngày, cô được chỉ định làm trưởng nhóm, y tá điều trị (1). Địa vị như thế ai cũng ao ước. Tuy việc bổ nhiệm là do Ban giám đốc nhưng mọi người đều biết là có sự can thiệp của Prescott.
Anne phấn khởi vì chức vụ mới cho phép cô hoạt động rộng hơn. Chỉ huy sáu cô y tá, cô có thể tổ chức săn sóc sức khoẻ cho cả một vùng ngoại ô. Cô đến thăm bệnh nhân tại nhà, trông nom sức khoẻ cho họ. Lúc trước y tá điều trị là người tự nguyện, ngày nay việc chăm sóc sức khoẻ dân chúng được mở mang và cải thiện rất nhiều. Những người làm công việc ấy phải có nhiều kinh nghiệm mọi mặt. Họ được hành nghề tự do và đôi khi có may mắn săn sóc cho bệnh nhân giàu và sang trọng.
Xét địa vị mới của mình, Anne tự nhủ tai nạn suýt làm cô thiệt mạng đã ảnh hưởng tốt cho sự nghiệp của cô.
Joe lại ở trong tình trạng ngược lại, anh chới với trước những khó khăn bất ngờ. Mất chiếc xe chưa phải là tổn thất lớn, Joe phải trả tiến bồi thường thiệt hại khá lớn vì xe chưa đóng bảo hiểm. Vào tháng năm, Joe tới Manchester tham dự cuộc điều tra tai nạn do Bộ Giao thông tổ chức, Anne có gặp anh. Joe lo sợ tai biến có thể rất xấu. Ted Grein từng làm uỷ viên phòng bảo hiểm, Anne hiểu rằng con người lịch sự đó nắm tiền bạc, giữ kế toán để mưu mô gạt Joe và không đóng bảo hiểm.
Cuộc điều tra hoàn tất, chờ xét xử. Từ đó Anne không có dịp gặp Joe nữa, cô viết cho Lucy một lá thư dài để an ủi vợ chồng em gái. Sau đó nhiệm vụ nặng nhọc ở chức vụ mới đã cuốn hút thì giờ và tâm trí Anne. Cô biết rõ ích lợi việc cô đang thực hiện. Chưa bao giờ cô được gần gũi với những người đau khổ đến thế. Cô đi thăm những người đói sống trong căn nhà tồi tàn, cả gia đình chen chúc trong một căn phòng nhỏ, đồ đạc chỉ có một cái giường dơ bẩn, một cái ghế gãy chân và những vật dụng cũ kĩ. Ở đây từ cái nghèo, sự đồi bại sẵn sàng ập đến. Ở nơi nào y tá bước đến, dù giàu hay nghèo, chủ nhà cũng đối xử thân ái với các cô. Trong đám đông, thấy cô, họ chào kính nể, ở những nơi nổi danh bất trị thì bộ đồng phục của cô cũng bảo vệ cô hữu hiệu hơn có cảnh sát đi kèm.
*
Ba tuần sau ngày bổ nhiệm, Anne được mời săn sóc cho một bệnh nhân đặc biệt ở nhà riêng. Cô đã từng săn sóc cho bệnh nhân đủ mọi giới, nhiều người có tiếng tăm, còn đây là trường hợp đặc biệt: săn sóc bà vợ ông Matthew Bowley lừng danh, kề cận người bệnh trong dinh cơ đồ sộ nhất xứ Manchester.
Bà y tá trưởng nhấn mạnh sự quan trọng của công việc, cặp chân mày nhăn lại, bà nghiêm nghị nói:
- Cô còn quá trẻ để đảm nhiệm công việc nặng nề như vậy, cô Lee ạ. Chính ông Bowley muốn như thế, bác sĩ Prescott tin tưởng hoàn toàn nơi cô. Cô cần giữ gìn đừng để mất lòng tin của người ta về cô. Và nhớ kĩ điều này, ở nhà ông Bowley cô phải giữ thái độ đứng đắn làm danh giá cho truyền thống bệnh viện Hepperton.
- Thưa bà, vâng.
Anne rời phòng, tươi tắn nghĩ đến ngày mai với những ước vọng sẽ thực hiện. Cô sửa soạn va-li và lúc mười giờ, chiếc Roll’s Royce nàu xanh dương bạc đến rước cô.
Sáng hôm đó, Anne bắt đầu được hưởng một chút cuộc sống đài các và tiện nghi. Thường ngày cô rảo bước trên những đường phố đông đúc, dơ bẩn, tay xách hộp đồ nghề. Thế mà hôm nay! Dinh cơ của Bowley là dãy biệt thự trong khu vườn rộng và đẹp. Đồ đạc rất sang trọng: thảm đắt tiền, tranh nghệ thuật của các danh hoạ trang trí khắp các phòng, những đồ dùng choáng lộn.
Anne ở một phòng phía Nam liền ngay phòng bà Bowley. Cô thích căn phòng nhỏ trông ra bãi cỏ rộng, đều đặn và mịn như nhung. Anne vừa vào phòng thì chị người hầu đến hỏi cô thích dùng gì, sáng cô có dùng cà-phê không? Anne rất hài lòng. Sau nhiều ngày dãi dầu khắp các phố tồi tàn bây giờ cô được sống thoải mái và nghỉ ngơi vài tuần.
Anne thay bộ đồng phục đến thăm người bệnh.
Bà Bowley xanh xao, cau có, vóc dáng cao lớn. Bà đã gần năm mươi tuổi, nét mặt mệt mỏi, lúc nào cũng lo nghĩ, có vẻ xuất thân từ gia đình bình thường. Bà nằm trên chiếc giường rất rộng trong căn phòng mở hé cửa chớp. Quanh bà xếp đầy các loại thuốc. Bà Bowley bị khủng hoảng thần kinh. Ba mươi năm trước, bà lấy chàng Matt nghèo túng và bà tự kiêu về nghị lực dồi dào của mình. Cơ nghiệp của ông chồng càng phát triển thì bà càng suy yếu thần kinh, bà đau khổ vì căn bệnh tưởng tượng đã có triệu chứng từ xưa kia. Hầu như suốt ngày bà nằm trên giường đau đớn vì cơn bệnh có từ những năm niên thiếu vất vả. Bà luôn thương yêu chồng nồng nàn.
Người bệnh chăm chú nhìn cô y tá trẻ đang lo lắng, rồi bà gật đầu bảo:
- Cô dễ thương lắm. Bác sĩ Prescott khen cô rất nhiều. Chỗ ở có vừa ý cô không? Đưa cho tôi chai nước, cô lại gần đây, chúng ta nói chuyện chơi. Cô có thể vừa trò chuyện vừa xoa bóp chỗ trán cho tôi được chứ?
Anne làm theo lời. Cô hiểu người đàn bà ít học này đòi hỏi quá nhiều và tự làm khổ thân mình. Trong khi cô dùng bàn tay mát rượi xoa nắn trên trán người bệnh thì cô nhanh chóng cảm thấy lòng xót thương đối với người mà cô săn sóc.
Hàng ngày, bác sĩ Prescott thăm bệnh lúc ba giờ. Tuy hoạt động của anh chuyên về giải phẫu, nhưng vì cảm tình với Bowley, anh đến thăm bệnh cho bà Bowley mỗi ngày mười phút. Bà này cũng không chịu ai khác săn sóc cho mình.
Anne nhìn cách đối xử của Prescott với người bệnh tâm thần mà càng kính phục. Prescott có cách xử sự rất dịu dàng, không kiểu cách, anh ngồi xuống mép giường hỏi han và nghe những lời than van của bà Bowley, anh vẫn giữ bình tĩnh và dè dặt cần thiết. Khi người bệnh nói quá đáng, anh chỉ ngước nhìn và gương mặt bình thường lạnh tanh giờ lộ vẻ thương xót chân thật, và người đàn bà đau khổ im ngay những lời than thở. Anh ra về để lại sự yên bình, khoẻ khoắn với hy vọng khoẻ bệnh của bà Bowley.