Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 17
Tự do cho Tây Ban Nha

     ai trăm năm mươi ngàn quân lính Pháp, những binh sĩ trong đội quân viễn chinh đã từng chiến thắng trên khắp chiến trường châu Âu đã hùng dũng tiến vào đất nước Tây Ban Nha, giương cao quốc huy hình phượng hoàng của nền đế chế Pháp quốc.
Các binh đoàn chiến đấu Pháp tiến vào Tây Ban Nha theo đường biên giới bỏ ngõ, không gặp một lực lượng chống trả nào.
Đại bộ phận công dân trong nước, câm lặng, cắm cúi vào những công việc lao động thường ngày của họ, tỏ vẻ không quan tâm lắm đến việc gì khác. Họ chờ đợi Napoléon biểu thị tình hữu nghị của ông ta, trước khi họ chấp thuận cuộc liên minh không bình đẳng ấy.
Francisco Goya thuộc số ít người tin tưởng thành thật vào một ánh bình minh mới đã bắt đầu chiếu rọi trên đất nước Tây Ban Nha. Anh không giấu diếm tình cảm của anh. Sự tin tưởng của anh vào Hoàng đế Napoléon Bonaparte đã lây sang một số họa sĩ ủy viên của Viện Hàn lâm. Theo anh, họ cũng bắt tay cộng tác với những người đi chinh phục. Một số văn nghệ sĩ cũng làm theo.
Cuộc sống phù hoa trước đây ở kinh thành nay không còn nữa. Từ khi Napoléon kéo quân vào chiếm đóng, người ta đã bớt những cuộc tiếp đãi ở các phòng khách, nhiều quán rượu đóng cửa. Và Goya cũng không có tin tức gì về nữ công tước.
Một bầu không khí ngột ngạt u uất bao trùm khắp đất nước. Một cái gì nung nấu âm ỉ, bóp thắt trái tim giống như trong trạng thái hồi hộp chờ đợi một sự bùng nổ.
Giữa lúc ấy, Napoléon đã đột ngột giáng xuống một đòn thật mạnh. Trong một đêm, ông ta bắt toàn bộ hoàng gia Charles IV đưa về nước Pháp mà không một ai hay biết, dân chúng chưa kịp định thần thì lại nhận tiếp luôn một đòn mới nặng nề hơn. Hoàng đế Charles IV buộc lòng phải thoái vị theo ý của Napoléon Bonaparte, ông ta chọn đưa hoàng thân Joseph là anh ruột của ông ta lên kế vị ngai vàng của dòng họ vua theo đạo giáo.
Riêng Don Manuel dé Godoi vẫn giữ chức vụ Thủ tướng.
Dân chúng bị đột ngột trước những biến cố ghê gớm của đất nước, nhưng vẫn giữ thái độ bất động khó hiểu. Lễ đăng quang của Hoàng đế Joseph đã được tiến hành yên ổn không gặp trở ngại nào.
Đến cả Francisco cũng rất ngỡ ngàng trước sự xoay chuyển của tình hình theo một chiều hướng khác hẳn với mọi điều dự đoán trước đây.
Một mình trong xưởng vẽ, anh suy nghĩ về những sự kiện mới ấy và cảm thấy rất lo lắng. Anh chẳng nghĩ gì đến ăn uống và cũng không thể cầm bút vẽ nổi.
Khi Giuanito sau nhiều ngày vắng mặt trở về, anh thấy trong người nhẹ nhàng như trút bỏ được nỗi buồn bực. Vậy là đã có người bạn tâm huyết, anh có thể bàn luận về tình hình mới của đất nước. Nhưng bạn anh nhìn anh bằng đôi mắt âm thầm, không nói năng gì, vào phòng riêng đóng cửa lại.
Francisco nghe thấy anh ta đi lại trong phòng. Tò mò, Francisco đẩy cửa bước vào. Giuanito dang thu xếp hành trang, nghe tiếng Goya, anh quay lại. Nhìn Goya một cách đăm chiêu, rồi nói băng giọng mỉa mai:
- Thế nào, Goya, anh thỏa mãn rồi chứ? Nếu người ta nói với tôi rằng: Anh, họa sĩ Francisco Goya đã trở thành một gã tay sai dơ bẩn thì thật tình tôi sẽ không tin đâu.
Francisco bỗng nổi giận, con người ngay thẳng trong anh như bị xúc phạm. Anh mà là một gã tay sai ư? Anh quát lên, mặc dù thâm tâm anh không muốn:
- Tôi là một nghệ sĩ. Tôi vẽ những chân dung người ta đặt hàng. Tôi không chịu ơn hoặc mắc nợ ai hết.
Giuanito rút ra một con dao dài có chuôi bằng sừng, rồi giắt vào trong ống của chiếc ủng bên phải. Rồi anh khoát mạnh tay chỉ ra ngoài cửa sổ.
- Anh sống ở thế giới nào, Goya? Anh không biết những gì xảy ra ngoài kia sao? Chúng đến ăn cướp nốt chút gì còn lại của ta và đặt cho ta một thằng bù nhìn.
Giuanito kiểm tra lại khẩu súng lục, biết chắc súng đã được nạp đạn, anh giắt vào thắt lưng dưới lần áo lót. Đoạn anh đưa mắt nhìn khắp gian phòng nhỏ một cách lưu luyến, rồi thở dài:
- Anh là một họa sĩ có tài, điều đó cho phép anh làm tất cả những việc theo ý anh. Còn tôi, tôi chỉ là một con người khốn khổ. Nhưng tôi muốn có quyền làm người. Goya, anh có chúc tôi lên đường may mắn không?
- Tất nhiên phải chúc anh may mắn rồi. Nhưng anh đi đâu?
- Đi chiến đấu chống quân chiếm đóng. - Anh chàng hộ pháp trả lời một cách đơn giản.
- Anh điên à? Anh tin rằng anh có thể chống lại đội quân hùng hậu ấy sao?
- Cứ phải làm thử.
- Các anh định dùng những khẩu súng lục và những con dao cổ lỗ, lao vào chống một đội quân hùng mạnh và ghê gớm nhất châu Âu?
- Goya, đã từ bao năm nay, tôi được nghe nói đến nhân quyền. Tôi muốn tất cả những người Tây Ban Nha đều bình đẳng. Dưới triều đại cũ chúng ta không có tự do. Giờ đây chúng ta lại thêm hai lần trói buộc. Cứ cho rằng hiện nay có hai trăm năm mươi ngàn lính Pháp chiếm đóng trên đất nước ta. Nhưng chúng ta có hàng triệu người, chúng ta sẽ biết cách chiến đấu. Sẽ đánh chúng ở khắp nơi. Phá hoại tiếp tế, đánh vào hậu phương của chúng. Từ trên cửa sổ các tầng gác chúng ta bắn vào các lực lượng tuần tra của chúng. Và, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc chiến đấu này trước khi chưa đuổi sạch đến tên lính Pháp cuối cùng ra khỏi đất nước Tây Ban Nha. Chúng tôi sẽ giành được tự do bằng chính bàn tay của mình. Sau đó, liệu hồn cho những kẻ nào muốn tước đoạt nó từ chúng tôi.
Đúng là một bài diễn văn hùng hồn và cảm động, đầy chân tình và dũng cảm. Nhưng, Francisco vẫn không dứt bỏ được những quan điểm cũ của mình, những ý tưởng chân thật và ấu trĩ mà anh đã bênh vực trong bao năm nay.
- Ta phải để cho Napoléon có thời gian thực hiện những lời hứa của ông ta. Chúng ta cũng chưa thể biết ông ta có đối xử với chúng ta như một đất nước bị chinh phục không?
- Sao lại không? Khi một tên trộm vào nhà anh, xin đừng chờ xem nó sẽ lấy của anh thứ gì. Anh phải đánh chết nó trước khi nó cướp đoạt tài sản của anh. Goya, tôi không chào vĩnh biệt anh mà chỉ xin chào tạm biệt. Tôi biết rồi anh sẽ mở mắt ra và sẽ đi theo chúng tôi. Mặc cho ai nói thế nào thì nói, riêng tôi, tôi hiểu anh và vẫn còn tin anh.

*

Còn lại một mình trong xưởng vẽ, Francisco lại cảm thấy cô độc và ngờ vực. Nếu Giuanito nói đúng thì ra anh đã bị Don Manuel lợi dụng trong việc phản bội quyền lợi đất nước Tây Ban Nha và bôi nhọ phẩm giá của Maria Cayettana.
Francisco đang đi lại một cách bực dọc trong xưởng vẽ thì có tiếng gõ cửa. Anh mở cửa và thấy một người đứng trước bậc thềm.
Thoạt nhìn Goya không nhận ra ngay viên thiếu úy cận vệ Don Rodriges Sanches, anh ta mặc bộ quần áo rất lịch sự.
Như có phản ứng tự nhiên, do nhớ lại chuyện cũ, anh nhảy một bước đến chỗ để thanh kiếm. Nhưng người khách giơ tay lên với một nụ cười đượm buồm:
- Vô ích, ngài Goya, tôi không có vũ khí.
Francisco nhìn lại anh ta và thấy anh ta nói thật. Anh dịu giọng:
- Xin lỗi. Mời ông vào nhà.
- Cám ơn Ngài. Ngài thay đổi nhiều quá, ngài Goya.
- Cả ông cũng thế.
Hai người yên lặng nhìn nhau như dò xét. Sau đó, viên sĩ quan ngẩng đầu lên và nói:
- Chắc tôn ông tự hỏi, tôi đến đây có việc gì?
Francisco khẽ gật đầu, không trả lời.
- Đối với tôi, việc đến thăm ông thật không dễ dàng. Tôi muốn mình phải cư xử như một người thẳng thắn, có nghĩa vụ phải làm sáng tỏ nhiều điều vướng mắc đang đè nặng lên tâm tư của ông, nhất là sau những chuyện xảy ra trong lần gặp gỡ cuối cùng của chúng ta. Tôi nhận ra rằng lúc ở Solina, tôi cũng quá nông nổi bồng bột. Lẽ ra tôi phải bình tĩnh và suy nghĩ thận trọng hơn. Vì tôi rất hiểu tâm sự và tình yêu của ông. Đối với ông, trước sau tôi vẫn có cảm tình.
- Ông đã biểu thị cảm tình ấy với tôi một cách quá ác liệt đấy.
- Có thể ông sẽ không tin tôi, và tôi cũng không dám trách ông. Nhưng xin ông nhớ cho rằng, tôi không hề ra lệnh cho quân lính của tôi hành hung ông. Tôi xin nói với ông sự thật ấy bằng lời nói danh dự của một người cầm kiếm. Tôi có lý do để gợi lại những chuyện đã qua. Tôi hy vọng ông sẽ nghe tôi và tin những lời tôi nói với ông đây.
- Tôi sẵn sàng nghe, Don Rodriges.
- Nữ công tước Alper đang bệnh rất nặng.
Francisco cảm thấy tim mình như quặn thắt lại, nhưng anh cố giấu nỗi lo lắng.
- Tôi rất buồn vì biết tin ấy. Tôi xin ông chuyển giúp những lời thăm hỏi của tôi và chúc bà công tước chóng bình phục.
Don Rodriges lắc đầu một cách ngao ngán:
- Tôn ông từ chối không muốn hiểu rõ sự thật sao?
- Tôi từ chối không tranh chấp với ông nữa. Nhưng... nhưng tôi không cho phép ông khinh thị tình yêu chân thành của tôi đối với nàng trước đây.
Trước những lời lẽ đột nhiên sôi nổi ấy, người khách cảm thấy ngạc nhiên đến nỗi phải bật cười, nhưng ông ta kiềm ngay lại và xin lỗi.
- Tôi xin ông - Goya nói tiếp - Với thời gian tôi đã hiểu rõ việc đời hơn. Và tôi chỉ còn có thể cúi đầu chấp nhận. Rõ ràng Maria Cayettana yêu ông hơn vì các người cùng một đẳng cấp. Nàng đã có lý. Tôi rất ân hận phải thú nhận rằng sự khôn ngoan đã không đến với tôi cùng với tuổi tác. Bản chất tôi nóng nảy, tôi là người cực đoan trong tình yêu. Giờ đây tôi sống bàng quan với tình yêu ấy, lòng tôi nguội lạnh rồi.
- Dù ông có thái độ như thế nào. - Don Rodriges nói - Nàng cũng không phàn nàn ân hận. Tôi được biết nàng từ lâu. Tôi tin chắc rằng nàng không hề yêu một người nào khác ngoài ông.
- Nàng cử ông đến đây? - Francisco nói.
- Không, nàng không biết tôi đến đây. Ông vừa nói sẽ từ chối không tranh chấp cùng tôi. Về chuyện gì mà phải tranh chấp? Tôi chưa bao giờ được vinh dự là đối thủ của ông. Tôi yêu nàng, đó là điều thành thật. Tôi mong được nàng đáp lại, nhưng hy vọng tha thiết của tôi, chỉ là mơ ước hão huyền.
Francisco nhắm nghiền đôi mắt và đưa tay đỡ lấy vầng trán.
- Rồi sao nữa?
- Tôi nói thế nào để ông tin được rằng ngày ấy, tôi được phái đến Solina là để thi hành mệnh lệnh đặc biệt của Godoi. Làm thế nào để nói cho ông hiểu được là chính Don Manuel đã đích thân đến gặp nàng, đã đe dọa nàng là sẽ bắt giữ ông, nếu ông không trở về Madrid ngay tức khắc.
Nhìn thấy vẻ kinh ngạc và đau đớn biểu lộ trên nét mặt Goya, giọng nói gay gắt của chàng quý tộc trẻ tuổi cũng dịu bớt. Anh ta nói tiếp, nhẹ nhàng hơn.
- Rõ ràng là khi ấy Don Manuel không nhằm đánh vào ông. Ông Thủ tướng không quan tâm lắm về ông. Ông chẳng qua chỉ là một điểm yếu của Maria Cayettana. Ông ta muốn dùng ông để khống chế vai trò của Maria, qua ông để đánh những đòn nặng vào Maria. Chẳng bao giờ ông biết được nỗi khổ tâm của người đàn bà đã yêu ông thiết tha trong cuộc mặc cả với một đối phương nham hiểm và nhiều quyền lực. Nhưng chính ông ông lại làm cho nàng bị tổn thương một cách vô cùng độc ác.
Mặc dù không khí trong phòng thoáng mát, Francisco vẫn cảm thấy ngột ngạt.
- Tôi có lỗi với ông rất nhiều, Don Rodriges Sanches. Ông có sẵn lòng tha thứ cho tôi không, nếu tôi nói với ông rằng tôi đã quá yêu nàng, một tình yêu quá tha thiết, đến không còn đủ sáng suốt để nhìn nhận lẽ phải?
Don Rodriges thở dài và chìa bàn tay tỏ dấu nối lại tình thân hữu.
- Tôi rất hiểu ông.
Im lặng một lát, Don Rodriges nói tiếp:
- Giữa chúng ta đã giải tỏa được mối ngờ vực với tư cách những con người tôn trọng danh dự. Nhưng cái danh dự con người ấy sẽ không còn, nếu ta cam chịu cúi đầu làm công cụ cho những chủ nhân mới đang đẩy nhân dân Tây Ban Nha vào vòng nô lệ. Chính vì vậy mà tôi rời bỏ quân đội. Một ngày kia, nếu muốn tìm đến với chúng tôi, ông sẽ thấy chúng tôi đã tổ chức thành những đội quân du kích có vũ trang chống xâm lược. Căn cứ chúng tôi ở trong vùng núi phía bắc. Đêm nay, tôi sẽ rời Madrid để tham gia lực lượng du kích. Tôi nói với ông tất cả những điều đó, và tin rằng ông là người Tây Ban Nha có thiện chí. Chúng ta phải chuộc những lỗi lầm đối với tổ quốc, tôi hành động bằng vũ khí, còn ông, bằng cây bút vẽ của ông. Ông có thể giúp ích cho chúng tôi nhiều, ngài Goya, chiến đấu để chống nền chuyên chế và bọn xâm lược, cây bút vẽ của người họa sĩ, nhiều khi còn lợi hại hơn cả ngàn tay súng. Chúng tôi sẽ chờ ông.
Không đợi trả lời Don Rodriges quay gót đi ra.

*

Francisco đứng lặng rất lâu sau cánh cửa đóng, đầu óc bối rối. Anh chỉ còn nghĩ tới Maria Cayettana, và quyết định đi tới tìm nàng. Anh vơ cái mũ, rồi hấp tấp bước di.
Phố xá gần như vắng ngắt. Goya đi bộ đến lâu đài Alper. Khi anh đến nơi nữ công tước ở thì trời đã về chiều.
Người quản gia đón anh, để anh chờ một lát sau trở lại nói với anh là nàng công tước nhận lời tiếp anh. Nhưng anh còn phải ngồi chờ một hồi lâu nữa. Anh nghĩ thầm, hẳn nàng muốn trừng phạt anh vì thái độ không khoan nhượng của anh trước đây trong lần nàng đến gặp anh ở xưông vẽ. Francisco biết đâu rằng Maria Cayettana còn phải tìm cách trang điểm để che giấu những nét tàn phá của bệnh tật. Nàng cũng muốn chờ cho ánh hoàng hôn thẫm xuống, bóng tối sẽ giúp nàng giấu giếm vẻ tàn tạ trên nhan sắc và tình trạng nguy kịch của nàng.
Mãi lâu sau, khi trời tối sập xuống, Dona Anita mới ra đón Goya vào.
- Công nương đang ở trong vườn hoa. - Người hầu gái nói với anh.
Francisco đi theo người hầu gái ra vườn, đến lầu hóng mát, anh thấy Maria Cayettana nằm ngả người trên một chiếc ghế dài kê tận trong cùng gian phòng mờ tối. Anh không nhìn rõ mặt nàng nên ngập ngừng không dám bước tới vì không hiểu nàng sẽ đón tiếp anh với thái dộ thế nào.
Nhưng giọng nói êm ái của nàng cất lên hết sức dịu dàng:
- Goya! Em biết thế nào rồi anh cũng đến.
Francisco chạy đến bên nàng, lòng hồi hộp, cổ họng nghẹn ngào. Anh quỳ một gối xuống trước mặt nàng. Anh không tìm được lời nào để nói lên hết nỗi buồn khổ, lòng hối hận và nỗi đau đớn của anh. Những lời nói lúc này cũng trở thành vô ích. Maria Cayettana thở dài đưa tay ra đón anh. Anh gục đầu vào lòng nàng.
Rồi sau khi anh đứng lên, nàng kéo anh ngồi xuống cạnh nàng. Anh cười âu yếm và ôm nàng trong tay. Hai người cùng im lặng. Hai tay anh nhẹ nhàng nâng mặt nàng lên, ngắm nhìn bằng đôi mắt trìu mến, Maria Cayettana cất tiếng cười yếu ớt và nói bằng giọng dịu dàng:
- Goya, giờ đây anh nhìn thấy những gì? Em có là gương mặt phù thủy trên giàn hỏa? Anh còn nhìn thấy gì trên gương mặt em?
Thực tế, anh đã nhìn thấy gương mặt hốc hác, da mặt tái xanh mà son phấn không thể che giấu hết. Nàng gầy yếu đi nhiều. Đôi cánh tay tròn trịa màu ngà và cái cổ nõn nà trước đây bây giờ đã trở nên mảnh khảnh nhăn nheo. Hai quầng mắt lõm sâu làm cho cái nhìn của nàng có những nét buồn u ám. Bộ tóc vàng óng giờ đây đã xám xỉn xuống. Chỉ riêng giọng nói của nàng, với thanh âm trong trẻo là không thay đổi. Francisco cũng gượng cười, trả lời nàng bằng một giọng dịu dàng như vậy.
- Maria, anh đã nhìn thấy sự tận cùng của một đêm dài... Anh nhìn thấy bầu trời và những vườn cây đầy nắng ở Solina... Anh nhìn thấy những điệu vũ dân gian không dứt trong những tiếng đàn guitare.
Anh ngừng lại, thở dài. Thốt nhiên cảm thấy như hết cả hơi sức, và anh để bật ra những lời ngoài ý định:
- Anh cũng thấy một người đàn bà không phải là em, không còn là em. Một người ốm yêu và mệt mỏi. Maria có phải em đã đi vào dĩ vãng? Hay đã để lại mình trong dĩ vãng mà ra?
Maria Cayettana thở dài, cố giấu một cái rùng mình.
- Em rất khổ tâm. Em muốn được đứng thẳng dậy để đón tiếp anh mà không còn hơi sức. Anh biết không?
Những lời nói chân thành và tuyệt vọng của nàng làm anh thắt lòng. Francisco trấn tĩnh lại và nói với giọng đùa cợt.
- Em muốn đứng ư? Thế thì có khó gì?
Francisco liền đứng dậy, đưa tay cho nàng và nhẹ nhàng đỡ nàng đứng lên. Maria loạng choạng trên đôi chân yếu ớt rồi đứng im một lát. Nàng tựa người vào Francisco, hai chân run rẩy.
- Sao anh? Anh thấy em thế nào?
- Tuyệt diệu!
Goya ôm sát nàng vào anh, anh sửng sốt vì cảm thấy trong vòng tay anh, nàng nhẹ nhàng và bé nhỏ quá. Anh lại đặt nàng ngồi xuống, nàng cũng không chút phản ứng.
- Thầy thuốc nói bệnh tình em ra sao? - Francisco hỏi một cách lo ngại.
- Họ cố gắng chạy chữa đến hết sức họ.
- Họ có nói là em sẽ khỏi không? - Francisco gặng hỏi. Maria tránh không trả lời. Nàng tiếp tục thầm thì những ý nghĩ thầm kín.
- Đối với em, sự chờ đợi thế là chấm dứt. Anh vừa nói, sự tận cùng của một đêm dài. Đúng thế. Điều gay go gian khổ của một tình yêu tuyệt vọng đã chấm dứt. Phần còn lại của em thật nhẹ nhàng đơn giản. Còn anh...
- Anh, anh phải tìm kiếm chân lý của cuộc sống. Cái mà anh đã thấy hình như chưa phải cái anh thật sự kiếm tìm. Cả cái gì trong chính con người anh, anh cũng chưa thấy đó thật là anh. - Goya diễn đạt lúng túng, rất khổ tâm vì không tìm được những lời lẽ chính xác và rõ ràng hơn.
- Chân lý, đó là đất nước Tây Ban Nha.
Maria Cayettana nở một nụ cười thật tươi làm gương mặt nàng bỗng sáng lên và trẻ hẳn lại.
Goya nhìn vào mặt nàng:
- Em, em sẽ bình phục chứ?
- Tất nhiên, em sẽ chóng bình phục vì anh đã thuộc về em. - Nàng trả lời với niềm tin tưởng chân thành trong giọng nói.
Nhưng Goya vẫn chưa dứt được lo ngại:
- Nếu em thấy có mệnh hệ nào, phải nói với anh ngay, Maria.
- Anh cứ tin như thế. Em đã chuẩn bị trước những lời trối trăn cho anh. Anh có muốn nghe trước những lời cuối cùng của em không?
Nàng nói tiếp với một nụ cười thoảng nhẹ trên đôi môi héo hắt:
- Thế này nhé, Goya, em nhớ rồi... Vâng, em định sẽ di chúc lại cho anh... là em để lại cho anh thừa kế hai cái kho tàng quý báu nhất của đời em: anh và tổ quốc Tây Ban Nha.
Francisco nhìn sâu vào đôi mắt nàng đang long lanh như có lửa cháy. Từ trong đôi mắt ấy, trong phút giây anh bỗng thấy hiện lên cả cái sắc đẹp lộng lẫy và sắc sảo của nàng. Lòng anh xao xuyến bồn chồn, nghe những lời nàng nói như vang đến từ một thời nào xa xôi lắm.
- Em đã nói với anh đừng để những nỗi đau buồn về dĩ vãng dằn vặt anh, đừng tìm lại hình ảnh em trong những hồi ức về quá khứ, vô ích. Anh chỉ cần nhìn ra chung quanh, anh sẽ thấy em trong tất cả mọi người Tây Ban Nha. Đó cũng là tất cả bí mật của đời em. Em là đất nước Tây Ban Nha.
Francisco cười chua chát:
- Từ trước đến nay không có ai như em, từ nay về sau cũng sẽ chẳng bao giờ có người nào như em.
- Nhưng...
- Em đừng quên người họa sĩ trong anh. Từ khi biết em, từ ngày anh yêu em, Maria, tất cả những việc anh làm, tất cả những gì anh vẽ mới thật sự có ý nghĩa.
- Đừng nói như vậy. Có lẽ em đã giúp anh tìm được chính con người anh, có lẽ em đã làm cho anh tin tưởng vào bản thân mình. Nhưng chỉ thế thôi. Và chẳng có gì thêm nữa. Anh không cần có em để trở thành một họa sĩ có tầm cỡ của đất nước Tây Ban Nha.
Giọng nàng nghiêm trang và thành thật. Anh biết là nàng không nói đùa vui. Anh cảm thấy lòng quặn thắt. Anh thì thầm:
- Maria, không có em, anh không thể sống.
Đã biết bao lâu nay, nàng mơ ước sống trong cảnh tượng này, chuẩn bị chờ đón nó. Nàng mỉm cười âu yếm và vuốt ve đầu tóc anh.
- Sao ngốc thế, Goya. Anh không cần có em. Sự nghiệp của anh chỉ mới bắt đầu. Sớm muộn rồi thì anh cũng sẽ hiểu rõ quân Pháp đối với đất nước ta ra sao. Lúc này em không muốn tranh luận nữa, nhưng em tin chắc một ngày kia anh sẽ quay lại chống Bonaparte. Và như vậy, tổ quốc Tây Ban Nha sẽ tồn tại trong những tác phẩm của anh.
Nàng ngừng lại một lát rồi nói thêm với giọng thật vui:
- Một bài diễn văn vĩnh biệt đặc sắc phải không anh?
- Không, em quên đi điểm quan trọng nhất là anh không biết cây bút vẽ của anh đã có chút ý thức nào về đất nước Tây Ban Nha. Nhưng có điều anh nhận thức rõ là chỉ có qua em, anh mới sống thật cuộc sống của mình.
Maria Cayettana như đã hết sức. Nàng không còn đủ can đảm để giữ cái vẻ bình thường giả tạo. Nàng mệt nhọc gục xuống trong tay Goya, nói thì thầm, tiếng nói nhỏ đến nỗi phải lắng tai lắm mới nghe rõ:
- Goya, em không có quyền đòi hỏi với anh điều ấy, nhưng em muốn biết anh còn yêu em nữa không?
- Em đã biết câu trả lời của anh rồi.
Goya nắm lấy bàn tay nàng và đặt vào đây một cái hôn đằm thắm. Nước mắt ràn rụa, nàng công tước ngắm cái đầu cúi gục của chàng họa sĩ, chớp hai hàng mi, cố gắng trấn tĩnh để nén lòng thổn thức. Nàng đã tin chắc vào cái chết, nhưng đột nhiên, lúc này nàng lại cảm thấy thiết tha muốn sống. Nàng yêu Goya, yêu cuộc sống hơn lúc nào hết.
Goya vẫn ngồi im, đôi môi áp chặt trong bàn tay gầy guộc và nóng hổi ấy. Anh nghe thấy nhịp mạch của nàng yếu ớt và hiểu rõ điều mà nàng đã cố giấu giếm một cách tuyệt vọng: bệnh tình nàng đã đến giai đoạn nguy kịch, nàng không còn hy vọng sống. Nhưng anh cũng không đủ can đảm để tỏ ra cho Maria biết là anh đã nhận thấy rõ sự thật đau đớn ấy. Anh cố làm như không biết để nàng khỏi đau lòng.
- Goya, rồi anh sẽ đến thăm em luôn chứ? Đến ngay nhé.
- Ngày mai, và tất cả những ngày sau đây. Cho đến khi nào chúng ta có thể cùng nhau ra đi.
- Anh đã mang đến cho em hy vọng sống.
- Em có thấy mệt lắm không? Anh đưa em vào nhà.
- Không, em muốn anh từ biệt em ở đây, Goya. Chúng mình chia tay ở đây.
Nàng không thể thú thật với anh là nàng không thể bước đi được ba bước, và phải để cho người hầu cáng đi.
- Không, không phải vĩnh biệt đâu. Tạm biệt anh. Đến ngày mai nhé, Goya.
- Đến mai, tình yêu của anh ạ!
Anh ôm nàng, như trong cơn sốt, hôn nàng rất lâu. Nàng níu lấy vai anh, có ý nghĩ như cố bám lấy cái sống đang dần tuột khỏi tay nàng. Francisco đặt nàng ngồi xuống ghế, đoạn anh đứng lên, bước nhanh như chạy không quay đầu nhìn lại.
Cả hai người đều cảm thấy một cách chua xót rằng đối với họ cái ngày mai ấy không còn nữa.