Về nhà, tôi liếc nhìn đồng hồ treo tường. Chà, còn 5 phút tới 12 giờ. Ðã đến lúc cô giáo kể chuyện. Hôm nay cô sẽ kể tiếp câu chuyện "Thằng bé tí hon." Không biết thằng bé tí hon và sáu thằng anh của nó có gặp lại được cha mẹ nó không nhỉ? Tôi thắc mắc, rồi tôi tiếc là đã không đi học. Thấy tôi ôm mền gối ra tấm phản định nằm, bé Mai lon ton chạy theo gọi: - Anh Quàng, anh Quàng bế em lên... Tôi rút người trong tấm mền dày, gắt em: - Ðể anh ngủ, đừng quấy. - Chưa ăn "trưa mà ngủ cái gì. Cho em lên nằm chung mền với. Em lạnh chân quá hà. Tung mền ra, tôi nhấc bổng bé lên, đặt nằm bên cạnh. Hai anh em cùng trùm mền lên tận đầu, lình xình dành nhau tấm mền. Bé Mai cười hinh hích. Tôi lấy làm thú vị vì tiếng cười trẻ thơ của bé. Tôi nghe ấm lòng. Chợt, bé hất mền qua bên, đòi tụt xuống đất. - Em không nằm ở đây nữa đâu. Tấm phản lạnh thấy mồ. - Anh trải chiếu lên rồi mà. Ðêm nào anh cũng ngủ vậy, lạnh gì đâu. Bé bĩu môi: - Trong phòng ba mẹ ấm hơn nhiều. Em nằm trên nệm với mẹ, vừa êm vừa ấm lắm nè. Tôi quay mặt vào tường, nằm im. Tôi không muốn em tôi bắt gặp nỗi buồn tủi của tôi. Làm sao em tôi biết được, có nhiều đêm, tiếng mưa rơi rào rạt, tiếng gió Ðông thổi vù vù qua khe cửa khiến tôi thức dậy, cảm nhận cái rét buốt làm cho nỗi cô đơn trong lòng tôi càng thêm nặng nề. Ðể bớt lạnh, ngoài tấm mền, tôi phải cuộn tròn người trong chiếc chiếu lác. Dưới lớp chiếu, cơ thể ấm dần lên, nhưng tôi vẫn không tìm lại được giấc ngủ. Trong kia, vọng ra tiếng ngáy đều đặn của ba tôi, tiếng chép chép miệng đòi bú của em bé, tiếng ậm ừ trở mình của bé Mai...tạo nên những âm thanh gia đình ấm cúng, sum vầy. Riêng tôi, ngoài này, một mình trong gian nhà lớn, càng cảm thấy nỗi lạnh lùng thêm mênh mang, đêm càng thêm dài dằng dặc. Những đêm như thế, nước mắt âm thầm ứa ra. Tôi thèm hơi ấm của mẹ vô cùng! Bé Mai bỗng vỗ tay reo và nhảy đùng đùng bên cạnh. - A! A! Cô giáo tới phạt anh Quàng kìa. Ai biểu không chịu đi học chi. Giật mình, tôi tung mền ngồi dậy, nhìn ra. Quả thật, cô Kim Loan và một bầy học trò gái, trai đi xăm xăm vào sân nhà tôi. Hết hồn, tôi lùa đống mền gối qua một góc rồi đứng sững, giương mắt nhìn ra cửa. Cô giáo nhanh bước đến bên, đặt lên trán tôi, lo lắng hỏi: - Em bịnh sao vậy? Tôi lắc đầu. Vô lẽ tôi nói thật lý do nghỉ học của tôi. Tôi cũng không thể bày tỏ điều nói dối cô được. Tôi đực mặt đứng im. Cô bé Mai nhanh nhẩu: - Thưa cô giáo. Trò Quàng không có bịnh gì hết chơn. Trò chốn học đó cô. Trò chạy chơi đâu từ sáng giờ mới về nằm ngủ đó cô. Giọng nói ngọng nghịu cùng sự tiết lộ trắng trợn của em làm cô giáo mỉm cười và lũ bạn tôi rúch rích vẻ chế nhạo. Cô giáo chưa kịp lên tiếng tra vấn tôi thì bé Mai lại reo nữa: - A! Ba về! Mẹ về! Tôi giật thót một cái. Ba tôi! Chuyện này..."trốn đâu cho khỏi nắng?" Cô giáo mà đến nhà thì... Vậy mà, ba tôi không cho tôi một trận đòn nào. Cô giáo vừa ra về, ba tôi gọi tôi lại một bên, nghiêm giọng bảo: - Từ nay con không nên kiếm cớ này cớ nọ mà làm rầy cô giáo nữa. Con cần phải chăm học... Bỗng ông nghẹn giọng: - Nếu con không thương ba, vì ba mà chăm học thì con cũng nên làm vui lòng cô giáo. Con không biết cô rất tận tụy vì con, cô rất thương con sao? Tôi chỉ muốn trả lời: "Con không cần sự thương hại của ai cả." Nhưng tôi không nói lời nào. Lạ chưa? Ðã lâu, tôi có thói quen ưa bốp chát lại từng lời với ba tôi dẫu có bị đòn đau đến mấy. Có lẽ lời nói đầy tình cảm của ba tôi bảo cô giáo rất thương tôi khiến tôi đâm ra nghĩ ngợi? Thấy tôi im lặng, ba tôi cũng lấy làm lạ, ông càng nói già: - Con không biết rằng cô giáo ở xa đây lắm sao và cô có mẹ giàn cần săn sóc? Vậy mà bãi học xong, trưa lắm rồi, trời rất lạnh, cô chưa về nhà ngay, tới đây thăm con. Cô ngỡ rằng con bịnh. Sao con lại dối cô như thế? Dối cô? Chưa bao giờ, tôi chưa nói dối ai bao giờ, kể cả ba, một kẻ có thể cho tôi ăn đòn thả giàn. Mỗi khi phạm lỗi, nếu tôi phải nói dỗi để tránh những ngọn roi thì chán gì cách nói. Nhưng tôi đã không làm. Tôi rất ghét sự dối trá. Sự dối trá luôn luôn khiến người ta phải quanh co, úp mở, phải nặn óc, moi trí cho những lý lẽ để biện minh cho điều không thật. Tôi cho rằng như vậy chỉ làm hạ giá trị nhân cách của mình. Chớ sao! Thằng con trai như tôi, dầu có "hoang đàng chi địa", nó cũng có nhân cách của nó chớ! Ðã nghĩ thế nên khi có lỗi, tôi thà ăn roi hơn. Ðương nhiên, những lần tôi ba hoa xi đế với bạn bè không thể gọi là dối trá được, mà đó là "phịa". Bởi cái trí tôi nó đầy rẫy những sự tưởng tượng. Tôi phải "cho ra" với bạn bè để cái óc tôi rỗng bớt thôi! Nhìn cái bản mặt lì lợm của tôi mãi, ba tôi nổi bực. Ông quát: - Cút đi! Mày chỉ làm tao nổi điên. Không bao giờ mày muốn làm vui lòng ai cả? Tại sao vậy hả? Lần này, tôi không thấy vui khi bắt gặp nét chán nản trong mắt ông. Dẫu vậy, tôi vẫn tìm cách làm cho cô giáo thất vọng. Cứ một ngày tôi đến trường thì một ngày tôi ở nhà. Bọn bạn trong lớp căm tôi lắm. Buổi chiều có mấy thằng đến nhà chơi để hỏi "Sao mày nghỉ học hoài vậy Hoàng?" Ngay cả thằng Mít, thằng Lú, thằng Vũ thân với tôi như thế, mà khi nào tôi rủ chúng đi chơi chúng cũng kiếm cớ từ chối, nói bóng gió: "Hồi này tao phải lo học phụ đạo nhiều quá. Dốt mà! Không học thêm, ở lại lớp sao!" Một chiều, con Kim Anh qua nhà tôi. Nó đặt trước mặt tôi một con nhồng vừa mới đủ lông cánh. Nó tươi cười nói với tôi: - Tui tặng trò đó. Ồ, con nhồng! Tôi vẫn ao ước có một con chim két, hoặc sáo, hoặc nhồng để tôi có thể dạy nó nói theo ý muốn của tôi. Từ lâu, tôi vẫn thích có một đứa bạn biết vâng theo ý tôi và không bao giờ phản bội tôi, cũng như biết theo tôi trên mọi nẻo đường rong chơi mà không phàn nàn, không phản đối gì...Một con nhồng. Thật tuyệt vời! Tôi nghi ngờ nhìn Kim Anh: - Trò kiếm đâu ra con nhồng vậy? Kim Anh thấy tôi vui, nó hí hửng bảo: - Của anh Minh con bác Tâm bẫy được đó. Tui xin, anh ấy cho liền hà. Sau này tôi mới biết con Kim Anh phải hái hết tắc chín trong vườn - mà dì Xuân định đem bán chợ tết - đưa qua bác Tâm gái làm mứt, nguyên một rổ đầy, để đổi con nhồng đó. Tôi vẫn gặng hỏi: - Tại sao trò không nuôi mà cho tui? - Ừ, à...thì tui thấy thường ngày trò rất thích nuôi sáo mà. - Nhưng trò cho tui...không vậy hả? Kim Anh lúng túng một lúc rồi buột miệng: - Tui chỉ mong từ nay trò đừng nghỉ học ngày nào. A! Con nhóc này, nó ranh thật đấy. Nó dụ khị tôi đi học để nó được nghe cô giáo kể chuyện dài dài. Nhớ tới con nhồng ở chùa Bảo Quốc, tôi bật cười. Ðược rồi, tôi tạm thời "đình chiến" với cô giáo, Cầm chiếc lồng tre có con nhồng trong tay, tôi làm ra vẻ miễn cưỡng: - Tui không ưa nhồng lắm, sáo thích hơn. Nhưng cũng được. Ngày mai tui sẽ đi học. Kim Anh sáng mắt lên. Ðôi mắt đen muồi, lớn như hai hạt nhãn lồng, nhìn tôi với vẻ biết ơn chưa từng thấy.