Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 9

Từ hôm khám phá ra nguyên do vì sao mẹ tôi bịnh và chết đi khi mẹ còn rất trẻ và tôi còn quá nhỏ, bỗng dưng, tôi cảm thấy không còn thích ở trong căn nhà này nữa.
Có hôm, ngồi một mình trong ngôi nhà vắng lặng tôi nhìn quanh quất, lẩn thẩn kiểm điểm xem có vật gì trong nhà này còn thuộc về mẹ tôi không. Không có gì cả, ngoại trừ chiếc bàn thờ đơn giản chưng bức ảnh mẹ tôi, một bát hương, hai chân đèn cùng bột lư nhỏ bằng đồng.
Kia là bộ bàn ăn, nơi mẹ tôi vẩn ngồi bên tôi và đầu bàn, ba tôi thường chống đũa trong bữa ăn, tươi cười ngắm hai mẹ con tôi đùn nhau một dĩa đồ ăn ngon lành. Thật là một gia đình đầm ấm. Giờ đây thì còn đâu nữa? Chỗ mẹ tôi, dì ghẻ đã thế vào. Và đôi mắt ba tôi chỉ biết ngắm dì ấy đỏng đảnh chê món này, chán món kia.
Nào là tấm phản gỗ nặng chình chịch và láng bóng như gương ngày trước dùng làm chỗ ngủ cho khách khưá, nay là chỗ tôi nằm một mình rộng thênh thang. Tôi không còn được ngủ trong buồng kia, kể từ ngày mẹ tôi mất. Giờ này, nó đã thuộc quyền sử dụng của dì ghẻ tôi.
Nghĩa là, mẹ tôi mất đi chưa giáp năm, hình bóng của mẹ đã nhạt phai nhanh chóng trong trí nhớ mọi người. Ngay cả những đồ vật trong nhà, trước đây đầy ắp những kỷ niệm với mê thì nay đã bị nguời đàn bà xa lạ, tai quái kia xóa sạch hết.
Với tuổi lên bảy, tôi nghĩ đơn giản là mẹ tôi mất, dì ghẻ tôi về thay thế mẹ tôi làm chủ gia đình và chỗ mẹ tôi nương náu, luôn luôn hiện diện trong vô hình chính là khu nghĩa địa, nơi mẹ được chôn cất.
Vì thế mà suốt máy tháng hè, tôi cứ thơ thẩn trong khu vực có mộ mẹ.
Mỗi buổi sáng, ba tôi và dì ghẻ lên xe, đi vừa khuất ngõ, tôi liền làm dối việc nhà thật nhanh. Khép cửa lớn lại, tôi phóng chân trần trên đường đất. Vài phút sau, tôi đã ở bên mộ mẹ, một mình.
Không ai có thể tin ràng một dứa trẻ nhỏ như tôi lại gắn bó được với khu nghĩa địa, nhưng người ta sẽ hiểu thôi, khi biết rằng đối với tôi, nơi đây là cả một thế giới kỳ diệu.
Ðúng vậy, nghĩa địa này chỉ là một trũng đất vừa tầm cho đôi chân nhỏ của tôi chạy nhảy quanh quất bên những nấm mộ to, nhỏ chen kẽ nhau. Nơi đây ít được săn sóc nên hoa dại nở khắp nơi. Nhiều nhất là thứ hoa trắng năm cánh, tôi không biết tên nhưng tôi thích vẻ đẹp mộc mạc và lối nở rộ đồng loại của nó. Chính lũ hoa dại đơn sơ này đã tô điểm cho khu nghĩa địa thêm phần thơ mộng.
Ở phía bờ đất thoai thoải nằm nghênh nghênh trên kia là ngôi trường làng ba gian, nay trở thành cơ sở ba của trường cấp I Vĩnh Ninh. Ðây chính là ngôi trường sau này đã từng in dấu chân tôi và lũ bạn bè tinh nghịch.
Ban đầu, mới làm quen với vùng đất mới này, tôi chỉ quanh quẩn bên mộ mẹ. Thương mẹ cô đơn một nấm mồ đất giữa những ngôi mộ tráng xi măng sang trọng, tôi thường siêng năng nhổ sạch cỏ rồi lấy gạch bể làm thành một đường viền quây tròn quanh ngôi mộ. Sau, chán, tôi ngồi im nghe tiếng ve kêu râm ran trên những ngọn tre cao và những cây đa già. Rồi tôi thơ thẩn đi ra khỏi nghĩa địa, lần theo con đường mòn nhỏ dẫn lối đến bờ đất, nơi đây là ranh giới giữa vùng đất cao và trũng đất nằm sâu dưới kia.
Với tầm nhìn của tôi lúc đó, vùng đất phía dưới rộng mênh mông và sâu đến chóng mặt, nhưng thật là tuyệt đẹp với những ô ruộng lúa xanh rờn, mát mắt. Tôi mê mải ngắm những cánh cò trắng đậu rải rác đây đó. Tôi chợt muốn được như loài cò, cất đôi cánh vút lên cao rồi xà xuống nhởn nhơ trên đồng lúa. Ồ, như vậy thật là thích. Biết bao giờ tôi mới tới được vùng đất xa vời và mờ ảo dưới kia? Hẳn dưới đó có hàng ngàn điều kỳ thú đang chờ đợi tôi khai phá?
Tôi ao ước rồi tôi mơ mộng và chẳng có ngày nào tôi không đến đây vừa được gần bên mẹ, vừa được loanh quanh, luất quất bên những điều mơ mộng trẻ con.
Một sáng, mặt trời đã lên cao, tôi vẩn chưa chịu về nhà. Ðứng ngắm ánh nắng rọi chói chang trên mộ mẹ, tôi thầm nghĩ: "Suốt ngày nằm ngoài nắng gió như vậy chắc là mẹ rát mặt, nóng người lắm. Bây giờ ngày hè khô ráo còn đỡ khổ. Qua những tháng mưa dầm dề, lạnh lẽo làm sao mẹ chịu cho thấu."
Nghĩ thế, bỗng tôi loé lên một ý định.
Sáng hôm sau tôi qua nhà thằng Tý Cồ; một đứa bạn tôi thích nhất, rủ nó kiếm một cây rựa. Khi biết ý muốn của tôi, nó khoái chí ra mặt, đi kiếm cây rựa của ba nó tức khắc.
Hóa ra công việc không dễ dàng như tôi tưởng. Hai đứa cùng một tuổi, thằng Tý Cồ "cồ" hơn tôi một cái đầu, nhưng với sức còn non, nó vẫn không thể nào chặt được gốc những cây tre già. Tôi xụ mặt trách nó:
- Vậy mà tao tưởng ba mày có nghề vót đũa thì mày cũng biết đốn tre, chẻ lạt. Ai ngờ... Rủ mày đi, thiệt là vô ích.
Tý Cồ gân cỗ cãi:
- Tại ba tao kêu tao còn nhỏ, không cho cầm rựa nên tao chưa quen tay chớ bộ.
Rồi nó hăng hái:
- Ðược rồi. Dù sao tao cũng cho mày biết tài tao.
Nó chạy lơn tơn tới một bụi tre khác có những cây thấp và non hơn. Nó phạt tứ tung những cành lá rườm rà, cuối cùng lá rụng trụi lủi. Nó chặt lấy chặt để lên gốc tre xanh. Ðến lúc mặt nó đỏ kè, mồ hôi nhỏ giọt hai bên thái dương, lúc đó một cây tre khá lớn mới từ từ ngã xuống.
Thằng Tý Cồ lấy tay quệt trán, ngoái đầu lại nhìn tôi, toe toét cười hãnh diện:
- Ê! Một cây đã đủ chưa?
Tôi gật. Hai đứa ngắm nghía cây tre một lát. Tôi ra lệnh:
- Mày chặt ra làm bốn đoạn.
- Mày định làm bốn cái cột cắm bốn góc phải không? Còn mái, còn vách? Chừng này sao đủ?
- Ừa há. Vậy thì mày ráng kiếm thêm một cây nữa đi.
Thằng Tý Cồ ngần ngừ nhìn mấy thân cây tre to, có ý nản, nhưng sợ tôi chê dở, nó đành quay lại chỗ cũ cố chặt một gốc tre nữa.
Tôi đang đo đo, tính tính gang tay trên thân tre nằm dưới đất, bỗng nghe thằng Tý la "ối" một tiếng thất thanh. Giật mình nhìn lại, tôi thấy nó liệng cái rựa qua bên, ôm lấy ống chân.
Hết hồn, tôi chạy lại. Chân nó tứa đầy máu. Nhìn thấy gương mặt đẫm mồ hôi xanh lè của nó, tôi cuống lên, la như cháy nhà:
- Ai cứu, ai cứu thằng Tý. Nó chết rồi, bớ người ta!
Bác Hứa, ba con Mỹ học lớp tôi, ở cạnh trường học, tất tả từ trong nhà chạy xuống chỗ chúng tôi. Mới thoạt nhìn, bác hiểu ra cớ sự. Bác vội bứt ngay một nắm lá cầm máu được trồng quanh nấm mộ gần đó, bỏ vào miệng nhai nát rồi dịt vào vết thương toét miệng của thằng Tý.
Thằng Tý vừa cà nhắc đứng lên thì quanh chúng tôi đã đông tới cả chục đứa con nít và vài ba người lớn trong xóm.
Khi tôi cùng bác Hứa dìu thằng Tý đi lên tới mái hiên trường học để tránh nắng, tôi thấy ba tôi xăm xăm đi vào cổng trường.
Tôi tái mặt, chẳng biết ai thông tin mà ba tôi đến nhanh như thế. Không thèm hỏi han một tiếng ba tôi hầm hầm xách một tai tôi kéo đi, giọng chì chiết:
- Về, về nhà rồi tao cho mày biết cái tội bỏ nhà, rong chơi cả buổi thì bị trừng trị đích đáng như thế nào.