Người dịch: ĐẶNG VĂN VIỆT
- 15 -

17. Hoàng tử Vĩnh San

Con bài kéo cánh biến mất ở châu Phi trong một tai nạn máy bay
Mấy tháng nay, de Gaulle ấp ủ nuôi một điều bí mật. Tướng Legentihomme, Cao uỷ của nước Pháp tự do ở Madagascar năm 1943, báo tin bằng điện tín cho London, về sự có mặt của một viên sĩ quan hải quân Đông Dương trên chiến hạm Léopard. Đó là Hoàng tử Vĩnh San. Trong thời gian bị đày ở đảo Reunion, ông tỏ ra thích thú về nghề vô tuyến điện, và trong thời gian chiến tranh ông đã bắt liên lạc với FNFL(1). Trên chiến hạm, ông được phong chức thiếu uý(2) và phục vụ như một điện tín viên. Trong bức điện, Legentihomme nói ông hoàng này có thể có tác dụng.
Tháng 3-1945, do quen biết Vĩnh San ở Madagascar, đại uý Boissieu, đã được điều về chăm sóc Hoàng tử này… Người ta cho ông theo một lớp học đào tạo sĩ quan và bổ nhiệm ông vào một đơn vị để chiến đấu với quân Đức trong những trận cuối cùng. Tháng 9-1945, ông được phong chức đại uý, tiểu đoàn trưởng. Ở thời điểm ấy, Boissieu nhận được ở Vĩnh San một tài liệu gọi là một di chúc chính trị, trong ấy bao gồm những ý kiến về tương lai, mà ông Hoàng để tâm làm việc từ tháng 5-1945: Độc lập tuyệt đối, đồng minh với Pháp trong khuôn khổ của Liên bang Đông Dương, trong ấy có người Campuchia và Lào. Ông Hoàng mong muốn là “mọi người Việt Nam đều phải có ý thức về xây dựng đất nước mình”. Vậy, nội dung của bản tuyên ngôn ngày 24-3-1945 có làm cho ông quan tâm đến không? Văn phòng Bộ Thuộc địa không muốn nói đến chữ ”Độc lập”, chữ “tinh thần quốc gia”, họ khong muốn có sự tồn tại của một đất nước, một Tổ quốc Việt Nam. Vĩnh San tâm sự với Boissieu, đó là điều đáng lo ngại. Bản tuyên ngôn làm cho những ai quan tâm đến nó, đều có ý nghĩ là tổ quốc của họ vẫn bị nước Pháp xỏ mũi, giật dây. Bản di chúc của ông Hoàng kết thúc bằng hai câu: “Tôi tin là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của một công dân Việt Nam, khi nào tôi làm cho người nông dân Lạng Sơn, Huế, Cà Mau, có được cái ý thức tất cả mọi người đều là anh em ruột thịt một nhà. Bất cứ là sự đoàn kết ấy đặt dưới quyền của một chế độ cộng sản, xã hội, quân chủ, hay độc tài nào. Điều quan trọng là cứu được dân tốc tôi thoát khỏi nạn bị chia cắt…”.
Trước đấy ngày 8-4, lời tuyên bố của một phái đoàn người Đông Dương ở Paris, đã chỉ trích mạnh mẽ đường lối chính trị của de Gaulle là điều lệ tương lai của nước họ. Những câu chữ sau sẽ có ý nghĩa gì: “… có một chính phủ riêng, chủ trì bởi một quan toàn quyền, với những Bộ trưởng, người Pháp hay người Đông Dương, tất cả đều ở dưới quyền của tôi…”.
Tất cả những lời chỉ trích trên có thức tỉnh được de Gaulle khay không? Vào cuối năm 1945, việc chiếm trở lại đất Nam Kỳ, ông có thấy là khó khăn ngoài dự kiếm không? Còn ông Hoàng kia, có phải là một yếu tố để đưa đến hững thành công của nước Pháp không? Ngày 14-12, hai người đã gặp nhau. Ông nghị sĩ Thébaut, Chánh văn phòng cua Phủ toàn quyền đảo Reunion kể lại: Trong buổi gặp gỡ, việc đầu tiên là tướng de Gaulle muốn biết về con người mà người ta giới thiệu cho ông, xem khả năng có thể giải quyết được cái mớ bòng bong Đông Dương hay không? Với Vĩnh San, điều quan trọng là ông được trở lại vị trí của mình trong nước, trên ngai vàng hay trên một cương vị nào đó. Trong câu chuyện, de Gaulle ngỏ ý muốn mời ông trở lại Đông Dương trong một chuyến đi vào những ngày đầu của tháng 3. Để biết việc ông có mặt, có làm phiền gì ông Hoàng không? Hoàng tử đã trả lời cho Boissieu: Tôi không cần làm lễ phong chức, lễ lên ngôi, tôi chưa từ ngôi bao giờ, tôi về nhà tôi như tướng de Gaulle về nhà ông ấy ở Bayeux… Nếu người dân Đông Dương không muốn có vua, nếu họ muốn có nền cộng hoà, chúng ta sẽ thay hiến pháp.
Ngày 24-12, ông đi Reunion để gặp lại gia đình. Đến giữa Fort - Lamy và Bangui, máy bay bị một luồng gió xoáy. Viên phi công bị lạc đường, xăng cạn, định hạ cánh xuống một mảnh ruộng ở giữa rừng, máy bay bị đâm nhào, tất cả hành khách trong chuyến đi đều bị chết. Vài ngày sau, de Gaulle nhận xét trước mặt Boissieu: “Nước Pháp không gặp may trong lúc này”. Một câu nói, nói lên sự bất lực của ông, trong công việc ông không có gì mới trong cách nghĩ, tính ích kỉ về quyền lực, khiến ông khôngthèm đếm xỉa đến nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa. Phải chăng sự may mắn đã không mỉm cười với nhân dân Việt Nam, có thể đã làm cho họ mất một vị Hoàng đế, người này có thể tố giác những lạm dụng của nền cai trrị Pháp và ông đã phải trả giá bằng 30 năm tù đày!
Quả nhiên, đến tháng 4-1987, việc rước bình tro của Vĩnh San về nước đã gây một xúc động, nói lên tình cảm của nhân dân đối với ông. Tình cảm này bắt nguồn từ ý chí thống nhất Nam Bắc của ông, một nguyện vọng đã làm thất bại mọi âm mưu thương lượng của Pháp, mà đặc biệt là Hội nghị Fontainebleau (từ tháng 6 đến tháng 9-1946). Sự thống nhất ba kỳ, có nghĩa là loại bỏ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ, chế độ quy định bởi sự sáp nhập Nam Kỳ vào nước Pháp năm 1862…
De Gaulle từ thơ ấu đến tuổi trẻ sống trong niềm hi vọng là sẽ trả được mối thù lớn, đó là lấy lại mảnh đất mà Bismarck chiếm đoạt. Và ông, cũng như bao người Pháp khác của thời ấy luôn ngoảnh mặt về con đường xanh xanh của vùng Vosges, tất cả đều không hiểu hay không muốn hiểu trong suốt năm 1945, là vùng đất Nam Bộ đã trở thành vùng Alsace - Lorraine đối với Việt Nam. Đi từ những nguyên tắc giống nhau, từ Hoàng tử Vĩnh San, Bảo Đại, đến ông Hồ Chí Minh, họ đều có chung một ý nhĩ về đất nước Việt Nam của họ. Tại sao họ có thể từ chối được việc giải phóng vùng đồng bằng sông Mekong và mũi Cà Mau, đối với họ là vùng sông Rhin, là Nhà thờ Straxbua, ở thời điểm mà mệnh trời đã thuận lợi đối với họ.
 
Chú thích:
(1) FNFL: Front National Francis de libération - Mặt trận dân tộc giải phóng Pháp.
(2) Tương đương với chức quan trong Bộ binh.