"Anh chị em hãy nhân từ, thương cảm lẫn nhau, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Chúa Cứu Thế" (câu 32 BDM).Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời đã bày tỏ lòng nhân từ đối với con người như thế nào? Điều gì ngăn cản chúng ta sống tử tế với người khác? Điều gì giúp chúng ta sống tử tế với người khác? Bạn thực hiện điều đó thế nào trong nếp sống hằng ngày?Sống là sống với người khác. Chúng ta luôn có những mối liên hệ với người chung quanh trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em; con cái Chúa trong Hội Thánh, đồng nghiệp, bạn bè, xóm giềng. Đây là những mối liên hệ gần gũi và quý báu Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, nhưng chúng ta thường để cho ngoại cảnh hay thái độ của chúng ta với nhau làm xấu đi những mối quan hệ tốt đẹp này.Phần Kinh Thánh đọc hôm nay, Sứ đồ Phao-lô đưa ra các nguyên tắc để gìn giữ và phục hồi những mối liên hệ này trong Chúa. Trước hết ông nói chúng ta phải cẩn thận trong lời nói của mình: "đừng nói một lời ác độc nào, nhưng khi nói điều gì phải nói những lời gây dựng để đem lại sự khích lệ cho người nghe" (câu 29). Sau đó, ông nói về thái độ chúng ta phải có khi cư xử với nhau.Thứ nhất, chúng ta phải sống tử tế với nhau. Trong xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân ngày nay, tử tế là đức tính khó tìm thấy nơi nhiều người. Đời sống bận rộn và tranh giành khiến con người trở nên nóng nảy, cộc cằn, ích ky, ít chịu nhường nhịn nhau. Nghĩ đến mình hơn đến người khác. Trong thư gưœi cho Tít, Phao-lô nói về bản chất cũ của chúng ta trước khi tin Chúa, trước khi được Ngài đổi mới: "đã có một thời chúng ta cũng ngu muội, bất phục tùng, bị lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ dục vọng và khoái lạc, sống trong gian ác, ghen tị, đáng ghét và ganh ghét lẫn nhau" (3:3-4). Tất cả chúng ta đã từng sống trong sự gian ác và ganh ghét lẫn nhau, nhưng nhờ lòng nhân từ của Đức Chúa Trời mà chúng ta được cứu. Đức Chúa Trời không từ bỏ khi chúng ta chối bỏ Ngài. Lòng nhân từ của Đức Chúa Trời là lý do để chúng ta sống tử tế với người không tử tế với chúng ta. Để có thể sống nhân từ với người khác, trước hết chúng ta phải luôn nhớ Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ đối với mình.Sau nhiều năm phục vụ, một giáo sĩ truyền giảng Phúc Âm cho một bộ lạc trong rừng sâu ở Tân Ghi-nê trở về. Những con cái Chúa trong Hội Thánh hỗ trợ tài chánh cho ông hỏi, "Đời sống ở bộ lạc đó thế nào? Ông đã làm được điều gì ở đó?" Ông đáp, "Tôi thấy đó là một cánh đồng truyền giáo không có hy vọng, như thể tôi được sai vào khu rừng toàn là cọp. Dân bộ lạc đó rất hung dữ, họ không có ý thức đạo đức. Nếu một bà mẹ cõng một đứa bé và nó khóc, bà sẽ đứng lại, ném đứa bé xuống hố cho nó chết. Nếu một người nhìn thấy một người khác bị gãy chân, anh ta sẽ để cho người bị thương nằm đó chịu đau một mình. Họ không có lòng thương xót. Họ không biết nhân từ hay thương xót là gì." Các tín hữu hỏi dồn, "Thế thì mục sư đã làm gì? Mục sư có giảng được cho họ không?" "Tôi không giảng. Tôi nghĩ hay hơn hết là cho họ thấy đức tin của tôi bằng việc tôi làm. Khi thấy một em bé khóc, bị ném xuống đất, tôi đến ẵm em bé lên và dỗ nó. Khi tôi thấy một người bị gãy chân, tôi tìm cách băng bó vết thương cho người đó. Khi tôi thấy những người đói khổ tôi đem họ vào nhà, cho họ ăn, an ủi họ. Cuối cùng, họ hỏi tôi, "Việc ông làm có ý nghĩa gì? Tại sao ông làm việc này cho chúng tôi? Và tôi có cơ hội giảng Phúc Âm, nhiều người ở đó đã biết tình yêu của Chúa." Khi sống yêu thương, nhân từ đối với người khác, chúng ta có thể giúp người khác thay đổi qua nếp sống của chúng ta.Làm sao bạn có thể đối xưœ tử tế với người đã đối xử bất công, tàn nhẫn với bạn? Điều đó dễ hay khó làm? Làm sao để thực hiện?Cảm ơn Chúa đã yêu thương con, bày tỏ lòng nhân từ đối với con để con học theo gương Ngài, yêu thương và tử tế với người khác.