ã đi buôn thật! cả đời gã chưa hề biết buôn bán là gì nhưng bây giờ gã đi buôn. Cuộc sống nghiệt ngã xô đấy gã vào con đường xa lạ này. Nói đúng hơn, sự sống của vợ con gã, của chính gã đã khiến gã tập tễnh đi ngược chiều với tập tục lâu đời chỉ biết trọng nghĩa khinh tài của dòng họ, của gia đình và của lớp người sinh ra, lớn lên ở đất Tràng An ngàn năm văn vật như gã. Chưa bao giờ cái đất văn vật ấy lại phải chịu một áp xuất ghê gớm của độ đè nén đồng tiền như bây giờ. Khắp nơi kiếm tiền, nhà nhà kiếm tiền, đồng tiền len vào nhân cách, sục sạo vào các quan hệ cha con vợ chồng, luồn vào cái hôn của các đôi trai gái, làm méo những giấc mơ học trò, làm đổi màu các giá trị tưởng như không bao giờ có thể đổi mầu được... Xưa nay người Hà Nội coi rẻ đồng tiền bao nhiêu cho đồng tiền là phương tiện hạ cấp, là con điếm nhớp nháp, là một phạm trù đối lập cay độc với văn hóa, với niềm tâm linh sâu thẳm của tâm hồn; tình yêu và ước vọng của những trái tim con gái không hề có chỗ cho đồng tiền nhập vào; thì giờ đây lại coi trọng đồng tiền bấy nhiêu. Giống như sau một đêm ngủ dậy, người Hà Nội hào hoa bỗng nhiên bị con ma kim tiền nhập vào không thể vùng thoát ra được nữa. Và hối hả và cuồng nộ và đắm say kiếm tiền như có một thời đắm say những phạm trù cao siêu, lãng mạn. Thoạt đầu gã đi theo bậc đàn anh tên là Dũng. Với tính khí lì lợm, với tác phong xốc vác và với đầu óc nhanh nhậy, sòng phẳng; gã hoàn tất khá tốt việc làm lơ xe, làm cửu vạn, nếu cần làm cả chức năng vệ sĩ trước những ngón chơi không quân tử của khách hàng, của phường hội. Lãi chia năm, gã một phần còn đàn anh bốn phần. Không phải bỏ vốn, lấy phần công làm lãi, mất thì thôi, đàn anh chịu cả, gã khỏi có can hệ gì nhưng mấy khi bậc đàn anh của gã lại chịu để cho mất. Biên giới sau những ngày đóng cửa giả tạo, sau những tiếng súng nổ, người chết cũng không mấy chính danh, giờ đây nó mở ra thông thoáng đến ngỡ ngàng, đến không thể tin được ngày ấy hai bên có thể chơi nha, giết nhau đến tàn canh như thế? Biên cương mùa này như trẩy hội. Như cái vùng đá đỏ Quì Châu ngàn ngạt những người mà lúc này đây, cái địa danh đó vẫn để lại trong lòng Lãm một vết thương chưa lên được da non. Người và xe, các loại người các loại xe từ khắp các tỉnh trong nước tràn đến. Hàng Nga, hàng tư bản từ các miền đồng bằng đùn lên, hàng Tàu từ khắp các tỉnh mênh mông láng giềng đùn xuống. Rối rít, ầm ào, dìm giá, nâng giá, chơi nhau, lừa nhau, đón đường, phục bắt... cả một khu vực đất đai rộng dài hai bên bờ sông biến thành một cái chợ trời khổng lồ không ai kiểm soát nổi. Chỉ thỉnh thoảng ở đâu đó trong lùm bụi vang lên một tiếng nổ mìn kinh rợn thì người ta mới lại chợt nhớ ra rằng, à, khúc sông ghe xuồng đang ngược xuôi tấp nập chở khẳm muôn loại hàng hóa kia vốn trước đây nó đã từng là khúc sông hận thù, và coi chừng, biết đâu tới đây nó có thể lại hận thù nữa. Cho nên vừa buôn bán vừa nhìn nhau, vừa canh chừng nhau, cái chộp giật thay cho sự ôn hòa nhẫn nại, ngón giang hồ đổi chỗ cho điều trao đổi hữu hảo hai quốc gia. Và như thế, các số phận, tính mạng con người trôi nổi nhào lộn trong dòng buôn lậu chảy ngầm là điều đã trở nên tất nhiên. Cũng tất nhiên như cái hình ảnh đối lập khắc nghiệt của một bên là những bờ đê tiền xanh biếc được vun cao lên mỗi ngày và bên kia là những người lính dò mìn xanh xao cũng mỗi ngày phải bốn lần âm thầm đi qua bãi điếm, bãi chó và những bãi tiền như thế để đập mặt vào bãi chết, đặng giữ an ninh cho sự sống toàn vùng. Hàng Nga vẫn tràn lên, hàng Tàu vẫn đùn xuống... hóa ra hàng hóa của hai anh lớn con to xác đã có thời gắn bó như anh em ruột rà này lại cần cho nhau đáo để! Họ chưa chở thẳng vào nhau được thì đành tạm chở qua cái nước còn đang đầy mình thương tích và nghèo túng miếng ăn này chứ sao? Đông Âu tan rã ư? Đau đấy. Chủ nghĩa Cộng sản bị phá sản trên toàn cầu à? Buốt ruột thật nhưng cái dạ dày, cái nhu cầu sống còn của thể xác lại không ngừng réo gào, lại khôn nguôi thôi thúc, vượt lên trên cả chính trị, cả những nỗi đau cao siêu... Tổng giám đốc hãng điện tử Sài Gòn và cô thư ký ban đại diện Hà Nội cũng đang có mặt tại đây. Bán hàng Nga, buôn hàng Tàu không phải là động mạch chính trong nội dung doanh nghiệp của họ. Nó chỉ là phần bổ trợ thêm song nhưng không thể thiếu được trong mạng lưới tăng doanh số. Và còn điều này nữa, mỗi lần ra Hà Nội, người tổng giám đốc không thể không ngược đường lên đây dù chỉ một ngày, như một thú đi vãn cảnh lại như một cảm hứng tìm về cõi nguyên sơ sau bao ngày đánh vật với những con số ngoại tệ khổng lồ. Họ đã đi qua bãi chó, đi qua bãi tiền, qua bãi điếm và dừng lại ở bãi mìn. - Anh Hùng có thấy mỗi mũi thuốn của anh lính kia cách nhau bao nhiêu phân không? - Loan hỏi với vẻ tò mò trẻ thơ. - Thấy - Hùng trả lời - chừng ba, bốn săng ti mét. - Như vậy cái khoảng cỏ lậu hai mét vuông kia, họ phải thuốn hàng ngàn mũi! Mũi nào cũng sẵn sàng đụng vào thần chết cả. Khiếp quá! Em nói nhé, biết vợ chồng mới cưới nào đó, trong đêm tân hôn, liệu họ có cảm nhận mình đang hạnh phúc trên hàng ngàn mũi thuốc mìn ấy không nhỉ? Giám đốc Hùng quay qua nhìn vào mắt Loan một hồi lâu rồi nhỏ giọng: - Ngày xưa, trong tiểu đoàn trinh sát, tôi cũng đã từng làm những việc như thế này. Khác một nỗi là ngày ấy tất cả mọi người đều như nhau chứ không bị phân biệt giàu nghèo, sướng khổ quá trời như ở đây. - Gió ở đây mát quá anh nhỉ? Thảo nào con gái nơi này đẹp. - Tôi đã sống ở vùng này ba năm, hồi con là học sinh miền Nam. - Chắc là có một kỷ niệm tình yêu sâu sác nên vẻ mặt anh mới đăm chiêu thế kia? - Yêu?... Hùng cười nhẹ - Làm gì có thứ tình yêu nào sống dai thế? Họ chỉ bịa để cho cuộc đời đỡ tẻ nhạt. - Nghe anh nói, tưởng như một kẻ thất tình mãn tính. Sao anh không lấy vợ? Đẹp trai, cao lớn, giàu có, lịch sự... Hay anh dị ứng với đàn bà? - Cũng có thể. - Hùng mỉm cười, mắt vẫn nhìn đi đâu. Loan không hỏi nữa, gần một năm nay, mỗi khi có dịp đi công cán với anh, hễ cứ động đến chuyện này là Hùng cũng như cái mỉm cười bâng quơ và những câu trả lời ỡm ờ như thế. Anh ấy là người kín đáo, hơi buồn và làm ăn rất giỏi. Cô nghĩ. Nhưng giá như chỉ có một trong ba cái đó thì có lẽ anh sẽ hay hơn, thật hơn. cả ba cái đều cùng tồn tại, cái này nó phá cái kia, rút cục, cô không biết thực chất con người ấy là thế nào cả. Bình dị mà vẫn khó hiểu, lịch lãm nhưng không phải lúc nào cũng tế nhị, rất thông minh mà vẫn thiếu cái nhậy cảm... Cuối cùng, cô có thể tâm sự với anh đủ chuyện nhưng để có một sự rung động đột ngột hoàn toàn theo nghĩa giới tính thì không. Cũng có thể chưa? Còn anh... Hình như đối với cô, anh cũng chung một cảm giác như thế. Đã đôi làn xực tìm trong đáy mắt anh không thấy có một dấu hiệu gì, cô vừa thấy nhẹ người vừa thấy có một chút tự ái. Như vậy, quan hệ giữa thư kí với giám đốc sẽ thoải mái hơn nhưng... chả lẽ mình, một người chỉ lo khước từ những ánh mắt hừng hực của các đấng mày râu mà lại chỉ là con hình nộm vô tri vô cảm trước con người này? Đã đôi làn, để thỏa mãn sự hiếu thắng, cô đã thử xem xong chẳng kết quả gì. Anh ráo hoảnh mà cô cũng thấy buồn cười, nên thôi. Và cho đến bây giờ quan hệ giữa họ vẫn là quan hệ đồng nghiệp, trên dưới và anh em đơn thuần. - Chị Thảo của Loan bao giờ về ấy nhỉ? - Anh hỏi lửng lơ. - Cũng sắp. Hơn năm nữa. Anh đã trông thấy bà chị của em chưa? - Mới thấy ảnh. - Ảnh thua xa ngoài. Anh cứ hình dung thế này, em với chị ấy là một nhưng ở em là dương thì chị ấy là âm. Còn âm quý hay dương quý, cái đó lại phụ thuộc vào cách nhìn của từng người. Hùng im lặng. Dưới bãi cỏ nóng hàm hập kia, những người lính vẫn đang mải mê tiếp tục công việc của mình với cái gáy căng ra nhìn rõ cả mạch máu, với tấm lưng áo ướt đầm mồ hôi và với những chiếc đầu gối quàn bục vải. Cầu trời cho những mũi thuốn vô tình ấy đừng vấp phải một cái kíp nổ nào. Anh nghĩ vậy và nhìn lên: - Loan này! Em nghĩ thế nào nếu một khi chị Thảo trở về, chúng ta sẽ đề nghị cải tạo chính căn hộ của anh chị ấy thành một trung tâm tiếp thị phía bắc? Địa điểm thuận lợi lắm! - ô kê! - Loan khẽ reo lên - Em đã nghĩ đến chuyện này nhưng sợ nói ra vô duyên. Để em viết thư bàn trước với chị ấy. Nếu sự việc này thành, em cũng xin nghỉ luôn. - Cô chán rồi à?... Hay là tôi đối xử có gì không phải? Anh hỏi với một chút áy náy thật sự. Loan bật cười khẽ: - Ngược lại, tuyệt vời, thậm chí... trên - Cô kịp dừng lại khi chợt nhận ra mình đang nhại lại theo cách nói của Bình - Có lẽ anh là một trong những nhà doanh nghiệp dễ chịu nhất Loan được gặp nhưng, nói thật nhé, em không thích cái nghề này. Không họp tạng mặc dù thu nhập kha khá. Loan sẽ trở về với công việc mà Loan mê thích từ nhỏ: hội họa. Có chiếc xe máy màu đỏ chói phóng vút qua tựa một vệt nắng trên mặt đường. Cô gái vận zuup ngắn ngồi phía sau để rơi xuống bãi mìn một tiếng cười trong vát. Người lính ở gần đó hơi chựng tay lại nhưng không dám ngẩng lên. Nhìn lên rồi, mũi thuốn nó bị nhiễu thì sao? Nắng bắt đầu chênh chếch. Hai người lên xe con bon về phía cửa khẩu đầu cầu... Dũng là một kẻ buôn bán thích chơi trò quân tử. Nhưng hơi thiên về ban bố, biểu diễn sự bao dung. Làm ăn với Dũng không sợ bị thua lỗ song phải chấp nhận mình luôn luôn chỉ là cái bóng mờ của anh ta. Bắt đầu thì thích. Có người lo hộ, nghĩ hộ, mình chỉ động đậy chân tay như chi tiết máy, làm gì không thích. Nhưng càng về sau càng thấy có cái gì cộm cấn không ổn. Phải mang cái ách con nợ hàm ơn, dẫu Dũng chưa một lần động chạm đến, đã quá tủi đối với gã rồi. Song lại thường xuyên bị sai phái điếu đóm thậm chí bị hạch sách mắng mỏ, mắng mỏ trước bất kỳ đối tượng nào thì quả gã không quen lắm. Tính khí từ bé gã đã vốn vậy. Nếu biết quen được thì giờ đây gã đã vốn vậy. Nếu biết quen được thì giờ đây đời gã đã không đến nỗi thế này. Tiền bắt đầu chảy vào túi nhiều hơn nhưng tình cảm huynh đệ chi binh giữa gã và bậc đàn anh cũng mỗi lúc theo đó mà vơi đi dần. Thoạt đầu là cái lối xử sự cực đoan, ráo hoảnh của Dũng đối với người đàn bà già nhân ngãi non vợ chồng đã cưu mang anh ta từ lúc mới ngơ ngáo bước ra khỏi cổng nhà tù. “Tôi không phải là kẻ làm thuê cho cô, một lần hắn nói, cho nên mọi chuyện bán mua lỗ lãi là do tôi chứ không phải cô cứ bai bải giành quyền quyết định.” “Không, em đâu có muốn nói ý đó - Người đàn bà hơn hắn vài ba tuổi nhăn nhó thanh minh - của cải của em cũng là của cải của Dũng, em chỉ muốn trong chuyện làm ăn, Dũng nên cân nhác, thận trọng hơn một tí, cứ làm ào ào như đánh trận vậy là dễ vấp lắm!” Hắn ngước mặt cười khấc lên một tiếng: “Vấp kệ tôi. Tôi vấp mãi rồi. Tính tôi không thích cái lối cò con kiểu đàn bà, chẳng bõ công. Nếu muốn, cô có thể thu lại xe, thu lại vốn, tách đôi tài sản, từ nay mỗi người mỗi ngả làm ăn riêng. Dính nhằng vào nhau mãi thế này, tôi thấy mệt rồi.” Người đàn bà quay đi, khóc nghẹn: “Dũng... Dũng sao nỡ nặng lời như thế với em? Dũng không hiểu lòng em ư? Đâu phải chỉ có chuyện tài sản, em muốn chúng mình gắn bó với nhau những chuyện... lâu dài hơn thế, gắn bó cả đời. Cho nên em chỉ muốn tranh thủ gom góp ít vốn rồi về phố mở cửa hàng mà sinh sống chứ đi lại mãi thế này, cũng cực nhục lắm. Chỉ vì em thấy mình lao vào những vụ buôn bán ô tô qua biên giới tuy có lời nhiều nhưng không bền, chưa nói đến chuyện sau này xảy ra cái gì thì lại...” “Cái gì mặc tôi. Thiên hạ, kể cả các đoàn thể cơ quan nhà nước vẫn đang lao ầm ầm vào kia kìa. Tôi làm tôi chịu. Tốt nhất là theo rồi nhân chuyện này, mạnh ai nấy đi, còn hơn là để đến lúc chán, không muốn nhìn mặt nhau nữa.“ Thấy người đàn bà chết sững, trong mắt hắt ra những tia sáng đau khổ không cùng, Lãm cầm lòng không đặng, bèn phải kéo bậc đàn anh ra một góc, lên tiếng: “Anh Dũng ạ! Chị Hoa nói đúng đấy. Và anh, đừng nói với chị ấy những lời như thế. Anh có thể máng, có thể đánh nhưng anh đừng... Nếu anh biết rằng chị Hoa yêu thương anh đến như thế nào thì...” Dũng vặc: “Thôi đi! Cậu biết gì mà nói? Chỗ của cậu là cứ im lặng kiếm tiền về cho vợ con, kiếm càng nhiều càng tốt và đừng táy máy hỏi kiếm bằng cách nào. Tôi không muốn cậu thở ra cái giọng giả nhân giả nghĩa ấy. Chẩm hết?” Thấy con mắt gã cứ mở trân trân nhìn mình hơi lạ. Dũng khẽ giọng nói thêm: “Vả lại, cậu còn ngây thơ không hiểu, tôi chán cô nàng rồi. Đêm nào cũng phải ôm cái đống thịt núng nính ấy vào lòng, ngấy lắm! Hiểu chưa?“ Làm sao có thể hiểu được? Gã cám mặt xuống mấy đầu ngón chân tơ tướp máu vì phải chỉ huy đoàn cửu vạn mang vác cắt rừng trốn thuế nhiều quá, không nói gì thêm. Thật lòng, nếu không phải là Dũng, con người đã hai lần cấp vốn làm ăn cho gã một cách quá ư hào hiệp thì ngay lúc này, cái dòng máu bất cần trong gã sẽ trỗi dậy để trở thành một sự đổ vỡ quan hệ khó bề cứu vãn. Quan hệ chưa đổ vỡ nhưng người đàn bà có cái vẻ đành hanh bề ngoài nhưng tốt bụng kia đã không còn có mặt với thày trò gã trong những chuyến ngược xuôi sau nữa! Việc thứ hai là cái cách Dũng đối xử với cánh cửu vạn. Gọi là cửu vạn, cái tên dễ làm cho người ngoài cuộc nhăn mặt quay đi, nhưng thực ra trong số họ có đày đủ các hạng người. Thất cơ lỡ vận có, đầu trộm đuôi cướp có, tiền án tiền sự nhiều nhưng có cả những giáo viên, sinh viên, cán bộ về hưu, bộ đội hết nghĩa vụ, những sĩ quan đã về già... Nó cũng tương tự như vùng đá đỏ. Thị trường biên cương sôi động. Nếu năm xưa nó thu hút tất cả những con người ưu tú lên đây, nó lại tiếp tục vẫy gọi với một ma lực mạnh hơn một lớp người khác để tiến hành cuộc chiến sinh tồn và sinh nhai không kém phần gay gắt. Trong số đó có một ông trung tá thương tật, chừng hơn năm mươi tuổi, nghe đâu quê ở một làng nghèo vùng đồi cọ trung du? Lúc đó không còn người đàn bà mà hắn đã chán ngấy xác thịt nữa, Dũng chuyển sang liên doanh làm ăn với một nữ băng trưởng khác nức tiếng khôn ngoan, táo bạo và sắt thép trong vùng. Chỉ hơi lạ là con người này mới có hai mươi hai tuổi, lại khá xinh đẹp thon thả, trông tưởng như một cô sinh viên dưới xuôi lên biên cương làm công việc khảo cổ. Hàng ngày cô tỏ ra dịu dàng, thậm chí đôi khi phảng phất nét mộng mơ. Nhưng bước vào cuộc đỏ đen sát phạt, cô ta lại biến thành một con người hoàn toàn khác. Chặt chẽ, lọc lõi, chuyên quyền và lạnh lẽo. Cái dạn dày táo tợn của Dũng khiến cô ta thích và thấy có thể kết hợp làm ăn được. Cũng như cái nét đẹp sơn nữ phiêu diêu của cô ta đã làm trái tim không bình thường của người tù mới thoát ra ngoài đời bị choáng ngợp. Cô có nhiệm vụ móc ráp hàng hóa từ bên kia về đổ cho Dũng rồi lại nhận hàng của Dũng bán qua bên kia đường biên. Bắn qua những con đường rừng, đường khe bí mật mà chỉ có cô và đội quân cửu vạn của cô mới biết được. Trường hợp ô tô có mang nhãn hiệu tư bản, cô sẽ tự thân đi móc nối với tất cả những cơ quan hữu trách bên này hay bên kia quốc gia, thậm chí đi vào tận Phòng Thành, Nam Kinh, Quảng Đông, Quảng Tây... để tìm mối tiêu thụ. Một chiếc xe gắn nhãn hiệu JAPAN qua biên giới lúc này, trừ khoản nọ khoản kia đi, cô và Dũng cũng cầm chác cái lãi dăm bảy chục triệu, tất nhiên Dũng cũng chỉ được hưởng một phần ba, phần tư. Lần ấy, người cửu vạn vốn là trung tá của một cơ quan tỉnh đội vừa về hưu, do tuổi cao sức yếu, do đường trơn dốc đứng không gượng nổi đã để vỡ một kiện hàng thủy tinh thuộc loại quý khi trượt chân ngã xuống. Cô ta xạm mặt lại, con ngươi chuyển màu xanh lét như mắt mèo: - Đồ ăn hại! Thế là đi tong cả vốn lẫn lãi của người ta rồi. cả triệu đồng, ông già lo mà đền đi! Không đền được, trở về kéo cả nhà lên đây mà làm trả nợ cho tôi. - Mong cô chủ bỏ quá cho lần này - ông già đứng cái dáng đứng của tội phạm, tiếng nói lào phào không còn hơi - Tôi sẽ làm để bù lại. Khổ! Tôi đâu có muốn thế. Chỉ tại cái chân bị thương ngày xưa... - Thôi đi! - Lưỡi cô rít quán lên - Mấy người lúc nào cũng mang cái sự đánh đẩm ngày xưa ra để chạy tội, để hù dọa, nghe chán tai lắm! Lúc đó, Dũng vừa đi tới. Đáng lẽ với tư cách là người trong băng, là một thứ cũng tạm gọi là ông chủ, anh ta gạt đi, nói hộ cho ông già mấy câu là xong: triệu đồng bạc (Cứ cho là như thế) có đáng là bao so với lượng hàng hàng trăm triệu đang xếp đống dưới chân kia nhưng Dũng lại đổ dầu thêm với cái nhếch miệng rảo hoảnh: - Rách việc! Đội hình cửu vạn của em phải sắp xếp lại đi, cứ để thế này, tiền lãi không bù đươc tiền tốn hao đâu. Thế là ông trung tá bị cho thôi việc ngay sau lần ấy, tất nhiên là tiền công mấy tháng coi như trừ sạch, chỉ còn đủ một chiếc vé tàu về quê. Thương tật, ruộng vườn không có, con cái đi xa, bà vợ quanh năm hen xuyễn, đồng lương hưu ba cọc, trở về nhà ông sẽ sống bằng gì? Câu hỏi ấy thúc mạnh vào ngực gã như đòi hỏi gã phải trả lời trước chính vợ con gã. Phun một bãi nước bọt đặc quánh xuống bãi bùn, gã cúi đầu đi ra cây cầu sập ngồi đốt thuốc một mình. Và trên đường về, qua ải Chi Lăng vách đá dựng thành, không chịu nổi sự dấm dứt quá thể trong đầu, càng không chịu nổi tiếng hát khê đặc đầy vẻ viên mãn của bậc đàn anh ngồi bên cạnh, gã đã buột miệng: - Xét đến cùng, anh là một thằng tồi, anh Dũng ạ! - Chú nói anh? - Dũng ngừng hát, tròn mắt. - Vâng. Rất tồi. - Chú ám chỉ chuyện hồi sáng? - Dũng cười khẩy - Thằng em bắt đầu trở giọng phán xét đàn anh từ lúc nào thế? Lần trước, chú tỏ ra hỗn, anh đã bỏ qua. Lần này... coi chừng đấy. Anh rộng bụng thật nhưng không thích sự quá trớn lắm đâu. Hiểu chưa, nhóc? Tất nhiên là gã hiểu. Hiểu cái thế của mình và hiểu cái bản chất công việc của đàn anh. Nhưng khốn nạn, cũng giống như lần trước, gã đành im lặng, ngoảnh mặt ra ngoài cho gió táp bớt cái ý muốn tung hê tất cả đi đang nóng rẫy trong đầu. Chỉ dừng lại ở đấy thôi thì quan hệ giữa hai người vẫn có cơ cứu vãn, Dũng cần gã và gã cũng cần Dũng, nếu như sáng ấy gã không vô tình gặp Loan và anh chàng giám đốc JVC của cô ta ngay tại chợ cửa khấu. Loan thì gã đâu có lạ. Là người đẹp của Hà Nội, lại được liệt vào hàng hoa hậu của phố nhà binh, ngày nào cũng cưỡi xe máy đan qua đan lại nơi ở nhớp nháp của vợ chồng gã thì làm gì gã không nhẵn mặt. Còn vị giám đốc trẻ trung để ria mép, đẹp theo kiểu nhà giàu siêu thị kia, hình như gã đã gặp một làn trong quán cà phê giữa phố? Hai người đi với nhau giữa chợ trời huyên náo như một đôi vợ chồng tư sản nước láng giềng sang đây thăm thú thị trường, lại tựa như một cặp tài tử màn bạc vừa từ Hà Nội hay Sài Gòn lên đây để quay một cảnh đường biên thời mở cửa. Nói tóm lại, đi đến đâu là họ để rớt lại phía sau mình những ánh mắt thèm thuồng pha lẫn ghen tị đến đó. Tất nhiên có cả ánh mắt của gã. Chỉ khác, với gã không chỉ đơn thuần có thế. Đậm hơn, bóng dáng hai người không thể không dội vào lòng gã những suy nghĩ nhói nhức về kiếp phận con người, về những phi lý và trái ngang không sao cưỡng nổi của cuộc đời. Gã chạnh buồn và bỗng thấy đầu óc oải ra, nhão chảy, chí khí sinh tồn chìm vào một khoảng trống hư vô nhạt thếch. Đang khi đó thì... - Ê! Anh bạn cùng phố - Tiếng Loan gọi lảnh lói về phía Dũng đang ghếch chân đứng tán phễu với mấy tay chủ hàng người Hoa - Xe có rỗi không? Nhận ra Loan, con mắt bạc nắng của Dũng tròn xoe chấp chới một chút rồi lại nở một miệng cười rất tươi sau hàng râu rậm cố tình không cạo: - A... Chào người đẹp! Người đẹp có điều gì sai khiến kẻ hèn này cứ nói, đấm vỡ mồm một vài thằng nào đó ra chẳng hạn? Loan nghiêm mặt lại trông rất hách: - Tôi hỏi xe có rỗi không? - Rỗi chứ - Dũng vẫn chả chớt - Mà dù không thì một khi bà chị đã hỏi thì đây bao giờ cũng có quyền trả lời là có. - Vậy anh chở cho tôi số hàng này về Hà Nội rồi chở một số hàng khác tương tự lên đây. Toàn đồ nhôm đồ gỗ, một triệu hai cả gói, được không? - Có hàng... lậu không đấy? - Dũng nháy mắt rất ranh. - Có hay không, anh không cần biết, việc của anh là chở và nhận tiền. - Oách nhỉ? Kinh đấy. Được rồi. Nói thật nhé đang rất bận nhưng mấy khi có dịp chiều lòng bà chị đồng phố nên ô kê, lần này, còn lần khác nữa, đúng không? - Rồi hắn quay lại Lãm, phảy tay như hiệp sĩ thách chiến vung cờ lệnh tiến vào cuộc thập tự chinh. - Ê, chuẩn bị lên đường, chú em! Đây là một cú mã hồi đột xuất hoàn toàn mang tính chất tình cảm, không cần tính lỗ lãi. Chuyển hàng lên xe đi! Cặp mắt Lãm chợt va phải cái nhìn của Loan. Cái nhìn là lạ, vừa tò mò vừa phân vân, vừa xen chút khinh thị. Cô kéo Dũng ra một chỗ, nói nhỏ. Nói nhỏ nhưng bằng vào đôi môi phơn phớt hồng đang mấp máy, gã cũng đoán hiểu ra cái nghĩa bên trong: - Cái tay này đi theo hàng đấy à?... Không được đâu. Dân đầu đường xó chợ, lấy gì đảm bảo? Mất một cái gì trong số đó là phá hợp đồng với người ta, gở chết! - Cứ yên trí bà chị ơi! Tôi, một khi đã chọn người là đã đảm bảo bằng... máu. Tuy là dân đầu đường xó chợ thật nhưng chú này không đến nỗi. Đầu đường xó chợ... Cái tiếng đó được bán vào gã hai lần khiến đầu óc gã nóng phục lên. Và lần thứ ba là cái gật đầu dửng dưng của viên giám đốc khi cô ta đi đến nói khẽ vào tai ông ta câu gì đó, đã nổ toác trong ngực gã. Phun mạnh khẩu mía đang nhai dở xuống đất, gã lầm lầm bước tới, tiếng nói đục ngầu: - Các người muốn làm gì, muốn nói gì thì kệ mẹ các người, nhưng tôi cấm không được đụng đến vợ con tôi. Các người đã biết gì về tôi, về vợ con tôi mà dám ăn nói bố láo như thế, hả? - Rồi gã quay qua Hùng lúc ấy đang tỏ ra hết sức bối rối - Còn ông nữa, ông giám đốc ạ! Nghe nói ngày xưa ông cũng đã từng là lính, nhưng không phải bây giờ trơn lông đỏ da rồi là ông có thể nhìn xuống với những người lính khác được đâu. Tôi cấm! Giọng gã mỗi lúc một rung lên, mặt tái nhợt, tưởng chừng chỉ cần một câu xúc phạm nữa là gã có thể nhảy bổ vào cắn nát cổ từng người ra được. Viên giám đốc càng tỏ ra lúng túng; nhún vai lắc đầu cười thiểu não: - Xin lỗi tôi... chúng tôi không có ý nói thế. Thực lòng chúng tôi chỉ nghĩ là... Dũng chen vào giữa, cười khà khà, gạt đi: - Chuyện vặt, lỗi liếc gì? Còn chú - Dũng lạnh mặt, trông rất ác - Từ nay đối với khách hàng của tôi, dù bất kì họ là ai, chú nên tỏ ra lễ độ. Giọt nước cuối cùng đã làm tràn cốc, gã trừng mắt lại, nhìn còn có phần cô hồn hơn: - Lễ độ cái con c. Tôi chán ngấy anh rồi! Anh đừng tưởng cứ cầm được đồng tiền là muốn làm gì thì làm đâu. Anh đi mà bợ đỡ bọn nhà giàu, còn tôi, thế là đủ. Nợ anh, tôi sẽ trả sau, trả cả vốn lẫn lãi, sòng phẳng. Nói xong gã bỏ đi luôn. Thế là chấm dứt giai đoạn tập làm thương nhân của đời gã. Gã không tiếc, chỉ buồn. Từ bé, xem tướng mạo, cha gã đã bảo số gã không có cung thương phù trợ, tiền định đã an bài như vậy rồi, buồn mà làm gì? Riêng với Dũng, gã chỉ hối tiếc mình đã hiểu sai, tin sai một con người. Tưởng rằng sau chín năm tù đày, ra tù, anh ấy sẽ sống cẩn trọng hơn, ưu ái với con người hơn, vậy mà... Chả lẽ trong những năm tháng mài nanh mài vuốt trong song sắt ấy đã tạo cho Dũng một thói quen tàn nhẫn như thế ư? Hay là tại cái cuộc đời gầm gao thú dữ hôm nay?... Gã không biết và cũng không hề muốn biết. Cái đầu trống trải lâu nay của gã chẳng cho gã có dịp đào sâu vào những khía cạnh rối rắm của sư đời.