CHƯƠNG 33

     ần bốn năm sau, kể cả cái buổi tối xua đuổi ấy, đêm nay Lãm mới quyết định về thăm bố. Thực ra, sau khi nghe chị hàng chè chén ân cần thông báo bố có nhiều bận đi tìm; vào những ngày giỗ ngày Tết, anh vẫn bảo vợ về với bố một chút, lần sau về cũng làm đầy đủ phận sự của dâu con trước gia tiên, tổ tông. Chỉ đến hôm nay, sau khi được tin anh công an đường phố nói bố bị mệt hơi nặng, anh mới quyết định quay lại ngôi nhà phong rêu, lưu dấu cả một thời tuổi nhỏ thơ mộng và nhọc nhằn. Cùng đi với vợ chồng anh, còn có cả anh công an có dáng người dặt dẹo.
 - Này anh - Lãm nói vui - Sao anh không đi thăng thẳng lên một chút mà lại lúc nào cũng như bước một chân trên hè, một chân dưới rãnh thế?
 - Quen rồi - Anh công an cười hiền lành - Hơn hai chục năm làm cái nghề tuần đêm, sợ kinh động giấc ngủ của mọi người, lại sợ kinh động cả kẻ gian, mình cứ phải đi nhẹ chân như vậy - Anh cười cái nữa - Làm thằng đàn ông mà để vợ nó bỏ thì còn sung sướng nỗi gì mà thẳng với chả căng, ông!
 Cả hai vợ chồng đều cười. Từ ngày không còn là đối tượng cẩm cảu và xua đuổi mang tính chất thuần phong và mỹ quan an ninh nữa, quan hệ giữa họ ngày càng trở nên thân mật và rất đỗi bình đẳng. Hơn thế, trong những lần đầu gặp gỡ tình cờ, thái độ, cách nói năng, xưng hô của người cảnh sát nhân dân đối với Lãm lại có phần nể trọng. Thứ nể trọng vừa là bản năng vừa có phần suy xét, vừa dựa vào giá trị thật của nhân cách Lãm vừa không tách rời khỏi những gói thuốc, những chầu bia do Lãm thật tình tung ra.
 Nhà đây rồi. Chao ôi! Phố cũ cảnh xưa, chỉ cách phố nhà binh có vài ba cái đầu đường mà nơi đây vẫn âm thầm tĩnh lặng quá thể! Nhà kín cổng, tường kín rào, dãy bang đứng trầm mặc trong bóng tối. Ngọn đèn dầu bán thuốc nơi mép hè không có người qua lại. Đến tiếng chó sủa nhà ai cũng tác nghẹn hay xì xào như gió. Thì ra cơn bão thị trường dù mạnh dường ấy nhưng không phải đã thôi thốc được vào tất cả mọi nơi. Nơi nào náo hoạt thì cực kỳ náo hoạt, nơi nào yên tĩnh thì lại càng yên tĩnh, như là một sự bù trừ, một nét cân bằng sinh thái của muôn sự ở đời. Như sác màu và hương vị cổ kính đất ngàn năm chưa hề mất hết, thậm chí nó còn được cái gam màu chói chang kia tương phản trở lại để trở nên thâm sâu hơn.
 - Anh Lãm này - Tiếng người công an trở nên lắng dịu - Hóa ra mọi sự buồn vui của những con người, những gia đình của Hà Nội ta lại phụ thuộc hoàn toàn vào số phận những con đường nhỉ?
 Đường gì? - Anh hỏi nhưng mắt cứ dán vào cái cánh cửa nặng nề đang sáp sửa bước đến.
 - Đường mới mở. Đây nhé, anh đang nhì nhằng giữa bãi hoang, giữa mương máng, suốt đêm nghe toàn tiếng chẫu chàng, trẻ con thò lò mũi chạy chân đất đến trường; vậy mà đến đùng một cái, một con đường nhựa, đường cao tốc hai luồng chạy qua, thế là nhà anh trở thành biệt thự, có thể bán được hàng trăm, hàng ngàn cây. Trong khi đó, nhà khác, đang mặt tiền, buôn bán như hốt của, cũng đến đùng một cái, cái người ta mở rộng đường, như cái phố ta ở nghe nói cũng sắp mở, thế là mất trắng!
 - Này! Có khi ông bỏ nghề chuyển sang làm nghề viết phóng sự được đấy. Đi nhiều, biết nhiều, lại toàn vùi đầu vào những cảnh đời khuya khoắt, vốn sống và cảm xúc tha hồ mà bao la, các bố nhà văn thứ thật có ước cũng chả được.
 - Gớm! - Anh công an khịt khịt mũi - ông Lãm dạo này vui tính ghê, chỉ được cái đùa dai! Thôi, đến rồi, ông bà vào, tôi lại đi làm tiếp nhiệm vụ của tôi. Lát nữa đi qua, tôi gọi.
 ... Được anh cảnh sát có nhã ý báo trước nên Lãm chưa kịp gõ thì cánh cửa gỗ lim nặng nề đã hé mở. Một khuôn mặt thiếu phụ hao hao giống khuôn mặt Lãm với vẻ buồn phiền cố hữu ló ra. Bật reo một tiếng gọi vào trong:
 - Thầy ơi! Em Lãm con nó về đây này!
 - Thôi, cứ để thầy nằm nghỉ chị ạ!
 Lãm nói và đẩy cửa bước vào. Căn phòng vẫn thế, thậm chí mốc mác xỉn màu hơn. Dường như thời gian hoàn toàn lắng tụ ở đây với cái mùi ngai ngái của những thứ đồ gỗ trộn hòa vào các mùi vị khan khan của chăn đệm người già. Cha anh đang nằm nghiêng người trên chiếc tràng kỷ. Không hiểu tiếng ông cụ thở nhọc nhằn qua lỗ mũi hay tiếng mọt kêu ở chân ghế mà trong nhà cứ vang lên cái âm thanh ri ri rất dai dẳng, ông cụ đã già lắm, tóc bạc trắng, gợi lên hình ảnh ông thầy đồ vẽ tranh Tết ở bờ hồ đang nằm nghỉ trưa.
 Nhìn thấy con, cặp mắt lờ đờ chỉ hơi sáng lên một chút và giọng nói thì gàn như rơi ra ở ngay trước cửa miệng:
 - Lãm đã về đấy ư con?... Vợ con nó có cùng về không?
 Cô vợ ăn vận một bộ quần áo nền nã theo đúng lối ăn vận của các mợ tân thời của Hà Nội xưa, nhẹ chân bước đến và kín đáo ngồi nửa người xuống mép giường, hai tay chắp lên ngực:
 - Thưa thầy, con đây ạ! Thầy tha tội cho con hôm nay mới đến thăm thầy.
 - Cô có được khỏe không?
 - Thưa thầy con vẫn được bình thường. Thầy ốm thế nào ạ? Đã có thuốc thang gì chưa? Nghe tin con và nhà con sốt ruột quá!
 - Ôi dào! Tuổi già ấy mà - ông cụ nói nhưng mắt vẫn đăm đăm nhìn về hướng con trai đứng đằng sau - Chỉ cần cơn gió là ngã bệnh ngay thôi. Sao không cho hai cháu về?
 - Dạ - vẫn tiếng cô con dâu trả lời ngọt lịm - Hai cháu đi học thêm. Chủ nhật này con sẽ cho chúng đến thăm ông. Thầy, chúng con mang đến biếu thầy ít thang thuốc bổ đặc biệt, nhà con nhờ người quen cắt ở tận bên Nam Ninh.
 - Ôi dào! Anh chị cứ vẽ chuyện.
 Nói vậy nhưng cô con dâu chợt thấy gò má ông giật giật. Biết ý, người vợ lảng sang giường bà chị chồng ngồi chơi với thằng cháu đang trớn mắt ra nhìn ông cậu lần đầu đến nhà. Còn lại mình Lãm, anh ngồi xuống cạnh bố, nói nhỏ:
 - Thầy... thầy tha lỗi cho con. Bận quá, mãi đến giờ con mới về thăm thầy được.
 Ông già run run nắm lấy tay con, giọng thoảng đi:
 - Thầy mới là người có lỗi. Lỗi lớn lắm nhưng con về được thế này là thầy mừng, thấy trong người khỏe lại. Thầy biết con không bận đến thế đâu... Chỉ tại vì con cũng giống thầy, con cố chấp... Yên, để cho thầy nói - ông bật ho lên mấy tiếng - Họ nhà mình ai cũng thế nên mới khổ. Mình muốn khí khái, muốn khư khư giữ lấy cái nền nếp cổ truyền nhưng xung quanh họ có cho giữ đâu! Những người bề trên có cho mình giữ đâu. Thế là cha con khục khặc, các gia đình phân ly. Thầy biết mình đã lỗi thời nhưng thầy vẫn mong...
 Lãm cẩn thận đỡ cha ngồi dây, lấy gối kê lưng cho ông tựa vào thành giường:
 - Thôi thầy ạ, nghĩ mãi đến chuyện ấy làm gì. Nếu cần nghĩ, tụi con chỉ nghĩ mỗi điều: tại sao cái nhục mất nước ta không chịu được mà cái nhục đói nghèo lại chịu dễ dàng đến thế? Nghèo là khổ nhục, là hèn, hèn cả thành phố, hèn cả dân tộc. Như vậy làm sao còn đủ tự trọng để giữ được cái cổ truyền nữa hả thầy?
 Ông bố nhìn chăm chăm vào con giây lâu rồi nhẹ gật đầu:
 - Cuộc đời cũng đã dậy con được khối điều ra rồi đấy nhỉ? Thầy vui là con biết nghĩ ngợi nhưng...
 - Thôi, mọi chuyện còn phải nghĩ ngợi nhiều và thời gian sẽ trả lời cho mọi nhẽ - Lãm đứng dậy - Hôm nay vợ chồng con tới đây muốn thưa với thầy một chuyện: do nội dung làm ăn phải đi lại, giao tiếp nhiều, mặc dầu rất muốn nhưng chúng con và các cháu không thể về đây với thầy như lời thầy nói được. Con định thế này, hiện tại chúng con mới mua được mấy trăm thước đất ở mạn Xuân Đỉnh, sẽ xây ở đó một cái nhà nhỏ theo kiểu cổ. Con mời thầy và chị về đó ở. Nhà cạnh hồ, khí hậu mát mẻ, đất rộng và sẵn có vườn tược để thầy chăm nom cho đỡ buồn. Hơn nữa, dù sau này đó có thành một quàn thể du lịch quốc tế đắt hơn vàng thì khung cảnh ấy cũng họp với thầy hơn.
 Người chị gái đi đến gần bố, nét mặt ràng rạng:
 - Phải đấy thầy ạ! Con chỉ cần trồng thêm vài trăm gốc hồng xiêm là thừa sống. Cái nhà này bán đi để thầy lấy tiền đi dưỡng tuổi già. Con sợ ở phố lắm rồi! Con người đối xử với nhau chả ra làm sao, cứ ào ào lấy được. Con đồ rằng rồi ra cái phố này cũng sẽ huyên náo bán mua chẳng kém gì cái phố nhà binh kia đâu. Phải không đồng chí... cảnh sát?
 Vừa bước vào, bị hỏi bất ngờ, viên cảnh sát đường phố lúng túng không ra gật, không ra lác. Thiếu phụ cười. Anh ta cũng ngọng nghịu cười theo. Một người vợ bỏ, một người chồng rẫy, hai nét mặt tồi tội, hai cái cười mới giao cảm và thể tất làm sao?
 - Thầy nghĩ rồi - ông cụ bật ra một tiếng ho khan nữa - Các con cứ để thầy ở đây. Quen rồi, nhiều kỷ niệm lắm, vả lại còn bàn thờ ông bà, tổ tiên mà chắc là không dưới năm đời, các cụ đã đi ra đi vào căn nhà này. Còn mấy năm nữa, thầy không thể bỏ đi, dẫu rằng tới đây nó có thay đổi dạng thế nào. Yên tĩnh là tự như lòng mình các con ạ!
 Vâng, thầy cứ suy nghĩ, con không dám ép. Chỉ xin thầy chấp nhận cho chúng con được cái bổn phận chăm nom phụng dưỡng thầy hàng tháng thay vì cái đồng lương hưu quá... ít ỏi của thầy.
 - Cám ơn anh chị đã nghĩ đến tôi. Nhưng cứ như thế này, tôi thấy tạm đủ rồi. Anh chị cứ để đó, khi nào cần, tôi sẽ nhờ vả - ông lại rờ rẫm nám lấy bàn tay con - Thầy chỉ dặn một điều: tới đây rồi cuộc sống chắc biến động nhiều, làm gì thì làm, các con cũng đừng để rơi rụng mất cái nề nếp, cái đạo lý của gia đình, dòng họ, của cái nơi chốn ven sông Nhị này. Nếu có đòi hỏi điều gì thì thầy chỉ xin đòi hỏi điều ấy. Mỗi tuần nhớ cho các cháu đến thăm ông nội một lần. Nhớ chúng nó lắm... cả hai đứa đều được sinh ra thật khổ sở...
 Nói đến đó nước mắt ông chảy ra. Chị vợ Lãm cũng quay đi chấm nước mắt. Người bố chồng đã nhắc đến cái phần mềm nhất trong lòng người mẹ đã sinh hạ những đứa con trên hè đường.
 ... Ra đến đường, anh công an húng hoắng ho một chập rồi mới đánh tiếng:
 - Này, ông Lãm này...
 - Anh đi làm tiếp phận sự hả? Hẹn gặp lại nhá!
 - Không tôi muốn... muốn...
 - Anh cứ nói thẳng ra đi!
 - Là tôi muốn nói tôi cũng lớn tuổi rồi, sức khỏe lại không tốt lắm, ngày nào cũng cơm đường cháo chợ, đêm nào cũng bước thấp bước cao, mệt rồi.
 - Tức là anh muốn sống có đôi chứ gì? - Lãm ranh mãnh nháy mắt sang vợ.
 - Không... cái ấy rồi cũng phải có nhưng khoan đã. Tóm lại là tôi muốn... Nhìn chung là tôi muốn nghỉ.
 - Thì anh cứ việc nghỉ!
 - Nếu ông thương tôi, thương... chị của cháu của ông thì...
 - Cái anh này buồn cười! - Lãm lại nhìn vợ - Chị tôi thì có can hệ gì vào đây?
 - Cho tôi lên trông cái nhà ở Xuân Đỉnh cho ông - Người cảnh sát nói lướt đi - Trông đàng hoàng, cả một đời làm cảnh sát an ninh mà chả lẽ trông có cái nhà không xong à? Trả lương cho tôi không thành vấn đề, miễn là đủ sống. Có... có được không?
 - Không - Lãm trả lời luôn - Phố xá hiện đang cần anh ở trên đó. Phố càng náo lại hoạt càng cần những người biết lủi thủi như anh. Thế này nhé, anh cứ tiếp tục tận tụy như cũ, cái chỗ ven hồ kia tôi hứa sẽ để cho anh nhưng là chuyện của mấy năm nữa. Thử tưởng tượng xem, nếu những căn phố này bỗng thiếu đi cái dáng tuần tra đêm lụi hụi của những người như anh thì nó sẽ buồn đi biết chừng nào. Tôi nói thực lòng đấy.
 - Thực lòng? - Anh cảnh sát cười hì hì - ông chỉ được cái... hay đùa dai!