thị trấn N có nhiều hiệu cắt tóc và văn phòng mai táng đến nỗi tưởng chừng dân cư thị trấn này sinh ra chỉ là để cạo râu, xức nước hoa lên đầu rồi chết ngay tức khắc. Song trên thực tế, ở thị trấn N người ta sinh ra, cạo râu và chết rất ít. Sinh hoạt của thị trấn N hết sức bình lặng. Những buổi chiều mùa xuân làm say lòng người, bùn lấp lánh dưới ánh trăng như đá ăngtơraxít, và toàn bộ nam nữ thanh niên thị trấn mê mẩn cô thư ký công đoàn sở công chính đến mức điều đó cản trở cô thu tiền hàng tháng.
Vấn đề tình yêu và chết chóc không làm cho Ippolit Matveevich Vorobjaninov bận tâm, mặc dù do tính chất công tác của mình, ông phụ trách những vấn đề ấy từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều mỗi ngày. Tính cả nửa tiếng nghỉ ăn sáng.
Sáng sáng, sau khi uống cạn xuất sữa nóng của mình đựng trong chiếc cốc lạnh buốt có vân do bà Klavdina Ivanovna đưa, từ trong ngôi nhà nhỏ tranh tối tranh sáng, ông bước ra đường phố thênh thang tràn ngập ánh sáng mùa xuân kỳ diệu. Đường phố này mang tên đồng chí Gubernxki, hay nôm na hơn – phố đồng chí tỉnh trưởng. Đây là đường phố lý thú nhất trong những đường phố thường thấy ở các thị trấn. Bên trái, sau cửa kính màu xanh lá cây lượn sóng, thấy những chiếc quan tài của văn phòng mai táng “Nimfa” óng ánh bạc. Bên phải, đàng sau cái cửa sổ nhỏ đã bong hết mát-tít, là những chiếc quan tài gỗ sồi bụi bặm và tẻ nhạt của tay thợ làm quan tài Bejentruc xếp thành đống cau cau có có. Tiếp theo đó là hiệu cắt tóc kiêm chữa bệnh của Pie và Konstantin “hứa hẹn với khách hàng sẽ săn sóc chu đáo” “đến từng cái móng tay” và “sẵn sàng tới phục vụ tại gia”. Xa hơn nữa là khách sạn có phòng cắt tóc, và liền sau đấy, trên một khoảng đất rộng, một con bê màu vàng nhạt thong thả đứng liếm một tấm biển bằng tôn gỉ, gá vào cánh cổng long mộng, trên đề
VĂN PHÒNG MAI TÁNG
“XIN MỜI”
Dịch vụ mai táng thôi thì nhan nhản chỗ này chỗ kia, mà khách hàng nào có mấy ai. Cái văn phòng “XIN MỜI” này đã bị phá sản từ ba năm trước khi Ippolit Matveevich đến định cư tại thị trấn N, còn lão thợ săng Bejentruc thì lúc nào cũng say mèm và đã có lần cố đưa chiếc quan tài đẹp nhất của mình đến hiệu cầm đồ.
Dân chúng ở thị trấn N chết thưa quá, và Ippolit Matveevich biết rõ điều đó hơn ai hết, bởi lẽ ông làm ở phòng hộ tịch, phụ trách bàn đăng ký khai tử và giá thú.
Cái bàn, nơi Ippolit Matveevich ngồi làm việc, giống như một tấm bia mộ cũ kỹ. Góc trái của nó đã bị bầy chuột thủ tiêu. Bốn cái chân còm cõi của nó run rẩy dưới sức nặng của một đống cặp giấy màu thuốc lá, trong đó ghi rõ mọi tư liệu về gia phả của dân cư thị trấn N, về những cây gia hệ từng mọc trên mảnh đất khô cằn này.
Sáng thứ sáu, ngày 15 tháng tư năm 1927, Ippolit Matveevich như thường lệ, thức dậy vào lúc bảy giờ rưỡi và lập tức đút mũi vào chiếc kính kẹp mũi cổ lổ sĩ gọng vàng. Ông vốn không đeo kính. Một hôm nghĩ rằng dùng kính kẹp mũi là mất vệ sinh, Ippolit Matveevich đến hiệu kính mua một cặp kính không gọng, vòng mắt mạ vàng. Lần thứ nhất đeo kính, ông lấy làm mãn nguyện, nhưng vợ ông (điều này xảy ra trước khi bà qua đời ít lâu) thấy rằng khi đeo kính ông giống Miliukov
(1) như đúc, thành thử ông đành đem cặp kính cho ông lão quét sân. Ông lão quét sân tuy chẳng cận thị, song đã quen với kính, nên rất vui lòng đeo cặp kính ấy.
– Bông-giua! – Ippolit Matveevich vừa thả chân xuống đất vừa tự chào bản thân mình. “Bông-giua” có nghĩa là Ippolit Matveevich thức dậy với tâm trạng sảng khoái. Nếu khi tỉnh giấc mà ông thốt ra hai tiếng “gút-mooc-gen” thì có nghĩa là lá gan hơi đau, và năm mươi hai tuổi đầu không phải chuyện đùa, vì thời tiết hôm nay ẩm ướt.
Ippolit Matveevich xỏ cặp giò khẳng khiu vào chiếc quần có từ thời trước thế chiến, thắt nút ống quần ở chỗ mắt cá chân, rồi thả đôi bàn chân vào đôi ủng mềm, ngắn cũn cỡn, mũi vuông. Năm phút sau, Ippolit Matveevich thắng xong chiếc gi-lê màu trắng, điểm các ngôi sao bạc và chiếc vét-tông kẻ ô nhiều màu. Phủi khỏi mái tóc bạc của mình những hạt nước bám vào trong lúc rửa mặt, Ippolit Matveevich giận giữ ngọ ngoạy cặp ria, do dự lấy tay xoa xoa chiếc cằm vừa cạo râu, dùng bàn chải lướt nhẹ trên mái tóc màu nhôm cắt ngắn, mỉm cười cung kính và ra đón bà mẹ vợ – bà Klavđia Ivanovna đang bước vào trong.
– Eppole-et – tiếng bà mẹ vợ vang như sấm – đêm qua tôi nằm mê ghê quá.
Chữ “mê” được phát âm theo kiểu tiếng Pháp.
Ippolit Matveevich nhìn mẹ vợ từ trên xuống dưới. Chiều cao của ông lên đến một trăm tám mươi lăm centimet, và từ độ cao ấy, ông dễ dàng cư xử với bà nhạc bằng thái độ coi thường.
Klavđia Ivanovna nói tiếp:
– Tôi mê thấy con Mari quá cố hiện ra với mái tóc bù xù và thắt chiếc dây lưng vàng.
Giọng nói nổ to như đại bác của bà Klavđia Ivanovna làm rung bần bật cái chùm đèn bằng gang, chụp bằng thủy tinh.
– Tôi lo quá. Chỉ sợ xảy ra chuyện gì thì khổ.
Mấy tiếng cuối cùng phát ra mạnh đến nỗi mớ tóc trên đầu Ippolit Matveevich tõe dạt về mấy phía liền. Ông nhăn mặt mà nói rành rọt.
– Chẳng sao đâu, mamăng ạ. Mamăng đã trả tiền nước tháng này chưa?
Thì ra tiền nước chưa trả. Giày cũng chưa lau chùi. Ippolit Matveevich không ưa bà mẹ vợ của mình. Klavđia Ivanovna là kẻ đần độn, và tuổi tác của bà không cho phép hy vọng rằng đến lúc nào đó bà sẽ trở nên thông minh hơn. Bà keo kiệt đến tột bực, và chỉ có cái nghèo của Ippolit Matveevich mới không để cho thứ tình cảm ấy lan rộng ra. Giọng nói của bà mạnh và đậm đặc tới mức Risớt Tâm Sư phải ghen tị, mặc dù như đã biết, tiếng hét của Tâm Sư khiến bầy ngựa phải khuỵu chân xuống. Ngoài ra, cái đáng sợ nhất là Klavđia Ivanovna nằm mê. Đêm nào bà cũng nằm mê. Bà mê thấy những cô gái thắt dây lưng, những con ngựa đóng đai vàng, những bà lao công chơi đàn hạc, những người Arkhanghen mặc áo tu-lúp đêm đêm vác mõ đi canh, những đôi que đan tự chúng nhảy nhót trong phòng và phát ra những tiếng rên não nề. Bà Klavđia Ivanovna đúng là một mụ già rỗng tuếch. Thêm vào tất cả các khoản ấy, phía dưới mũi bà lại nổi lên một túm râu, và mỗi sợi râu giống hệt một cái chổi cạo râu.
Ippolit Matveevich hơi bực mình bước ra đường.
Lão thợ đóng quan tài Bejentruc khoanh hai tay đứng tựa vào khung cửa trước cơ ngơi lụn bại của lão. Vì những sáng kiến kinh doanh của lão bị phá sản một cách có hệ thống, vì liên tiếp nhiều năm đưa vào cơ thể một loại nước uống cháy bỏng ruột gan, cặp mắt lão vàng ệch như mắt mèo và lúc nào cũng bốc lửa ngùn ngụt. Trông thấy Ippolit Matveevich, lão nói to liếng thoắng:
– Kính chào vị khách quý! Chúc mừng ông buổi sáng tốt lành!
Ippolit Matveevich lịch sự khẽ nhấc chiếc mũ bẩn thỉu trông như trái đu đủ lên.
– Xin phép hỏi ông sức khỏe cụ nhạc thế nào ạ?
– Mr... mr... mr... – Ippolit Matveevich hầm hừ trong miệng, nhún đôi vai thẳng và đi tiếp.
– Cầu mong cho ông mạnh khỏe nhé – Bejentruc cay đắng nói, – bạn bè hồi này làm ăn thua lỗ quá trời!
Đoạn lão khoanh tay trước ngực, tựa lưng vào khung cửa.
Đến cổng văn phòng mai táng “Nimfa”, Ippolit Matveevich lại bị giữ chân một lát.
“Nimfa” có 3 ông chủ. Họ lộn xộn cúi chào Ippolit Matveevich và đồng thanh thăm hỏi sức khỏe bà mẹ vợ của ông.
– Vẫn khỏe, khỏe, – Ippolit Matveevich đáp – Chả sao cả! Đêm qua bà già nằm mê gặp một cô gái tóc vàng bù xù. Nằm mơ ấy mà.
Ba ông chủ “Nimfa” đưa mắt nhìn nhau, thở dài rõ to.
Tất cả những câu chuyện ấy khiến Ippolit Matveevich đến sở hơi muộn, và trái với lệ thường, lúc ông làm việc, thì chiếc đồng hồ treo tường phía trên treo khẩu hiệu “Làm xong việc hãy về” đã chỉ mười giờ kém năm.
Vì Ippolit Matveevich dáng người cao, đặc biệt vì bộ ria của ông, mà mọi người ở sở gọi ông là Matsist, mặc dù Matsist thật ra không hề có ria.
Ippolit Matveevich lấy trong ngăn kéo bàn ra một cái gối nhỏ bằng nỉ xanh, đặt xuống ghế, trông cao hơn ba người đồng sự của mình một chút. Ippolit Matveevich không sợ bệnh trĩ, chỉ sợ mòn đũng quần nên phải sử dụng gối nỉ xanh.
Có hai người trẻ tuổi – một đàn ông và một cô gái – e lệ theo dõi cử chỉ của viên công chức xô viết. Người đàn ông mặc chiếc áo vét-tông sợi bông, hoàn toàn bị ức chế vì không khí công vụ, vì mùi mực alijarin, vì chiếc đồng hồ đang thở dồn dập nặng nề, và nhất là vì khẩu hiệu nghiêm trang “Làm xong việc hãy về”. Mặc dầu người đàn ông chưa bắt đầu công việc của mình, xong đã muốn ra về rồi. Anh ta cảm thấy cái công việc mà vì nó anh ta phải tới đây, quá ư nhỏ bé, không đáng làm bận tâm một công dân chững chạc tóc bạc như Ippolit Matveevich. Riêng Ippolit Matveevich cũng hiểu rằng, công việc của khách kia là nhỏ bé, có chờ đợi cũng chẳng sao, bởi vậy, sau khi mở cặp giấy N
o2 và lấy bàn chải phủi bụi, ông chúi đầu vào mớ giấy tờ. Cô gái mặc chiếc áo jac-két dài, có đính giải ruy băng màu đen lấp lánh, thì thầm gì đó với người bạn đường, đoạn cô thấy nóng người lên vì xấu hổ, cô bèn từ từ tiến về phía Ippolit Matveevich.
– Đồng chí ơi, – Cô nói, – ở đây chỗ nào...
Anh đàn ông mặc áo vét-tông thở dài nhẹ nhõm và, – bất ngờ với chính mình, – bỗng thốt lên:
– Khai...
Ippolit Matveevich chăm chú nhìn thanh sắt chắn ngang chỗ cặp trai gái đang đứng.
– Sinh hay tử?
– Khai giá thú ạ, – anh đàn ông nói và bối rối nhìn quanh. Cô gái đỏ mặt. Công việc trót lọt rồi. Ippolit Matveevich bắt tay vào việc với sự khéo léo của nhà ảo thuật. Bằng nét chữ của một ông già, Ippolit Matveevich ghi tên đôi vợ chồng kia vào mấy cuốn sách dày, nghiêm trang căn dặn mấy người làm chứng – cô gái phải chạy ra mời họ vào – ông thở rất lâu và nhẹ vào con dấu vuông, rồi hơi nhỏm dậy, đóng dấu vào hai tấm thẻ căn cước nhàu nát. Sau khi nhận hai rúp của hai vợ chồng mới cưới và trao hóa đơn cho họ, Ippolit Matveevich vừa nói vừa cười khẩy: “Cước phí làm lễ đây” – đoạn đứng thẳng người dậy, theo thói quen ưỡn ngực ra (hồi trước ông vẫn mang áo nịt ngực để chỉnh hình). Những tia sáng mặt trời màu vàng đọng thành vệt to trên hai vai ông như gù vai. Dáng điệu ông buồn cười, nhưng long trọng lạ lùng. Hai mắt kính lồi của chiếc kính kẹp mũi phát ra thứ ánh sáng trắng tựa đèn pha. Cặp vợ chồng đứng như hai con cừu non.
– Này anh chị, – Ippolit Matveevich tuyên bố ngạo nghễ – cho phép tôi chúc mừng hai anh chị, như ngày xưa vẫn nói, nhân dịp hôn thú hợp pháp. Rất, rất vui mừng được nhìn cảnh những người trẻ trung như hai anh chị khoác tay nhau đi tới lý tưởng vĩnh cửu. Rất chi là vui mừng!
Đọc xong bài diễn văn ấy, Ippolit Matveevich bắt tay cặp vợ chồng mới, rồi ngồi xuống, hài lòng về bản thân mình, ông tiếp tục đọc các thứ giấy tờ để trong chiếc cặp N
o2.
Ở bàn bên cạnh, các đồng sự chấm bút vào lọ mực kêu cạch cạch.
Một ngày làm việc yên tĩnh bắt đầu. Không một ai đến quấy rầy bàn đăng ký khai tử và kết hôn nữa. Nhìn qua cửa sổ thấy rõ thành phố co ro vì giá lạnh mùa xuân đang vội vã tản về nhà mình. Đúng giữa trưa, con gà trống ở hợp tác xã “Cày và Búa” cất tiếng gáy. Chẳng ai ngạc nhiên về điều đó. Sau đấy vang lên tiếng động cơ phành phạch, lọc xọc. Từ đường phố Guberski đùn ra một cụm khói dày đặc màu tím. Tiếng động cơ to dần. Lát sau trong khói hiện ra đường nét chiếc ô tô Gos N
o1 của ủy ban hành chính thị trấn, với cái két nước nhỏ xíu và cái mui xe cồng kềnh. Chiếc xe chao đảo trong bùn, chạy xuyên qua quảng trường Staropan rồi ngật ngưỡng mất hút trong khói độc hại. Mấy nhân viên còn đứng rất lâu bên cửa sổ để bình luận về sự việc vừa xảy ra và đặt nó vào mối liên hệ với khả năng tinh giảm biên chế. Ít phút sau đó, thấy lão thợ Bejentruc thận trọng đi qua chiếc cầu gỗ. Suốt ngày lão lân la khắp thị trấn để thăm dò xem có ai chết hay không.
Ngày làm việc sắp hết. Ở tháp chuông màu vàng pha trắng bên cạnh, người ta đang kéo chuông hết sức bình sinh. Cửa kính rung bần bật. Từ nóc tháp chuông, lũ quạ tóe ra, lượn vòng trên quảng trường rồi bay đi. Bầu trời buổi chiều như đóng băng lại phía trên quảng trường vắng ngắt.
Ippolit Matveevich đã đến lúc ra về. Tất cả những gì có ra đời trong ngày hôm nay đều đã ra đời và đã được ghi vào những cuốn sổ dày. Hết thảy những người muốn kết hôn đều đã khai giá thú và cũng được ghi vào những cuốn sổ dày. Và tai hại thay cho cánh thợ làm quan tài là chẳng có trường hợp nào báo tử cả. Ippolit Matveevich xếp hồ sơ lại, cất vào ngăn kéo chiếc gối nỉ, dùng lược chải ria cho toe rộng và đang sắp sửa ra về với mơ ước được ăn món súp nóng bỏng miệng thì cửa văn phòng mở toang và trên ngưỡng xuất hiện lão thợ săng Bejentruc.
– Chào quý khách – Ippolit Matveevich mỉm cười – có chuyện gì đấy?
Tuy bộ mặt đáng sợ của lão thợ ngời ngời sáng trong ánh hoàng hôn đang buông xuống, song lão ta không thể thốt nên lời.
– Sao? – Ippolit Matveevich hỏi nghiêm trang hơn.
– Cái thứ của nợ của bọn “Nimfa” mà gọi là hàng hóa được ư? – lão thợ săng lầm bầm – Làm sao bọn nó có thể làm vừa lòng người mua kia chứ? Mỗi chiếc quan tài đến bao nhiêu là gỗ...
– Cái gì? – Ippolit Matveevich hỏi.
– Thì bọn “Nimfa” ấy mà... Cả ba gia đình bọn nó sống nhờ vào một cửa hàng tí tẹo đó. Thành thử gỗ không ra gỗ, mộng xộc xệch, trang trí xấu xí, đúng là đồ bỏ. Còn cửa hàng của tôi là một hãng sản xuất thành lập từ năm một ngàn chín trăm linh bảy. Áo quan của tôi thì hết ý, không chê vào đâu được, ai cũng thích...
– Lão làm sao thế, điên hả? – Ippolit Matveevich hỏi cộc lốc và tiến ra cửa – Lão đã trở nên lẩm cẩm vì suốt đời chỉ quanh quẩn bên đống quan tài.
Bejentruc nhường lối cho Ippolit Matveevich bước ra, đoạn bám sát gót ông, người cứ run vì sốt ruột.
– Hồi còn hãng “XIN MỜI” thì đúng là không một hãng nào, ngay cả ở thành Tyer có thể địch nổi lối trang trí hoa văn của họ thật! Còn bây giờ, đúng là đồ bỏ. Xin nói thẳng là không tìm đâu ra món nào tốt hơn hàng của tôi.
Ippolit Matveevich giận giữ ngoảnh lại, hầm hầm nhìn Bejentruc một giây và rảo bước nhanh hơn. Tuy ở nhiệm sở hôm nay không có chuyện gì khó chịu xảy ra với ông; nhưng lúc này ông cảm thấy tương đối bực mình.
Ba ông chủ “Nimfa” vẫn đứng trước cửa hàng của họ trong tư thế hệt như Ippolit Matveevich đã thấy họ sáng nay. Tựa hồ từ bấy đến giờ họ chưa hề nói với nhau một lời, nhưng vẻ mặt họ thay đổi hẳn, vẻ thỏa mãn bí ẩn long lanh trong đáy mắt họ chứng tỏ họ mới biết được một cái gì đấy khá hệ trọng.
– Tôi xin ba mươi hai rúp thôi.
Ippolit Matveevich nhăn mặt, đi nhanh hơn.
– Nợ trả dần cũng được – Bejentruc bồi thêm.
Còn ba ông chủ văn phòng “Nimfa” thì chẳng nói gì. Họ im lặng bám gót Ippolit, liên tục ngã mũ két ra và cúi chào lịch thiệp.
Cuối cùng, nổi đóa lên vì đám thợ quan tài theo như đỉa đói, Ippolit chạy lên bậc thềm nhanh hơn thường lệ, chùi bùn vội vã ở từng bậc tam cấp và bước vào nhà với cảm giác thèm ăn cao độ. Từ trong phòng đi ngược ra là cha Fêđor, cố đạo của nhà thờ Flou và Lavr, người hừng hực hơi nóng. Tay phải khẽ nâng tà áo thụng và chẳng buồn để ý đến Ippolit Matveevich, cha Fêđor lao thẳng ra cửa.
Ippolit Matveevich lập tức nhìn thấy vẻ sạch sẽ thừa thãi, tình trạng lộn xộn mới, đập ngay vào mắt, trong việc bố trí mấy thứ đồ gỗ ít ỏi trong phòng và ngửi thấy một mùi thuốc xộc lên mũi. Từ trong phòng bước ra Kuznetsova, kỹ sư canh nông, chị láng giềng của Ippolit. Chị ta thì thào, tay xua xua:
– Bà già gay hơn trước, bà vừa xưng tội xong. Anh đừng giậm ủng mạnh.
– Tôi có giậm ủng đâu – Ippolit đáp – Có chuyện gì thế chị?
Mađam Kuznetsova bậm môi và chỉ tay sang căn phòng thứ hai:
– Đau tim đột ngột.
Rồi nhắc lại những lời rõ ràng của người khác mà chị ta thích có lẽ vì ý nghĩa sâu xa của chúng, chị ta nói thêm:
– Không loại trừ khả năng kết cục bi thảm. Suốt ngày hôm nay tôi chưa rảnh được phút nào. Buổi sáng tôi sang đây mượn chiếc cối xay thịt, thấy cửa mở toang, trong bếp chả có ai, phòng này cũng thế, tôi tưởng bà Klavđia Ivanovna đi mua bột về làm bánh ngọt. Bà định ăn đã lâu. Bột bây giờ, anh biết đấy, nếu không mua trước...
Có lẽ Mađam Kuznetsova sẽ còn kể chán về khoản bột mì, về nạn đắt đỏ, về chuyện chị tìm thấy bà Klavđia Ivanovna nằm ngất lịm bên bếp lò, nếu từ phòng bên không vọng ra một tiếng làm chói tai Ippolit Matveevich. Ông vội vàng đưa bàn tay hơi cứng làm dấu thánh và bước vào phòng bà nhạc.
Chú thích:(1) Tên một bộ trưởng trong chính phủ lâm thời của Kerenski năm 1917