Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG XIV
GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH

     gày 9 tháng 10 năm 1954, quân Pháp qua cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng nước đục ngầu, rút khỏi thành phố Hà Nội. Trong buổi lễ ngắn ngủi, đại tá Lefebre d'Argence, tư lệnh những phân đội Pháp cuối cùng, bàn giao việc quản lý thành phố cho Trung đoàn Thủ đô. Trong thời gian hai tuần lễ trước đó, thành phố gần như trống rỗng, khi hàng ngàn người di cư đi dọc Quốc lộ 5 về Hải Phòng. Đường phố Hà Nội vắng lặng về đêm, hầu như tất cả các tiệm ăn, tiệm rượu, cửa hàng, cửa hiệu ở trung tâm buôn bán đều đóng cửa.
Ngày hôm sau, thành phố trở lại hồi sinh, khi dân chúng địa phương đón chào những nhà cai trị mới. Đó là một ngày hội thực sự. Các đường phố tràn ngập cờ, khẩu hiệu chào đón Đảng và chính phủ. Các đám rước gồm thiếu nhi, đại biểu các nhóm và tổ chức xã hội khác nhau, diễn ra trước đám đông cuồng nhiệt tụ tập phía trước Phủ Toàn quyền ở công viên cạnh Bắc Bộ Phủ, từng là trụ sở chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây. Ngày 11 tháng 10, những đơn vị Việt Minh mang súng máy, những khẩu pháo nhẹ bắt đầu đổ vào thành phố, nơi họ được chào đón với những tiếng hô to “độc lập” từ đám đông. Trong những thành viên chính phủ Hồ Chí Minh, nhiều người lần đầu tiên đặt chân lên thủ đô sau gần tám năm.
Bản thân Hồ Chí Minh lặng lẽ tới thành phố này ngày 12-10 hoặc sau đó vài hôm, nhưng không có lễ đón tiếp đánh dấu sự kiện này và ông xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên ngày 17-10 khi đón Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru. Trong xã luận đăng trên báo địa phương ngày hôm sau, Hồ giải thích, ông không muốn phí thời gian cho nghi lễ chào đón. Ông nhấn mạnh”Sự yêu quý lẫn nhau không phụ thuộc vào sự hiện diện”. Ông giải thích, sự phát triển kinh tế và tiến bộ tiến tới thống nhất đất nước quan trọng hơn nghi lễ.
Nhưng Hồ Chí Minh đã tiếp một nhóm nhỏ những cán bộ đảng bộ thành phố tại buổi lễ nhỏ ngày 16-10. Nhận xét ngắn về sự kiện này, ông nhấn mạnh, còn có nhiều khó khăn cần vượt qua, nhưng những khó khăn đó có thể giải quyết từ từ nếu mọi người hợp tác và tuân thủ luật pháp của chính quyền mới. Ông tuyên bố chính phủ mới đại diện cho ý nguyện nhân dân và là đối tượng để nhân dân phê bình. Các cán bộ được dặn dò cẩn thận đối xử đúng mực với dân chúng địa phương, đồng thời sinh viên và giáo viên tiếp tục tới giảng đường, các thương gia tiếp tục buôn bán trong thành phố vừa được giải phóng. Những người nước ngoài được khuyến khích ở lại và tiếp tục công việc của họ. Bản thân Hồ vào bệnh viện kiểm tra điều trị thuốc men. Sau khi ra, ông từ chối sống ở Phủ Toàn quyền, vì ông coi là quá xa hoa, quyết định ở một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên dinh. Dù vậy, toà nhà chính được đổi tên thành Phủ Chủ tịch.[1]
Theo cử chỉ thông thường, Hồ Chí Minh có đường lối hoà giải trong quan hệ đối ngoại. Trong những cuộc thảo luận với Nehru, ông tán thành năm nguyên tắc cùng chung sống hoà bình mà Nehru và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra tại cuộc họp tháng 6-1954, ông cam đoan với Nehru, nước Việt Nam mới sẽ duy trì những mối quan hệ đúng đắn với Chính phủ Hoàng gia Lào và Campuchia. Ngày 18- 10, ông gặp Jean Sainteny, vừa trở lại Hà Nội theo đề nghị của Thủ tướng Pierre Mendes - France đại diện cho quyền lợi Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sainteny báo cáo với Paris, Hồ bày tỏ nguyện vọng giữ lại sự hiện diện văn hoá và kinh tế của Pháp tại Bắc Việt Nam, thành lập mối liên hệ ngoại giao với những quốc gia không cộng sản. Hồ khẳng định thêm, ông không phải là nô lệ cho những phần tử quá khích trong Đảng. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo đầu tháng 11-1954, Hồ nhấn mạnh, từ nay trở đi quan hệ giữa Pháp - Việt phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng.[2]
Dù có lời cam đoan của Hồ Chí Minh, một nhóm người Âu và Mỹ ở Hà Nội vẫn bị theo dõi chặt và những hoạt động của họ bị cấm đoán khắt khe. Tương phản với thái độ ung dung, nhã nhặn của Hồ, nhiều cán bộ chính quyền mới, như Jean Sainteny mô tả “là những kẻ lăng xăng, thường xuyên tổ chức mít tinh, diễu hành, hội hè, tuyên truyền nhồi sọ, tập thể dục buổi sáng…” Bị theo dõi chặt nhất là người Mỹ. Báo chí địa phương, bây giờ do Đảng kiểm soát, lớn tiếng đả kích Mỹ. Uỷ ban Việt Minh ra thông báo không công nhận quy chế hợp pháp của lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Hà Nội. Thái độ chống Mỹ trong dân chúng địa phương được cổ động bởi chính Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng viết những bài báo đả kích Mỹ đăng công khai trên những tờ báo địa phương dưới bút danh C.B. Trong vài tuần lễ sau đó, chính quyền đưa ra những hạn chế nhỏ mọn đối với hoạt động của lãnh sự quán Hoa Kỳ, khiến lãnh sự quán Hoa Kỳ buộc phải đóng cửa vào cuối năm. Sự kiện công khai cuối cùng của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức bữa tiệc Lễ Tạ ơn, cho một nhóm nhỏ các nhà ngoại giao phương Tây và nhân viên Uỷ Ban kiểm soát quốc tế được thành lập theo Hiệp định Geneva.[3]
Ngày 3-11-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập một cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng để điểm lại những chương trình của chính phủ và bổ nhiệm Uỷ Ban Hành Chính mới cho thủ đô. Chính phủ đối mặt với những vấn đề cấp bách. Sẽ áp dụng chiến lược nào để giúp miền Bắc phục hồi sau tám năm chiến tranh và vài thập niên bị nước ngoài chiếm đóng? Liệu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự chỉ đạo vững chắc của Đảng, bước những bước đi nhanh chóng thủ tiêu chế độ thuộc địa và bắt đầu đặt nền móng xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai hay không, hoặc tiến từ từ qua thời kỳ chuyển tiếp phát triển kinh tế và nâng cao mức sống quảng đại quần chúng hay không? Liệu chế độ có thể giành được sự ủng hộ của nông dân và dân nghèo thành thị trong khi xoa dịu những người giàu có? Cuối cùng, tiến hành việc thống nhất và thực thi Hiệp định Geneva như thế nào?
Vấn đề đầu tiên đã có sẵn câu trả lời. Đối với Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông, có đủ kinh nghiệm cho chính sách khôn khéo. Sau khi nội chiến ở Nga chấm dứt thúc năm 1920, Lenin khuyến khích việc kéo dài tạm thời cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động để thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế và hiện đại hoá công nghệ. Chính sách đó chấm dứt năm năm 1928, khi Stalin đưa ra chương trình kêu gọi quốc hữu hoá công nghiệp và tập thể hoá nông nghiệp. Trung Quốc theo con đường tương tự sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc giành được quyền lực của năm 1949, đưa ra chương trình riêng “dân chủ mới” để thu hút sự ủng hộ những người ôn hoà và đặt nền móng kinh tế cho việc chuyển đổi xã hội giữa thập niên 1950.
Ít ngày trước khi ký Hiệp định Geneva, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tại Việt Bắc, công bố sắc lệnh về chiến lược tương lai sau khi ngừng bắn. Đó là chương trình tám điểm hứa với các thương gia, các nhà chuyên môn, công chức và những người nước ngoài trong thời gian này chính phủ mới không can thiệp vào công việc riêng của họ. Bản sắc lệnh chỉ đòi chính phủ quốc hữu hoá xí nghiệp và những dịch vụ xã hội của bọn đế quốc hoặc “chính quyền bù nhìn” (chính phủ Bảo Đại). Mọi hình thức sở hữu riêng được bảo đảm. Công chức dân sự làm việc cho chế độ cũ sẽ không bị bắt nếu họ không cầm vũ khí chống lại kháng chiến hoặc phạm phải những hành động phá hoại chống lại nhân dân. Tất cả quan chức dân sự được chỉ thị ở lại vị trí của mình, tuân lệnh trong lúc chờ đợi chính quyền nhân dân thành lập. Các sĩ quan cũ Quân Đội Quốc gia Việt Nam phải báo cáo với Uỷ ban quân quản do chính quyền cách mạng thành lập. Những ai không làm như thế sẽ bị “trừng trị nghiêm khắc”. Tự do tôn giáo cũng như an ninh cá nhân và tài sản người nước ngoài được bảo đảm.[4]
Trong lời kêu gọi nhân dân Việt Nam hồi tháng 9-1954, trước khi chính phủ về Hà Nội, Hồ Chí Minh có giọng hoà giải. “Chúng tôi sẵn sàng hòa hợp với bất cứ ai từ bắc chí nam yêu hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, bất kể trước đây họ cộng tác với ai”. Bảo đảm quyền của các nhà tư bản trong nước, nước ngoài tiến hành làm ăn hợp pháp và chào đón tất cả những nhân viên của chế độ cũ mong muốn làm việc cho nhân dân.[5]
Giới lãnh đạo đảng có nhiều lý do để hoà giải kẻ thù cũ. Mùa Thu năm đó, hàng ngàn người di cư rời Hà Nội bỏ vào Nam. Cuối cùng hơn 800.000 người Việt Nam rời bỏ đất Bắc, đa số dân Thiên Chúa Giáo nghe lời cảnh báo của các cha đạo, “Đức Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam. Còn con còn chần chừ gì nữa?” Số đông người Thiên Chúa Giáo có quan hệ mật thiết với Pháp hoặc chính phủ Bảo Đại, còn một số nữa bị chính quyền mới nghi ngờ lòng trung thành nên họ tin có thể bị khủng bố.
Việc di cư làm bớt đi những người chống đối tiềm năng, nhưng lại làm suy yếu các tỉnh miền Bắc chiếm tỷ lệ lớn những người giàu có, những nghệ nhân, những nhà công nghiệp vì những người Thiên Chúa Giáo chiếm tỷ lệ cao trong thương mại, chuyên môn và tầng lớp trí thức thượng lưu của đất nước. Một quan sát viên đánh giá, tháng 10-1954 chính phủ mới chỉ có 50 người tốt nghiệp đại học và khoảng 200 có bằng tú tài. Phần lớn các xí nghiệp đóng cửa, nhiều chủ xí nghiệp phải bỏ nước ra đi. Theo một báo cáo, hai mươi chín trong ba mươi nhà máy của Pháp ở Hải phòng bị đóng cửa. Giao thông vận tải là một vấn đề nghiêm trọng. Xăng dầu cho ô tô khan hiếm, hệ thống đường sắt không hoạt động.[6]
Thêm nữa, nhiều mạng lưới thuỷ lợi bị Pháp phá huỷ, gần mười phần trăm đất canh tác ở đồng bằng sông Hồng bị bỏ hoang do chính sách “vành đai trắng” (vùng đất Pháp tuyên bố có quyền tự do oanh tạc hoặc bắn phá). Sau đó, tháng 12-1954 những nạn lụt khủng khiếp dọc bờ biển miền Trung làm tăng nguy cơ một nạn đói mới, giá gạo trên thị trường tăng đến chóng mặt.
Vì thế, khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu củng cố bộ máy hành chính trung ương đầu tháng 11-1954, buộc phải giữ lại một số công sở đang hoạt động, đồng thời cố gắng sử dụng những nhân viên hành chính từng làm việc cho chế độ Bảo Đại. Ở cấp thành phố, Uỷ ban hành chính kháng chiến được thành lập trong kháng chiến tiếp tục hoạt động, mặc dù từ “kháng chiến” đã được cắt bỏ để thích hợp với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, chính phủ tuyên bố, những cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân sớm được tổ chức ở cấp địa phương để tạo nền tảng hợp pháp vững chắc thiết lập quyền lực của nhân dân.[7]
Lần đầu tiên ít tháng sau khi về Hà Nội, sự lãnh đạo của Đảng tự giới hạn đưa ra những biện pháp xây dựng bộ máy hành chính cách mạng, mở rộng cơ sở quần chúng ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thiết lập nền tảng vững chắc để kiến thiết kinh tế sau chiến tranh. Tuy vậy, đằng sau màn kịch đó, có dấu hiệu giới lãnh đạo đảng bắt đầu nghĩ tới tương lai. Đầu tháng 9, Bộ Chính Trị họp, đưa ra dự thảo chính sách lâu dài. Bản dự thảo kết luận, ngay sau khi chính quyền được củng cố ở miền Bắc, phải chuẩn bị tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh trong bài phát biểu trước công chúng ngày 2-9-1956, nhấn mạnh một cách bí ẩn, chính quyền mới sẽ là dân chủ tư sản về hình thức, nhưng là dân chủ nhân dân về nội dung.
Một trong những lý do chủ yếu không vội vã tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là Đảng mong muốn thống nhất hai miền theo Hiệp định Geneva. Nhiều người trong phong trào Việt Minh - đặc biệt ở miền Nam - rất thất vọng với kết quả Hội nghị Geneva. Giới lãnh đạo đảng chắc chắn chia sẻ với việc mất tinh thần vì nhiều năm hy sinh mà chỉ thu được một phần thắng lợi, nhưng họ có thể tự an ủ với niềm tin, với sự nổi tiếng của Hồ Chí Minh và sự yếu kém của chính phủ Bảo Đại, cuộc Tổng tuyển cử tương lai theo Hội nghị Geneva sẽ đem lại cho họ lợi thế. Con đường để đảm bảo cuộc Tổng tuyển cử thành công là chính phủ ở miền Bắc phải thể hiện bộ mặt ôn hoà trước thế giới qua những chính sách đối nội, tranh thủ những người không cộng sản ở Nam Việt Nam cũng như sự quan tâm theo dõi của thế giới.
Theo một người tâm giao của ông kể, Hồ Chí Minh lạc quan với cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành theo lịch trình và ông có lẽ cảm thấy áp lực của dư luận thế giới sẽ buộc chính quyền miền Nam tôn trọng những điều khoản hiệp định. Mặc dù vậy, về mặt cá nhân, một số những đồng sự Hồ tỏ ra hoài nghi. Thậm chí Phạm Văn Đồng, cựu trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Geneva, vừa được bổ nhiệm chức thủ tướng vào tháng 9-1955, nói với một quan sát viên: “Ông cũng biết như tôi là sẽ không có Tổng tuyển cử đâu”. Nếu không có Tổng tuyển cử, Hà Nội buộc phải tìm cách khác, có thể quay sang chiến lược chiến tranh cách mạng. Trong lúc này, Hồ Chí Minh buộc phải dùng tài năng của mình thuyết phục các đồng chí của ông dành cơ hội thực thi hiệp định.
Trong thời gian này, giới lãnh đạo đảng gắng sức chuẩn bị tình huống xấu. Theo những đánh giá khác nhau, có khoảng 50.000 và 90.000 người thiện cảm với Việt Minh (nhiều người trong số này là con cái các cán bộ đảng đang sống ở miền Nam) ra miền Bắc sau hiệp định và khoảng 10.000 đến 15.000 người, chủ yếu là những cựu trào cách mạng, vẫn ở lại miền Nam tham gia hoạt động hợp pháp thúc đẩy Tổng tuyển cử. Một số khác rút vào bí mật để bảo toàn và duy trì bộ máy cách mạng bí mật, khi cần ra hoạt động trở lại.[8]
Có nhiều trở ngại cho Tổng tuyển cử, trong số những trở ngại lớn nhất là thái độ của chính phủ mới ở miền Nam. Tháng 6-1954, khi hội nghị Geneva đang họp, Quốc trưởng Bảo Đại đã bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Ngô Đình Diệm, một chính trị gia cựu trào từng bị chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh bắt giam một thời gian ngắn vào mùa Thu năm 1945, sau khi được thả, để bảo vệ tính mạng, Diệm đã trốn một thời gian ngắn tại Đại sứ quán Canada ở Hà Nội. Diệm từng sống ở Mỹ đầu thập niên 1950 và không ngừng tìm kiếm sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower quay lại chính trường. Là một con chiên ngoan đạo, sống nhiều tháng trong trường dòng Thiên Chúa Giáo ở New Jersey và xem mình có sứ mệnh cứu vớt đồng bào khỏi sự đe dọa của bọn cộng sản vô thần.
Lúc đầu Washington ủng hộ Diệm dè dặt vì nhiều quan chức Mỹ xem ông là một thầy tu không thực tế, thiếu tư chất của một người lãnh đạo và không phải ứng cử viên nghiêm túc để trở thành nhà lãnh đạo chính trị. Một quan sát viên Mỹ khinh bỉ gọi ông là “một thiên sứ không mang thông điệp”. Không nản lòng, Diệm tiếp tục sấn đến các nhà ngoại giao Mỹ xin lời khuyên, tìm kiếm người bảo trợ trong chức sắc Thiên Chúa Giáo ở Mỹ, bao gồm Hồng y giáo chủ Francis Spellman và Joseph Kennedy - cựu đại sứ Mỹ tại London.
Trong thâm tâm, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm vì tin thái độ chống cộng điên cuồng của Diệm làm vừa lòng một số “diều hâu” ở Washington. Dù có những tin đồn, chính quyền Eisenhower chính là người quyết định, tin tức này được đón nhận ở Washington với sự thất vọng và dè dặt. Việc bổ nhiệm Diệm chẳng mấy gây được hào hứng tại Sài Gòn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Thiên Chúa Giáo có quan hệ mật thiết với triều đình Huế, Diệm bị nhiều nhân vật chính trị sành sỏi ở miền Nam ngờ vực. Tân thủ tướng cảm thấy những chính trị gia người miền Nam quanh ông là những người quá dễ dãi không đủ khả năng chống cộng. Vì thế, chẳng ngạc nhiên trong thành viên chính phủ Diệm phần đông người miền Bắc và miền Trung.[9]
Khi nhận chức, Diệm tỏ ra không tán thành những điều khoản dàn xếp đưa ra tại Hội nghị Geneva vào tháng 7-1954, sau khi kết thúc hội nghị ông lập tức cho thấy không có ý định hiệp thương với cộng sản. Cảnh sát chính quyền Sài Gòn bắt đầu quấy nhiễu những người có cảm tình với Việt Minh ở miền Nam, đóng cửa những văn phòng uỷ ban mà Việt Minh lập ra để thúc đẩy Tổng tuyển cử. Diệm đàn áp mạnh giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo vì thủ lĩnh của họ không hăng hái ủng hộ chính phủ Sài Gòn như trước kia ủng hộ Việt Minh. Ông cũng tìm cách thanh lọc những thành viên chính phủ có thiện cảm với Quốc trưởng Bảo Đại, người mà ông coi là tay sai của bọn thực dân Pháp.
Thái độ hiếu chiến của Diệm thể hiện vào mùa đông năm 1954-1955 gây nên nhiều lo lắng trong hàng ngũ quan chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Washington. Dù vậy, hội nghị Geneva kết thúc, chính quyền Eisenhower quyết định sự tồn vong của một chế độ độc lập, không cộng sản ở Nam Việt Nam cốt yếu để bảo vệ lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực. Mùa thu năm 1954, tổng thống Eisenhower cử người bạn của ông, tướng J. Lawton Collins (biệt danh “Joe sấm sét” vì tính quyết đoán khi ông là Tư lệnh quân đoàn trong Thế chiến II) làm đặc phái viên tổng thống trực tiếp điều khiển những hoạt động của Mỹ ở Nam Việt Nam. Tại Sài Gòn, Collins kiên trì khuyên nên thay Diệm bằng một nhân vật ôn hoà hơn để Pháp và nhân dân Nam Việt Nam dễ chấp nhận. Đầu mùa xuân năm 1955, Nhà Trắng bắt đầu xem xét đề xuất của Collins. Tuy thế, đến tháng 4 năm 1955, Diệm đàn áp những người trong nước đối lập với chính quyền, đẩy Washington phải quyết định ủng hộ ông. Eisenhower nhấn mạnh với tướng Collins, lợi thế thành công ở Nam Việt Nam đã tăng từ 10 phần trăm lên 50 phần trăm. Ngay sau đó, Diệm công khai bác bỏ đề nghị hiệp thương của Hà Nội về cuộc Tổng tuyển cử tương lai.
Ở Washington, tin Diệm từ chối hiệp thương Tổng tuyển cử gây ra những ý kiến khác nhau. Một báo cáo mới đây của CIA tiên đoán chắc chắn Việt Minh sẽ thắng lợi, không những do uy tín rộng lớn trong nhân dân của Hồ Chí Minh, mà còn do giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Bắc có nhiều kinh nghiệm vận động chính trị hơn chế độ non trẻ ở miền Nam. Họ sử dụng tốt chiến thuật cơ bản của Lenin bảo đảm có được kết quả thuận lợi ở những khu vực họ kiểm soát. Ký ức về những cuộc bầu cử tổ chức tại những quốc gia Đông Âu bị Liên Xô chiếm đóng sau khi kết thúc Thế chiến II vẫn còn chưa phai, các quan chức Mỹ tin, cuộc tổng tuyển cử chưa thể được tổ chức ở Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại.
Cũng lúc này, nhận thức của công chúng Mỹ về Hồ Chí Minh và chế độ của ông đã thay đổi mạnh từ khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp. Quan điểm trước đây xem Việt Minh là những người yêu nước chiến đấu thoát khỏi áp bức chế độ thực dân, nay dân chúng có cái nhìn ảm đạm hơn về Hồ và các đồng chí của ông khi họ biết ông là đặc vụ Quốc tế Cộng sản. Sau khi hội nghị Geneva kết thúc tháng 7-1954, quan điểm mới này càng được khẳng định khi xem cuốn phim ghi cảnh hàng ngàn người di cư vào Nam để tránh bị khủng bố khi chế độ kiểu Stalin lên nắm quyền ở Hà Nội.
Dù vậy, chính quyền Mỹ cũng đau đầu khi chính quyền Sài Gòn từ chối hiệp thương, tìm mọi xảo thuật đổ lỗi cho Hà Nội. Giữa mùa Xuân năm 1955, những quan chức Mỹ gợi ý Diệm đồng ý tổ chức hiệp thương, sau đó đặt ra những điều kiện khó khăn, đòi có quan sát viên nước ngoài thanh tra để bảo đảm tổng tuyển cử tự do. Điều này sẽ giúp chính phủ Diệm có chỗ đứng hợp pháp vững chắc khi những đòi hỏi đó chắc chắn bị cộng sản bác bỏ (điều này từng xảy ra tương tự tổng tuyển cử ở những vùng nước Đức bị chiếm đóng).
Dù Mỹ khuyến cáo, việc thẳng thừng bác bỏ tổng tuyển cử của ông ta đã công khai vi phạm Hiệp định Geneva, Diệm từ chối những góp ý này. Một số quan chức Mỹ tán thành quyết định của Diệm, chính quyền Eisenhower bị đặt vào thế khó xử. Dù từ chối dính líu đến hiệp định, Washington từng tuyên bố tại Geneva “Bất cứ việc vi phạm hiệp định nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường”. John Foster Dulles lo lắng, cuộc can thiệp của miền Bắc vào Nam Việt Nam có được coi là vi phạm Hiệp định Geneva hay không nếu chính Diệm không tôn trọng những điều khoản Hiệp định? Cuối cùng, Washington đi cùng với Diệm. Tại một cuộc họp báo Dulles tuyên bố, Hoa Kỳ không phản đối tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, nhưng đồng ý với Ngô Đình Diệm, những điều kiện trong thời gian này chưa chín muồi.
Thành công của Ngô Đình Diệm củng cố quyền lực ở miền Nam, cùng với sự ủng hộ của Mỹ với Diệm làm giới lãnh đạo đảng ở Hà Nội ngạc nhiên vì họ xưa nay vẫn đánh giá thấp những phần tử dân tộc chủ nghĩa không cộng sản. Tại những phiên họp Bộ Chính Trị vào cuối năm 1954, Hồ Chí Minh kêu gọi các đồng chí của ông không nên bi quan hoặc mất kiên nhẫn, phải đánh giá lại tình hình, tìm cách giành thuận lợi. Để cô lập Hoa Kỳ và chính quyền Diệm tại Sài Gòn, Hồ đề xuất nhượng bộ kinh tế và văn hoá cho Pháp. Tại hội nghị toàn thể vào tháng 3-1955, Ban Chấp Hành Trung ương chính thức tuyên bố đường lối mới đặt ưu tiên cao nhất là xây dựng miền Bắc, dùng ngoại giao để thúc đẩy giải quyết hoà bình ở miền Nam.[10]
Dù nhiều quan chức Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoài nghi về Tổng tuyển cử, việc Diệm từ chối tổ chức hiệp thương chắc chắn làm điên đầu Hà Nội. Giới lãnh đạo đảng chỉ còn hy vọng, áp lực đồng minh của họ sẽ làm thay đổi quan điểm của Washington và Sài Gòn. Cuối tháng 6-1955, Hồ Chí Minh cùng Tổng bí thư Trường Chinh và những quan chức Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang thăm chính thức Trung Quốc. Hai tuần lễ ở Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Hồ thảo luận với những quan chức cao cấp và thăm Vạn Lý Trường Thành, rồi đoàn đại biểu rời Ngoại Mông tới Moscow.
Không may cho Hồ, tình hình ở Trung Hoa và Liên Xô không giúp ích cho chuyến đi. Sau khi hội nghị Geneva kết thúc, cả Bắc Kinh lẫn Moscow tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, giảm bớt căng thẳng về xung khắc tư tưởng với các quốc gia tư bản. Bắc Kinh chuẩn bị một loạt các cuộc thương lượng cấp đại sứ với những nhà ngoại giao Hong Kong tại Geneva. Trung Quốc hy vọng những cuộc thương lượng này dẫn đến Mỹ bỏ cấm vận và giải quyết xung đột về vấn đề Đài Loan. Ở Moscow, nhà lãnh đạo mới Khrushchev tích cực thực hiện đường lối mới của Liên Xô cùng chung sống hoà bình để ổn định tình hình châu Âu, giảm bớt căng thẳng chiến tranh lạnh với Mỹ. Đối với giới lãnh đạo đảng cả hai nước, mọi dàn xếp về Việt Nam là trở ngại để thực hiện các mục tiêu lớn của họ trên thế giới.
Cả hai nước chấp nhận lời yêu cầu Hồ Chí Minh ủng hộ vấn đề Tổng tuyển cử với thái độ lạnh nhạt. Tuy vậy, trong thông cáo chung tại Bắc Kinh, Trung Quốc hứa ủng hộ Hà Nội về hiệp thương, Thủ tướng Chu Ân Lai đồng ý gửi bức thư phản đối tới Anh và Liên Xô, hai đồng chủ tịch hội nghị Geneva. Hồ có ít thành công ở Moscow, Liên Xô chỉ ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một cách chiếu lệ. Giới lãnh đạo Xô viết vẫn còn nghi ngờ về tư tưởng chính thống gắn nhãn chủ nghĩa Marx - Lenin của Hà Nội. Ngoại trưởng Molotov đồng ý đặt vấn đề với Ngoại trưởng Anh Anthony Eden triệu tập lại hội nghị Geneva, nhưng khi Eden từ chối đề xuất, thật đáng ngạc nhiên Molotov lại bằng lòng. Vấn đề đó cũng không được chính thức đem ra bàn tại Hội nghị những người đứng đầu bốn nước lớn một năm sau đó, mặc dù Molotov đưa vấn đề một cách chiếu lệ khi tuyên bố “việc thi hành Hiệp định Geneva về Đông Dương và những vấn đề khác không được trì hoãn”.
Dường như để an ủi thất vọng của Bắc Việt, Trung Quốc và Liên Xô hứa cung cấp khoản viện trợ tài chính khổng lồ (200 triệu đô-la từ Trung Quốc và 100 triệu đô-la từ Liên Xô) để giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tái thiết hậu chiến, cải thiện xã hội. Cả Liên Xô và Trung Quốc cũng đồng ý tiếp tế lương thực để chống lại nạn đói ở Bắc Việt. Ngày 22-7-1955, sau khi trở về Hà Nội, Hồ Chí Minh phát biểu về kết quả chuyến đi, cám ơn Trung Quốc và Liên Xô về viện trợ kinh tế, nhưng khuyến cáo nhân dân nên dựa vào sức mình để thống nhất đất nước. Tại hội nghị toàn thể một tháng sau đó, Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết trong lúc này, những quyết định của Ngô Đình Diệm không được phép tác động đến chính sách. Kết thúc hội nghị tuyên bố Đảng tiếp tục mong muốn thống nhất đất nước bằng phương pháp hoà bình.[11]
Quyết định của Hà Nội chẳng đem lại an ủi cho những đảng viên trung thành ở miền Nam. Mùa Hè năm đó, Diệm tung ra chiến dịch “Chống Cộng” nhằm tiêu diệt những tàn dư phong trào Việt Minh khắp Nam Việt. Hàng ngàn người bị bắt do tình nghi tham gia hoạt động lật đổ. Một số được đưa vào trại tập trung - hoặc bị tống giam vào “chuồng cọp” do Pháp xây dựng ở Côn Đảo - đồng thời những người khác bị xử tử. Chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh cho phép có quyền “bắt bất cứ ai tình nghi gây nguy hiểm tới an ninh đất nước và đưa vào trại tập trung”. Theo một tài liệu ở Hà Nội ghi lại:
Từ cuối năm 1955 đến 1956, khi Diệm phát động chiến dịch “Chống Cộng”, cuộc săn lùng những người yêu nước và những người kháng chiến cũ trở nên tàn bạo hơn. Nhận thấy không thể sống và tiến hành đấu tranh chính trị ở nông thôn, những người kháng chiến cũ chạy vào chiến khu Đồng Tháp Mười, rừng U Minh hoặc Chiến khu D và C (ở tây và tây bắc Sài Gòn).[12]
Nguyễn Văn Linh, một lãnh đạo trẻ của phong trào ở lại miền Nam sau hội nghị Geneva để chỉ đạo những hoạt động của Đảng, gọi đó “thời kỳ khốc liệt”, khiến các cán bộ Việt Minh phải giảm chiến đấu vì sự sống còn.[13]
Không có gì ngạc nhiên, quyết định của Hà Nội làm kìm hãm, ít nhất là tạm thời, chiến tranh cách mạng dẫn đến cuộc tranh cãi nẩy lửa trong hàng ngũ cán bộ ở miền Nam. Một số đã quyết định bỏ phong trào hoàn toàn, một số khác tìm kiếm tổ chức kháng chiến vũ trang theo cách của họ. Trong rừng Cà Mau hoặc đầm lầy Đồng Tháp Mười, họ gia nhập những lực lượng kháng chiến của đạo Cao Đài và Hoà Hảo, hai giáo phái này nổi giận vì những biện pháp cứng rắn của Diệm năm 1955 bắt họ quy phục ông ta.
Mùa hè năm 1955, mọi hy vọng ngây thơ cho rằng dễ dàng thống nhất với Nam Việt được thay thế bằng nhận thức tỉnh táo hơn. Thông điệp này được Hồ Chí Minh phản ánh tại Hội nghị toàn thể lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 8-1955. Hồ tuyên bố, về mặt tích cực, tình hình thế giới ít căng thẳng hơn so với thập niên trước. Mặt khác, tình hình châu Á, nếu có, là bi đát hơn. Những sự kiện mới đây cho thấy Mỹ dự định biến miền Nam thành một tiền đồn ngăn chặn làn sóng cách mạng ở Đông Nam Á.
Mỹ thể hiện là kẻ chủ chốt ủng hộ chế độ Sài Gòn - “kẻ thù chính” của nhân dân Việt Nam - làm phức tạp nghiêm trọng đến những kế hoạch của Hà Nội thống nhất đất nước bắt đầu phương pháp hoà bình. Dù Hồ Chí Minh cố gắng đưa ra cách nhìn nhận tích cực về tình hình, ông báo cáo trước hội nghị toàn thể, cả Trung Quốc và Liên Xô đã lên tiếng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam vì độc lập, bây giờ con đường thống nhất đất nước chắc chắn là con đường lâu dài. Ban Chấp hành Trung ương thông qua chương trình hành động tạm thời đặt mục tiêu trọng tâm vào việc củng cố cơ sở chính trị Đảng Lao động Việt Nam ở miền Bắc, kiến thiết đất nước và đặt bước chân đầu tiên tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Khẩu hiệu mới lúc này phản ánh thực tế mới: “Xây dựng miền Bắc, hướng về miền Nam”.
Một vấn đề quan trọng cần làm sáng tỏ, làm như thế nào để xây dựng được sự ủng hộ của toàn dân. Tháng 9-1955 Hồ Chí Minh kêu gọi sự ủng hộ của tất cả những ai muốn chia sẻ mục tiêu chung xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, bất kể quá khứ chính trị trước đây. Tháng 9-1955, Mặt trận Liên Việt, năm 1951 thừa kế Mặt trận Việt Minh, bây giờ được thay bằng Mặt trận Tổ quốc rộng rãi hơn ra đời. Mặt trận Tổ quốc nhằm thu hút đông đảo nhân dân Việt Nam cả hai vùng, bao gồm tất cả những ai chân thành ủng hộ mục đích độc lập, thống nhất đất nước. Kết thúc bài phát biểu tại buổi thành lập, Hồ nhấn mạnh mục đích của tổ chức mới là tạo ra một liên minh dân tộc rộng rãi để đạt được hoà bình, độc lập và thống nhất đất nước. Ông nói Mặt trận Tổ Quốc sẵn sàng “liên minh với tất cả những người yêu nước bất kể xu hướng chính trị, tôn giáo, v.v…”, với những người chân thành chống lại âm mưu Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, cả những ai muốn thống nhất đất nước.[14]
Tương đương với chính sách thực dụng trong lĩnh vực kinh tế, tất nhiên chủ trương “dân chủ mới” được Đảng đưa ra sau khi trở về Hà Nội mùa Thu năm 1954. Ở thành thị, đây thực sự đúng theo chủ trương. Chính phủ tỏ ra khoan dung với những hoạt động của xí nghiệp tư nhân và chào đón “những chuyên gia tư sản” mong muốn ở lại làm việc. Đa số các hãng buôn bị nhà nước chiếm do những nhân viên quản trị bỏ đi và nhà nước lo ngại nguy hiểm khi đóng cửa, đó là trong các mỏ, nhà máy xi măng và nhà máy dệt. Theo một nguồn tin mới đây, khu vực nhà nước chỉ chiếm 12 phần trăm hàng hoá sản xuất năm 1955. Tháng 10-1955, chính phủ lập ra Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, để vạch ra kế hoạch một năm - năm 1956 - nhằm phục hồi kinh tế quốc dân đạt mức năm 1939, năm cuối cùng trước khi nổ ra chiến tranh Thái Bình Dương. Chính phủ trực tiếp nhúng tay kiểm soát giá cả và hàng hoá tiêu dùng, với mục đích hạn chế áp lực lạm phát và đầu cơ thực phẩm bởi các hãng tư nhân.[15]
Dấu hiệu thái độ ôn hoà Hồ Chí Minh việc thành lập Mặt trận Tổ Quốc là giả dối, vì có những áp lực chống đối mạnh trong Đảng đòi có những chính sách cực đoan hơn, những biện pháp trừng phạt kẻ thù giai cấp và đặt nền móng để tiến nhanh tới xã hội xã hội chủ nghĩa. Manh nha cực đoan bắt đầu từ khi chính phủ trở về Hà Nội năm 1954. Các cán bộ kiêu căng lên giọng nghi ngờ những trí thức ôn hoà, nhiều người trong số này bị đi cải tạo để làm rõ liệu họ có bị quyến rũ bởi “những viên đạn bọc đường” của kẻ thù hay không. Theo mối nghi ngờ của họ, những người cực đoan Việt Nam được cố vấn Trung Quốc khuyến khích. Cố vấn Trung Quốc có mặt khắp miền Bắc, mặc dù ít nhìn thấy họ hơn so với ở vùng giải phóng trong thời gian chiến tranh.
Vũ khí mà những người quá khích dùng để phát động đấu tranh giai cấp ở nông thôn là luật cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh phản đối những biện pháp tàn bạo trong chiến tranh chống Pháp, nhưng năm 1953, theo mệnh lệnh cố vấn Trung Quốc, ông miễn cưỡng đồng ý phải dùng những quy tắc cứng rắn hơn làm phương tiện huy động dân nghèo chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ. Khi kháng chiến kết thúc, Đảng quyết tâm hoàn thành chương trình và đặt nền tảng việc tập thể hoá toàn bộ đất đai canh tác trong nước. Theo lời kêu gọi của ông với nhân dân đầu tháng 9-1954, Hồ Chí Minh hứa, chương trình “người cày có ruộng” cho những tỉnh ở miền Bắc nằm trong nghị sự của chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng thổ lộ với một số cộng sự tin cậy, bản thân ông không thấy “cấp bách”, chẳng qua muốn làm vừa lòng Bắc Kinh và các đồng chí quá khích như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt.[16]
Để tiến hành giai đoạn tiếp của cải cách ruộng đất, giới lãnh đạo đảng có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất cơ bản là kinh tế: cho phép sử dụng hiệu quả đất canh tác thông qua việc chuyển ruộng đất “thừa” của những phú nông cho bần nông, cố nông, những người này chiến phần đông trong nông thôn. Áp dụng mô hình ở Trung Hoa vài năm trước đây, giới lãnh đạo đảng hy vọng sở hữu đất sẽ thúc đẩy nông dân cố gắng hơn và tăng sản lượng ngũ cốc, do vậy làm nền móng cho việc xây dựng nông trang tập thể trong tương lai gần. Mục tiêu thứ hai và có lẽ là mục tiêu mục tiêu quan trọng hơn, mang màu sắc chính trị hơn: đánh đổ thế lực của bọn “phong kiến” ở cấp làng xã (cụ thể là giai cấp địa chủ) và thành lập cơ quan lãnh đạo mới ở nông thôn gồm những người xuất thân bần cố nông, họ sẽ biết ơn Đảng và trung thành tuyệt đối thực hiện những chính sách của Đảng.
Nhấn mạnh về lợi ích của chiến dịch cải cách ruộng đất, những người quá khích trong ban lãnh đạo Đảng thực hiện theo lời dạy của Mao Trạch Đông, tác giả chương trình tương tự ở Trung Hoa, nhận xét huỵch toẹt “cách mạng không phải là buổi dạ tiệc”. Từ thập niên 1920, Mao đã muốn đưa ra bóng ma đấu tranh giai cấp để chiếm lấy sự ủng hộ của những phần tử quá khích trong nông thôn. Dù chương trình đó bị gác lại trong kháng chiến chống Nhật, trong thời kỳ nội chiến và trong chiến dịch cải cách ruộng đất đầu thập niên 1950, các cán bộ Maoist chủ tâm tổ chức những buổi “ôn nghèo kể khổ” để khuyến khích bần nông phát biểu chống lại những kẻ áp bức - đặc biệt tất cả những ai có “nợ máu” với nhân dân. Tại các phiên toà dã chiến ở các làng mạc khắp Trung Hoa, hàng ngàn người bị kết tội bị hành quyết. Những thành phần quá khích trong nội bộ Đảng Lao động Việt Nam rất muốn áp dụng những biện pháp tương tự ở Việt Nam. Lê Đức Thọ, lúc đó là một cán bộ Đảng hàng đầu ở miền Nam, đã nhấn mạnh năm 1952, “Nếu muốn nông dân đứng lên cầm vũ khí, trước tiên cần phải khơi dậy lòng căm thù của họ đối với kẻ thù”, cũng như giải quyết những quyền lợi thực tế của họ.[17]
Chiến dịch được phát động mùa hè và đầu mùa thu 1954. Dưới sự chỉ đạo của Hoàng Quốc Việt, ban đầu chương trình lấy một số bộ phận trong công chúng, đặc biệt từ nông dân nghèo từng là bộ đội hoặc dân công trong chiến dịch Điện biên phủ, được Việt Minh tuyên truyền để họ tin rằng họ sẽ được thưởng bằng ruộng đất nếu họ cố gắng. Tuy vậy, có một số những lời chỉ trích về sự áp bức và tàn bạo. Khi Hồ Chí Minh biết những trường hợp này, ông phê bình các cán bộ đã coi thường nhân dân, cư xử hống hách.[18]
Dù lúc đầu chương trình còn ôn hoà - chỉ khoảng năm mươi làng ở tỉnh Thái Nguyên - sau rồi thành cơn sốt trên toàn quốc. Đây là tín hiệu rõ ràng cho những người ôn hoà biết, chiều hướng quá khích xuất hiện trong Đảng đầu thập niên 1950 đang còn sống và lớn mạnh, có thể làm hỏng chương trình hoà hợp mà Hồ Chí Minh đã hứa từ mùa Thu năm 1954.
Làn sóng thành công của Cải cách ruộng đất tiếp tục trong mùa đông và đầu mùa xuân năm 1955. Dù bài xã luận trong báo Nhân Dân tháng 2-1955, cảnh báo chống lại sự nguy hiểm của “sai lầm tả khuynh”, của các cán bộ quá khích (nhiều người trong số này là những người không được cố vấn Trung Quốc tập huấn về Cải cách ruộng đất và sau đó đưa về “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân), kích động dân chúng địa phương đả kích những người từng bóc lột họ trong quá khứ. Nhiều người bị buộc tội chống lại nhân dân và bị hành quyết. Có vụ, dân làng lợi dụng chương trình cải cách ruộng đất để giải quyết thù oán cá nhân, buộc tội những người khác tham gia hoạt động phản cách mạng. Trong quá trình cải cách ruộng đất, vài ngàn người, nhiều người trong số này từng trung thành ủng hộ Việt Minh, bị buộc tội phản quốc và bị trừng phạt. Trong một số trường hợp, các cán bộ lấy những bần nông cốt cán đấu tố những cựu chiến binh Việt Minh vừa ra khỏi dân quân và gia đình họ. Ngay cả những người có mối quan hệ với cán bộ cấp cao cũng không thoát. Có trường hợp, một cựu quan chức Việt Minh được chính Hồ Chí Minh che chở, Hồ ngỏ lời với chính quyền địa phương, không được mang vị quan chức này ra đấu tố. Vậy mà, vị quan chức này và gia đình vẫn bị dân làng mang ra làm nhục, ngược đãi và đấu tố. Người cháu của của viên quan này là Dương Vân Mai Elliot đã kể lại:
Mỗi khi bác tôi ra ngoài là bị trẻ con xúm vào ném đá. Dù bị người lớn chửi rủa hoặc đánh đập một cách vô lý, bác tôi vẫn phải cúi đầu nhẫn nhục van nài: “Con lạy các ông các bà tha cho con…” Địa chủ trở thành chỗ cho dân nghèo trút cơn giận dữ vì cuộc sống khó khăn của họ. Dân trong làng sốt sắng ngược đãi bác tôi để chứng tỏ họ hăng hái ủng hộ cải cách ruộng đất lấy lòng Đội cải cách đang nắm quyền lực. Một số khác chẳng qua vì ghen tức với tài sản và ảnh hưởng của địa chủ nên bây giờ thích thú làm nhục họ”.
Cuối cùng, vị cựu quan chức mất nhà, mất ruộng, buộc phải ở trong túp lều gần sườn đồi, ông và gia đình phải cày cấy trên vài sào đất sỏi đá do Đội cải cách chia.[19]
Không còn nghi ngờ gì nữa, bạo lực gắn với chiến dịch cải cách ruộng đất bột phát từ hận thù giai cấp và cá nhân đã được tích lũy bao đời nay trên những cánh đồng lúa. Hậu quả của những hành động này nhiều khi rất bi thảm, nhưng có thể nhìn nhận như một thứ sản phẩm phụ không thể tránh khỏi của bất cứ cuộc cách mạng nào.
Nhưng cũng có nhiều bằng chứng cho thấy lãnh đạo Đảng đã soạn thảo và thực hiện chương trình. Chỉ đạo chung cho chiến dịch cải cách ruộng đất là Trường Chinh, một người ngưỡng mộ chính sách nông nghiệp Trung Quốc, nhai lại quan điểm Maoist cho rằng cải cách ruộng đất là “cuộc đấu tranh giai cấp”. Những uỷ viên khác của uỷ ban cải cách ruộng đất là Hoàng Quốc Việt, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hồ Viết Thắng và Lê Văn Lương, những người quá khích theo đường lối Maoist, trưởng ban bí thư Trung ương Đảng thường xuyên kêu gọi một chiến dịch làm sạch Đảng. Theo gương Trung Quốc, những vị lãnh đạo đó tính toán, khoảng bốn tới năm phần trăm dân chúng địa phương phải được coi là kẻ thù giai cấp, bất chấp sự thật ra sao, ở nhiều làng nghèo ngay cả những người được coi là khá giả nhất cũng chỉ tạm đủ sống.[20]
Bạo lực chiến dịch cải cách ruộng đất có thể làm Hồ Chí Minh ngạc nhiên, mặc dù rõ ràng ông chia sẻ quan điểm quá khích, một trong những mục tiêu của chiến dịch là loại bỏ những phần tử thù địch và phản cách mạng tại cấp độ làng xã. Phát biểu trong một hội nghị cán bộ ở Thái Nguyên vào cuối 1954, Hồ tuyên bố, cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp:
Ở làng xã, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải củng cố tổ chức làng xã bao gồm: Uỷ ban hành chính, dân quân du kích, hội nông dân, đoàn thanh niên và hội phụ nữ… Nếu những phần tử xấu còn nằm lại trong những tổ chức đó, chúng ta không thể tiến hành việc giảm tô… Để thực hiện chiến dịch này, những phần tử xấu phải bị trừng phạt thích hợp, nếu thấy cần phải cách ly hoặc khai trừ. Nếu có thể giáo dục được thì giáo dục họ. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của các tổ đội công tác.
Tuy thế, Hồ Chí Minh chống lại các hành động bạo lực bừa bãi, ông chỉ thị: “Để áp dụng sự trừng phạt thích hợp, không thể nói một nhóm người này tốt hay xấu. Để biết người ta tốt hay xấu, các đồng chí phải dựa vào quần chúng”. Lần khác ông nói các cán bộ cần phải phân biệt được sự khác nhau giữa các loại địa chủ. Nếu không, họ sẽ hợp nhau lại chống lại nông dân.
Hồ cũng phản đối việc sử dụng tra tấn, buộc tội các cán bộ vẫn còn dùng biện pháp tra tấn.
“Đây là phương pháp man rợ của bọn đế quốc và phong kiến sử dụng để áp đảo quần chúng và cách mạng. Tại sao chúng ta phải sử dụng những phương pháp tàn bạo đó, trong khi chúng ta có chương trình giáo dục và có chính nghĩa?”[21]
Việc Hồ Chí Minh quở trách cán bộ dưới quyền sử dụng những biện pháp tàn bạo có lẽ chẳng có hiệu lực. Một địa chủ ở Thái Nguyên, từng trung thành ủng hộ phong trào cách mạng suốt nhiều năm (thậm chí có lần che chở Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt khỏi bị Pháp bắt) bị cố vấn cải cách ruộng đất Trung Quốc buộc tội là địa chủ hung ác, kết án tử hình. Khi tất cả dân làng đứng lên bảo vệ bà, họ lại bị quy là tay sai của địch. Sau khi Hồ Chí Minh biết chuyện, ông đặt vấn đề với Trường Chinh, bản án được giảm nhẹ. Tuy nhiên, những sự việc được giảm nhẹ như thế có lẽ hiếm hoi, trước khi chiến dịch cải cách ruộng đất kết thúc cuối năm 1956, vài ngàn người bị xử tử, rất nhiều người khác bị hành hạ, tra tấn, giam cầm và bị xỉ nhục gán nhãn ô nhục “kẻ thù giai cấp” của nhân dân không gột rửa được. Dù Hồ Chí Minh có thể kinh hãi trước bạo lực bừa bãi trong chiến dịch cải cách ruộng đất, theo quan điểm của quan sát viên Việt Nam, ông bị Mao Trạch Đông hăm doạ, không dám chống lại với đám cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam.[22]
Tháng 3-1955, Ban Chấp hành Trung ương họp ở Hà Nội. Một trong những chủ đề chính đem ra bàn, việc thực thi chiến dịch cải cách ruộng đất. Dù Hồ Chí Minh hiển nhiên lo lắng tới mức độ tăng cao bạo lực ở nông thôn, nhưng sự ra đời Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO) do Mỹ lập lên ở Manila và sự kiện một nhóm biệt kích do CIA nuôi dưỡng gây ra những vụ phá hoại ở miền Bắc, khiến Hà Nội phải quan tâm. Nhiều lãnh đạo Đảng cho chương trình cải cách ruộng đất là công cụ cần thiết để đè bẹp bọn phản động. Dù hội nghị toàn thể kêu gọi kiểm soát cẩn thận chương trình cải cách ruộng đất để bảo đảm, chỉ có những địa chủ gian ác mới bị buộc tội chống lại nhân dân, hội nghị tuyên bố “hữu khuynh” (ám chỉ quan điểm coi trọng nhiệm vụ thống nhất đất nước hơn việc bắt đầu quá trình tiến lên xã hội chủ nghĩa) còn nguy hiểm hơn “tả khuynh” (hăng hái quá mức khi tiến hành Cải cách ruộng đất). Phát biểu kết thúc phiên họp, Hồ tỏ ra không hài lòng trước những quyết định hội nghị đưa ra, ông phàn nàn, hội nghị chưa được chuẩn bị tốt và chưa lôi cuốn được những cố gắng lớn hơn để có được sự thống nhất bên trong Đảng - đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo.[23]
Suốt những tháng còn lại năm 1955, chiến dịch cải cách ruộng đất lan khắp mọi vùng thôn quê. Đảng đưa thêm hơn hai mươi ngàn cán bộ về nông thôn thực hiện chương trình. Đến giữa mùa Hè, việc chính quyền Diệm không tham gia bầu cử đã trở nên quá rõ ràng, xóa bỏ mọi cố gắng thuyết phục hoãn cải cách cho đến khi nước nhà được thống nhất. Tháng Tám, báo Nhân Dân đăng xã luận phê bình “một số đồng chí” có quan điểm “cần phải tiến hành Cải cách ruộng đất chậm lại, để tập trung đấu tranh thống nhất. Điều này và củng cố miền Bắc là mâu thuẫn với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước”. [24]
Tại hội nghị toàn thể lần thứ Tám họp ở Hà Nội vài ngày sau, Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi cố gắng tập trung cao độ sử dụng chương trình cải cách ruộng đất là phương tiện nhổ tận gốc bọn gián điệp và phản cách mạng.
Làn sóng cuối cùng chiến dịch cải cách ruộng đất mở màn vào cuối 1955, đúng lúc cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn lên tới đỉnh cao. Hồ Chí Minh cố gắng hạ nhiệt những hành động quá khích của chương trình. Phát biểu với các cán bộ cải cách ruộng đất ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày 17 tháng 12, ông nhấn mạnh cần thận trọng phân biệt giữa những người sai trái với những người vô tình vi phạm, không được sử dụng biện pháp tàn bạo chống lại những người bị buộc tội chống lại nhân dân. Tại bữa ăn trưa, ông nói với họ, cải cách ruộng đất, giống như bát súp nóng, phải húp từ từ mới ngon. Nhưng những lời khuyên của Hồ cũng chẳng có tác dụng. Uỷ ban Nông hội toàn quốc gửi thư cho các cán bộ cải cách ruộng đất trong tháng đó gắn mối quan hệ trực tiếp giữa địa chủ với hoạt động phản động, đồng thời ngày 14 tháng 12 Ban Chấp hành Trung ương chỉ thị các cán bộ phải thực hiện cải cách ruộng đất chương trình như “một trận Điện Biên Phủ chống lại chủ nghĩa phong kiến ở miền Bắc”.[25]
Đầu mùa xuân năm 1956, tin tức bạo lực cải cách ruộng đất lan rộng ở Hà Nội, khi nhiều quan chức Đảng chính phủ có gia đình ở nông thôn bị đội cải cách ruộng đất tấn công. Khi xuất hiện những bài báo phê bình cải cách ruộng đất, Vũ Đình Huỳnh, một cựu thư ký của Hồ Chí Minh, đã linh cảm được và thận trọng nhắc Hồ: “Máu của đồng bào chúng ta đang đổ, lẽ nào Bác lại ngồi yên?” Dù Huỳnh bị những phần tử hiếu chiến trong Đảng coi là không có tư tưởng chiến đấu (Trường Chinh đã gạt bỏ Huỳnh vì coi ông là “tay chân của bọn phản cách mạng), song Hồ rất lo lắng trước việc cán bộ cải cách ruộng đất phân loại bừa bãi và gán cho tất cả địa chủ là bọn phản động. Tháng 4, phát biểu trước các cán bộ cải cách ruộng đất tại vùng duyên hải, ông cảnh báo họ đừng có thái độ cứng nhắc trong việc xử lý, vạch ra, không phải tất cả địa chủ đều bất lương và độc ác. Chỉ có người nào mắc những hành động bạo ngược mới bị trừng phạt. Ông nói, một con thuyền không những chỉ cần những tay chèo mà còn cần cả những người cầm lái.
Những phát biểu Hồ Chí Minh cũng chẳng có mấy hiệu lực. Dù lúc này sự phẫn nộ lên cao trào khắp nông thôn, một thông điệp của ông bắt đầu có người nghe. Giữa tháng 5, một bài báo trên tờ Nhân Dân thừa nhận, một số cán bộ cải cách ruộng đất đối xử bất công với con em địa chủ. Vài tuần sau, một bài khác vạch ra, đôi khi các quan chức chính phủ “đánh giá quá cao kẻ thù” và quy kết vội vã từ một vài hiện tượng cá biệt.[26]
Sự thay đổi suy nghĩ của những người lãnh đạo đảng phần nào do sự phản đối của những cựu binh Việt Minh, những người này cùng với gia đình của họ từng là nạn nhân. Nhưng một sự kiện diễn ra cách xa vài ngàn dặm ở Moscow cũng có vai trò quan trọng. Phát biểu tại Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô tháng 2-1956, Tổng bí thư Nikita Khrushchev làm choáng váng các đại biểu dự họp bằng bài phê bình mạnh mẽ người tiền nhiệm của ông - Joseph Stalin. Khrushchev buộc tội Stalin không những khuyến khích tệ “sùng bái cá nhân” thể hiện sự phản bội nguyên tắc Leninist về tập trung dân chủ, mà còn sử dụng quyền lực để đàn áp dã man và loại bỏ những người Bolsevich trung thành ra khỏi Đảng. Không những thế, Stalin còn thực hiện một số chính sách đối ngoại tai hại có tầm quan trọng chiến lược trong Thế chiến II. Khrushchev kêu gọi các đại biểu tại Hội nghị “tự phê bình” để không mắc phải những khuyết điểm đó nữa.
Việc Khrushchev công khai vạch mặt Stalin làm cho Bắc Kinh lo ngại tác động của cuộc tấn công đó, cho dù là chính đáng trong bối cảnh Liên Xô, nhưng lại có thể ảnh hưởng tới uy tín của Đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông và ảnh hưởng tới khái niệm Marxist về chuyên chính vô sản. Tuy nhiên, phản ứng của Hà Nội không rõ ràng, tù mù. Phái đoàn Việt Nam do Trường Chinh và Lê Đức Thọ tham dự hội nghị, nhưng báo chí ở Hà Nội bình luận rất thưa thớt. Ngày 28-5-1956, báo Nhân Dân nhấn mạnh một cách vắn tắt, Đảng Lao động Việt Nam “nghiên cứu kỹ chủ nghĩa Marxist - Leninist để áp dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam và kết hợp học thuyết này với thực tiễn cách mạng Việt Nam”. Ngay khi phái đoàn Việt Nam từ Moscow về nước, Bộ Chính trị họp xem xét kết quả hội nghị và tác động của nó tới tình hình ở Việt Nam. Ngày 31-3-1956, Đài phát thanh Hà Nội phát đi thông cáo của Bộ Chính trị đề cập tới “tệ sùng bái cá nhân”“tinh thần phê và tự phê bình”, kết luận rằng những nghị quyết của Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô sẽ “củng cố đảng ta về mặt lý luận”.[27]
Theo quan điểm chính thức, vấn đề sùng bái cá nhân là việc nội bộ của Liên Xô, không liên quan đến bối cảnh Việt Nam và Hồ Chí Minh làm việc theo nguyên tắc tập thể. Dù vậy, một số người lãnh đạo trong đảng lo ngại vấn đề này sẽ nổi lên, đặc biệt những người không thích sự tôn sùng Hồ Chí Minh trên báo chí. “Bác Hồ” đã trở nên được biết rộng rãi như người trong gia đình khá quen thuộc đối với thế giới trong những năm cuối đời. Ông chụp hình với đồng bào đón chào ông tới thăm, cho dù hình ảnh ông hiền hoà, hình ông trên tem và thậm chí cả trên tiền. Trường Chinh, ghen tỵ với danh tiếng Hồ trong nhân dân, nghe nói rất khoái chiến dịch chống tệ sùng bái cá nhân. Ông nhấn mạnh “Chủ nghĩa xã hội không thể sống sót được với tệ sùng bái cá nhân”. Ông vạch rõ chủ nghĩa xã hội đối lập với sùng bái cá nhân như nước và lửa: Trong khi chủ nghĩa xã hội là dân chủ thì sùng bái cá nhân là phản dân chủ.[28]
Việc Khrushchev hạ bệ thần tượng Stalin chắc chắn có tác động đến quyết định của Đảng Lao động Việt Nam ở Hà Nội bắt đầu xem xét nghiêm túc và tranh luận. Tại phiên họp mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối tháng 4-1956, vấn đề tự phê bình được đem ra thảo luận và nghị quyết của Hội nghị ca ngợi Đảng cộng sản Liên Xô dũng cảm nhận sai lầm, đồng thời thừa nhận Đảng Lao động Việt Nam thiếu sức chiến đấu nhận khuyết điểm. Nghị quyết viết “Thông qua phê và tự phê bình, chúng ta mới phát triển được dân chủ trong nội bộ, củng cố mối quan hệ với quần chúng, chống lề thói quan liêu”. Phát biểu kết thúc hội nghị, Hồ Chí Minh tuyên bố rõ ràng hơn, bằng sự tự phê bình, Đảng cộng sản Liên Xô thể hiện lòng can đảm đáng để các anh em noi gương. Bài học này đặc biệt liên quan tới Đảng Lao động Việt Nam, do “tàn dư phong kiến và thực dân” vẫn chưa bị loại bỏ trong nước, vì thế tạo ra sự giả tạo và để những ảnh hưởng không cộng sản thâm nhập vào Đảng. Dù Hồ tập trung chủ yếu vào vấn đề lề thói quan liêu và hống hách của quan chức, ông thú nhận “tệ sùng bái cá nhân” chắc chắn cũng tồn tại ở Việt Nam. Lúc này tuy chưa đưa đến những thiệt hại lớn, nhưng nó làm giảm sự nhiệt tình, cống hiến hết mình, tinh thần sáng tạo trong đảng viên và nhân dân. Để giải quyết những thiếu sót đó, ông nhấn mạnh cần phải củng cố lãnh đạo tập thể trong hàng ngũ cao cấp của đảng và chính phủ.[29]
Không rõ “tinh thần phê và tự phê bình” tác động tới cuộc tranh cãi về chiến dịch cải cách ruộng đất tới mức nào. Hình như phát biểu của Hồ Chí Minh nhận được sự đồng tình các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị. Thực vậy, có sự trớ trêu khi ông nói tới nguy hiểm của tệ sùng bái cá nhân tại hội nghị, vì ông cảm thấy ảnh hưởng của bản thân trong việc thực thi chương trình cải cách ruộng đất bị hạn chế nhiều. Dù thế nào đi nữa, bài phát biểu Khrushchev giúp ông thuyết phục các đồng chí đánh giá lại những quyết định của chính họ cần phải có thay đổi trong chương trình cải cách ruộng đất.
Cho dù bài phát biểu của Khrushchev chống Stalin ở Việt Nam tác động tới đâu đi nữa, trong thời gian vài tháng sau đó, có sự đánh giá lại chương trình cải cách ruộng đất. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, Đảng tiến hành những cuộc họp cán bộ theo lịch trình của quyết định Ban Chấp hành Trung ương. Những bình luận chính thức trên báo chí cho thấy sai lầm phạm phải khi thực hiện chương trình, một số người bị bắt trước đây vì cho là phản động được thả. Một bài báo giữa tháng 5-1956 ca ngợi kết quả toàn diện chiến dịch cải cách ruộng đất, nhưng lại kết luận với lời khiển trách tất cả những người dính líu đến chương trình cải cách ruộng đất. Trong một bức thư đề ngày 1-7-1956 gửi hội nghị cán bộ đánh giá đợt cuối cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho mô tả chương trình đạt thành công “chủ yếu” làm giảm uy thế giai cấp địa chủ tại nông thôn, nhưng ông nói thêm, một số sai lầm nghiêm trọng đã mắc phải đã làm giảm mạnh sự thắng lợi. Những người chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch cải cách ruộng đất cũng không muốn nhìn nhận vấn đề. Trong một bài báo tháng 7-1956, Lê Văn Lương thừa nhận sai lầm mắc phải khi thực thi chương trình, nhưng khẳng định hành động đó là cần thiết vì các tổ chức chính quyền địa phương ở nhiều nông thôn mới được giải phóng vẫn chưa thắng thế được những phần tử phản động.[30]
Lúc này một làn sóng mạnh mẽ chống lại Lương và phe cánh. Trong một báo cáo gửi các cán bộ nông thôn về kết quả chương trình cải cách ruộng đất ngày 17-8-1956, Hồ Chí Minh tuyên bố “một số cán bộ không nắm vững đường lối của chúng ta, không làm đúng đường lối dân vận. (Điều này) do sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và chính phủ có thiếu sót lớn… do vậy, cải cách ruộng đất có khuyểt điểm lớn và sai lầm trong công tác đoàn kết thống nhất ở nông thôn”. Ông hứa, những ai bị xử lý sai so những sai lầm đó sẽ được thả khỏi tù hoặc được phục hồi chức vụ trước đây.[31]
Chủ đề chính thảo luận tại Hội nghị X Ban Chấp Hành Trung ương họp bàn vào tháng 9-1956. Lúc này, những người thực hiện cải cách ruộng đất không thể bảo vệ được vị trí của họ nữa và những cuộc tranh cãi nẩy lửa diễn tại hội nghị. Bản thông cáo kết thúc Hội nghị toàn thể lần thứ X công khai phân tích vấn đề và quy trách nhiệm:
Những sai lầm và những thiếu sót đã phạm phải trong thời kỳ vừa qua. Trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đã mắc phải những sai lầm. Hội nghị toàn thể lần thứ X Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã phân tích những kết quả cải cách ruộng đất, công tác chỉnh đốn tổ chức và đã kiểm tra nghiêm túc những khuyết điểm phạm phải trong hai nhiệm vụ đó. Tìm ra được nguyên nhân những khuyết điểm và đề ra những biện pháp sửa chữa.
Đây là lần đầu tiên, Đảng tìm ra được nguồn gốc vấn đề. Thông báo cho rằng những khó khăn này do “chệch sang tả”:
“Hội nghị toàn thể lần thứ X Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam công nhận những khuyết điểm là do những thiếu sót trong công tác lãnh đạo”. Vì thế Ban chấp hành Trung ương của Đảng phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm đó. Những uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp phạm phải những khuyết điểm đường lối và chính sách của Đảng phải tự kiểm điểm những thiếu sót và sai lầm của mình trước Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương sẽ có kỷ luật thích đáng với những đồng chí đó.[32]
Hội nghị toàn thể lần thứ X Ban Chấp hành Trung ương đã có một bước đi chưa có trong tiền lệ khi cách chức những thành viên của Đảng và chính phủ. Trong số này có bốn nhân vật chính trong Uỷ ban Cải cách ruộng đất: Trường Chinh bị cách chức Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Hồ Viết Thắng bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Lê Văn Lương mất chức Uỷ viên Bộ chính trị và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị. Mấy ngày sau, Hội đồng Bộ trưởng ra sắc lệnh chỉ thị huỷ bỏ toà án nhân dân cấp xã, đồng thời uỷ ban cải cách ruộng đất thành lập trước đây tại trung ương và tỉnh bị hạn chế chức năng, chuyển sang làm cố vấn nhưng không còn quyền lực. Để phục hồi những tổn hại do cải cách ruộng đất phạm phải, những người bị tù oan được ân xá, những tài sản riêng bị tịch thu bất hợp pháp và đất nhà thờ được trả lại.[33]
Việc cách chức Trường Chinh, một bước đi chưa có trong tiền lệ đối với Đảng luôn tìm cách tránh né những cuộc đấu đá bè phái mãnh liệt vốn rất đặc trưng trong hai đảng Trung Hoa và Liên Xô anh em, buộc các đồng chí của Trường Chinh phải vội tìm người thay thế. Người thừa kế hiển nhiên là tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng hàng thứ ba sau Hồ và Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp - anh hùng Điện Biên Phủ - có uy tín cao trong nhân dân. Ông và quân đội đã tránh được vết nhơ thất bại của chiến dịch cải cách ruộng đất. Nhưng uy tín cao của Giáp lại bị những đồng sự ghen tỵ. Ngoài ra, truyền thống của Đảng tránh gộp quyền lãnh đạo Đảng với chỉ huy quân đội. Do vậy, Giáp bị loại và Hồ Chí Minh đồng ý tạm thời giữ chức Tổng bí thư.
Chú thích:
[1] Phát biểu của Hồ Chí Minh với quan chức thành phố có trong Toàn Tập I, tập 7, trang 49-51. Bộ đội Việt Nam và Hồ Chí Minh đến thành phố này, xem “Hà Nội 278 gửi Bộ ngoại giao, ngày 10-10-1954, và “Hà Nội 314 gửi Bộ ngoại giao, 20-10-1954, cả hai có trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Xem thêm Joint Weeka, 24-10-4, 1954, trong tài liệu đã dẫn. Cách cư xử của Hồ Chí Minh đối với cán bộ dân sự và quân sự có trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 5, trang 540. Về quyết định của ông từ chối sử dụng Phủ chủ tịch làm chổ ở riêng cho mình, xem “Tin tức Việt Nam” (tháng 5-1985), trang 3.
[2] Có trong Hà Nội 318, ngày 21-10-1954, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Về chuyến thăm của Nehru', xem Joint Weeka 43, 24-10-1954. Bài phát biểu của Hồ Chí Minh đón tiếp Nehru trong Toàn Tập I, tập 7, trang 52-53.
[3] Jean Sainteny, “Hồ Chí Minh và Việt Nam” do Herma Briffault dịch (Chicago: Cowles, 1972), trang 117. Theo Sainteny, binh lính Việt Nam đóng bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ ghi chép cẩn thận bảng số ô tô chở khách đến dự bữa tiệc này.
[4] Về Sắc lệnh tám điểm, xem Bản ghi nhớ, Joseph Yager, gửi đại sứ Johnson, ngày 16-7-1954, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[5] Toàn Tập I, tập 7, trang 20-27.
[6] Về số lượng những nhà quản trị được đào tạo, xem Ken Post, “Cách mạng, Chủ nghĩa xã hội, và Chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, tập 2 (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), trang 54. Về những nhận xét tại sao khá nhiều người tị nạn dời Bắc Việt tới Nam Việt Nam, xem Mieczyslaw Maneli, “Chiến tranh hạn chế” (New York: Harper & Row, 1971), trang 38-39.
[7] Luật về Hội đồng Nhân dân được Quốc hội thông qua vào tháng 7-1957, và cuộc bầu cử đầu tiên tổ chức vào tháng 11-1957, xem Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập II, trang 55.
[8] Carlyle Thayer - một trong những người có uy tín về vấn đề này - ước tính năm 1954 có khoảng 100.000 người ủng hộ Việt Minh ở miền Nam và 90.000 ở miền Bắc - xem Carlyle Thayer, “Chiến tranh bằng những cách khác: Giải phóng dân tộc và Cách mạng ở Việt Nam 1954-1960” (Sydney: Allen & Unwin, 1989), trang 18. Về sự tin tưởng của Hồ Chí Minh vào những cuộc bầu cử, xem Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày” (NXB Văn Nghệ, Westminster, Calif., 1998), trang 230.
[9] Thật trớ trêu, Việt Minh tiên đoán sớm ngay từ mùa thu 1950 rằng Mỹ cuối cùng sẽ thay Bảo Đại bằng Ngô Đình Diệm. Xem Sài gòn 245 gửi Ngoại trưởng, ngày 10-10-1950, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Tin tức ở lưu trữ Bộ ngoại giao về hoạt động của Diệm ở Mỹ và sự bổ nhiệm ông làm thủ tướng, xem “Bản ghi nhớ cuộc hội đàm, Ngô Đình Diệm với Gibson và Hoey của PSA, ngày 15-1-1951; Sài gòn 2363, ngày 30-6-1951; Bản ghi nhớ PSA (Bonsai) gửi FE (Allison), ngày 16-1-1953; Paris 1076 gửi Ngoại trưởng, ngày 14-9-1953; Paris 4530 gửi Ngoại trưởng, ngày 25-5-1954; Paris 4538, ngày 26-6-1954; Paris 4756 gửi Ngoại trưởng, ngày 8-6-1954, trong tài liệu đã dẫn. Về phản ứng tại Sài gòn đối với sự bổ nhiệm Diệm, xem Sài gòn 2819 gửi Ngoại trưởng, cũng trong tài liệu đã dẫn. Về quan điểm của ông là Nam Việt Nam hoặc là trở thành những người lính hoặc chống Cộng sản, xem Sài gòn 105 gửi Ngoại trưởng, ngày 8-7-1954, RG 59, NXB Đại học Mỹ. Chỉ sáu trong số mười bảy bộ trưởng trong nội các đầu tiên của ông là người miền Nam. Câu nhận xét “vị cứu tinh không thông điệp” là của Robert McClintock - xem Sài gòn 48 gửi Ngoại trưởng, ngày 4-7-1954, RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[10] “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 5, trang 563-64, 568. Carlyle Thayer, “Chiến tranh bằng những cách khác: Giải phóng dân tộc và Cách mạng ở Việt Nam 1954-1960” (Sydney: Allen & Unwin, 1989), trang 26. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp, Hồ Chí Minh nói đó ông đưa ra những nhượng bộ như vậy, xem Toàn Tập I, tập 7, trang 68-70. Về phản ứng của Dulles và những quan chức Mỹ khác, đối với quyết định của Diệm decision, xem William Duiker, “Chính sách ngăn chặn của Mỹ và cuộc xung đột ở Đông Dương” (NXB Đại học Stanford, California, 1994), trang 215.
[11] Trích dẫn từ Molotov có trong Carlyle Thayer, “Chiến tranh bằng những cách khác: Giải phóng dân tộc và Cách mạng ở Việt Nam 1954-1960” (Sydney: Allen & Unwin, 1989), trang 35-37. Về hoạt động của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, xem Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 143-47. Phát biểu của Hồ Chí Minh khi ông trở về Hà Nội I được in trong Toàn Tập I, tập 7, trang 286-89. Xem thêm Guo Ming, “Bốn lăm năm quan hệ Trung-Việt”, (NXB Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, 1992), trang 65. Theo Mieczyslaw Maneli, khi đó đại diện Ba Lan trong Uỷ ban kiểm soát quốc tế ở Hà Nội, Moscow có thái độ thận trọng về Việt Nam sau hội nghị Geneva, ủng hộ Việt Nam trong vấn đề liên quan đến dàn xếp, mà không có lợi cho chính sách đối ngoại mới thúc đẩy cùng chung sống hoà bình - xem Maneli, “Chiến tranh hạn chế”, trang 24. Về sự dè dặt của Liên Xô trong đường lối tư tưởng ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xem tài liệu đã dẫn, trang 36. Về bối cảnh quốc tế, xem R. B. Smith, “Lịch sử quốc tế cuộc chiến tranh Việt Nam”, Tập I, 1955-1961 (NXB St. Martin’s, New York, 1983), trang 30-33, 62.
[12] Tạ Xuân Linh, “Cuộc đấu tranh vũ trang ở Nam Việt Nam bắt đầu như thế nào?”, “Tin tức Việt Nam” (tháng 3-1974), trang 20, trích trong “Không còn con đường nào khác”, hồi ký của bà Nguyễn Thị Định, do Dương Vân Mai Elliott dịch (Ithaca, N.Y.: Cornell Data Paper số 102, 1976), trang 12.
[13] Neil Sheehan, “Sau khi cuộc chiến kết thúc: Hà Nội và Sài gòn” (NXB Vintage, New York, 1992), trang 77.
[14] Bản tiếng Anh bài phát biểu trong “Hồ Chí Minh: Tuyển tập”, trang 188-91, (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1977). Xem thêm Toàn Tập I, tập 7, trang 329-32.
[15] Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 267-268.
[16] Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập, 1920-1966”, trang 12,. Những nhận xét cá nhân của Hồ Chí Minh, xem Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày”, trang 221, và bài báo của Hiên đăng trong “Tin tức Việt Nam” (Mùa thu 1997), trang 12. Xem thêm Edwin E. Edwin Moise, “Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam: Củng cố cách mạng tại cấp giải phóng” (Chapel Hill, N.C.: Đại học North Carolina Press, 1983), trang 191, 239-41.
[17] Lê Đức Thọ, “Làm thế nào để phát động chiến tranh du kích ở Nam bộ” trong “Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam”, tập 3, trang 289-292 (NXB Sự thật, 1958). Xem thêm Georges Boudarel, “Trăm hoa nở trong đêm Việt Nam: chủ nghĩa cộng sản và bất đồng chính kiến​​, 1954-1936” (Paris: Jacques Bertoin, 1991), trang 171.
[18] Bùi Tín, “Sau Hồ Chí Minh: Hồi ký của một Đại tá Bắc Việt Nam”, trang 23, (Honolulu: Đại học Hawaii Press, 1995); “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 5, trang 559; báo Nhân Dân, ngày 19-11-1954.
[19] Dương Vân Mai Elliott, “Cây liễu thiêng liêng: Bốn thế hệ trong cuộc sống một gia đình Việt Nam” trang 344-45 (New York: Đại học Oxford Press, 1999), Xem thêm Edwin Moise, “Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam: Củng cố cách mạng tại cấp giải phóng” (Chapel Hill, N.C.: Đại học North Carolina Press, 1983), chương 11.
[20] Xem Edwin Moise, “Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam: Củng cố cách mạng tại cấp giải phóng” (Chapel Hill, N.C.: Đại học North Carolina Press, 1983), trang 218-22, và Boudarel, “Trăm hoa nở trong đêm Việt Nam: chủ nghĩa cộng sản và bất đồng chính kiến​​, 1954-1936”, trang 177 (Paris: Jacques Bertoin, 1991). Về quan điểm của Lê Văn Lương, xem bài của ông “Vì sao phải chỉnh Đảng” trong “Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam”, tập 3, trang 293-302. Lê Văn Lương là em trai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan, người ở lại miền Bắc sau Hiệp định Geneva.
[21] “Bài phát biểu tại hội nghị Cải cách ruộng đất đợt II ở Thái Nguyên, Bắc Giang”, trong Toàn Tập I, tập 7, trang 112-21. Xem thêm Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 273, 289; Boudarel, “Trăm hoa nở trong đêm Việt Nam: chủ nghĩa cộng sản và bất đồng chính kiến​​, 1954-1936”, trang 177-78, 188 (Paris: Jacques Bertoin, 1991).
[22] Bùi Tín, “Sau Hồ Chí Minh: Hồi ký của một Đại tá Bắc Việt Nam”, trang 28-29, (Honolulu: Đại học Hawaii Press, 1995); Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày”, trang 224; Edwin Moise, “Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam: Củng cố cách mạng tại cấp giải phóng” (Chapel Hill, N.C.: Đại học North Carolina Press, 1983), trang 218-22.
[23] Toàn Tập I, tập 7, trang 179-82. Về cuộc thảo luận và những quyết nghị của Hội nghị toàn thể lần thứ VII, xem Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 271.
[24] Trích ở Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 272
[25] Trích ở Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 274. Phát biểu của Hồ Chí Minh có rằng Toàn Tập I, tập 7, trang 354-59. Sự so sánh với bát súp được trích trong Georges Boudarel, “Hồ Chí Minh”, trong George Fischer, ed., “Những người đàn ông của Nhà nước châu Á và chính trị” (Paris: Universite Rene Descartes, 1980), trang 127-28.
[26] Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 274; “Bài nói chuyện tại hội nghị cán bộ cải cách miền biển”, trong Toàn Tập I, tập 7, trang 413-16. Lời biện hộ của Vũ Đình Huỳnh được trích trong Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày”, trang 225.
[27] Trích ở W. R. Smyser, “Việt Nam Độc lập: Cộng sản Việt Nam giữa Nga và Trung Quốc, 1956-1969” (Athens, Đại học Ohio, Trung tâm nghiên cứu quốc tế, 1980), trang 5-6. Theo Georges Boudarel, khi một nhà báo Đài phát thanh Moscow hỏi Trường Chinh về quan điểm của ông trong những quyết định đưa ra tại Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Chinh trả lời bằng những nhận xét mơ hồ về “phân tích tình hình mới với những nhận xét rất sâu sắc về lý luận và cách giải quyết những nhiệm vụ hàng đầu” - xem Boudarel, “Trăm hoa nở trong đêm Việt Nam: chủ nghĩa cộng sản và bất đồng chính kiến​​, 1954-1936” trang 193 (Paris: Jacques Bertoin, 1991). Vũ Thư Hiên cho biết chỉ vài Uỷ viên Bộ chính trị và Ban Bí thư được đọc bản sao bài phát biểu hạ bệ Stalin - xem “Đêm giữa ban ngày”, trang 101.
[28] Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày”, trang 333; “Phát biểu của Vũ Thư Hiên”, trong “Tin tức Việt Nam” (Mùa thu 1997), trang 13.
[29] “Lời bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 9 (mở rộng) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam”, trong Toàn Tập I, tập 7, trang 426-30
[30] Boudarel, “Trăm hoa nở trong đêm Việt Nam: chủ nghĩa cộng sản và bất đồng chính kiến​​, 1936-1954” trang 199-200 (Paris: Jacques Bertoin, 1991). Thư Hồ Chí Minh: “Thử gửi hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5”, trong Toàn Tập I, tập 7, trang 460-461.
[31] Bài phát biểu có trong Toàn Tập I, tập 7, trang 506-9. Khái niệm “đường lối quần chúng” du nhập từ thực tế Trung Quốc, kêu gọi chính sách đáp ứng nguyện vọng nhân dân ở giai đoạn đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa.
[32] Báo Nhân Dân, 30-10-1956, trích trong Carlyle Thayer, “Chiến tranh bằng những cách khác: Giải phóng dân tộc và Cách mạng ở Việt Nam 1954-1960” trang 89-90 (Sydney: Allen & Unwin, 1989). Tôi sử dụng bản dịch của Carlyle Thayer.
[33] Edwin Moise, “Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam: Củng cố cách mạng tại cấp giải phóng” (Chapel Hill, N.C.: Đại học North Carolina Press, 1983), trang 244-46; Ken Post, “Cách mạng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam”, (Aldershot, U.K.: Dartmouth, 1989), Tập I, trang 280; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 7, trang 364.