Vũ dặn Côn và Vọng: - Bây giờ hát từ đầu chí cuối, gần hết thì hát chậm dần nghe chưa? Hai thằng bạn trẻ gật đầu, lắng tai nghe tiếng ác mô ni ca dạo nhạc của thằng Vũ. Chúng nó bắt giọng thật đúng nhịp: - “Bao tháng ngày xa vắng trôi Còn đâu nếp trường xưa Xa vắng càng thiết tha mong Bên mấy khung song thưa Say ngắm từng gian lớp xinh Lòng xao xuyến tình thơ Bao tình thơ ngây những lúc vui chơi Cùng ngồi quanh bóng mát cùng reo cười Cây xoài xưa kia lá tốt xanh tươi Trạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi …” Vũ đặt kèn trên bàn khen lia lịa: - Hay lắm, nhớ trường lắm chúng mày ạ! Tao muốn khóc. Côn và Vọng cũng muốn khóc. Mắt chúng nó mong lên sự thương nhớ. Tuy còn hai tuần lễ nữa mới nghỉ hè, mới xa mái trường. Nhưng chúng nó đã mơ hồ thấy những gian lớp đóng kín mít suốt ba tháng. Sân trường cỏ mọc đầy. Vắng vẻ. Mùa thu nhuộm đỏ lá vàng và gió thổi lìa khỏi cây. Cảnh đìu hiu ấy chẳng còn bao lâu nữa sẽ đến. Chúng nó sẽ xa thầy, xa bạn, tản mạn về đồng quê hóng mát. Chúng nó sẽ tương tư tiếng phấn khô viết ken két trên bảng đen. Chúng nó sẽ thèm những ngọn roi vụt quắn đít và sẽ ao ước chóng được nghe thầy mắng mỏ. Bài “Trường cũ” mà bọn thằng Vũ sắp trình bầy hôm mãn niên học, chắc chắn sẽ làm cả trường khóc. Và khi đã lìa mái trường, nếu niên học sau có kẻ nào bất hạnh không được trở lại học nữa, kẻ ấy phải đau khổ suốt quãng đời thơ ấu. Bài “Trường cũ” sẽ là liều thuốc an ủi họ để hát lên cho tiếc cho thương. Ai sáng tác bài này mà truyền cảm thế! Điệu nhạc chân thành, giản dị, chứa chan tình cảm. Đến nỗi hát lên là muốn khóc rồi. Côn hỏi Vũ: - Bài này của ai hở mày? - Tao quên rồi. Ba tao bảo của một anh học trò trường Bưởi. - Ba mày ngày xưa học trường Bưởi à? - Ừ. - Chắc ba mày không nghịch như chúng mình đâu nhỉ? - Ai bảo mày thế? - Tao đoán. Vũ có dịp nói về ba nó, nét mặt nó hớn hở. Vũ say sưa kể: - Ba tao nghịch bằng mười chúng mình bây giờ ấy. - Sao mày biết? - Mỗi lần di tao mắng tao hay thằng Khoa cái tội nghịch ngợm, ba tao bênh anh em tao. Ba tao bảo “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, đứa nào còn bé đi học không nghịch, chết xuống âm phủ xếp hàng thứ mười, không được ghi tên lên bảng danh dự nữa và bị quỷ sứ bắt nạt. Con nhà Vũ “phiệu” chuyện này khiến hai thằng bạn nó ngứa chân, muốn đi đá bóng ngay lập tức. Vũ chúa hay “phiệu” chuyện. Ba nó bênh nó, chỉ nói gọn ba tiếng “kệ chúng nó” thế mà Vũ dám bịa thêm lời và gián tội cho ba nó. Vũ kể tiếp: - Hồi ba tao đi học, trường Bưởi có cái trò đi xe đạp vòng quanh Đông Dương. Vọng chen thắc mắc của nó vào chuyện: - Trường Bưởi ở đâu hở mày? - Ở Hà Nội. Côn dục: - Xe đạp vòng quanh Đông Dương ra sao hở mày? - Lạ lắm. Vọng hỏi: - Ba mày làm cua rơ à? - Không. Họ vẽ cái bản đồ Đông Dương to tổ bố trên sân cỏ bằng vôi trắng, có năm miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Ai Lao vào Cao Mên. Một đoạn xe đạp đi trên cái vệt vôi trắng vòng quanh Đông Dương rồi ghé thăm từng miền. Vừa đạp vừa hát bài “Vành xe chắc chắn tiến trên đường xa vời. Cùng gò lưng vui tươi đạp đi hoài. Ngàn tia nắng chiếu sang trên đường xa vời. Vành xe bon bon lăn toàn cõi Đông Dương Tới Nam Kỳ thì dân Nam Kỳ ra hát vọng cổ tiếp đón, tới Trung Kỳ thì mọi Trường Sơn nhẩy nhót hoan hô chúng mày ạ! Toàn học trò trường Bưởi chơi. - Ba mày chơi gì? Vũ cười hô hố: - Ba tao chơi đàn bà mọi. Ba tao mặc váy, dắt lông ngỗng lên tóc, bôi vôi đầy má nhẩy “van” mà lại hát bài “tăng gô si noa”! Côn đập bàn: - Tuyệt, ba mày tuyệt! Vũ vung tay: - Tuyệt “cú mèo”! Vọng thúc Vũ: - Kể nữa đi mày! - Thôi, kể chuyện ba tao hàng tháng chưa hết. Nghỉ tập hát nhé! Tao đưa chúng mày đi chén phở rồi đi xem kịch là vừa. Ba thằng dắt nhau đến hiệu “Phớn” gọi ba bát phở nóng hổi. Chúng nó vừa húp vừa thổi phù phù. Bên ngoài, nắng đã tắt. Đường phố bắt đầu đông đúc và tiếng trống kịch cũng bắt đầu réo gọi khán giả. Ăn phở xong, ba thằng đi tha thẩn chung quanh trường. Vũ chỉ mua có mỗi tấm vé mầu xanh hai đồng. Nó không dám mua ba vé, còn để tiền ăn kem với con Thúy chiều mai chứ. Bẩy giờ rưởi diễn kịch mà giờ bẩy giờ rồi. Tiếng trống mỗi lúc một dồn dập, thôi thúc tâm hồn hai thằng Côn và Vọng. Hướng đạo Hải Dương sang đây diễn kịch, đốt lửa trại chắc phải hay lắm. Không hay mà vô số người mua vé. Cứ nghĩ tới kịch hay, đàn hay, hát hay, múa hay, người hai thằng bạn của Vũ nôn nao. Còn con nhà Vũ vẫn tỉnh bơ. Ba thằng bách bộ vòng quanh trường ba bốn lượt rồi. Cách tường độ năm thước tại có một lão đội xếp cầm dùi cui, mặt mày hung ác, đứng canh. Còn mỗi cổng phía nhà bà xơ có thể nằm rạp xuống chui vào, qua cầu tiêu, qua nhà bác tùy phái, tới sân trường được thì cũng có lão đội xếp già chễm chệ trên cái ghế đẩu. Đúng bẩy giờ rưỡi, tiếng trống ngừng đánh. Bản nhạc mở màn khởi xướng. Ngực thằng Côn đập mạnh. Nó hỏi: - Thế nào Vũ? - Yên chí. Vọng nói: - Kế gì hở Vũ? - Chúng mày cứ rối lên, ghé tai tao nói kế của tao cho mà nghe … Hai thằng nhãi sướng rên. Chúng nó sắp mạo hiểm để vui thích, để cười, để kiếm những giọt sương mai cho mát tuổi thơ. Vũ níu Côn: - Vé đâu? - Đây. - Đưa cho tao. Thôi, chúng mình vào là vừa. Vũ nói dứt câu, bỏ chạy. Để nó chạy cách hai mươi thước, Côn và Vọng đuổi theo. Khi tới gần cổng sau, nơi lão đội xếp già chễm chệ trên cái ghế đẩu, Vũ luồn hai tay vào áo sơ hồ dấu diếm vật gì. Côn và Vọng hớt hơ hớt hải chạy thẳng vào chỗ gác vừa thở hổn hển vừa chỉ thằng Vũ. Côn vờ nói không ra lời khiến lão đội xếp mắng: - Cái gì thế ranh con? - Ăn.. că … cắp … - Đâu, ăn cắp đâu? - Nó chạy kia kìa, ông đuổi bắt nó đi, nó ăn cắp đồ của ông phó cẩm đấy ông ạ! Lão đội xếp trông theo thằng Vũ. Lúc này, Vũ chạy chầm chậm, có vẻ sợ sệt nhìn lão đội xếp. Đúng ăn cắp rồi, lão đội xếp đuổi Vũ. Côn khuyến khích lão: - Ông bắt tù bỏ mẹ nó đi ông nhé! Rồi nhanh như cắt, hai thằng nằm rạp xuống cánh cổng, chui vào. Lão đội tóm được thằng Vũ, liền hỏi: - Mày ăn cắp cái gì đấy? A lê về bóp! Vũ van lậy: - Cháu có ăn cắp gì đâu. Hai thằng kia bắt nạt cháu, định giật vé xem kịch của cháu. Chúng nó đuổi cháu, cháu phải dấu vé ở ngực. Đây ông xem này, tấm vé hai đồng của cháu, cháu có ăn cắp gì đâu? Lão đội xếp thấy thằng bé nói đúng. Lão thả nó ra, toan về chỗ “dần” tụi ôn con vài cái bợp. Nhưng chúng nó đã biến mất. Lão ngoảnh nhìn Vũ. Nó vù khá xa, bèn đứng lại réo: - Ông ơi! Hai thằng ấy là bạn cháu đấy. Chúng nó chui cổng vào xem kịch rồi. Chào ông nhé! Vũ toét miệng cười. Nó dơ tay chào lão đội xếp già. Trong nháy mắt, Vũ đã vù vào sân trường bằng lối cổng soát vé tìm hai thằng bạn của nó.