Dưới sự ủy thác của Cục Giáo dục tỉnh Đài Bắc, Trường Đại học Sư phạm Công lập Đài Loan đã làm một cuộc điều tra xem ý kiến mọi người như thế nào về việc trừng phạt thân thể. Kết luận báo cáo cho biết: 91% thầy giáo, 85% gia trưởng, 80% học sinh đều cho rằng nếu không đưa đến việc đả thương thì sự đánh đòn là một việc nên làm. Cuộc điều tra này cho thấy cả người đánh lẫn người bị đánh - như chuyện Châu Du và Hoàng Cái ở trận Xích Bích - hai bên cùng ưng thuận. Một bên ưng thuận đánh và một bên chấp nhận bị đánh. Tại Đại hội thường niên của Hội Tâm lý học Trung Quốc và của Hội Tâm lý trắc nghiệm Trung Quốc vấn đề này cũng được đem ra thảo luận. Một số người dự Đại hội thuộc trường phái hiếu chiến đã dùng những lời lẽ khó hiểu để yêu cầu cải tạo các trường học thành những phòng tra khảo thời cổ đại. Ngay cả bản thân Chủ tịch chính phủ Đài Loan, ông Lâm Dương Cảng - mà vận mệnh cuộc đời lại hoàn toàn trái ngược với đời của Bá Dương tôi - đã tuyên bố với Quốc hội Đài Loan rằng lúc nhỏ sở dĩ ông đã học hành được vì bị thày giáo đánh cho đau đến nỗi phải kêu trời. Ông Lưu Gia Dục, giáo sư Viện Y học quốc lập Dương Minh còn đưa ra kiến nghị với Bộ Giáo dục là đối với học sinh có thể dùng những hình phạt thân thể " thích đáng ". Nhưng sự đóng góp hay ho nhất phải là của bà Dương Thục Huệ, phóng viên tờ " Tự lập Vãn báo " trên một mục đặc biệt nhan đề: " Yêu ư? Đánh ư? ". Bà đề nghị: quan trọng nhất là làm sao vận dụng cho thích đáng, chỉ cần sao cho trẻ con đừng bị lầm lạc, Cục Giáo dục không cần quy định một cách quá " cứng nhắc ". Trong bài báo của bà ta có một đoạn đáng để lại cho hậu thế như sau: " Một ông giáo nọ ở một trường Trung học công nổi tiếng tại Đài Bắc có " cái roi để đánh học trò " và cái " tài dạy học " cùng nổi tiếng như nhau. Ngay hôm đầu tiên bắt đầu dạy học, ông treo lên tường bao nhiêu là roi mây (chẳng khác nào một gian phòng dùng để tra khảo người thời xưa -BD). Sau đó giao hẹn với học trò: " Cứ mỗi một thành tích dưới tiêu chuẩn mấy điểm là đánh mấy roi ". Kết quả là tất cả học sinh của lớp ông này đều đạt thành tích rất tốt (và tỷ lệ lên lớp cũng rất cao). Cái tên của ông toàn trường ai cũng biết (Nếu ông ta treo trong lớp những thanh kiếm thì không chừng tiếng tăm của ông ta có thể bay đến cả Luân Đôn nữa - BD). Tất cả học sinh đều xin được vào lớp của ông (Phải có một con số rõ ràng ở đây chứ không thể nói chung chung được - BD). Rất nhiều học trò sau khi đã tốt nghiệp rồi còn tiếc những lúc " xếp hàng để được đánh tay " (những cô cậu vừa qua những đợt thi tàn nhẫn để vào trường xong có lẽ còn có cái tình cảm này, chứ về sau tôi e rằng làm gì còn chuyện đó - BD). Như vậy để thấy rằng vấn đề không phải ở chỗ sự trừng phạt thân thể có cần thiết không (Đối với những thầy giáo muốn nổi tiếng e rằng việc này mười phần quan trọng - BD), nhưng ở chỗ ý nghĩa mà sự trừng phạt thể xác có thể đem lại được. " Cái đoạn văn này (của bà Dương Thục Huệ) là một trong những sản phẩm văn hóa đặc biệt của cái hũ tương. Thật ra, cái loại sản phẩm này đã xuất hiện trên thị trường từ thời Tống vào năm 1068. Thời ấy, hoàng đế còn nhỏ lúc học nghe thầy giáo giảng bài thì ngồi, thầy giáo thì lại đứng bên cạnh như học trò. Thừa tướng kiêm thầy giáo của gia đình là Vương An Thạch vì tôn sư trọng đạo mới đề nghị cho phép thầy giáo cũng được ngồi. Tin tức của đề nghị này truyền ra, cái vại tương kia liền bắt đầu sủi bọt. Một trong những đại thần kiểu giòi bọ tương dầu là Lữ Hối bèn kêu toáng lên như bị dẫm lên đuôi, và đằng đằng sát khí kết tội: - " Vương An Thạch vọng tưởng ngồi cạnh vua khi giảng bài cho vua, muốn xóa bỏ cả cái tôn nghiêm của hoàng đế để đưa cái tôn nghiêm của thầy học hoàng gia lên. Quả là họ Vương không biết gì về sự hòa thuận trên-dưới, mà cũng không biết gì về sự phân biệt vua-tôi! " Ôi thôi! Ngay từ thời cổ cũng đã có những ông giáo lấy làm vinh dự được đứng bên cạnh hoàng đế như thế. Chẳng trách thời nay, cũng có học sinh " xếp hàng để được khỏ tay " và lấy đó làm vinh dự. Tôi lại nhớ đến năm 1910 - vào những ngày mới thành lập nước Trung Quốc Dân Quốc - có một lão già người Mãn Thanh bảo hoàng chạy đến trước huyện đường, tụt quần ra sai gia nhân đánh mình một trận bằng roi. Sau đó, dường như thấy người đã nhẹ nhõm, bèn bảo: " Sướng quá! Sướng quá! Đã lâu không được thưởng thức cái mùi vị này! " Kiểu biểu diễn này so với việc thích được quất vào tay còn tiến xa hơn một bậc. Chuyện khó hiểu là: tại sao cái đầu óc nô lệ ở Trung Quốc vẫn không thể chấm dứt được? Mặc dù trong văn hóa Trung Quốc có một số truyền thống rất ư tàn khốc như bó chân đàn bà, thiến đàn ông, và nhục hình bây giờ đều đã bị bãi bỏỷ. Bộ Giáo dục nghiêm cấm hình phạt thân thể, đó là một trong những quyết định rất đúng đắn. Không tưởng tượng được vào những năm 80 của thế kỷ XX này mà còn có người muốn đặt lại vấn đề. Vấn đề ở đây đáng lẽ phải là đối với điều hổ thẹn phải biết hổ thẹn, chỉ có những kẻ mà đầu óc nô lệ đã thâm căn cố đế mới có thể có được cái tài là lấy điều hổ thẹn làm vinh dự. Mối nguy cơ đích thực của dân tộc Trung Quốc vẫn là có những quái thai như Lữ Hối, như những đứa học trò " thích xếp hàng để được đánh tay ". Nếu những chuyện nhục nhã như thế lại trở thành vinh dự thì trên thế giới này chắc chẳng còn chuyện gì để lấy làm vinh dự nữa. Những kẻ thích bị sỉ nhục thì hoặc bị mất cảm tính của con người, hoặc tỏ ra không biết; hoặc không quan tâm đến nó; hoặc để trốn tránh trách nhiệm hay có thâm ý gì khác; hoặc chỉ đơn giản vì họ là những kẻ trời sinh ra để làm nô lệ; hoặc đã là nô lệ từ trong bào thai rồi. Những người chủ trương đánh đòn nhấn mạnh: " thương cho roi cho vọt ". Ôi! Tình thương ơi! Vì ngươi mà con người đã phạm biết bao nhiêu tội lỗi mỗi ngày. Bố mẹ vì thương mà bó chân con gái mình; nghĩ rằng trong tương lai nó sẽ dễ lấy chồng. Đó cũng là tình thương vậy. " Vua cha " đối với tiện dân thì đánh cho thịt nát xương tan, bởi vì " hình kỳ vô hình " (trong thời gian giam giữ thì không được đánh), đó cũng là tình thương dân như con đỏ. Cứ thử hỏi một câu: - Thầy giáo đối với học trò, đánh một roi, đó là tình thương? Đánh 10 roi, 100 roi cũng vẫn là tình thương ư? Trên báo đăng chuyện thầy giáo đánh ba bạt tai làm cho học trò bị chấn thương sọ não rồi cũng nhất quyết bảo đó là vì mình thương nó. Làm sao phân định được ranh giới đây? Làm sao biết được cái hàm ý của nó đúng hay sai? Trong nền giáo dục bằng tình thương làm gì có tiết mục " Tu lý học " (đánh đập học trò)? Còn nếu nói đến " thích đáng " thì thế nào là " thích đáng? " Ai định được tiêu chuẩn? Và làm sao biết được cái nào là hợp tiêu chuẩn? - " Chỉ cốt không gây thành thương tích là được! ".Đó là tiêu chuẩn ư? Trên thực tế, bất cứ một sự trừng phạt thân thể nào cũng đều để lại thương tích. Giống như bảo: " Cứ đút tay vào lò lửa, càng lâu càng tốt, chưa thấy thương tích thì chưa cần rút ra ". Cái ý nghĩa này nghe chừng cũng thảm não chẳng khác nào âm thanh của một bánh xe xì hơi. Bất cứ ai lúc sắp bắt đầu ra tay đánh thì các thớ thịt đều gồng lên, tròng mắt long lên. Chỉ nội cái dáng điệu khủng khiếp này - thần thái và ánh mắt hung ác - dù chưa đánh thật cũng đã có thể làm cho người sắp bị đánh tổn thương rồi. Cứ như đứa học trò đứng trước quyền uy tuyệt đối của người thầy, hoặc đứa con trước uy quyền tuyệt đối của ông bố, khi người bố dơ tay lên dọa đánh, đều đã cảm thấy mình bị hạ nhục như thế nào. Rõ ràng chẳng có tình thương gì ở đó cả! Chỉ có cái mầm mống của sự hận thù từ cả đôi bên, bởi vì đó là một thứ lăng nhục đối với nhân cách. Đến lúc nào học trò không còn thích xếp hàng để được đánh tay nữa, lúc ấy các em mới có thể xóa bỏ được mặc cảm bị sỉ nhục, và lúc ấy sự trừng phạt thể xác mới không còn có ý nghĩa " tốt đẹp " nữa. Nếu những trẻ em không làm nổi các bài thi lại phải chịu những sự trấn áp, bạo lực thì lòng tự trọng bẩm sinh của trẻ con, cái linh tính và trí tưởng tượng rất đáng quý của chúng e rằng sẽ bị tiêu tan mất. Có đến 29% thầy giáo, sau khi Bộ Giáo dục nghiêm cấm đánh đòn học trò, đã cảm thấy " lòng lạnh như tro tàn, chẳng còn muốn dạy học nữa ". Những con người văn hóa theo nghề gọi là " gõ đầu trẻ " này nếu không được phép thi triển cái thủ đoạn đánh đòn học trò quỷ khốc thần sầu thì họ cảm thấy đành phải thúc thủ, không còn cách nào khác. Như vậy Bộ Giáo dục có lẽ tốt hơn nên mời họ cuốn gói ra khỏi trường và giới thiệu họ đến làm gác cửa cho các sòng bạc. Bá Dương không đủ sức để phản đối 91%, 85%, cả đến 80% những người đồng ý việc đánh đòn. Nhưng tôi đây có thể hướng về những người học trò bị sỉ nhục, đề nghị một bí quyết như sau: Nếu họ đánh các em, tuy các em không thể đánh lại được ngay bây giờ, nhưng khi lớn lên như một người trưởng thành, thì phải quyết tâm trả mối thù đó. Mười năm chưa có gì là muộn cả. Có những phần tử rất hiếu chiến có thể mắng các em: " Tôi cứ đánh đấy! Mười năm sau rồi ta nói chuyện! " Đối với cái loại rắn vườn này, các em vĩnh viễn đừng bao giờ quên chúng, hãy cứ thật tình hẹn chúng mười năm sau. Nhưng đây chưa phải là ý chính của tôi. Cái ý nghĩa chính, khiến lòng tôi thật đau xót, là: qua lần điều tra này (của Trường Đại học Sư phạm công lập Đài Loan) số người thích đánh đòn và những người thích bị đánh đã chiếm một tỷ lệ quá cao. Phàm mục đích của giáo dục là bồi dưỡng cái tôn nghiêm và vinh dự của nhân tính. Thế mà ngược lại, hôm nay mọi người đều đồng ý rằng: mục đích của giáo dục là tiêu diệt cái tôn nghiêm và vinh dự của nhân tính đó. Có thể nói đây là một trong những xì-căng-đan lớn của thế kỷ XX và của vấn đề giáo dục. Điều đó chứng tỏ cái vại tương này không những rất sâu mà tương lại còn đặc nữa. Cho dù bây giờ chính phủ có xuất đầu lộ diện giúp đỡ đi nữa thì một số người cũng khó lòng sửa đổi được. Vì thế chúng ta có thể nói rằng: cái nền giáo dục của chúng ta quá ư là dị hình, đã đến chỗ đi ngược lại thiên chức của nó. Càng nghĩ đến tôi lại càng thấy lạnh xương sống. Trích từ " Dẫm lên đuôi nó ".