Nhụ và Điều đến chùa. Hai cô cậu kính cẩn chào ông hộ Hiếu:- Chúng cháu lạy ông trẻ ạ. Ông Hộ đang ở thời kỳ không bị đồng ốp. Ông như một phú ông nhàn tản đang ngồi dưới chân pho Hộ Pháp uống trà. Nhụ liếc nhìn ông già gầy nhom trong bộ quần áo nâu lùng thùng, tóc dài búi sau gáy, râu dài trắng phơ, mắt ngơ ngơ ngác ngác, ngồi chân bằng chân chống, phe phẩy quạt. Pho tượng đêm ngày trong trạng thái tức giận, mặt đỏ bừng bừng, mắt xếch trừng trừng mở to như chỉ chực làm rách cả khóe mắt. Cả hai nhân vật bên nhau ấy lúc nào cũng như khích nộ. Trong đầu óc họ như chứa thuốc pháo. Cô gái thầm nghĩ: "ông hộ Hiếu và cụ hai Tiết là hai anh em ruột nhưng ngược hẳn nhau. Ông nội Tiết ở nhà thì mặt mày đầy đặn, hồng nhuận. Hai bên cùng tóc trắng củ hành nhưng một bên suôn sẻ óng mượt, còn một bên rối bời và xin xỉn. Hai bên cùng linh hoạt, nhưng một bên thì khoan thai, trầm tĩnh, còn một bên thì lập cập, bừng bừng. Có lẽ họ là cặp: một ông Thiện, một ông Ác. Có thể, ông Hộ Pháp Thiện trong chùa đã bị dột nát, mưa gió làm cho long lở hư hại đi đến chỗ tượng đất rã ra sụp đổ. Ông Thiện hiền từ chùa về nhà nhập vào cụ Tiết. Còn ông Ác thì vẫn còn. Có bận cụ Tiết giảng giải: ủng hộ Hiếu buộc phải ngồi dưới chân pho tượng mắt xếch, để bảo quản, để lợp giọi mỗi khi mưa gió, để cho Hộ Pháp nộ khí xung thiên này còn mãi mãi ở đời. Nói ông Ác tức là nói nôm na, chưa đủ nghĩa. Chính ra ông Hộ Pháp này là người bảo vệ phật pháp một cách kiên quyết bằng sự uy dũng, tức là ông bảo vệ cái đẹp cái hiền lành ở đời. Ông là sự trung thực nóng nảy nên nếu cần ông có thể dùng gươm đao đánh chém. Cụ hộ Hiếu có thể là truyền nhân của vị bồ tát đầy lòng từ bi này. Pho tượng bị người đời hiểu sai, hay chưa hiểu hết nên dĩ nhiên ông Hiếu cũng bị người đời vừa yêu quý vừa sợ hãi".Ông già đôn hậu trong một cái vỏ bề ngoài đầy ma quái ấy đang ngồi thừ một mình. Lúc này, cái búi tóc xổ xuống để những sợi tóc bạc xỉn chảy ngang lưng. Nhụ nhìn kỹ thấy vẻ mặt ông thật quắc thước nhưng phảng phất chút gì đau đớn. Không biết ông đang nghĩ gì mà bàn tay trái của ông luôn luôn vuốt cằm. Vuốt mà cứ như là đang nhổ, đang giật bộ râu trắng. Ông không để ý ngay cả khi hai đứa trẻ đã đến gần. Chúng lại chào to:- Cháu chào ông trẻ ạ.Khi ấy, ông già mới chợt tỉnh và nhận ra:- Cháu Điều đấy ư?Rồi ông nhìn chằm chằm vào mặt Nhụ và hỏi Điều:- Có phải đây là con bé mà Trịnh Huyền đem về nhà ta không.- Vâng ạ? Cháu là con bố Huyền - Nhụ cất tiếng trả lời, cái giọng dịu, ấm và nhanh nhảu. Ông cụ hộ Hiếu tỏ vẻ hài lòng. Ông đứng dậy, kẻo con bé lại gần, nhìn sâu vào đôi mắt hiền lành của nó, rồi cầm xem bàn tay đầy đặn, ấm áp của nó. Ông lại đi vòng quanh, nhìn đằng trước, đằng sau Nhụ. ông bảo:- Cháu phúc hậu lắm, nhưng vất vả. Mấy lại... Cháu không phải họ Đinh... không phải người họ Đinh...- Thưa ông, cháu họ Trịnh. - Nhụ ngây thơ trả lời.Thằng Điều nóng nảy, lắp bắp định nói ra những điều nó biết, nhưng ông hộ Hiếu đã để ngón tay lên miệng, đưa mắt bảo:- Cháu không cần phải nói gì. Ông đã biết hết cả rồi. Vả lại, cháu cần giữ miệng. Ông Hộ hạ đồ lễ trên ban xuống, cho hai đứa trẻ ăn oản, ăn chuối. Nhìn hai đứa trẻ ăn uống, ông chợt thở dài Không biết ông đã nhìn thấy ở bàn tay, ở gương mặt Nhụ những gì. Rồi, ông ngẫm nghĩ: "Thiên cơ bất khả lậu… Vả chăng cơ trời rất huyền vi".Điều và Nhụ làm cho ông già chợt vui. Tiếng ríu ran của chúng hỏi ông những chuyện ngày xưa mà bản thân ông hình như chẳng bao giờ nghĩ lại.- Ông kể cho chúng cháu nghe đi. Tại sao ông lại thành ông Hộ? Tại sao ông chữa bệnh giỏi thế?Ông già vốn cô độc, hàng ngày, trừ lúc có người đến xin thuốc, ông chẳng nói chuyện được với ai.Bây giờ, ông được nói chuyện với hai đứa cháu, tự dưng ông như được gặp những người tri âm. Người ta thường bảo: "Già trẻ ngang nhau'. Khi đã đến một tuổi nào đó, người ta trở lại hồn nhiên như trẻ thơ. Vậy là lúc ấy, có ba con người rất trẻ đương bi bô với nhau. Mà đã là chuyện tâm sự hồn nhiên thì điều gì chả có thể đem nói hết. ông già say sưa kể, còn hai người trẻ thì nghe chăm chú như nghe chuyện cổ tích. Chuyện kể rằng: Dạo ấy, ông là thợ sơn tràng đi đẵn gỗ thuê cho ông Cửu Nhậm. Lúc còn ở thành thị, chưa làm tiên chỉ, Nhậm chạy được cái phẩm hàm Cửu phẩm, nên làng xã gọi lão ta là ông Cửu. Ông Cửu làm chủ gỗ, buôn gỗ ra Hà Nội, lão lại mở xưởng cưa ngoài bờ sông, buôn tận gốc, bán tận ngọn, nên phất lên rất nhanh. Cửu Nhậm cũng biết điều, dân làng cũng thích đi làm cho lão. Kẻ ra thành. phố kéo cưa lừa xẻ (hồi ấy chưa có máy cưa). Kẻ đi đẵn gỗ trên rừng. Cửu Nhậm làm ăn khá nên giả công rất hậu hĩ. Vào thời đó, vùng Cổ Đình còn nhiều rừng rậm. Có những cây lim từ ba người ôm không hết. Có những cây chất hàng tuần không đổ. Cửu Nhậm kinh doanh đa dạng. Ngoài việc cung cấp gỗ cho thành phố, ông ta còn cung cấp gỗ cho làm đình làm chùa, làm nhà đại khoa. Và việc chặt lim và xẻ lim thì hiệp thợ của ông giỏi lắm. Rừng lim thường là rừng già nơi nước độc đi chín về ba. Xẻ lim lại nặng nề khó nhọc. Do vậy hiệp thợ sơn tràng của ông có nhiều việc lắm, làm không xuể. Và làm được nhiều tiền nên ông ham lắm. Có khi đi rừng mấy tháng mới trở về nhà. Có một lần đang chặt cây thì mưa rừng ập tới. Mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng. Ông đội nón, thu lu trú mưa dưới một cây to; trước mặt là một vạt rừng đã bị chặt phá nên đất trống quang quẻ. Một tiếng sét xé trời đánh vào khu rừng đằng trước. Mấy tiếng sét nổ liên tiếp sau đó làm ông nhắm mắt lại. Chợt ông cảm thấy trong người rất lạ. Cứ cảm thấy sắp có chuyện gì xảy tới liền mở mắt ra. Ông giật mình vì trông thấy ở đằng xa một quả cầu lửa to tròn như cái rá đang bay tới. Quái lạ chưa? Quả cầu lửa đang lao thẳng tới ông. ông sợ quá hét lên: "Cứu tôi với!" ông chỉ mới kịp kêu như vậy đã bị quả cầu sáng chói đâm vào mặt, không tài nào tránh được. Thế là ông ngã vật xuống, hôn mê bất tỉnh. Những người thợ bạn khiêng ông về nhà. Ông nằm liền một tuần không biết gì, nhưng vẫn còn thở.Lúc ông tỉnh dậy thì điều lạ lùng xảy ra. Nhìn vào con người ta, ông có thể trông rõ các phủ tạng phổi, tim, gan, não... và có thể nhận ra bộ phận nào mạnh khỏe, bộ phận nào đau ốm.- Trông nó như thế nào hả ông? - Nhụ tò mò hỏi.Ông già cười hiền:- Bộ phận nào khỏe màu hồng, màu đỏ. Bộ phận nào đau yếu màu vàng. Vàng nhạt đau ít. Vàng khè là đau nặng.- Như cháu đây, ông thấy có bị đau chỗ nào không?Ông già vỗ vai nó hiền từ bảo:- Cháu là cây non đang sức, làm sao mà ốm được. Ông trông người cháu hồng hào sáng rực lên đẹp như một cô tiên. - ông cười, còn Nhụ liếc nhìn thằng Điều, hai má đỏ bừng. Ông lại tiếp. - Vả lại, có phải lúc nào ông cũng nhìn được ra bệnh đâu. Chỉ khi nào ông thấy lạt miệng ăn gì cũng chẳng thấy ngon, người ta bảo lúc ông bị thánh ốp lúc ấy nhìn bệnh mới càng thấy rõ.- Thánh ốp là thế nào?- Ông cũng không biết có gì xảy ra nữa. Chỉ biết những lúc ấy, ăn cơm như ăn rơm. Lúc ấy cao lương mỹ vị cũng không thấy ngon, còn cảm thấy đắng chát là khác. Do đó, ông nhịn ăn. Những phút ấy, chỉ uống nước chè đặc lại thấy mát ruột và ngọt vô cùng. Ông gầy sọp đi. Nhưng thật lạ! khả năng đoán bệnh và chữa bệnh khi ấy lại sáng suốt và hiệu nghiệm. Đến đây, ông lão ngừng nói. Hai cô cậu há hốc mồm nghe ông già kể chuyện. Và cả hai đứa bỗng cảm thấy khát nước. Thấy có bát nước trong vắt đặt dưới chân pho Hộ Pháp, Nhụ cầm lên định uống. Ông hộ Hiếu ngăn lại, rồi rót nước vối cho cô uống. Ông giải thích:- Bát nước trắng này, ông phải bơi ra giữa hồ Huyền lấy về. Bát nước trong veo là bát nước thánh. Nhìn vào đó, ông trông thấy và biết nhiều chuyện làng xóm. Ví dụ, lúc nãy, khi các cháu ở gốc đa đi vào đây, ông đã nhìn vào bát nước và biết trước. Con chó đá ở bên bệ thờ gốc đa chính là con mắt của riêng ông ở đầu làng. Nó ở đó để bảo vệ làng Đình. Có gì lạ, nó sẽ báo cho ông biết qua bát nước này. Hai đứa càng nghe những điều kỳ lạ càng thấy mê. Có thể ông già bịa chuyện cho thêm ly kỳ. Có thể tính tán dóc vốn có trong người nông dân, nhất là ở những người như ông hộ thích suy nghĩ theo lối huyền thoại, thích tạo màn huyền bí cho công việc của mình thêm công hiệu, đã được nói quá lên ở đây chăng. Dù ai tin hay không tin mặc lòng, duy có một điều ai cũng phải công nhận: đó là chính bằng sự huyền hoặc ấy, ông đã chữa khỏi đau ốm cho rất nhiều người.Riêng thằng Điều, nó rất tin ông trẻ nó. Vì vậy, nó bỗng cười:- Ông trẻ ơi! Thế lúc gia nhân nhà ông tiên chỉ vứt ông Thần Cẩu xuống hồ Huyền, ông có biết không?- Biết chứ! ông còn biết rõ cả người nhà ông Nhậm vứt ông Thần Cẩu ở quãng nào trên hồ, song ông cứ để nguyên cho họ làm.- Vì sao lại để mặc?- Vì họ đã làm thì họ phải bị trừng phạt. Phạt nhẹ thôi nhưng cũng là phạt. Phạt chỉ đủ để họ nhận ra lỗi lầm. Và họ phải biết: ích lợi của dân làng là trên hết. Hơn nữa, chính bàn tay họ vứt xuống thì chính bàn tay họ lại phải vớt lên. Có như vậy phép làng mới được uy nghi.