Phần XII
Chương 6

Thím ba Pháo tối hôm trước mệt, không chịu sang khâm liệm cho cu Điều, sáng hôm nay trở đậy cứ thấy áy náy trong lòng. Thím ra chum nước dưới gốc cau, lấy gáo dừa múc nước rửa mặt, rồi tất tả ra ngõ. Hoa hỏi:
- U đi đâu sớm thế - U sang nhà cụ Đồ xem sao. Đêm qua mệt quá không sang được. Thế là chẳng phải với người ta.
Hoa cười: Đêm qua u chẳng sang lại hóa ra may cho cu Điều.
- Sao lại may?
- Nó sống lại rồi. Thật phúc to bằng cái đình.
- Ừ! may thật! Phúc thật! Nhưng dù sao cũng phải sang bên ấy một chút.
Thím Pháo chưa kịp đi đã nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng người oang oang ngoài ngõ:
- Mụ Pháo có nhà không?
Nghe giọng oai vệ ấy, thím Pháo hỏi con:
- Tiếng ai như tiếng ông hương Ất?
Bóng người cao lênh khênh của hương Ất đã vào đến sân. Quái! Cái lão bẹp tai suốt ngày nằm bên bàn đèn thuốc phiện sao hôm nay lại tới đây. Thường thường, khi rỗi lão chỉ hay ra điếm. Lão chỉ thích nhất trong làng có đám đánh nhau, ăn vạ để kiếm chác.
Trong lúc ấy, ở đồn điền Messmer, liên tiếp mấy hôm liền Julien nhận được những tin tức, những chỉ thị của tỉnh nói về hoạt động của những phần tử phiến loạn trong vùng. Ông ta rất sốt ruột, lo lắng.
Hôm trước, Julien vào xóm thấy đám hương lý kẻ thì ốm, kẻ thì trốn tránh, kẻ thì đần thối ra, kẻ thì nghiện oặt đã có ý định nói với trên thay thế. Quản Láu bảo:
- Không thể rũ bỏ các ông hào lý này đâu. Ông định trọng dụng ông quản Boong thôi ư? Ai người ta nghe. Làng quê là một mớ bòng bong. Phải dùng cả kẻ hư danh, cả kẻ được việc... Trước mắt lý Cỏn ốm, ta nên dùng lão hương Ất. Lão này nghiện oặt, lại nghèo, chỉ thích quyền thế, thích chấm mút,... song, hương Ất lắm mưu mẹo, rất được việc. Dân làng Cổ Đình sợ lão như cọp. Dưới tay lão có trương Tài và lũ trương tuần. Trước kia, lão nịnh bợ và tận tụy với lý Cỏn, bởi vì lý Cỏn giàu và tinh ma có kém gì lão. Tuy nhiên, lúc nào lão cũng chỉ thèm cầm cái triện lý trưởng. Bây giờ, lý Cỏn ốm, quan Tây trực tiếp dùng lão, chắc chắn lão phải chứa chan hy vọng mà cúc cung tận tụy.
- Ông nói cũng phải, ông già Lềnh ở đồn điền cũng quen hương Ất, cũng biết rõ ông ta - Julien gật gù rồi bỗng cười to và nói - Đối với con nghiện, cho hắn vài đồng bạc, sai gì mà hắn chả làm. Nếu cho nó vài chục đồng bạc, bảo nó giết cha nó, chắc nó cũng dám làm. Quản Láu không cười to, chỉ nhếch mép cười theo rồi gợi ý thêm:
- Còn ông quản Boong nữa chứ. Ông ta đi đạo nhưng không phải đạo gốc. Quan trên không sử dụng ông ta vì ở đây dân bên lương là chủ yếu. Tuy nhiên, tôi biết ông ta rất muốn cái chức tiên chỉ. Lúc này, nhân khi tiên chỉ Nhậm chạy ra thành phố, sao ông lại chẳng mời ông ta ra giúp việc. Chân tiên chỉ kiêm chánh hương hội chắc ông ta không làm nổi. Song còn chân phó hương hội, sao không vận động cho ông ta được cái chức ấy. Ông quản Boong giỏi công việc nhà binh.
Nghe quản Láu mách nước, ông chủ đồn điền mới thực sự yên tâm. Những lời nói của Láu rất phù hợp với suy nghĩ của Julien: ông ta tin rằng ở xứ sở này còn nhiều người trung thành với nước Pháp. Julien cho gọi hương Ất đến, cho mấy đồng bạc và sai làm hai việc: Thứ nhất, từ nay cấm dân chúng không được đốt đuốc chôn người ban đêm. Thứ nhì, từ nay cũng cấm dân làng tụ họp từ ba người trở lên. Lớp học từ khi có dịch đã nghỉ cả rồi. Nghe nói dân lập tổ tương tế. Cái tổ tương tế này chưa biết ra sao nhưng cũng cấm.
Chính vì vậy, hôm nay, hương Ất mới phải thân chinh đi đến nhà mõ. Julien bảo rằng việc cấm này vô cùng quan trọng. Chính ngài công sứ muốn các địa phương phải hết sức chu đáo cẩn trọng. Bởi vì, trong lúc dịch bệnh hoành hành, bọn phiến loạn sẽ lợi dụng hoạt động.
Thực ra, ông hương Ất đâu phải như sự đánh giá quá cao của Julien, tức là người bạn trung thành với nước Pháp. Ông ta thèm muốn cái triện lý trưởng, điều đó đã hẳn. Tuy nhiên, ông là con người kém phần hoạt động, chỉ giỏi mưu mẹo làng xã. Vả lại ông ta rất thực tế. Ông hiểu ở chốn làng quê cái thực lực là giàu có và vây cánh. Hai điều kiện ấy ông không có, và đến tuổi năm mươi của ông cũng khó bề tạo dựng từ đầu. Hơn nữa, ông còn hiểu ở thôn quê dòng tộc là điều hệ trọng. Chống lại lý Cỏn tức là chống lại dòng họ Vũ Xuân, dòng họ của chính ông, điều đó ông không muốn. Còn dòng họ Đinh Công, tuy họ kém thế đấy, tuy họ đối với ông có vẻ bằng mặt mà chẳng bằng lòng, song ông làm chức dịch lâu năm, lại là người được tiếng là Gia Cát bàn đèn ông hiểu đối với những họ tộc danh tiếng ấy, không thể cư xử mất mặn mất nhạt được. Còn chuyện tổ tương tế ư? Cụ tú Cao là ai? Cậu Xuân Huy con ông ký Nhàn là ai? Điều ấy ông không thể không biết. Cho nên, khi Julien biếu tiền thì ông nhận. Còn khi làm việc, ông chỉ làm phải chăng mà thôi.
Ông hương Ất không vào nhà, chỉ đứng ở giữa sân dặn dò mụ ba Pháo, nói rành rẽ những điều Julien yêu cầu, nhắc đi nhắc lại chỉ có hai điều: không được chôn đêm, cấm tụ họp đông người. Hương Ất ngắm mụ và nghĩ thầm: "Mụ này nhanh nhẹn đáo để... Nhưng ai đời lại để đàn bà làm mõ. Chắc việc này chỉ có ở Cổ Đình... Nhưng, nếu lý Cỏn ốm quá nặng... mà ra đi thì sao?... Nếu lão thực sự gặp may lên cầm cái triện lý trưởng thì sao?... - Hương Ất tự cười mỉm một mình - Chắc cái việc đầu tiên lão sẽ làm là thay quách mụ đàn bà này, mặc dù các cụ trong làng bảo rằng mụ ta mẫn cán, nhanh nhẹn và làm cỗ còn khéo léo hơn cả các anh mõ đực...".
Thực ra, lão mõ Điếc có ba người con: cả Tốt, hai Xe và ba Pháo. Trước khi lão đến Cổ Đình, cả Tốt mắc bệnh chết.ng sừng đen bóng... Hóa ra ông già Tầu là dân nghiện. Ở Hà Nội, René cũng có một ông bạn người Pháp nghiện thuốc phiện. Ông ta rất chăm chút trang trí cho cái góc nhà nơi ông hàng ngày phiêu diêu cùng với nàng tiên nâu. Ông có cái tẩu bằng ngà rất quý. Cái gối nằm hút bằng sứ Tầu. Ở đầu giường còn có một pho tượng phật nhỏ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Cũng như ông già Tầu, ông bạn nghiện người Pháp kia cũng không thích ánh đèn sáng quắc; ông thích cái tù mù của ngọn đèn dầu lạc. Người bạn ấy bảo René: "Bạn chưa hiểu hết đấy, có cả một nền văn hóa thuốc phiện. Bạn đã bao giờ thấy một đám đánh nhau trong một tiệm thuốc phiện chưa. Đó là cái hơn hẳn của người si mê nàng tiên nâu so với kẻ nghiện rượu...".
Nghĩ đến cái lý lẽ biện hộ cho mình của người bạn kia, René chợt mỉm cười. Ông mở đầu cuộc viếng thăm ông đầu bếp Tầu bằng câu nói:
- Chào cụ Lềnh. Chúng tôi lại đến quấy quả, mong lại được hưởng chén trà hồng mai, thứ thiền trà của cụ đây.
Cả ba người cùng ngồi trên giường của ông Lềnh vì nhà không có bàn ghế tiếp khách. Ông Lềnh giải thích cho René về cái đèn bàn:
- Tôi nhớ lần trước ông đến chơi, nhà ở trong xóm đồn điền. Lần ấy không có cái bàn đèn này, đúng không... Khi trước, tôi không đặt bàn đèn tại nhà, tôi thường đến bàn đèn nhà ông hương ất hút dăm ba điếu. Tôi hút vào những giờ khác nhau. Không đều đặn thường xuyên... Tôi không dám rước bàn đèn về, vì sợ mình sẽ là đầy tớ cho thuốc phiện... ông hiểu tôi chứ...
- Tôi hiểu... Nhưng tại sao bây giờ cụ lại mang bàn đèn về...
- Dễ hiểu thôi... Vì...
- Vì ông sợ bệnh dịch?
- Đúng thế... Tôi đã ở trong quân Cờ Vàng. Có lần chúng tôi kéo quân về Bắc Giang. Toán quân của chúng tôi bị dịch tả. Toán quân ấy chết gần hết. Điều lạ lùng là riêng những người nghiện thuốc phiện lại không việc gì. Trong số người sống sót ấy có tôi.
Pierre gật đầu:
- Chuyện ấy có thật... Những người Pháp nghiện ở Hà Nội cũng xác nhận điều đó. Ông em tôi Julien cũng biết.
- Thế sao ông ta không phòng bệnh dịch bằng nha phiến mà lại dùng rượu áp xanh? - René vừa hỏi vừa cười.
- Ông cũng rõ. Em tôi chỉ mê đàn bà. Ngoài ra không một thứ gì khác có thể hấp dẫn được Julien. Bởi vì Julien không muốn làm nô lệ cho một thứ gì. Ngay cả đàn bà, thứ cậu ta không thể thiếu, nếu cần, cậu ta cũng có thể quăng bỏ.
Ông già Lềnh giới thiệu từng thứ trên bàn đèn:
- Đây là cái cóng đựng thuốc bằng sừng tiện. Đây là cái chụp đèn pha lê... cái này là kim tiêm, cái này là tẩu lục lăng...
Nhiều người bảo quanh bàn đèn thuốc phiện, con người trở nên cởi mở hơn, dễ giao lưu hòa hợp, để thổ lộ với người khác.
Câu chuyện bên khay bàn đèn nở như pháo rang. Đúng là thuốc phiện làm cho con người dễ cởi mở. Có lẽ ông già Lềnh, trước khi hai người đến, đã hút một vài điếu thuốc rồi. René chợt nhớ tới một đề tài mà ông muốn trao đổi từ lâu nhưng chưa tiện dịp. ông hỏi:
- Người Trung Hoa đã đến nước này và cai trị đến một ngàn năm. Người Pháp chúng tôi mới đến đây được vài chục năm. Riêng cụ, có nhận xét gì?
- Ý ông muốn hỏi thế nào?
- Nghĩa là ta thử so sánh. Có cái gì giống nhau...
Ông già Tầu đang nói thao thao bỗng trở nên trầm ngâm, đắn đo. Tưởng ông không trả lời, nhưng ông ngẫm nghĩ một lúc rồi cuối cùng nói:
- Ngày xưa, tổ tiên tôi chắc lúc đầu đến nơi đây cũng chưa biết cách, nhưng mãi sau mới nghĩ ra. Sự bình định không gì bằng chữ nghĩa. Gươm giáo rồi sẽ qua đi, song hận thù còn lại mãi. Nhưng chữ nghĩa đem ra giảng dạy thì chẳng bao giờ qua đi. Nó còn lại mãi. Khi người Việt, khoảng thế kỷ thứ mười dành lại được độc lập, người Trung Hoa ra đi, người Việt không dùng những nho sĩ do chúng tôi đào tạo, vì nho sĩ có nhiều liên hệ với thiên triều. Người Việt dựa vào giới tăng ni phật tử... Tuy nhiên, một trăm năm sau, họ lại quay trở lại sử dụng rồi tôn vinh nho học. Như vậy đấy, chúng tôi ra đi, nhưng chữ nghĩa vẫn ở lại. Ảnh hưởng của chúng tôi còn mãi. Người Pháp các ông mới đến đây hơn năm mươi năm đã nhìn ra điều ấy. Chúng tôi biết các ông muốn cho mảnh đất này quên chữ nho đi và tôn vinh chữ Pháp. Nhưng để làm cho toàn dân việt biết tiếng Pháp, tức là biến nước An Nam này thành một tiểu Pháp quốc, các ông lại dùng qua một bước trung gian, tức là qua thứ chữ quốc ngữ. Đó là điều các ông vừa giống chúng tôi vừa khác chúng tôi.
- Ông thử nói thêm về cái khác xem sao. - René gặng hỏi.
Ông già Lềnh lim dim con mắt:
- Mấu chốt là thứ chữ quốc ngữ này. Các ông muốn thứ chữ này là phương tiện trung gian. Cái đích cuối cùng là phổ biến tiếng Pháp. Các ông quên mất rằng ở xứ sở này vẫn có những con người ưu thời mẫn thế. Họ sẽ bám lấy thứ chữ trung gian này, biến nó thành thứ chữ cuối cùng của họ. Thứ chữ ấy đôi bên cùng lợi dụng. Hoặc họ sẽ thắng... hoặc các ông sẽ thắng... Cuộc vật lộn gay go ấy ai mà biết được sẽ ra sao.
- Thế ý ông thế nào...
- Tôi làm sao biết được. Chỉ có điều... chúng tôi hiểu họ hơn các ông. Chúng tôi cũng đã vật lộn với họ hơn hai ngàn năm rồi...
Trong đêm khuya mùa đại dịch, đứng trong hàng rào khu Nhà lớn nhìn ra ngoài đồng vẫn thấy những bó đuốc lập lòe của những người dân Cổ Đình đi chôn đêm. Thế mà, bên khay bàn đèn thuốc phiện vẫn có những con người ngồi bàn tán chuyện thế sự.Sáng hôm sau, Julien nhận được công văn mật của viên công sứ đầu tỉnh báo có một nhóm phiến loạn, lợi dụng tình hình dịch bệnh, đang ráo riết hoạt động, kích động dân chúng vùng Cổ Đình. Từ khi mới lập đồn điền, Philippe đã tuyên bố. “Nơi tôi có mặt phải luôn sạch sẽ. Một kẻ phiến loạn nào xuất hiện, tôi sẽ bắn nát sọ nó ngay”. Quan niệm quyết liệt ấy, khi Julien làm chủ đồn điền, càng được tuân thủ nghiêm ngặt.
Vậy nên khi nhận được tin, mặc dù đang mùa dịch và rất sợ bệnh tả, Julien cùng với mấy tay chân thân tín vội vàng chuẩn bị vào làng ngay. Ông René cũng xin đi theo. Họ nai nịt cứ như ra trận. Kín mít từ đầu đến chân. Đi bốt, đội mũ, vác súng. Juiien còn đeo găng tay và bịt miệng. Julien ra lệnh: "Vào bất cứ nhà nào cũng không uống nước, không ngồi ghế, không sờ mó vào bất cứ vật gì".
Họ đến nhà chánh Thi, ông Chánh đi vắng. Đến nhà tiên chỉ, ông Nhậm ở ngoài Hà Nội. Vào nhà hương Ất, nhà vắng teo, ông Hương kheo khư đang nằm ôm cái bàn đèn. Cuối cùng đến nhà lý Cỏn. Một quang cảnh làm Julien hãi hùng. Căn nhà tanh lộn mửa. Người ta vẩy vôi lên tường. Còn rắc cả vôi bột dưới gậm giường người bệnh. Lão lý Cỏn như một bộ xương. Biết rằng lão còn sống bởi vì đôi mắt vẫn mở. Đôi mắt sao mà to màu trắng dã. Hỏi thì lão ta ngơ ngác và ú ớ. Julien rùng mình. Đã thế, mụ ba Váy vợ hắn còn bê nước ra mời. Mụ tiến một bước Julien lùi một bước, không muốn mụ đến gần... Cuối cùng hắn xua tay rồi quay lưng chuồn thẳng.
Cũng may Julien gặp được lão trương tuần và quản Boong...