---~~~mucluc~~~---


NGÀY MAI CHIẾU BÓNG SẼ RA SAO?
(thay cho lời kết) [1]

    
rong những bài mà các bạn đã đọc ở trên kia, chúng tôi mong rằng các bạn đã tìm thấy một ít cảm tưởng về chiếu bóng. Mục đích của số báo đặc biệt này, trong một phạm vi, mong có thế thôi. Chúng tôi mong rằng một chút ít cảm tưởng kia sẽ làm cho các bạn nghĩ ngợi giây lát và biết đâu sự nghĩ ngợi đó lại chẳng giúp được đôi phần bổ ích cho nền chiếu bóng tương lai vậy?
Ngay tự ở đây, chúng tôi đã thấy các bạn ngạc nhiên trước sự tiến bộ vô cùng của chiếu bóng trong thế giới. Những công dụng của nó về đủ các phương diện đã rõ rệt lắm, một số ít nhà đạo đức, nhà văn hay nhà báo, đứng về mặt đối phương có công kích và mạt sát nó cũng không thể làm cho nó mất cái thế rất vững vàng trong xã hội.
Chiếu bóng là chúa tể. Cũng như báo chí! Vì vậy cho nên cùng với xây dựng quốc gia, nước văn minh nào trên thế giới cũng nghĩ đến chiếu bóng ngay; có điều nước nào đem chiếu bóng ra thực dụng việc cải tạo trong nước thì lợi ít mà nước nào khôn thì gây được nhiều cái lợi rõ rệt và đầy đủ hơn.
Trong những nước mà chiếu bóng giúp một tay quan trọng nhất trong sự tiến bộ, ta phải kể trước tiên nước Đức và Nhật là hai nước mạnh nhất ở Âu châu và Á đông.
Hai nước đó để ý khảo sát và cẩn thận từng ly từng tí một trong việc sản xuất phim. Nước Đức chú trọng nhất về những phim ca ngợi lòng thương và tôn thờ sức khoẻ. Nước Nhật để ý nhiều đến những phim giáo dục và phim cổ động.

Kiểm duyệt bỏ
trong một bài đăng trong số báo Craponillot 1937.
Hiện lúc tôi viết bài này, cuốn báo có giá trị kia không có ở dưới tay tôi, nhưng tôi nhớ rằng những lời xét đoán của nhà dàn cảnh Pháp hiện bây giờ đem ra xét nghiệm, vẫn hãy còn đúng lắm.
“… Chính thế, người ta đã không để chiếu bóng lên chính cái địa vị của nó; những nhà xuất sản phim chuyên chú về lợi hơn nên họ chỉ rình đánh vào cái thị hiếu của người xem. Họ có biết đâu rằng một cuốn phim chiếu ra nào có phải chỉ trong phạm vi một nước mà thôi, nhưng mà là cả cho thế giới. Đó là cách quảng cáo cho cả một quốc gia, một dân tộc, vậy ta không thể để cái kỹ nghệ ấy ở trong tay một bọn người bất lực…”
Những lời nói đó, chúng tôi đọc đã bốn năm rồi nhưng tưởng như mới nghe đâu tối hôm qua. Nhà dàn cảnh thiết tha với nghề của mình thay! Nhưng nghề chiếu bóng nước Pháp vẫn cứ đứng một chỗ như thế, cho đến khi chánh phủ Petain lên cầm quyền nước Pháp.
Phải cải tổ lại nước! Phải cải tổ hết, kể cả chiếu bóng nữa… Những lời nói sắt đá kia làm thức tỉnh bao nhiêu thanh niên, họ bắt đầu có những ý tưởng tươi đẹp hơn, nhất là về môn chiếu bóng thì cái quan niệm họ lại thay đổi hẳn. Họ như biết chiếu bóng không phải là một chỗ để thoả con mắt, để cho con mắt được nhìn những điệu nhẩy khiêu khích, được nghe thấy tiếng hát gợi tình hay được trông thấy những trò mơn trớn của một bà quý phái, thân thì chỉ có một mà nhân nghì nhân ngãi thì dăm bảy người.
Ông Paul Reboux, một nhà báo có tiếng của Pháp, rập vào cái ý của chánh phủ Pétain vừa đây lên tiếng hô hào trong nước mở những nhà chiếu bóng có trợ cấp để lấy chiếu bóng ra làm việc cho quốc gia. Ý đó thực hay, nhưng ông Galtier Boissière, chủ báo Craponillot và trợ bút đắc lực của báo Canard Enchaîné, không hoan nghênh; ông Boissière này muốn rằng trong nước Pháp sẽ lập thêm một nhà chiếu bóng thôi, nhưng một nhà chiếu bóng tự do (cinéma libre) không do ai kiểm soát hết, làm việc cho quốc gia đã đành rồi; nhưng hoàn toàn độc lập được phụng sự nghệ thuật, không phải khuất phục một mệnh lệnh nào của đảng phái nào hay người nào. Và chúng tôi nghĩ rằng:
“Nếu bây giờ đây, chúng ta được mong muốn một điều gì về mặt chiếu bóng, thì điều mong muốn trước nhất của ta hẳn phải là một nhà chiếu bóng như nhời ông Boissière đã nói, cạnh những nhà chiếu bóng tổ chức theo ý ông Reboux, vì được như vậy, vừa lợi cho đất nước vừa ích cho nghệ thuật”.
Vâng, cũng như độc giả, chúng tôi đã biết rằng về mặt chiếu bóng nói đến nước ta là nói đến số “không” (0).
Những phim: Toufou, Bà Đế, Kim Vân Kiều, Làm rể chẳng qua chỉ là những cuộc thí nghiệm rẻ tiền mà thôi. Những người xuất sản phim đó yêu nước yêu nghề đã đành rồi, nhưng không đi tới một cái gì cả. Họ chán nản và gây cho những người đi sau những sự lo âu, trừ ra mới đây mấy bạn chúng tôi: Văn Lang, Lê Huyên, Nguyễn Dương, v.v. không nản chí, quyết sang Hongkong đóng phim Cánh đồng ma, một truyện phim của Đàm Quang Thiện viết.
Tôi đã biết hết cả những nỗi khổ tâm, của bọn tài tử An Nam đó từ khi chưa bước chân xuống tàu bể đi tới viễn châu kia. Tôi biết hết những nỗi buồn bực của họ, thiếu thốn của họ, nên tôi chỉ yêu họ mà không trách họ một điều gì. Họ, họ là những người yêu nước, yêu nghề, nên những cái kém cỏi ở trong phim đó, − mà ai lại có thể thành công ngay được tự bước đầu? − những cái kém cỏi trong phim đó, mắt tôi đều không trông thấy: tôi chỉ thấy sáng ngời lên, những quả tim, những khối óc trẻ trung, hoạt động muốn đem cái nước hầu như bị bỏ quên này ra nhắc với Á Đông. Ý đó đã tốt nhưng họ còn một cái ý tốt hơn là đánh thức cái tinh thần chiếu bóng của dân ta dậy, nó đã ngủ liệt sau  những phim Bà Đế, Kim Vân Kiều, vân vân.
Tôi thành thực khen họ và tôi nghĩ rằng: “Việc làm đó của họ, nếu cứ như hiện nay, nghĩa là không có bóng vang gì cả, thì ta cũng nên lấy làm buồn. Những hàng tiền đạo trong một đám quân giơ ngực ra chịu đạn cũng phải mong có một cái gì theo tiếp chứ?
Công việc của anh em đóng Cánh đồng ma, chúng tôi không mong kết quả nhiều; thực chúng tôi chỉ mong rằng những người hữu tâm đến chiếu bóng sẽ thường thường nghĩ đến họ rồi sẽ làm những cái gì hơn họ.
Biết đâu do những ý kiến đó, chúng ta sẽ chẳng có một nhà chiếu bóng tự do nói trên kia, và nghề chiếu bóng sẽ chẳng vì đó mà có một địa vị trong xã hội Việt Nam ta vậy?
Cái điều khó nhất là những tài tử và những bực có địa vị gì trong xã hội sẽ đứng ra lãnh cái trách nhiệm cầm đầu cái nhà chiếu bóng tương lai của chúng ta.

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, số đặc biệt về chiếu bóng, 1941


[1] Ý nói bài này mang tính chất bài sơ kết cho số TBCN này, chuyên bàn về chiếu bóng.