PHẦN MỘT
Chương 21
Bác Cù

 Sau này chúng tôi quen bác Cù.
 Trong cuộc lưu lạc chân trời góc biển này, chúng tôi quen biết rất nhiều con người kỳ lạ như đại đội trưởng Tăng, như ông thôn trưởng già..... Bây giờ đến lượt quen bác Cù.
 Bác Cù nguyên là một viên chức của đại học Quảng Tây, khoảng bốn mươi tuổi, có vợ và  ba con gái, một nhà năm miệng ăn. Cả nhà bác rút theo đại học Quảng Tây đến Dung Giang.  Đại học Quảng Tây giải tán, có giáo viên lưu lại Dung Giang, cũng có người đi tìm người  thân nương tựa. Còn ba tôi thì sao? Vẫn nhất quyết đi Tứ Xuyên! Tuy giờ này chúng tôi đã  đến Quí Châu, cách Tứ Xuyên còn một khoảng đường dài nữa. Dắt díu con thơ, trèo đèo vượt  núi quả là chuyện chẳng đơn giản tí nào. Ba tôi nói đi là đi, không ai ngăn được. Bác Cù cũng  quyết chí đi.
 Bác Cù bảo hai gia đình hợp lại đi nương nhau cùng đi thì không cô đơn nữa. Bác Cù còn  nói, làm như vậy lũ trẻ nhỏ hai gia đình có dịp kết bạn với nhau, để thêm sức tới Tứ Xuyên.  Bác khoe, bác có nhiều nghề để kiếm sống, không sợ đói đâu! Bác còn thổ lộ: bác có một  ngón nghề bí mật đầy bản lĩnh, có thể gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành may, còn trị được bá  bệnh... nguyên do là bác sùng tín Phật Như Lai, biết niệm "Đại bi chú" và biết tụng "Kinh  Kim Cương".
 Thế là gia đình tôi và gia đình bác Cù nhập lại, tiếp tục cuộc hành trình dang dở.
 Tuyến đường này đi thế nào thì tôi không còn nhớ, chỉ biết là dọc đường hết gặp chuyện  này đến chuyện kia. Có bác Cù, lúc nào cũng thấy vui.
 Dọc đường đi, người dân lánh nạn đông vô kể. Người ta buộc hành lý lại, cùng nồi niêu  xoong chảo gánh lên vai. Có lẽ làm như vậy để dừng chân lúc nào là có thể nấu ăn lúc đó.
 Ba tôi có hề biết gánh gồng bao giờ. Nhưng cả nhà bác Cù đều gánh, ba tôi cũng đành  gánh theo. Cũng may là bác Cù bên cạnh luôn luôn khích lệ:
 - Gánh có gì là khó đâu? Hễ đàn ông là gánh được tất! Chỉ cần ráng một chút là được thôi  mà. Anh chịu khó gánh, tôi giúp anh đọc Kinh Kim Cương, có tôi đọc kinh thì anh gánh đi  băng băng!
 Thế là ba tôi nhấc gánh lên đường. Cái chuyện gánh, nói thì coi bộ dễ, sự thực chẳng đơng  giảng chút nào. Buộc gói phải có kỹ thuật thì mới giữ được thăng bằng. Cả nhà thật sự lo lắng  cho ba vì dáng thư sinh của ông liệu có chịu khổ nổi không! Nhưng ba đã gánh được và gánh  đi một quãng đường rõ dài, chỉ có điều là người ta đi năm bước thì ba đi mười bước, người ta  đi thẳng thì ba đi dích dzắc, cả nhà trông thấy mà hồi hộp, lo âu, còn bác Cù thì miệng cứ lầm  rầm đọc kinh không ngớt.
 Vừa sập tối, chúng tôi dừng chân nghỉ lại trong một khu vườn hoang vắng. Nhiền người  dân lánh nạn cũng vào đây qua đêm. Tường vây quanh vườn có một mảng trống, có thể chui  qua chỗ đó đi tắt thẳng vào trong khỏi phải đi một đoạn đường vòng. Ở chỗ trống chất đầy  gạch ngói vụn, gồ ghề lởm chởm. Đi trước chúng tôi đã có người bị ngã nhào khi qua chỗ trống đó, cả bình, cả vại đem theo đều bị đập vỡ. Vì vậy mẹ tôi căn dặn:
 - Mình đừng chui qua chỗ lỗ trống, chúng ta đi vào cổng chính thôi! Mình thấy không,  người ta đều té ngã cả đó!
 - Người ta ngã, tôi không ngã đâu! Ba tôi tỏ vẻ dũng cảm đầy mình. Mình không thấy sao,  tôi gánh dọc đường cũng khá đấy chứ?
 - Đúng thế! Bác Cù đứng bên tiếp lời: - Anh cứ qua chỗ trống, có tôi đây, tôi đọc kinh  giúp anh!
 Thế rồi ba tôi sải bước băng qua chỗ trống, bác Cù lại đọc kinh to hơn, chỉ nháy mắt, hai  đầu gánh lắc lư, đưa đẩy như quả lắc đồng hồ, rồi xoảng một tiếng, ba tôi đã lăn đùng trên  đống gạch ngói vụn. Chúng tôi hốt hoảng, chạy ào tới vực ba tôi dậy. Ba không bị thương đâu  cả, nhưng cái nồi nấu cơm duy nhất của chúng tôi bị bể làm đôi, chén bát, muỗng bể văng đầy  mặt đất. Bác Cù đứng bên cạnh trấn an:
 - Thấy chưa! May mà tôi đọc Kinh Kim Cương giúp anh, cho nên anh đâu có bị thương,  không thì cái giò của anh đứt đôi rồi!
Đêm ấy, tôi nhớ là mẹ tôi đã dùng nửa cái nồi bể để nấu thức ăn cho cả nhà, chúng tôi  đựng cơm trong những cái chén bể, vẫn bưng ăn ngon lành.