PHẦN MỘT
Chương 24
Bọn Cướp Và Thôn Trưởng

 Những ngày sống lang bạt ở Quý Châu, có bác Cù kết bạn đi cùng, thật nhộn. Quãng hành  trình ấy hầu hết là đi bộ, họa hoằn đi được chuyến xe hơi chạy bằng than củi. Lần ấy, tội bị té  xe làm bị thương ở mũi, ngay trên đất Quý Châu này (Bây giờ nhớ lại, tôi không té chết có lẽ là nhờ bác Cù đọc kinh chăng? ).
 Một tối nọ, chúng tôi đến một trấn nhỏ, ở trong nhà dân, cơm nước xong mọi người quây  quần tán gẫu. Chủ nhà hỏi ngày hôm sau đi đâu, ba tôi cho biết sẽ qua một ngọn núi rồi đến  một thôn nhỏ gọi là Kiếm Hà.
 Chủ nhà bảo:
 - Trên núi có thổ phỉ, qua đó nguy hiểm lắm!
 Ba phân trần:
 - Chúng tôi đều là dân lánh nạn, không một xu dính túi thì còn gì mà thổ phỉ cướp.
 Chủ nhà lại nói:
 - Kỳ thực có người đi lánh nạn nhét đầy vàng và đồ trang sức quý giá vào trong áo bông  rách rưới, đâu phải ai cũng nghèo rớt mồng tơi đâu!
 Bác Cù ngoài đọc kinh ra, còn hay nói tiếu, bác nói:
 - Phải, phải! Đừng coi bọn khố rách áo ôm chúng tôi không có gì nhá, trong người giấu  nhiều châu báu lắm đó!
 - Dù sao cứ phải cẩn thận, ngày mai đừng đi qua ngọn núi đó!
 - Bọn cướp thì có gì đáng sợ! Bác Cù nói chen vào. Tôi đọc kinh là chúng nó chạy ráo!
 Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định vẫn vượt qua ngọn núi đó, vì trong người chẳng có gì  cả, việc gì phải sợ!
Đã có bác Cù đọc kinh!
 Ngọn núi ấy quả là hoang vắng, quả là đáng sợ. Vừa lên tới núi đã thấy có cái gì không  ổn. Cỏ dại gai góc ngập đầy lối đi làm tôi liên tưởng tới hồi vượt qua Đại Phong Ảo.
 Dọc đường, bác Cù không quên đọc kinh, lại Kinh Đại Bi... rồi Kinh Kim Cương, càng  đọc, tiếng bác càng lớn.
 Bỗng nhiên, nghe tiếng xoàng xoạc, rồi từ trong lùm cỏ, nhảy bổ ra năm sáu người giả beo, khỏi phải nói, bác Cù dù có đọc kinh đi nữa cũng chẳng xua được bọn chúng, bọn cướp  đang đợi chúng tôi! (Sau vụ đó chúng tôi đoán là căn nhà chúng tôi thuê ở qua đêm là sào  huyệt của bọn cướp).
 Bọn cướp lấy hết mấy bọc hành lý trên người chúng tôi, sau đó bắt mọi người cởi hết áo  bông rách ra đưa cho chúng.
 Chờ cho chúng rút hết chúng tôi mới hoàn hồn, mỗi người chỉ còn độc bộ quần áo mỏng  manh trên người, gió núi thổi rét run lập cập.
Đã vậy mà bác Cù còn bảo, giá như không đọc kinh thì chiếc áo mỏng bọn cướp cũng lột,  và còn giết chết hết cả lũ, không chừa một ai.
 Rồi bác lại đọc kinh, song trong tiếng kinh lần này đượm vẻ phẫn nộ, bất bình. Bác không  nguyền rủa những tên cùng đường lòng dạ thú kia mà lại chửi ông thôn trưởng Kiếm Hà, sao  lại để bọn cướp xuất hiện trong thôn ấp của ông ta! Bác bảo:
 - Đợi đến khi chúng ông vào xóm, ông sẽ đến chính quyền thôn kiện cho thôn trưởng mất  chức! Bác giận dữ nói tiếp, coi bộ rất kiên quyết:
 - Đến tỉnh ông phải đến tận chính quyền tỉnh kiện, đến Tứ Xuyên, ông phải kiện đến tận  Chính phủ Trung Ương!
 Bác Cù nói toàn chuyện xa vời, còn chúng tôi đang nóng ruột chuyện trước mắt. Trời sắp  tối rồi, mọi người đang bị lạnh, không thể nào vượt qua núi được. Cả nhà phải trụ lại, lo lượm  củi nhóm lửa, rồi ngồi quanh để qua một đêm khủng khiếp và lạnh lẽo.
 Ngày hôm sau, mặt trời lên, mọi người xuống núi, đến được Kiếm Hà.
Đúng là bác Cù nổi trận lôi đình, bác đi tìm chính quyền thôn để kiện thôn trưởng.
 Gặp thôn trưởng, bác đòi ông ta từ chức, nếu không bác sẽ lên tận chính quyền tỉnh để tố cáo.
 Vị thôn trưởng rất mực trung hậu hết xin lỗi, lại ra sức phân trần với bác Cù, sau đó lại  mời chúng tôi ăn cơm, dọn dẹp một gian phòng cho chúng tôi nghỉ lại.
 Bác Cù đã nguôi bớt cơn giận.
Đến lúc này, chúng tôi thật sự nghèo kiết xác, cũng không thể dựa mãi vào sự nuôi nấng  của thôn trưởng, mặc dù ông ta rất tốt bụng.
 Nhưng trời có mắt, chúng tôi vẫn còn có cách để sống.
 Trong thời kỳ kháng chiến, kịch nói rất được ưa chuộng, và cũng đã xuất hiện không ít  những kịch tác gia và diễn viên ưu tú.
 Bác Cù nói, người ta thích xem kịch thì chúng ta diễn kịch cho họ xem. Thế là bác vạch  chương trình diễn kịch nói, và bác nghiễm nhiên vận dụng ba tấc lưỡi của mình thuyết phục  được người cha bảo thủ của tôi. Mọi người nhiệt tình chuẩn bị diễn kịch!