Điều dẫn Nhụ tới nhà thím Pháo, một nhà họ hàng đặc biệt. Nhụ được biết thím có con gái là cô Hoa. Tuy chưa gặp, nhưng chỉ nghe cái tên Hoa Nhụ đã thấy cảm tình vô cùng.
Nhà thím mõ thông thống, chẳng có cửa ngõ gì cả. Hàng rào bao quanh là những bụi tre. Ở ngay lối vào là một bụi tre rất to tỏa bóng mát rượi. Người canh cổng là con chó mực cụt đuôi. Con Mực nằm xoài, hai chân trước duỗi thẳng, cái đầu đặt trên hai chân, hai con mắt đen hồng láo liên đảo không ngừng. Vừa trông thấy Điều và Nhụ rẽ vào nó đã bật dậy nhanh như chớp, sủa ầm ĩ. Con chó dữ quá! Điều đã đề phòng từ trước, tay cầm cái ngọn tre khua khua ngăn không cho con chó đang nhảy chồm chồm, chỉ chục xông vào cắn hai người. Nhụ sợ khiếp vía nấp sau lưng Điều, hai tay bám vào vai anh. Con chó rất gớm. Nó chỉ nhằm cái chân trắng bóc của Nhụ mà xông tới. Con chó chạy vòng tròn xung quanh hai người, thành thử Nhụ phải đổi hướng nấp liên tục, còn Điều thì phải giữ làm sao để luôn đối diện với con vật, tránh bị nó tập kích sau lưng.
Quần nhau một lúc mới thấy Hoa tất tưởi chạy ra:
- Tôi bận nồi cơm đang sôi dưới bếp. Con Mực này dữ lắm. Nhìn thấy Nhụ tái mét Hoa hỏi
- Nó làm em sợ quá phải không?
Lúc này, con Mực mới chịu đủng đỉnh quay vào đầu hè. Đi nhưng còn vài lẩn quay đầu lại, sủa gâu gâu ý như nói coi chừng đấy. Hoa trạc mười tám đôi mươi, tươi tắn lạ thường. Cô nói vui:
- Nhà giàu nuôi chó mới dữ. Đằng này nhà chị nghèo rớt, thế mà nuôi chó lại dữ, thế mới lạ chứ.
- Ừ, sao con chó này dữ thế nhỉ. - Nhụ cũng ngạc nhiên.
- Có gì đâu. Tại ông hương Ất đấy.
- Sao lại tại ông hương?
- Chả là ông hương hay sang nhà chị ra lệnh đi rao. Mỗi lần sang, đáng lẽ ông nên từ tốn bảo ban, đằng này, ông lại chống nạnh rồi nói rất to: "Con mụ Pháo đâu rồi, ra đây ông bảo...". Quái lạ? Cái ông hương này bao giờ đến cũng chỉ đứng giữa sân, mẹ mời vào trong nhà thế nào ông cũng không nghe. Có lẽ ông chê nhà mõ bẩn hay ông sợ mang tiếng. Chị tức lắm. Mọi khi ông vào chị vẫn xích chó lại; hôm ấy, chị giả vờ xổng tay để cho con hùm này xổ ra. Nó đuổi ông hương chạy ra ngõ rồi quay lại nhìn chị như hỏi “Làm gì bây giờ!”. Chị xuỵt nó và xui “Đuổi nữa đi!". Con chó được thể, xồ đuổi ông hương chạy thêm một quãng xa. Từ đấy, các vị chức dịch đến nhà chị đều không đám quát tháo to tiếng nữa, và phải vào trong nhà, vì đứng ngoài sân thì thế nào con Mực cũng cắn, sủa. Và từ đấy, con Mực nhà chị dữ như con hổ.
Hoa nói xong, cười giòn. Tiếng cười của chị rất dễ thương, để phô ra một hàm răng hạt na đều đặn, và tiếng cười thì lanh canh, phóng khoáng. Hoa tíu tít dẫn hai người vào nhà. Thím Pháo, hôm nay người váng vất, phải nằm nghỉ trong gian buồng ở đầu nhà. Nghe giọng, biết không phải ông hương, ông lý, thím Pháo từ trong buồng bước ra tươi cười:
- Cô, cậu đến chơi nhà tôi đấy ư?
- Thím mệt thì cứ nghỉ. - Nhụ nói vậy, nhưng Điều không bằng lòng:
- Không được bắt chước dân làng, phải gọi bằng bà, và cô Hoa, em hiểu chưa?
Nhụ vội chữa:
- Con không biết. Bà bỏ quá cho con.
Thím Pháo kẻo hai đứa vào ngồi ở chiếc phản mọt kê ở gian giữa. Lúc này, Nhụ mới để ý nhìn căn nhà. Nền nhà là đất nện rắc tro rạ nên đen bóng phẳng lý. Căn nhà gọn ghẽ, ngăn nắp tuy nghèo nàn. Ở gian giữa, bên trong tấm phản mọt là chiếc hòm đứng bốn chân để mộc. Phía trên hòm là bàn thờ đóng bằng tre, mặt cũng ken nan tre. Cái bàn thờ được lau luôn, lau kỹ nên bóng nhoáng. Cả cái hòm bốn chân và bốn cái cột nhà bằng tre chung quanh ban thờ cũng bóng lộn. Tất cả đều bóng lên không phải do quang dầu, mà do bàn tay lau chùi thường xuyên. Cô Hoa bảo:
- Hôm nào mẹ cũng lau ban thờ, bốn cái cột và chiếc hòm bốn chân mấy lần. Bảo rằng làm thế vì chỗ ấy là nơi thờ tổ tiên. Vả lại, lau nhiều hàng ngày như thế, sẽ không có mọt. Vì mọt chỉ ăn những nơi ít có hơi người.
Cô Hoa bưng ở dưới bếp lên bốn bát nước vối có cam thảo nam thơm và ngọt. Bà Pháo hỏi hai người sao rỗi rãi và đã đi những đâu. Điều trả lời:
- Chúng cháu vừa đến chùa đổ và đến nhà cô Mùi.
Cô Hoa cười:
- Hôm qua chị cũng vừa đến thăm cụ hộ. Mà này... các em đã lên đền Mẫu thăm bà tổ cô chưa?
- Bà tổ cô ư?
- Phải! Bà tổ cô dạo này không được khỏe. Cụ đã tám mươi rồi còn gì. Mà này, chị cũng sắp mang gạo, đỗ lên cho cụ Tổ đây, các em có muốn đi cùng không? Mà các em có rỗi rãi không đã?
- Rỗi chứ ạ! - Nhụ nhanh nhảu trả lời ngay. - Ông đã cho phép chúng cháu được đi chơi cả ngày. Nhụ nhanh nhảu thế vì bà Mùi vả cụ tổ cô là hai người cô đã được nghe nhắc tới nhiều và rất mong gặp mặt.
*
Hoa đưa Nhụ và Điều xuống thuyền. Dân Cổ Đình phần nhiều có thuyền. Nhà giàu thì thuyền gỗ. Nhà nghèo thì thuyền nan. Đó là những chiếc thuyền thúng đan bằng nan tre rồi xúm đáy thuyền bằng củ nâu và thứ nhựa lấy trong rừng. Phải có thuyền mới kiếm được con tôm con tép trên hồ Huyền. Vả lại, còn phải có thuyền để sang làm ruộng, nương bên kia sông.
Đi trên hồ Huyền thì nhanh. Hoa không chèo mà đẩy bằng sào. Hoa đứng ở gần cuối thuyền, cô chống sào xuống nước đẩy con thuyền đi. Con thuyền rẽ nước lao như tên bắn. Từ hồ Huyền ra đến sông Son thì không chống sào nữa vì nước ở sông sâu sào không chạm được tới bùn. Ra tới đây, Hoa buộc chèo vào cọc rồi ưỡn ngực đẩy chèo bơi ngang sông. Hôm nay nước sông chảy xiết, nếu không sẽ đi đò dọc sông rồi đỗ ở bến ngay dưới chân núi Mẫu. Còn sang ngang thì sang đến bên kia sông lại phải đi bộ một quãng xa mới đến núi. Điều tranh lấy đội thúng gạo và túi đỗ xanh lên đầu.
Mỗi năm, dân ở xóm Đạo lại gửi đến cụ tổ cô mấy tạ thóc. Nhiều con cháu muốn tranh lấy việc xay giã cho cụ, nhưng cụ bảo:
- Chúng bay chẳng cần bận chân tay. Để mẹ con cái Hoa nó làm cho tao. Cho nó kiếm ít tấm cám nuôi gà nuôi lợn. Chẳng lẽ chúng bay lại định tranh phần của mõ sao?
Cả làng coi thường nhà mõ. Riêng cụ, không hiểu sao, lại rất yêu quý cái Hoa. Một hôm, Hoa đi lễ cụ trông thấy, gọi đến và bảo:
- Cháu con nhà ai?
- Dạ, cháu là con mẹ mõ ạ.
- Ta trông thấy cháu linh lợi, sạch sẽ... Ta quý lắm. Ừ thì mõ cũng chẳng sao. Mẹ con mày từ rày xay thóc cho bà nhé. Chịu khó mà lấy cái tấm cái cám con ạ. Hàng tháng giã gạo cho trắng, rồi đội gạo lên đền. Bà sẽ thưởng cho.
Bà cụ rộng rãi lắm. Tháng nào đội gạo lên, khi về thế nào cụ tổ cô cũng cho Hoa hào bạc. Cụ bảo:
- Cho con để dành mà sắm cái yếm, cái áo cho tươm tất.
Nhụ đi bên cạnh Hoa, cất tiếng hỏi:
- Cô Hoa ơi! Tại sao cụ tổ cô lại quý cô thế?
- Cũng chẳng biết nữa. Có bận cụ nắm tay cô và hỏi: "Con có muốn ăn cơm mày cơm nhặt nhà thánh không?". Cô ngơ ngác chẳng hiểu ra sao: Bà Mùi giải thích: "Tức là cụ hỏi con có muốn làm con nuôi cụ. Hầu hạ cụ. Cụ sẽ gây dựng cho". Cô bèn lễ phép lạy cụ rồi nói: "Con đội ơn cụ, nhưng con còn mẹ già, mẹ lại hay đau yếu'. Cụ vuốt tóc cô và thở dài: "Con bé này có hiếu đấy. Bà ước có một đứa con gái như cháu mà chẳng bao giờ có". Lúc ấy, nhìn mắt cụ sao cô thấy thương. Cụ không khóc đâu, nhưng hai con mắt sao buồn thế. Cô bèn bảo: "Nếu cụ cho phép, con sẽ lên đây thăm cụ luôn".
- Này, cô ơi, người ta bảo xưa kia cụ đẹp nhất làng phải không?
- Lúc cụ là con gái, thì đến mẹ chị cũng chưa sinh ra. Làm sao biết được. Nhưng chắc là thế vì bây giờ cụ vẫn đẹp lão lắm.
- Cô Hoa ơn - Nhụ thì thầm. - Người ta bảo cụ nuôi một con rắn thần. Có đúng thế không?
- Cô chẳng biết. - Hoa lắc đầu.
- Còn nghe nói: ngày xưa, cụ làm bà quan.
- Cô mù tịt.
Họ mải nói chuyện nên đã đến chân núi Mẫu lúc nào chẳng hay. Theo một con đường mòn bên sườn núi, họ đến một ngôi nhà nhỏ sau đền Mẫu. Đó là nhà ở của những người thủ đền.
Cô Mùi đã có mặt ở đây. Thấy mặt Điều và Nhụ, bà nói:
- Cụ tổ cô dạo này yếu rồi. Cô phải lên đây chăm sóc. Cô ở trên đền là chính, chỉ thỉnh thoảng mới xuống núi về qua nhà dọn dẹp, cho nhà có hơi người. Lúc nãy các cháu gặp cô ở nhà vì hôm nay là ngày cô xuống núi.
Cô Mùi nói xong, quay sang Hoa:
- Lúc trở về đền, tôi cứ sợ nhỡ không gặp được cô Hoa.
Hoa lễ phép:
- Thưa cô, nhà hết đỗ mà em không hay. Sáng nay, em phải ra xóm Thượng hỏi mua. Cụ Tổ mệt cần đỗ xanh. Nấu cháo hay thổi xôi đều cần nó cả.
Hoa lên đền, Điều chạy ra vườn cây sau đồi là nơi nó thích sục sạo. Trong căn nhà nhỏ, chỉ còn hai cô cháu Mùi và Nhụ. Lúc này Nhụ mới có dịp chú ý đến người em gái của bố dượng mình. Nhụ đã được nghe kể về người cô có số phận long đong. Trong trí tưởng tượng Nhụ đã nghĩ cô Mùi rất đẹp, lúc này ngắm kỹ Nhụ thấy sự tưởng tượng và sự thật chẳng cách xa nhau. Cô Mùi đã ngoại bốn mươi. Cứ tưởng tượng số phận gian truân đã làm ca héo hon song không phải. Da cô vẫn trắng. Lông mày vẫn đen nhánh. Gò má vẫn ửng hồng. Chỉ có đôi mắt, trước kia không biết thế nào, chứ bây giờ thì buồn thăm thẳm. Cô mặc quần áo nâu, quấn tóc trần. Cái mớ tóc vẫn đen và mượt.
Còn cô Mùi, từ lúc mới gặp Nhụ, cô đã ưa. Trông thấy cô gái xinh xắn, cô cứ tưởng như gặp lại bóng mình ngày xưa. Vào cái thuở mới lấy chồng lần đầu, cô Mùi cũng trạc tuổi cô bé này. Thế mà tưởng như đã xa lắc xa lơ. Cô bùi ngùi ngắm nhìn cái thân hình mơn mởn của Nhụ, rồi nắm cái cổ tay tròn lẳn của nó, rồi xoa lên đôi gò má ửng hồng như trứng gà bóc của cô gái... Cô Mùi nhìn vào đôi mắt đen láy, trong văn vắt có thể soi gương... Ôi! Cô chợt chớp mắt. Bởi vì có thoáng nhìn thấy một nét buồn trong mắt cô gái. Cô không muốn nghĩ thêm.
Hai người nữ rất chênh lệch nhau về tuổi ấy, không hiểu sao, chợt thấy thương cảm và quyến luyến nhau. Cô Mùi chợt hỏi:
- Nghe bố Huyền bảo cháu hát văn hay lắm phải không?
- Thưa cô, cháu có được học hát đâu. Cứ nghe người ta hát, bắt chước mãi rồi quen mà hát được.
Cô Mùi dắt Nhụ lên đền Mẫu chào cụ Tổ Cô. Hai cô cháu nghe thấy tiếng gõ mõ. Họ lần theo tiếng mõ lên điện. Cô Mùi giải thích:
- Dạo này cụ tổ cô mệt nhiều. Cô cắt thuốc nhưng cụ không uống. Hôm nào cụ cũng bảo cô dìu cụ lên điện. Cụ bảo lên để ngửi mùi hương của Mẫu. Cụ lần tràng hạt, gõ mõ, rồi khấn vái. Chỉ có ngửi hương của Mẫu thế mà người khỏe ra. Hôm nào không lên, y như rằng hôm ấy người yếu hẳn đi. Đêm, trằn trọc không ngủ được.
Nhụ cúi đầu kính cẩn, líu ríu bước vào ngôi đền. Cô líu ríu, bởi vì bà tổ cô là một nhân vật huyền thoại của làng Cổ Đình. Không phải dễ dàng được gặp cụ đâu.
Khi họ đi theo cửa bên vào điện thì cụ tổ đã làm lễ xong. Lúc này, cụ ngồi trên chiếc ghế.bành mây, hai tay đặt trên hai tay vịn, quay mặt nhìn ra cửa. Cả Hoa và Điều cũng đã có mặt. Bốn người ngồi xệp trên chiếu, kính cẩn chào cụ.
Cụ tổ cô là người đàn bà nhỏ nhắn mặc áo dài lụa bạch, trên đầu đội một vành khăn nhỏ màu xanh lá cây nhạt. Tóc cụ bạc phơ búi tó ra sau. Mớ tóc được vành khăn giữ cho khỏi sổ. Bà cụ già đã gần chín mươi tuổi, song đôi mắt phúc hậu vẫn còn tinh tường lắm. Làn da trên gương mặt và đôi bàn tay trắng ngà chứng tỏ cụ không phải người làm lụng vất vả. Cụ vẫy tay gọi Hoa đến bên cạnh, rồi lại vay tay lần thứ hai về phía cô gái trẻ. Bà Mùi đẩy tay vào lưng Nhụ bảo: "Cụ gọi đấy, lên đi".
Nhụ e dè đến trước mặt cụ. Cụ nắm lấy hai bàn tay cô gái, nhìn vào mắt cô và nói:
- Sao Cổ Đình lại lắm các con xinh xắn ngoan ngoãn thế nhỉ. Ta chưa thấy mặt con bao giờ.
- Thưa cụ, con mới đến.
- Tên con là gì?
- Dạ, con là Nhụ.
- Nụ Nụ, Hoa Hoa, cả hai cái tên cùng đẹp cùng hay. Hôm nọ, có ông Huyền lên thăm đền. Nghe bảo ông Huyền biết đánh đàn hầu thánh.
- Dạ thưa cụ, con là con bố Huyền.
- Thế bố đánh đàn, còn con thì hát phải không?
Nhụ trả lời lí nhí. Bà Mùi phải đỡ lời:
- Thưa cụ tổ. Cháu Nhụ cũng biết chút ít câu văn hầu thánh.
- Thế thì quý hóa lắm... Con thử hát cho ta nghe một vài câu có được không? Từ độ ông cung văn làng Già qua đời, đã lâu ta chẳng được nghe.
Nhụ lấy hai chiếc đũa làm dùi, lấy một khúc gỗ làm phách rồi cất tiếng hát. Mới đầu cô gái còn lúng túng, nhưng nhìn vào đôi mắt hiền hậu bao dung của bà cụ già, dần dần cô thấy tự tin. Cô hát một câu hát thật đẹp về cô Bé Suối, cô Bé cũng là người hầu cận của Mẫu. Câu hát đẹp ngọt ngào nên cô hát điệu Cờn. Đây là lời chào mừng cô Bé nhưng cũng là lời chúc tụng cụ Tổ Cô:
…Người ơi! Cỏ vái hoa chàoCô về bách điều sớm chiều ca vangNgười ơi! Bể bạc rừng vàngĐem cho trăm họ giàu sang đời đời…Xong điệu Cờn, cụ Tổ Cô lại bảo Nhụ hát điệu Dọc. Cô gái bảo:
- Thưa cụ tổ, điệu Dọc thường hát vào giá các quan lớn, các ông Hoàng. Thầy con bảo hát dọc phải hát giọng thổ, giọng con lại là giọng kim.
Cụ tổ gật đầu Có ý khen câu trả lời. Cụ truyền:
- Con cứ hát. Giọng kim cũng được. Cháu thuộc văn của những quan Hoàng nào?
- Dạ, cháu còn nhớ văn quan Hoàng Ba, quan Hoàng Mười, quan Hoàng Bảy Bảo Hà.
Và Nhụ đã cất tiếng hát điệu Dọc về một ông Hoàng ở đất Bảo Hà Yên Bái, một ông Hoàng tài hoa, lịch sự.
Gương núi Ngọc quanh đồi chim hótTrước sân đền trúc mọc thấp caoSáng trăng thanh ngoạn cảnh vườn đàoVầng trung san sát có ba sao mọc giữa trời…Cụ tổ cô im lặng lắng nghe. Tiếng hát đưa bà già về một cõi xa lắc xa lơ nào đó. Bà cụ chìm dần vào một giấc mơ xưa. Đến nỗi, khi Nhụ đã dứt lời ca, bà cụ vẫn chưa kịp trở về cõi thực. Nhụ nhìn cụ tổ cô. Nhụ như ngơ ngác. Phải, cô gái làm sao hiểu nổi những nỗi niềm của một bà già gần trăm tuổi.