Rút cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi kháng!!-- ---~~~mucluc~~~---


Chương 23

Chao ơi, biết bao lần tôi đã tự hỏi mình như thế. Nếu tôi giải đáp được thì chắc rằng tôi đã chấm dứt ngay những trò quái ác đó từ lâu. Tôi đứng lặng im trước bao đôi mắt đang nhìn đăm đăm vào tôi.
Thầy Triết tức tối vì sự yên lặng kiên trì của tôi, nhưng thầy chỉ vòng hai tay lên ngực nói một hơi dài:
- À! Ông không muốn nói? Vậy để tôi nói dùm cho ông. Tôi sẽ mổ xẻ con người thật của ông để ông xem. Này nhé! Bề ngoài ông có vẻ con nhà nề nếp, có giáo dục, mặt mày sáng sủa, thông minh, nhưng trong người ông chứa một trái tim ác độc nên ông biến thành con quỷ nhỏ, chỉ biết nghĩ ra những trò tai quái để làm người khác phải đau khổ, điêu đứng vì ông. Ông lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui của mình...
Tôi ngẫm nghĩ những điều thầy nói và tôi muốn kêu lên: "Không. Em không hề có ý nghĩ như thế bao giờ!" Nhưng làm sao tôi nói ra ý nghĩ đó được khi chính tôi vẫn từng mong muốn thấy nước mắt chảy trên má cô giáo, từng mong thấy vẻ thất vọng trong mắt ba tôi kia mà.
-...Trong cái thân thể hãy còn trẻ con của ông chứa hàng trăm dây thần kinh mang mầm mống hiếu sát. Bây giờ ông đang nhỏ, ông chỉ mới thể hiện sự tàn ác của mình qua những hành động quậy phá. Lớn lên, ông sẽ là tên cướp của giết người không gớm tay. Ðó là bản chất của những đứa như...
Cô giáo Loan kêu lên:
- Anh Triết. Sao anh gieo vào đầu óc học trò tôi những ý nghĩ tồi tệ như thế?
Thầy gạt ngang:
- Chị không nên cản tôi. Trong việc giáo dục con người, có khi chúng ta phải vạch trần một con người nào đó để thấy rõ cái xấu lẫn cái tốt, mới mong...
Cô giáo lấy tay bụm mặt, nói giọng nghẹn ngào:
- Nhưng tại sao anh lại bắt học trò tôi làm vật hy sinh? Anh làm sao hiểu được em Hoàng bằng tôi. Tuổi thơ của em ấy là những tháng ngày đầy bất hạnh. Tôi đang tìm cách từng bước dẫn dắt em ra khỏi cơn mê đau khổ của mình thì anh lại vô tình bắt em quay trở lại. Tại sao?
Thầy Triết im lặng, bỏ đi ra xa. Tất cả mọi người như lặng đi trước những giọt nước mắt của cô giáo Loan. Nước mắt của tôi cũng đang chảy trong lòng. Cô ơi, em cũng rất thương cô, nhưng không hiểu sao em vẫn muốn làm cô phải đau đớn, khổ sở vì em. Tại sao vậy cô? Cô hãy tìm hiểu đi, hãy mổ sẻ trái tim em đi xem trong đó có con quỷ như thầy nói không. Hay có một thứ gì đó khó hiểu vô cùng, đang ẩn nấp thật sâu, thật xa trong trái tim em mà mãi em không thấy được. Em đang muốn gì trên đời này hả cô?
Ở nơi đây, giữa núi đồi Lịch Ðơi, gió lạnh cuối năm như xoáy từng cơn xót xa vào tâm hồn tôi. Sao tôi oán ghét tôi đến thế? Chính tôi là nguyên nhân của những giọt nước mắt đó, những giọt nước mắt trước đây tôi vẫn cố chờ đợi ứa ra trên đôi mắt hiền dịu của cô giáo.
Tiếng cô hiệu phó cất lên phá tan không khí lặng lờ:
- Thôi. Tôi thấy việc này chỉ có cô Kim Loan giải quyết được theo hướng của cô ấy. Chúng ta không nên quan trọng hóa vấn đề. Có lẽ chúng ta đã không hiểu được cá tính đặc biệt của em Hoàng. Về trường, chúng ta cũng không nên bàn luận về sự việc này nữa.
Các thầy cô lặng lẽ ra về. Cô Kim Loan gọi Kim ANh tới bên, dặn dò:
- Em cho tất cả học sinh vào lớp, ổn định lớp giúp cô. Khoảng 15 phút nữa cô sẽ trở lại.
Tôi ngỡ cô giáo theo đoàn người kia về trường chính. Nhưng không, cô rảo bước về phía thung lũng Bò Vá.
Một lần nữa, tôi cảm thấy tâm hồn mình chùng xuống, đầy cay đắng. Tôi chỉ muốn bước đến bên cô, quì xuống xin cô tha thứ. Nhưng con quỉ nhỏ trong tôi, như thầy Triết gọi thế, đã ngăn cản tôi lại.
Tôi lần bước vào lớp mà lòng dạ hoang mang, thật vọng.
Không biết con Kim Anh chực tôi tự lúc nào, nó xổ ra, mắng tôi ngay tại cửa lớp:
- Thầy Triết nói đúng. Mày là một con, à không mày là một thằng quỷ nhỏ!
Trời đất! Con nhỏ này bắt chước thầy gọi tôi là "quỷ" và còn "mày tao" rồi "thằng" này "thằng" nọ nữa chớ. Con quỷ nhỏ trong tôi đang lim dim ngủ bỗng giựt mình thức dậy và nó cay độc cự lại con Kim Anh:
- Á à! Mày muốn làm cô giáo đó à? Mày có quyền mắng chửi tao ngang xương vậy à? Nói cho mà biết, "ông" đây chẳng sợ ai cả.
Tôi được thầy Triết phong là ông Trời con rồi ông Thiên Lôi, dại gì tôi không xưng "ông" luôn thể để hù tụi nhóc trong lớp? Ðể cho từ "ông" thêm nặng ký, tôi phóng chân một cái, đá bốp vào ống chân con Kim Anh. Nó không la khóc thì chớ, lại sùng mặt lên, nói một hồi:
- Trò tưởng là tui sợ trò sao? Từ nay, trò không là cái thá gì với tui cả. Tui là con người, không thể học chung với ma quỷ được. Tui không chơi với trò, không học với trò nữa. Các bạn tui trong lớp năm C cũng vậy, tẩy chay trò luôn. Tui nói thiệt với trò há. Từ nhỏ tới lớn, tui chưa hề thấy ma quỷ, giờ thì tui thấy rồi đó, chính trò là con quỷ! Và từ nhỏ tới lớn tui chưa thấy cô giáo nào đáng kính trọng, đáng yêu quý như cô giáo Loan. Cô là thiên thần và trò, trò là ác quỷ. Hiểu chưa?
Ái cha! Thiên thần? Ác quỷ? Con nhỏ này lại bày đặt chơi chữ. Nó bị ảnh hưởng đậm những câu chuyện cổ tích của cô Loan rồi!
Xỏ tay vào hai túi quần, tôi tiến sát bên cạnh con Kim Anh, lườm nó một cái dài:
- Á! Mày bảo rằng tụi mày không học chung lớp với tao nữa có nghĩa là muốn đuổi học tao ra khỏi lớp chứ gì? Bọn mày lấy quyền gì? Cô giáo còn chưa dám nữa là...
Có nhiều tiếng xuỵt xuỵt trong lớp. Kim Anh vội chạy về chỗ. Tôi thủng thỉnh từng bước một về cuối lớp.
Cô giáo vào lớp. Nhìn dáng điệu buồn rầu, vẻ tiều tụy của cô giáo, tôi những muốn giết chết con quỷ nhỏ trong tôi ngay.