"Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác" (I Giăng 1:9).Câu hỏi suy ngẫm: Qua hai lần thử các anh, Giô-sép nhận biết điều gì nơi những người đã hãm hại ông? Chúng ta cần làm gì để phục hồi quan hệ với những người chúng ta đã làm tổn thương họ?Câu chuyện cuộc đời Giô-sép là câu chuyện đầy kịch tính. Đời sống ông đầy những biến cố thăng trầm. Được cha cưng chiều rồi bị các anh ghét bỏ, ném xuống hố sâu, và từ hố sâu vào tư dinh một quan lớn, rồi lại vào tù, và từ nhà tù vào triều vua làm tể tướng. Câu chuyện ông Giô-sép dạy chúng ta nhiều bài học quý báu, một trong những bài học là làm thế nào để giải hòa, phục hồi lại mối liên hệ anh em đã trở nên thù hận. Khi lên làm tể tướng nước Ai Cập, với địa vị cao Giô-sép có thể trả thù các anh đã hãm hại mình cách dễ dàng, nhưng là người nhân từ, có lòng yêu thương và tha thứ, nên ông chờ đợi cơ hội để làm hòa với các anh. Vì cơn đói kém lớn trong vùng, ông biết thế nào gia đình ông cũng đến Ai Cập để mua lương thực.Giô-sép hy vọng gặp lại các anh, và thấy họ thay đổi, không còn hung dữ, ganh tị như xưa. Các anh của Giô-sép rất đau khổ, họ nói với nhau là họ bị Đức Chúa Trời hình phạt vì tội hãm hại Giô-sép (Sáng-thế Ký 42:21-22). Đây là một lời nhận lỗi tập thể của các anh Giô-sép, một sự thừa nhận lỗi lầm đã dằn vặt họ và họ đã không nói ra cho đến lúc này. Qua những lời trao đổi của các anh, Giô-sép biết gánh nặng tội lỗi trong lòng họ, lòng ăn năn của họ, và ông xúc động mạnh: ông "xây qua chỗ khác mà khóc rồi ông lại tiếp tục nói chuyện với họ" (câu 24). Nghe họ nhìn nhận lầm lỗi, Giô-sép không thể giấu được sự xúc động trước mặt họ.Khi xuống Ai Cập lần thứ hai để mua lúa họ dẫn theo người em út là Bên-gia-min. Một lần nữa, Giô-sép sai những người giúp việc bí mật bỏ vào túi lúa của mỗi người những nén bạc của họ như lần trước, và bỏ vào túi lúa của Bên-gia-min cái chén bạc của ông. Khi họ lên đường, người quản gia được lệnh đuổi theo, nói về sự mất cắp cái chén bạc. Người quản gia cho lục soát và phát hiện ra cái chén bạc của Giô-sép nằm trong bao của Bên-gia-min như đã sắp đặt. Khi họ sấp mình trước Giô-sép, Giu-đa nói, "Chúng tôi sẽ thưa với chúa làm sao, trình bày làm sao, biện minh làm sao? Đức Chúa Trời đã khám phá tội ác của chúng tôi rồi. Bây giờ chúng tôi xin làm nô lệ cho chúa. Tất cả chúng tôi lẫn người đã bị bắt quả tang có chén" (câu 44:16). Một lần nữa, Giu-đa thay mặt cho các anh của Giô-sép nhìn nhận tội lỗi của họ đối với Giô-sép và chấp nhận hình phạt mà họ nghĩ bây giờ Chúa bắt họ trả. Nhưng Giô-sép nói ông chỉ bắt giữ Bên-gia-min là người bị bắt quả tang lấy cắp cái chén bạc của ông làm nô lệ cho ông và tha tất cả mọi người còn lại (câu 44:17). Nghe vậy, Giu-đa xin chịu hình phạt thế cho Bên-gia-min (câu 44:33, 34). Qua việc gài bẫy bắt tội Bên-gia-min để thử lòng các anh, lần này Giô-sép thấy sự nhìn nhận tội lỗi của các anh. Quyết định tình nguyện hy sinh để cho em út của họ được tự do cho thấy tấm lòng của họ thật sự đã thay đổi.Nhận tội lỗi và ăn năn là thái độ Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta, những người có tội được Ngài tha thứ, để chúng ta phục hồi quan hệ bị gãy đổ gây ra bởi tội lỗi. "Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác" (I Giăng 1:9).Bạn có cần thú nhận và ăn năn những lỗi lầm của mình với một người nào đó để bạn có một mối liên hệ thật sự được phục hồi không? Đừng trì hoãn trong việc giải hòa với người khác.Lạy Chúa, thú nhận lỗi lầm với người khác rất khó cho con thực hiện. Xin ban cho con sự can đảm để làm việc này hầu có thể giải hòa với anh chị em con.