húng tôi vừa nhận được cuốn sách ấy, cuốn sách mong đợi, bởi vì trước khi tác giả cho phát hành, chúng tôi đã nghe thấy nói rằng đó là bộ tục “En s’écartant des ancêttres”. “En s’écartant des ancêtres” được nam nữ thanh niên hoan nghênh thế nào thì cuốn “La réponse de l’Occident” [1] của hai bà Marguerite Triaire và Trịnh Thục Oanh vừa xuất bản mới đây chắc cũng sẽ được hoan nghênh như thế, mà có khi hơn nữa, bởi vì nhân vật trong truyện vẫn là nhân vật cũ, nhưng bây giờ họ đã đứng tuổi rồi, họ “chín chắn” hơn và những sự nhận xét về đời của họ cũng tinh vi và chua chát hơn lúc trẻ. Người ta phần nhiều thích sống với những cuộc đời đau khổ, trải nhiều. Người viết văn có những kỷ niệm não nùng thường được hoan nghênh khi những kỷ niệm đó được diễn lại một cách ý nhị và tinh vi. Đó là một tâm lý chung vậy, không những ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới nhất là nước Anh, một nước sản xuất nhiều nữ sĩ, trong số đó ta phải kể trước nhất nữ sĩ Rosamonde Lehmann viết nhiều chuyện thương tiếc những kỷ niệm thiếu thời rất hay. Trong truyện “Phương Tây trả lời”, những nhân vật cũ của chúng ta: Mai, Dần và Gaby cũng nhớ tiếc lại thời hoa tuế, cũng như một nhân vật của Lehmann đứng ở dưới gốc cam nghe tiếng rìu chặt cây vọng đến bên tai mà nhớ tiếc lại hồi hãy còn nhỏ chơi ở trong vườn hoa vậy. Nhưng nhớ tiếc cho mấy, còn làm gì được nữa? Thời tươi đẹp đã qua rồi, số mệnh đã định đoạt, họ bây giờ đều có mỗi người một con đường đi khác hẳn nhau, tuy họ cũng bắt đầu cùng chỗ: chỗ đó là chỗ xa lánh tinh thần cố hữu của tổ tiên đất nước. Cô con gái dút dát, e lệ ngày xưa là cô Dần, bây giờ đã yên vui ở trong cảnh gia đình. Nghĩa là sau khi theo mới một dạo, cô đã tỉnh ngộ vừa kịp lúc, cô lại quay trở về với phong tục tập quán của ta, làm bà mẹ tốt, làm một người mẹ hiền, cuộc đời không suy suyển, không thăng trầm, yên lặng mà chứa chan hạnh phúc, nói tóm lại, cái đời của những bậc mẹ hiền vợ thảo nước ta. Son (tức là Gaby) bây giờ thì trái hẳn. Cô thất vọng nhiều rồi. Tưởng là lấy Lâm thì họ sẽ âu yếm nhau đời đời, hai màu da tuy khác nhưng ái tình chỉ một, nhưng ác thay, Gaby chẳng bao lâu thấy cuộc đời của mình cô độc một cách đáng thương; Gaby luôn luôn bất mãn về cuộc đời, lấy thuốc phiện để quên đời, cãi nhau luôn với chồng và một ngày xấu trời kia nàng đánh nhau chửi nhau với Lâm, chồng nàng, Lâm tức giận vì bị mang tiếng là đào mỏ (bà Triaire và Trịnh Thục Oanh dịch là coureur de mines) nhất định bỏ ra đi, nhưng ngay lúc ấy Gaby hối hận ngay và van Lâm ở lại. Hai người này lại kéo dài cuộc đời bất hoà ra. Họ đều là những người đáng thương cả: Lâm đáng thương vì vợ thị của và không hiểu tình mình còn Gaby thì đáng thương bởi khổ sở vì đời, thuốc phiện làm cho nàng cau có, đa nghi và yếm thế. Thế còn Mai? Mai từ khi bỏ chồng thì về ở với cụ Huyện, ngày ngày chữa bệnh người ta để cho người ốm đỡ đau khổ ở trong bể trầm luân. Ngoài ra, nàng yên vui với cảnh gia đình: trên thì thờ mẹ, dưới thì nuôi con, sống một cuộc đời đôn hậu, tuy không than thở sự sinh sống của mình, nhưng những lời nói những cử chỉ của nàng cho ta thấy một tâm hồn đầy những kỷ niệm buồn thương ngày cũ. Ngày cũ đã qua rồi: con nàng bây giờ đã lớn; còn chồng nàng thì, sau một thời kỳ lấy đầm, hiện đương sống một cuộc đời cô độc, hình như luôn luôn trác táng. Người bạc tình cũng buồn khổ chứ cũng chẳng sướng gì vì mộng tưởng của ông cũng tan vỡ, người vợ Tây phương mà ông tưởng cùng chung sống đến bạc đầu đã chán nản trở về nước Pháp. Bắt đầu chuyện “Tây phương trả lời” ta thấy Son, Mai và Dần đương sống ở trong những tâm trạng ấy. Cụ Huyện, tiêu biểu cho tinh thần văn hoá Việt Nam, đứng lên cực lực mạt sát cái văn hoá của Tây phương mang lại. Cũng như trăm nghìn cụ già khác, cụ luôn luôn thương tiếc cái “tuổi vàng” cái thời dân ta sống chất phác thực thà, không có nhiều dục vọng mà cũng chẳng làm những cái lố lăng thái quá như tắm biển như nhảy đầm chẳng hạn. Giá thử còn trẻ, thì Mai đã phản đối rồi, nhưng bây giờ Mai đã trải đời rồi, Mai đã khôn rồi, nàng chịu đựng số mệnh và chỉ muốn trông thấy các con khôn lớn. Những lúc nhàn rỗi Mai thường đi lại thăm nom Son và Dần và những khi Son đau ốm nàng hết lòng săn sóc như một người trong gia tộc. Thấy hạnh phúc của gia đình nhà Mai rồi ngậm ngùi nghĩ đến cảnh ngộ mình, Son chán chồng và như có vẻ khinh chồng, chỉ một chút thì đôi lứa ấy chia rẽ nhau trên đường đời. May lúc ấy Mai đến vừa kịp lúc và mang lại hoà khí cho gia đình nhà ấy. Sau một cuộc đời phóng túng, tưởng như không cần bận nghĩ đến tương lai, hai người đàn bà này cũng thấy cõi lòng trống trải, nhất là Son. Mai và Son học mới, tưởng là thoát ly được những cổ tục, nhưng không, tưởng như thế là lầm. Mai thương bạn không có con nối dõi tông đường xin phép Lâm và Son cho thằng con lớn được chống gậy, và nhận Son làm mẹ. Người ta muốn tân tiến thế nào thì tân tiến, cũng không thể bỏ hết cả đặc tính của người mình. Người phương Tây bao giờ cũng là người phương Tây, người phương Đông bao giờ cũng là người phương Đông, − như lời Ruydard Kipling đã nói. Đông, Tây không bao giờ gặp nhau. Có một lúc người ta tưởng thay đổi hết, cải tạo hết. Đó chỉ là một điều lầm. Những cái lá giống nhau sẽ liên tiếp nhau rụng xuống để cho một lớp khác giống như thế thay vào, rồi lại rụng, cũng như một thế hệ này tàn để cho một thế hệ khác lên tiếp, không suy suyển mà cũng không thay đổi. Đãn hoặc có đôi khi thay đổi ta nên biết rằng đó chỉ là sự thay đổi tạm thời mà thôi, có khi chỉ là sự thay đổi bề ngoài, còn bên trong thì bao giờ cũng vẫn thế, vẫn trầm lặng như xưa vậy. Thí dụ như Dần chẳng hạn, Dần muốn tìm một sự yên ổn cho linh hồn nên theo Gia-tô giáo. Gia-tô giáo, theo như hai nữ sĩ tác giả “La réponse de l’Oecident” chính là câu trả lời của Tây phương. Con Mai con Dần nhớn lên cũng hướng về Tây phương cả […] Tây phương vậy là đã đền bù lạ cho ta Gia-tô giáo? Hãy nghe tác giả mượn lời ông cố nói với Mai: “Đạo Gia-tô là cái nền tảng văn hoá của Tây phương. Chịu ảnh hưởng của Tây phương, bạn trẻ của nước ta đã bỏ những căn bản cuộc đời của tổ tiên mà trong khi ấy thì không bám vào được căn bản và những sự trật tự mới của Tây phương. Học thuật tư tưởng của Tây phương nhiễm cái tinh thần Gia-tô. Người không thể chia rẽ học thuật Tây phương với đạo Gia-tô được”. Trở lên là ý kiến ông linh mục Le Gorridec, nhưng ta rất có thể bảo đó là ý kiến của hai bà Trịnh Thục Oanh và Marguerite Triaire vậy. Dù sao, ta cũng nên nhận rằng một nhân vật ở trong truyện, cô Dần, cũng đã thử tìm sự an ủi linh hồn ở trong đạo Gia-tô rồi. Nhưng như trên kia tôi đã nói, Dần vẫn quay về với đạo Phật là cái đạo đặc biệt của phương Đông, nàng mộ đạo Gia-tô và có một tấm lòng tin tưởng có thể gọi là mãnh liệt, nhưng cái hồn tôn giáo của đất nước lúc nào như cũng lẩn quất ở bên mình nàng vậy. Theo ý riêng của kẻ viết bài này thì bao giờ phương Đông cũng là phương Đông mà phương Tây cũng là phương Tây. Những sự theo mới bồng bột một thời kỳ, ta chỉ nên coi như một cơn ác mộng mà thôi. Xem ngay như ba nhân vật chính trong truyện, Mai, Dần, Son và các con Mai, con Dần, những người có tâm hồn yên ổn đều là những người đi trên con đường mới một dạo mà quay về đường cũ vừa kịp lúc. Như Dostoievsky đã nói, những người thực thiết tha với đời đều thấy một cái buồn mênh mông trên trái đất. Nói hẹp lại, thì ai là người không đau khổ về những chuyện lòng; mà đau khổ như thế còn đâu hơn là tìm ở trong tôn giáo sự an ủi linh hồn, sự bình tĩnh cho linh hồn? Nhưng dù theo mới hay theo cũ, người ta cũng cần phải có tâm. Mà đã có tâm thì cứ gì phải tìm ý nghĩa cuộc đời ở riêng một tôn giáo nào?
[1] “En s’écartant des ancêtres”: Trong sự lìa xa tiên tổ (tên sách); “La réponse de l’Occident” : Phương Tây trả lời (tên sách).
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 65 (15/6/1941)
[1] “En s’écartant des ancêtres”: Trong sự lìa xa tiên tổ (tên sách); “La réponse de l’Occident” : Phương Tây trả lời (tên sách).