ôi không muốn kể nhiều thí dụ. Bởi vì các bạn biết cả rồi. Vì vậy, hôm nay tôi chỉ xin kể hai chuyện “đủ chơi” thôi; đó là một chuyện ở Hưng Yên: Trịnh Thị Tư 24 tuổi ở làng Nễ Châu tổng Phương Trà huyện Tiên Lữ, kết duyên cùng bác Dương Văn Khảm con trai thứ hai ông Dương Văn Viên, lý trưởng đương thứ làng Bảo Châu cùng tổng đã bốn năm nay và đã sinh hạ với nhau được một đứa con gái nhưng không nuôi được. Từ trước tới nay hai vợ chồng ăn ở với nhau vẫn thuận hoà. Tối hôm mồng 9/4/1941 nhân trong làng có đám làm chay, hai vợ chồng bác Khảm cùng đi xem mãi đến khuya mới về. Đến sáng thì người ta thấy bác gái đã treo cổ lên cây nhãn trước nhà tự tử. Tin bác Khảm gái tự tử bật ra làm cho dân làng đều ngạc nhiên. Cứ theo lời đồn thì nguyên tối hôm trước trong khi đứng xem bác Khảm có thả lời ong bướm với một thiếu nữ trong làng, vợ bác có ý ghen và về nhà hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Bác Khảm bỏ nhà ra đi. Bác gái ở nhà phần thì quá ghen, phần thì giận chồng phụ bạc, nên bác dùng dây lưng để quyên sinh. Chuyện thứ hai, xảy ra ở Phủ Lạng: Bác Thổ, lái lợn ở Lạng Sơn về Bắc Giang vào phiên chợ trâu bò ngày 10 Avril. Bác về từ hôm 9 Avril mang theo cả vợ và chị vợ. Tối hôm ấy bác dắt hai người đi rong phố, sau chán bác rủ đi xem hát tuồng. Theo lời bác thuật lại thì vợ bác nói đã đi buôn bán còn đi xem làm gì cho tốn tiền. Bác lấy lẽ phải phân trần, vợ bác cũng không nghe và nói chồng nhiều câu khiếm nhã. Bác giận quá liền đánh vợ mấy cái bạt tai, không ngờ vợ bác chẳng vừa, một mạch chạy ra sông Thương tự tử. Anh chồng hoảng hốt chạy theo kêu cứu ầm ỹ, cả phố chạy ra xem đông như kiến. May lúc ấy có mấy người làm ô-tô đứng đấy đuổi giúp. Vừa tới sông Thương chị vợ toan nhảy xuống thì họ túm được. Sợ xảy ra án mạng họ kéo tới trình Sen-đầm, ông đe doạ chị vợ và giao cho anh chồng trông nom gìn giữ vợ, nếu xảy ra sự bất trắc anh chồng sẽ chịu trách nhiệm. Hẳn đêm ấy anh chồng không dám… ngủ! Hai cái tin “nguy hiểm” đó đã làm các bạn rợn tóc gáy lên rồi, vậy mà cái đó chỉ mới là thường, cái đáng sợ là nếu các bạn được thấy hai cái tin cùng đăng cạnh nhau cùng một ngày thì mới lại càng khiếp quá. Một ngày mà ở hai nơi đã có hai vụ ghen tuông như thế thì không biết, còn những vụ ghen tuông người ta không được tai nghe mắt thấy, còn những vụ ghen tuông ở trong nước ẩn kín ở dưới mái nhà, còn nhiều biết bao nhiêu mà kể! Ngồi nghĩ mà chơi, mỗi ngày mỗi giờ mỗi phút ở trong nước ta không lúc nào không có chuyện ghen tuông giữa những cặp vợ chồng ăn ở với nhau. Ước ao rằng những chuyện ghen tuông đó đều như gió thoảng mây bay ấy, − nói như thế cho nó đẹp lời văn một chút, − chứ, nói dại đổ xuống sông xuống ao, đám ghen tuông nào mà cũng “kết liễu một cách thảm khốc” như hai câu chuyện ở trên kia thì gia đình hạnh phúc không tài nào có được! Vậy mà đương lúc này đây là lúc người ta chú trọng về gia đình, cái hạnh phúc gia đình là một việc tối cần, tưởng chẳng phải là một cái trò chơi. Gia đình không yên ổn, người đàn ông còn nghĩ đâu đến công chuyện ở bên ngoài; trái lại, người ta dễ sinh ra bực chí, tuyệt vọng, mà ngay những người ngoài cuộc, chưa thành gia thất, thấy thế cũng đâm ra… bở vía! Nếu những chuyện ghen tuông như thế này mà cứ xảy ra hoài, tôi e rằng người thanh niên rất có một quan niệm xấu về hôn nhân, họ sẽ vin vào đấy mà lấy làm một cớ trong trăm nghìn cớ khác để không lấy vợ. Vì vậy cho nên, − xin nói để độc giả biết tôi không có ý khôi hài đâu, − tôi nói không… cười đấy, − vì vậy cho nên, đối với tôi, sự ghen tuông là một… vấn đề quan hệ, ta cần phải biết nguyên nhân. Có người tất sẽ hỏi rằng: “Biết nguyên nhân để làm gì?” Thì tôi xin lè lưỡi ra, quắc mắt mà hét lên rằng: “Biết để mà… để đấy, chứ còn làm gì nữa! Hỏi vẩn vơ lắm, tôi không chịu được”. Thực vậy, thưa các ngài, những nhà luân lý mô phạm từ xưa đến nay vẫn làm sách nữ huấn dạy đàn bà đừng có ghen tuông, tôi cho là sự ích lợi không thể có được, − nếu không muốn nói là dập gậy xuống nước, là vô ích, là vào lỗ hà ra lỗ hổng. Tuy thế, sách nữ huấn dạy đàn bà con gái lúc nào cũng vẫn cứ là cần phải có. Duy có một điều mà ai ai cũng đều nhận thấy như tôi là tính ghen tuông của đàn bà là do tự trời sinh, chứ không phải luyện mà có được; giời phú cho người đàn bà cái tính ghen tuông cũng như phú cho khắp mọi người cái tính đói thì ăn, khát thì uống vậy. Tôi không sợ nói thế mà làm phật ý đàn bà. Họ sẽ không tức giận đâu, bởi vì nếu đàn bà tức giận vì bảo họ ghen tuông thì họ đã tức giận từ bao giờ kia rồi, họ tức giận từ khi có câu đồng dao này trong dân gian: Ớt nào là ớt chẳng cay, Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng. Vôi nào là vôi chẳng nồng, Gái nào là gái lấy chồng chẳng ghen… Ôi! câu đồng dao, không biết các ngài thấy thế nào chứ riêng tôi mỗi khi đọc tới thì mắt lại … rưng rưng những lệ, bởi vì theo tôi, nó ngụ một ý chua xót cho thân thế của bọn đàn ông. Tôi nghĩ đến thân thế của bao nhiêu ông chồng lấy phải vợ dữ mà đắng cay ngậm quả bồ hòn vì chẳng nhẽ mỗi lúc người ta lại dán ở cửa: “nhà này có… vợ dữ”, hay: “Trước khi vào phải coi chừng vì có… sư tử Hà đông”? Tôi nghĩ đến bao nhiêu gia đình tan nát vì ghen tuông, những người đàn ông bị tiêu tán cả sự nghiệp vì vợ ghen, những người, lúc tôi đương viết bài này đã là người bạc mệnh, vì tính ghen tuông của đàn bà (1). Tôi nghĩ đến những lời than thở não nùng của thi sĩ văn sĩ ta từ xưa tới nay và những lời sầu oán của thanh niên chết khiếp đi mỗi lúc nghe thấy gia đình nói đến chuyện lấy vợ đẻ con: họ sợ lấy phải vợ hay ghen, vợ dữ, vợ nguy hiểm sẽ ăn thịt mình như sư tử ăn thịt người. Biết vậy rồi, các bạn đừng cho chuyện này là tầm thường. Ta phải cần hiểu rõ về tính ghen tuông, mà nói đến tính ghen tuông, trước hết, ta phải bắt chước nhà thi sĩ tìm biết “vợ” là gì đã, “vợ chồng” là làm sao mà lại “ghen”, mà “ghen” thế nào lại có người đàn ông “đâm sợ” để lãnh một danh từ rất xấu là “đồ sợ vợ”. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã có một bài văn rất nghiêm nghị về chuyện này, xin dẫn như sau: “Nguyên là vợ chồng lấy nhau thì có tình, tình sinh ái; ái sinh uý, uý là sợ. Vợ vẫn là một “vật” đáng sợ; nhưng sợ đó là một nhẽ chính. Còn như vợ giàu mà sợ; vợ thần thế mà sợ; vợ hũng hạn mà sợ; thời sợ đó là ba nhẽ biến. Sợ một nhẽ chính thì là ông chồng; sợ một chính một biến thời là anh chồng; sợ một chính hai biến thời xuống là thằng chồng; mà sợ cả đến ba biến thời…nguy. Nguy thời phải cấp cứu”. Vì vậy nhà thi sĩ vì chúng bạn, vì hết thảy đàn ông có vợ, vì ai sợ đến ba biến, thảo một thiên cứu cấp như sau này (nhà thi sĩ bảo rằng nếu tụng được 100 lượt, tất có độ ách được đôi phần, chẳng biết có đúng không?). Bài văn cứu cấp sự sợ vợ như sau này, xin cứ chép nguyên văn, để ngộ bọn đàn ông ta có ai muốn chép lại… cầu phúc hay tặng bạn bè như kiểu những cái… chaînes de bonheur của Pháp: Thằng cuội ngồi trong cung nguyệt, Chim khôn mắc phải lưới hồng, Là mình với ta, Chẳng duyên thì nợ, Cơ giời tác hợp, sợi tơ mành xe chặt lấy nhau, Bể ái đầy vơi, nén hương nguyện cho tròn một kiếp. Như mỗ nay, Con nhà gia giáo, Cũng mạch thư hương, Mặt vuông chữ điền, Điền vô nhất thốn. Lưng dài vải tốn, mình lính nhưng tính quan. Mặt nạc đóm dày, khôn nhà mà dại chợ. Tuổi mới độ đôi chín ba mươi, dĩ lý đã rượu sớm chè trưa. Học chưa xong tam hoàng ngũ đế chi thư, lại a tròn b méo. Chồng con thế ấy, Ai người dễ ưa. Thế mà, Nệm ủ chăn lồng, nghĩa cũ bấy lâu êm ái, Cơm hầu canh dẫn, lòng riêng riêng những kính yêu. Cũng mong cho một bước một hay, được như ai, ông cống ông nghè, có danh có giá, Không ngờ lại mỗi ngày mỗi đốn, để đến nỗi con tiều con khỉ, mang tiếng mang tai. Năm năm lâu dài, Một phen giận dữ. Sự thế thế nào phải thế, bao quản mình lươ,. Phận đành chi dám kêu oan, còn nhờ lượng bể. Nam-vô Phật ngồi trên tam bảo, phổ cứu chúng sinh. A-di-men lạy đức Chúa Giời, tôi là kẻ có tội. Nhà thi sĩ “hoà máu và mực” để viết nên bài văn tế cứu cấp sự sợ vợ này có nói rằng: ai tụng bài này được một trăm lần thì cũng có độ ách được mươi phần. Độ ách! Chao ôi! cái chữ nghe sao mà bi đát thế! Tuy vậy bi đát thế nào thì bi đát, tôi tưởng bài văn cấp cứu kia cũng chẳng “ăn” gì, bởi vì nghĩ cho nó cùng ra, nếu sợ vợ mà tụng kinh giải ách được thì từ xửa từ xưa người ta đã làm rồi, chứ có đâu lịch sử lại cứ còn đầy rẫy những chuyện sợ vợ, mà câu chuyện “cái đảng sợ vợ” ở trong Tiếu lâm quảng ký cũng không thể còn có được. Nhân đây, ta nên kể lại chuyện “cái đảng sợ vợ” đó nghe chơi: Ngày xưa ở một làng kia, từ ông thủ chỉ cho đến anh cùng đinh, ai ai cũng sợ vợ cả. Thấy thế cho là có thể “thương tổn” đến danh giá của cả làng, có một người mới họp các bậc đàn anh lại mà rằng: Bởi chưng một mình lẻ loi, cho nên “chúng nó” bắt nạt được. Giá bây giờ ta họp nhau lại thành một đảng, tổ chức có quy củ, như đũa cả nắm khó bẻ, thì chúng nó không làm gì nổi. Phải đừng có ai bỏ ai mới được! Người ấy nói xong ngâm một câu thơ rằng: Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao Cái trò ở nhà quê ta vẫn thế. Mới nói ra thì chẳng có ai nghe, nhưng đến lúc “gã tiên phong” kia đọc một vài câu vần vè lên thì ai nghe cũng chịu cả; mọi người đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và đều cho là phải cả. Lập tức, họ họp thành một đảng gọi là Dasovo cũng như người ta mệnh danh cho hội này hội nọ những cái tên lạ như Ajimi, Cotsiva, Apha, Amikea, v.v… Dasovo cũng có một ý nghĩa: nếu lấy rời từng chữ ra thì người ta thấy ba chữ nghe rất oai, không chỉ về sự ăn uống, đánh tổ tôm như Ajimi, không có cái ý nghĩa ái hữu bịp như Cotsiva, nhưng có cái ý nghĩa này; đa = đảng, sovo = sợ vợ. Dasovo được nhiệt liệt hoan nghênh. Một phiên nhóm bất thường đã chọn xong thư ký, thủ quỹ và làm sổ ghi tên hội viên đâu đó cả rồi, một uỷ ban được cử ra để chọn ngày lành tháng tốt tế thần. Ngày hôm tế thần đến, Dasovo không dám cử lễ ở trong làng sợ lộ chuyện, họ đem nhau ra tế lễ ở ngoài đồng xa xa, và cắt ba ông sợ vợ nhất, một ông vào mạnh bái, hai ông vào bồi tế. Xong đâu đấy cả rồi, nổi trống đốt pháo, các quan viên áo mũ vào tế. Tế được một tuần, đến lúc xướng: “Gia quỳ!” Ba ông kia cùng quỳ cả xuống. Thì ngay bấy giờ có mấy bà đi chợ về qua, thấy tế lễ linh đình, rủ nhau đến xem. Nhân viên Dasovo thấy bóng các bà, vội vàng sấp ngửa, ù té chạy cả. Duy chỉ có ba ông nọ còn đương quỳ, cho nên không chạy kịp. Bọn kia chạy chừng một quãng, ngoảnh lại trông thấy ba ông ấy vẫn cứ quỳ ở giữa chiếu mới lao xao bảo nhau rằng: “Ừ, thế chứ lại! Chúng mình cắt những tay xứng đáng cả! Thế mới là Dasovo chứ! Dasovo vạn tuế! Vạn vạn tuế Dasovo!” Bèn rủ nhau giở lại. Ai ngờ đến gần thì ba ông đã chết cứng từ bao giờ rồi! II. Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng Trở lên là câu chuyện khôi hài để chứng tỏ lòng ghen tuông của đàn bà và người ta sợ lòng ghen tuông ấy đến chết đứng như Từ Hải thì đủ biết thế nào. Nhưng dù sao, đó chỉ là một chuyện để cười thôi. Người ta lắm lúc cũng cần phải đứng đắn một tí chơi: đó là một điều cần nữa trước khi chúng tôi đem vẽ lại cho độc giả biết những cảnh ghen tuông lạ nhất xảy ra ở xã hội ta, những kết quả khốc liệt của nó để ta cùng xem nó đã làm cho bạn đàn ông râu quặp bở vía như thế nào, tuy họ cũng đã khôn khéo nghĩ ra rất nhiều cách để che mắt những bà sư tử Hà đông ấy. Đọc Kiều vào đoạn cụ Nguyễn Du tả cái lòng ghen của Hoạn Thư, − người này đã có tên ở trong lịch sử ghen tuông: ghen như ả Hoạn; rõ là ả Hoạn Thư chưa! − để chỉ những bà ghen tuông, các bạn tất đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần câu văn này: Cúi đầu luồn xuống mái nhà Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng. Chắc các bạn đã biết “lửa nồng” là gì rồi vậy. Lửa nồng nguyên ở chữ “hoả khanh” nghĩa là hầm lửa, ý nói là lầu xanh. Ở đời người đàn bà tử tế, còn có gì đáng sợ hơn lầu xanh nữa, vậy mà theo ý cụ Nguyễn Du thì lầu xanh cũng chưa sợ bằng dấm chua! Dấm chua là cái gì vậy? Chỗ này ta nên biết. Ngày xưa, ở nước Kim, tức là Mãn Châu quốc bây giờ,[1] Hoàng đế nước ấy chuyên sủng hai cung tần nọ. Bởi vì hai cung tần đó đẹp hay bởi hai cung tần ấy khéo? Cái đó không có sách nào chép rõ. Người ta chỉ biết rằng, việc ấy làm gai mắt nhiều người và làm cho nhiều mỹ nữ trong hoàng cung tức tối và ghen ghét; nhưng tức tối ghen ghét nhất, có chăng là Tiêu hoàng hậu. Thấy vua sủng ái hai cung tần nọ, Tiêu hoàng hậu đêm quên ngủ ngày quên ăn, chỉ tìm cách báo thù thì, may thay!... một bữa nọ Kim Hoàng đế bị bệnh rất là trầm trọng. Vua bèn vời hoàng hậu lại gần long sàng mà rằng: Hậu ơi, nếu chẳng may trẫm có mệnh hệ nào thì hậu phải nghe lời trẫm nhớ cho chôn sống hai con cung tần nọ để nó hầu hạ trẫm dưới suối vàng, Hậu khá nhớ, nghe! Thế rồi vua thăng hà. Tiêu hoàng hậu nhớ lời Kim Hoàng đế trối trăng lắm lắm. Nhưng hoàng hậu vì bị con rắn ghen tuông nó hành hạ đêm ngày nên nghĩ rằng: Nếu bây giờ ta nghe lời nhà vua mà chôn sống hai con đó xuống dưới đất cùng với nhà vua, thì ở suối vàng chúng lại được nhà vua sùng ái mà biết đâu chẳng sủng ái hơn lúc còn ở trên dương thế, bởi vì không có ta ở đó. Nghĩ thế, Tiêu hoàng hậu sầu không biết bao nhiêu mà kể. Ngài nghĩ đêm nghĩ ngày và sau nghĩ ra được một kế có thể làm vui lòng… ghen của mình: cái mưu kế cũng đã thâm thiểm, sâu sắc lắm. Muốn không cho hai ả cung nhân kia được sớm hôm hầu hạ đức vua dưới suối vàng, Tiêu hoàng hậu nghĩ chỉ có cách làm cho hai con đó chết đi, nhưng chết mà không thể nào gặp được nhà vua vậy. Muốn thế, hoàng hậu đã truyền làm như thế này: Ngài sai quân lính bắt hai ả cung nhân đó lại, và − ai bảo hai ả lại được nhà vua chuyên sủng? − hoàng hậu truyền: lóc thịt họ đi. Mất thịt như thế, họ xuống âm cũng chẳng còn được nguyên vẹn nữa thì chắc chắn nhà vua sẽ chán. Tuy vậy, cái lòng ghen tuông của hoàng hậu đã được thoả cho đâu. Bởi vì hai ả đó lại còn xương, hoàng hậu sợ xuống âm cung, họ vẫn còn có thể hoá thành người đi lại và được nhà vua chuyên sủng nữa, nên lại nghĩ thêm một chước cho mưu kia thực hoàn toàn: đó là tuốt xương hai ả cung nhân đó và đem ngâm vào dấm cho những xương ấy tiêu mòn đi, không còn lại một chút gì hết trọi. Từ đó, câu chuyện ấy được chép vào “sử xanh” và câu dấm chua được người ta nhắc tới mỗi lần nói đến tính ghen tuông của đàn bà. Đối chọi với Tiêu hoàng hậu, sử Tàu còn có một người mà ta thường nhắc tới luôn luôn, đó là Lã Hậu. Sử chép rằng bà Lã Hậu lấy vua Cao Tổ, lúc mới đầu được quân vương sủng ái lắm, đặt làm chánh hậu và đã trải những năm tình mộng như gấm như hoa. Chẳng ngờ về sau, nhà vua lại mặn tình với một cung phi là nàng Thích Cơ và nhạt tình với Lã Hậu; người sầu muộn đêm ngày, muốn làm hại Thích bằng đủ các cách nhưng không được, bởi vì người còn sợ Cao Tổ vì thế mà hãm hại người chăng. Người ngậm đắng nuốt cay như thế, cho đến khi Cao Tổ thăng hà, người mới có thể ra tay hành hạ cái người “đã cướp sống chồng mình”. Cách hành hạ ấy, không ai có thể tưởng tượng được: đó là bắt ả Thích Cơ khoả thân ra, và sai quân lính đánh đập nàng đủ cách. Xương, máu tan tành, Thích Cơ chết đi sống lại; tuy vậy Lã Hậu vẫn chưa vừa lòng, Lã Hậu cho quân lính lóc từng miếng thịt của Thích Cơ ra, và sau hết, chặt cả chân tay của người đàn bà khốn nạn, nhưng điều cần yếu là giữ cho Thích Cơ không chết. Thích Cơ không chết thực. Nàng cứ sống lây lứt như thế, cho đến một ngày kia, Lã Hậu truyền cho quân lính vứt nàng vào trong chuồng lợn và cho sống chung với lợn. Từ đó, Lã Hậu bèn đặt cái tên “nhân trệ” để gọi Thích Cơ, ý nói là người lợn. Ghen tuông mà hành hạ kẻ tình địch của mình đến thế, tưởng đã đến chỗ cùng cực của sự nham hiểm gian ác trên đời vậy. Thời giờ qua đi. Cuộc đời mỗi thời đại một khác nhau nhưng tâm tính người ta thì vẫn nguyên như thế, gần như không thay đổi gì. Bao giờ cũng thế, nếu ở đời còn những người chất phác thực thà thì cũng còn những kẻ mưu cơ gian giảo, cũng như nếu còn có đàn ông thì giời vẫn để cho có đàn bà để giúp đỡ đàn ông mà cũng để ghen tuông và làm cho họ sợ… như sợ sư tử vậy. Tôi đã từng được các bậc đàn anh đã từng trải đời nhiều kể lại cho nghe nhiều chuyện tỏ rằng có lắm người đàn ông làm những chuyện rất phi thường, coi những sự thử thách của đời đều là trò trẻ cả, vậy mà cho đứng trước một người đàn bà thì “mờ” cả người đi. Tôi không muốn nói đến chuyện sắc đẹp đâu, tôi không muốn nói rằng “nhan sắc của đàn bà khuynh thành, khuynh quốc” đâu, mà đừng ai vội vểnh râu lên ngâm câu này: Cho hay mặt sắt cũng ngây vì tình! Các bạn cứ để ý mà xem, lắm khi người đàn bà không cần phải đẹp lắm, tình lắm mà đàn ông cũng cứ sợ như thường. Thứ nhất, nhiều người đàn bà lại xấu nữa, mà ác hại thay, người đàn ông không có tình yêu thương gì hết, vậy mà một cái lườm, một tiếng quát, − lắm khi, trời ơi, lại chỉ cần một cái cười nửa miệng − cũng đủ làm cho anh đàn ông hết vía, run bần bật lên như cầy sấy, lắm lúc tưởng đem quả trứng và bảy nắm cơm hú vía cũng khó mà gọi hồn lại được! Người ta kể chuyện rằng, xưa, về đời Khang Hy, nhà Thanh có một danh tướng là Niên Canh Nghiêu, trăm trận đánh trăm trận thắng, danh tiếng vang lừng trong bốn cõi, những chiến công oanh liệt không để đâu cho hết. Có thể bảo rằng anh ta là một người khát máu, coi cái chết như trò trẻ nữa. Anh ta cần phải trông thấy máu và sự chết chóc luôn luôn, bởi vậy cứ mỗi bữa cơm, anh ta phải truyền cho quân lính lựa những tên tù bị trọng tội nhất đem ra xử giảo ở trước mặt, không thế mà ăn cơm không ngon miệng. Một người gớm ghê như thế, dữ có thể đem ví với tử thần như thế, vậy mà các bạn có biết anh ta sợ nhất trần đời cái gì không? Quả như lời các bạn đã đoán trúng, Niên Canh Nghiêu chỉ sợ nhất có một người, một người chân yếu tay mềm: người đó là bà Niên Canh Nghiêu vậy. Chao ôi, nào có phải sợ thường thường thì nó cũng còn cám cảnh với trời. Đằng này không. Niên Canh Nghiêu lại sợ quá đỗi đến nỗi mỗi lần vợ anh quát lên một tiếng thì cái giáo cầm tay rơi liền ngay xuống đất. May thay trong sách lại không chép rõ rằng những khi ấy thì anh ta có “lác mắt” hay là “bở vía” không. Chắc có! Câu chuyện cổ này làm cho tôi nhớ đến những bức ảnh trào phúng ở trên những tờ báo Anh và Pháp: một nữ phi công, vượt chín từng mây đi thám hiểm hoàn cầu, vừa ở trên máy bay đặt chân xuống đất kêu thất thanh lên, sợ quá, vì có một con chuột nhắt nó bò ở cạnh chân! Chuyện này cũng giống như chuyện ông võ sĩ chiếm giải quán quân “bốc-xờ” ở hoàn cầu, đấu trận nào cũng thắng,− dáng chừng cũng như võ sĩ mọi Joe Louis vậy, − vừa bước chân vào đến cửa thì giá cả người đi vì thấy vợ quát ầm lên trong nhà. Thế rồi, anh ta cũng cứ liều vào. Thì bà vợ cho luôn một cái… knock out − gọi thế cho oai, chứ chính thực là cái tát − và nhà võ sĩ chiếm giải quán quân thế giới đành chịu, không thể nào đỡ được vì anh ta đã bủn rủn cả tay chân từ bao giờ rồi. III. Một đống tro ở dưới gáy và một lưỡi dao ở cuống họng ông chồng đương ngon giấc (2) Kể lại các ngài nghe câu chuyện nhà võ sĩ bị vợ cho một quả “nốc ao” đau điếng cả người đi, xin các bạn độc giả đàn ông chớ vội “nghi lắm nhé!” mà bảo rằng kẻ này chủ ý “gây một phong trào khủng hoảng” để cho bạn đàn ông ta “ngất” đi đâu. Tôi dọa? Tôi doạ thì tôi “ăn” gì chứ? Chẳng lẽ các ngài quá yêu đời, lại có thể đi tìm được rằng hiện giờ đàn bà ở nước ta đã có tổ chức, chuyến này định làm một công chuyện gì đây, nên đã “mua” kẻ tài hèn này, ẩy hẳn viết bài gây thanh thế cho phụ nữ để phụ nữ đánh đàn ông một trận nerfenprobe, một trận chiến tranh gân cốt như cái lối chiến tranh hiện giờ. Không, than ôi, thưa các ngài, không, đàn bà ở nước ta đâu đã phải cần dùng đến cách đó? Ở Anh, ở Mỹ, ở Nga, nghe nói như đã có nhiều người đàn bà làm tới cảnh sát thượng thư. Ở Gia-nã-đại họ lại dắt nhau đi biệt lập ở riêng một làng toàn đàn bà cả, anh đàn ông nào láng cháng đến đó sinh sự thì có dao găm súng lục. Lại có những hội đàn bà sống độc thân, những hội đàn bà chuyên đi khuyên giải những người thất vọng đừng nên tự tử. Đó, những hạng đàn bà đó, tôi thường nghe nói họ mới hay dùng báo làm cơ quan tuyên truyền, mà sở dĩ phải tuyên truyền như thế, chính là bởi họ chưa tin sức họ. Chớ đến như đàn bà ở nước ta (2) thì tôi tưởng thanh thế họ đã vững lắm lắm rồi. Tờ báo là cái gì? Xem việc ngay trước mắt thì biết đó: bao nhiêu cơ quan báo chí của phụ nữ đó, họ có cần làm gì, bởi vậy cho nên lần lượt họ cho chúng đi sang Lào hết, không thiết cho ra đời làm gì cho tốn tiền và mệt sức. Tiền ấy, sức ấy, thà để ngồi mà quạt và đem ra làm dáng cho ngây hồn bọn đàn ông: bọn đàn ông mà bị thu vía rồi thì thiên hạ ở trong tay họ, còn phải một hai gì nữa. Lúc đó, họ bảo gì mà đàn ông chẳng phải theo? Chẳng cần gì nói lôi thôi, đến cái chết là cái gì cũng sợ, vậy mà hằng ngày, ta chẳng thấy chán anh vì đàn bà mà đâm văng mạng coi nó như chơi, tự tử chết oanh oách không cần gì đời cả! Đó là nói về hạng đàn bà cầm quyền sinh tử đàn ông; đàn ông nhiều khi chết là để “vây” với họ, chết là để tỏ “ta đây thuỷ chung với họ”, chết là sợ họ không bằng lòng cho mình sống. Chứ đến câu chuyện tôi kể ở dưới đây thì tất các ngài cũng như tôi đều có thể quả quyết là người đàn ông chủ động không muốn chết vì đàn bà một chút nào. Trái lại, tôi lại có thể cam đoan rằng anh chàng này muốn sống là khác nữa, bởi vì anh ta sống trong trời hạnh phúc. Anh ta lấy một cô vợ dữ như một con hùm vậy. − Lấy phải một cô vợ dữ như một con hùm mà bảo là sống trong hạnh phúc? − Các ngài tất sẽ hỏi tôi thế chứ gì. À, nếu quả vậy thì xin các ngài cứ bình tĩnh mà nghe tôi kể. Các ngài đừng lôi thôi làm đứt mất cả hứng văn của tôi đi, cũng như anh chàng nọ của tôi lắm khi cụt cả hứng vì cô vợ đó giữ anh ta tợn quá không cho anh đi đâu cả. Ở đời, trời hay chơi những “cú” rất ác; chính những anh chồng vợ dữ giữ ở nhà tợn thì lại hay túng tắng rửng mỡ muốn đi tìm những thú vui bên ngoài nó nhử như thể một miếng mồi ngon vậy. Vậy ông có vợ dữ như hùm của chúng ta cũng không thoát khỏi cái công lệ ấy. Con hùm cái nó hầm anh như món thỏ sốt vang, mà còn phải ví von gì nữa, anh ta chẳng là thỏ thì còn là cái quái gì? Vậy mà anh ta, − có trời hiểu làm sao? − anh ta vẫn kiếm cách bắt nhân tình với một ả nhà tơ nọ. Đôi ta đá tạc vàng ghi, Vàng thì Mỹ ký, đá thì tổ ong… Đôi ta hẹn núi thề sông, Núi trong bể cạn, sông trong bàn cờ. Cái tính vụng trộm ấy thực là tình bỏ bu con chuột bạch, không kém gì cái tình não nuột của những ông văn sĩ trong Tê E lờ văn đoàn,[4] cực tả những cô gái ho lao mê những anh loạn óc. Không cần phải điều tra phỏng vấn lôi thôi làm gì, người ta cũng biết rằng những lúc anh trốn con hùm đi chơi với chị ả được độ mười lăm phút nửa giờ thì anh ta sướng rơn lên: anh quên trời, quên cả người, vì vậy, một ngày xấu trời kia, một vài người trông thấy anh chị bày trò trên bộc trong dâu, nghĩa là… dắt tay nhau đi “chơi tễu” ở hồ Bảy Mẫu, họ liền về báo cho con hùm biết ngay. Con hùm ấy, chẳng may lại sống lâu quá, thành tinh ra mất rồi, nên nó lặng yên, chẳng nói với anh chàng nọ một câu gì hết. Lo gì việc ấy mà mà lo, Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Làm cho nhìn chẳng được nhau, Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên. Cái đoạn văn ấy trong Kiều, cụ Nguyễn Du chủ ý tả cái ghen của Hoạn Thư, mà người đọc, cố nhiên là phải hiểu theo nghĩa bóng. Chẳng hiểu vì ít học hay vì tính con hùm cái nọ hùng hổ không thích cái gì bóng bẩy lờ mờ, ả ta bèn gật đầu đắc chí và quyết làm theo lời của cụ Nguyễn Du đã dạy (Chao ôi! cụ Nguyễn Du nào có biết đâu rằng văn chương của cụ lại tai hại cho hậu thế như thế được!) Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên. À được! Muốn cho cất đầu chẳng lên được thì chỉ có một cách. Cách ấy, chị chàng ta đem ra thi hành một đêm cuối tháng kia và các báo hằng ngày đã thuật lại như sau này: “Nguyễn Văn Tô… lấy Bùi thị K. đã được sáu năm nay, con sống có con chết có, tưởng rằng tình nghĩa lâu dài, không ngờ những chuyện xích mích gia đình lại thường xảy ra luôn, nhiều khi láng giềng hàng xóm không ngủ được vì bà ấy “truy” ông ấy dữ quá, nhiều khi chén đĩa ban đêm đương ngủ ở trong khay cũng bị giật gáy lôi dậy và bị cho đi… la-mát hết! Xảy đêm mới đây, trong lúc mọi người đương ngủ yên tĩnh thì ở nhà Nguyễn Văn Tô bỗng có tiếng kêu “Bớ làng xóm! Ối ông già bà cả ơi!” Thoạt đầu ai cũng tưởng là ông chồng bị vợ khiền kêu “sơ-cua”, nhưng chú ý nghe mãi thì ra không phải tiếng Tô, nhưng mà lạ, sao đó lại là tiếng ông quản B. ở nhà gần đấy. Sao tiếng ông quản B. kêu cứu lại nổi lên ở nhà Nguyễn Văn Tô? Thực là một sự lạ, mọi người đều muốn biết. Bao nhiêu lời ức đoán đều “sắp măng” ở trong óc mọi người trong khi họ ba chân bốn cẳng chạy đến nhà Nguyễn Văn Tô. − Có lẽ nào ông quản B. lại sang sinh sự với vợ chồng nhà ấy! − Hay là con mụ Bùi Thị K. khiền chồng chưa đủ chán lại hăng máu gọi bạn chồng là quản B. sang “giã” cho anh chồng nhìn thấy gương tày liếp mà chừa những thói hư tật xấu đi? − Hết thảy đều đoán lầm cả. Chạy đến, mọi người mới biết rằng bao nhiêu đầu óc họ chụm nhau lại để đoán việc xảy ra đều sai bét: cái việc xảy ra đó ở ngoài hết cả sức tưởng tượng của mọi người, cái việc đó có thể nói là một việc hãn hữu trên đời này nữa. Việc đó như sau này: Hồi mười giờ đêm hôm đó, ông quản B. muốn hút một điếu thuốc lào. Chợ thì xa mà cả nhà một cái diêm không có, ông quản bèn nghĩ ra ngay vợ chồng ông hàng xóm. Bèn nâng tấm liếp lên, thò cổ sang và giơ một cái đóm ra: Ông ơi, cho xin cái lửa! Một ngọn đèn leo lét cháy ở trong gian nhà âm u tối. Một vệt sáng loé ra. Ông quản B. thét lên một tiếng rồi lặng đi một lát. Như thể một người nghỉ lại để “lấy gân”, một phút đồng hồ sau, gân cốt mới lại cứng như cũ, ông hét lên một tiếng nữa rồi trố mắt ra nhìn thực kỹ xem mình có nhìn lầm hay chăng. Thì không sai, trước mắt ông, như thể muốn thực hành câu thơ của Nguyễn Du: “Làm cho trông thấy nhỡn tiền”. Câu thơ nối với câu: Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên, một “người” đàn bà, vâng chính là một người đàn bà, − mà người đàn bà ấy là vợ Nguyễn Văn Tô, − đương hạ một con dao xuống cổ anh chồng đương ngon giấc! Nghe thấy tiếng kêu của ông hàng xóm mụ Bùi Thị K. bủn rủn tay chân đánh rớt con dao xuống giường. Vừa lúc ấy mọi người đổ lại, người chồng suýt thì là một cái xác không đầu cũng thức giấc, người ta khêu to bấc ngọn đèn để cho gian nhà sáng sủa thì ồ lạ! một đống tro to bằng một cái mẹt thấy lù lù ở giữa giường, ngay bên cạnh cái gối tre của Nguyễn Văn Tô… nằm gối đầu để ngủ. Tại sao lại có đống tro ấy? Một loạt dấu hỏi lại cuồn cuộn nổi lên ở trong óc khắp mọi người; người ta không hiểu ra sao cả, định tìm mụ Bùi Thị K. để hỏi thì mụ đã “cao chạy xa bay” từ bao giờ rồi. Tôi không nhớ rõ pháp luật về sau có vớ được mụ đàn bà nanh ác có một kia không, nhưng cứ theo như sự hiểu biết của những người ở chung quanh đó thì cái đống tro kia không có gì là bí mật cả. Bùi thị K. muốn nhờ lưỡi dao để mời ông chồng “sà lù” của mụ sang bên kia thế giới. Thế thôi. Nhưng, như trên kia đã nói, mụ là một con hùm cái thành tinh, mụ tinh ranh lắm. Sợ rằng cắt cổ chồng thì sẽ có máu vấy ra giường thành dấu vết thì sau này phải tội với pháp luật chăng, mụ khôn khéo − nhưng mà cũng thiển cận thay! − mụ khôn khéo nghĩ ra một kế là để một đống tro ngay dưới gáy chồng, để lúc hạ thủ thì máu rỏ xuống đống tro không để lại vết tích cho việc tra xét sau này vậy! Câu chuyện ầm lên và lan rộng khắp Đông Dương. Làng râu quặp đối nhau cũng như hiện giờ ở Âu châu có hai phái phản đối nhau kịch liệt, một phía bênh Anh, và một phía bênh Đức vậy. Phái râu quặp thì rằng: Ghê! Đàn bà như thế thì là yêu là ma, chứ là người sao lại thế? Mình đâm bở vía từ khi đọc cái tin “thảm khốc” kia. Thấy người “bị thế”, biết sau thế nào? − Vợ là cái nợ, thực câu nói của người xưa không sai tí nào. Nhưng đối phương − làng ghen, cái làng của những bà sư tử Hà Đông thì lại cho thế này: Thế mới đáng đời những đồ dê! Ai bảo có vợ rồi lại còn thèm những chuyện trăng gió vật vờ “mặn tình cát luỹ nhạt tình tao khang”? − Những hạng đàn ông như thế ví có đem băm vằm làm trăm nghìn mảnh, tôi cũng không thương xót. Thế rồi thì có bà lại dữ hơn, trợn tròn hai cái mắt lại như hai hòn bi ve liếc… tình chồng một cái… xoàng, nhưng chứa rất nhiều ý nghĩa đại khái như thế này: Đấy, cậu trông đấy! Đã biết đàn bà đến lúc mà nổi cơn ghen lên thì có thể làm những việc thế nào không? Cậu liệu lý lấy, nếu không thì… “tăng xương” cái đầu!... Bảo cho mà biết trước! Tôi lấy làm tức giận không hiểu hết cả đầu đuôi câu chuyện ấy ra thế nào. Thú thực, có nhiều lúc nghĩ lại câu chuyện cũ, tôi vẫn băn khoăn muốn biết cái nguyên nhân nó đã xui Bùi Thị K. định tâm làm một việc không gớm tay như thế. Ghen đến như Hoạn Thư, cứ kể đã là vào bực nhất rồi. Vậy mà Hoạn Thư chỉ có thể hạ đến kế bắt Kiều làm hoa nô gảy đàn làm cho chàng Thúc chết từng khúc ruột. Bùi thị K. nỡ tâm định hạ thủ chồng chắc hẳn có một việc gì bất ngờ xảy đến làm sôi nổi lòng ghen của mụ làm cho mụ mất trí khôn đây. Tôi đoán thế và tôi muốn biết. Thì mãi đến tận hôm nay một người bạn làm ở đồn mới cho tôi được thoả ý mong muốn từ lâu. Thực cũng là một sự tình cờ mà tôi biết được cái nguyên nhân chính của vụ “để gio nóng sau gáy và đặt dao lên cuống họng chồng” của mụ Bùi thị K. Thì ra mụ Bùi Thị K. hôm thi hành độc kế đó đã quá ghen tuông. Mụ bị một “cú-đờ-săng” dữ dội quá, lòng ghen của mụ vốn đã ghê bây giờ bị một “cú” rất đau, trong một lúc, rực lên và mụ không cần gì đời. “Ăn tiêu về nhiều, một hai cái chết không là mấy”. Mụ định giết chồng và có lẽ định chết theo chồng nữa, chỉ bởi vì hôm ấy là cuối tháng, chồng mụ lĩnh lương, đã có tội đi với “con đĩ” là đèo thêm một tội tầy đình nữa là đem cả món tiền lương bảy đồng rưỡi bạc tiêu với con đĩ trong khi vợ hau háu chờ đợi ở nhà để trang trải công nợ và mua gạo ăn bữa chiều! VI. À, mày chạy có phải không? Tùm! ta tự tử cho mày biết! Cái ông này thì khác hẳn. Ở Sài Gòn, ai cũng biết rằng ông là một người có tiền nhiều. Sự thực, trước đây mươi mười hai năm thì ông chỉ là một tay thư ký quèn ở trong một tư sở nọ, ông giật gấu vá vai mới có thể “sống được một cách chật vật”, rồi chẳng hiểu có bao giờ ông có ý tưởng tự tử chết rồi đời hay không chứ cứ riêng người ngoài nhìn cảnh nhà ông thì thực là chán hơn cơm nếp nát, ông chẳng tự tử thì rồi ông cũng chết vì buồn, nếu một ngày tối trời kia ông không gặp bà vợ tương lai của ông ở góc phố De la Somme. Bà vợ ấy, sự thực không có vốn, nhưng có tài buôn bán thạo. Vợ chồng lấy nhau chẳng mấy lúc phất to. Thế rồi lại gặp nay cơ hội tốt này mai cơ hội tốt khác, chẳng mấy năm ông bà đã bốc lên giầu có, chễm chệ lên làm ông chủ bà chủ một nhà buôn lớn lấy chữ tín làm đầu và cho chữ đức làm quý nhất. Bởi vậy, ta có thể nói rằng ông chủ hiệu của ta bị vợ ghen không phải vì tiêu mất tiền lương tháng, lấy bảy tám đồng rưỡi bạc để đi chơi với gái. Không, ông chủ hiệu nơi đây tiêu nhiều và có lẽ nhiều quá độ nữa với những ả làng chơi ấy, − tôi cứ đoán phỏng thế cho nó vui câu chuyện, − mà chưa bao giờ bị cứa cổ hết. Đó là bởi vì tại ông khôn, ông biết chiều ý bà vợ rất dữ dội của ông. Mà bảo sao ông không chiều cho được? Bao nhiêu cơ nghiệp tự tay bà gây nên cả, ông không phải chiều bà mà thôi nhưng lại còn sợ nữa, sợ vì bà là thống soái trong gia đình. Thống soái đây có nghĩa một người lớn nhất. Mà bà chủ hiệu của chúng ta lớn theo cả nghĩa đen, mà không những lớn mà thôi, bà lại còn béo, còn to, còn cao nữa, thế mới kinh người chớ. Tuy thế ông chủ hiệu của ta cũng kinh sợ từng lúc thôi: ông chỉ sợ khi nào bà có mặt, còn những khi bà không có mặt thì ông lại du lắm, coi trời bằng vung vậy. Nghĩa là ông dám coi cái nhà hát là cái nhà hát cô đầu, ông rủ bè bạn đi nghe và gõ như những người tự do nhất trần đời. Vậy, đêm ấy, không hiểu trong lúc bà đi đâu, ông chủ hiệu khả kính của chúng ta cùng vài người nữa hối tài xế đánh một cái xe rất choáng đến chơi xóm cô đầu Phú Nhuận. À quên, tôi quên không nói với các ngài rằng ông chủ hiệu của chúng ta là người Bắc vào làm ăn lâu năm ở Nam Kỳ. Cái hồn Bắc Kỳ lúc nào như cũng lưởng vưởng ở trong đầu óc ông, ông nhớ hết, nhất là cái giọng hát cô đầu thì lại càng gợi nhiều cảm tưởng nhớ nhung buồn bã cho ông lắm, thực chẳng khác ngày xưa quân lính của nước… nước gì tôi quên mất rồi… nghe thấy tiếng địch ở trên đỉnh núi của Trương Lương mà tự nhiên thấy động lòng cố quốc tha hương vậy. Hay! hay! Chị Cúc ca nghe một bài Tỳ bà hành nghe chơi nào. Trời lúc ấy đã khuya. Cuộc vui hồ tàn. Xem trong đi hát có phần lả lơi. Ông chủ hiệu buôn kia vừa cười cười nói nói đòi nghe bài Gửi thư rồi sang bản Tỳ bà: Lác đác rừng phong hạt móc sa, Ngàn lau hiu hắt khí thu mờ. Lưng trời nhạn liệng dòng sông thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa. Thì… thì… đương lúc cô đầu hát đương “lấy gân môi” để ngân chữ đùn, mây đùn thì, đùng một cái, cửa nhà hát mở toang, ba bà liễu yếu giá đem cho vào cân thì đổ đồng cũng được ngót bốn trăm già ba trăm cân, ở đâu đã vác cái mặt to hùm hụp đi vào, sáu cái tay khoành ở trên sáu cái háng, đứng án ngữ ngay lấy nhà hát, không để cho ai thoát được. Trời hỡi! cái gì mà lạ vậy! Cái giống đàn bà mà ta vẫn thấy tả ở trong truyện Thuỷ Hử mở quán ăn rồi bắt khách hàng mổ thịt để làm nhân “tài-páo”, “tỉm-sắm-páo”, có phải là ba người này đó không? Quan viên và cô đầu không ai bảo ai mà cùng một lúc thấy rợn cả tóc gáy lên. Thì ra ba bà kia, chưa thi hành một thứ gì cả đã làm chùn ngay gân đối phương rồi. Sao lại không gọi thêm rằng đó là một cuộc chiến tranh chớp nhoáng bởi vì sáu con mắt của ba bà cứ đảo lia đảo lịa lên và tiết ra một ánh sáng nhanh như chớp nhoáng những bữa mưa rào vậy? À, không xong mất rồi…Cái tư tưởng đó vòng một tua cái óc của ông chủ hiệu, ông chủ hiệu của ta biết ngay rằng một cuộc đổ bộ ghê gớm đã xảy ra. Ba bà kia, bạn của vợ mình, chỉ mới là những quân cảm tử nhảy dù đến trước để dọn đường đất và để làm bổn phận do thám của đội quân thứ năm chứ đội quân chính thì chưa đến. Ông chủ hiệu như Hạ Hầu Đôn ngày trước, đứng trước cảnh gay go ấy vỗ trán, vơ lấy đôi giày tây dận vội vào kêu lên rằng: Chân cha, cẳng mẹ, ta chớ nên bỏ phí! Tức thì ông “xỏ chân lên mang tai” chạy mất, nhưng không được; ba bà béo, vững như một dải Vạn lý trường thành đời nào lại để cho ông ra được? Một bà, uốn cái lưỡi đỏ ở trong miệng nói rằng: − Hổng xong mà! Hổng xong mà! anh phải đợi cho chúng tôi mầng công chuyện từ từ chớ, chỉ sắp tới đó mà. − Ba bà kia thì ra chỉ là những bà đi đánh ghen hộ mà thôi. Ghen hộ mà đã khiếp thế, các bạn đã có thể dự đoán rằng chính người bị thương tổn danh dự thực, người bị lừa dối thực thì nộ khí xung thiên đến bực nào. Thôi đã cướp sống chồng min đi rồi. Có vào lúc này, người ta mới thấy tất cả cái hay của Tiên Điền tiên sinh; người ta thấy người đàn bà ghen tuông không nói nhưng rít lên như một cái còi của trọng tài đá bóng. Bà chủ hiệu, hai cái răng nanh đi trước hai cái mắt đi trước, hai bàn tay đi trước còn có điến bộ đi sau rốt, vừa vào trông thấy chồng ở đấy đã gầm lên một tiếng như giời long đất chuyển. Mặt người nào cũng tái đi, cô đầu chết giun chết dế, không một người nào dám ho, người ta có cảm tưởng đứng trước một cảnh hoạt tượng trong các tấn tuồng cải lương Nam Kỳ. Thế nhưng dù sao cảnh hoạt tượng cũng phải kết liễu để diễn tấn tuồng chính mà mọi người mong đợi. Bà chủ hiệu không giáo đầu hay nói lối. Bà làm ngay một bài “Khổng Minh toạ lầu” Bớ đứa thất phu, vào làm chi đây? Bớ đứa thất phu, vào làm chi đây? Trời hỡi trời, hổng xé hổng xong. Trời hỡi trời, hổng giết hổng xong Với lại cái đồ đỉ chó Biết tay ta phen này…, thế rồi từ Khổng Minh chỉ chớp mắt bà đã sang bài “Tạ” và “Bắc mang tấn cống” nghĩa là bà giở tấn ra tấn hết, bạ ai cũng tấn, mà những cái tấn đều nặng như tạ cả. Cái trận Đức đánh Hi Lạp vừa rồi chẳng biết dữ đến thế nào chứ cứ riêng ý tôi tưởng thì dữ như vụ bốn bà béo quay lại đánh ông chủ hiệu và cô đầu này là cùng vậy. Không thể nói vào đâu được! Ai cũng tưởng rằng rồi đây cả bọn cô đầu và quan viên sẽ bị thua một mảnh giáp không còn, ở trong nhà hát sẽ không còn một người nào, cũng như ở trên lục địa sẽ không còn một tên đàn anh nào. Chẳng ngờ phía địch họ cũng ghê gớm lắm: cô đầu trèo trốn được gần hết, chỉ duy có ông chủ hiệu là thúc thủ bí tắc mà thôi. Ông tính ngay đến chuyện “xuống tàu” như quân Anh để trốn nhưng không được. Bốn mụ đàn bà quày lại như một cái thiên la địa vọng. Biết rằng ở cũng chết, nhưng cái chết chạy thì còn có vẻ hùng hơn, ông đành nghiến môi nhắm mắt đánh lối “cánh quạt… nan”, liều sống liều chết thúc vòng vây lấy một đường để trốn: ông ẩy ngã vợ ông ra mặt đất đánh “sầm” một cái như trời rung đất chuyển, thế rồi liền sống liều chết chạy đi. Cái xe ô-tô của ông đã đợi sẵn đấy rồi, ông hối tài xế nhanh tay mở máy “Chạy, chạy mau, mầy… không có ông nội chết thì mầy sẽ chết trước ông nội mầy đa!” Và cái xe mở máy kêu sình sịch. Bốn bánh bắt đầu quay. Bà vợ vừa bị ngã đánh sầm trên mặt đất chẳng lẽ lại chịu thua đứa thất phu, nhảy ba bước ra chỗ cái xe hơi mở máy giữ ngay lấy xe lại và, y như một nhân viên ban xiếc nào đó, bà nghiến răng nghiến lợi lấy gân bám chặt lấy cái ô-tô khốn nạn nhất định không cho chạy. Trên xe, ông chồng cứ ra hiệu bảo tài xế cứ cho xe chạy bừa đi. − Ối trời! ối cha ôi, ối mẹ ôi, thằng Tín kia mày đành tâm hại ta cho ta chết đó sao. Nếu mà mày muốn thế, mày cứ cho xe hơi chạy ta sẽ chết phứt cho mày coi đa, xuống âm cung ta sẽ kiện mày cho mày chết mày khổ mấy đời, mầy đi, nghe! − Ối! nói lếu mà! cái lối đàn bà hư vẫn thế, nó doạ ta thử xem ta có nhát gan đó mà thôi, ai còn lạ mà để ý cho mất thì giờ vô ích. Cũng như trăm nghìn những người trẻ tuổi chơi bời khác, ông chưa hiểu cho những lời của mụ vợ chỉ là lời đi doạ hão, cứ thúc tài xế vặn bừa đi. Một người đàn bà không giữ xe lại được, hai người đàn bà không giữ xe lại được; thế rồi tất cả bốn người đều không giữ xe lại được, đành bỏ đấy cho: Một xe trong cõi hồng trần thẳng dong. Tuy vậy, ông chủ hiệu của chúng ta cũng không hẳn là một người nhẫn tâm. Xe chạy được một quãng rồi, ông cũng đoái tình quay lại nhìn xem sự tình ra thế nào thì trời ơi, trong đám bụi hồng, con sư tử cái của ông nhất định không chịu kém cứ ra sức đuổi cái xe tám ngựa. Sư tử đuổi ngựa, hà, cái trò chơi ngoạn mục đa. Dáng chừng con sư tử ấy là con sư tử ốm nên mỗi lúc sức nó yếu dần đi, nó không chạy được nữa, nó nhe nanh giơ vuốt gầm lên vang cả phố: − À, mày nhất định chạy có phải không? Ta quyết chết cho rồi đời, mi sẽ ân hận mãi, đồ bạc bẽo! − Đến đây, bắt đầu đến đoạn bi đát nhất của tấn kịch ghen này. Cái mà người ta tưởng là lời đe doạ, bà sư tử cái của chúng ta đem thực hành ngay tại trời. Tòm! một người gieo mình từ trên bờ nhảy xuống dòng sông. Cái xe ô tô quành lại. Ông chủ hiệu thuê người vớt xác. Bà sư tử không chết. Người chết hôm đó, vâng, thưa các ngài đoán đúng, không phải là bà, nhưng chính là ông chồng khốn nạn của chúng ta, chết điêu chết đứng, chết khổ chết sở, chết đi sống lại ở dưới móng con ác thú khi tức giận, khi đã ghen tuông đến cực điểm. Thôi, cứ nhắc đến mà rùng mình, còn can đảm đâu mà ngồi tả được cái cảnh sát nhân vô đao kiếm đó. V. Người phu hồ trên cột đèn hay là: Ối bác! Ối bác! Trong bốn kỳ vừa qua, các bạn đã thấy lòng ghen tuông của đàn bà nó làm cho họ dữ dội như thế nào rồi. Nhưng các bạn tất chưa biết rằng cái lòng ghen tuông ghê gớm ấy lại làm cho họ trở nên những tài tử làm… xiếc rất cừ; thiết tưởng đàn ông ta, những người có võ tàu võ tây lơ mơ cũng chưa chắc đã làm nổi, hay nói là chưa chắc dám làm nổi thì đúng hơn. Xem vậy, cái tính ghen tuông cũng lắm khi tốt lắm, nhất là trong nhiều vụ ghen tuông người ta lại còn thấy rằng người đàn bà không cần làm dáng, không cần dùng những cái phù phiếm là những cái mà đàn ông ta rất ghét. Chắc bạn đàn ông chúng ta sẽ đứng cả về phía tôi mà nhận rằng cái tính làm dáng của đàn bà làm cho ta tốn tiền mà khó chịu vô cùng vậy. Những nhà vẽ tranh ảnh và viết truyện hoạt kê trào phúng không biết đã viết bao nhiêu chuyện về vấn đề này: nhiều khi ta muốn rủ họ đi chơi mà đợi họ đánh xong cái mặt phấn, bôi môi, kẻ lông mày và soi gương, ta cũng mất bao nhiêu thời giờ rồi, người kiên nhẫn đến đâu cũng phải tức giận mà kêu trời la đất. Bây giờ, ta ví dụ giữa lúc họ đang trang điểm như thế, ta làm cái bộ mặt rất hoảng hốt vào “khấp cáo” rằng: “Thưa bà, chồng bà vừa chết trong một cái nạn ô tô!” Họ có lẽ cứ trang điểm cho xong đã rồi muốn ra thế nào thì ra. Chớ nếu ta vào, lác mắt, ta nói với một vẻ quan trọng: “Bà đừng sợ, bà ơi! Tôi vừa gặp ông nhà ta đi hát.” Thì ta sẽ ngạc nhiên mà thấy rằng “bà ta” sẽ “mo phú” cả điểm trang, “xà-lù” hết son phấn cứ thế mà chạy như một người ma bắt để đi… bắt chồng. Ấy, chính bà Phán T… ở H.K. đã sống trong một cảnh y như thế. Những người đi đường thấy bà chạy ra đường, nhẩy lên xe không mà cả đã tưởng rằng bà vừa nhận được tin cướp vào xẻo mũi con mình hay vừa biết rằng đức ông chồng lên bệnh động kinh ở sở. Người cùng phố lắng nghe tin tức. Hơn một tuần sau, một cảnh tượng như thế lại xảy ra nhưng cũng chẳng may hơn lần đầu, ông chồng bà lại đi hát xóm khác, bà đến Vạn Thái dò gần đến sáng mà cũng không bắt được quả tang “anh già”. Trái lại, bà lại gặp được bao nhiêu lời chế riễu, bao nhiêu tiếng cười khinh bạc của bọn cô đầu là khác. Gậm một mối căm hờn, bà Phán T. nhất quyết phải bắt cho được chồng một đêm nào đó ở giữa làng sênh phách đàn ca. Bà bèn thuê nặc nô đi làm “đội quân thứ năm” và cũng đã chịu bỏ tiền ra lắm nhưng trong nửa tháng trời, vẫn không có “tin tức” gì lạ cả, bà phát ốm và đành phải nằm nhà uống thuốc bổ của ông lang Bầu Hàng Guốc. Thấy vợ ốm phải nằm như thế, ông Phán T. của chúng ta đã mở cờ trong bụng, thôi thì đêm nay phải đi họp hội đồng lại đêm mai phải đi làm đêm “bởi vì độ này nhà nước bận việc luôn”. Ông “hả” lắm và ông làm ra dáng vội lắm, cứ bảy tám giờ tối thì hớt hơ hớt hoảng thắt cái ca-vát “hộp” đi ra chỗ chờ xe điện, ở đó đã có “chư hiền” ngồi đợi để cùng đưa nhau đến sở Khâm Thiên hay Vạn Thái làm đêm thực, làm một chầu “rất bớp”! Một chầu yên ổn, ba bốn chầu yên ổn. Ông Phán T. của chúng ta đã tưởng rằng cứ yên ổn như thế mà đi làm đêm mãi, − hay ít ra cũng được như vậy cho đến khi bà khỏi bệnh, − thì một đêm kia một câu chuyện như sét đánh xảy ra. Người quân tử của chúng ta ông Phán T. không phòng thân đã bị một sự lầm lỗi lớn. Thì ra cái bệnh của bà phán chỉ là một thứ bệnh tưởng mà thôi, một kế để lừa chồng cũng như ngày xưa Khổng Minh bỏ thành lừa Tư Mã Ý. Tư Mã Ý thấy có một tên quân quét rác ở trên mặt thành, sợ quá, quay ngựa chạy. Vợ ông Phán T. thì để cho chồng mắc mưu rồi một đêm kia bà chạy theo sau ông dò và một khi đã biết đích rằng chư hiền họp nhau ở nhà chờ xe điện Bờ Hồ rồi, các ngài có biết bà làm gì không? Chắc không ai tưởng tượng được. Bà vào ngay ngõ Gia Ngư trút phăng bộ quần áo lụa ra bọc vào một bọc và đem gửi một nhà quen gần đấy. − Ồ! bịa! thế thì bà Phán của chúng ta lúc đó lấy cái gì để che… thân? Cái đó ta cũng nên nói rõ kẻo không có nhiều ngài lại nghi, mà sự nghi ngờ, ai mà chẳng biết, nó làm hại đầu óc ta nhiều lúc lại dữ hơn sự thực. Vâng, quả thế, bà Phán có cái để che thân thực. Nhưng không phải bộ cánh tân thời như mọi ngày đâu; bà đã mặc sẵn ở trong người một bộ áo vải nâu bẩn, và thắt lưng tím; bà không phải là một bà phán nữa nhưng là một chị phu hồ, mà bà lại không quên làm cho có vẻ “đầu bù tóc rối” để cho giống cái vai tuồng mình muốn đóng. Này, bây giờ tôi đố các ngài dám tiến lại trước mặt bà mà hỏi bà có phải là vợ ông phán T. không? Bà sẽ trợn mắt, vứt ngài ra chỗ khác mà làm ra dáng chưa từng nghe thấy nói đến ông phán T. bao giờ. Bà cứ việc cắm cúi đi theo bọn ông T. nhưng bà có ý đi xa và thỉnh thoảng lại lẩn vào trong đám tối: họ đi xe thì bà đi xe, họ đi bộ thì bà đi bộ, cứ như thế cho đến đầu ngã tư. Một buổi tối kia bà đi theo rõi ông phán đến ngã tư thì mất hút. Bà giận không biết để đâu cho hết, bà bèn hỏi thăm đủ hết cả các nhà cô đầu xem nhà nào có hát và bà có ý đi sang bên kia đường để nhìn lên trên gác. Còn ai để ý đến một chị phu hồ nữa? Bà rất tự do làm cái sứ mệnh của bà. Bà đi như thế đã bao nhiêu lần ở hai dãy Khâm Thiên? Có lẽ bà cũng không biết nữa. Nhưng hoàng thiên không bao giờ phụ kiên tâm nhân; sau rốt bà cũng tìm được nhà mà bà chắc như cua gạch là chồng bà hát ở trên gác với những người bạn “giời đánh”, những người bạn “rủ rê chồng bà đi chơi bời hát xướng để giết chồng bà” vậy. Tức thì, thu can đảm vào hai tay nắm lại và hà hơi vào hai cái nắm tay ấy như những người có võ tàu sắp đi một bài quyền, ôi các bà liễu yếu đào tơ ôi! ôi đức mẹ của tôi ơi, bà đi gần lại cái cột đèn và dẻo như kẹo kéo… “kẹo kéo ê!” bà trèo thoăn thoắt lên cột đèn. Bà điên? Bà ghen đến nỗi phát điên lên? Hay bà định tâm tự tử, trèo lên cột đèn để nắm lấy giây điện cho điện giật chết phứt đi cho rồi đời? Không, không, không. Bà phán T. đời nào lại chịu thế. Bà đánh một cái đòn ghen mốt mới đấy, bà tấn công theo một cái chiến thuật mới mà ta chỉ thấy ở trong cuộc Âu chiến mới. Bây giờ, tôi xin phép ví von một chút chơi. Cái nhà hát mà bà phán T. “xét rằng” chồng bà hát ở đấy, “thực có” như một cái hải đảo như Anh quốc vậy. Mà bà phán T. là một nước muốn cất quân xâm lấn. Nếu đánh bằng tàu ngầm, tàu chiến hay là đóng bè vào xâm lấn một cách đường hoàng thì khó mà vào lọt được, bởi vì ở cửa, quân lính của hải đảo đã phòng thủ chắc chắn rồi. Chưa tới, họ đã bắn ra liền, chết người hại của vô ích mà công việc tấn công kết cục một cách đau đớn, hại đến thanh danh người đổ bộ là khác nữa. Vì vậy, phải nghĩ một cách khác mà cách khác đó còn gì hay hơn là làm cái lối bất thình lình nhảy dù xuống như cái lối một vạn hai nghìn quân Đức nhảy xuống đảo Crète vài hôm nay? Cái việc leo cột đèn của bà phán T. chính là rập theo cái kiểu quân nhảy dù Đức vậy. Bà không tiến vào cửa chính nhưng theo “đường trời” mà đổ bộ xuống tự trên cao, bà leo cột đèn và, may cái nhà hát vừa nói trên kia lại ở sát ngay cột đèn ấy, bà bèn chuyền cột đèn và leo sang ban công nhà bên cạnh rồi từ ban công nhà bên cạnh, bà bèn xông sang ban công chính nhà chồng bà hát. Bà nằm phủ phục xuống ở cửa gác trông ra đường chờ một cơ hội thuận tiện, “bắt được tay ray được trán” thì xông vào và giết cho chết quân bạc tình kia đi. Chúng ta, chúng ta từ thuở giời cho nhớn khôn lên đến nay, chúng ta thể nào chẳng ít ra cũng vào nhà hát cô đầu một lần rồi. Duy có các bà thì chắc chưa được biết lắm vậy, thiết tưởng kẻ này cũng nên nói một câu về cách tổ chức và cách bày biện ở những nhà hát, − riêng về một số đông nhà hát ở Khâm Thiên, trên gác, ra thế nào. Có thể nói rằng trong 100 nhà thì 90 nhà, gác giống nhau. Vừa ở thang lên, một cái tủ chè; sát tủ chè là một cái sập hay một bộ giường ghế ngựa. Trên ghế ngựa, một bộ bàn đèn để ta “hấp sổ điểu”; đoạn, đến một cái bàn; bên cạnh cái bàn là một cái phản làm chỗ cho người cô đầu ngồi hát; thế rồi thì đến cái cửa trông ra ban công nhìn xuống đường. Nói cho đúng mà không sợ ông Phán T. cải chính thì lạy trời lạy Phật ông phán đêm ấy quả có hát ở gác nhà ấy thực. Nhưng trong lúc bà phán bò xuống đất ban công ngồi rình ở sau cái màn thì ông phán của chúng ta lại không có mặt ở chỗ khay đèn mà cũng chẳng ở chỗ bàn uống nước. − Hay là ông đương nghe hát? Không, ông đương ở cái phòng cạnh gian đó và đương nói chuyện với nhân tình “kết lắm”. Ở gian ngoài, bà phán chỉ thấy có ba người: Ông B. vô tuyến điện, ông X. Pốt và ông K. Lồi, toàn những mặt quen thuộc vẫn nhập bọn với ông chồng bà ta. Bà Phán T. nghĩ: “Ủa, bọn đầu trâu mặt ngựa đủ mặt ở đây rồi mà cơn cớ làm sao thằng “khí gió” lại không thấy bóng vía nó ở đâu nhỉ. Thôi, có lẽ nó còn bận xuống dưới nhà hay là chạy nhặng lên đâu đó chứ gì. Ta chịu khó chờ. Chờ thì cái gì mà chẳng đến?” − Bà phán phủ phục mỏi, bây giờ ngồi xổm lên. Bà nghé bên này, bà nghé bên kia. Chiếu hát đương vui, mọi người rượu vào đều thở ra khói thét ra lửa cả, hai nữa, cô đầu thì bị quan viên dằn vặt kéo co, nào ai lại để ý rằng cách đó ba bước ở sau tấm màn nọ lại có một người ngồi xổm? Mười lăm phút qua đi. Không ai biết cả. Nhưng đến phút thứ mười sáu thì cái ngao thuốc phiện hết. Và tai hoạ đã xảy ra. Ông B. vô tuyến điện hút đã say nằm lim dim con mắt đi mây về gió. Ông nhìn cái tiêm, ông nhìn cái tẩu, ông nhìn cái gian phòng, nhìn hết rồi mắt ông nhìn cái màn đăng-ten đẹp quá! Bỗng nhiên, đôi con mắt ông vốn đã nhỏ, − gặp lúc say thuốc lại chỉ còn bé như hai sợi chỉ, − bỗng nhiên đôi con mắt ấy mở trừng trừng ra. Đồng thời, mồm ông há, chân tay ông co rúm lại. Rất khẽ, ông kéo một chân vào, rồi hai chân vào, ông ngồi dậy. Chân không, ông bước xuống sàn gạch và kêu “ái chà!” lên một tiếng khẽ. Mọi người: “Cái gì? Cái gì thế hở B.?” Thì ông B không trả lời gì cả, cứ nhẹ chân bước trên sàn gạch như thể một tên ăn trộm đêm khuya đi rón rén vào nhà người lương thiện. Trong khi ấy ở phía ngoài, bà phán T. bị cơn ghen làm váng óc rức đầu không nhìn thấy gì cả, ra công mà nghĩ cách túm cho được chồng phen này, không để cho hắn thoát. Một người hỏi B.: Cái gì thú thế hở? Bảo cho nhau biết với!” Vẫn không nói gì, B. lấy tay xua, sau mãi vì có người ra cản trở, B. phải nói nhưng nói rất khẽ để cho mọi người đừng ngăn. − “Im! Im! Không có thì hỏng! Ở đâu mà lại có cảnh hay thế nhỉ. Ối giời! trông cái đùi! Ối giời! trông hai cái bàn chân nọ! Thú chửa! Mày khe khẽ để tao… sơi! chắc là con sen nhà bên cạnh! Trông còn “hay” hơn cô đầu”. − Vừa nói vừa gạt tay bạn hữu ra, B. rón rén đi vào chỗ khuất, từ từ tiến lại phía cái màn, nhịn thở. Kiểm duyệt bỏ 12 dòng Đồng thời, cái màn đăng-ten hất lên trời, hai mặt đối nhau, người ngoài cuộc nghe thấy tiếng đàn ông kêu: “Ối bác!” − Bà phán T. ngay lúc ấy cũng kêu: “Ối bác!” − Họ vừa nhận ra nhau: người đàn bà nhận ra là bạn chồng bà, còn ông B. thì nhận ra rằng cái cô áo vải là vợ bạn đương rình chồng. Chứ không phải con sen nhà bên cạnh mà cũng chẳng phải là một chị phu hồ nào hết. VI. Sanh không thủng, cá đi đằng nào? Hay là: Một trận thuỷ chiến gớm ghê nhất trong lịch sử… ghen tuông thế giới Những truyện mấy kỳ trên đã là thực một trăm phần trăm cả. Có lẽ vì thấy thế chưa lấy gì làm thú lắm, ông Nguyễn Huy Tân ở Đôn Thư (Hà Đông) lại vừa cho chúng tôi tài liệu một chuyện ghen mà ông quả quyết là thực một trăm mốt phần trăm. Ấy là một chuyện xảy ra cách đây không lâu lắm, vì vậy ông hãy còn nhớ được nguyên vẹn suốt từ đầu đến cuối. Câu chuyện xảy ra ở đâu? − Ở Hà Đông. − Vâng ở Hà Đông đến tận bây giờ người ta vẫn còn bàn tán nhiều về chuyện hai vợ chồng nhà ấy. Một số đông các bà lấy đó làm một câu chuyện làm quà; bạ đâu cũng nói, bất cứ chỗ nào cũng nói; có nhiều bà lại còn đắc chí là khác, thường kể “đổng” lên để cho đàn ông nghe thấy mà “giới mình” cũng như những nhà đạo đức ngày xưa thường lấy chuyện thú vật làm ngụ ngôn để răn dạy một cách cao xa, bóng bẩy những người lầm lỗi. Thành thử vợ chồng nhà ấy bây giờ là một cái đích để cho người ta nhìn; ai có việc mỗi khi phải đi qua phố R.X.T. mà biết câu chuyện này cũng phải đưa mắt nhìn vào cái nhà gạch một từng ở đầu phố, với một con mắt tinh ranh, và một nụ cười trên môi. Ông chồng, theo lời nhiều người nói lại, thì thuở còn thanh niên cường tráng đã có hai ba đời vợ. Những bà vợ ấy hiện nay đều chết cả. Bà vợ đương ở với ông bây giờ là bà thứ ba. Không biết rõ ông tuổi gì, nhưng cái điều mà ai ai cũng biết cả là số ông sát vợ hay gọi là cao số thì cũng thế. Tưởng rằng cao số như vậy, ông Cửu Y − bởi vì ông chồng của chúng ta có cửu phẩm − ông Cửu sẽ dạn dày với đàn bà cũng như những trẻ con cho ra ngoài trời mãi thì chẳng mấy lúc sẽ dạn dày sương gió. Chẳng ngờ không. Ông Cửu Y cũng như tôi chẳng hạn, chẳng dạn dày hơn tên “lính mới tò te”; ông sợ bà lắm; ông đã nhiều phen định sửa bà một trận nhưng vì thấy bà từ 18 đến 40 không sinh nở lần nào, sức lực còn nguyên vẹn nên lại không dám, đành đánh bài đấu dịu. Thấy chồng ngoan ngoãn và biết điều như thế, bà Cửu Ba cũng muốn tỏ lượng khoan hồng, bà cũng làm như Hoạn Thư ngày trước:Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không gươm. Thấy mình “mình cao số cả” không sinh nở gì cả, bà không đợi chồng lên tiếng, một hôm kia, mua ngay cho chồng một cô nàng hầu trẻ và đẹp, trông như củ lạc một mà hồng hào, mà tươi tỉnh, mà ăn nói có duyên đáo để. Những ông bạn của ông Cửu Y cùng họ hàng quyến thuộc thấy “cái món dễ chịu” ấy đồng thời cùng thấy rỏ nước dãi ra: − Cái anh ấy thì ra tốt số! − Con bé càng trông càng có duyên. Mình mà được một “cái hai” như thế thì phải biết! − Chẳng bù với nhà tôi! Chưa nói đến chuyện vợ lẽ nó đã làm cho đủ tình đủ tội. − Đó, những người thực thà trông thấy gia đình Cửu Y như thế chưa chi đã nắc nỏm khen thầm và than thân trách phận. Họ có biết đâu rằng “cái tư” của ông Cửu Y chỉ là một miếng mỡ treo cao; ông Cửu Y, nếu có thể ví là mèo được, thì con mèo ấy chỉ được phép nhìn mà rỏ dãi chứ không được mó tới hay đặt mõm vào để xơi. Nhưng dù sao, mỡ để miệng mèo, thể nào mèo cũng phải tìm cách ăn cho kỳ được, − không ăn được chính thức thì cũng ăn vụng trộm, − và những cuộc ăn vụng ấy đã có kết quả là: “cái tư” của ông Cửu đã có trong ba năm trời hai đứa con trai. Bà Cửu ba tha hồ mà đi lễ, tha hồ mà nguyền rủa “ông cầm cờ đỏ, ông cầm cờ xanh, hỏi cho tới ngõ, hỏi rõ tới tên “cái tư” mà bắt cả con cả mẹ nó đi”. Nhưng kết cục, mẹ con nó vẫn không việc gì, trái lại, mỗi ngày thêm đẹp và thêm béo tốt. Sợ rằng để nó ở mãi cùng nhà thì nó tranh mất cả cái béo tốt, đẹp đẽ của mình đi và sợ cái tư nó tranh mất cả nhiều cái khác không tiện nó, bà Cửu bèn không cho nó ở chung nhà nữa, nhất quyết bắt nó phải sang ở một cái nhà khác gần đấy, mà cố nhiên là tối tối, đêm đêm không cho nó được sang nhà chính, nhất là ông Cửu thì lại càng không được phép sang nhà nó. Làm cho nhìn chẳng được nhau, Làm cho đau đớn, cất đầu chẳng lên. − Bà lại thực hành ngay câu Kiều, lo rằng làm thế vẫn chưa được chắc chắn, bà lại còn tìm hết các cách để “phòng thủ thụ động” nữa. Không, bà không thuê người đào hầm hố để đêm đêm nhét ông Cửu xuống đó đâu, bà cũng chẳng đặt súng cao xạ để bắn “thằng ngô con đĩ”. Đố các ngài biết bà tổ chức cuộc phòng thủ thụ động cách nào? Không, các ngài không đoán được: phòng thủ thụ động là bà phòng thủ cái phòng ngủ của bà; bà nghĩ các cách để đêm đêm ông Cửu có động tĩnh gì thì biết ngay, bởi vì bà chỉ sợ đêm ngủ quên mất, ông động cỡn, lần dậy đi sang nhà cái tư thì... khốn. Này, bà làm thế này thì có khiếp không? Ở chân giường ngủ của ông bà, cứ tối đến thì bà lấy vôi bột rắc ở trên mặt đất. Ở tỉnh nhỏ nhiều nhà trong thành phố không lát gạch, đất nện, rắc vôi bột như vậy mà ai dẫm lên thì tất nhiên vết chân phải in ngay xuống đấy, rõ mồn một, có tài thánh cũng không thể nào “cải chính” vào đâu được. Bà lấy thế làm mừng lắm, và ăn ngon ngủ yên được một dạo, chẳng ngờ một đêm kia… Một đêm kia, bà Cửu đương ngon giấc điệp một cách nên thơ nghĩa là đương ngáy om lên như sấm thì có tiếng động ở dưới nhà. Trộm chăng? Cướp chăng? Hay là thằng già đã trốn đi sang nhà con đĩ mất rồi, trời ôi! Lạnh toát cả người đi, bà Cửu vùng ngay dậy và công việc trước tiên của bà là sờ xem có còn chồng ở bên cạnh hay không. May quá, hãy còn. Nhưng lạ, sao ông Cửu lại cứng như một cái thây ma vậy? Chao ôi, khổ chưa! hay là trong khi ngủ, một ngọn gió độc đã làm ông chết toi rồi? Hay là ông tức bực vì vợ giữ gìn thái quá nên đã uống thuốc độc mà tự tử? Bà Cửu hoảng hốt như một người mất của báu (mà mất của báu đứt đi rồi, còn phải ví von gì nữa?) ngồi phắt dậy và khêu to ngọn đèn dầu lên xem sự thể ra sao thì, ôi ba mươi sáu cái nõn nường và ôi bí mật! ôi bí mật! Ở cạnh bà lúc ấy bà không thấy cái gì là ông Cửu, bà chỉ thấy một ôm chiếu cuốn lại đặt lên trên một cái gối như người thực nằm đắp chăn ngủ vậy. Thôi rồi! Thôi rồi! Mắc mưu lão già nọ mất rồi, bà Cửu ghê gớm của tôi ôi! Lưu Kim Đính ngày xưa đã kết người rơm lại đặt ở rường thờ, giả làm người thực, niệm phép và bắn tên vào người rơm đó kỳ con người thực bao giờ chết mới thôi. Ông Cửu chúng ta học được lối bày binh bố trận hay ho ấy cũng đã cuốn chiếu lại thay thế mình ngủ với bà. Còn chính ông Cửu thực, ông Cửu bằng xương bằng thịt thì lẩn trốn, mà còn lẩn trốn đâu nữa, nếu không lẩn trốn sang nhà “cái tư”? Bà Cửu thấy hết cái tình cảnh nguy ngập và đau đớn của mình lúc đó, cất tiếng, − không, các ngài đoán là bà cất tiếng chửi rủa chứ gì? − không, bà cất tiếng khóc ầm ĩ, khóc nức nở, nước mắt bà chảy ra như ba cái máy nước chảy một lúc, không có cái “phanh” nào hãm kịp. Khóc như thế luôn trong nửa tiếng đồng hồ, bà Cửu xét rằng cũng tàm tạm “đủ dùng” rồi, bà liền lôi cổ tất cả người nhà dậy, châm đèn soi khắp nhà, từ gầm giường cho lên đến hương án, từ nhà bò cho lên đến thượng lương, từ chuồng vịt cho lên đến nhà chứa thóc. Tuyệt nhiên vẫn không thấy bóng Cửu ông đâu. Bảo là ông trốn sang nhà cái tư thì sao cửa ngõ vẫn đóng nguyên vẹn mà lại khoá cẩn thận nữa và những chìa khoá ấy vẫn lủng lẳng ở giây lưng bà? “Sanh không thủng, cá đi đằng nào?” Lạ thực! Lạ thực! Bà Cửu, nói thế này thì hơi “lố” một chút thực có như cô Kiều lúc bán mình: Cạn lời, phách tán hồn bay, Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng. Hỏi: “Sao ra sự lạ lùng?” “Bà” càng nức nở nói không ra lời. Một người nào vô tình bước vào nhà lúc ấy thấy bà trợn mắt sùi bọt mép, giá cả người đi như thế, chắc sẽ cho rằng bà lên chứng động kinh hay là ít ra cũng tưởng bà hoá dại. Nào có ai biết đâu rằng bao nhiêu sức khoẻ, máu nóng và chí quả quyết tiềm tàng trong người bà lúc ấy đương tụ lại cả ở hai tay, nếu lúc ấy ông Cửu dẫn về thì chắc chắn hai cái tay ấy sẽ bóp cổ ông Cửu lè lưỡi kỳ cho đến chết. Bà hú ba hồn bảy vía ông ở đâu thì nóng lòng sốt ruột mà về, bà cầu trời khấn phật “kéo cẳng lôi chân” ông lại, thì này ồ lạ! lời khấn khứa ấy, chỉ nửa giờ sau, có công hiệu tức thì: bà vừa vặn nhỏ ngọn đèn xuống thì có tiếng chạm ở bên ngoài. Bà “phóng” hai con mắt “hổ cái” ra nhìn thì ở bên ngoài cửa sổ, một cái bóng đen hiện ra như một cơn ác mộng. Bà nhịn thở ngồi định thần nhìn mãi thì đích quả không còn sai nữa: cái tên trèo tường khốn nạn đó là chồng bà vậy. Bao nhiêu sự tức bực chất chứa ở trong mề gan lòng phổi bà, bao nhiêu sự oán hờn, bao nhiêu sự khổ sở “bị hãm” bị “bí tắc” lúc này tự nhiên được “phì ra” một cách “can đảm”, “tự do” và “hỗn xược”. Bà hét lên một tiếng: Thằng đểu! Và cái tiếng “thằng đểu” ấy làm rung cả nhà cả cửa lên. Cố nhiên là ông Cửu − vì người trèo cửa sổ chính là ông Cửu thực, − run lên bần bật. Ông run rẩy và ông buột tay ra, ông ngã ngửa ra không khí và đúng như trẻ con trồng cây chuối ngược, cái đầu đi trước, hai chân đi sau, ông rơi đánh bõm vào trong một cái bể nước lớn ở ngay bên cửa sổ. − Ai? ai? Ai ngã đấy? − Cả nhà nhao nhao lên hỏi! Đến đây, tôi xin ngứt lại một lát mà báo cho các bạn một tin buồn: câu chuyện này xảy ra không phải mới đây đâu, nhưng đã khá lâu vậy. Thế nghĩa là không phải về mùa nực nhưng lại về mùa rét. Mà cái đêm hôm ấy hình như lại là đêm đông chí nữa mới chết con nhà người ta chớ! Giá ở vào mùa hè này thì cái việc ngã vào trong bể nước cũng chẳng làm sao, ta có thể cho nói là một cuộc tắm bể xa xỉ vậy, nhưng chết một nỗi đêm ấy lại rét quá, rét ngọt, thành ông Cửu đã giá lại giá thêm lên nhiều nữa. Ông tưởng có thể chết ngay đi được. Trong khi ấy, bà Cửu chắc chắn tin vào cái thế của mình rồi, bà lẳng lặng hãy mở một cuộc điều tra xem ông Cửu thoát đi bằng cách nào đã. Bà lại phía cửa sổ soi đèn nhìn cẩn thận chỗ chấn song ấy. Chấn song thoạt trông đều nguyên vẹn cả, nhưng đến khi rờ tay vào, bà mới biết rằng một cái đã bị đưa và được chắp lại một cách khôn khéo lắm, ai không tinh mắt không tài nào biết được. Ông Cửu lúc nào muốn đi chỉ việc lò rò lại chỗ cái chấn song ấy khẽ nhấc lên một chút, chỗ cưa đó rời ra và không muốn để cho ai trông thấy lại lắp lại, thế là xong chuyện. Bà Cửu lẩm bẩm: “À ra thế! À ra thế!” − Và nghiến răng, quắc mắt lên, bà nhảy ba bước lại gần cái bể chỉ tay xuống nước, như nguyền rủa vua Long Vương vậy. Bà nguyền rủa không tiếc lời trong khi ông Cửu cứ bì bà bì bõm, thỉnh thoảng ngoi được lên mặt nước ông lại kêu lên mấy tiếng thê thảm như con lợn ở trong lò sát sinh. Bà Cửu không cảm động. Bà vẫn không thôi nguyền rủa ông. Thế rồi bỗng nhiên ngoắt hẳn người đi một cái, bà Cửu chạy vào nhà, bà vác một cánh cửa rất to ra, để… Để làm gì? Bí mật! Lúc ấy trời hưng hửng sáng. Gia nhân hàng xóm kéo nhau ngó vào trong bể nước để xem. Người này can, người kia dỗ, ai ai cũng đoán chắc bà Cửu của chúng ta sau trận máu hoàng bào mang cánh cửa ra để cho ông chồng bíu đó mà lên. − Thôi chừa nhé! Từ giờ trở đi đừng có làm bà giận! − Một người lại khuyên thêm: − Bị trận này như thế, tối nay, ông phải đánh quả trứng thu vía lại và cố tẩm bổ vào cho lại người! Người ta chờ… chờ một cử chỉ rất “nhân đạo” của bà thì, ôi, chưng hửng! người nào người nấy đều tẽn bởi vì đã đoán lầm hết thảy. Bà Cửu lấy cánh cửa không phải để cho ông víu lấy mà lên đâu, nhưng để… nhưng để bắc ngang từ thành bể này sang thành bể kia để ngồi nhìn ông bì bõm dưới nước, một đêm trời lạnh như cắt da cắt thịt. Và bà Cửu không quên lấy một cái đòn gánh khuấy nước ầm cả lên. Các ngài đã bao giờ thấy một con chuột rơi xuống nước chưa? Ông Cửu của chúng ta y như thế. Áo bông, quần trắng, giầy Gia Định mà bì bõm ở dưới nước đã trào lộng lắm rồi, thế mà ông lại còn có râu nữa, mà lại râu quặp nữa, thêm vào một cái miệng răng đen không ngớt lời lạy lục, tiếng kêu than: một cảnh tượng như thế thực là thế giới hi hữu, một tấn bi hài kịch có tinh thần nhất thế giới chưa có ai nghĩ nổi. Tài một cái là bà Cửu không cười: cứ mỗi khi ông Cửu nhô lên khỏi mặt nước thì bà lại lấy đòn gánh dìm ông xuống. Trận “thuỷ chiến” ấy biết lấy gì mà so sánh được? Có thể ví với cuộc đánh nhau dữ dội của chiếc thiết giáp hạm Bismark của Đức và chiếc chiến đấu hạm Hood của Anh không? Cái đó không biết thế nào, chỉ biết rằng cái lối đánh của bà Cửu ta lạ lắm: Bà lấy đòn gánh dìm đầu chồng xuống nước chưa đủ, thỉnh thoảng lại tìm xương sườn mà nện vào − chắc cái lối phóng ngư lôi ở ngoài biển cũng thần tình và… và ngoạn mục đến thế là cùng vậy. Trời sáng hẳn. Nghe thấy câu chuyện lý thú có một không hai đó, cả phố kéo lại xem: ai cũng được một bữa cười nôn ruột, nhưng sợ cái trò cười ấy kéo dài ra mãi khéo đến án mạng, người ta phải hùa nhau giữ tay bà Cửu lại và “bế” bà đi chỗ khác mới cứu được con chuột lên, bởi vì ông Cửu lúc ấy ướt lướt thướt như con chuột lội. Ông bạn Nguyễn Huy Tân kể cho tôi nghe câu chuyện này kết luận rằng: Từ đó, ông Cửu sinh “sài”. Cái trận đòn ghen ấy kết liễu bằng hai tháng nằm nhà thương. Ông ốm tưởng chết. Mới đây, ông đã cạo trọc đầu đi rồi nhưng chẳng biết giời có cho ông… qua cầu thoát nạn không? VII. Cái thùng sắt tây treo ở cửa Ngày xưa, người ta kể chuyện rằng có đôi vợ chồng nhà kia suốt ngày cãi cọ nhau. Hỏi tại làm sao thì té ra vợ chồng nhà ấy ghen nhau: Vợ cả không con, chồng phải lấy vợ lẽ, để may ra có làm cách thế nào cho người vợ lẽ đẻ một hai đứa con trai xì xằng gì chăng. Ác thay, bà vợ cả của chúng ta lại là một người đàn bà! Bà ghen với người vợ lẽ và nhất định không để cho vợ lẽ có một cơ hội tốt nào được ngồi cạnh − đừng nói nằm cạnh vội! − ông chồng bà. Tối tối, bà buộc thừng vào chân chồng. Không ngờ chồng bà cởi giây thừng “mò” đi được. Bà tức khí bèn nghĩ một cách “phòng thủ” tài hơn là bắc ngay một cái chõng ở trước cửa buồng vợ lẽ nằm án ngữ! “Thế này thì quyết hẳn là chắc chắn!” Bà cả của chúng ta nghĩ vậy. Không ngờ, có một lần, ông chồng cũng vẫn tấn công đổ bộ được vào buồng vợ lẽ như thường; bà cả để ý dò thì té ra ông chồng bà đã đánh một lối chiến thuật rất mới trong việc này, ít ai có thể nghĩ tới được. Nhảy dù vào trong buồng? Không. Hay là đào tường khoét vách như những quân “thanh tích bất hảo” vẫn thường làm trong tháng củ mật chăng? Không nốt. Ôi! Các ông nhà báo viết về việc chiến tranh thế giới ơi! Các ông hay làm to chuyện lắm, các ông vừa thấy người ta phát minh ra cái “con sâu đất”, cái thứ tàu độn thổ tiếng Đức gọi là cái Uôm hay cái Uồm gì đó thì là vội vàng sắp sửa viết bài “bộp” ầm lên, chứ có biết đâu rằng người mình đã biết làm giun đất từ bao nhiêu lâu nay rồi. Ông chồng của chúng ta vừa nói trên kia chính là một người có một khối óc sáng chế tân kỳ đó. Trong cuộc tấn công vào buồng vợ lẽ, ông đã thực hành ngay cái lối con giun đất uôm hay uồm (Wurm) gì đó: ông không đi, ông không đứng, ông nằm sát xuống mặt đất bò, bò ở dưới cái chõng của bà cả vào buồng vợ lẽ; nếu có nhà chiến tranh ký giả nào đứng đó lúc bấy giờ tất phải nghĩ ngay đến chuyện độn thổ, một lối đánh trái hẳn với lối đằng vân tức là lối nhảy dù mà người ta hiện đương xơi nhiều trong cuộc Âu chiến vậy. Bà vợ cả tức thì nhẩy ra tóm lấy ông chồng: “Đi đâu? Đi đâu thế tên kia?” Ông chồng bí quá bèn trả lời ngay: “À, đi bắt con mèo nó nhảy đổ vỡ cả bát đĩa ở trong buồng đấy mà!” − “Thế mèo đâu? Thế mèo đâu?” Buồng thì đóng kín, mèo không thể chuồn ra đàng nào được, ông chồng không thể nào nói thác rằng con mèo chạy mất rồi. Ông chỉ còn cách trả lời liều: “À, mèo à? Tôi bắt được nó và tức mình tôi đã… ăn sống rồi!” Thực tình lần đầu tiên tôi nghe thấy câu chuyện “bắc chõng canh buồng vợ lẽ” của nhà này, thì mười phần tôi không tin được phần nào. Mãi về sau này khi đã khôn lớn và đã bạo dạn ra rồi… Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng tôi mới biết rằng câu chuyện nói trên kia rất có thể là chuyện thực mà thực cho “thiên thu”, thực cho cả đời cũ và đời mới chứ không riêng một thời nào cả. Một người bạn ở trong Thanh thấy tôi viết đến đoạn phòng thủ chồng không cho vào với vợ lẽ này kể cho tôi nghe một chuyện cũng đáng cho làng râu quặp chúng ta để ý; trước là để cho nhau biết mà phòng ngừa mà sau là để những bực cao minh, vì danh dự giống đàn ông… sợ vợ nghĩ mau cho một cách phòng ngừa mới mẻ cái nạn tân kỳ này vậy. Cái ông râu quặp ở trong Thanh này cũng ở vào trường hợp với ông-con-sâu-đất nói trên kia. Ông có vợ lẽ, mà ông cố nhiên là muốn vào buồng vợ lẽ như tất cả những người có vợ lẽ ở trên đời! Một tối đầu ông “lần” vào. Nhà tối, ông nhịn thở, ông mò, ông đinh ninh sắp thôn tính được đất đai của địch quân thì choang! một tiếng kêu rùng mình sởn óc bỗng vang lên rồi ngân dài. Ông không còn hồn vía nào nữa, tưởng rằng có con bệnh nào bị ông làm chết oan − tôi quên chưa nói là ông này làm thuốc − tưởng rằng có con bệnh nào bị ông làm chết oan bây giờ hiện hồn lên ném dao cầu thuyền tán vào đầu ông trả thù. Nhưng không phải. Ngay lúc ấy thì vợ cả ông nghe thấy tiếng động nhảy ba bước tới ngay buồng: thì ra đó là một cách phòng thủ mới của bà cả phòng ngừa chồng vào với vợ lẽ; bà treo ở ngay chính giữa cửa phòng vợ lẽ − mà cố nhiên là không cho chồng biết − một cái thùng sắt tây. Ông chồng của chúng ta vô ý không biết lúc nãy chính đã mắc mưu bà vậy: cái thùng sắt tây ấy choang ngay vào chính giữa trán ông, làm cho vang ầm cả nhà lên. Vang như thế, tất nhiên là bà biết; Phụ tình án đã rõ ràng. Ông chồng có mồm mép giỏi như Trương Nghi, Tô Tần đời xưa hay Von Papen bây giờ cũng khó mà chối cãi vào đâu được! Viết đến đây tôi lại nhớ đến một ông trọc phú ở Hà thành bị bắt thuốc phiện lậu ra khóc ở toà rằng “Lạy quan lớn con oan”. Toà phạt, nhưng ông ta muốn tỏ cho toà biết anh ta oan thực, ngay chiều hôm ấy, bèn về hô thợ lấy thép mạng cầu bịt kín cả nhà lại. − Bịt lại thế để làm gì? − Ở đầu giây thép mạng cầu, ông ta buộc chuông vào, và đắc ý nói với mọi người rằng làm như thế thì không ai đi ngoài đường ném thuốc phiện lậu vào nhà ông ta được. Bởi vì nói dại đổ xuống sông xuống ao, có đứa nào nghịch tinh (hay là nghịch dại?) ném một “đống” thuốc phiện lậu vào nhà thì đã có giây thép mạng cầu hứng lấy và đồng thời bao nhiêu chuông sẽ rung chuyển cả lên một lượt báo cho những người ở trong nhà được biết! Cái thùng sắt tây treo ở cửa buồng vợ lẽ ông lang băm ở tỉnh Thanh chính là cóp đúng cái kiểu của ông “mang tiếng” buôn thuốc phiện lậu nói trên kia vậy. Sự thực cái lối phòng thủ ấy không có gì là nguy hiểm trực tiếp đến tính mệnh các ông chồng râu quặp thích tòm tem, nhưng người biết nhìn xa xét rộng không khỏi lấy làm lo, nếu cái phong trào thùng sắt tây, thép mạng cầu này mà cứ lan rộng ra mãi thì âu cũng là một mối lo nghĩ cho làng sợ vợ chúng ta. Mà không những thế mà thôi lại “thiệt thòi” cho tất cả những bực vợ lẽ nữa, bởi vì nếu những bà vợ cả mà làm đến thế thì những bực vợ lẽ còn mong “xơ múi” gì! Nhắc đến cái hạng người đáng thương này, tôi lại nhớ đến chuyện một người bạn tôi người còm nhỏm bằng cái chét tay mà có tới nhị phòng có lẻ! Bà cả ác có tiếng. Lòng ghen tuông của bà đã thành thiên giai thoại, có người đã đặt thành vè dạy cho trẻ con hát cũng như ở thời Đông Chu liệt quốc trẻ con hát về cây gỗ dâu ở chương đầu truyện. Vậy thì bà vợ cả của tôi lấy vợ lẽ cho chồng, nhưng đêm bắt người vợ lẽ ấy ngủ chung với… bà! Mà ngày thì bất cứ đi chỗ nào bà cũng bắt cô vợ lẽ của chồng đi theo, nói thác rằng bởi vì bà quý “cô hai” lắm, một bước cũng chẳng muốn rời. Nhưng cái nguyên nhân chính thì do tại làm sao, các bạn tất cũng đã biết cả, lựa là để tôi phải nói. Trò đời vẫn thế, những các ông sợ vợ bao giờ ra ngoài cũng hay nói khoác để “trưng sướng” với bè bạn, bà con. Chuyện tiếu lâm của ta đã thuật nhiều chuyện rất tài tình về cái tính khoác lác của những ông sợ vợ như kiểu này, mà thí dụ “cừ” nhất là chuyện “Phải tay ông thì!...” Có một anh sợ vợ, giời mưa không kịp cất quần của vợ phơi ở ngoài sân. Vợ về mắng cho một trận và đánh không tiếc tay, anh ta sang than thở với bạn bên hàng xóm. Ông hàng xóm vuốt bộ râu quặp khinh bỉ bạn: “Chao ôi! sao mà bác xoàng thế. Để như thế, đàn bà nó khinh mình! Chẳng phải tay tôi chứ… nếu phải tay tôi thì…” Ông đương tìm một ý nghĩ hăng để nói thì bất thần vợ ông ở đâu tiến lại gần mà rít lên. − Phải tay tôi thì tôi làm gì? −… Thì tôi cất quần của vợ trước khi giời mưa chứ còn làm sao nữa? Lại một chuyện khác. Một ông sợ vợ than phiền với bạn rằng vợ mình hay ghen. “Tôi khổ lắm, bác ạ. Hễ tôi động đi đâu thì mặt nó sa sầm, và to bành bạnh ra như hổ phù. Trông mặt nó những lúc ấy thực là giống mặt… mặt… mặt…” − Bà vợ lúc ấy vừa đi chợ về, quăng rổ xuống đất hỏi luôn: “… mặt… giống mặt gì?” − “Giống mặt… trời chứ còn mặt gì nữa, khéo hỏi lôi thôi lắm!” Cái ông “hai vợ có lẻ” tôi nói ở trên kia có lẽ không đủ tài tình để nghĩ một câu nói có duyên nịnh vợ như kiểu hai ông trong truyện tiếu lâm nhưng không kém hai ông ấy về môn khoác lác. Ông sợ vợ có thể liệt vào hạng nhất. Nhưng sang chơi bạn ở láng giềng, ông cứ nhất định rằng ông không sợ; trái lại, ông lại còn cười những ông râu quặp, những ông bị vợ đánh là khác nữa. Xẩy một hôm, hai vợ chồng ông láng giềng sang chơi thì, tai hại thay, lại vừa vào lúc ông nói khoác của chúng ta bị vợ sửa cho một trận và buộc vào cái chân chõng như một tên tù binh vậy. Chót đã nói khoác lác nhiều rồi mà bây giờ bị vợ đánh đã xấu, mà bị vợ trói nữa lại càng xấu quá, ông nói khoác thấy lòng công phẫn nổi lên, ông muốn, dù chết thì chết cũng phải kiếm cách bảo toàn danh dự! Ông bèn đứng thẳng lên, bê cả cái chõng ở trên lưng, đi thẳng nói to tướng để cho vợ chồng ông láng giềng nghe tiếng: “À! vợ với con thế này thì khổ ông thực. Mày đã lắm lời lắm điều thế thì ông để mặc cho mà chết, ông giao cả cửa nhà cho đấy, làm lấy mà ăn, còn ông, ông chỉ mang cái chõng để ông nằm thôi, ông không cần!” Tôi không biết kết cục câu chuyện ra sao, nhưng cứ như những lời người hàng phố kể lại thì ông cứ bê cái chõng ở trên lưng mãi sau mới gặp một người bạn “tháo chõng sổ lồng” cho. Ông bỏ nhà đi ba bốn hôm liền. Hôm thứ tư, người ta thấy ông đứng với một cô tân thời ở trên chuyến xe điện Bờ Hồ - Cầu Giấy. Một anh một ả, đương hỉ hả tươi cười như trông thấy trước những cuộc vui sắp đến thì xe đỗ từ từ ở qua-dơ-măng. Bỗng tự nhiên người ta thấy mọi người ở trên tàu rít lên những tiếng ai oán. Mọi người định thần nhìn kỹ lại thì ở chỗ hai toa nối nhau bà vợ cả to béo như cái bồ sứt cạp vừa nhảy dài một cái từ bên này sang bên kia. Thì ra bà cả thấy chồng “liều” mình, sợ ông đi trầm hà hoặc uống thuốc độc gì chăng bèn đổ đi tìm. Bao nhiêu của, mấy ngày đàng Còn tôi, tôi quyết gặp chàng mới thôi! Và hôm ấy bà gặp “chàng” thực. Bà mất trí nhảy qua xe điện định bắt đôi gian phu dâm phụ, nhưng tiếc thay, bà lại nặng cân, thành thử vừa sang được bên kia xe điện thì bà ngã đánh phịch một cái xuống đất như… một cái xe rác đổ! Bọt trong miệng phun phì phì ra, bà trợn mắt, cứng lưỡi, không kêu được một lời nào cả. Ai cũng tưởng bà “phải gió” ngộ cảm, lấy dầu xoa cho bà. Trong khi ấy thì đức ông chồng run bần bật cái lạ, nhảy xuống, vực bà lên, giựt tóc mai, gọi tên huý, và giữa sự ngạc nhiên vô cùng bí mật, mọi người nghe thấy ông ríu lưỡi lại nói thầm vào tai bà rằng: “Lạy mợ… lạy mợ… mợ tha cho… “con” lần này!” VIII. Ông bạn Nguyễn Tăng Phú ở Hà Đông kể cũng lôi thôi lắm chuyện. Nghe thấy câu chuyện bà Cửu Ba ghen chồng, bắc cánh cửa lên ngồi trên bể để cầm gậy khoắng xuống nước “khìa” cho chồng một trận, ông Phú đi xe điện từ Hà Đông ra tìm cho được chúng tôi. Đố biết để làm gì? Ông Phú ôm lấy bụng cười sằng sặc. Và ông nói rằng chính ông cũng được mục kích từ đầu đến cuối câu chuyện ấy. − Tôi tưởng rằng câu chuyện ấy cũng ít người được biết. Tôi cứ định hôm nào ra chơi Hà thành sẽ tìm đến các bạn kể nghe chơi. Không ngờ các bạn đã biết cả chuyện ấy rồi, vậy nay xin đem ra một câu chuyện ghen khác để làm quà vậy. Câu chuyện ấy không phải xảy về bây giờ nhưng tự đời Minh. Đời Minh, có một đại tướng quân tên là Thích Kế Quang rất tinh thông binh pháp. Vợ ông cũng là một bực anh thư có tài cầm quân ra trận, không phải bách chiến bách thắng như một số lớn những bà vợ tân thời hiện nay nhưng 100 trận thì cũng đến 90 trận được, bà thường lập riêng ra một hiệu cờ, thống lĩnh từng đại đội và giúp tướng công không biết bao nhiêu bận vào sinh ra tử nơi chiến trường. “Trai khôn không nhờ vợ, gái hay tám vạn nghìn tư cũng nhờ chồng”, − câu nói ấy thực đúng, nhưng ở vào trường hợp này, ai ai cũng phải nhận rằng sự nghiệp của Thích Kế Quang một phần nửa là nhờ công của phu nhân vậy. Có lẽ vì phu nhân giỏi, phu nhân gan dạ, cho nên phu nhân ghen nhất đời Minh! − Ấy, cái trò đời vẫn thế, đa tài thì đa bệnh, đa tình thì đa… ghen! Mà chao ôi, nào có ghen xoàng! Phu nhân ghen tợn, mà đường gươm mũi kiếm lại cừ khôi, thành thử đức ông chồng là Thích Kế Quang mỗi khi phu nhân “đèn khuya chung bóng, trướng hùm sánh vai” thì ông nghiêm trang đáo để, không thèm liếc dọc mà cũng chẳng dám trông ngang sang đám thể nữ thị tì hậu cần chung quanh đấy. Đó cũng là một nỗi khổ tâm cho những ông thích tòm tem tí tẹo, nhưng ông có cần gì? Không làm ra mặt được, Thích Kế Quang làm sau lưng; ông lấy riêng một vài người thiếp giấu một nơi và Thích Kế Quang thích lắm. Thích vì được có đùi non mà vỗ, cái đó là thường tình của những ông già thèm của chua nhưng thích vì mấy cô thiếp của Thích Kế Quang lại sinh hạ được ba cậu con trông “khớ” cả; mà thích nhất vì phu nhân không biết. Bởi vì trong khi ấy thì Thích Kế Quang phu nhân bận rộn vì con, phu nhân cũng sinh được một cậu, nhưng vì cậu ấy được trời độ thánh thương nên bị “về miền di lộ” trong khi ra trận. Phu nhân không còn có một người con nào nữa! May quá! Không lợi dụng cơ hội này thì lợi dụng cơ hội nào? Không biết do ai xui khôn xui khôn xui khéo, ông bèn làm cái dáng con người đứng đắn nói với phu nhân rằng: không có người nối dõi tông đường, ông buồn lắm, muốn nói với một người bạn xin một đứa con trai về làm con nuôi để sau này nó lo chuyện hương khói, nối dõi tông đường vậy. Thích Kế Quang phu nhân nghe một hồi lâu cũng thấy xuôi tai, nhưng phu nhân không khỏi buồn lòng khi thấy chồng nói đến chuyện khói hương nối dõi. Phu nhân trạnh nhớ đến đứa con lớn của mình khi không lăn cổ ra chết oan chết uổng, nếu nó còn sống thì tướng công đâu đến phải nói với bạn xin một đứa con nuôi như vậy. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” − bà không những khổ vì chuyện không con mà còn xấu hổ với người khác nữa vì phu nhân lo rằng người ta sẽ cho phu nhân ác đức nên trời mới bắt tội đoạ đày như vậy. Phu nhân là một nữ tướng có tài nhưng thoát sao khỏi nhi nữ thường tình. Về đến phòng loan, phu nhân khóc tướng lên, và những tiếng khóc ấy lọt vào tai những con thị nữ hầu cận chung quanh đấy. Trong số, có một con nịnh chủ, thấy thế lấy làm thương xót phu nhân lắm bèn tố cáo hết cả những hành vi ám muội của tướng quân. Chả chả! Tức a! Tức a! Giận bấy người háo sắc phụ tình, (đá cái vạt áo giáp, xoay đi một vòng) duyên chăn gối đành quên (mà) đi theo với quân lộn chồng chốn chúa. Vừa khóc vừa nói lối một chặp lâu, Thích Kế Quang phu nhân chống ngọn giáo, tức giận đùng đùng đem đại đội (nói thực đấy, chứ chẳng văn chương hoa hoè gì đâu!) đem đại đội quân lính đến vây kín lấy chỗ Thích Kế Quang giấu mấy người vợ lẽ, vây kín quá đến nỗi một con mèo cũng không ra lọt khỏi được trùng vi. Tướng quân nghe thấy tin ấy khôn xiết nỗi kinh hoàng, ngài bèn cho triệu ngay chư tướng lại để xem có ông quân sư vườn nào nghĩ ra được một mưu gì hay chăng. Quân sư vườn thì bao giờ thiếu giống? Tướng quân vừa trình bày câu chuyện thì đã có tới bảy, tám người xông ra hiến kế hay. Nhưng hầu hết, kế đều không hay cả, duy chỉ có hai người là hơi khơ khớ. Một người bảo: Quan bà bây giờ là giặc rồi. Tướng quân để cho kẻ này đi quyết chiến với quan bà phen này, chỉ đơn thương độc mã chứ không cần nhiều người làm chi! Một người khác lại rằng: Kế ấy cũng hay, nhưng không ổn. Ý kẻ này thì cho rằng bây giờ mà chiến thì không hay, hại người hại sức. Ta chỉ nên nghĩ cách giải vây đem tất cả trốn đi là ổn. Trốn đi, nhưng trốn đi bằng cách nào? Đó là điều khó nhất. Rút cục, hai kế sau này cũng bỏ không dùng được. Phải nghĩ một kế hay hơn là kế của tướng quân nghĩ được ngay lúc bấy giờ nữa: Tướng quân nghĩ chín nục ra rồi, cởi bỏ nhung phục, tìm đến phu nhân, cúi đầu quỳ xuống đất xin hàng… vợ! Mà các người thiếp của tướng quân xoã tóc ôm con phủ phục xuống đất lạy như cốc đế, xin tha tội chết và thề xin đem con dưng lên lưỡi gươm của phu nhân. Phải, phải, còn kế gì hay hơn thế nữa? − Xin hàng! Xin hàng! Xin hàng là kế hay nhất. Y như rằng, trong giây phút phu nhân thấy máu hoàng bão dịu hẳn đi, phu nhân truyền lệnh cho các người thiếp ôm con đứng dậy đem về nhà mà nuôi. Riêng đối với tướng quân thì phu nhân đã đành là tha cho tội chết, nhưng không thể không nghị phạt. Song đối với một người chồng đã hàng mình, mình là vợ, trông xuống, chẳng lẽ lại nghị phạt thẳng tay, phu nhân chỉ truyền cho quân lính đánh một chục roi nứt đít. Đó là câu chuyện ngày xưa. Tôi không biết Thích Kế Quang tiên sinh bị một chục roi nứt đít có phản kháng điều gì như dân Mỹ phản kháng việc Đức đánh đắm tàu “Roobin Moore” vừa rồi hay không, nhưng cứ dựa vào những điều “mắt thấy tai nghe” bây giờ, chúng tôi dám chắc Thích tiên sinh cũng vị tất dám đôi lời cãi lại. Không cãi lại, nhưng chửa chắc thay tâm đổi tính đâu! Chính tôi, tôi đã được biết một ông bị vợ đánh đến một chục lần như thế − mà không cứ là đánh vào đít, nhưng đánh cả vào mặt vào mũi và beo tai là khác! − mà nhất định vẫn không thèm chừa bỏ tính xấu đi. Tính xấu đây là tính hay đi hát − ấy, cứ nói thế cho các bà sư tử Hà Đông vừa lòng − hay đi gõ, hay đi bù khú. Chao ôi, xấu quá, ông ôi. Muốn cho dễ gọi, tôi hãy tạm gọi ông ấy là ông Ba Tai đã. Ông Ba Tai sở dĩ được anh em đặt cho cái sước hiệu ấy, không phải vì ông có ba tai, hai tai ở bên cạnh và một tai ở giữa trán như Nhị Lang thần Dương Tiễn ngày trước có ba mắt đâu. Nhưng là vì ông thính tai lắm, thính như thể có ba tai vậy. Đương ngồi đánh trống ở nhà cô đầu với anh em, ông thính đến nỗi vợ đương đi lùng bắt và hỏi dò cô đầu nhà bên cạnh, ông Ba Tai ngồi trên gác nhà bên này cũng nghe thấy hết cả và vội tìm cách đào tẩu trước. Người ta kể chuyện rằng một bữa kia ông đương nằm hút thuốc phiện ở nhà Vạn Tám xóm Khâm Thiên. Vợ ông bò ở chân thang, nhịn thở để lên bắt quả tang, vậy mà tai ông thính đến nỗi bà mới bò lên được ba bực ông đã biết, ông quăng dọc tẩu, xắn quần nhảy sang ban công nhà bên cạnh, leo bốn lần tường, chạy qua mấy phố như ma bắt. Bè bạn nhân thấy câu chuyện ấy bàn tán là ông có một lá gan của giống vật trung thành nhất của loài người, bất cứ lúc nào hễ nằm sát ngực xuống mặt đất hay mặt sập thì những tiếng động ù xa đến mấy mươi thước ông cũng biết. Bởi vậy, ngoài cái sước hiệu Ba Tai, ông lại còn cái sước hiệu thứ hai là Hai Gan, nhưng dáng chừng cái sước hiệu thứ hai không làm cho ông bằng lòng lắm, bè bạn vì thế cũng sợ, chỉ dám gọi ông là Ba Tai. Vậy thì ông Ba Tai của ta, đêm ấy, đi hát, và chính giữa lúc đào Vân đương lên giọng hát một bài Gửi thư thì ông giật mình một cái như vừa thấy một điều gì kinh khủng lắm. Ông Ba Tai không cần toán độn như Khổng Minh ngày trước, cũng biết thừa ngay rằng “mụ vợ” ông đã giở quẻ rồi đây, chết sống nó cũng sắp đến sinh sự và làm sịt-căng-đan ghê lắm. Ông vội bí mật loan báo với khắp thảy anh em và ông bắt họ phải nghĩ ngay một kế để phen này đối phó, a! Chỉ năm phút mưu mô đã sắp đặt xong đâu đấy cả rồi. Vị nào cũng thu can đảm vào hai tay, chờ cái tai nạn để thi hành mưu kế thì lời tiên đoán của ông Ba Tai đúng chẻ hoe: bà Ba Tai, ngồi rình từ nãy và đã biết chắc chắn là chồng ngồi chỗ nào rồi, hét ải ải lên ba tiếng và xông vào giữa trận tiền bắt đứa sất phu tình phụ. Cả chiếu hát đồng thời bị khuấy lộn cả lên. Người ta có cảm giác những ông quan viên ngồi đấy vừa nghe thấy tiếng còi báo động. Phòng thủ thụ động đi chứ còn chờ gì nữa! Tức thì một ông trong bọn nhảy lên giường cầm một cái tay thước choang một cái vào đèn điện. Gian buồng tối như bưng. Cuộc phòng thủ thụ động bắt đầu. Mọi người tìm nơi trú ẩn. IX. Rõ ràng mặt ấy mặt này! chớ ai! Trú ẩn ở đâu? Như các ngài đã biết, bọn quan viên Ba Tai không thể mặc áo sơ mi và mặc quần trong mà đi trú ẩn ở trong những hầm hố đào ngoài phố. Họ đành phải trú ẩn ở nhà, mà nhà gác thì làm sao mà có hầm ẩn được, họ đành phải chui cả xuống gầm giường vậy. Đèn tắt, mà người nào người nấy đều chạy như vịt tìm cách ẩn thân, cái quang cảnh nhà bọn ông Ba Tai hát đêm ấy, lúc đó, thực buồn và rợn; ai cũng nhịn thở để chờ cái tai nạn xảy đến, riêng có một người, một người trong bọn, lại coi thường và cứ đi đi lại lại trong nhà một lát rồi ngồi đánh bẹt xuống chính cái chỗ lúc nãy ông Ba Tai ngồi. Trong nhà không tiếng động, người ta nhịn thở chờ. Chờ thì cái gì chẳng đến. Chửa đầy nửa phút đồng hồ một tiếng gầm bỗng vang lên và làm rung cả trần nhà: người ta có cảm giác tiếng gầm đó là tiếng gầm của trăm ngàn phi cơ oanh tạc họp lại mà hai cái chân của người đàn bà vừa vào đó dẫm thình thịch trên sàn gác chính là những quả bom hạng đại rơi xuống đất. Ai sống? Ai chết? Cố nhiên là những người ở dưới hầm, nghĩa là trốn xuống dưới gầm giường ghế ngựa thoát nạn không việc gì. Chỉ chết cái anh ngồi ở trên. Thực tình tôi không hiểu cái ông ngồi trên đó “đâm mặt liều” ngồi lỳ ra đó để “thử xem vàng đá có bền gan” hay định làm gì, những cảm tưởng thứ nhất mà ông này gây ra là làm cho những người biết chuyện nhớ đến ngay những người “coi trời bằng vung” nghe thấy tiếng còi báo động liền khuỳnh ngay tay lại, vác mũi lên nhìn tàu bay trên trời… Những người bướng bỉnh (hay rồ dại?) trong khi còi báo động như thế tất phải bắt về nhà. Ông ngồi phềnh phệnh ở trên giường không chạy trốn cố nhiên cũng phải theo công lệ ấy: ông bị một cái bàn tay tóm lấy, bắt đi… không được kêu nửa tiếng. Biết làm thế nào được? Ông bướng bỉnh của chúng ta chỉ còn biết theo người đàn bà ghê gớm nọ kéo đi bởi vì cưỡng lại mà làm gì? Càng cưỡng càng chết, ông bướng bỉnh của chúng ta hồ mở miệng là bị vặn quặn ngay cổ lại, mà muốn mở miệng để phân trần lại cũng không xong nữa, bởi vì mở miệng ra liệu có mà chịu nổi sưng mày sưng mặt với cái bàn tay chuối mắn?... Tôi không nỡ tả thêm cái cảnh xẩy ra từ cầu thang cho ra đến ngoài đường bởi vì sợ làm mích lòng những ông đã bị vợ bắt và bị vợ đánh vì đi hát. Chỉ biết rằng bà Ba Tai của chúng ta, − bởi vì người đàn bà ấy là bà Ba Tai chứ còn là ai nữa? − Chỉ biết rằng bà Ba Tai lôi được chồng ra đến ngoài đường, đêm lúc ấy đã khuya, mà hàng phố xúm lại xem đông như hội. Người đàn ông bị “áp chế” vẫn không nói gì. À! Mày ra gan! Mày ra gan! Bà Ba Tai day sấp lật ngửa người khốn nạn lên tối tăm cả mặt mũi. Người ta không nghe thấy một lời van xin nào cả. Thế thì lại càng tức lắm. Bà tức giận, quyết về nhà phen này phải nhốt vào một chỗ mà người ta vẫn doạ nhốt những đứa trẻ con lười học, bà phải vạc mặt chồng ra phen này, bà phải… bà phải… Bà còn phải làm nhiều việc ghê gớm nữa cho đỡ giận. Nhưng hiện giờ, người xem đông quá, − bà nổi cơn ghen lên nhưng bà cũng biết xấu hổ chứ không đâu? − bà không thể cứ kéo sềnh sệch “kẻ” kia cho về tới tận nhà. Bà liền gọi ngay một cái xe lại và không mà cả lôi thôi gì cả, bà trèo ngay lên xe bảo chạy thật nhanh về phố… Các ngài đã bao giờ được trông thấy một người lương thiện thuê xe áp giải một tên ăn cắp về cẩm bao giờ chưa? Thưa các ngài, người lương thiện ấy xử sự một cách cẩn thận không tả được. Mắt la mày lét chỉ sợ tên ăn cắp thừa cơ vùng chạy thì nguy, người ấy túm lấy áo về phía lưng của nó và cứ tống bừa nó lên chẳng có đòi hỏi gì cả. Đó, bà Ba Tai của chúng ta cũng tống chồng bà lên xe như thế, bà túm lấy cổ áo, ấn ngồi vào lòng xe, còn bà thì ngồi mớm ở mép nệm cho chắc chắn mà cũng để cho chân sát xuống sàn, dễ bề đập chân thình thịch cho xe chạy mau lên như kiểu các ông say rượu. Tôi còn nhớ câu chuyện này xảy về mùa rét mà đêm bà Ba Tai đi bắt chồng lại là một đêm mưa phùn. Cái xe tay chở bà và đức lang quân kéo mui sùm sụp, phăng phăng chạy trên những con đường vắng vẻ, soi sáng bằng những ngọn đèn điện vàng úa như những cái hoa tàn. Giun dế ở hai bên đường cất tiếng lên ca những bản ngậm ngùi thiên thu không hết. Và bà Ba Tai của chúng ta ngồi trên xe cũng cất tiếng lên xỉ vả đức lang quân chết dí ở đàng sau lưng bà. − Cậu đã thấy đẹp mặt chưa? Hai bên hàng phố hôm nay rõ họ cười cho thối óc! − Không một tiếng trả lời. Những câu xỉ vả mỗi lúc một nặng thêm, hết sẵng đến ngọt, hết ngọt đến sẵng, nhưng ông Ba Tai vẫn câm như cá, không trả lời gì cả. Bà Ba Tai thấy thế lại cho là ông đã hoàn toàn táng tận lương tâm “tức đến hộc máu ra được” vừa toan quay lại túm tóc dìm xuống thì xe chạy đến nhà và đỗ. Con sen và con gái bà Ba Tai bật đèn, mở cửa đứng đợi, thấy cái cảnh tượng như thế, sợ xanh cả mắt lên và nhìn. − Quái! Làm sao thế nhỉ! − Chúng nghĩ như vậy và tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên…− Làm sao cái gì? − Bà Ba Tai mặc, quay lại túm cà-vạt chồng lôi xuống. Thì − giời ơi là giời! đất ơi là đất! bà Ba Tai ơi là bà Ba Tai! − cái người đàn ông ngồi cạnh bà là ai vậy? Hắn ở đâu hiện đến? Sao lại ngồi ở cạnh bà? Có thể chết đi được! Hỡi ơi! trong cơn ghen tuông tức giận vừa đây, bà đã bắt nhầm mất chồng rồi; cái người bị bắt, bị đánh không là ông Ba Tai như bà đã tưởng, như chúng ta đã tưởng! Đó chỉ là ông Thông Máy Nước,[5] bạn của ông Ba Tai hôm ấy cũng ở trong đảng đi hát vậy. Hôm sau, anh em trong sở nhân lúc ông chủ đi khỏi, họp nhau lại uống cà phê hút thuốc lào, ông Thông Lèo nói với ong Ký Ninh rằng: − Con mẹ Ba Tai thực bị một vố đau hơn hoạn! Cho thế nó mới đáng đời, ai bảo ghen lắm vào. Thằng Máy Nước nó “hại” một vố có thể chết đi được, gọi là từ giờ đến chết cũng không quên được. Ông Ba Tai, tay cầm cốc cà phê, tay cầm điếu thuốc lá hãm, vừa nghe vừa lảng ra chỗ khác mà cười một cách tinh ranh. Thông Máy Nước lúc ấy mới lên giọng đạo đức làm ra cái vẻ đàn anh sừng sỏ mà rằng: − Quả thế, đến chết con mẹ ấy cũng không quên vụ đánh lầm. Thực tình, nào mình có muốn chơi oái ăm như thế làm gì đâu. Chỉ bởi nó làm mình tức quá. Chồng nó cứ động đi chơi là te tái đi bắt, mà bắt nó thì mặc xác nó chứ ai cần. Đãn hiềm cứ mỗi lần đi bắt chồng nó lại chửi đổng hết cả anh em bạn chồng nó, nên mình mới tức, mình động lòng và cái ý muốn làm cho nó nhục một phen, quả là tôi có đã lâu lắm chứ không phải mới. Tối hôm qua chính lúc tắt đèn là lúc tôi thi hành mưu kế của tôi đã định. Tôi biết rằng mẹ ấy ngồi rình ở bên ngoài và nhằm đích chỗ lão Ba Tai ngồi. Chính tôi, tôi bày kế đập vỡ đèn đi trốn dưới gậm giường, chỉ có tôi là tôi không trốn tránh gì cả, tôi cứ sừng sững ra ngồi ở chỗ lão Ba Tai. Và quả con sư tử Hà Đông ấy đã lầm thực, như các anh đã biết. Tất cả anh em làm trong sở, nhớ lại và tưởng tượng lại câu chuyện hôm qua, bật ra cười ha hả như một cái nồi súp-de phì hơi vậy. − Còn “ma phăm” nữa, hay ghen lắm thế nào giời cũng cho bị một vố đớn người như mẹ Ba Tai! X. Người đàn bà thứ ba ở trên giường Những chuyện về ghen, đến số này, chúng tôi cho là tàm tạm đủ rồi. Vừa lúc chúng tôi định đập óc nghĩ ra một bài kết luận cho cái “tiếng cười dài” này, hoặc yêu cầu chính phủ cấm không cho đàn bà ghen vì ghen nguy hiểm lắm, hoặc hô hào các nhà hói trán nghĩ ra một thứ thuốc gì để trừ cái bệnh ghen đi thì một ông bạn ở Chiêm Hoá, ông Dương Thụy Phấn lại gửi về cho chúng tôi một tài liệu nữa: ma ghen người sống. Ừ mà, người sống ghen thì sao người chết ghen, ta lại không nói đến, − nếu quả người chết có ghen với người sống thực? Vậy tưởng nên thuật lại, cho thiên “Tiếng cười dài” này đầy đủ, câu chuyện thực đó ở dưới đây, một chuyện thực mà ông Dương Thụy Phấn nói là của chính thân mẫu ông đã sống bởi vì cụ là bạn thân của những nhân vật trong chuyện này. Ba mươi năm về trước, − lời cụ thân mẫu ông Dương Thụy Phấn, − ở tỉnh Tuyên Quang ai là không biết ông ký Đ. làm kho bạc? Ở Sơn Tây đổi lên, ông đem theo một người vợ và hai người con một giai một gái. Lên Tuyên Quang được ít lâu, bà ký Đ. bị bệnh chết. Ông ký rất thương tiếc vợ, ông định vợ chết sau ba năm mới tục huyền. Nhưng cách một năm sau, người chị vợ thấy ông ký là người hiền lành tử tế, dưới nách hai đứa con dại không người chăm nom, bèn đem con gái gả cho ông tức là cháu người vợ cả. Cô ký − thời bấy giờ người ta đều gọi bà vợ lẽ ông ký Đ… như thế − về làm dâu, hết sức yêu quý chồng và chăm nom hai con chồng. Nhưng cô ký thấy rùng mình ghê sợ vì không đêm nào hai vợ chồng ông ký chung chăn chiếu là không thấy giường có vẻ chật chội như có người nằm giữa và một bàn tay to lớn lạnh ngắt sờ qua mặt. Hai vợ chồng không hiểu ra sao, tưởng là ma quỷ ám ảnh. Thì ngay lúc ấy vợ cả hiện ngay ra trước mắt nhìn cô ký trừng trừng; lúc bấy giờ hai vợ chồng ông ký hiểu ngay là thế nào! Cô ký rởn người khấn: “Cháu cô đây không phải người ngoài, vì thấy cô mất, thương hai em nhỏ dại mà về trông thôi, xin cô phù hộ cho”. Cô ký khấn như thế người vợ cả có thôi đâu; vẫn tối nào cũng hiện lên nằm giữa ngăn đôi hẳn hai vợ chồng ông ký ra và còn báo mộng cho ông ký biết đại khái: Ông không được cho cô vợ lẽ nằm cùng, bắt cô phải xuống bếp và bắt phải nom hai con tử tế. Ông ký lại phải hết nhời khấn khứa. Thậm chí hai vợ chồng ông ký muốn nằm chung cũng phải khấn người vợ cả xin phép mới được. Nhiều khi hai vợ chồng cùng quên không khấn người vợ cả, tự nhiên cô ký bị lôi ngay xuống chân giường và hai tay cô ký cứ vả vào mặt mình đôm đốp. Từ khi về làm bạn với ông ký, cô ký không bao giờ dám mặc bộ quần áo hơi đẹp đẽ một chút, vì một lần cô ký mặc cái áo mới ra ngoài về, vào đến trong nhà cô ký tự tay mình xé tan nát chiếc áo ấy ra và miệng xỉa xói: “Mày đáng mặc cái áo này à? Mày muốn làm dáng với chồng tao phỏng?” Ngày hai buổi ông ký đi làm, cô ký để phần cơm thì không kể. Còn ngày chủ nhật thì cố nhiên là hai vợ chồng ông ký phải ăn cùng mâm, cô ký vừa ngồi vào ăn, tay vừa nâng bát cơm thì như có một bàn tay vô hình hắt ngay bát cơm xuống đất và cô ký bỗng tự mắng mình: “Chỗ mày ngồi đây à, con kia? Muốn sống tốt vào ngay trong bếp!” Thỉnh thoảng một vài bà bạn đến chơi là y như cô ký lại bị đau đớn khổ sở, vì các bạn đến chơi gọi lạy chào cô ký thì tức khắc hai bàn tay tay cô ký tự tát thật mạnh như mưa vào mặt mũi mình, nhiều khi chảy cả máu mồm nữa và tự mắng: “Vào trong nhà ngay! Chễm chện ra dáng bà ký lắm đấy! Mặt mày đáng là bà à?” Cho nên các bạn đến chơi, cô ký phải van xin đừng gọi mình là bà và chỉ xin đứng tiếp chuyện chứ không dám ngồi. Một tối, hai vợ chồng ông ký cho vú em ẵm đứa con giai ngủ trong bếp. Cô ký vừa chợp mắt ngủ thì một bàn tay nắm tóc cô ký từ trên giường xuống đất rồi lại cứ tay mình tát mặt mình và miệng quát: “Mày bảo trông nom con tao, mà mày lại giao cho vú em để mày sung sướng với chồng tao à; không phải con đẻ, mày không cần phải không? Rồi mày sẽ được chăm nom cho con đẻ mày nhiều!” Tuy vợ chồng ông ký Đ. lập bàn thờ người vợ cả ngay cửa buồng, và không có ngày giỗ ngày tết nào, không có của ngon vật lạ nào là quên cúng người vợ cả, thế mà cô ký vẫn không đỡ khổ chút nào. Ông ký Đ. là một người rất thương yêu vợ, nhưng biết làm thế nào? Vì ở giữa còn người vợ cả, − một bức tường ngăn đôi, − nên tuy là vợ chồng mà ông ký phải cùng vợ vụng trộm ái ân. Nào có xong đâu, không bao giờ ông ngỏ được một nhời yêu đương với vợ. Chẳng những thế, cô ký càng ngày người càng xanh xao vàng vọt. Cô đẻ đến bốn, năm lần, đều không nuôi được vì cô ký toàn đẻ non tháng hoặc đủ tháng thì chỉ được vài tháng là chết. Có lẽ vì những chuyện buồn rầu như thế, nên ông ký Đ. lại xin đổi về Sơn Tây. Từ khi ông về Sơn tới nay không nhận được tin tức gì, không biết người vợ cả − con ma ghen ghê gớm ấy − còn hiện lên quấy nhiễu ám ảnh hai vợ chồng ông ký nữa không? Cái đó thiết tưởng không lấy gì làm quan hệ lắm. Cái quan hệ là, với câu chuyện thực này, ta thấy rằng cái thói ghen tuông làm cho ai cũng sợ, sợ lúc sống, mà sợ cả khi chết nữa, thành thử nhiều người đàn ông mất cả thú sống ở đời. Bây giờ ai mà nghĩ được phương thuốc trừ bệnh ghen, tất hẳn sẽ được thế giới hoan nghênh lắm. XI. Khoa học đã tìm ra phương thuốc chữa ghen? (tôi mượn bài này của ông Quán Chi để làm kết cho Tiếng cười) [6] Mấy câu chuyện thuật trong bài trước đã tỏ cho ta thấy đàn bà coi sự ghen của họ cao quý tuyệt phẩm. Đến nỗi ở giữa những đời quân chủ độc tôn thế nọ, thánh hiền nói hay viết một lời gì cũng được thiên hạ xem như mực thước không thể dời đổi, chê bai, thế mà cái ghen của đàn bà coi thường cả lệnh vua, mỉa mai cả lời thánh! Nào phải chỉ có thế. Sự ghen có lắm biến thái lạ lùng, ngoài hẳn ý liệu người ta có thể tưởng đến. Các bà phải giữ độc quyền cái tình yêu của người mình yêu, không chịu để nó chia sẻ, rơi rớt đi đâu một phân hào. Chia sẻ tình yêu với người, là kẻ hiện tại có thể đối địch với mình mà mình không chịu đã đành; lại còn ganh tị với cả mọi sự huyễn tưởng nữa mới kỳ. Hoàng hậu Catherine nước Nga [7] thuở xưa ghen cả với một con chó ở trong cung, chính bà nuôi nấng, quý chuộng. Chỉ vì ngó thấy nhà vua hay nâng niu con chó ấy quá, bà nghĩ tình yêu đối với mình bị san sẻ thiếu kém hay sao không biết, đến nỗi bà đâm ghen, xử tử con vật vô tội. Suýt nữa vì việc đó mà chết oan mạng một thi sĩ đang được nhà vua sủng ái. Nguyên nhân ở sự tình cờ thi sĩ với con chó trùng tên nhau. Buổi tối hôm trước, hoàng hậu viết huấn lệnh cho viên cận thần, vỏn vẹn có mấy chữ: “Sáng mai dìm nước cho chết Sandras đi”. Hôm sau, viên cận thần đến ngay nhà thi sĩ, đánh thức ông dậy, với giọng nói ngậm ngùi, ái ngại, bảo ông sửa soạn để ra pháp trường. Tội nghiệp thi sĩ ta, bao nhiêu hồn vía lên cả mây xanh, không hiểu mình phạm tội gì mà nhà vua giận dữ đến thế. Cũng may, ông năn nỉ được viên cận thần cho hoãn chốc lát để viết tờ khiếu oan, tức thời dâng vào hoàng cung, bấy giờ mới ngã ngũ ra hoàng hậu bảo dìm nước con chó kia, không phải bảo xử tử thi sĩ! Người chết ra ma, phỏng ma thì còn tình ái nước non gì, thế mà có bà cũng ghen. Tức như chuyện bà quả phụ làm chay đốt mã cho chồng, vặn cổ mấy cô hình nhân, bạn tôi bảo đã mục kích. Với người giấy, mụ còn thế; không biết với người thật, chắc mụ không sợ đi toà đại hình chút nào. Nếu có luân hồi, tiền thân của mụ này không chừng là vợ Viên Thiệu đời Hậu Hán. Lúc còn sống, Viên có năm người ái thiếp, bị vợ cả, họ Lưu, hành hạ vô cùng ác độc. Đến khi Viên chết, Lưu thị vẫn chưa nguôi giận, vẫn chưa hết ghen. Chồng chết hôm trước, hôm sau Lưu thị xử tử cả năm ái thiếp của chồng, lại xẻo tai rạch mặt và khoét mắt mỗi cô rồi mới cho chôn. Lưu thị bảo làm vậy để chúng nó xuống cửu nguyên không còn có nhan sắc thân thể lành lặn cho Viên Thiệu nhìn nhận thương yêu được nữa. Không những với ma, ngay với thần thánh cũng có bà đâm ghen, không từ. Nàng Đoàn Minh Quang vợ Liêu Bá Ngọc ở đời Tấn là người ghen có tiếng. Chỉ một bài văn, một câu nói đủ làm cho nàng chết ghen. Hôm đó, ngồi trước mặt vợ, Bá Ngọc rung đùi ngâm nga bài phú Lạc thần của Tào Thực tán tụng vị nữ thần sông Lạc Thuỷ có sắc đẹp tuyệt vời. Hình như Minh Quang đã không thích rồi, Bá Ngọc lại còn cao hứng vẩn vơ, và nói cho vợ nghe: “Giá tôi lấy được người đẹp như Lạc thần về làm vợ, thì mãn nguyện biết bao!” Chỉ có thế mà Minh Quang ghen tức, hậm hực mãi chồng sao lại ngợi khen ao ước thuỷ thần, tức là khinh rẻ ta, để ta chết cũng làm được thuỷ thần cho mà xem. Thế rồi ngay đêm hôm ấy, nàng đi ra sông, đâm đầu xuống giữa xoáy nước mà chết. Theo sách “Dâu dương tạp ký” chép thì bảy hôm sau Bá Ngọc nằm chiêm bao thấy vợ hiển linh báo mộng cho biết rằng chàng ao ước thần nữ, giờ nàng cũng làm thần nữ rồi đấy. Từ hôm ấy trở đi, hễ đàn bà con gái nào nhan sắc và y phục sang trọng, đi đò qua sông, đều bị nàng làm sóng gió tròng trành chiếc thuyền, hết hồn hết vía. Duy có mấy cô mấy bà mặt mũi xấu xí, qua sông yên ổn như thường. Người ta đồn nhau, ngay chỗ khúc sông Minh Quang đã gieo ngọc chìm hương, đàn bà đẹp phải bôi lem mặt mũi rồi mới dám đi qua. Không thì sợ thần ghen. Còn thiếu gì chuyện ghen đại thể cũng quái gở như thế. Nhưng mà thôi, góp nhặt cho hết, có lẽ đầy đặc cả mấy tập báo này cũng chưa đủ. Giờ có một vấn đề hẳn ai cũng đồng ý: hỏi xem ghen có cách gì chữa khỏi được không? Những người tin ở thiên lý định mạng tất nhiên bảo không. Trời bẩm sinh con người ra làm sao thì con người phải ra làm vậy, không thể lấy nhân lực mà chữa được. Ghen chính là một phú tính tự nhiên, có người là có nó, và từ khi mới có loài người đã có nó rồi. Ngay ông Trời đã là một đấng ghen. Ai đọc Cựu ước Thánh thư (Ancien Testament) chẳng thấy nhắc đi nhắc lại câu “Dieu est jaloux”. Theo thuyết thiên nhân đồng thể đồng tính (Anthropomorphisme), thì trời đẻ ra người, trời sao người vậy. Chẳng những trời cũng có đầu, có tai, có mắt, có chân tay, giống người một thứ, mà ngày xưa Tần Bật dẫn chứng với sứ thần Đông Ngô, hẳn ai xem Tam quốc còn nhớ; trời lại có cả những tính tình thị dục của loài người nữa. Nghĩa là cha nào con nấy, như kiểu ta thường nói. Nghĩ xem trời là cha đẻ ra chúng ta còn ghen thay, chúng ta làm sao bỏ cái tính bẩm sinh ấy đi cho được. Nhất là đàn bà. Chúng tôi đã nói đàn bà chỉ có ghen là thứ khí giới duy nhất để đối với đàn ông, trong khi ở địa vị gia đình xã hội đàn bà phải chịu thấp kém và bao nhiêu quyền hành lợi lộc, đàn ông nắm hết trong tay, hưởng lấy một mình. Các ông tự do đi khuya về sớm, tự do giao thiệp hành động, còn đàn bà chỉ ở ru rú trong nhà với những xiềng xích lễ giáo thị phi, nếu không còn chút khí giới ghen để kềm chế các ông thì còn lấy gì? Song nhà khoa học họ nghĩ thế khác. Họ bảo sự ghen chỉ là một chứng bệnh, tự sinh lý và tự tập quán cũng có. Đã là một chứng bệnh, tất có phương thuốc để chữa. Không có bệnh gì là bệnh bất trị. Thử xem những chứng phong lao cổ lại, người ta suy xét tìm tòi mãi còn ra thuốc chữa hiệu nghiệm thay, nữa là bệnh ghen. Tôi nhớ chắc chắn được xem trong nguyệt báo Je sais tout vào khoảng 1932 hay 1933 lối đó, có bài của một y khoa bác sĩ Pháp bàn về vấn đề này rất kỹ. Chỉ tiếc lâu ngày quên mất cả tựa bài và tên tác giả. Hẳn có bạn đọc ở xứ ta sưu tập để dành những quyển báo khoa học nói trên, giá ai tìm ra bài văn cũ ấy mà dịch cho đồng bào xem chung thì hay lắm. Tôi chỉ nhớ đại thể là tác giả − có lẽ là ông y khoa bác sĩ Toulouse cũng nên − trước hết cực tả sự ghen di hại cho xã hội, vì nó mà lắm gia đình tan nát và hay phát ra án mạng luôn luôn. Xã hội phải tìm cách trừ nó hộ loài người, cũng như đã có cách trừ bệnh lao bệnh dịch vậy. Rồi ông nghiên cứu về mặt khoa học sinh lý, bảo người ta sở dĩ có ghen là vì trong cơ thể có một thứ hạch (glande) mà trong hạch ấy có một thứ nước nó trào lên và đánh vào bộ thần kinh những khi người ta bị ái tình phản động kích thích. Có ghen và đâm ghen vì đó. Giờ phải làm sao chế ngự cái hạch ấy đi tự nhiên bệnh ghen phải mất. Một khi đã biết được bệnh căn, không khó gì tìm ra thuốc chữa. Cứ theo tác giả, thì khoa học đã đi tới chỗ phát minh thực nghiệm phương thuốc ấy rồi. Người ta có thể bào chế nó thành ra hoàn thuốc bao sáp cho dễ uống. Khi nào một bà nổi ghen, hung hăng, nóng nảy, chửi rủa bậy bạ, toan làm tới sự ẩu đả, lưu huyết, chỉ lấy mươi viên thuốc cho bà ta uống một lát, sẽ thấy bình tâm hạ khí, cơn ghen biến đi tức thời. Nếu quả có thuốc ấy đã phát minh và quả nó hiệu nghiệm như thế, mà đem sang bán ở xứ ta, chắc hẳn đắt hàng như tôm tươi. Không thiếu gì ông râu quặp sẽ mua hàng tá về cho các bà xơi, nói là thuốc bổ! TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 59 (4/5/1941); s. 60 (11/5/1941); s. 61 (18/5/1941); s. 62 (25/5/1941); s. 63 (1/6/1941); s. 64 (8/6/1941); s. 65 (15/6/1941); s. 66 (22/6/1941); s. 68 (6/7/1941); s. 70 (20/7/1941); s. 71 (27/7/1941) (1) Chúng tôi sẵn lòng hoan nghênh những chuyện ghen tuông mà các bạn đã nghe thấy hay trông thấy, viết gửi về cho T.B.C.N. để cho tập bài này được có nhiều tài liệu. Những chuyện quen như thế, bạn viết đầy đủ nhưng vắn tắt. Cuối bài, xin đề tên và địa chỉ của bạn.(nguyên chú của Vũ Bằng) [1] Đây là nói khi báo đăng bài này, tức là đang trong Thế chiến II, ở phía đông bắc Trung Quốc khi đó có Mãn Châu Quốc, lập ra dưới ảnh hưởng của phát xít Nhật. (2) Tập cười dài này, cần rất nhiều tài liệu về lòng ghen tuông của đàn bà và muốn biết hết cả những “cách” sợ vợ của những ông chồng. Bạn nào gửi tài liệu về xin đề tên thực và địa chỉ để tiện việc gửi báo biếu.(nguyên chú của Vũ Bằng). (3) Chúng tôi chỉ nói tới một số đàn bà chứ không phải nói chung. (nguyên chú của Vũ Bằng) [4] Tê E lờ văn đoàn: ý nói Tự Lực văn đoàn. [5] Có lẽ là ông làm chức Thông (= phiên dịch viên) ở sở máy nước. [6] Như vậy kỳ cuối của loạt bài này là bài do Quán Chi (Đào Trinh Nhất) viết; 10 kỳ trước do Vũ Bằng viết dưới bút danh Tiêu Liêu. [7] Chưa rõ người viết định nói tới Catherine nào, vì nước Nga thời quân chủ có hai hoàng hậu Catherine (chữ Nga đọc là Ekaterina): Ekaterina I là Marta Skavronska (1684-1727), người gốc Latvia, gặp và sống với Sa hoàng Petr I từ 1703, là Nữ hoàng Nga từ 1725. Ekaterina II là Sophie Friederike Auguste von Anhalt-Zerbst (1729-96), người gốc Đức, hoàng hậu Nga từ 1761, Nữ hoàng Nga từ 1762.