a ngày sau khi gởi lá thư đi đảo Bourbon thì Raymon hoàn toàn quên lá thư đó và người hận thư. Anh ta cảm thấy khoe khắn hơn và quyết định sang thăm người láng giềng. Điền trang Lagny mà ông Delmare để lại gán nợ, vừa về tay một nhà công nghiệp giàu, ông Hubert, một người khéo léo và đáng kính, không phải như các nhà công nghiệp giàu có khác, ít người giàu có mà được như ông. Raymon tìm được ông chủ mới trong ngôi nhà nhắc anh ta nhớ đến bao là niệm. Mới đầu anh ta thả mình theo dòng cảm xúc khi đi qua khu vườn và dường như bứưc chân nhẹ nhàng còn in dấu trên cát, qua những căn phòng rộng rãi dường như còn vang lên tiếng nói dịu dàng của Indiana. Nhưng chẳng bao lâu, sự có mặt của một người mới làm thay đổi chiều hướng suy nghĩ của anh. Trong phòng khách lớn, nơi bà Delmare thường thêu thùa, một người trẻ tuổi, cao và cân đối, có cặp mắt hạnh đào với cái nhìn vừa hiền lành vừa ranh mãnh, vừa âu yếm vừa giễu cợt, ngồi trước một giá vẽ, say mê chép lại bằng màu thuốc nước những bức bích họa kỳ quặc. Bản sao ấy thật là hấp dẫn, một sự chế nhạo tin tế đậm màu giễu cợt lễ độ của một nghệ sĩ. Nàng thích thú cường điệu phong cách tao nhã kiêu kỳ của những bức họa cũ kỹ ấy; nàng đã nắm bắt được tinh thần giả dối và hoàng nhoáng của thế kỷ Louis XV trên những hình vẽ cầu kỳ đó. Phục chế lại những màu sắc đã phai tàn qua thời gian, nàng trả lại cho chúng sự duyên dáng kiểu cách, bầu không khí xu nịnh trong cung đình, những đồ mí trang giống hệt như nhau của các tiểu thư khuê cát và các cô gái đồng quê. Bên cạnh tác phẩm giễu cợt lịch sự ấy, nàng để chữ “phỏng theo”. Nàng chậm rãi ngước lên nhìn Raymon bằng cặp mắt dài đầy vẻ mơn trớn châm chọc, hấp dẫn và quỷ quyệt, không hiểu sao kiêu kỳ khiến anh ta nhớ đến Anna Page của Shakespeare. Cách cư xử của nàng không bẽn lẽn cũng không dạn dĩ, không đài các cũng không thiếu sự tự tin. Trong cuộc chuyện trò, họ bàn về ảnh hưởng của mốt trong nghệ thuật. - Thưa ông, ông có thấy màu sắc tinh thần của thời đại trong bức họa này không? – nàng vừa nói với Raymon vừa trỏ tấm lát tường về những Thần Ái Tình đồng quê, theo phong cách Boucher – Những con cừu này đi đứng, ngủ, vặt cỏ không như những con cừu ngày ngay, phải không nào? Và thiên nhiên đẹp đẽ giả tạo và chải chuốt này, những bụi hoa hồng một trăm lá này ở giữa rừng, ngày nay ở trong rừng chỉ còn mọc lên những bụi tầm xuân, những con chim thuần dưỡng này mà rõ ràng đã tuyệt chủng, những bộ áo dài bằng xa tanh hồng này mà ánh nắng không làm cho xỉn màu đi; chẳng phải là trong tất cả những cái đó có chất thơ, ý tưởng về sự ẻo lả và hạnh phúc, và tình cảm của một cục sống êm đềm, vô ích và hiền lành hay sao? Chắc chắn là những ảo tưởng kỳ cục ấy có giá trị hơn những công trình nghiên cứu u ám của chúng ta về chính trị! Sao tôi lại không sinh ra vào thời ấy nhỉ! – nàng mỉm cười nói thêm – Tôi là một phụ nữ nhẹ dạ và thiển cận, tôi cũng sẽ chuyên tâm về những chiếc quạt và những kiệt tác về xiêm áo hơn là bình luận về báo chí và tìm kiếm cuộc tranh luận của các viện! Ông Hubert để hai người trẻ tuổi ở lại với nhau, và dần dần cuộc chuyện trò của họ chuyển sang bà Delmare. - Ông rất gắn bó với các chủ nhân trước của ngôi nhà này – cô gái trẻ nói – và về phía ông, thật là có nhã ý khi ông đến thăm những gương mặt mới. Bà Delmare – nàng nói thêm, đồng thời chiếu vào Raymon cái nhìn thấu suốt – là một phụ nữ lỗi lạc, nghe nói như vậy; hẳn là bà ấy phải để lại đây cho ông những kỷ niệm không có lợi cho chúng ta. - Đấy là một người phụ nữ tuyệt vời – Raymon đáp lại với thái độ hờ hững – và chồng bà ta là một người có phẩm cách. - Nhưng tôi cho rằng – cô gái trẻ vô tâm nói tiếp – bà ta không chỉ là một phụ nữ tuyệt vời, mà còn hơn thế nữa kia. Tôi nhớ rất rõ bà ta có một vẻ đẹp quyến rũ xứng với một hình dung từ rực rỡ hơn và thơ mộng hơn. Hai năm trước, tôi đã có dịp nhìn thấy bà ta trong một vũ hội ở nhà đại sứ Tây Ban Nha. Hôm ấy bà ta có sức cám dỗ mê hồn. Ông nhớ chứ? Raymon giật mình khi nhớ tới buổi tối lần đầu tiên anh ta nói chuyện với Indiana. Đồng thời anh ta nhớ lại, trong vũ hội anh ta đã để ý đến gương mặt đặc sắc và đôi mắt đầy trí tuệ của cô gái trẻ lúc này đang nói chuyện với anh ta; nhưng lần ấy anh ta không hỏi cô gái ấy là ai. Mãi đến lúc ra về, khi anh ta nói với ông Hubert những lời ca ngợi sự duyên dáng của con gái ông, anh ta mới biết tên nàng. - Tôi không có cái hạnh phúc được là cha đẻ của cô gái ấy – nhà công nghiệp trả lời – nhưng tôi đã được đền bù bằng cách nhận cô ấy là con nuôi. Ông không biết câu chuyện của tôi ư? - Tôi ốm từ nhiều tháng nay – Traymon trả lời – Tôi không biết gì về ông, chỉ nghe nói về những điều tốt đẹp mà ông đã làm cho vùng này. Ông Hubert mỉm cười: - Có những người cho việc tôi nhận cô Nangy làm con là một công trạng lớn. Nhưng ông là người có tâm hồn cao thượng, ông sẽ thấy tôi không thể làm khác được, mà chỉ làm điều mà sự tế nhị khiến tôi phải làm. Góa vợ, không có con, đã mười năm nay, do làm việc không mệt mỏi, tôi có được một gia sản khá lớn mà tôi vẫn đang tìm cách sử dụng. Tôi tìm mua được ở Bourgogne đất và lâu đài Nangy là tài sản quốc gia mà tôi rất vừa ý. Làm chủ khu vực đó một thời gian thì tôi được biết chủ của nó ở trong một túp nhà tranh với cô cháu gái nhỏ tuổi, hai ông cháu sống cùng khổ. Ông giá có được bồi thường, nhưng ông quá chu đáo, đã lấy tiền đó trang trải những món nợ ông vay trong thời kỳ đào vong. Tôi muốn làm cho số phận của ông đỡ cay cực và dành cho ông một chỗ ở trong nhà tôi; nhưng mặc dù gặp cảnh điêu đứng, ông già vẫn giữ nguyên tính kiêu hãnh của đẳng cấp mình. Ông không chịu về ở tòa lâu đài nhỏ của cha ông khi phải nhờ vào lòng từ thiện của người khác, và ít lâu sau khi tôi đến, ông qua đời, không muốn nhận sự giúp đỡ nào của tôi cả. Thế rồi tôi đón cháu gái ông về. Cô bé quý tộc kiêu hãnh đành chấp nhận sự chăm sóc của tôi. Nhưng ở tuổi này, những thành kiến không bắt rễ sâu, những điều đã quyết không bền lâu. Chẳng bao lâu, cô đã quen coi tôi như cha đẻ, và tôi nuôi dạy cô bá như con đẻ của mình. Cô gái đền đáp hậu hĩ cho tôi bằng cách làm cho những ngày tuổi già của tôi tràn đầy hạnh phúc. Thế là, để đảm bảo hạnh phúc đó cho mình, tôi nhận cô de Nangy làm con, và bây giờ tôi chỉ có một hy vọng duy nhất là tìm cho nó một người chồng xứng đáng và có khả năng quản lý một cách khéo léo tài sản của tôi để lại cho nó. Từ lúc nào không rõ, phấn khởi vì Raymon quan tâm đến những điều tâm sự của ông, với bản tính tư sản, ngay từ cuộc hội kiến đầu tiên, ông đã cho Raymon biết mọi bí mật công việc của ông. Người nghe chăm chú của ông hiểu rằng ông có một cơ nghiệp lớn lao và đẹp đẽ, được sắp xếp hết sức ngăn nắp và cẩn thận, chỉ chờ một ông chủ trẻ hơn và có phong thái tao nhã hơn ông Hubert tốt bụng để bộc lộ hết sự tráng lệ của mình. Anh ta cảm thấy mình có thể là người được mời thực hiện nhiệm vụ dễ chịu ấy, anh ta cám ơn số phận tài tình đã khéo dung hòa mọi lợi ích của anh ta bằng cách tạo nên một sự tình cờ lãng mạn, hiến dâng cho anh ta một phụ nữ cùng giai tầng với anh ta mà lại có một tài sản lớn của giới bình dân. Đấy là dịp may số phận đem đến, không thể bỏ lỡ, và anh ta dùng hết tài khéo léo để đạt được mục đích. Thêm nữa, tài sản thừa kế thật hấp dẫn. Raymon lại dàn hòa với số mệnh. Còn về Indiana thì anh ta không muốn nghĩ đến nữa. Anh ta xua đuổi mọi nỗi sợ khi nhớ tới lá thư. Anh ta tìm cách tự thuyết phục mình rằng Indiana đáng thương sẽ không hiểu được ý định của anh ta hoặc sẽ không đủ can đảm trả lời. Rốt cuộc, anh ta đã tự huyễn hoặc được mình là kẻ ích kỷ. Anh ta không thuộc loại những kẻ gian ác chất phác lên sân khấu tự bạch với chính lòng mình một cách ngây thơ về những thói xấu của mình. Thói xấu không soi gương ngắm nghía sự quái quở của nó, và Iago của Shakespeare, một nhân vật rất thật trong hành động, lại giả tạo trong lời nói, do những ước lệ sân khấu của chúng ta mà buộc phải tự phơi ra những uẩn khúc của trái tim quanh co, sâu thẳm của mình. Con người ta hiếm khi thản nhiên chà đạp lên lương tâm của mình như thế. Người ta xoáy lộn lương tâm, đè ép, dày vò nó, làm nó méo mó đi, và khi nó đã vẹo vọ, xơ xác tả tơi, thì người ta giữ nó ở bên mỉnh như một ông thầy rộng lượng và dễ tính, sẵn lòng chiều theo những đam mê và lợi ích của mình, nhưng vẫn luôn luôn vờ xin thầy chỉ giáo và giả vờ sợ thầy. Vậy là Raymon thường xuyên trở lại Lagny, và những cuộc viếng thăm của anh ta làm cho ông Hubert thích thú. Bởi vì, các bạn biết đấy, Raymon có nghệ thuật làm cho người ta yêu mình, và chẳng bao lâu, tất cả nguyện vọng của ông nhà giàu thuộc tầng lớp bình dân là được gọi anh ta là con rể. Nhưng ông muốn con gái nuôi của ông lựa chọn anh ta, ông để cho họ hoàn toàn tự do tìm hiểu và định đoạt. Laure de Nangy không vội quyết định hạnh phúc của Raymon. Nàng giữ anh ta trong trạng thái thăng bằng hoàn toàn giữa sợ hải và hy vọng. Không cao thượng như bà Delmare, nhưng khéo léo hơn, lạnh lùng và khéo lấy lòng, kiêu hãnh và niềm nở, đấy là người phụ nữ có thể chinh phụcRaymon, bởi vì nàng khôn khéo hơn Indiana. Chẳng bao lâu, nàng hiểu rằng anh ta thèm muốn tài sản của nàng ngang như muốn có nàng. Trí tưởng tượng duy lý của nàng chẳng hy vọng gì hơn. Nàng quá tỉnh táo, biết quá rõ giới thượng lưu hiện nay để có thể mơ ước một tình yêu không tùy thuộc vào cái tài sản hai triệu bạc. Điềm tĩnh và có thái độ triết lý, nàng tán thành anh ta và tuyệt nhiên không thấy Raymon có lỗi. Nàng không khi ghét anh ta có đầu óc tính toán, và thực dụng như thời đại của anh ta. Có điều nàng biết anh ta quá rõ để có thể yêu anh ta. Nàng hết sức kiêu hãnh không chịu thua kém thời đại lạnh lùng và duy lý này, lòng tự ái khiến nàng không thể nuôi những ảo tưởng khờ khạo của kẻ dốt nát, nàng sẽ đỏ mặt nếu để mình bị thất vọng như một con đần. Tóm lại, nàng dũng cảm gạt bỏ tình yêu, cũng như bà Delmare dũng cảm dấn thân vào tình yêu. Tiểu thư de Nangy quyết tâm chịu đựng cuộc hôn nhân này, như một sự cần thiết về mặt xã hội. Nhưng nàng ranh mãnh hưởng nốt sự tự do lúc này còn có được và tranh thủ thời gian biểu lộ uy quyền của mình đối với con người đang khao khát tước đoạt tự do ấy của nàng. Cô gái trẻ này phải chịu đựng mọi khốn khổ của số mệnh, không biết đến tuổi trẻ, không biết những mơ ước ngọt ngào, không hề mơ ước một tương lai huy hoàng đôi lứa. Với nàng, cuộc đời là một tính toán khắc kỷ, vì hạnh phúc là một ảo tưởng trẻ con, phải tránh nó như tránh sự yếu đuối lố bịch. Trong lúc Raymon ra sức vun đắp vận may của mình thì Indiana đến gần bờ biển nước pháp. Nhưng khi lên bờ, nàng sửng sốt và sợ hãi thấy lá cờ ba sắc phấp phới trên những bức tường Bordeaux! Thành phố náo loạn. Ông tỉnh trưởng suýt bị giết chết hôm trước. Nhân dân nổi dậy khắp nơi. Quân đội đồn trú dường như chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu dẫm máu, người ta vẫn chưa biết kết cục cuộc cách mạng ở Paris. “Ta sẽ đến muộn!” – ý nghĩ ấy đến với bà Delmare như một đòn sét đánh. Hốt hoảng, nàng bỏ lại trên tàu ít tiền và quần áo cũ của mình, bắt đầu lang thang khắp trong thành phố, tâm thần rối loạn. Nàng tìm một chiếc xe ngựa đi Paris, nhưng những xe công cộng đầy ắp người đi trốn tránh hay những người lợi dụng tình thế đi cướp lột của những người chiến bại. Mãi đến chiều nàng mới tìm được một chỗ trên xe. Lúc nàng lên, một tốp lính cận vệ bất ngờ đến ngăn chiếc xe lại và đòi hành khách xuất trình giấy tờ. Indiana chẳng có giấy tờ gì hết. Trong lúc nàng cố xua tan những nghi ngờ vô lý của những kẻ chiến thắng, nàng nghe thấy xung quanh người ta cả quyết rằng nền quân chủ đã sụp đổ, nhà vua đã bỏ trốn và các bộ trưởng bị sát hại cùng với những người ủng hộ họ. Tin đó được nói ra, kèm theo những tiếng cười, tiếng giậm chân, tiếng reo hò vui vẻ giáng cho bà Delmare một đòn chí tử. Trong tất cả các cuộc cách mạng này, một điều duy nhất có can hệ đến cá nhân nàng: trong cả nuốc Pháp, nàng chỉ biết có một người. Nàng té xỉu xuống mặt đường, và khi tỉnh lại, thì thấy mình đang nằm trong bệnh viện… mà là mấy ngày sau đó. Không tiền, không có đồ lót, không có quần áo, hai tháng sau nàng ra viện, yếu ớt, lảo đảo, kiệt lực vì cơn sốt viêm não mà trước đây nhiều lần nàng tưởng sẽ thiệt mạng. Jkhi nàng đã ở ngoài đường, đơn độc, đứng không vững, không nơi nương tựa, không có cách nào xoiay xở và không còn sức lực, khi nàng cố gắng nhớ lại tình cảnh của mình và thấy mình lạc lõng, đơn chiếc trong thành phố lớn này, nàng cảm thấy khiếp sợ và tuyệt vọng khôn tả khi nghĩ rằng số phận của Raymon đã được quyết định từ lâu, xung quanh nàng không có lấy một người có thể đưa nàng ra khỏi tình trạng bất trắc khủng khiếp này. Nỗi kinh sợ vì bị bỏ rơi đè tất cả sức nặng của nó lên tâm hồn tan nát của nàng, nỗi thất vọng đờ đẫn do cảnh khốn cùng gây nên dần dần làm tê liệt mọi năng lực của nàng. Trong trạng thái tinh thần tê dại như thế, nàng lê bước ra cảng, và toàn thân run lên trong cơn sốt, nàng ngồi xuống một cột đá để sưởi nắng, và thẫn thờ đăm đăm nhìn làn nước chảy dưới chân. Nàng cứ ngồi như thế nhiều giờ, không còn nghị lực, vô hy vọng, không còn mong muốn gì. Rồi nàng nhớ tới quần áo, tiền mà nàng đã bỏ quên trên tàu Egen, và có lẽ có thể tìm lại được. Nhưng đêm đã xuống, và nàng không dám đến giữa đám thủy thủ đã nghỉ việc, đang cười đùa vui vẻ và thô lỗ, để hỏi thăm họ về con tàu. Trái lại, thấy người ta bắt đầu chú ý đến mình và tránh con mắt to mò, nàng rời cảng, đến náu mình trong đám gạch vụn của ngôi nhà bị phá vỡ sau bãi đất rộng Les Quinconces. Nàng trú đêm ở đó, nép trong một góc, một đêm tháng mười lạnh lẽo, đầy ý nghĩ cay đắng và đầy sợ hãi. Cuối cùng ngày đã đến, đói cào đói cấu, y phục của nàng, dù tàn tạn, vẫn còn chưa thể coi là áo xống của kẻ ăn mày. Người ta nhìn nàng với vẻ tò mò, ngờ vực, mỉa mai, không cho gì cả. Nàng lại lê bước ra cảng, hỏi tin tàu Egen, và người thủy thủ đầu tiên nàng gặp cho biết tàu vẫn đậu ở cảng Bordeaux. Nàng đi xuồng ra tàu, và gặp Randome đang ăn sáng. - Chà chà! – ông ta kêu lên – bà hành khách xinh đẹp của tôi, bà đã từ Paris trở về đấy ư? Bà đến đúng lúc quá, vì ngày mai tôi sẽ lại cho tàu đi. Sẽ đưa bà về Bourbone chứ? Ông cho bà Delmare biết là ông đã co người tìm nàng khắp nơi. Nhưng lúc Indiana được đưa vào bệnh viện, nàng không có trên người một thứ giấy tờ nào cho biết tên nàng. Trong sổ của bệnh viện và cảnh sát, nàng được ghi là “không biết tên”; vì vậy thuyền trưởng không dò được tin gì về nàng cả. Hôm sau, mặc dù yếu mệt, Indiana đi Paris. Nỗi lo lắng của nàng lẽ ra phải dịu đi khi thấy sự xoay chuyển của tình hình chính trị; nhưng sự lo lắng không biết lập luận và tình yêu bao giờ cũng sẵn cho những e sợ trẻ con. Ngay chiều hôm đến Paris, nàng chạy tới chỗ Raymon, lòng khắc khoải, nàng hỏi người gác cổng: - Ông chủ vẫn khỏe – y trả lời – Hiện giờ ông đang ở Lagny. - Ở Lagny! Anh muốn nói là ở Cercy à? - Không, thưa bà, ở Lagny, hiện giờ ông là chủ trang viên ấy. “Raymon tốt bụng – Indiana nghĩ – anh ấy đã mua lại trang viên này để đem lại cho ta một chỗ trú ẩn mà sự độc ác của dư luận không thể đụng đến ta được. Anh ấy biết chắc là ta sẽ đến!...” Say sưa vì hạnh phúc, nhẹ nhàng và náo nức vì hạnh phúc mới, nàng đến ở trong một khách sạn có sẵn cả đồ đạc. Đêm hôm đó và một phần hôm sau nàng nghỉ ngơi. Đã lâu lắm rồi, Indiana bất hạnh mới ngủ được một giấc ngon lành! Những giấc mơ ngọt ngào lừa dối đến với nàng, và khi thức giấc, nàng không luyến tiếc gì về những ảo ảnh trong chiêm bao, bởi vì nàng lại tìm thấy hy vọng. nàng trang phục cẩn thận; nàng biết Raymon hết sức xét nét về chuyện trang điểm, vì vậy từ chiều hôm trước, nàng đã đặt một bộ váy mới và đẹp mà người ta mang đến lúc nàng vừa thức dậy. Nhưng lúc chải tóc, nàng thấy rằng bộ tóc dài và đẹp của aàng không còn nữa; trong thời gian ốm, ở bệnh viện, người ta đã cắt mất mớ tóc của nàng. Khi ấy, lần đầu tiên nàng nhận ra rằng biết bao nhiêu mối bận tâm lớn lao đã khiến nàng lãng quên những việc nhỏ nhặt. Tuy nhiên, khi nàng cuốn búp mái tóc đen và ngắn ngủn trên vầng trán trắng trẻo u sầu, khi nàng đội lên mái đầu xinh đẹp chiếc mũ nhỏ kiểu Anh, gài vào thắt lưng bó hoa mà Raymon thích hương thơm của nó, nàng hy vọng là sẽ được anh ta ưa thích. Bởi vì nàng lại trở nên xanh xao và mảnh dẻ như những ngày đầu anh biết nàng và hậu quả của trận ốm là đã xóa sạch lớp rám nắng nhiệt đới. Quá trưa, nàng thuê một chiếc xe ngựa sang trọng và chín giờ tối, nàng đến một làng ở bìa rừng Fontenebleau. Đến đấy, nàng cho tháo ngựa, bảo người đánh xe chờ đến ngày mai, và một mình đi bộ theo con đường nhỏ trong rừng, ít nhất 15 phút sau nàng mới đến vườn hoa Lagny. Nàng đẩy vào cánh cửa nhỏ, nhưng cửa đóng bên trong. Indiana muốn lẻn vào, không để cho bọn gia nhân nhìn thấy, làm Raymon ngạc nhiên. Nàng đi dọc tường vườn hoa. Bức tường cũ lắm rồi. nàng nhớ lại rằng bức tường có nhiều chỗ trống, may thay nàng tìm thấy một chỗ và vượt qua không khó khăn gì lắm. Đặt chân lên mảnh đất thuộc về Raymon và từ nay sắp trở thành chỗ nương náu của nàng, thánh đường của nàng, pháo đài và quê hương của nàng, nàng cảm thấy tim nhảy lên vì vui sướng. Nhẹ nhàng và đắc thắng, nàng vượt qua những con đường ngoằn ngoèo mà nàng biết rất rõ. Nàng vào khu vườn kiểu Anh mà ở phía này rất tối và hiu quạnh. Cây cối ở đây không cò gì thay đổi; nhưng chiếc cầu có thể gợi cho nàng kỷ niệm đau lòng đã không còn nữa, dòng sông cũng đã không còn ở chỗ cũ, những chỗ có thể gợi nhớ đến cái chết của Noun đã thay hẳn bộ mặt. “Chàng muốn loại bỏ cho ta những kỷ niệm ác nghiệt ấy – Indiana nghĩ – Chàng lầm ta có thể chịu đựng nổi điều đó. Chẳng phải là vì ta mà chàng phải chịu sự cắn rứt lương tâm trong đời chàng sao? Từ này hai ta hết nợ, vì ta cũng đã phạm một tội như thế. Có lẽ ta đã gây ra cái chết của chồng ta. Raymon có thể mở rộng hai tay đón ta, chúng ta yêu nhau, vì vậy chúng ta vô tội và đức hạnh”. Nàng sang sông trên những tấm ván mà người ta đặt ở chỗ mà người ta định bắc cây cầu mới, và qua khu đất trồng hoa. Nàng buộc phải dừng lại, bởi vì tim nàng đập như muốn vỡ, nàng ngước mắt nhìn về cửa sổ căn buồng cũ của mình. Hạnh phúc thay! Những tấm rèm xanh lộng lẫy ánh sáng. Raymon ở đấy! Anh có thể ở căn buồng nào khác? Cửa cầu thang bí mật bỏ ngỏ. “Chàng chờ đợi ta từng phút một – Nàng nghĩ – Chàng sẽ hạnh phúc, chứ không bất ngờ”. Lên hết cầu thang, nàng dừng lại để thở: nàng cảm thấy nàng đủ sức chịu đau đớn hơn là hưởng hụ niềm vui. Nàng cúi xuống nhìn vào lỗ khóa. Raymon có một mình, đang đọc ách. Đúng là chàng, đúng là Raymon tràn đầy sức sống. Đau buồn không làm chàng già đi, những cơn bão táp chính trị không lấy mất một sợi tóc trên đầu chàng. Chàng ngồi kia, hiền lành và đẹp trai, trán tì vào bàn tay trắng trẻo lấp trong đám tóc đen. Indiana nhanh nhẹn đẩy cửa, cửa mở ra không vướng mắc gì. - Anh chờ đợi em! – nàng kêu lên, quì xuống và gục đầu vào lòng Raymon – anh đã tính tháng, tính này! Anh biết thời hạn đã qua rồi, nhưng anh cũng biết rằng em không thể không đáp ứng lời kêu gọi của anh… Chính anh đã gọi em tới, em đến đây, em đây! Em chết mất thôi! Ý nghĩ lẫn lộn trong đầu nàng. Một thời gian nàng im lặng, thở hổn hển, không thể nói ra lời, cũng không thể suy nghĩ. Rồi nàng lại mở mắt, nhận ra Raymon, như thể bừng tỉnh giấc mơ, kêu lên môt tiếng vui sướng và cuồng nhiệt, áp miệng vào môi anh ta, điên cuồng, nồng nàn và hạnh phúc. Anh ta tái nhợt, im thích, không nhúc nhích, như bị sét đánh. - Anh không nhận ra em sao? – nàng kêu lên – Indiana của anh đây. Kẻ nô lệ mà anh đã gọi từ nơi đi dày về đây, kể nô lệ đa vượt qua ba ngàn dặm để yêu anh và phục vụ anh. Người bạn đời mà anh gọi về đã lìa bỏ tất cả, liều với mọi nguy hiểm, bất chấp tất cả để đem lại cho anh khoảng khắc vui sướng này! Anh có hạnh phúc không, có hài lòng về em không, nói đi? Em chờ được ban thưởng; một lời thôi, một cái hôn là em sẽ được đền bù gấp trăm lần. Nhưng Raymon không trả lời gì hết. Sự nhanh trí đáng phục cua anh ta đã lìa bỏ anh ta. Anh ta bàng hoàng vì bất ngờ, vì ân hận và khiếp sợ khi thấy người phụ nữ này ở dưới chân anh; anh ta úp mặt vào hai bàn tay và chỉ muốn chết đi cho rồi. - Trờ ơi! Trời ơi! Anh không nói với em, anh không ôm hôn em, anh không nói gì với em! – Bà Delmare kêu lên, ghì hai đầu gối Raymon vào ngực mình – Vẫy là anh không thể đáp lại em ư? Hạnh phúc làm ta đau khổ, nó giết chết người, em biết lắm! A, anh đau khổ, anh ngạt thở, em đến bất ngờ làm anh sửng sốt! Hãy nhìn em một chút; hãy nhìn xem em xanh xao như thế nào, em già đi như thế nào, em đau khổ biết bao! Nhưng đấy là vì anh, như thế anh sẽ càng yêu em hơn. Nói với em một lời đi, một lời thôi, Raymon. - Anh muốn khóc – Raymon nói bằng giọng nghẹn ngào. - Em cũng thế - nàng vừa nói vừa tới tấp hôn tay anh ta – À vâng, như vậy tốt thôi. Khóc đi, hãy gục đầu vào ngực em mà khóc, em sẽ lau nước mắt cho anh bằng những cái hôn của em; em mang hạnh phúc đến cho anh, em sẽ là bất cứ cái gì mà anh muốn, người bạn đời của anh, đầy tớ của anh, người tình của anh. Trước kia em đã rất độc ác, rất điên rồ, quá ích kỷ. Em đã làm anh đau khổ nhiều, em không muốn hiểu rằng em đòi hỏi ở anh những điều vượt quá sức anh. Nhưng từ đó em đã suy nghĩ kỹ, và một khi vì em mà anh không còn e ngại dư luận nữa thì em không có quyền khước từ anh bất cứ sự hy sinh nào. Bản thân em, dòng máu em, đời em tùy quyền anh sử dụng, em là của anh, cả thể xác lẫn tâm hồn. Em vượt ba ngàn dặm là để thuộc về anh, để nói với anh điều đó. Hãy đón nhận em, em là tài sản của anh, anh là ông chủ của em. Tôi không biết một ý nghĩ quỷ quái nào đã vụt đến trong óc Raymon. Anh ta buông hai bàn tay co quắp đang ôm mặt và nhìn Indiana với một vẻ thản nhiên ma quái. Rồi một nụ cười ghê rợn thoáng hiện trên môi anh ta và mắt anh ta long lanh, vì Indiana vẫn còn xinh đẹp. - Trước hết phải tìm chỗ ẩn náu cho em đã – anh ta đứng lên, nói. - Tại sao em lại phải ẩn trốn ở đây? – nàng nói – Anh chẳng phải là chủ ở đây để có thể che chở cho em sao? Em chẳng còn có ai trên đời này, chẳng phải là không có anh thì em sẽ trở thành con ăn mày trên đường cái sao? Cần quái gì, ngay cả giới xã giao cũng không thể quy tội cho anh vì anh yêu em nữa; chính em đã gáng lấy hết mọi tội lỗi… chính em… Nhưng anh đi đâu đấy? – nàng la lên khi thấy anh ta đi về phía cửa. Nàng bám lấy anh ta, như một đứa trẻ khiếp hãi sợ bị bỏ lại một mình trong chốc lát, và quỳ gối lết theo anh ta. Anh ta muốn ra đóng cửa lại thật kỹ. Nhưng muộn quá rồi. Cửa mở khi anh ta chưa kịp đặt tay tới, và Laure de Nangy bước vào, không thốt lên một tiếng kêu nào, cúi xuống một chút, nheo mắt nhìn người phụ nữ đã ngã xuống đất, gần như ngất xỉu, rồi mỉm cười chua chát, lạnh lùng và khinh miệt: - Bà Delmare, tôi có cảm giác rằng bà lấy làm thú vị vì đã đặt ba người vào một tình thế lạ lùng; nhưng tôi cám ơn bà đã cho tôi vai trò lố bịch nhất; và bây giờ tôi xin trả ơn bà. Xin mời bà ra khỏi nơi này cho. Sự phẫn uất khiến cho Indiana lấy lại được sức lực. Nàng đứng lên, cao lớn và mạnh mẽ. - Người phụ nữ này là ai? – nàng nói với Raymon – Và cô ta có quyền gì ra lệnh cho tôi ở nhà anh? - Bà đang ở nhà tôi, thưa bà – Laure nói. - Ông nói lên đi, thưa ông! – Indiana kêu lên, như điên như dại lắc tay anh chàng khốn khổ - Ông nói cho tôi biết đi: đây là người tình hay vợ ông? - Đây là vợ tôi – Raymon trả lời, vẻ ngớ ngẩn. - Tôi tha thứ cho bà vì bà không biết rõ – bà de Ramiere nói với một nụ cười độc ác – Nếu bà vẫn ở nơi mà bổn phận đã quy định cho bà thì bà sẽ nhận được giấy báo tin mừng về đám cưới của ông de Ramiere. Nào, anh Raymon – cô nàng nói thêm bằng một giọng ôn hòa, châm chọc – tôi thương hại sự lúng túng của anh; anh còn hơi trẻ quá, tôi hy vọng anh sẽ hiểu răng trong đời cần cẩn trọng hơn. Tôi để cho anh liệu cách chấm dứt cái cảnh vô lý này đi. Nó khiến tôi phải cười nếu như anh không có cái vẻ khổ sở như thế. Nói đoạn, cô nàng lui ra, khá hể hả vì đã xử sự một cách đường hoàng, đắc chí trong lòng vì việc bất ngờ vừa xảy ra đã đặt chồng mình vào địa vị thấp kém hơn mình và phụ thuộc vào mình. Khi Indiana đã tỉnh trí lại, nàng thấy mình đang ở trong chiếc xe kín mít chạy nhanh về Paris.