---~~~mucluc~~~---

Năm 1940
KHÔNG ĐÓ THÌ ĐÂY
Phóng sự

Dưới đề mục này, thường đặt ở đầu các số TBTVCN trong năm 1940, Vũ Bằng viết dưới bút danh Tiêu Liêu, đề cập đến các chuyện thời sự trong tuần trước. Các kỳ đăng tập hợp được,  tôi xếp  chung thành một bài lớn, nhưng có ghi xuất xứ của từng kỳ đăng báo. (CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI SƯU TẦM)
 
Thứ hai – Vì lúc này nước Pháp không thể cung cấp hộ như trước nữa, nên Đông Dương phải chịu lấy món tiền về hải lục không quân, mà riêng xứ Nam Kỳ phải trả 2 triệu 200 nghìn đồng về việc đó. Số tiền đó, kiếm đâu ra? Báo Effort bàn nên đánh thuế những anh chàng nhiều vợ.
Hay! Nhưng sao lại bất công như thế, chỉ đánh những anh nhiều vợ mà thôi? Tôi tưởng ta nên bàn với Chính phủ ở đây đánh thuế cả những ả nhiều chồng, và nếu cần thì đánh thuế cả những anh chàng chị chàng đã lớn tuổi mà không có vợ có chồng nào cả. Những hạng sau này là hạng “trốn nợ” không muốn đẻ con giúp nước.
Còn hạng đàn ông nhiều vợ, tôi tưởng không những đáng thưởng mà thôi, trái lại, lại còn nên khuyến khích là khác nữa. Vả lại, nhiều vợ, cái kiếp anh đàn ông đã khổ lắm lắm rồi, bây giờ lại đánh thuế nữa thì tội nghiệp cho họ quá!
Thứ ba và Thứ Tư − Ở Biên Hoà, Nguyễn Văn Xòn 57 tuổi, mù cả hai mắt, có một người vợ trẻ mê một chú tên là Xuông. Một hôm, Xòn đi chơi về nghe thấy tiếng Xuông với tiếng vợ mình ở trong phòng, Xòn giận quá, xông vào phòng và tóm được cả đôi gian phu dâm phụ, đâm vào hông và bụng bị thương khá nặng.
Mù cả hai mắt mà tóm được cả gian phu dâm phụ, Nguyễn Văn Xòn thực là tài. Mà xem như thế thì lắm khi có con mắt cũng chẳng làm gì cả…
Xem như chuyện anh thầy bói sáng ở Ninh Bình mới đây thì biết. Lý Đ. ở phố Phúc Sơn đương bị bệnh tình day dứt một hôm tìm đến một ông lốc cốc (chết) tử chết tiệt để xem. Ông này sáng cả đôi mắt hùng hồn phán cho con bệnh biết rằng ông ta bị ma Mường làm, nếu không chữa ngay lập tức thì còn ba hôm nữa chết. Lý Đ. không nhịn được cười và cũng không nhịn được tức, sẵn gậy của thày bói đấy, bèn giả vờ như bị ma Mường làm thực, đánh đá lung tung và hơn nữa, cứ đầu thày bói mà phang lia lịa. Sau thấy có một cuốn sách chữ Hán để đó, Lý Đ. bắt anh thày bói sáng kia phải đọc mấy chữ để xem thì té ra là… Thưa các ngài, anh thày bói sáng ấy cúi xuống lạy con bệnh và thú thực rằng mình chỉ là một anh.. hàng phở thất học từ năm lên một!
Anh thày bói sáng nọ, thoát nạn phen này, làm gì mà chẳng muốn chọc đôi con mắt cho đui để nói và làm “bách phát bách trúng” như Nguyễn Văn Xòn trong Biên Hoà.
Thứ Năm và Thứ Sáu – Hôm 22, hai quan viên là B. và T. cao hứng vào chơi nhà đào H. ở Bắc Giang và hát xong định đánh bài “tẩu mã” nhưng không được, hai vị quan viên nọ bị cô đầu xé rách áo tan tành và đành phải cởi trần trùng trục như Hứa Chử và mang một mối hận thiên thu ra về.
Bị cô đầu đánh rồi lại bị cô đầu lột áo quần, cái nghề quan viên ở đất này rõ là bị coi thường và bị “bóc lột” quá, còn chờ gì mà không họp nhau lại thành ái hữu để “củng cố” cô đầu và đối phó lại với họ những khi bị “lột”?
Thứ Bảy – Cụ Lê Chúc, quán làng Phúc Lộc thuộc phủ Diễn Châu ở Nghệ An nhờ trời phù hộ đã được 50 tuổi, nhưng vẫn chưa có cậu con trai nào để nối dõi sau này. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, ông bèn bàn với cụ bà lấy một ả hầu non đấm bóp, nhưng chết một cái cụ bà lại hay ghen, thành thử hợp ước vẫn chưa bao giờ ký cả. Tức mình, cụ Lê Chúc bèn đi ăn thịt chó cho hả giận và ở cửa hàng thịt chó, cụ gặp một cô hàng rượu thật ngon, – ngon cả người và ngon cả rượu. Cụ bèn dùng lối đại tấn công chớp loáng tán luôn và chỉ ít câu sau, ở một cái “pô-pốt” [1] kia, cụ và cô đã chung sống một cuộc đời tươi đẹp và phóm phém. Bất ngờ cụ bà biết. Và rình đúng lúc cụ ông say đương ngâm câu: “Còn giời, còn nước, còn non, Còn cô bán rượu, anh còn say sưa”, thì bà cụ xông vào hét lên ba tiếng và xé quần xé áo cụ ông trần ra như nhộng.
Vừa giận, vừa xấu, cụ Lê Chúc về nhà nhất định bắt chước luôn những anh quá khích hồi trước ở các nước, tuyệt thực để phản đối chính phủ, − cái chính phủ “ma phăm”.[2] Ba ngày liền cụ không ăn gì cả mà chính phủ vẫn không chịu nhượng bộ, cụ Lê Chúc tức quá bèn lên gác ba từng thiết lễ cúng tổ đường và cha mẹ xong, quẳng bát hương thờ tổ xuống gác và treo cổ lên xà nhà tự tử.
Tự tử? Thế mới rắc rối tơ. Muốn tránh tội bất hiếu, nên bàn với vợ lấy vợ lẽ cho mình có con. Ông già Chúc đã chẳng có con thì chớ lại chết quách nữa, thành ra bất hiếu một lần không muốn lại muốn bất hiếu hai lần. Và biết đâu đấy? chẳng bất hiếu ba lần, bất hiếu bốn lần, vì ông ta để những hai vợ ở lại trên trần thế… bồ côi bồ cút.
Chỉ nên lấy làm lạ sao ông già kia lại vớ vẩn đập bát hương thờ tổ trước khi treo cổ lên xà nhà? Người ta nghi rằng ông già Chúc không biết câu hát “Gái kia chồng chẳng nằm cùng; Tức giận đùng đùng ném…chó xuống ao”, nên mới làm một cái cử chỉ… bất hiếu thứ năm như thế! Nghĩ mà buồn!

TIÊU LIÊU

Trung Bắc tân văn chủ nhật, Hà Nội, s. 30 (22/9/1940)

 
Thứ hai – Vừa rồi quan Thống sứ Bắc Kỳ vừa gửi một tờ thông tư nhờ các quan đầu tỉnh để ý đến lối dùng chữ đề biển của các nhà giồng răng. Theo điều nhận thấy của ngài thì một số nhà trồng răng Khách và ta, muốn quảng cáo cho cửa hàng cửa họ, đã dùng những chữ to quá, – như chữ nha y sĩ (chirugien dentiste) chẳng hạn – để cốt bịp bọn người. Quảng cáo như vậy là nói phét. Quảng cáo như vậy là lạm dụng. Không thể được nữa, cái lối quảng cáo đó phải trừ cho tiệt hết đi.
Thứ ba – Thấy tờ thông tư như thế, nhiều người lấy làm lo cho những ông lang băm lang bổ ở đây, không giỏi chữa bệnh, nhưng giỏi làm những quảng cáo dùng toàn những chữ “đao to, búa lớn”.
Tuy vậy, ta phải nhận rằng cái lối quảng cáo đó, các ông lang ta độ này đã thấy đỡ rồi, nhưng một hạng người nói phét mới đây lại hiện ra và làm cho người ta khổ vì những thứ quảng cáo kêu vang như sấm nổ (hay một chữ cũng na ná thế). Đó là những ông văn sĩ của những nhà xuất bản “ma chơi” tự mình viết những quảng cáo ca tụng mình. Mà những quảng cáo đó như thế nào?
− Đây là một tác phẩm mà dịch giả, ông Mỗ, đã không cầm được nước mắt khi chữa lại épreuves. [3]
− Đây là một cuốn truyện mà chính tác giả, ông Mỗ cũng phải nhận là hay nhất trong những tác phẩm mình đã viết…
− Cuốn văn mà ông Mỗ dịch đây là một cuốn tiểu thuyết mà chính ông Mỗ đã phải nhận là hay nhất…
… Tuồng như là ông Mỗ dùng để làm unité [4] đo sự hay dở của văn chương nước khác y như lúc nhỏ ta đã học: “Le litre est l’unité des mesures de capacité” [5] vậy.
Thứ tư  –  Nghề văn bằng quảng cáo hay ho được đến thế, ta cũng nên lấy làm mừng. Duy chỉ có những ông bán dầu “cù là” trên xe lửa phen này thật là tha hồ mà lo, – lo có một bọn người trong xã hội xưa nay vẫn có tiếng là có ăn học ra tranh mất cái nghề: “Dầu cù là… nào! Trong uống ngoài xoa, mua một biếu một, các người chớ có bỏ lỡ một dịp may hiếm có!”
Thứ năm – Xã Cự Linh, phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh vừa xẩy ra một chuyện thày dậy võ vụt một gậy vào đầu Nguyễn Xuân Tảo tức thì người trò ấy trở vào nhà thương được ba ngày thì chết.
Nhiều người đọc kiếm hiệp nghe thấy tin này đều lấy làm hồi hộp và đã đi hỏi dò cho kỳ được cái tên thầy võ kia đã đánh cái miếng gì mà hay thế, hay hơn cái miếng “kim kê sao nguyệt hoãn” ở trong truyện kiếm hiệp và võ hiệp vẫn đăng trên các báo hàng tuần và hàng ngày nữa.
Thứ sáu – Nói đến chuyện võ hiệp và kiếm hiệp tung phép lên giời và thả ra những cái hồ lô biết bay, ta không thể quên nói đến tàu bay Nhật ở quân đội Quảng Đông hôm 23 đây, bay lượn ở trên đất Bắc Kỳ. Các máy bay ấy không định bay đến địa phận Hà Nội. Còi báo động kéo lên hai bận gần như liên tiếp nhau. Bận thứ nhất từ 12 giờ 15 đến 12 giờ 47 phút; bận thứ hai từ 12 giờ 55 đến 2 giờ kém 15 mới lại có còi báo hết. Thành phố Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Giang, Hà Đông, Bắc Ninh đều có báo động và nhốn nháo cả lên. Mọi nhà đều đóng cửa. Nhưng có một điều rất đáng phàn nàn là ở Hà Nội và các tỉnh khác một số đông đàn bà con trẻ và cả đàn ông nữa, không biết trọng trật tự, cứ đứng nghễu nghện ra giữa đường mà cười nói om xòm, có ông lại nghếch mũi lên giời để xem “Dựt-pổn phi ký” là khác nữa. Họ không sợ? Họ không sợ mất mũi của họ, cái đó đã đành rồi, nhưng họ có biết đâu rằng họ làm như thế tức là làm hại cả đến sự trật tự chung.
Nói tóm lại, bao nhiêu việc đáng tiếc đó sở dĩ xảy ra chẳng qua là vì những người ấy không biết gì cả; họ không biết bom đạn tai hại như thế nào. Và cũng bởi họ điếc. Điếc không sợ súng!
Thứ bảy – Sáu giờ sáng hôm 24/9/40, lại có còi báo động, từ 6 giờ kém 5 đến 8 giờ rưỡi hết. Và luôn hai hôm 25 và 26/9/40 cũng lại có còi báo động nữa. Sở dĩ có còi báo động luôn như thế là vì có phi cơ Nhật Bản bay lượn ở trên thành phố Hải Phòng và đến gần Hà Nội.

Theo đúng hợp ước, quân Nhật đã tới Hải Phòng ngày thứ năm 26/9/40. Lúc báo này lên khuôn, tình thế đã yên. Sự hiểu nhầm đáng tiếc đã dàn xếp xong: những xe bò đồ đạc đem đi lánh nạn đã lại lù lù dẫn về, những ông quần soóc dắt dao găm và những bà búi tóc ngược mặc giả làm đàn ông hùng dũng tợ… chạy về quê trốn tránh đã lần lượt kéo nhau ra tỉnh để làm ăn như thường. Mà cả các cô trốn nhà đi lánh nạn với trai ở… phòng ngủ cũng đã về với bố mẹ anh em ở nhà. Đó là điều nên mừng nhất!

TIÊU LIÊU

Trung Bắc tân văn chủ nhật, Hà Nội, s. 31 (6/10/1940)

Thứ hai – Sang đến tuần lễ vừa qua tình hình trong nước ta đã yên lắm, không còn như tháng trước. Ngày 7 Octobre, các trường công đã mở cửa để đón học trò. Phố xá lại sáng sủa như thường. Cảnh buôn bán lại sầm uất. Quân lính còn lại ở Lạng Sơn đã trở về. Theo đúng hợp ước, phi cơ Nhật đã đến trường bay Gia Lâm và quân Nhật đã đóng ở Hải Phòng.
Những người bị nạn bom ở đó đã được làm lễ an táng chu tất lắm. Các quan chức Nhật nói sẽ đền tiền cho những người bị nạn bom nổ ở Hải Phòng. Hải Phòng lại sống trong một không khí yên vui ngày trước. Khắp mọi nơi, người hiếu kỳ đều muốn đến xem cái thành phố nhộn nhịp kia và những hiệu cao lâu, những cửa hàng buôn bán lại được dịp làm ăn sầm uất. Cố nhiên là có nhiều nhà lợi dụng lúc này để đầu cơ. Những bọn đầu… trộm đuôi cướp lúc này không hoành hành được mấy tý bởi vì họ đã bị liệt vào bọn “thanh tích bất hảo” và đem đi an trí một chỗ rồi. Nhưng ai đã đi qua ểai Phòng, nhất là vào hồi này, thì cũng đều phải nhận rằng bọn “chạy” hoành hành dữ quá: chúng nó ăn cắp một cách rất công nhiên đến nỗi bắt không xuể nữa.
– Đó là vì túng đói mới phải sinh ra như thế, cái đó đã đành rồi, nhưng ta không thể không nhận rằng chúng nó mà hư hỏng như thế cũng tại vì lười biếng. Cho nên ai thì không biết, chứ riêng tôi thì tôi cho cái nạn “chạy” đó, lúc này hơn cả bao giờ, ta phải trừ cho thật tiệt đi!
– Bắt bỏ tù? Vô ích!
– Cho lên nhà Trừng giới để dạy dần dần? Chưa chắc đã có kết quả đâu!
Âu bằng, từ giờ trở đi, ta cứ xin nhà chức trách thi hành một chính sách rất gắt gao mà thực tế vì tôi nghĩ rằng dù xấu đến đâu, dù đến nghiện thuốc phiện là khó bỏ nhất, mà cứ thẳng tay để trị thì đâu cũng vào đó hết.
Một nước muốn tiến không thể do dự được. Vậy kể từ bọn chạy trở đi ta phải thi hành một lối trừng trị rất gay go là vì bắt được tên ăn cắp nào lần thứ nhất thì bắt nó vén tay lên để ta tràm một chữ “cược” vào là tốt nhất. Đến lần thứ hai, nếu như nó không chừa, ta tràm hai chữ “cược” vào ngực, mà nếu nó vẫn không chừa nữa thì cái hình phạt cuối cùng lúc ấy sẽ giở ra là ta lấy ngay cái trán nó mà tràm hai chữ “cược”. Có gọi là đến chết cũng không rửa được nhục nhé!
Mà chúng ta, chúng ta, lúc ấy, dại gì mà thấy một người có ba chữ “cược” khắc toét toè loe trên trán, chúng ta lại chẳng đưa hai tay vào túi mà đề phòng quân “chạy”! … cho những đồ vật hay tiền bạc trong túi ta đừng chạy đi?
Thứ ba – Theo các báo Pháp thì năm nay có lẽ không có phần thưởng của Hàn lâm viện Goncourt tặng cho các văn sĩ Pháp.

Kiểm duyệt bỏ
Vả lại, từ khi ông Rosny ainé [6] tạ thế, thì chỉ còn có 9 ông Hàn trong viện Hàn lâm Goncourt mà thôi, 9 ông này lại ở rải rác khắp nước Pháp. Ông Sacha Guitry hiện ở Paris, các ông René Benjamin, Lucien Descaves và Rosny jeune cũng ở tại những miền bị chiếm. Ông Leo Largnier thì ở tại quận Gard. Ông Léon Daudet hiện ở gần Limoges, Ông Jean Ajalbert ở Cantal, còn Ông Roland Dorgeles thì hiện ở Marseille. Ông Francis Carco, hiện ở Nice, viết rằng: “Phải có chiến tranh và những sự thay đổi như thế này thì các văn sĩ và nghệ sĩ mới nhớ nơi cố lý”. Thật là một câu nói đượm một vẻ buồn triền miên cho số phận con nhà cầm bút và ta thấy đầy một tấm lòng thương xót nhau, mến yêu nhau.
Nhưng đó là nói về văn sĩ Pháp. Còn văn sĩ ta?
Văn sĩ ta trong lúc thế giới đương trải nạn chiến tranh thảm khốc, nhờ trời vẫn được bình yên, chưa được gột rửa khối óc và biết đến “lòng thương” là thế nào nên chỉ ra công mà chiến… thuốc phiện ở những tiệm hút công khai và nói khoác nếu không phun ra những nọc căm tức và đố kỵ!
Thuốc phiện dăm ba điếu vào rồi, họ coi trời bằng vung cả, và bất cứ nói đến một kẻ có tiếng tăm nào, họ cứ dương cái mắt trắng dã, vêu cái môi thâm hay hất cái đầu bù bù mà “xổ toẹt” cả, chỉ bởi một lẽ những kẻ có tiếng ấy không vào một “cờ-lăng” [7] với họ. Họ có biết đâu làm như thế là bỉ ổi? là hèn? là thấp kém?
Cái tài của người ta, phải đâu chỉ ở chỗ quảng cáo thật trơ, mà cũng không do ở chỗ “hạ” người khác xuống. “Hạ người khác xuống thì trời lại nâng họ lên cao” câu ấy đã viết ở Sấm truyền,[8]  họ đã từng ngã vào mấy trang truyện ngắn của Stephan Zweig [9]  sao lại còn không biết. Cho nên dù tôi sợ chiến tranh đến thế nào đi nữa mặc dầu, tôi cũng cứ phải nhận rằng chiến tranh tuy vậy cũng đã làm ích cho văn sĩ và nghệ sĩ không phải nhỏ. Biết bao giờ cho mấy ông văn sĩ chỉ biết nằm tiệm kia mở mắt mà nhìn thấy sự thay đổi ở Âu châu?
Thứ tư – Thiếu tướng Nishiharo được cử sang Đông Dương trong khi đang giữ chức giám đốc trường đại binh bị nên không thể ở lâu được Đông Dương. Vì vậy, chính phủ Nhật đã cử nguyên soái Sumita sang đây giữ chức trưởng đoàn phái bộ Nhật. Nguyên soái Sumita là giám đốc trường trọng pháo (Ecole de l’Artillerie lourde) đã từng làm uỷ viên quân sự tại toà đại sứ Nhật ở Paris từ năm 1933 đến năm 1938.
Thứ năm – “Ông Vũ Đình Song một điền chủ giầu có nhất xã Trường Loát, phủ Nghĩa Hưng (Thái Bình) đã từng đi lính đóng cai và làm hộ phố Sầm Nứa, nay về quê làng, muốn đem tiền mua lấy chức công danh trong dân xã. Hồi tháng Mai năm nay, thấy trong tổng khuyết chân chánh tổng, ông Song quyết ra tranh cử, nhưng khi đã đầu đơn rồi thì có phó tổng Trần Hữu Chương ra tranh. Biết không đủ lực lượng đối với người tranh mình, ông Song mới nghĩ cách đem tiền ra lo chạy, thì vừa có ông Võ Văn Lý ngỏ ý muốn giúp ông. Theo lời ông Song thì ông Lý nói có quen một viên giáo sư có thế lực, có thể chạy được chức ấy. Ông Song cùng Lý đến nhà viên giáo sư ấy. Viên này bảo ông nạp bằng cấp của nhà binh phát cho và 2000$ để lo chạy. Nhận tiền rồi viên ấy bảo ông cứ về nhà đợi, đến kỳ bảo cử sẽ ra và không cần mua cử tri nữa. Ông Song mong đợi đã mòn con mắt, cho đến tháng sau, ông lại nhận được thiếp của phó tổng Trần Hữu Chương mời ăn khao, vì y đã trúng cử Chánh tổng. Ông Song bèn cùng ông Lý tới nhà viên giáo sư hỏi thì viên ấy nói một giọng lạnh lùng là Song kém với chánh tổng Chương, không thể lo được, còn số bạc hẹn hôm sau đi Hà Nội về sẽ trả. Đến kỳ hẹn, ông Song lại đến hỏi thì viên ấy nói đã giao cho ông Lý trả 1000 đồng còn 1000 đồng nữa sẽ trả sau. Ông Song có đơn kiện, nhà chức trách đương tra xét…”
Xuất 2000 đồng bạc để mua một chức chánh tổng! Xì! Rõ đã đứt ruột (ruột người và ruột… tượng) chưa?
Cái tính di truyền ham danh chuộng tước của người mình, in vào trong óc mỗi người rất sâu, cho đến ngày nay đã chung đụng với những người văn minh mãi mãi rồi mà cũng không sao rửa sạch, thật là đáng tiếc. Cho nên đọc xong cái tin trên, những người hữu tâm không thể không khỏi buồn rầu. Họ bảo: Phải chi tên Vũ Đình Song đó xuất số tiền ấy làm việc ích chung thì đáng khen biết bao nhiêu. Tiếc vì y có cái não ham chuộng hư vinh nên mới có kẻ gãi nhắm chỗ ngứa mà toan gạt, kẻ đi phỉnh vẫn là vô lương tâm mà người xuất tiền mua danh cũng đáng một bài học vậy.
Phải lắm. Phải lắm. Nhưng ông bạn hữu tâm không biết cho rằng cái lỗi đó không phải chỉ riêng của kẻ mua danh. Nếu ta cần kể tội thì ta phải kể tội cái óc dân mình trước đã, ở đình trung không có một chức tước: không sang; ở tỉnh lỵ không có tiếng quan phán quan tham: không gớm.
Sự tiến của dân tộc vì đó mà cứ thụt lùi dần bởi vì người ta không biết bổn phận là thế nào, giá trị làm người là thế nào. Họ chỉ cần có một cái tiếng thôi cũng như anh giầu hà tiện chỉ cần được kêu là giầu là đủ chứ có cần gì ăn ở cho đầy đủ bao giờ đâu?
Tôi tưởng rằng một người như Vũ Đình Song ít ra cũng còn dám bỏ tiền ra để người khác tiêu hộ, dù là hắn mắc bệnh hư danh. Chứ những kẻ chôn tiền ở thôn quê thì mới thực là những hạng người đáng cho ông bạn hữu tâm của tôi nhiếc móc om sòm vậy.
Thứ sáu − Ít lâu nay, không cần phải để ý gì cho lắm, ai ai đọc báo hàng ngày thảy đều thấy… rùng mình. Không, không phải vì một ngày Đức đem đổ 120.000 kilos bom hạng nặng xuống đảo Anh-cát- lợi đâu, nhưng rùng mình bởi chính những việc ở nước ta: ít ngày lại có một vụ đổ máu, mà không phải đổ máu thường đâu, mà lại đổ máu ghớm ghiếc, tưởng tượng như xưa nay chưa từng có.
Ở Thái Bình, hồi 2 giờ đêm 29/9/40, một vụ giết người rất tàn bạo, kẻ bất hạnh bị chém chi chít tới 18 nhát dao khắp mặt như băm bầu, cổ bị ghì bóp sưng to.
Giữ cháu gái không cho về với chồng con, bà phủ Huê Sài Gòn bị cháu rể chém chết. Thủ phạm đâm vợ hàng mấy chục nhát dao xong đi đến nhà hội đồng nộp mình.
Ô. Hoàng Đình Kỳ thư ký toà Khâm, Huế, cầm dao mổ bụng tự tử vì tình hay bị ai… ám sát?
Ở Bắc Ninh: Vào nhà đè bạn xuống chọc tiết mà mồm vẫn cười và nói: “Tôi giết anh đấy!”
Ở Hưng Yên: Một ông già 71 tuổi đang ngủ bị con giai chặt đầu xách bỏ hòm bởi vì “Để cho bố tôi sống sợ lộ thiên cơ, nên giết đi cho nó tiêu thoát”.
Tôi đan cử mấy vụ án mạng gần đây để độc giả biết chơi chứ quả thực ít lâu nay những vụ án mạng như thế thực nhiều và thực khiếp; cần nói những người lớn bị ảnh hưởng vì những tin đổ máu rùng rợn đó thế nào, chứ cứ nói riêng về đàn bà và con trẻ thì tai hại không thể nào tả hết. Thần kinh họ bị hỏng lần lần. Họ sống luôn luôn ở trong sự kinh khủng và có kẻ sẽ đâm ra sợ lẫn đồng bào mà họ tưởng là hạng uống máu người không tanh.
Nguyên do vì đâu? Mặc ai muốn nói gì thì nói chứ tôi thì tôi nhất quyết rằng: bao nhiêu những sự ghê gớm đó đều một phần lớn do chiến tranh thế giới mà ra cả. Những kẻ sát nhân sở dĩ dám làm những việc rùng mình như thế, chính là bởi tự thần kinh họ bị rối loạn. Về thời này, vả lại, những báo hàng ngày ở đây, ít lâu nay lại có cái thói là hay “trương” to những vụ ám sát dữ tợn lên quá, thành thử những kẻ hơi bất đắc chí một chút, hơi phiền lòng một chút đều muốn bắt chước những người đi trước mà làm những việc dữ tợn bằng thế hay hơn thế trước khi chịu chết.
Các ông làm báo hàng ngày ở đây tất không bằng lòng. Nhưng sự thực là vậy. Mà chứng cớ chắc chắn là việc xử tử tội nhân ở nhà pha Pháp và các thuộc địa ít lâu nay, chính chánh phủ cũng cấm không cho các báo tường thuật lại làm gì cho ghê rợn. Ngay chính những người đến xem xử tử ở nhà pha cũng không được nữa bởi vì sắc lệnh cấm xử tử ở những nơi có người đi qua lại và người ta phải xử tử những phạm nhân ở nhà pha. Thế thì không hiểu tại sao, trong khi không được tường thuật những vụ xử tử, các báo hàng ngày lại không biết thế mà cứ đem phóng đại những vụ án mạng ghê gớm mà tôi đã nói trên kia lên mặt báo làm gì cho kinh hồn?
Thứ bảy − Nói thế mà thôi, chứ trong khi độc giả vẫn còn thích những chuyện kiếm hiệp đánh nhau giết nhau thật quái ác và xem những tin vấy máu ở trên mặt báo chương, mà trong khi ấy thì tờ báo vẫn phải sống vì độc giả thì còn biết làm sao?
Chao ôi, thật là khó giải quyết, cho nên câu chuyện này ở trong Nam đã làm đầu cho một cuộc cãi lộn giữa hai bạn đồng nghiệp Pháp, Nam.
Bạn đồng nghiệp Pháp viết:
“Gần đây báo chí quốc âm, thứ nhứt các báo hàng ngày, hình như để dành những cột báo cho các vụ án mạng và cướp giật một cách dài rộng. Hết hai phần ba tờ báo đều để tán dương (!) các vụ án mạng và sự tàn ác của bọn côn đồ với những cái tít sắp chữ thật to! Cách làm quảng cáo lạ lùng, dành riêng cho hành động và cử chỉ của hạng người đáng đem ra cột trụ xử giảo, có thể gây nên ảnh hưởng rất có hại!”
Y như chúng tôi đã đoán, bạn đồng nghiệp hằng ngày ở trong Nam không bằng lòng. Và tức thì, một cây bút có tài, Nam Dân, bèn trả lời lại:
“Công việc ấy có hại hay không? đã có độc giả xem xét phẩm bình. Song chúng tôi xin phép nhận ra rằng: Một hai khi nó cũng có lợi nữa. Lợi cho thám tử đỡ phải mất công tìm tòi, nã tróc hung phạm, lợi cho công chúng đồng bào bớt được mối nguy”.
Tuy xưa nay vẫn kính phục cây bút của Nam Dân, tôi, lần này cũng không thể chịu những lời bạn nói là hoàn toàn là phải.
Nếu bạn không giận, thì tôi sẽ nói thêm rằng: Những lời bạn nói chỉ toàn là phách lối.
Không kể bạn là một người biết kính trọng nghề nghiệp làm gì, chứ thực quả một số lớn báo hàng ngày “trương lo” những vụ án mạng rùng rợn đó chỉ là vì lợi mà thôi.
“Du sang à la une” − vẩy máu trên trương nhất − chỉ là một cách thần tình để đập vào thị hiếu của độc giả, ở nước nào cũng vậy mà! Chỉ có một điều đáng phàn nàn là ở Pháp, ở Anh, ở Ý cái lối “du sang à la une” đã bị người ta chán lắm rồi thì nước ta đổ xô vào. Thành thử nghề báo hiện giờ muốn tranh cạnh nhau chỉ tranh cạnh ở chỗ “làm to chuyện” như thày phù thuỷ (chalartan) mà thôi, chứ còn những ý kiến mới lạ, những cách tài tình để dẫn đạo cho quần chúng thì người ta không để ý làm gì hết. Đó là họ không thèm nghĩ đến, cái đó đã đành rồi.
Nhưng một mình, nghĩ một mình đến tương lai báo hàng ngày ở xứ ta mà cứ mãi mãi như thế này, người ta lo một ngày những ông chủ báo sẽ đến thành phù thuỷ, mà người đọc báo sẽ thành ra lũ tà, − mà chúng tôi đã nói tới trong số báo kỳ này.

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 32 (13/10/1940)

Thứ hai − Ở chỗ này, trong số trước, tôi đã nói tới các “báo hàng ngày phù thuỷ” vấy máu trên trương nhất để lấy độc giả cho nhiều: […] đó “ăn người” [...] Tưởng là họ giữ độc quyền “ăn” món ấy mà thôi, không ngờ vừa đây ở Camphamine,[10] bác Chính không chịu kém, cũng nhất định lấy máu để “xơi” người nữa.
Chuyện xảy ra như sau này: Bác cả Khuyên ở phố Cẩm Phả goá chồng và có 4 con, đã lâu không định “bước đi bước nữa”. Bác Chính thấy thế, không chịu, bắt bác phải theo mình. Bác cả Khuyên vẫn khăng khăng. Tức thì bác Chính chạy tới giằng con dao ở tay bác Khuyên ra rồi kề một ngón tay lên bàn thịt chặt đứt phăng ngay một đốt. Máu phun ra, bác Chính rỏ những giọt máu ở chỗ tay đứt vào một miếng thịt, tưởng bác Khuyên sẽ xiêu lòng, không ngờ bác Khuyên lại mắng cho một trận tàn tệ và đưa cái đốt tay của bác Chính lên trình hộ phố.
Thế là bác Chính vấy máu đã không ích gì cả mà lại để một tiếng cười. Bác định tranh cái độc quyền […] của các báo “hàng ngày phù thuỷ” ở đây sao được?
Thực là một bài cảnh cáo cho những ông định lấy máu ra doạ người và định xơi người về “máu”, chỉ có những “báo hàng ngày phù thuỷ” ở đây “xơi” được, chứ không phải là một món ăn chung cho mọi người, thì chớ có lăm le…
Thứ ba − … mà nhỡ! Sự thực, ai cũng biết máu nuôi sống người ta. Nhưng chắc ít người biết rõ rằng ăn được máu nhiều thì bổ lắm. Chứng cớ: người ốm, các vị bác sĩ vẫn cho uống thuốc máu bò, những ông rượu chè, muốn không hư chân huyết, vẫn pha rượu với máu dê để uống. Tuy vậy, vẫn không bổ được bằng máu người, cho nên ma-cà-rồng chỉ ròng đi hút máu người, mà ngay những ông sét-ty [11] hút máu của con nợ cũng phì nộn lắm.
Đó là mới nói về xác thịt. Chứ những “nhà báo phù thuỷ” hàng ngày ăn nhiều máu người, lại có một cái lợi khác rõ ràng hơn: tinh thần họ minh mẫn, trí khôn họ sáng láng, họ dịch những tin Arip, Havas,[12] những tin sở cẩm một cách thần tình lắm, những nhà báo bình thường không thể theo sao cho kịp.
Này nhớ: “L’avion appareilla”, tôi đố các ngài họ dịch là gì? − Cái tàu bay đỗ xuống! “On a volé 12 plateaux de bois” phải dịch là “Người ta ăn cắp 12 cái mâm bằng gỗ” chứ đừng có dịch là “Người ta ăn cắp 12 phiến gỗ” mà họ cười cho thì… khổ!
Lắm lúc ngồi mà nghĩ kỹ thì cái ông nào đó muốn nói với bạn bè: “Các bác xơi cơm tự do đi chứ! Người nhà cả đây mà” − mà diễn ra là: “Oh! c’est la maison” cũng chưa phải hẳn là người không thông minh. Mà ông nghị nọ muốn tỏ là vợ mình đi đâu không biết mà nói rằng: “Ma femme est partie sans laisser d’adresse” − cũng không phải là người xoàng đâu.
Thứ tư − Chỉ có anh Trần Văn Đọc ở tổng Phương Tra (Hưng Yên) xoàng thôi bởi vì anh này thù vặt.
Nguyên anh ta chẳng biết xích mích với Trần Văn Cổng chuyện gì, anh ta lừa lúc Cổng ngủ trưa, lại không mặc quần, anh ta bèn cầm dao lại… xẻo phắt cái ngọc hành của bạn. May con dao ấy lại cùn, nên Cổng chưa mất hẳn. Cổng đã lập tức được chở đi nhà thương buộc thuốc, và ở trên giường bệnh thể nào chẳng phải nói một mình rằng: “Thì, mình cãi nhau với nó bằng miệng thì nó có thù nó vả vào miệng mình mới phải, chứ thằng đồ tồi sao lại tự nhiên phạt “cái kia” của mình mà rắp tâm định thiến cụt nó đi? Oan uổng cho nó thật!”
Thật chẳng khác gì chuyện lý trưởng xã Tược Cước (Hưng Yên) tên là Nguyễn Văn Thách bị dân tiêu lạm tiền công mà lại đi rong làng và ra tận đình gọi tên thần hoàng làng ra chửi!
Rõ thực Quít làm Cam chịu. Ông thần hoàng làng có tội gì? Lý trưởng Thách thực đáng phải bãi chức quá vì tội “danh không chính, hành không thuận”. Hay lại vì tên y là Thách, y muốn làm quấy thế để khách dân làng Tược Cước có làm gì nổi y không? Nếu thế thì thực y dại lắm.
Thứ năm −… dại cũng như cậu Trần Văn Nghi ở phủ Hoài Đức (Hà Đông) vậy.
Đêm hôm mới đây, nhà Ô. Thất người làng Thôn (phủ Hoài) có lập đàn làm chay và đón bác Bất người làng đến cúng. Cậu Trần Văn Nghi đến xem và chẳng biết trong khi cướp của bố thí ra sao, cậu Nghi bị bác Bất cầm gậy tầm xích đâm thủng bụng, máu chảy ra rất nhiều.
Đồ cúng là để cúng thánh, thánh không ăn thì đã có bác Bất ngồi rình ở đó từ chập tối ăn… hộ vì bác Bất cũng là một chúng sinh, cũng cần ăn cần uống, thế mà sao cậu Nghi lại dại dột xông vào cướp mất mấy nắm bỏng mấy cái kẹo bột của bác ta?
Bác Bất không phải là thèm ăn háu uống như con Mực con Vàng đâu, nhưng bác giữ thế là giữ cho thánh đấy, để thánh phù hộ bác đừng…chết đói. Thế là phải chứ làm sao mà bố mẹ cậu Nghi lại còn thưa kiện bác? Ừ, chắc pháp luật sẽ kết tội bác thực nặng đấy, nhưng cần gì? Bác cứ được thánh thương là đủ. Ăn ở như thế, bác Bất chắc chắn sẽ được thánh phù hộ đến mấy đời… và chắc sẽ được người nhà cậu Nghi đời đời nhắc đến tên luôn, và cầu phật cầu thánh cho sống mãi chứ đừng lăn quay ra chết!
Thứ sáu − Nói đến chuyện chết sống lại nhớ đến chuyện “sống lâu lên lão làng” ở trong Nam Kỳ.
Tại làng Long Thới quận Tiểu Cần hạt Trà Vinh, hồi 8 giờ rưỡi sáng thứ bẩy vừa rồi, các vị hương chức làng họp đủ mặt để nghênh tiếp M. Bohn, chánh chủ tỉnh Trà Vinh, thay mặt chánh phủ Đông Pháp, ân tứ khuê bài danh dự cho ông Nguyễn Nhiêu Thăng thọ được 128 tuổi.
Mặc dầu các bạn đồng nghiệp trong Nam đã đến phỏng vấn ông già và thuật lại rằng ông vẫn khoẻ mạnh như thường, tôi cũng không chịu nhận rằng ông già kia đã sướng. Đã đành rằng một người bị trời bỏ quên chưa “ăn gỏi’ mà được […] khuê bài danh dự thì cũng sướng đời thực đấy, nhưng cứ nghĩ đến cái tuổi 128 thì riêng tôi, tôi cũng đã “sốt ruột” rồi.
Ở đời, người ta chỉ có bốn cái sướng mà chỉ những người trẻ trung khoẻ mạnh mới được tận hưởng mà thôi. Giời cho thọ được đến độ bảy mươi, những cái đó kém cả: ăn kém, ngủ kém, […] tiêu hoá kém, thế mà ông già Thăng lại sống đến 128 tuổi thì còn được hưởng cái gì, nếu không là chỉ ngồi lù lù một chỗ để thèm hay để trông người khác hưởng? Ấy là tôi chưa kể ở lắm gia đình có những con cháu thấy ông bà sống độ sáu bẩy mươi đã kêu: “Sống mãi! Sống sốt cả ruột lên” và cầu chúc cho chóng chết là khác nữa.
Tôi không biết rõ những cảm tưởng của ông già sống 128 năm kia về những cuộc dâu bể ở đất nước này ra thế nào và những ý nghĩ của ông về cuộc đời này ra sao, chứ tôi thì thấy cái cuộc đời cứ một mực kéo dài mãi ra thế nó nhàm quá lắm.
Cứ một cái “chán” là cũng đã làm cho ta không “hả” rồi. Huống chi họ lại cứ phải trông thấy những con cháu ở chung quanh, đứa mất đi, đứa còn lại, đứa mới đẻ, đứa đi xa, mà ta thì ta cứ sống bình tĩnh như không chuyện gì xảy ra hết trọi!
Thứ bảy − Bình tĩnh mãi được thế nào được? Ở đời, xưa nay vẫn thế, bao giờ cũng có luật thừa trừ: ác lắm thì khổ nhiều, hôm nay khổ thì mai sướng, mà hôm nay bình tĩnh tất mai thế nào cũng xảy ra chuyện làm phiền lòng mình chơi.
Như mới đây, câu chuyện hai anh em Mạc Công Bình và Mạc Công Tĩnh ở huyện Kim Động, Hưng Yên vậy.
Y như tôi nói ở trên kia, hai anh em Bình, Tĩnh sống với nhau một cuộc đời thực bình tĩnh. Bình tĩnh mãi, giời nào mà có để cho yên, nên sáng hôm 4 Octobre, Bình, Tĩnh mất bình tĩnh ngay: họ cãi nhau rầm lên một trận, Bình túm tóc Tĩnh xoắn lại, Tĩnh cắn bả vai Bình… Thế rồi thì một buổi sáng kia người ta thấy Mạc Công Bình thắt cổ lủng lẳng ở trên xà nhà.
Ôi chao! thế mà bình tĩnh…Bố mẹ đặt cho hai con cái tên Bình và cái tên Tĩnh, chắc tưởng cuộc đời bình tĩnh lắm đây, biết đâu lại có ngày nay, đã chẳng bình tĩnh lại còn sinh ra giết tróc.
Cho mới biết, ở đời này, lém lắm chẳng làm gì, mà sinh con, nuôi con, đặt tên cho con những tên hay quá cũng chẳng làm gì nốt.
Ông đẻ con và mong cho nó hiền? Nó sau này ác hơn hết cả mọi người. Nhiều khi tên là Hiếu mà bất hiếu vô cùng, người tên là Thọ thì chết yểu, mà chúng ta chẳng đã thất vọng chán ra rồi đấy ư?
Những bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, những bà Hồng Ngọc, những cô Tạ Thị Ngà Hương phần nhiều chính lại có những cái sắc và cái đức trái hẳn với cái tên của họ.
Tôi chịu ông nào đấy đã nói được câu “Cái áo không làm thành thày tu” đấy nhé!
Chủ nhật − Câu nói này, ít lâu nay, người ta nghe thấy nói tới luôn trong Thanh Hoá, sau khi xảy ra việc lôi thôi cái vé độc đắc giữa người có vé là ông Trần Văn Lạng với ông huyện Thạch Thành rất yêu quý của chúng ta.
Chính người trúng số là Lãng thế mà tấm vé ấy lại bị thừa Cầu đánh tráo mất, may nhờ quan trên minh xét mới khám thấy ở nhà riêng ông huyện Nguyễn Văn Hiền huyện Thạch Thành, do người cậu ông là Tôn Thất Linh phải chịu phép tòi tấm vé ấy ra.
Dư luận tỉnh Thanh rất xôn xao về vụ này; người ta cho rằng người thủ mưu đánh tráo tấm vé này có lẽ chính là ông huyện Thạch Thành, vì theo lời M. lý Lãng nói thì ngay khi được tin báo trúng số 10 vạn, ông huyện Thạch Thành có bảo phải chia đôi cho ông một nửa; M. lý Lãng xin “vi thiềng” 1 vạn biếu quan nhưng quan không nghe. Đến khi vé bị đánh tráo rồi, ông huyện lại gọi đến doạ rằng nếu không trúng số 10 vạn mà nhận chằng thì sẽ bị tù là khác!
Đó là dư luận.
Riêng tôi thì tôi cho đó chỉ là một chuyện vu cáo một người trung thực là ông huyện Nguyễn Văn Hiền mà thôi. Chẳng qua là người thấy ông huyện Hiền hiền quá nên người ta muốn bắt nạt, gắp lửa bỏ bàn tay vậy.

Kiểm duyệt bỏ
Ông không những muốn trừ cho tiệt những quân đó đi mà thôi, ông lại còn muốn giữ gìn cho ông lý Lãng khỏi sa vào tay những quân khốn nạn đó nên ông mới cất hộ tấm vé số tại nhà riêng của ông ta để cho quân cướp trắng mắt ra, có lập trăm mưu nghìn kế ra chăng nữa cũng không xơ múi gì.
Theo như dư luận, ông huyện Thạch Thành có bảo ông Lãng đưa 5 vạn cho ông. À đã thế thì được! Đã khoẻ nói thế thì phen này ông kiện ông Lãng về danh giá và xin bồi thường 5 vạn cho mà xem! Để coi trước sau 5 vạn ấy có thoát khỏi tay ông không nào. Chỉ phiền một cái là ở đây lại còn có công lý nên ông huyện Hiền còn phải nghĩ ngợi xem sao đã!
Trong khi ấy thì có tin ông lý Lãng đã đi lĩnh 10 vạn bạc kia rồi… Trời hại con người ta thực!

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 33 (20/10/1940)

Thứ hai − Cái tình mẫu tử, bất cứ ở xứ nào cũng được người ta truyền tụng và cho là đẹp nhất. Còn có ai thương con bằng mẹ? Thế mà…
Vừa rồi đây, báo Điện tín trong Nam mới thuật lại rằng tại trường đua ngựa ở Chợ Lớn, một đứa trẻ bị lạc đi bơ vơ khóc mếu. Hỏi nó thì mới biết rằng nó đi lên trường đua với má nó, nhưng vì má nó ham mê ăn thua nên bỏ nó đi lạc như vậy, không biết ở đâu mà tìm.
Một bạn đồng nghiệp trong Nam phê bình tin này đã dùng hết lời nặng nhẹ để sỉ vả người mẹ máu mê kia.
Cái máu mê của một số đàn bà ở trường đua nó bốc lên ngùn ngụt tới độ nào, ta hãy khoan nói vội, đợi đến khi nào T.B.C.N. ra số đặc biệt “Cá ngựa với đàn bà” sẽ biết. Nhưng hiện giờ thì ta, ta có thể biết rõ rằng ông bạn đồng nghiệp của tôi ở trong Nam nóng nảy quá, vì ông không biết rằng từ xưa đến nay những chuyện để lạc con như thế vì chuyện thua được cờ bạc chỉ là chuyện thường mà thôi.
Biết bao nhiêu người đàn bà từ trước đến nay vì ham mê cờ bạc quá, không những để lạc con, lại để lạc ngay chính mình họ… vào những con đường mà ta có thể gọi một cách hơi xược là những con đương không đẹp đẽ? Những người đàn bà này đã bỏ quên nhiều thứ quý báu hơn nhiều, họ bỏ quên những cái liền ngay người họ còn chẳng ngại huống chi là đứa con.
Xin đừng nói nặng người đàn bà nọ ở trường đua Chợ Lớn làm gì, tội nghiệp!
Thứ ba − Có tội nghiệp, ta chỉ nên tội nghiệp cho những kẻ đã chết rồi mà thôi, bởi những người đã chết là những người vắng mặt, mà bao giờ những người vắng mặt cũng là những người mang lỗi.
Mới đây, ở trong Nam, một tờ báo do một bạn thanh niên ở Bắc vào chủ trương có đăng dùm quảng cáo ở các báo hàng ngày tên những người phụ bút. Cái đó không hề gì cả, nhưng chỉ quái lạ là sao, ở trong những người phụ bút giúp việc cho tờ báo đó lại có một người đã chết!
− Ai?
− Vũ Trọng Phụng!
Nói giấu vong linh ông Phụng, tôi không hiểu làm sao ông đã mất rồi, nay mai đã đến ngày giỗ đầu rồi, mà người ta vẫn cứ để tên ông lên báo làm mối lợi cho người ta. Bộ người ta cho là ở Sài Gòn, độc giả không biết ông Vũ Trọng Phụng đã mất rồi sao chớ?
Lừa độc giả, cái đó độc giả sẽ bảo cho kẻ đi lừa sau, nhưng lừa một người đã chết rồi, ai cãi được?
Ở chốn suối vàng, ông Phụng nếu biết tin này, chắc phải tức giận tràn hông, mà nếu quả ông nói được, tất ông phải lấy ngón tay trỏ gí vào mặt kẻ lợi dụng tên ông mà rằng:
− Anh em thực không để cho tôi yên một chút nào. Muốn bịp bợm gì thì bịp bợm, nhưng tôi đã chết rồi thì thôi, đừng có lôi tôi vào với các anh. Tôi thực không hiểu các anh là người hay những con kền kền? Nếu thực là người thì ai lại đi nỡ “kiếm tiền” bên những xác chết, thây ma như vậy?
Thứ tư − Đó là câu chuyện tiền. Tiền bao giờ cũng đi đôi với tình. Vậy tôi xin kể một câu chuyện tình nghe chơi. Tối 16 Octobre, bác Vũ Viết Tư ngụ ở hộ Nam Xuyên nhặt được ở nền nhà một bức thư nặc danh nói xấu và doạ giết bác nếu bác nhất định cưới cô Trần Thị Vượng. Dưới bức thư có vẽ một con dao găm đâm thủng một trái tim và một cái sọ người.
Cái sọ người ấy nghĩa gì? Ý hắn để làm cho Tư sợ, nhưng bác Tư sợ hay không, không biết, ta hãy biết cử chỉ của người viết thư nặc danh nọ đáng làm ta sợ vô cùng vậy! Không phải sợ hắn ta dám giết người, nhưng sợ là sợ hắn ta đã nghĩ ra một việc vô lý như thế để doạ người và nhất là sợ cho những người nói xấu có những cái lưỡi sao mà kinh thế!
Vừa rồi, có một anh tù người Thổ-nhĩ-kỳ, bị đày ra ở đảo Imrali, tự lấy dao cắt quách lưỡi mình. Và trước khi “hành hình” cái lưỡi ấy, anh đã viết cho người bạn anh mấy dòng chữ rằng: “Tôi đã nói xấu anh, tôi có lỗi, vậy tôi xin tự phạt lấy tôi”.
Cái anh chàng viết thư nặc danh cho bác Vũ Viết Tư giống anh tù nọ vô cùng. Giống về chỗ nói xấu nhưng phải một cái khác chút xíu là đáng lẽ anh ta tự phạt lấy mình, “hành hình” cái lưỡi anh ta thì phải, đàng này anh ta lại doạ “hành hình” người khác thì mới kỳ cục chớ!
Cái bộ như thế, ai là người sợ? Người ta có sợ là sợ cho anh chàng nặc danh nào đó rồi lại chịu theo số phận với ba anh Chè, Hưng, Hải ở Thái Bình mà thôi.
Câu chuyện ba anh chàng này xảy ra như sau này:
Ông giáo Vũ Ngọc Chiểu dạy học ở trường làng Hưng Nhân, huyện Hưng Nhân. Mới đây có kẻ thù dán giấy nhảm vào trường ông dạy học rồi đi báo quan. Nhưng nhà chuyên trách xét ra, ông bị kẻ nào định tâm hại ông, nên đã mở cuộc điều tra. Trước đây, ông giáo Chiểu có bị ba người làng Hưng Nhân là Hải, Chè, Hưng sinh chuyện lôi thôi và đã kiện nhau. Vậy có lẽ nhân cớ đó mà họ đặt ra chuyện này. Có thực hay không chuyện ấy? Ta phải đợi quan trên xét xử. Nhưng ngay tự giờ ta có thể cứ quả quyết nói rằng nếu quả ba tên Chè, Hưng, Hải vu cáo cho ông giáo Chiểu thì không khi nào họ lại thèm bắt chước anh tù ở Thổ-nhĩ-kỳ mà cắt quách cái lưỡi đi đâu.
Bởi vì nếu họ cắt lưỡi họ thì sau này ở tù ra họ còn lấy cái gì để nói xấu những người khác nữa?
Thứ năm − Nói đến chuyện lưỡi, tôi lại nhớ đến một ông đứng ở mặt xã hội mãi đâm chán, một hôm nhảy sang phái chính trị nghịch với phái xã hội để làm báo.
Ông này thay đổi chính kiến vì cơm ăn áo mặc, cái đó mặc kệ ông ta, không ai cần can thiệp. Tức một cái là ông ta có chí lớn thay đổi chính kiến của mình rồi chưa đủ, lại thay đổi cả chính kiến của cổ nhân.
Chuyện cái lưỡi mà bảo là của Ésope? Không thể được. Ông bắt Socrate phải nhận là chuyện ấy của mình. Ông làm tình làm tội cổ nhân khổ sở nên thành ra một bạn đồng nghiệp ở đây, trong hai cột báo, đã phải nói ròng về chuyện lưỡi.
Lưỡi! Lưỡi! Ai còn lạ gì nó nữa. Không xương, nó vẫn lắt léo tự xưa mà… Tôi đã nói tới cái bọn người nằm ở tiệm đưa đẩy ngọn lưỡi để vu cáo những người vắng mặt. Cái bọn ấy, cứ kể về phương diện vô sỉ tưởng đã nhất đời rồi, không ngờ vừa đây ở trong Vinh một bọn người lại đưa đẩy ngọn lưỡi vu cáo để làm cho chết người và chiếm mất cái giải quán quân của họ.
Ông Nguyễn Bá Xý ở Đô Lương cho con gái là Phượng Thuý lấy cậu Châm làm việc ở Sài Gòn. Trước khi phải đi xa, Châm dặn vợ ở nhà phải gìn vàng giữ ngọc cho hay, bất ngờ tuần lễ vừa rồi, bỗng nhiên, Phượng Thuý tiếp được ba cái thơ của chồng ở Sài Gòn gửi về thoá mạ cô bởi vì có người vào nói cho chàng biết là hình như cô có ngoại tình ở Bắc.
Thấy mình bị vu oan một cách vô lý, cô Phượng Thuý ra sông Rang trẫm mình và hai hôm sau đó xác cô nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Ghê chưa, độc giả! là cái lưỡi người ta? Tôi tưởng ta chẳng nên đợi cho những người vu cáo tự xử như người tù Thổ-nhĩ-kỳ mà lắm lúc chúng ta, ta cần phải cắt lưỡi những anh “lưỡi rắn”, “lưỡi dài” hay nói láo đi cho rảnh…
Thứ sáu − Nói thế để mà chơi thôi, chứ sự thực xẻo thế nào được lưỡi của họ. Những người vu cáo đó bao giờ cũng vẫn nhơn nhơn sống cũng như những bà mụ tội lỗi tầy trời vẫn “làm những thiên thần” (faisenses d’anges) mà vẫn sống nhăn răng ra vậy.
Theo bạn đồng nghiệp Dân Hiệp thì toà tiểu hình Sài Gòn vừa rồi có xử một vụ phá thai: Anh Học hồ nghi đứa con trong bụng vợ là Thị Nhị, không phải là con anh ta, nên bắt thị uống thuốc phá thai. Rủi lối xóm biết, nên việc này ra toà. Toà làm án hai vợ chồng ấy mỗi người sáu tháng tù treo và khuyên họ lại ăn ở với nhau như cũ.
Người bạn tôi kết luận rằng: Thật thì tôi không tài và không dám bình phẩm cách xử đoán của các quan thẩm phán, nhưng lấy theo lý luận mà xét thì cái án đó còn nhẹ quá. Một đứa trộm cướp vì miếng ăn đành đang tay giết người thì đành kết án nặng nề. Chớ còn hai vợ chồng anh Học đã giết con ruột mình, mà không viện được lẽ gì cứng cát để chữa mình, sao thưởng họ có sáu tháng tù án treo?
Đáng lẽ cho hai vợ chồng anh đó đi hứng gió Côn Lôn vài năm mới phải. Rồi kỳ hẹn cho họ, nếu trong ba năm nữa mà không có đứa con khác thì sẽ bị tăng án lên gấp hai.
Mà người nào bán thuốc phá thai cho anh Học cũng đáng lãnh thẻ để mà ở nhà đá và mặc áo xanh. Vì người đó là đồng loã.
Thứ bảy − Nói đến chuyện án, toà, ta không thể không nhớ tới câu chuyện nàng dâu, bố chồng mới xảy ra ở Quảng Nam.
Ông già Bùi K. ở ấp C. T. 65 tuổi, có con trai lấy thị T. và có hai con. Hôm vừa rồi, thị D., con gái ông K. và thị T. con dâu ông K. có chuyện bất bình, cãi nhau inh ỏi. Dân làng kéo đến xem tới nghìn người. Trước hết mấy hương hào cho gọi thị T. lên hỏi trước, thì thị khai là có một cái nồi bị em chồng là thị D. làm hỏng nên hai bên xô xát. Nhưng sau không biết thị T. nghĩ thế nào lại khai: bố chồng thị hàng ngày thường chòng ghẹo thị và những ngày chồng thị đi vắng, ông K còn toan hãm hiếp thị.
Hương chức xô lại đánh ông già 4 đêm tàn nhẫn, khiến cho ông không ngồi dậy được, kết cục ông ta phải bán hết cả đồ đạc trong nhà để đút lót và làm tờ thú mới xong.
Theo dư luận, thì có lẽ thị T. vì ghét bố chồng nên vu oan nên những chuyện tầy trời như thế. Câu chuyện phải trái ngay gian chưa biết thế nào, nhưng nếu quả như dư luận, bà nàng dâu nọ vu oan cho bố chồng thực, thì ta lại càng thêm sợ cho cái lưỡi người ta nhiều lắm.
Ít lâu nay, người ta thường khởi xướng lên cái thuyết nàng dâu bị bố mẹ chồng hành hạ và tỏ ý thương xót những người nàng dâu nhiều lắm, và cố tìm một cách giải quyết có lợi cho những người nàng dâu ấy. Hay là vì cái thuyết ấy giải quyết xong rồi nên những người nàng dâu bây giờ đã được phần trên, nên trả thù lại bố mẹ chồng, và trước khi trả thù mẹ hãy trả thù bố chồng trước đã?

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 34 (27/10/1940)

Thứ hai − Người ta đồn rằng ở đây có một ông văn sĩ không ưa “đi mây về gió” nhưng lại thích gió, nên lúc nào cũng vẽ ở trên bài mình một cái thuyền và đề chữ “gió đã lên”.
“Gió đã lên, cố mà sống cho nguy hiểm”, đó là câu nói của cổ nhân. “Sống cho nguy hiểm” chẳng biết có ích gì không, chứ tôi thì tôi thấy “gió đã lên” nguy hiểm đã hẳn rồi. Chứng cớ là vừa mới có gió hanh lên một cái thì những vụ hoả tai đã thấy xảy ra luôn. Trong một ngày 26, hai đám cháy: một đám ở chợ Vị Hoàng (Nam Định) thiêu mất 30 gian nhà ra tro, thiệt hại hơn 1.000 đồng. Một đám ở sau ga Hàng Cỏ Hà Nội (có ảnh ở ngoài bìa),[13] thiêu mất ngót 200 nóc nhà. Thiệt hại hơn 20.000 đồng. Hình như có mấy đứa trẻ bị thiệt mạng trong vụ này.
Nguyên do? Cũng như hầu hết các vụ hoả hoạn ở đây, nguyên do chỉ tại người ta bất cẩn. Mùa này là mùa hanh, cái gì cũng khô lại, kể cả người ta nữa. Người ta đứng gần lửa, lắm lúc cũng có thể bén lửa mà cháy, huống chi là rơm và gỗ… Thế mà người ta có lấy làm quan hệ tí nào đâu, người ta cứ coi thường nên người ta đã từng thấy cái cảnh của bao nhiêu năm trời làm lụng bị thần hoả ra tay tiêu huỷ. Thật là thảm đạm. Ngọn gió hanh và tính bất cẩn, thủ phạm những vụ hoả hoạn, đã làm hại bao nhiêu gia đình, thế mà cứ mỗi mùa gió hanh đến với ta, ta vẫn phải lấy làm lạ sao người ta vẫn không cẩn thận hơn một chút nào, mà các ông văn sĩ sầu thu vẫn không chịu bớt ca tụng gió hanh đi và đáng lẽ viết “Gió đã lên, cố mà sống cho nguy hiểm”, sao họ không chịu đổi ra thế này mà in thật lớn trên mặt báo: “Gió đã lên, ngọn lửa nguy hiểm lắm, cố mà giữ nhà cho… cẩn thận”!
Thứ ba − Giữ nhà cho cẩn thận là để cho khỏi cháy, chứ đừng tưởng là để cho khỏi mất cắp mất trộm đâu. Sự thực, ta phải nhận rằng từ khi trong nước xảy ra những chuyện lôi thôi, chánh phủ cho bắt những người “thanh tích bất hảo” đi chỗ khác thì những vụ cướp trộm cũng có đỡ đi chút ít. Duy có những vụ ăn cắp vặt thì vẫn thấy luôn luôn. Các báo hàng ngày ở đây vừa đăng một chuyện ăn cắp vặt ở Hàng Bồ: một mụ trạc 40 vào nhà nọ đưa một đồng bạc giấy mua hàng. Trong khi cô bé bán hàng mở ngăn rút để lấy tiền trả lại thì khách cứ nói huyên thiên: “Cô ạ, vừa đây, tôi cũng mở tủ như thế này này, rồi chẳng hiểu để rơi ra đất bao nhiêu giấy bạc và kẻ gian nhặt được”. Miệng thì nói, nhưng hai tay khách lại mó vào ngăn kéo của nhà hàng. Ăn cơm xong, bà chủ hàng ra điểm lại tiền, thì thấy mất 260 đồng.
Bốn tờ báo hàng ngày đăng tin ấy hầu hết đều phóng đại lên với cái đầu đề đại để như thế này: “Người đàn bà ấy đã dùng thôi miên thuật hay là bùa yêu?”
Khiếp chửa! Bí mật chửa? Nhưng chết một cái, sự bí mật ấy lại ở ngay bài tường thuật của các báo ấy mà các ngài không biết.
Mụ đàn bà ấy, tôi biết rõ lắm, không có gì là bí mật cũng như cái lối ăn cắp của mụ ta. Mụ ta giả vờ vào mua hàng. Lòng bàn tay mụ có dính hồ. Lúc người bán hàng mở ngăn rút để trả lại tiền, mụ sờ vào ngăn rút và khi nói “tôi để rơi ra đất bao nhiêu giấy bạc” thì mụ cầm giấy bạc ở trong ngăn kéo và vò lại: thể nào giấy bạc cũng dính vào lòng bàn tay mụ. Mụ cố làm tối tăm mặt mũi người ta và lấy tiền trong lúc người ta không ngờ nhất. Đoạn, mụ giả tảng xin một chén nước uống và thắt lại thắt lưng: chính lúc ấy mụ bỏ tiền vào túi, nhưng không lúc nào miệng mụ ngớt chửi rủa những quân ăn cắp!
Ấy, chuyện chỉ có thế, chứ mụ có bùa yêu hay thôi miên thuật gì đâu. Hoạ chỉ có các ông phóng viên phóng đại chuyện ra; có thuật… cái thuật nói phét, cái thuật làm to chuyện.
Thứ Tư − … Làm cho tôi lại nhớ đến một câu chuyện cổ nói về bốn ông ngồi nói phét với bà con. Một ông nói:
− Tôi, tôi đã trông thấy một con cá to lắm, to đến nỗi người ta phải làm một cái đó dài năm thước thì mới bắt được nó vào trong.
− Thế đã lấy gì làm lạ. Con cá mà tôi đánh được chui vào cái đó 5 thước không vừa, đến nỗi nó phải gấp đôi người lại.
Ông thứ ba nói khoác ghê hơn:
− Thế đã to. Nhưng con cá tôi trông thấy thì gấp đôi người lại ở trong đó không đủ, nó phải xoáy trôn ốc lại!
Đến lượt ông thứ tư. Ông thứ tư không nói gì. Mọi người hỏi làm sao? Ông nói:
− Tôi không nói vì con cá của tôi to quá, không biết thế nào mà nói. Lúc vớt được cá lên tôi không thấy cái đó đâu, thì ra con cá của tôi nó đã nuốt cái đó vào trong bụng.
Đó là chuyện đời xưa. Đời nay, một tờ báo hàng ngày ở đây vừa mới đăng tin rằng:
“Dân chài lưới ở Camphamine [14] đánh được một con cá song to gần bằng con ngựa! Họ phải chọc thủng hai mép, tròng thừng to vào, như xỏ mũi trâu”.
Khiếp, nói mà kinh. Một con cá song to bằng con trâu, con ngựa thì có lẽ dân chài đánh được nó phải có một cái lưới to ít ra là bằng cả một cái đồn Camphamine, mà cái sanh để luộc cá phải to bằng một trăm lần cái sanh luộc bắp cải trong truyện cổ.
Chắc ông phóng viên nào đó viết cái tin con cá song không phải là một trong số bốn ông nói phét trên kia!
Một người bảo tôi rằng:
− Hay là ông phóng viên nọ lầm chăng? Chứ cá song đời nào lại to thế được? Hay là cá nhà táng vậy?
Tôi cười mà bảo bạn rằng:
− Ông bảo cá nhà táng chứ không phải cá song! Xì! Không phải! Ông phóng viên kia nói đúng. Cá song thực đấy, bởi vì cá song ăn được, chứ cá nhà táng thì để táng ai vào mồm nó cho xuể, trừ những người nói phét ra?
Thứ năm − Nói đến chuyện nói phét, tôi lấy làm buồn rầu mà lại phải hỏi một câu sáo vô cùng: “Bao giờ nhà nước mới dán một thứ tem vào miệng những anh nói phét để đánh thuế lấy tiền giúp nước trong những giờ khó khăn như giờ này?” Nói thế để đùa chơi, chứ thực dán tem vào miệng thế nào cho xuể được những anh nói phét.
Cũng như những người đồn tin nhảm, những anh nói phét ở đâu cũng có nhan nhản ra: họ làm ra dáng cái gì họ cũng thông thạo, họ làm ra dáng cái gì cũng biết, kỳ thực họ chẳng biết cóc khô gì cả.
Như mới đây ở Nam thành, chiều 18 Octobre, ngót 200 học trò và nhiều thợ nhà máy đã trốn giồng đậu [15] chỉ vì một bọn phao đồn tin nhảm. Họ phao đồn tin gì, các bạn có biết không? Họ đồn rằng nếu cứ giồng đậu vào là chết.
Giồng đậu cho lê dân, sở Y tế cốt tránh bệnh đậu mùa, mà lại phao là hễ tiêm thì chết, các ngài có bao giờ thấy một sự dốt nát như thế không? Nói phét mà bị đánh thuế vào miệng, ừ thì đã đành rồi, nhưng những anh phao đồn tin nhảm ở Nam thành, thì các ngài thử nghĩ họ nên đánh thứ thuế gì hay đánh thế nào cho họ chừa đi?
Thực lắm lúc cũng tiếc sao người mình lại bỏ cái lối vả vào miệng những người làm lỗi và lấy roi đánh quắn đít những người ấy cho họ chừa lỗi đi!
Thứ sáu −… Bởi vì sao họ lại không biết rằng lời nói quan hệ đến tính mạng của con người ta ở đời.
Tôi đã nói tới chuyện lời nói giết người. Sự thực người ta đôi khi chỉ vì nói chơi một câu mà hại cả một đời người là khác.
Tên Chấn người xã Phúc Nhạc, thuộc phủ Yên Khánh, đã có vợ cả mà lại còn muốn lấy thêm vợ lẽ, bèn đem trầu cau đến hỏi cô T. Về nhà Chấn được 2 hôm thị T. bỏ nhà đi với hai người đàn ông lạ mặt. Ông bố đẻ thị T. lẩn tránh. Sau mãi Chấn mới biết rằng cô T. đã có chồng ba năm rồi nhưng vì chồng cô đi xa, ông tưởng chết rồi nên nhận nhời gả cho Chấn làm vợ lẽ.
Chấn, chú rể biết, tức quá, định đi đâm đầu tự tử, nhưng sau có nhiều người can gián lại thôi. Ai ai cũng trách bố đẻ cô T. dám đem con ra làm một câu nói chơi và lấy chuyện cưới xin là chuyện đùa, không quan trọng.
Ông già kia biết đâu rằng hôn nhân ở nước ta không thể coi là chuyện đùa. Nếu muốn đùa thì sang Mỹ bởi vì dân Mỹ, như báo Esti Kurir (Budapest) đã nói và do báo Tây dịch lại thì họ coi hôn lễ là thường và trai gái lấy nhau ra Đốc lý làm lễ cưới, chỉ mặc có cái “may-ô” to bằng cái mụn hay là chiếc sơ-mi-dét [16] trần mà thôi.
Thứ bảy − Chán chuyện cho đời! Tình duyên, sao có kẻ coi là thường được nhỉ! Mà sao có người lại cho nó là chuyện quan hệ đến có thể giày xéo được cả lên luân lý, coi chữ tình nặng hơn nghĩa sinh thành, hay đội người tình lên đầu để cho nó đánh chửi mẹ như câu chuyện nhà mô phạm ở Đông thành [17] vừa đây?
Nhà mô phạm ấy, ở phố Maréchal Foch, kết duyên với một cô gái tân thời. Vợ chồng quấn quít, mỗi ngày ả lại lộng quyền thêm, được đàng chân lân đàng đầu, ả coi bà mẹ nhà mô phạm chẳng ra sao cả: “Mẹ cậu ác lắm, tôi không chịu được”. Biết bao nhiêu lần đã xảy ra ở trong nhà những vụ cãi lộn, con dâu đánh mẹ chồng! Hôm vừa đây, nhà giáo đi dự hội điền kinh vắng nhà, lại xảy ra một trận cãi lộn dữ hơn, nàng dâu nắm tóc bà già đánh lấy đánh để và quai mồm ra chửi “con mụ già” nghĩa là con mụ đã đẻ ra nhà giáo, nuôi cho ăn học để đi làm rồi lại lấy cho nó một con vợ “thừa” nhan sắc nhưng mà “thiếu” gia đình giáo dục.
Kỳ trước ở mục này, tôi đã nói tới một chị nàng dâu đã đánh bố chồng ở Quảng Nam. Kỳ này, một chị nàng dâu nữa lại đánh mẹ chồng nữa, thật là vừa đủ đôi để kết quá, kết cho cái luận đề xã hội tiểu thuyết của các ông văn sĩ viết về mẹ chồng nàng dâu và cứ thường kêu rấm rứt là nàng dâu cực quá.
Chủ nghĩa cá nhân thắng thế đấy! Các cô nàng dâu đã được phần trên rồi! Thôi thế là cái trách nhiệm của các ông đã xong, các ông từ giờ không cần phải viết về mẹ chồng nàng dâu nữa nhé.
Để thì giờ mà xoay chiều chủ nghĩa, các ông ơi!

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 35 (3/11/1940)

Thứ hai − Số báo này là số Mùa cưới. Lẽ cố nhiên là trai cưới gái hay là gái cưới trai, chứ không thể nào khác được.
Vậy không lý nào tôi lại không nói tới đôi trai gái ở Sông Hương là cô P.T.N.L. và ông tai mắt nọ, hình như là một giáo sư thì phải, yêu nhau rồi phụ nhau, cái đó là thường lắm. Nếu đôi kia cũng chỉ có thế rồi thôi thì cũng chẳng ai nói tới làm gì; chết một cái là sau khi bị tình nhân phụ bạc rồi, cô P.T.N.L. lại viết bài đăng rùm ở trên các báo kể tội của tình nhân và trưng hết cả những bức thư mà tình nhân cô đã viết khi hãy còn ở Pháp.
Đọc bài của cô P.T.N.L., không ai khỏi ngậm ngùi cho cô và trách cử chỉ không chung tình của người đàn ông nọ. Nhưng người ta cũng không khỏi trách tờ báo đã đăng bức thư nọ lên, bởi vì báo đó há lại không biết rằng làm như thế tức là làm tiêu danh ông giáo sư phụ tình. Ông đỗ cao, còn trẻ mà nhà lại có, cứ đem mảnh bằng ra đã có khối vợ theo, thế mà báo giới làm hại ông như thế thì để cho… không cô nào dám lấy ông này hay sao?
Vì vậy tôi cho là cô P.T.N.L. tác giả bức thư kia là một người rất đanh ác, thâm hiểm, nhưng thủ phạm sự hại người đó chính là mấy tờ báo đã đăng lá thư kia vậy.
Tờ báo nào đâu phải là một lá thư tình? Không, họ buôn một cái tình đau khổ đấy! Nếu họ không buôn, thì đời nào ta lại thấy một sự kỳ quặc từ xưa chưa từng thấy đó. Mà có P.T.N.L. chắc phải mua một con tem mà gửi những lời trách móc kia cho kẻ phụ tình, và nhờ đấy, cô sẽ không vạch áo cho người xem lưng vậy.
Các tờ báo đã giúp cô P.T.N.L. đăng thư ấy, thực đã làm hại nhà giây thép sáu đồng xu tem!
Thứ ba − Cho nên tôi không phục các báo kia cũng như tôi đã không phục cô P.T.N.L. vậy. Trái lại, tôi lại phục cô gái Mỹ hơn. Cũng như cô P.T.N.L., cô gái Mỹ bị tình phụ, cô mang tình nhân cô ra… toà. Và anh chàng nọ đã phải đền 200 đồng đô-la.
200 đô-la mà được à? Anh làm tan nát một đời tôi đó. Phải 300 đồng tôi mới chịu.
Té ra cái tình của cô chỉ đáng giá có thế thôi. Nói mà chơi, chứ phục cô gái Mỹ nọ thì phục làm sao cho được? Cô đã làm rẻ giá cái việc quan hệ nhất của người đời, cô đã làm cho đàn bà không nghĩa lý ở trước mặt bọn nam nhi vậy.
“Nếu tôi ở địa vị cô với cô P.T.N.L., tôi sẽ làm khác thế. Tôi không viết thư trách móc trên mặt báo, tôi không mang kẻ phụ tôi ra toà. Nhưng tôi đem mạng kẻ kia đập vào cái lỗ trong quả tim tôi” Ý kiến đó của bạn đồng nghiệp trong Nam thực là hay, nhưng chết! làm thế không được, ta sẽ bị… pháp luật làm tội ngay.
Bây giờ, tôi mới nhớ ra rằng pháp luật vẫn chưa có cách nào để bảo vệ cho những người đàn bà khờ dại và mơ mộng cả!
Thứ tư − Nhưng pháp luật có cách trị tội những người đánh bạc. Ít lâu nay việc lùng bắt của ty mật thám Nam Kỳ, Sài Gòn rất gắt gao nên vừa đây tại Thủ Dầu Một vừa túm được một sòng bạc rất lớn, riêng kể về tiền mặt có tới hơn 10.000 đồng. Rất nhiều bà bị bắt.
Chẳng hiểu các bà này có bắt chước cô P.T.N.L. viết thơ đăng báo để than trách sở mật thám tự nhiên đến làm mất cả sự tự do chơi bời của mình hay không?
Đăng báo! Đăng báo! Đăng báo bây giờ đã thành ra cái dịch. Khi trong nước đương cần lo đến sự tiết kiệm, người ta đăng báo chọn mầu áo vụ rét này. Người ta thích nói bất cái gì trên mặt báo. Nhưng bà mụ ở Nam thành tất không thích báo đăng việc này của mụ ta.
“Đêm hôm 28, hồi 2 giờ 30, người ta xe vào nhà thương một người đàn bà tên là Hoàng Thị Giậu 44 tuổi quán làng Mai Xá huyện Mỹ Lộc, người đàn bà này đẻ khó. Bà mụ nọ lấy dao cắt từ cổ trở xuống, chỉ còn có cái đầu đứa hài nhi trong bụng mẹ. Làm xong việc táo bạo ấy, mụ vội bảo người nhà xe bác Giậu đi nhà thương và dặn đừng nói gì đến mụ cả, “kẻo người ta đăng báo thì rầy rà lắm”.
Cái nạn bà mụ ở thôn quê giết oan những trẻ sơ sinh đến lần này là mấy vạn, triệu rồi?
Hội “Bảo trợ phụ nữ” tưởng nên để ý đến việc này và nên tìm cách phổ thông sự học cho đàn bà nhà quê.
Thứ năm −  Bởi vì, nói thực, đàn bà sở dĩ có người làm việc ác đức như thế chính vì tại ít học mà đâm ra làm liều.
Bà mụ nọ đã là một chứng cớ dốt mà làm liều. Tôi xin kể một thiếu phụ nữa làm liều vì ngu dốt cho mà xem. Ở Phủ Lý, Nguyễn Thị Tý người xã Nhân Giả thuộc tổng Công Xá phủ Lý Nhân goá chồng 6 năm nay, bỗng tự dưng có chửa rồi đẻ ra một đứa con. Sợ mang tiếng đẻ hoang rất xấu, thị đem gói đứa con vô tội và đem vùi vào giữa đống phân ủ ở ngoài vườn, chung quanh nhào bùn nhét kín.
Đã lỡ chửa thì đẻ, mà đẻ thì phải nuôi; thị Tý đang tay làm việc nhẫn tâm kia chỉ bởi tại ngu dốt quá. Ả sợ xấu hổ một cách vô lý làm sao, nếu có học một chút đời nào lại làm như thế.
Thứ sáu −… Làm như thế, thực chẳng khác gì một ông chi chi đó nhân dịp cụ Phan chết,[18] viết ở trên báo một câu kính viếng rằng: “Bây giờ cụ mất đi, chúng tôi xin tiếp tục làm nốt cái công việc bỏ dở của cụ, tức là cái việc thực hành chủ nghĩa “Pháp-Việt đề huề” vậy”.
Chết chưa! Nhũn nhặn chưa? Mà cũng dơ đời chưa?
Tôi xin nghiêm trang nói với các ngài rằng: cái ông đã viết những lời kính viếng cụ Phan đó không phải là một người vừa đâu.
Nhưng là một ông chủ báo… Và bốn năm trước đã đi đưa thư tín cho một tờ báo hàng ngày ở đây!
Thứ bảy −  Người tài thì hay nhũn nhặn. Mà kẻ nào kém lại hay “trưng sướng”. Có người sẽ cãi lại tôi rằng:
Anh không nghe thấy nói đó sao? Chỉ nên nghe lời ta nói chứ đừng theo việc ta làm, mà lại!
Chính thế! Tôi có lời xin lỗi ông Thái Lan đương lấy La -tanh, Hy-lạp, A-lơ-măng và tiếng Ma-la-bà để cải cách chữ nước ta. Và tôi lại có lời xin lỗi luôn cả mấy ông […] ra sách dạy người khác tiếng Ăng-lê bằng một phương pháp thực hành rất dễ hiểu đến nỗi chính các ông tác giả cũng mù tịt không hiểu là gì cả!

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 36 (10/11/1940)

Thứ hai − Vừa đây, ở Huế, vừa xảy ra một việc rắc rối mà pháp luật cũng không biết phân xử ra thế nào.
Ông tham Đ.X.Đ. để vợ ở riêng đã lâu ngày, một hôm bỗng nhiên thấy vợ đẻ con. Ông Tham không nhận. Nhưng bà tham nói chính là con của chồng vì bà bảo rằng ông có lần đem ô-tô đến đưa bà đi chơi Thuận An hứng…gió. Nhưng ông tham lại bảo chỉ đi chơi thôi chứ tuyệt nhiên không ăn nằm với vợ và yêu cầu quan toà cho thề ở điện Hòn Chèn (Huế).
Cuộc đi thề ấy chưa định vào hôm nào cả. Nhưng, ngay tự bây giờ, ta đã phải lấy làm lạ không biết ông tham nghĩ thế nào mà lại bắt vợ đi thề… Con bà tham đẻ với ông hay với ai thì trừ người đàn bà và người đàn ông ra, còn có người nào biết được dù người ấy là thánh đi nữa. Ăn nằm với nhau, đó là một việc ô uế mà!... Thánh nào chứng giám cho người ta! Vì vậy, cái việc này, tôi cho thề ở trước cửa thánh là ngạo mạn thánh vô cùng. Bộ người ta cho thánh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ấy và nhòm lỗ khoá buồng những cặp vợ chồng, trai gái hay sao chớ?
Tôi tưởng trong những trường hợp giống trường hợp này, đáng nhẽ hỏi thánh ta chỉ nên hỏi khoa học mà thôi. Chết một nỗi khoa học hiện giờ chưa biết chắc thử máu đứa trẻ kia, liệu có thể chắc chắn được rằng nó là con người đàn ông nào hết.
Câu chuyện này, nói cho thực, nó nhiêu khê be bét vô cùng. Thế nhưng chung quy cũng chỉ tại ông tham hay nhiễu sự, chứ từ xưa đến nay, có người đàn ông nào cùng ở cảnh ngộ với ông lại đem những việc như thế ra phải trái bao giờ. Bởi vì người đàn ông khôn lắm, từ lâu đã biết rằng phàm lấy phải người vợ đa tình thì:
“Có chồng càng dễ chơi ngang,
 Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?”
Con ai, mà chưa ly dị với vợ, thì cũng là con mình cả, có trốn được đàng trời. Ông tham ơi, thôi đừng lôi thôi nhiều chuyện nữa. Nếu quả như ông quyết phải biết rõ thực hư phải trái thì chỉ còn một cách là làm như ở chuyện tiếu lâm của người mình, nghĩa là đợi cho đứa bé kia khôn lớn rồi hỏi nó xem trong khi mẹ nó có thai thì thấy ai hay ra vào…
Thứ ba −… Chứ đi thề, ví dụ thánh có ứng vào đó chăng nữa, thì hỏi có làm gì?
Chẳng cứ bây giờ, tự lâu, đi thề đã là một cái phong trào vô nghĩa rồi. Nội một tuần lễ vừa qua đã có tới ba đám doạ đem nhau đi thề ở đây. (Chúng tôi sẽ có bài riêng về chuyện đi thề ở đền Bạch Mã giữa hai hiệu buôn to ở Hà thành). Nhưng thử hỏi từ xưa tới nay, kẻ gian cũng như người hiền, có ai vì đi thề mà bị thánh vật chết như họ đã thề đâu?
Nhất là “thề trai thề gái” thì lại càng không đáng kể. Ông thạc sĩ thề với cô P.T.N.L. nếu học thành tài về mà không lấy cô thì chết hộc máu ra. Bây giờ, học đã thành tài rồi, về nước, ông hối hôn cô nọ đó, hỏi ông có chết hộc máu ra đâu? Thề trai thề gái, chao ôi, nó toàn một loạt là thề cá trê chui ống, cũng như thề cô đầu với quan viên vậy:
Đôi ta đá tạc vàng ghi,
Vàng thì Mỹ Ký, đá thì tổ ong.
Đôi ta thề núi hẹn sông,
 Núi trong bể cạn, sông trong bàn cờ…
Đó, họ thề ron rỏn mà không làm sao hết. Thế thì bà tham Đ.T.Đ. sao lại rồ dại mà không dám nhận lời của ông chồng mà đi thề đại ở trên đền Hòn Chén có được không? Cái “ca” của bà này thực lạ.
Thứ tư − … Bà tham này không già mồm bởi vì một lẽ rất dễ hiểu bà không phải là gái đĩ…[19]  Nhưng cái bà vợ ông Nguyễn Kim Nhung ở Vinh thì quả thực đã già mồm. Bà có tính ưa đi xem hát, bà lại có cái tính ưa kép hát giỏi trai, nên ít lâu nay bà thấy lòng bà mênh mông buồn như một khúc Trường tương tư. Thế là bà tương tư kép Phùng Huệ người ở tỉnh Thừa Thiên, bà mê kép về giọng hát cung đàn và bà mê kép cũng vì kép có những điệu như khêu gợi…
Bà bèn ngã vào tay kép. Không, bà không phải là đao, nhưng bà muốn lấy kép để kép ca những bản “Tam ban triều điển” cho bà nghe, và việc ấy đã không bịt qua mắt chồng bà là ông Nguyễn Kim Nhung.
− Này, tôi bảo cho mình biết, tôi không phải là một người trăng gió bướm ong đâu. Người kép hát đó là chồng cũ của tôi, mình hãy cho tôi tự do đi theo người ấy, kẻo tôi ở mãi ở đây không sống được.
Ông Nguyễn Kim Nhung, trước bà vợ già mồm như thế, vui vẻ trả lời:
− Được, tôi sẽ không ngăn giữ và tôi chúc cho mình sẽ gây được hạnh phúc với người đàn ông ấy.
Đoạn, ông đãi vợ trăm bạc để đi theo người chồng cũ mà kỳ thực là mới kia. Thật là một cử chỉ lịch sự và quân tử. Đàn bà, − hình như có một ông văn sĩ Nga đã nói, − cũng như thể con chim trời vậy: nó đi rồi nó đến. Ông Nguyễn Kim Nhung để cho vợ đến rồi đi như thế, đã đành là làm một cái cử chỉ triết nhân rất đáng khen, nhưng chẳng hiểu những người hay ghen và giết vợ ngoại tình, nếu không cho ông là điên dại thì sẽ cho ông là gì?
Thứ năm − Bởi vì các bạn đọc báo hàng ngày tất đã biết rằng những ông giết vợ dạo này nhiều lắm.
Không yêu mình, giết. Không yêu mình nữa, giết. Giết chết người rồi mình cũng chết như cả Mâu bị chém hôm mới đây, các ông đó cho là thường quá, thậm chí có người nói rằng “giết vợ là một phong trào” làm cho những đàn bà “táy máy” cũng hơi… kinh kinh một chút.
Nhưng những bà vợ kế thì vẫn không kinh kinh một chút nào: họ vẫn cứ ghen tuông vô lối với những người đã chết, họ cứ hành hạ con chồng và cái án dì ghẻ con chồng to nhất gần đây chính là chuyện vợ ông bá tước De… hành hạ con chồng vậy.
Hai vợ chồng ông này ở Paksé với một đứa con của người vợ trước lên tám tuổi. Đứa bé này bị người dì ghẻ hành hạ một cách cực dã man: bố và dì ghẻ nuôi cho nó một bà thày Anh-cát-lợi để dạy múa và dạy võ, đến nỗi mỗi khi nó tập võ, láng giềng hàng xóm và những người đi qua lại đều phải lè lưỡi mà khóc thầm cho đứa trẻ. Người ta can thiệp thì ông bá tước kia trả lời gọn lỏn rằng:
− Việc nhà tôi, việc gì tới các ông?
Việc ra đến toà, người dì ghẻ trả lời:
− Tôi có làm gì nó đâu. Tôi thuê thày dạy nó tập võ, và nếu nó có bị tập một cách hơi khác thường một chút, đó chỉ là tại tôi bảo bà thày của nó dạy nó một cách riêng cho nó không lùn người.
Câu nói dễ nghe thay, nhưng chết một cái là với cái môn võ của bà hầu tước và của bà thầy ấy mà cứ tập đều đều mãi, đứa bé tám tuổi kia không sống được; nên bộ ba (hai vợ chồng hầu tước và bà thầy) đã bị thộp ngực hết và giam cầm một chỗ.
Lên tám tuổi, đứa bé kia “bị” học võ mỗi ngày đi bộ ba bốn cây số để xem chân có khoẻ không, thì bà này, không biết bà bị giam cầm ba tháng hay ba năm gì đó, sẽ có thấy “tỉnh” người ra chút nào hay chăng?
Người ta nói rằng bà hầu tước này là người Anh. Chẳng biết, với chuyện này, bà có thấy tỉnh ngộ ra rằng người Anh “trăm phần trăm” ít làm những việc dã man như thế hay không?
Thứ sáu

Kiểm duyệt bỏ
Thứ bảy − Ông bạn Thạch Phi chán đời đã phải vỗ bụng mà than:
 − Cái máu mê cờ bạc của người mình đến như vậy thì thực là hết chỗ nói.
Thực chẳng khác gì hai anh lính thuỷ trong câu chuyện của Anatole France đang đánh thò lò ở trên tàu, bỗng bị tàu chìm, may được con cá voi ra cứu, chở hai chàng lên lưng, thế mà sau một lát ngồi trên lưng cá voi được tỉnh hồn, hai anh lại giở thò lò ra đánh y như lúc còn ngồi trên tàu vậy.
Thì ra những người ham mê cờ bạc trừ khi chết đi mới hết đánh, chứ còn sống là họ vẫn còn đánh như thường.
Riêng người mình, có lẽ đến chết cũng không chừa. Người ta kể chuyện có anh ham mê bài bạc đến nỗi khi nghe vợ con rầy rà quá, anh ta phát cáu lên nói rằng: “Nhất sinh tao chỉ lấy một chuyện đánh bài đó làm cái thú ở đời, nếu không cho tao đánh nữa thì để tao chết quách đi cho xong, và đến chừng tao chết rồi thì mẹ con bay chỉ đốt một bộ bài xuống âm phủ cho tao là được rồi, không cần phải dọn mâm dọn bàn cúng nữa!” [20]

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật,

Thứ hai − Kỳ tuyển lính khố xanh tại trại giám binh Phú Thọ vừa rồi, viên lý trưởng xã T.L. huyện Thanh Thuỷ cũng có mang dân đinh đi tuyển. Ra tỉnh, thấy nhiều gái đẹp, không giữ nổi lòng dục, lý trưởng T.L. mò đến xóm bình khang và cái việc phải xảy ra đã xảy ra: y bị bệnh phong tình rất nặng và phải đón − không phải “ông vua thuốc phong tình” ở Hà Thành, nhưng một ông lang ở vùng Nam về điều trị.
− À, tưởng là gì chứ cái này, tôi chỉ cho một nhát thuốc bảy ngày thì khỏi hẳn.
Người bệnh khỏi hẳn bệnh thực, nghĩa là không đau nữa, không ốm nữa mà cũng không… sống nữa.
Người nhà lý trưởng T.L. thấy thế giữ ngay ông lang băm lại và giải đến các nhà chức trách.
Câu chuyện này lại làm cho kẻ viết bài này nhớ lại câu chuyện ngày xưa, cũng một ông lang có tài Biển Thước, Hoa Đà như thế, cũng giết người như thế, bị quan trên khép án bắt ma chay cho người chết, bắt phải khiêng người chết ra ngoài đồng mai táng. Chẳng ngờ người chết lại mát da mát thịt quá, nặng như một cái cối đá đại. Thầy lang đương bực sẵn lại phải khiêng nặng, tức cảnh ngâm ngay một câu thơ:
Ngô gia tam thế luỹ vi y. (Nhà ta ba đời nay làm thuốc)
Vợ ray rứt đọc tiếp theo:
Lương quân nhất trản luỵ thê nhi (Chồng ta bốc một chén thuốc mà làm luỵ cả vợ cả con).
Con dâu sầu vì bố chồng đọc:
Đãn hận tha phì đài bất đắc. (Chỉ giận nó béo khiêng không nổi).
Con trai thở dài và kết luận:
Tự kim vi y bất vi phì. (Từ giờ có chữa, đừng có chữa cho thằng nào béo nhé).
Đấy là ông lang thời xưa.
Ông lang ngày nay ở Nam thành chẳng biết rồi ra sẽ bị quan trên kết tội gì và sẽ chịu mấy năm tù? Nhưng chắc chắn, một khi đã vào nhà pha ăn cá mắm rồi, ông này thể nào chẳng phải tức cảnh ngâm thơ tự thán mà cũng để cảnh cáo cho những anh em đồng hội:
− Từ giờ có chữa, thì chớ có chữa cho những người ốm làm gì cho khổ. Có chữa, ta chỉ chữa cho những người vô tật vô bệnh mà thôi…
Thứ ba − Nói mà chơi vậy thôi, chứ ông lang thuốc nọ chắc gì đã bị tù? Biết đâu rằng ông ta chẳng có lý lẽ để mình lại tự bào chữa cho mình, để mình lại thân oan cho mình? Nếu ông ta không có tài ăn nói giỏi như cái tài chữa thuốc giỏi của ông ta thì đã có các vị trạng sư nói hộ ông ta, mà đã nói đến trạng sư thì phải biết nhé, lắm cái mình tưởng không ai cãi lại được, họ cũng cứ cãi phăng phăng như thường…
Nhưng xin nói ngay rằng cái ý kiến này không phải là của tôi, nhưng là của bạn Như Hoa trong Sài Gòn, − người đã thuật lại một cái tin sau này trên báo:
“… Toà án Biên Hoà vừa đây xử một vụ cờ bạc. Bênh vực cho một bị cáo nhân là thổ chứa, một ông trạng sư nọ đường hoàng tuyên bố rằng: “Những tay cờ bạc đều là những tay từ thiện, họ dám ăn to xài lớn, nhờ có họ mà tiền bạc lưu thông, sự buôn bán mới phát đạt”.
Hay không? Cứng cát không? Và có mới mẻ không?
Những tay cờ bạc đều là những tay từ thiện thì cái ổ cờ bạc tức là cái lò đúc ra người từ thiện mà anh chủ thổ tự nhiên là xã hội phải kính trọng, coi như một ông thánh sống đào luyện ra hạng người từ thiện chớ sao?
Anh phải biết rằng: đối với xã hội loài người, không có một sự nghiệp nào lớn hơn là sự nghiệp từ thiện, cũng không có sự nghiệp nào hợp với lòng người, lẽ trời bằng sự nghiệp từ thiện, nay với bọn con bạc kia ông trạng sư ấy đã bảo là những tay từ thiện, thì Sáu Ngô, Hai Cua, Ba Sinh, những ông vua cờ bạc đó há không đáng cho chúng dựng tượng để kỷ niệm những công đức tày trời hay sao?
Thứ tư − Chép lại câu chuyện trên này ta rùng mình mà nghĩ lại chuyện cái lưỡi của Esope mà càng thấy là đúng quá.
Lắm khi cái lưỡi người ta nói nên những câu nói rất hay, nhưng lắm khi nó lại cũng nói nên những câu rất dở, làm mất cả nhân cách người ta đi nữa.
Tôi sẽ không nhắc lại những cái lưỡi dài đi phao ngôn những chuyện làm tan cửa nát nhà hay đặt điều để gây sự rối ren trong nước, bởi vì ai ai cũng đã biết những cái lưỡi ấy rồi. Tôi chỉ thuật cho các ngài nghe một câu chuyện mà chủ động là cái lưỡi, − cái lưỡi nói láo, − suýt xảy ra một vụ đổ máu ở rạp hát Hiệp Thành mới đây.
Mới đây, có hai người đàn ông đến rạp hát Hiệp Thành để vào xem hát nhưng không chịu lấy vé nên người soát vé không cho vào.

Kiểm duyệt bỏ
M. Phạm Hữu Tương soát vé không thể làm sao được vì nhà hát không có lệ cho những người vào xem “trạc” nên nhất định mời hai người kia ra. Đã không lấy thế làm ngượng  người […] lại xông lại đánh M. Tương và cửa rạp Hiệp Thành suýt nữa thì diễn thêm một vở kịch “Thù và Máu”.
Tôi không hiểu hai ông này là hạng người gì trong xã hội, nhưng cứ xem cử chỉ thì có lẽ họ chưa được đọc câu chuyện vui này ở trong một cuốn danh nhân dật sử của một người Pháp viết:
Cũng ở trước cửa một rạp hát. Nhưng là một rạp hát ở Pháp vào khoảng thế kỷ thứ mười chín. Hôm đó có diễn một vở kịch rất hay, nhiều người đến xem lắm. Đã đành là những người ấy phải có tiền, nhưng không phải là không có người không xu mà lại muốn vào xem trạc, như hai ông nọ muốn vào xem trạc ở rạp Hiệp Thành đêm hôm nọ.
Vậy, trong số các người vào xem hát ở rạp hát Pháp đó có một người cứ đứng chờ, rình người soát vé hở cơ là vào. Thì tự nhiên lù lù một ông đạo mạo ở đâu vào cúi xuống nói thầm với người phát vé một câu rồi cứ thế vào thẳng không cần vé!
Một ông đứng chờ ở đó đã lâu để xem trạc, thấy làm như thế “ngon xơi” quá, cũng vào theo chân ngay và cũng cúi xuống nói thầm với người phát vé kia cái câu …cái câu mà anh chàng mới nghe lỏm được của ông đi vào trước. Anh chàng chờ người phát vé cúi đầu mời anh ta vào một cách lễ phép, thì anh ta ngạc nhiên biết bao khi bỗng thấy người phát vé rợn tóc gáy chòng chọc nhìn anh ta mà rằng: “Thế nào? Ông bảo thế nào? Ông cũng là Victor Hugo, tác giả vở Hernani diễn đêm hôm nay à?”
Thứ năm − Cho mới biết cái lưỡi dù ở thời đại nào cũng vậy, cũng làm những điều bậy cũng như những điều hay. Nhưng có điều, theo sự xét nghiệm của ta, cái lưỡi nói ra được điều hay thì ít mà nói bậy thì thực nhiều, nhất là những hạng nói bậy để lừa người thì nhiều lắm, không kể sao cho xiết. Mà những kẻ nói bậy để lừa người đó họ như không kể pháp luật là gì cả.
Xem ngay như vụ mấy tên giả mạo là cổ động viên của Trung Bắc Chủ Nhật đi các tỉnh Bắc Kỳ để lừa bạn đọc mua năm thì đủ biết. Chúng hoành hành đã mấy tháng nay rồi, đi khắp chợ thì quê và tự xưng là cổ động viên của T.B.C.N. để lấy tiền của độc giả mua năm. Chúng tôi than phiền đã lắm, mà chúng vẫn cứ có thể trốn tránh ở ngoài vòng pháp luật và hoành hành một cách rất tự do.
Tên tự xưng mình là Victor Hugo bị bạt tai, tên tự xưng là mật thám ở trước cửa rạp Hiệp Thành bị thộp ngực, đến bao giờ cái bọn tự xưng là cổ động viên T.B.C.N. bị vào tù?
Muốn cho họ vào tù, không khó.
Các bạn từ giờ nếu có thấy tên nào tự xưng như thế vào nhà ngài mời mua báo lấy tiền thì các ngài cứ nên im!... Im lặng để nghe chúng nói rồi bảo người nhà ra đóng cửa lại, hét vào tai chúng một câu: “Đưa cái thẻ thuế thân xem!”  Chúng đưa thẻ thuế thân ra thì các bạn giữ ngay lấy hộ cho và báo tin luôn cho các nhà chức trách túm cổ chúng lại cho chúng tôi nhờ… bởi kẻ ấy đích thị là quân gian đó. T.B.C.N. chưa bao giờ có cho cổ động viên đi các tỉnh mời mua báo hay lấy tiền mua năm của một ngài nào ở Bắc và Trung Kỳ. Trừ phi ở Nam Kỳ có M. Võ Văn Rớt thì M. Rớt có giấy tờ cẩn thận hẳn hoi. Những anh tự xưng là cổ động viên ở Trung Bắc Kỳ nếu có đưa giấy tờ ra thì những giấy tờ ấy toàn là giả mạo cả, xin làm ơn cứ thâu lại và báo cho chúng tôi được biết.
Thứ sáu − Thực tình, thì chúng tôi cũng đã hơi biết mấy tên đi lừa ấy là ai rồi.
Chúng tôi có muốn, là muốn có chứng cớ xác thực mà thôi, chứ còn tên tuổi chúng thì chúng tôi đã mang máng nghe thấy không phải bây giờ nhưng nghe thấy từ lâu: bọn đó đã từng về những vùng Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên và đã lừa được mỗi chuyến đi như thế hàng vài trăm bạc…
Nói một câu như thế này cho các bạn buồn, cái bọn đi lừa như thế không phải là hạng ăn cắp, đi lừa, cặn bã của xã hội đâu, nhưng là một bọn có học và đã từng một độ ngã vào làng báo. Bởi vì, dù là làm báo đi lừa hay lợi dụng cái chức hiệu nhà báo để đi bịp thì họ cũng vẫn có thể cứ trương tên tuổi mình là nhà báo chứ ai cấm được?
Nghĩ mà buồn: hiện giờ cái bọn ấy vẫn đôi khi viết sách để bán cho người ta đọc đấy, mà không hiểu tại sao lại có những nhà xuất bản in sách của họ cho đời đọc? Cái học nửa chừng có hại không biết bao nhiêu thật. Cái văn minh nửa chừng cũng thế.
Thứ bảy − Như câu chuyện mà tôi đã thuật lại lần trước ở đây: một ông giáo học ở Đông thành bênh vợ đánh mẹ, coi mẹ như đứa ở, mặc tình cho vợ muốn làm gì mẹ thì làm. Tưởng câu chuyện đời đến như thế là cùng cực, không ai theo kịp ông giáo học có học kia, con người “văn minh” kia, không ngờ ở Sài thanh vừa đây lại có một chuyện cũng oai như thế mà nhân vật chính lại cũng là một người có ăn học mới hay.
Cô Băng Tâm ở Phan Thiết có gửi đăng ở các báo trong Nam một các tin như sau này:
Một thầy nọ làm việc ở sở kia, ăn mặc rất đàng hoàng, cùng chúng bạn đi chơi đêm về… “ Kẻo! Ê kéo!...” Theo tiếng thầy gọi, một tiếng dạ ở đâu xa đưa lại, rồi một con ngựa người đã già cỗi co ro rút cổ kéo xe chạy tới. Thầy thái nhiên bước lên xe, ngồi vếch đốc, con ngựa người kia lại bắt đầu làm cái phận sự kiếm gạo cho mình ngày mai. Thì bỗng đâu một câu nói từ cửa miệng người phu xe già yếu ấy bật ra làm cho người ngoài nghe đến phải dội ngửa: “Nghe kêu, cha tưởng là ai đâu lạ chớ, không ngờ là con, con đi chơi khuya về, mệt nhỉ!” Thì ra, trời đất ơi! Kẻ ngồi trên xe kia là “ông” con, mà người cắm cụi kéo xe kia là “thằng” cha.
Ông bạn Như Hoa của tôi cực lực mạt sát đứa con kia và ông than lên rằng:
Văn minh Đông Á, trời thu sạch,
Này lúc luân thường đảo ngược ru?
Theo ý tôi, thì kêu rên cầu khẩn và than khóc đều là vô ích cả. Nếu tôi có chút quyền… Nếu tôi có chút quyền ở trong tay thì tôi gả phắt ngay thày đi xe kéo nọ cho cô đánh mẹ chồng ở Đông thành: một bên đánh mẹ, một bên “chửi” bố, thử hỏi ở dưới trần này, còn cặp vợ chồng nào vừa lứa xứng đôi hơn?

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.38 (24/11/1940)

Thứ hai –Vào khoảng năm giờ chiều hôm vừa rồi, chuyến xe lửa Hà Nội – Phủ Lý vừa tới ga thì có một chàng mặc Nam phục có vẻ đàng điếm, trên ngực bên phải đeo một cái thẻ bằng nhung đen, còn bên trái thêu một cành hoa con bướm cũng bằng nhung đen, nhảy xuống đất và mạnh bạo đi ngoài phố. Nếu chỉ có thế thôi thì đã chẳng có chuyện, bởi vì nhà nước chưa có lịnh không cho những anh lố lỉnh đi chơi phố bao giờ. Chết một cái là anh chàng nói trên kia lại gặp ông Cẩm đi tuần tới đó; anh chàng nọ giơ tay lên chào theo kiểu nhà binh, khiến ông Cẩm ngạc nhiên đứng lại hỏi thì anh chàng trả lời bằng tiếng ta. Ông Cẩm không hiểu, thế là dẫn ngay anh chàng về sở. Sau một cuộc hỏi cung, té ra anh chàng kia là một người xem tướng số “du chơi” về Hà Nam, nhưng sự du chơi ấy không ngờ lại thành “chơi du” nên anh ta bị giải về dinh ông phủ rồi từ dinh ông phủ bắt sang dinh ông huyện, rồi từ dinh ông huyện lại giải sang dinh ông Tuần. Tờ báo hàng ngày đăng tin này không nói rõ rằng chàng từ dinh ông Tuần có bị dẫn sang dinh ông cẩm nữa không, nhưng cho ta biết rằng anh chàng xem tướng số lố lỉnh kia chưa được tha. Cho mới biết cái nghề tướng số hại người ta thực!
Chữ tài liền với chữ tai một vần! − Câu nói thực đúng quá, bởi vì anh xem số kia lúc xuống tầu, để chân xuống đất Hà Nam, thể nào chẳng giở nghề mình ra mà xem tướng cho những người khách đi qua lại để tìm “mắt cá hạt châu”, để xem trong đám người xoàng xoàng kia có cái tướng “nhĩ bạch diện phương tất quý” nào chăng… Thì anh chàng tất đã thấy ông cẩm là quý tướng lắm chứ gì! Cho nên anh ta chào, mà chào như thế là phải lắm còn gì! Bởi vì anh chơi chim mê chim, anh thích gái vồ lấy gái thì anh xem tướng cố nhiên là phải chào quý tướng.

Kiểm duyệt bỏ
Anh thày tướng kia bị bắt thực quả là “sinh ư nghệ… tù ư nghệ” vậy. Cho nên tôi chán nghề tướng số đã từ lâu, nhất là ở trường hợp anh chàng kia, cái nghề ấy đã làm bận rộn mất bao nhiêu người, mất bao nhiêu thì giờ mà là những thì giờ quý báu như vàng cả!
Thứ ba − Nói đến chuyện chán nghề tướng số, tôi lại nhớ đến cái nghề bạc bẽo đó ít lâu nay đã “ăn gỏi” mất mấy người hy sinh cho nghề ấy.
Tôi sẽ không kể tên những người khốn nạn đáng thương đó ra đây làm gì bởi vì quốc dân ta đã hiểu biết họ lắm rồi… Tôi, ở đây, chỉ nói đến một người mà trong Nam ngoài Bắc ai ai cũng đều biết tiếng tăm (hay tai tiếng cũng thế), ấy là “pờ-rốp” (!) K.S. hay “mét” [21]  K.S. cũng thế, bởi vì cái mặt ông này kỳ nào cũng đều đăng to bằng cái mẹt lên trên báo để làm quảng cáo cho nghề mình.
Người ta bảo ông này là một tên bịp. Sự thực, ông chỉ là một anh “thày bói sáng” mà thôi, nhưng ác hại! anh ta không biết “mù” gì về bói toán tướng số cả, nên anh ta toàn nói láo, mà đã nói láo để lấy tiền thì tất nhiên là đi lừa rồi.
K.S. đi lừa thực, cho nên anh ta bị lôi thôi ở Hà thành một dạo lâu. Ai ai cũng tưởng anh “sinh ư nghệ, tử ư nghệ, tắc dĩ giải nghệ” rồi, không ngờ vừa đây xem những tờ báo ở Nam ra, thì ới mèn ơi! ới mặt ơi! cái anh thày bói sáng có ảnh đăng đó chẳng vẫn là anh K.S.?
Thì ra K.S. lại vào “làm một chuyến” ở trong Nam nữa, nhưng lần này anh ta lại đổi mặt, tuy vẫn nguyên bộ lòng cũ: anh ta để một bộ râu trê trên mép. Để bộ râu trê trên mép như thế là để cho người ta không nhận ra là K.S. đã bị tù tội vì đi lừa người chăng? Để bộ râu trê trên mép như thế là để tỏ ra mình là một người đứng tuổi làm ăn đứng đắn chứ không phải đi lừa người chăng? Chao ôi, K.S. quả là một người tài thực! Nhưng chỉ tài về môn.. đi lừa mà thôi, chứ không phải tài học, bởi vì anh ta nếu có học thì anh ta tất đã biết rằng nếu cái áo không thể làm thành được thày tu thì bộ râu trê của hắn đâu có xoá được cái cuộc đời quá khứ?
Trong chuyện này, tôi cho có lẽ chỉ có bộ râu là oan khổ mà thôi, bởi vì nếu dân Sài Gòn ngày mai đây chỉ tay đuổi hắn đi thì bộ râu trê nọ đã không xoá được cái quá khứ của chàng, mà trái lại, chính bộ râu ấy lại “bị” xoá để K.S. đeo một bộ râu khác đi kiếm ăn miền Lục tỉnh.
Nhưng, anh chị em đừng sợ. Dân Nam Kỳ xưa nay vẫn có tiếng là thông minh lanh lợi, đâu lại có để cho tên bợm kia bịp mình vì một bộ râu!
Thứ tư − Sự thực là thế: ở đất Bắc này, cái nghề tướng số bây giờ khó kiếm ăn lắm lắm. Ấy là chưa nói đến chuyện, giời đất này, chánh phủ lại còn […] triệt hẳn nghề tướng số đi. Nghề tướng số, vì vậy, nhiều khi đã chẳng bịp được ai, tôi không nói đến những người có chân tài, có thực học và hiểu tướng số, trái lại có khi lại bị người ta bịp nữa. Xem ngay câu chuyện Thần-cốc-tử (bà) ở Hà thành vừa bị một người mại bản dắt đến phòng ngủ Thái Lai lừa biến mất năm trăm đồng thì biết. Không hiểu khoa tướng số bói toán của Thần-cốc-tử (ông) cao siêu đến bực nào mà lại để cho thần phu nhơn bị bịp một cách xót xa như thế?
Làm cho mình lại nhớ đến câu chuyện anh thày bói xem bói bảo người ta cháy nhà mà chính nhà anh ta bị cháy, cũng như câu chuyện anh tướng số sáng kia nói với khách hàng rằng “Ông khổ vì tình” mà chính sau lúc ấy một lát về nhà thì anh ta thấy vợ đương hú hí với một người đàn ông khác, không những đã vào lầm nhà mà lại nằm lầm cả giường của anh ta!
Như chúng ta đã biết, ông thày tướng ấy không cần bấm nhẩm bấm độn hay xem quẻ gì lúc ấy, ông ta đâm chết liền cái gã cắm sừng kia và, − chẳng hiểu cái này có ở trong tướng số hay không, − ông ta bị bắt giam và bị tù. Chắc hẳn ở trong tù, anh chàng không nghĩ gì đến tướng số nữa mà chỉ nghĩ đến tình nó đã làm cho mình đau khổ mà thôi…
Thứ năm − Tôi không hiểu ông bác sĩ Kerr ở Huê Kỳ có đau khổ như ông thày tướng số kia không, nhưng cứ xem những công việc khảo cứu của ông ta thì ông ta cũng đau khổ vì tình nhiều lắm… Theo bạn Như Hoa thì bác sĩ Kerr tuyên bố rằng: “Ái tình cũng chỉ là một chứng bệnh”. Rồi ông ta chế ra một thứ thuốc tiêu để uống, không phải để tiêu độc nhưng mà là để tiêu… tình. Ông ta lấy làm đắc ý lắm, nhưng nào có biết đâu rằng ở nước ta, một người đàn bà goá nọ đã làm tiêu tình của người ta mà chẳng cần phải thuốc men gì cả.
Một thày đồ nọ dạy con một người đàn bà goá. Thày đồ, ít lâu sau, mắc bệnh liền: bệnh yêu mẹ học trò. Chị đàn bà goá nọ thấy thế thương hại bèn tìm cách chữa cho thày: chị gọi thày vào trong buồng và… Không! độc giả chớ vội hiểu lầm như vậy.
Chị ta bảo thày đồ rằng: “Ít lâu nay, tôi biết thày thương tôi lắm lắm. Nhưng biết làm sao được? Tôi hãy còn tang chồng. Tôi phải đợi đến hôm nay là ngày giỗ hết chồng tôi, tôi mới dám nói thật với thày; vậy thày đợi tôi nhé, tôi ra xem cho khách ăn uống xong sẽ vào, và đôi ta sẽ thoả tình mong đợi từ bấy lâu nay vậy.
Hả quá, thày đồ nằm liền ở trong buồng với một ấm nước để hãm giọng trong khi đồ xào nấu đưa những mùi thơm tho đến để “nịnh khứu giác” thày. Hết sáng đến trưa, hết trưa đến chiều, hết chiều đến tối, thày đồ thấy kiến bò bụng rồi thấy đói meo lên, thày không đi lại được nữa, thày không ngâm thơ du dương được nữa, thày thấy buồn chân tay, sau thày nằm phục vị một chỗ. Bấy giờ chị chàng kia mới vào, chậm rãi thay đổi y phục và lại gần thày vuốt ve. Thày lắc đầu lìa lịa mà rằng: “Không, không tôi chịu… Cho cơm ăn cái đã!”
Thì ra cái thuốc chữa bệnh yêu nào có khó khăn phiền phức gì đâu. Chỉ đói là xong cả. Nghĩ làm gì cho khổ, bác sĩ Kerr ôi, cứ bắt những anh chàng chị chàng lãng mạn “sống vì yêu, chết vì yêu” nhịn đói một dạo là xong cả…
Thứ sáu − Cái đói không là một thứ thuốc chỉ nhiệm mầu có thế. Đói còn chữa được nhiều bệnh nữa, mà bệnh nói láo là một, bởi vì nếu đói thì giã họng ra rồi còn sức đâu mà nói láo khoe tài, đói thì còn hơi sức đâu mà ngồi viết những bài văn cực nghiêm trang như bài “Khóc ông thủ tướng Anh” của một ông chủ bút một tờ báo kia: “Ối giời cha đất mẹ ơi, ới ông Chamberlain ơi, ông đã thất tuần rồi, mà ông lại chết, thế thì bà nhà ta biết lấy ai làm bạn sớm khuya để cùng kể những câu tâm sự?”
Nếu thế giới đói một dạo… Nếu thế giới đói một dạo, ta sẽ không phải chướng tai gai mắt vì những điều trông thấy và nghe thấy! Nghe thấy những bài văn giết lỗ tai, và trông thấy những cái “măng-xét” như “măng-xét” [22]  của một tờ báo kia chẳng hạn, trương lên những cái “lâu đài mơ mộng và ngốc nghếch chẳng ăn thua đâu vào đâu” như thế này:
“Chàng như mây mùa thu,
Thiếp như khói trong lò,
Cao thấp lẽ có khác,
Một thả cùng tuyệt mù”.
Một tờ báo sống với sự thực hàng ngày, thực tế như là cuộc đời vậy, còn chẳng ăn ai mà lại “cho ra” một câu như thế, xin hỏi để làm cái “tễu” gì? Làm văn ư? Thì mua cái chĩnh. Điên ư? Thì đã có nhà thương Vôi…
Tôi không hiểu người viết cái “măng-xét” kia có ý nói riêng gì với độc giả, chứ tôi, thực quả tôi ngu độn hơn độc giả của tờ báo kia nhiều lắm nên tôi xin chịu, cũng như tôi đã chịu câu này, cũng in italique 18 [23]  trên “măng-xét”:
“Chàng tận trung với nước, (bom bom!) Chàng há quên việc nhà, (bom bí bom!) Một gánh giang san đôi ta chia sẻ (bom bí bom bom!)
Chết cười! Cười chết!
Thứ bảy − Độc giả xem, thế thì bảo tôi không mong muốn cho người ta nhịn đói làm sao được?
Bắt nhịn đói, theo tôi, thiên hạ sẽ hoà bình. Đừng nói gì các nước trên thế giới vì đói sẽ không gây việc can qua, cứ nói riêng, ở trong phạm vi văn chương, khi người ta đói người ta sẽ không nói riễu người khác (như tôi chẳng hạn) mà người ta sẽ không “lật tẩy” người khác như ông nào đó trong Sài Gòn lật tẩy ông dịch giả cuốn “Bức thư của người không quen”.
Theo ông bình phẩm này, thì dịch giả truyện B.T.C.N.K.Q. thù nhà văn sĩ Áo quốc Stefan Zweig nên dịch sai tiệt cả văn đi cho Stefan Zweig xấu hổ với dân ta. Được lắm. Ông Đông Á nói phải, và lôi hàng tạ những đoạn dịch sai của ông “B.T.C.N.K.Q” ra cũng phải nữa. Nhưng có một điều này, nói thì ra hơi buồn cho ông Đông Á một chút, nhưng tôi cũng phải nói: đó là ông Đông Á đã ném… đá xuống nước, đã đánh vào chỗ không… Bởi vì ông công kích người dịch sai đó thì đó chỉ là dịch sai văn Pháp, theo bản dịch của hai ông Alzir Hella và Olivier Bournac mà thôi. Sự thực người dịch “B.T.C.N.K.Q.” có theo bản Pháp văn đâu! Ông Đông Á lầm. Bạn Lan Khai khả ái của chúng tôi dịch là dịch theo bản nguyên văn đấy chứ! Mà bản nguyên văn của Stefan Zweig thì viết bằng tiếng Đức kia mà (bạn Lan Khai có đề rõ ở ngoài bìa), mà tiếng Đức, ông Đông Á đời nào biết được? Thế thì nếu đã không biết, ông sao lại dám dại dột mà phê bình sách dịch Bức thư của người không quen? dám bảo ông Lan Khai dịch “theo nguyên văn” là dịch theo bản của Hella và Bournac? Ông Đông Á đã phạm tội vu cáo vậy.
Ông Lan Khai chuyến này chắc giận lắm và tôi lo rằng ông sẽ trả lời ông Đông Á mất, – mà trả lời bằng một thứ tiếng gì? Ông tất sẽ trả lời bằng thứ tiếng “nguyên văn” của cuốn “B.T.C.N.K.Q.” tức là tiếng Đức, một tràng tiếng Đức. … Cho mà xem!

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.39 (1/12/1940)

Thứ hai −  Trong một số báo trước, tôi đã thuật lại chuyện bá tước ở Paksé cùng vợ và một cô giáo người Anh bị can vào tội hành hạ một đứa trẻ lên tám tuổi. Đứa con này là con vợ cả của bá tước. Nó bị vợ kế của bá tước cùng với cô giáo Anh đồng loã đánh đập rất tàn nhẫn đến nỗi người đi đường thấy thế không chịu được phải vào can thiệp thì bá tước kêu lên rằng: “Việc nhà tôi, việc gì đến các người mà các người lôi thôi vào”. Đó là ý riêng của bá tước. Việc nhà của bá tước thì không ai có quyền ngó tới, nhưng đó lại không phải là ý kiến của Toà án nên Toà án cứ can thiệp, và kết cục, bá tước bị 18 tháng tù, 5 năm mất công quyền, vợ bá tước 2 năm tù, 10 năm biệt xứ, 16 quan tiền phạt; Miss G., cô thày dạy con bá tước học võ 2 năm tù, 16 quan tiền phạt.
Tưởng thế đã xong, hay đâu vừa đây các báo trong Nam lại vừa đăng tin bá tước D… ở Paksé lại bị một cái án thứ hai: bá tước can vào tội nuôi một cô giáo ngoại quốc mà không khai báo cho nhà nước biết.
Nguyên giữa lúc tình hình trong nước không được yên ổn, Chánh phủ có ra lệnh hễ ai chứa chấp người ngoại quốc trong nhà thì phải khai báo cho các nhà chức trách biết. Bá tước D… không biết thế, nên nhân việc hành hạ đứa con vợ cả, Bá tước bị truy tố và bị phạt 500 quan tiền vạ, còn riêng cô giáo sư Anh thì bị phạt 100 quan vì không có giấy tờ gì hết.
Cho mới biết, ở đời, cháy nhà mới ra mặt chuột thực, mà nếu phúc bất trùng lai thì cái hoạ bao giờ cũng vô đơn chí. Nhưng xét cho cùng ra thì vợ chồng nhà bá tước này chung quy bị tù bị tội chẳng qua cũng tại giàu tiền quá. Bởi thế cho nên mới nuôi một cô thày để dạy con, con mới bị cô thày hành hạ, và vì cô thày hành hạ nó bị ra Toà, nên mới lộ việc vợ chồng bá tước xử tàn ác với con, và vì bởi xử ác với con nên mới bị án mà bị án ấy mới dây dưa ra cái án thứ hai kia vậy.
Xem vậy, thì muôn việc lôi thôi, chẳng qua chỉ tại thừa tiền cũng như vì thừa tiền nên ông nọ mới ra một tờ báo hàng ngày nọ để…
Thứ ba −… để cho ông chủ bút thừa giấy thừa mực nói lôi thôi dây cà dây muống trên báo được.
Ừ được đi, như một bạn đồng nghiệp ở đây đã nói, ông ấy “mồ cha không khóc, khóc đống mối… ở bên Anh” cũng được. Ừ được đi, ông ấy làm những cái “măng-xét” đáng đánh đòn cũng được… Nhưng có một điều này thì hơi quá, một điều mà tôi lấy làm lạ sao đến tận bây giờ độc giả của ông ấy chưa nổi lòng công phẫn…
Chuyện nguyên do như thế này:
Ở Sơn Tây, cô M. không lấy ông lác mắt méo mồm nào lại lấy ngay một thằng nhỏ không đáng được cô yêu, nhất là cô M. lại đẻ với thằng nhỏ ấy một đứa con, thì ông ấy lại càng tức lắm. Nhưng ta đừng tưởng ông sẽ lớn tiếng công kích thằng nhỏ ấy. Không hèn hạ một tí nào, ông cười cợt một cách rất có duyên với thằng nhỏ và với cái giọng trào phúng rất thần tình ông khen cô M. như thế này: “Cái bụng cô là một công trình tối lợi dân ích quốc… Nếu không thế thì những ông Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ... Cô M. thành Sơn Tây, dù không được như hai chị em bà Trưng, song thiệt đã xứng với cái tên “mẹ quốc dân” vậy”.
Các ngài đã thấy cái lối trào phúng ấy thú vị đến thế nào chưa?...
Thứ tư −…Ở đoạn đầu bài ấy, ông tác giả trào phúng của bài văn trào phúng nọ có ý bảo truyện Trống mái của Khái Hưng là có hại. Tôi không xét đến cái hại ấy tường tận lắm làm gì, nhưng nếu quả cuốn Trống mái có hại thì chỉ hại về một phương diện mà thôi, chứ cái bài “Kìa đó trai anh hùng thì đây ta cũng gái anh thư” thì vì buồn cười quá nên có hại vô cùng, làm cho những người có học không thể nào chịu được.
Nghe đồn thấy tờ báo đăng bài đó có một ông chủ nhiệm, không cười, lúc nào cũng khuyên quốc dân ta mỗi khi nói đến hai chữ “Nam Việt” phải nên lấy làm hãnh diện. Tôi tưởng ta nên hãnh diện vì cái gì chứ hãnh diện vì “cô chủ ngủ với đầy tớ” rồi chửa hoang, thế mà viết lên báo ca tụng dù ca tụng bằng lối châm biếm, mà bằng lối châm biếm thần tình quá, thì cũng chẳng nên hãnh diện làm gì.
Ông chủ bút kia viết như thế này (mà chắc ông cho là hay lắm, độc giả đọc ông sẽ lác cả mắt đi):
“Tôi thì có đánh chết tôi đi, tôi cũng một hai ba bốn (?) cho cô M. là một gái anh thư Việt Nam”.
Chao ôi anh thư Việt Nam chỉ có thế thôi ư? Tôi để quyền cho các bà các cô ở trong nước trả lời ông viết bài kia − mà trả lời bằng bất cứ cách gì cũng được − để tỏ rằng anh thư Việt Nam không như lời ông ta nói, ngủ bậy ngủ bạ đâu. Anh thư Việt Nam thế khác kia, anh thư Việt Nam là bà Trưng Trắc Trưng Nhị, mà khi người ta đã là Trưng Trắc, Trưng Nhị, dù ai có táng tận lương tâm đến thế nào cũng không có quyền đem ví với cô M. ở Sơn Tây cao hứng với… một tên đầy tớ!
Thứ năm − Đọc bài văn trào phúng nọ, tôi không khỏi có một ý nghĩ này: Hay là ông chủ bút tờ báo nọ có một quan niệm riêng về ái tình? Ông tha thứ hết cả những chuyện trên bộc trong dâu, dù những chuyện ấy xảy ra giữa bà chủ với thằng quít hay là giữa con sen và ông chủ, nên ông viết báo khuyên người ta làm… theo chính kiến của ông?
Tôi vẫn nghe đồn rằng tờ báo của ông P.L.B.[24]  ít lâu nay là một tờ báo đặc biệt quốc gia, mà chủ bút của nó, người viết bài báo kia, là người cũng tha thiết với giống nòi và đất nước. Nhưng dù sao, cái chính kiến của ông như thế thì kể cũng có hơi phiền; vẫn biết cái chính kiến đó đã đem ra thực hành ở mấy nước châu Âu thực, nhưng ta phải nên biết cái mục đích của người ta cốt là để tạo lấy một nòi giống tốt.
Ở đây, cái chính kiến ấy đem cổ võ một cách sai lầm như thế thì chỉ là để cho người ta loạn dâm thôi. Nếu thực quả ông nghĩ đến chủ nghĩa “cấy dân” cho nước thực thì, từ xưa, ở nước ta đã có chủ nghĩa đa thê đó, nếu ông thấy một vợ mà ông đẻ con giúp nước chưa đủ thì ông rất có thể lấy hai, ba, bốn, năm bà… Chứ việc gì phải táy máy đến con sen thằng quít, và lại còn đem việc ấy mà cổ động lên mặt báo. Ông để dành riêng cho cuộc thí nghiệm của ông thì có phải thú hơn và đỡ tai hại hơn không?
Thứ sáu −… Chớ tờ báo, lúc này, tôi tưởng không phải dùng để xúi bẩy người ta làm những việc “anh hùng” đó. Tôi không rõ ông T.V. có thù hằn gì với đàn bà và đàn bà nước ta đã có một người cho ông một “cú” nào chưa, nhưng sự thực đọc hết hai cột bài của ông, tôi thấy một sự khinh khi phụ nữ vô cùng vậy.
Ông viết:  “Cô M. ở Sơn Tây đã xứng với cái tên “Mẹ Quốc Dân” vậy. Người ta chửa hoang với đầy tớ mà đi khen ngợi, dù là khen ngợi bông đùa cái ấy đã là du lắm lắm rồi, người ta chửa hoang với đầy tớ mà lại đi nâng làm “Mẹ quốc dân”, dù là nâng đùa, thì thiết tưởng quốc dân ta cũng khổ thật, mà bà “mẹ quốc dân” thực của ta chắc cũng không vui lòng gì.
Ở Đức, mỗi bà mẹ đẻ trên mười đứa con thì được chánh phủ cấp cho một cái mề đay khắc chữ “Người mẹ Đức”. Cô M. nếu quả là một giúp ích cho nước thì cũng được nâng làm “Người mẹ An-nam” là cùng, chứ sao là “Mẹ quốc dân” mà lại viết ở giữa hai cái ngoạch “…”? Tôi xin chịu không hiểu cái thâm ý của nhà văn trào phúng. Hoạ chỉ có ông ấy và một người nữa thôi!
Thứ bảy − Cái nghề chửi chữ mới biết thâm thiểm thực! Ông T.V. dùng chữ “Mẹ quốc dân” chắc để xỏ một người nào đây.
Nhưng đến cái ông ở tờ báo hàng ngày kia, khi dịch Arip mà viết thế này:  “Một toán binh lực (?) Ý” (………………..)
thì chẳng hiểu ông định xỏ ai. Xỏ chữ nho? Xỏ… mũi độc giả? Hay xỏ hãng thông tin Arip?

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 40 (8/12/1940)

Thứ hai − Mấy hôm nay, về việc cô Trần Thị Cẩn ở Hưng Yên, người ta bàn tán nhiều điều quá.
Cứ kể thực ra thì chẳng có gì là lạ cả: cô Cẩn nọ lấy một cậu trai tên là Trần Văn Cổn, hiện đương làm việc ở Hải Phòng. Tưởng là đôi lứa ở với nhau “phụ xướng phu tuỳ” đến tận lúc bạc đầu, không ngờ cô Cẩn, đêm hôm tân hôn cứ nằm vuốt bụng thở dài nhớ đến người tình cũ của cô, và cô khóc, và cô lấy một cái khăn có thêu tên người tình cũ ra đưa cho chồng mới để “khiêu khích” người đàn ông ấy, theo như lời các báo đã đăng. Ấy chỉ vẻn vẹn có thế thôi, một câu chuyện gia đình mà người ta nói độ ba dòng kể cũng đủ quá rồi, không ngờ có một vài tờ báo hàng ngày lại tưởng thế là quan trọng lắm, nêu lên những cái tít lớn và… đăng ảnh cô Cẩn nữa, làm như một người gớm lắm.
Thứ ba − Như thế, thử hỏi để làm gì?
Nếu kể về danh tiếng, tôi tưởng có Cẩn cũng chưa có danh tiếng bằng bà vợ ông chủ bút báo kia. Mà đăng như thế bởi vì là tin cần biết? Thì, ví như tin ấy có thực hẳn thế đi nữa, cái bực phụ huynh cũng không muốn cho con gái biết làm gì, ví dụ ngay ông chủ bút nọ có con gái lớn.
Tôi nghe thấy nói ít lâu nay, […] các báo chí ở đây quay về đạo đức dần dần. Vì thế, tôi không chịu tin rằng ông chủ bút báo kia lại cố hại quốc dân, đăng tin ấy để cho phụ nữ ít tuổi trông đó làm cái gương đi trên đường đời được. Chẳng lẽ ông lại quên rằng mình đã lớn tiếng công kích tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn là lãng mạn, là đầu độc? Ông, chẳng lẽ lại quên rằng ông làm báo là để cho đời đọc, chứ không phải để quảng cáo riêng một cô gái và để cho các bạn trai biết đến cô gái ấy? Như thế đã hết đâu. Tờ báo nọ lại còn phỏng vấn xem tại sao cô bỏ chồng… tôi không nói đến cái giọng văn ca tụng hay không ca tụng làm gì (và ở bài ấy, đăng rất rành rọt, rất lớn, sềnh sềnh ở trang nhất, ta đã nghe thấy cô Cẩn nói ý để cho chồng hiểu rằng cô có D (ở mùi xoa) chứ ông Cổn bảo đó là C thì không phải. Người ta có phải cứ thấy C là có thể bảo nhầm là D đâu!
Những cái đó có lẽ lớn thật, lớn với báo kia, với cô Cẩn thực, nhưng lớn gì với bà và với tôi?
Thứ tư − Thực, đến giờ người ta vẫn không thể hiểu tờ báo kia đăng bài phỏng vấn bực “anh thư” và ông “anh hùng” kia để làm gì mà to thế, và không biết lúc bà vợ ông chủ bút ấy đẻ con thì còn làm to đến thế nào… Nhưng trước việc “phóng đại tin” này, việc “bịp bợm văn chương” này, ta nghiệm thấy một điều này chẳng biết đó là điều vui hay điều buồn? là trong làng báo ít lâu nay thường nẩy ra nhiều ông đi bắt chước người quá, hễ người ta vừa để… hở ra cái gì ra một chút thì bắt chước liền và bắt chước không ngượng nghịu. Rồi từ đấy người ta đánh đĩ nghề mình: thấy người đi phóng sự Hải Phòng, mình cũng làm Hải Phòng phóng sự; thấy người ta phỏng vấn anh Mực, mình cũng đi phỏng vấn mụ hàng me cùng bán hàng với anh Mực; và thấy người ta phỏng vấn cũng thúc người làm đi phỏng vấn.
Vẫn biết phỏng vấn là một cách viết không phải quyền sở hữu của riêng một người nào cả. Nhưng thực ra, ta phải nhận rằng chính vì cái óc đi bắt chước nên mới có chuyện khỉ bắt chước người, mất một mảng các mặt bú rù đi… mà tờ báo kia mới có chuyện cũng đi phỏng vấn, mà phỏng vấn một chuyện cực quan trọng là hỏi vợ chồng người ta đêm tân hôn cãi nhau đến thế nào mà đến nỗi phải đem ra toà xin ly dị rồi về đăng báo ở dưới một cái đề thật lớn “Một hoa khôi ở Hưng thành bị chồng kiện xin ly dị sau cuộc kết hôn 18 ngày”.
Thứ năm − Nói đến những cái đề lớn, tôi lại nhớ đến một cái tin mới đây tôi được đọc ở trong một tờ báo khác: “Một cái quái thai mắt người, mồm lợn, mũi và tai là mấy cái lỗ nhỏ, mắt là hai miếng thịt đỏ trông không rõ hình”.
Làm cho tôi lại nhớ tới một chuyện ở trong Nam: một người đàn bà Sài Gòn cũng đẻ ra một quái thai mũi diều hâu, mắt mọc ở cằm và tai ở bụng. Bạn đồng nghiệp có đến hỏi người thiếu phụ nọ thì người thiếu phụ ấy trả lời rằng: “Lúc có mang, tôi thấy một cái tổ diều có mấy con diều hâu con chết, tôi về sợ quá, đêm nằm mê thấy, và chắc là sự nhìn đó ảnh hưởng vào bào thai…”
Nhìn một cảnh tượng gớm ghiếc như thế đã có hại thế, không biết nghe hay đọc một tin gớm ghiếc như tin trên kia thì có hại hay không?
Ông chủ báo, rất nhân đạo, có lẽ không muốn biết… nhưng ta thì ta nên biết rằng: Một câu chuyện hãi hùng như thế không nên nhắc lại làm gì cả, kẻo không có nhà báo kia nghe thấy lại cho đến phỏng vấn liền cái quái thai kia thì nguy cho độc giả chúng ta lắm lắm. Mà rồi biết đâu chẳng có người sẽ bắt chước vị ấy mà làm lan cái nguy cơ mãi ấy ra đời? Bởi vì ai còn lạ gì đời này nữa: hễ cứ có gì lạ một chút thì có người xông ra bắt chước ngay mà bắt chước không cần suy xét.
Thứ sáu − Nói đến chuyện suy xét là nói chuyện chơi cho vui đó mà thôi. Chứ sự thực suy xét để làm gì? Người ta làm cỗ sẵn cho mình xơi, mình bám riết, cứ ăn sẵn, có điều tiện lắm.
Vậy chúng tôi rất khen những ông nào thấy cái “phoóc- muyn” [25] Trung Bắc Chủ Nhật được nhiều độc giả hoan nghênh, cứ ngồi đấy mà làm theo… Nghĩ làm gì cho hại óc! Và có óc đâu mà nghĩ.
Tôi chủ trương rằng muốn sướng, người ta không nên nghĩ làm gì. Mà làm văn cũng vậy. Mà cả về thơ cũng thế. Nghĩ lắm càng vô bổ. Cho nên tôi xin chịu cái ý kiến của ông Thao Thao [26] nó đại khái thế này: Làm thơ Đường, thơ mới dài quá, mình phải nghĩ nhiều. Âu là ta “cô” cái óc lại như “cô” thuốc phiện và mỗi bài thơ chỉ nghĩ một câu cũng đủ. Đại khái muốn tả mùa rét ở hồ Hoàn Kiếm, ông có câu thơ này:
“Đông xám sịt bên hồ cứt trắng khô!”
Thế là đủ. Cần gì phải nghĩ nhiều… Thơ ấy, ông Thao Thao đặt tên là thơ một câu mà… tám chân. Tám chân, theo ý tôi cứ kể cũng còn nhiều quá, còn phải nghĩ. Vốn xưa nay vẫn quý ông Thao Thao, tôi có ý lạm bàn: ông nên bỏ hết cả chân đi mà chỉ cho thơ đứng trên một chân như con cò hay con vịt khi ngủ cũng đủ, không nên rềnh ràng làm chi. Nhưng xin nói ngay rằng ý kiến đó không phải là ý kiến của tôi đâu, nhưng là ý kiến của Đạt-ta-nhan trong truyện Ba người ngự lâm pháo thủ!
Đạt-ta-nhan bảo A-la-mỹ: Thơ “một câu” của Voiture khi trước bây giờ lỡ thời rồi, anh nên làm thơ một chữ thôi, như tả cảnh mùa nực thì chỉ hạ “Nực”, buồn cảm về một chuyện gì thì ngâm “Sầu!” là đủ…
A-la-mỹ làm theo và từ đó làm thơ một chữ và chết đói vì thơ. Được người tình là bà Sơ-vơ-rơ thương tình giúp đỡ, A-la-mỹ dần dần sống một cuộc đời vương giả; một hôm A-la-mỹ gặp Đạt-ta-nhan, Đạt-ta-nhan bảo A-la-mỹ rằng:
Đấy anh xem, tôi nói có đúng không? Thơ cần gì phải có nhiều chữ mới nuôi nổi người! Không phải nói đùa, anh thực là bực thi bá “nhất tự thiên kim” đấy!
A-la-mỹ nhất tự thiên kim, ông Thao Thao thiên kim mà nhân lên bát tự, phen này gọi là cứ thành triệu phú đến nơi.

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 41 (15/12/1940)

Thứ hai − Cái ông thày bói sáng ấy thế mà nhiễu sự! Đọc một kỳ “Không đó thì đây” ở báo này có nói một chút đến ông, ông K.S. lấy làm giận lắm. Ông xem số mệnh cho ông tức thì, và thấy “sao” Đà la Điếu khách chiếu sang cung mệnh, mà lại có Cô thần, Quả tú ở Thiên di, ông K.S. của chúng ta tức thì viết cho tôi một lá thư đại khái như thế này:
“Ông vô lý lắm. Hiện giờ tôi đi bịp anh em chị em Nam Kỳ chứ có bịp nổi người Bắc Kỳ nữa đâu mà ông công kích? Xin bớt bớt cái miệng đi. Bởi vì dân Nam Kỳ hiện tin tôi lắm, ông có nói bao nhiêu nữa cũng vô bổ; chứng cớ là có nhiều báo ở đây vẫn cứ quảng cáo cho tôi và có khi lại lấy tiền của tôi để giới thiệu đồng bào quốc dân đến nhà tôi để cho tôi bịp nữa”…
Thứ ba −… Làm cho tôi sinh một mối buồn cảm vô cùng cho các báo Nam Kỳ hiện đương đăng quảng cáo cho ông thày bói sáng của chúng ta.
 Chỉ vì tiền! Các ông tất nói thế với tôi. Tôi cũng đã biết thế, nhưng không khỏi chán ngán cho cái nghề dẫn đạo quốc dân của chúng ta mà lắm khi phải đành lòng trương lên một công trình bịp bợm của một tên bợm bịp có môn bài ở nhà pha.
Tuy vậy, nhưng chúng tôi không có tội. Nghề báo chỉ là một lối buôn thôi. Ai thuê thì làm.
Lời nói nghe hữu lý. Nhưng tôi không khỏi buồn rầu mà cứ phải kể một chuyện ở dưới triều vua Lộ-y-thập-tứ.[27]
Thứ tư − … Vua Lộ-y-thập-tứ vốn là một người hay nghĩ ngợi, một hôm đi bách bộ chơi ở trong điện Louvre ở Versailles. Đến “gian phòng Đồng hồ” ngài gặp một người đạo mạo đương trèo thang lên tháo một cái đồng hồ quý vào bực nhất. Nhà vua thấy thế, sợ y trượt thang chăng, ung dung tiến lại gần và nói:
− Khanh cứ lên. Để trẫm giữ chân thang cho cẩn thận.
Người lạ mắt kia nhìn nhà vua một lát rồi ung dung tháo đồng hồ đem về nhà. Y nói là để chữa vì đồng hồ ấy hỏng.
Mấy hôm sau đình thần vào tâu rằng ở trong “gian Đồng hồ” ở điện Louvres quân gian vào lấy mất một cái đồng hồ quý. Vua tới xem thì là cái đồng hồ hôm nọ.
Văn võ trong triều bèn xin nhà vua cho lịnh truy tầm tên kẻ trộm táo gan kia trị tội. Đức Vua bảo họ:
− Trị tội hắn làm gì? Thôi các khanh ạ, hắn là thủ phạm vụ trộm đó, nhưng trẫm, trẫm cũng là… tòng phạm.
Thứ năm − Nói thế mà chơi chứ thực tình tôi không muốn làm phật lòng mấy bạn đồng nghiệp ở đây.
Mấy bạn đồng nghiệp tôi ở đây, vả lại, cũng chẳng cần gì chuyện ấy bởi vì đó là chuyện cơm bữa rồi. Người ta lắm khi đã bịt mũi ăn… tiền, đăng biết bao nhiêu quảng cáo cho những quân đi lừa, mà lừa thế nào? Họ lấy sinh mệnh của đồng bào ra mà lừa, cái việc ấy mới thực lớn, không tài nào tưởng được.
Đã hết cái thời kỳ đăng quảng cáo cho vua thuốc lậu, vua thuốc giang mai, đã hết thời kỳ cổ động cho những thứ thuốc giết người của các vị lang băm rồi, bởi vì các ông lang ấy đã hết tiền. Bây giờ lại đến thời kỳ làm quảng cáo cho những người nhiều tiền hơn, bịp bợm “quốc tế” hơn, những ông thày thuốc “cho” một nhát thuốc thì ăn liền vài trăm bạc.
Sáng qua, hơn một chục anh em học sinh trường thuốc có đến chơi tôi nói chuyện về việc vài tờ báo hàng ngày đăng quảng cáo cho một ông thày thuốc phù thuỷ mới đến kiếm ăn ở Hà thành. Vì một lẽ riêng, các anh em tỏ lòng công phẫn một cách đặc biệt đối với một tờ báo hàng ngày trong số đó.
Viết báo cho quốc dân xem, quốc dân ốm chưa đủ hay sao mà nỡ lòng nào lại còn mượn tay một người khác đến lừa dối và giết hại quốc dân ta nữa?
Thứ sáu − Bà Yvonne Sarcey chủ nhiệm báo Les Annales ở Pháp viết về những tai nạn chồng chất lên nước Pháp có viết một câu đại khái thế này:
“Không hiểu trời thù gì dân ta mà cứ đem hết tai trời này lại đến ách đất nọ đến cho đất nước này như vậy? Thật là buồn. Nhưng ta phải chịu đựng, chứ biết làm sao? Ta phải cười… Cười rất buồn rầu, ở trước những tai nạn ấy và những người đã hy sinh tính mệnh cho đất nước”.
Thiết tưởng chúng ta cũng nên bắt chước thế mà hỏi rằng: “Không biết một số báo chí ở đây thù gì quốc dân ta mà cứ bịp bợm mãi quốc dân ta như thế? Ta nên buồn rầu… Buồn rầu và buồn cười ở trước những thủ đoạn ấy và những người đã đem những món bịp non kia lừa quốc dân”.
Thứ bảy − Nhưng nói đến bịp non, cố nhiên là tôi không nói đến ông bầu gánh kịch nghệ thuật kia mà các báo đăng rầm rầm quảng cáo.
Ông bầu kịch này không phải là một người không đứng đắn đâu. Không, trước kia ông đã viết Tiểu thuyết thứ năm [28] đấy và chỉ một việc ấy cũng đã đủ bảo đảm tính hạnh cho ông rồi. Ông hy sinh cho “nghệ thuật văn chương” chưa đủ, ông lại muốn hy sinh thân thế cả cho kịch hát nữa! Ông quảng cáo cho gánh kịch của ông như sau này:
“Cần nhiều tài tử và nhất là nhiều gái trẻ tuổi. Ai muốn xin cứ đến nhà tôi”.
Tục truyền rằng hồi mồ ma báo Tiểu thuyết thứ năm, − một tờ báo son trẻ phụng sự văn chương và ái tình son trẻ, − ông bầu kịch này đã viết một cái tiểu thuyết tên là tiểu thuyết Ngoại tình. [29]
Không hiểu vì có bao nhiêu độc giả đọc, Tiểu thuyết thứ năm đóng cửa. Bây giờ, gánh kịch “Nghệ thuật” kia ra đời, không biết có phải ông có ý định gì tiếp tục làm nốt công việc của Tiểu thuyết thứ năm bỏ dở hay không mà cần tuyển nhiều gái thế?
Ngày xưa, những cô gái thỉnh thoảng dùng làm mẫu chụp ảnh cho T.T.T.N. và dùng để biểu dương cái đẹp của trời; bây giờ gánh “kịch nghệ thuật” dùng gái để đóng kịch và để làm gì nữa?
Tôi cho là ông bầu của chúng ta ngoài cái ý định dùng các cô làm “tài tử”, lại còn một cái ý định khác nữa, ý định lấy các cô… làm “tài liệu” cho một cuốn truyện “Tục ngoại tình” hay “Ngoại tình tome II” chứ gì?...

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 42 (22/12/1940)

Thứ hai − Cái dân Hà Nội lắm lúc nghĩ cũng đau khổ thực. Mang tiếng là ở một chỗ “nghìn năm văn vật”, muốn ăn, muốn mặc, muốn chơi gì cũng được, có ai ngờ đâu chỉ có một cái phim chiếu bóng khôi hài chớp ngay ở dưới mũi mình mà cũng chẳng được xem, tuy người nào cũng có vài ba hào trong túi. Có người tất hỏi:
− Phim gì? Phim gì mà bí mật thế? Có tiền mà cũng không được ư?
− Thôi chỉ lại là một cái phim vào loại “La vallée du Nu” hay “Au de la du Rhin” chứ gì?
Thưa các ngài, không ạ! Không phải loại phim ấy mà chính thực ra người có tiền cũng chẳng được xem. Vâng, chẳng được xem bởi vì ông Đ.T.H. người thay mặt khả ái của một hãng sản phim trong Nam Kỳ không cho phép ta được vào. Chỉ trừ có ít nhiều vị thương gia và ít nhiều người có danh vọng, “những người mà ông Đ.T.H. cần dùng đến” là được vào mà thôi.
Thứ ba − Các ngài tất phải lấy làm ngạc nhiên mà hỏi:
− Uả, thế cái ông Đ.T.H. này định làm cái “cú” gì như vậy?
Cái ấy, ông Đ.T.H. biết rõ hơn chúng ta nhiều, để ông ấy nói rõ ở dưới này. Chúng tôi chỉ xin nói rằng hôm 15/12/40 vừa rồi, người ta đã chiếu ở hội Khai Trí một phim chớp bóng “nội hoá” buồn cười vỡ bụng. Vai chính cuốn phim đó, xin gọi là Laurel An-na-mít.
Laurel An-na-mít người thấp, gầy như chữ l viết ngả, mắt không được sáng cho lắm, mồm vểu, lông mày rậm tranh nhau… trưởng nam. Đi đứng nghiêm trang lắm. Cứ kể cũng buồn cười và lạ: lạ vì ông ăn mặc như một người bohémien ở trong phim Le Danuble bieu: áo tây bằng nhung đen, quần tây bằng nhung đen, “nơ” bằng nhung đen, giầy tây bằng nhung đen. Có vẻ một con quạ đen nếu không có một cái sơ-mi trắng. Laurel An-na-mít có vẻ một con quạ khoang cổ thì đúng hơn và lại đi lù rù: con quạ ấy chắc vừa bị mưa hay ngã xuống một cái ao nào thì phải.
Ngồi chưa ấm chỗ, con quạ khoang cổ ấy nói (quạ nói được hẳn là con quạ thần!) nói om lên như ba người!!!
Mà nói cái gì? Chẳng một hai hiểu cả.
Thứ tư − Trời không bao giờ nỡ phụ những người chịu khó.
Những người có mặt ở hội Khai Trí hôm đó rồi “dò” mãi cũng hiểu được “con quạ khoang cổ của ta” nói gì.
Thì ra ông quạ nói tiếng tây. Cái lưỡi, tập thể thao ở trong miệng, cứ cong lên, bao nhiêu răng đều đứng “sắp măng” hết cả trên hai cái lợi và tòi ra khỏi hai môi, ông đọc tiếng tây ở bài đít-cua viết sẵn như thế này:
− Ê-nýt-uy-ê-a-ri-ô… (Étude du scénario).
Và:
− I-dờ-ờ-uy… (Prise de vue).
Và lại nữa:
− Pô-de-éc-xông suya ê-căng… (Projection sur l’écrain).
Mọi người cố nghe, đỏ cả mặt, rức cả đầu. Mọi người chẳng hiểu gì… Ông quạ khoang đã ngồi xuống. Ông mỉm cười vì ông tưởng rằng mọi người đã hiểu rõ bài đít-cua mà ông vừa đọc một hồi…
Ông lại nói!
− Buvez du thé, me-sừ et mangez des gâteaux me-sừ.
Rồi ông cầm chén lên uống và cầm bánh lên ăn trước mọi người. Ông uống nhiều và ăn nhiều hơn ai hết!
No nê rồi, ông lại đứng lên, gật đầu mấy cái và định đít-cua nữa. Một người bạn bảo sẽ ông:
− Thôi cứ nói thẳng tiếng An-nam đi cho nó dễ hiểu.
Ông đỏ mặt lên và nói tiếng An-nam.
Ông nói rất nhiều, nhưng có lẽ tiếc tiếng Pháp nên chốc chốc ông lại xen vào câu nói vài chữ Pháp rất vui tai.
− C’est le même, Me-sừ!
− Uẩy xe xà…
Rồi lại cười một mình rất ngộ.
Thứ năm − Phim diễn đến đoạn này thì nghỉ một lát. Nhưng tài tử chính, Laurel An-na-mít, hiệu là Quạ Khăng lại không muốn nghỉ cho người ta nhờ.
Quạ bắt đầu nói vào đoạn chính:
− Hãng phim của chúng tôi là một hãng to cần phải có nhiều người giúp sức, cần phải có các ngài đây mỗi người cho một… “Oong-ú-dờ-anh” (Un coup de main) thì mới hoàn thành được…
Rồi ông ngừng lại châm thuốc lá hút và đưa mắt điểm một nụ cười về phía mấy có thiếu nữ nửa răng đen nửa răng trắng, chắc là người nhà của ông, đang ngồi xếp chân bằng tròn lên ghế mây để đưa bánh cho nhau mà mời nhau ăn lấy được:
− Này này ăn đi, ngon lắm, bánh tốt lắm…
− Ăn, ăn nhiều đi chứ…
Ông Quạ lại nói, nói giữa những người hút thuốc lá với nhau và điểm nhiên nói chuyện với nhau chẳng thiết để tai nghe ông, mặc ông muốn kể hươu kể vượn gì thì kể!
Ông cố sức giảng giải về hội phim “Sapfi” của ông sắp cho ra:
− Muốn vào hội xin mỗi ngài đóng ngay 100 bạc, ngài sẽ được làm hội viên. Muốn làm tài tử xin đóng “tờ-răng-biệt”![30] Rất dễ, chỉ việc bỏ tiền ra. Khi nào thu được ba vạn rưởi thì sẽ thuê hãng Asia quay phim. Chắc chắn là có lãi lắm ạ…
Các tài tử đóng ba chục bạc thỉnh thoảng sẽ được vay của hội năm đồng (xanh-biệt) để diêm thuốc và đi xe pháo lăng nhăng. Nếu tài tử có tài làm văn, hội sẽ cho làm văn sĩ, nếu biết buôn bán hội sẽ mở cao lâu ra cho bán cao lâu… nếu biết… thì… nhiều nghề lắm.
Nghe thấy thế một ông ngồi cạnh tôi bảo tôi:
− Còn đợi gì nữa mà không đóng 30 đồng xin vào chân tài tử để thỉnh thoảng vay hội được những 5 đồng để xe pháo, diêm thuốc…
Nhưng ông khác lại ngớ ngẩn hỏi:
− Sao lại thu có 3 vạn rưởi? Giá thu lên hơn một tí có thú hơn không?
Trong khi ấy ông Quạ được thể nói mãi, ông giơ tay xuống, ông nháy mắt, ông cười, ông nói như cải lương, ông làm dáng như hề và ông ngoắt người đi ngoắt người lại, và ông cười, ông nói cả tiếng ta, cả tiếng Tây, cả tiếng Tầu, v.v. Rồi chốc chốc ông lại điểm vào!
− Nu-u-i-ông (Nous vous prions)
Hoặc phân giải:
− Những tiền ấy sẽ tính vào “e-ê-ê-ô” (frais généraux)
Cử toạ cười…
Thứ sáu − Không cười, ông Quạ lại tiếp:
− Thưa các ngài, tôi đã trình bày hết mục đích và điều lệ của hội “Sapfi” rồi. Có ngài nào muốn hỏi gì xin cứ hỏi.
Một ông đứng lên hỏi ngay:
− Ngài định thu tiền thật nhiều? Hay lắm! Để quay phim? Lại hay lắm! Nhưng sẽ nhờ ai quay phim?
Ông Quạ đáp ngay:
− Tôi sẽ nhờ các nhà “e-éc-ích riêng”… (Technicien) của hãng Asia ở Sài Gòn…
− Ồ? Hãng quay phim đó… không dùng được… xem như cuốn phim “Trọn với tình” của hãng Asia có được hay lắm đâu.
Ông Quạ Khoang lại cười:
− Xin thưa rằng ngài nhầm. Tôi đã được xem cuốn phim ấy rồi, hay lắm…
− Vậy thì chính là ông nhầm mới phải… Vì ông tất không biết rằng hầu hết các báo ở Sài Gòn đều la ó chê bai cuốn phim “Trọn với tình” ấy là kém và dở.
Ông Quạ Khoang tái hẳn người đi:
− Thật vậy sao… Các báo Sài Gòn chê phim Trọn với Tình à? Vậy thì tôi chưa được xem cuốn phim ấy… tôi không biết…
Rồi ông ngơ ngác nhìn tứ phía… Mọi người cười ầm ĩ cả lên. Nhưng bỗng nhiên ông Quạ kêu thất thanh lên:
− Thôi các “cụ” về mất rồi…
Các cụ đây là mấy quan huyện được ông Quạ mời đến dự tiệc trà nhưng thấy ông ngộ nghĩnh nực cười quá nên “các cụ” lẳng lặng về thẳng tự bao giờ… Ông Quạ chạy theo ra cửa ngõ hầu mời “các cụ” lại! Nhưng “các cụ” đã đi xa rồi… Ông tức tối quay vào cự ông kia:
− Ông hỏi nhiều quá làm cho các cụ về mất rồi…
Ông kia cười và không trả lời! Vì trả lời mà làm gì?
Nhưng ông Quạ lại đấu dịu ngay:
− Bao giờ xin các ngài bầu ban trị sự…
Một người ngạc nhiên:
− Ít người quá bầu sao được ban trị sự… Mà bầu để làm gì?
Ông Quạ giương mắt:
− Ít người tôi sẽ nhận nhiều chân, nhiều việc…
− Phải, phải, xin để ông nhận chức hội trưởng này, chức phó hội trưởng này, chức thủ quỹ này, chức thư ký này, chức kiểm sát này…
Thứ bảy − Thế là ông Quạ Khoang tức giận, nhận hết cả các chức! Cho mà xem!
Không ai xem phim ông đóng nữa, kéo nhau ra về hết.
Ông Quạ thấy phòng hội họp nhà Khai Trí buồn tênh tẻ ngắt thở dài và nói một câu rất buồn:
− Các ông nhà báo chỉ có cái tài đi … phá đám. Thôi từ giờ không mời các ông ấy nữa! Tôi cần là cần các ông! Tôi cần là cần các cụ và các thương gia chứ! Thôi, các ông nhà báo, xin mời các ông đi về.
Laurel An-na-mít không mời thì các nhà báo đã về rồi…
Ngồi mà chứng kiến đến đoạn chót của cuốn phim lọ ấy, người ta sợ vỡ bụng thì thực là nguy hiểm!
Ở bên ông Laurel An-na-mít, người ta chỉ còn thấy mấy ông bán dầu và kẹo trên xe lửa, đóng vai phụ, lấy lời lẽ cảm động chia buồn với Laurel An-na-mít.

INTÉRIM [31]

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 43 (29/12/1940


[1] “pô-pốt”: popote (chữ Pháp): bếp ăn chung;
[2] ma femme (chữ Pháp): vợ tôi
[3] épreuves (chữ Pháp): bản dập thử, cũng gọi là bản in thử, sau khi sắp các con chữ chì vào khuôn, người thợ in thử một bản lên giấy, đó là bản dập thử, dùng để sửa các lỗi sắp chữ.
[4] unité (chữ Pháp): đơn vị.
[5] “Lít là đơn vị đo dung tích”
[6] Rosny ainé: Rosny trưởng (để phân biệt với Rosny trẻ hơn kể sau)
[7] clan (chữ Anh): thị tộc, bè đảng, phe cánh.
[8] “Sấm truyền” nói ở đây, là chỉ kinh  Cựu ước (L’ Ancien Testament) của đạo Thiên Chúa.
[9] Stephan Zweig (1881-1942): nhà văn Áo.
[10] Camphamine: mỏ Cẩm Phả (Campha = Cẩm Phả; mine = mỏ)
[11] sét-ty: từ của người Ấn Độ, chỉ kẻ cho vay lãi. 
[12] ARIP: một hãng thông tấn của Nhật Bản; HAVAS: một hãng thông tấn của Pháp, năm 1944 đổi thành FRANCE-PRESSE, có sách báo dịch là “Pháp tấn xã”.
[13] tức là bìa số Trung Bắc chủ nhật đăng bài này.
[14] Camphamine: mỏ Cẩm Phả (Campha = Cẩm Phả; mine = mỏ)
[15] giồng đậu hay chủng đậu (chữ Pháp vacciner): phương pháp cấy vaccin gây miễn dịch để phòng bệnh đậu mùa.
[16] sơ-mi-dét (chữ Pháp chemisette): sơ-mi cộc tay.
[17] Đông thành nói ở đây có lẽ là thị xã Hải Dương đương thời ấy chăng? Đương thời người ta gọi Hà Nội là Hà thành, Nam Định là thành Nam (hay Nam thành), v.v…, còn vùng Hải Dương Hưng Yên thì vẫn được coi là tỉnh Đông, có lẽ là “Đông thành” được nói tới ở đây chăng?
[18] Phan Bội Châu mất ở Huế 19/10/1940.
[19] thành ngữ Việt: “gái đĩ già mồm”.
[20] Tiếp theo chỗ này báo để trắng một khoảng chừng trên 10 dòng rồi mới đến chỗ ký tên tác giả ở cuối bài như thường lệ; có lẽ có một đoạn nữa bị kiểm duyệt bỏ.
[21] “pờ-rốp” có lẽ là prophète (chữ Pháp): nhà tiên tri; “mét” tức maitre (chữ Pháp): bậc thầy.
[22] manchette (chữ Pháp): đầu đề chữ lớn, đặt ở trang đầu một tờ báo.
[23] italique 18 (chữ Pháp): thuật ngữ ấn loảt, trỏ kiểu chữ nghiêng cỡ 18.
[24] P.L.B. có lẽ là Phạm Lê Bổng.
[25] formule (chữ Pháp): thể thức, công thức, mẫu in sẵn.
[26] Thao Thao (1908-?) họ tên thật Cao Bá Thao, nhà báo, nhà thơ VN.
[27] Louis XIV (1638-1715), làm vua nước Pháp từ 1643.
[28] Tiểu thuyết thứ năm: tuần báo, xuất bản ở Hà Nội từ 18/3/1937; trong 7 số đầu, là báo chính trị chịu sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ đảng CSĐD; từ 1/5/1937 đánh lại từ số 1, hoạt động như tuần báo văn chương, tồn tại đến 1942.
[29] Tiểu thuyết Ngoại tình đăng Tiểu thuyết thứ năm là của Vũ Trọng Can (1915-43).
[30] tở-răng-biệt: phiên âm  “trente piastres” (tiếng Pháp): ba mươi đồng.
[31] Intérim (chữ Pháp): tạm quyền, có lẽ là một bút danh ký tạm hoặc ai đó viết thay Vũ Bằng kỳ báo này chăng. Sau kỳ báo này, mục “Không đó…thì đây” hầu như không xuất hiện nữa trên Trung Bắc chủ nhật.