Từ ngày 23 tháng chạp ngày ông Táo lên chầu giời người ta đã tưng bừng sắm sữa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Bàn thờ Táo quân đặt bên cạnh bàn thờ chính thờ tổ tiên cha mẹ, có đặt hai cái mũ Táo quân ông. và một mũ Táo bà. Thêm vào đó có ba chiếc áo (không có quần), tất cả đều bằng giấy nhiều màu sắc Lại có một con cá chép sống trong một chậu nước. Đó là phương tiện để các vua bếp bay lên thiên đường báo cáo với Ngọc Hoàng về cuộc sống trần gian. Chiều ngày 28 tháng chạp, nhiều gia đình đi thăm những ngôi mộ của thân nhân để tỏ lòng biết ơn và quyến luyến: "Nắm xương cô quạnh còn ân ái". Họ mời vong linh những người đã khuất về ăn Tết với gia đình trong ba ngày Tết, kể từ ngày mồng một tháng giêng. Ở các nghĩa trang, cánh đồng, người ta đốt vàng thoi, vàng lá và hàng mã, thắp hương nghi ngút. Lúc đó, khắp nơi thấp thoáng những làn hương khói, những tan vàng lá bay lơ lửng, không khí đượm màu hoài tưởng, quạnh hiu: "Vàng bay mấy lá năm hồ hết…" Ở ngoài đình hoặc nơi công cộng, người ta trồng một cây nêu cao vút có một vòng tròn mắc nhằng nhịt các con vật bằng giấy xanh, đỏ với những chiếc khánh nhỏ gây ra tiếng lanh canh vui tai khi gió thổi. Cây nêu được dựng lên để cho các ma quỷ và những hồn người hung ác biết rằng đây là đất của nhà Phật, không được đụng tới. Nhiều gia đình còn cẩn thận hơn nữa, vẽ mũi tên trên cánh cung giương ra ở trước cửa bằng vôi trắng để đe doạ kẻ xấu. Hai cánh cửa của các nhà được dán lên hai bức tranh có hai ông tiến tài tiến Lộc hoặc hai ông tướng canh cửa gọi là ông Thiện và ông ác. Nói chung, Tết những năm xưa được gói gọn trong đồi câu đối: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏCây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"Hoặc "dữ dội" hơn: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏRượu nồng, dê béo, gái xuân xanh".Chiều 30 Tết, mọi việc như dọn dẹp bàn thờ, quét tước nhà cửa, bàn thờ có cành đào, cành mai, mâm ngũ quả; Cột nhà có đôi câu đối giấy đỏ chữ đen, dán tranh Tết v.v… Những công việc này phải làm xong cùng với việc có đủ các món ăn truyền thống như bánh trưng, dưa hành, giò, chả, thịt đông, thịt bò om gừng, các loại bánh các thứ hoa quả. Nhưng không được thêm mấy khóm cúc, hoa mẫu đơn, hoa trà, sửa sang lại vườn hoa cây cảnh, hòn non bộ. Người ta tắm một buổi tất niên bằng nước ấm có hương thơm của cành mùi hoặc hương nhu. Đồng thời giết một con gà giò để làm lễ cúng giao thừa ngoài trời. Ngày mồng một, mồng hai, người ta kiêng sát sinh, không động thổ, quét tước gì để giữ cho màu sắc Tết không bị mất đi quá sớm. Nhất là giữ lại những đám xác pháo màu đỏ hồng đầy sân. Chiều 30 Tết, cả nhà quây quần sum họp. Những thành viên đi xa cũng cố gắng trở về họp mặt. Họ ăn với nhau một bữa tất niên rồi ai nấy chuẩn bị những bộ quần áo và các đồ trang sức đẹp nhất. Với trẻ con các nhà trung lưu thường là quần đào xẻ đũng, áo hàng lam. Họ chuẩn bị gói những đồng xu, tờ giấy bạc mới tinh vào những miếng giấy hồng điệu để ngày mồng một mở hàng cho mọi người trong gia đình và trong họ. Trong những lúc này, họ nói chuyện với nhau về đủ mọi chuyện trên đời, trong cuộc sống và rút kinh nghiệm, đặt quyết tâm cho năm sau sẽ đến trong vài tiếng đồng hồ nữa. Đúng 12 giờ đêm là giờ Tý, mọi nhà đều đốt pháo giã tử năm cũ, đón mừng năm mới, thắp đèn hương cúng ông bà ông vải, người thân đã khuất ở ngoài sân cũng có bàn thờ cúng trời đất với hương hoa, và xôi trắng, con gà mỏ cắm đoá hoa hồng. Người ta đi dạo giữa thiên nhiên, cảnh vật đất trời để tận hưởng không khí xuân tươi mát gọi là đi “xuất hành". Người ta ngắt lấy một cành lá, một nhánh lộc nhỏ, cành cây non mang về gọi là "hái lộc xuân". Gia chủ đã hẹn sẵn một người bạn thân của gia đình đến “xông đất”, nghĩa là người đó là người đầu tiên bước vào gia đình trong năm mới. Người đến xông đất phải là nam giới, có con cái, làm ăn khá giả, tính tình cởi mở gọi là người "nhẹ vía". Người đến xông đất chúc tết gia chủ và có "mở hàng" cho gia chủ. Những người có tang gọi là "có bụi" không đến nhà ai trong những ngày Tết. Sáng mồng một, lúc 5 giờ, các chủ gia đình đến lễ tổ tại nhà thờ họ, "mừng tuổi" cho người trông nom nhà thờ họ rồi mới về nhà. Tại các gia đình, người bố phong bao cho các con. Sau đó, các thành viên trong gia đình mới đi chơi, chúc tết các gia đình khác và các bạn bè. Các bà, các chị có thể đi lễ ở đình, ở chùa. Đôi khi họ xóc thẻ, miệng cầu khấn rì rầm, tay lắc ống thẻ sao cho có một chiếc thẻ rơi ra ngoài. Chiếc thẻ đó tương ứng với một lời giải về tương lai ghi trên giấy. Đàn ông có thể đánh tổ tôm, đánh chắn. Các cô gái đánh tam cúc. Các cô nhắm mắt lại, rút một quân bài đầu năm trong số 32 quân bài. Nếu quân rút được là quân đỏ thì năm mới, người rút được nó sẽ có điều may mắn về đường tình duyên, gọi là bói "tam cúc". Chiều ngày mồng ba Tết, gia đình làm lễ tiễn tổ tiên trở về âm phủ và hẹn gặp lại trong những ngày lễ tết trong năm và Tết năm sau. Người ta đốt vàng, những quần áo và các đồ dùng bằng giấy để tổ tiên mang theo. Trong những ngày Tết, mọi người kiêng nói những điều không hay. Người ta sống rất “thiện”, lịch sự, lễ phép, tôn trọng trên dưới, vì tổ tiên, ông bà cũng cùng về dự Tết với con cháu. Đó là cuộc sống vừa "tâm linh" vừa "thực tại". Trong những ngày Tết, người ta không đánh nhau, cãi nhau, xoá bỏ mọi hận thù, xích mích. Những người nghèo được bà con anh em xung quanh giúp đỡ để cũng có Tết. Những người hành khất chỉ cần đứng gần cửa một gia đình rồi nói vài lời chúc Tết may mắn là đã được mọi người trong gia đình mang ra cho bánh chưng, xôi, thịt v.v… Mọi người thường nói: "Khó đói chẳng lo ba ngày TếtGiàu sang rộng mở tấm lòng thương…"Ngày 7 tháng giêng là ngày hạ cây nêu, mọi người tụ tập gặp nhau ở các nơi như đền, chùa, đình, miếu, các bãi rộng là những nơi thường tổchức những cuộc vui xuân, tế lễ, rước xách, hát tuồng, hát chèo v v… Nhưng những nơi đây còn là nơi để trai gái hẹn hò, trao duyên trong những ngày xuân tươi đẹp và lẳng lơ rất mực. Mọi người rủ nhau đi chơi xuân, sang làng nọ làng kia, mở rộng sự quen biết và kết bạn. Gia đình người con trai sang chúc tết gia đình người con gái và ngược lại. Đến ngày rằm tháng giêng là ngày đẹp nhất trong cả năm, là ngày có trăng tròn đầu tiên của một năm. lại là ngày những người ở dưới âm phủ được “tháo khoán” nên tranh thủ về dương gian với những người thân ngày nay, các vị thần thánh mở rộng lòng từ bi. Ngay cả ma quỷ cũng không trừng phạt, hành hạ con người kể cả người sống lẫn người chết. Trong những ngày Tết, người ta sống với bốn từ: thiện, khiết, hoà và vọng; có nghĩa là: lương thiện, trong sạch đẹp hoà hợp và hy vọng. MÂM NGŨ QUẢMỗi năm, cứ vào dịp Tết, trên bàn thờ mỗi gia đình đều có mâm ngũ quả. Gọi là mâm là nói chung. Xưa kia, người ta dùng cái mâm bồng để xếp ngũ quả. Mâm bồng là một chiếc đĩa gỗ sơn son thếp vàng, có đường kính chừng 30 cm. Mâm có chân dài tiện tròn, cao chừng 15 cm. Dưới có đế tròn, trên mặt đĩa có vẽ hình rồng, phượng. Mâm ngũ quả được đặt lên mặt mâm bồng hoặc được đệm bằng một chiếc đĩa bằng sành hoặc sứ. Sau này, ngũ quả thường được đặt trên một chiếc đĩa tròn hoặc bầu dục. Cũng có khi trên một chiếc mâm con. Trước hết, mâm ngũ quả là để cúng trời phật, tổ tiên. Sau là tô điểm cho màu sắc Tết được thêm phần trang trọng, rực rỡ) không khí ngày Tết được ấm cúng. Nó làm cho người ta liên tưởng đến sự được mùa, sự dồi dào, no đủ, đến hoa thơm quả mọng… Với tâm thức của người Việt nam, mâm hoa quả trước tiên là để dâng mẫu Thượng Ngàn. Sau đó, nó tiếp thu tinh thần của Phật giáo và Đạo lão mà trở thành mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả gồm năm loại quả. Con số 5 là con số cân bằng, con số của trật tự, thành ý và may mắn: Ngũ hành, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ giác, ngũ quan, ngũ phúc… mâm ngũ quả gồm các loại quả có hạt, múi và hình dáng lạ, nói lên sự tái sinh và sinh sôi bất tử. Nó gồm: quả Phật thủ có hình tượng bàn tay Phật, là sự tập trung tinh thần, sự chế ngự thiêng liêng; nải chuối tượng trưng cho sự mong manh vừa không ổn định của cuộc đời phù du; quả bưởi là hình quả đất, là sự tròn đầy; quả hồng là sự toả sáng, cân bằng tinh thần; quả cam tượng trưng cho sự phồn sinh thực. Để tăng thêm tính thẩm mỹ, các loại quả thường còn giữ trên mình một cành nhỏ có chừng 1 hoặc 2cánh lá. Sau này, người ta bày thêm vào mâm ngũ quả những loại quả khác sẵn có ở các địa phương như: cành táo, cành sung, vả, khế, ổi, quệt, dưa hấu v. v… Mâm ngũ quả trở nên đầy đặn, phong phú mà nhiều màu sắc hơn. Lại tuỳ nơi mà mâm ngũ quả được bày thêm vào bằng những sản phẩm có ở những địa phương khác nhau. Mâm ngũ quả miền Nam lớn hơn ở miền Bắc. Miền Nam có bày thêm mãng cầu, na, dứa, xoài… Mỗi loại quả đều có dáng vẻ và màu sắc riêng. Tất cả hợp lại thành một bức tranh vui mắt. Tất cả đều tươi sáng, tròn đầy, mang lại niềm vui và làm cho mọi người nảy ra những suy tư triết học. Chúng còn mang lại những hoài niệm tuổi thơ cho những người lớn tuổi. Trong khói hương ngào ngạt ngày Tết, những quả hồng chín mọng, cam đỏ ối, bưởi xanh mịn… của mâm ngũ quả đã đi vào lòng người một cách lặng lẽ và trang nghiêm. Mâm ngũ quả tạo nên một ấn rừng êm đềm, hạnh phúc. Đó là một phần của hình ảnh gia đình được lặp đi lặp lại nhiều lần và gắn liền vào tiềm thức ta. Ngũ quả là cây đời cây thiện, cây mỹ… là tâm hồn của quê hương. TRANH TẾT"Vui từ trong ngõ vui raVui từ ngã bảy, ngã ba vui về"Tết Nguyên Đán của chúng ta là vậy. Những ngày 1 Tết, mọi người ngập tràn hạnh phúc ít nhất phải có bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ, rượu, mứt, bánh v.v… Nhưng cũng phải có vui chơi, ca hát, thăm hỏi, tìm hiểu nhau…và cũng không thể không có tranh Tết. Tranh lết là điều khiến cả nam, phụ, lão, ấu đều bồi hồi, bâng khuâng, thao thức chờ đợi, phải đi mua tranh và ngắm tranh. Nó là một vị trong đĩa mứt ngũ vị của Tết. Xưa kia, cứ mỗi lần Tết đến, nhà thơ Quang Dũng nhất thiết phải đi lùng cho kỳ được một ông phỗng bằng giấy bồi, rồi mới yên trí là mình có Tết. Tết là bông hoa của mùa xuân, tượng trưng cho sự phồn vinh. Vinh là vinh quang cho cộng đồng. Phồn là phồn của cải, phồn âm dương, phồn nam nữ. Khuôn mặt Tết thật muôn vẻ, hội tụ, tập trung tất cả những điều tất yếu nhất trong cuộc sống: ẩm thực, thời trang, thư giãn, thú vui, tâm linh, thưởng thức, du ngoạn… để động viên con người cố gắng sống sao cho tốt đẹp trong cuộc đời phù du đầy sóng gió. Cây dừa trong bức tranh “Hứng dừa” tượng trưng cho cây vũ trụ. Hai nhân vật chính là chàng và nàng gợi nhắc đến âm và dương. Chàng ở trần, đóng khố. Nàng chỉ mặc chiếc yếm phong phanh và chiếc váy ngắn. Chàng ném dừa xuống, nàng tốc váy lên hăm hở hứng lấy quả dừa nên hớ hênh và ngứa mắt, khiến cho một anh chàng đứng cạnh nhìn trộm sự xuất hiện kỳ diệu. Hai quả dừa còn có ẩn ý là hai núm vú. Ngày xưa, ở làng quê thường chế giễu: "Con gái chơi với con giaiNgày sau đôi vú bằng hai sọ dừa”Bức tranh lại còn có thêm những dòng chú thích: "Trai làng đã ở trên cao Nào đâu các ả ra đây hứng dừa Này anh đồ tinh, anh đồ say Đang cơn gió cả, leo cây hái dừaCó nàng sao khéo hững hởBỏ dừa dưới đất, hứng dừa trên cao". Tranh "ngũ hổ". Hổ là con vật thần linh, được thờ ở các đền, đình, miếu và ở nhiều gia đình. Người ta kính con hổ nên còn gọi hổ là ông Ba mươi, ngài cọp. Hổ canh giữ những chốn linh thiêng. Hổ trấn tà ma. Bức tranh thờ có vẽ ngũ hổ rất oai nghiêm, le lói những đường nét màu vàng kim. Bốn hổ đại diện cho 4 phương. Năm hổ đại diện cho kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Nghĩa xa xôi, hổ thuộc nam tính, là dũng cảm là quyết đấu, là sức mạnh và sự nhanh nhẹn tháo vát, là chàng lực điền, chàng trai lý tưởng của các cô thôn nữ. Ngoài ra, hổ yêu rất mãnh liệt. Đến mùa giao phối, hổ đực và hổ cái lúc nào cũng ở bên nhau, chạy thi với nhau, trêu đùa, tròng ghẹo, vật nhau, vờn, rỡn… nhau làm náo động cả một góc rừng. Nhưng hổ ghen cũng ghê gớm, không kém phần dữ dội. Người đàn bà cả ghen được gọi là con hổ cái. Tinh hoàn của hổ dùng để chế thuốc kích dương, đắt hơn vàng nhiều lần và rất có hiệu quả.Tranh "Gà đàn và gà thư hùng" nói lên sự mầu mỡ và thịnh vượng. Ở bức tranh tả "gà đàn" mẹ gà còn trẻ, ngậm mồi. Nàng gà béo ra cả ngoài lông, lườn sệ xuống, múp míp, tốt nái, no đủ thóc gạo và tình yêu nàng rất vui, nhìn đàn con đang đùa nghịch bức tranh gà "thư hùng" có chú thích ở dưới: "Đông con nhiêu cháu Giống cánh, giống lông No dủ vợ chồng Có đầu có mỏ… Tranh "Táo quân" vẽ hai ông, một bà. Họ ngồi với nhau tràn đầy hạnh phúc. Vua bếp tượng trưng cho sự no đủ. Phía dưới có ba bàn thờ. Mâm giữa có ba chén rượu. Mâm phải có con cá chép. Mâm trái có ngũ quả hai bên là mấy tiểu đồng đứng hầu. Ta hãy xem bức tranh "Lợn đàn". Con lợn cái tròn đầy. Chỉ cần có cái dấu âm dương vào con lợn là có được ngay sự “phồn”. Có đực, có cái là đẻ ra con đàn cháu đống, đời nọ đời kia và trở nên một hình tượng vĩnh cửu, phồn vinh. Ở tranh "Trạng chuột vinh quy", chú rể đã đạt được cả hai niềm mơ ước giống với con người là đạt được “tiểu đăng khoa”: lấy vợ và cả "đại đăng khoa” là đỗ trạng nguyên. Như vậy là chàng trai có đủ cả tình yêu lẫn sự nghiệp là điều ai cũng cầu mong. Tranh "Đánh vật” miêu tả ba đôi vật và hai đô vật ngồi nghỉ, đợi dịp ra tay. Các đô vật người nào người nấy đều xương đồng, giò sắt, lừng lững, vú sệ, rốn để thỗn thện. Họ là những "người hùng", nhanh trí và có những miếng "tuyệt chiêu" khi cần thiết. Trên mình họ chỉ có một manh khố. Đây gần như bức tranh “nuy” của nam phái. Vì vậy, nó được yêu mến một cách âm thầm, lâu dài và âm ỉ. Tranh "Cá chép bên sen" cũng rất đặc biệt. Cá chép tượng trưng cho sự chúc mừng, tuổi thọ và sự thăng hoa biến thành rồng. Nó bơi dưới nước, lại có những chuyến đi lên trời rồi lại xuống đất. Đó là sự vận chuyển vũ trụ. Cá chép tượng trưng cho sự phồn thực sự giao hợp của cá chép đực với cá chép cái diễn ra thường xuyên như cơm ăn, nước uống. Còn bông sen bên cạnh cá chép tượng trưng cho nước, đất, mặt trăng của nền văn minh lúa nước, cũng là sự phồn sinh nở hoa. Ta lại xem tranh "Đánh ghen ”. Ở đây người vợ cả giơ cao chiếc kéo, định tấn công cô vợ lẽ. Người vợ lẽ mặc chiếc váy và hoàn toàn để chống phần trên của cơ thể ả lại được chồng bênh. Anh chồng này cũng quá quắt bảo vệ người vợ lẽ và giữ lấy bầu vú trái của ả một cách lỗ mãng và trần tục. Bức tranh lại chú thích: "Măng non nấu với gà đồng Thử chơi một trận xem chồng về ai?".Còn nhiều những bức tranh Tết nữa. Những bức tranh Tết của ta không chỉ đẹp về màu sắc, đằm thắm về nội dung mà chúng còn nói lên nhiều điều sâu kín có tính triết học, được gạn lọc qua nhiều thế hệ. Chúng nhấn mạnh đến sự hoà hợp âm dương, trung thực mà nhiều hàm ý. Chúng nói ít mà đầy tính hàm súc. Chúng nói đến thiên tính và nhân tính. Chúng là những bài quan họ, những bài thơ của Hồ Xuân Hương, những lời hát ru lắng đọng chất chứa trong tâm hồn và tâm linh con người Việt nam. Chính vì vậy, tranh Tết Việt nam đã và sẽ luôn luôn là những nét đẹp và nét thẩm mĩ lung linh trong kho tàng văn hoá Việt nam và góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hoá của thế giới. CÁNH ĐU MÙA XUÂNTrong những ngày Tết, xuân của Việt nam, ngoài việc phải chôn một cây nêu cao vút, cắm những lá cờ lưỡi hổ ngũ sắc ra, bao giờ người ta cũng dành một khoảnh đất có cỏ ở bên sân đình hoặc sân chùa, miếu làm bãi đu. Cây đu ngày xuân gắn liền với sự phồn thực (fécondité), sự giao hoan. Nó tượng trưng cho sự bắt đầu mới mẻ, sự nảy nở ra cái mới, tình yêu. Dựng cây đu trên bãi đu là cả một công trình của các chàng trai. Họ phải đi chọn tre, đẵn tre, đào hố, chôn cột đu v.v… bắc qua hai cột đu vững chắc là một cây tre đực, thẳng. Cả một hệ thống ròng rọc bằng gỗ, những con sỏ, những dây tre cuốn sẵn buộc chặt lấy bộ phận khớp đu. Từ đây, buông dài xuống gần mặt đất là hai thanh tre dài, dẻo mà rắn chắc, ngay thẳng. Hai tay tre đặc biệt này được gọi là tay đu. Phía dưới của hai tay đu được nối liền với nhau qua một chiếc bàn gỗ gọi là bàn đu, là nơi để người đánh đu đứng lên. Khi đánh đu, nếu là một người thì chỉ việc đứng lên bàn, hai tay nắm lấy hai tay đu rồi nhún cho đu bay. Nếu đánh đu kiểu một nam một nữ thì 4 bàn chân của hai người đều đứng lên bàn đu kiểu so le. Hai tay của cô gái nắm chặt vào hai tay đu. Hai tay người con trai cũng bám vào tay đu nhưng ở vị trí cao hơn hoặc thấp hơn một chút. Hai người giáp mặt nhau. Tư thế này là tư thế vòng tay xiết. Khi bắt đầu đu, họ thường đu là là trước rồi mới lấy đà bay cao lên dần dần để cây đu đưa người lên trời. Đu bay lên rồi lại hạ xuống, rồi lại bay vútlên không ngừng, tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ, của trời đất, âm dương. Người trên đu làm ra gió và gió giao hoà với mặt đất màu mỡ. Đu là chiếc thuyền vũ trụ. Trai thôn trên, gái xóm dưới và các bạn bè ở xã khác đến, rủ nhau ra bãi đu. Đu để trống thì cứ đứng vào mà nhún. Nếu đã có người đu rồi, người đến sau phải đỡ đu, nghĩa là lựa lúc đu gần xuống mặt đất mà giữ đu đứng lại. Người trên đu sẽ nhường cho người đến sau thay phiên. Có khi không giữ lại được thì phải chờ: người thì lên đánh, kẻ ngồi trông… Dù thế nào, mọi người đều vui vẻ. Người đứng đu, muốn thôi đu sẽ giảm tốc độ lại, đu thấp xuống, quặp chân vào dây đu ra hiệu để cho người khác ra giữ đu lại mà "lên ngôi".Những đôi nam, nữ yêu nhau vào đu. Cũng có những đôi mới được mọi người ghép vào thành cặp. Họ trình diễn những màn đu đôi thật đẹp mà đặc sắc. Họ đứng chắc chân lên bàn đu, trai gái nhìn vào nhau, cùng cầm chắc tay đu. Trước hết, họ đưa cánh đu là là để chào mọi người xung quanh như kiểu múa tế tổ trước khi vào keo vật của hai đấu thủ trên sởi vật. Sau đó, họ mới đu lên cao, bay bổng. Rồi mỗi lúc một cao hơn. Chàng trai vươn người lên đu bổng. Cô gá ưỡn hẳn mình ra, nhún đu. Họ bay lên, bay xuống nhịp nhàng rồi thỉnh thoảng lại vút lên thật cao. Đó là những lúc thăng hoa. Thăng hoa lòng người. Thăng hoa cả đất trời. Họ say sưa, đưa tất cả sức lực ra mà nhún đu. Họ chẳng nói gì với nhau. Nhưng họ tươi cười nhìn nhau, ngầm chúc nhau những điều tốt lành đầu xuân. Chàng trai cứ đăm đắm nhìn, dịu dàng mà say đắm như cố để nắm bắt chút ít bí mật sâu thẳm nơi người con gái. Cô gái mỉm cười, hơi có một chút e ấp Họ nghe thấy nhịp thở của nhau có mùi thơm hoà hợp với mùi thơm của mùa xuân. Họ ngửi thấy hơi nhau. Họ gần như thuộc về nhau. Những giờ phút này bằng một trăm năm. Và cứ thế: "Trai đừ gối hạc khom khom cật, Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòn"… Đánh đu đôi là cả một bức tranh siêu tuyệt. Bối cảnh là mùa xuân hoa lá. Những con người ở bãi đu có những bộ mặt sáng ngời. Họ ăn mặc đẹp. Chàng trai đánh đu thì mặt vuông chữ điền, chít khăn nhiễu, áo xa đen, quần trúc bâu trắng. Cô gái có tà áo đỏ, xanh, giải thắt lưng hồng đào phơ phất. Áo cánh trắng bên trong làm nổi chiếc yếm thắm, quần lĩnh đen bóng… đó là cái cảnh mà Hồ Xuân Hương tả rất khéo: "Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới Hai hàng chân ngọc duỗi song song"… Họ vẫn còn cố gắng nhún, nhún nữa, rất táo bạo. Những động tác nhún đu lúc này là những cái nhún của mùa xuân. Mùa xuân là bàn đạp cho cả năm cất cánh. Những trai gái đánh đu ở vào trạng thái hưng phấn cao thì đã đành. Những người xem, thưởng thức ở bãi đu cũng reo lên ầm ĩ, trầm trồ, cười, nói, bình luận trong âm thanh. những tiếng trống liên hồi. Nơi đây, những chàng trai được coi là những người hùng, những cô gái được coi như những hoa hậu. Trong mấy ngày Tết, bãi đu là không thể thiếu được. Đánh đu hoặc chơi đu còn là một trò chơi thượng võ, trò chơi "mạnh". Trẻ, già, trai, gái đều bị cuốn hút vào bãi đu một cách mãnh liệt. Nhưng chủ yếu là với những nam, nữ còn trẻ. Người ta nói khẽ với nhau: "Chơi xuân đã biết mùi xuân chửa"… Có nơi còn tổ chức thi đu. Các bậc đàn anh thành thạo về nghệ thuật đu căn cứ vào trình độ đu đẹp, nhún nhịp nhàng, đánh bổng v.v… của các cặp đu mà so sánh rồi trao giải thưởng. Người ta còn đánh giá dáng vóc, cách ăn mặc của cặp đu. Khi đu, phải giữ được nét mặt tươi tỉnh, ăn ý với nhau, tự nhiên. Động tác phải nhịp nhàng. Nụ cười phải đằm thắm, duyên dáng. Tức là phải nam thanh nữ tú. Phần thưởng là danh dự, nhưng cũng có vài vuông vải điều, mấy gói chè thơm và một chút tiền. Những giây phút đu lên tận trời sẽ không bao giờ có thể quên được. Chúng làm cho nhiều người còn nhớ mãi. Có những người đi xa, khi trở về quê nhà thường tìm thăm lại bãi đu xưa để bâng khuâng, bồi hồi nhớ lại những cánh đu chơi vơi, những hoài niệm… NGÀY RẰM THÁNG GIÊNG Ở thời mẫu hệ, mặt trăng được coi trọng hơn mặt trời. Mặt trăng là mẹ dịu hiền, là tất cả. Đến thời phụ hệ thì mặt trăng xuống hàng thứ hai. Hàng đầu là mặt trời tượng trưng cho người cha, cho vương quyền. Nhưng người ta vẫn gắn bó nhiều với mặt trăng. Ban ngày nóng nực, phải kiếm ăn quá vất vả, người ta chỉ có ít thì giờ nghỉ ngơi, họp mặt nhau, vui vẻ với nhau để sáng tạo ra những chuyện kể, những trò chơi, hát hò… Người ta sáng tạo ra chị Hằng, chú Cuội Nhưng, những điều ấy thường chỉ thực hiện được trong những đêm trăng sáng, nhất là trong những ngày rằm, có vành trăng tròn đầy. Gọi là trăng buổi dậy thì. Những đêm rằm, trăng sáng vằng vặc đối với mọi người là cả một hạnh phúc lớn. Người ta ca ngợi đêm rằm, vui buồn cùng ngắm trăng, tâm sự với trăng… do đó, trăng nhuốm mầu thiêng liêng. Ngày rằm tháng giêng là ngày rằm đầu tiên của một năm. Sau này, ngày rằm được gắn vào với các ý niệm tôn giáo người ta cho ngày rằm là ngày hệ trọng. Đó là ngày Ngọc Hoàng thượng đế cho triệu tập tất cả các thế lực quyền uy bất tử ở trên trời và ở dưới đất lại để xét duyệt các đơn từ (sớ tấu) nguyện vọng cầu xin của người trần mắt thịt trong cả một năm. Đạo giáo cho ngày rằm là ngày thiêng liêng cho sự tu luyện trở thành siêu nhân. Trong đêm rằm có diễn ra hội quần tiên, hội bàn đào… Phật giáo cho ngày rằm là ngày tốt đẹp ngày cầu bình an, ngày của tấm lòng và sự hài hoà, của điều thiện. Người ta coi ngày rằm là ngày của Bụt, của Thánh. Từ đó, dân gian có câu: "Trăng rằm còn đó trơ trơ”? Hoặc như: "Hôm nay mười bốn mai rằm. Ai ai muốn ăn oản thì năng lên chùa"Thị Mầu trong vở "Quan âm Thị Kính" muốn cho một tháng có "đôi rằm”. Anh chàng quan họ đã tự mình chẻ tre đan nón cho người yêu xem hội đêm rằm. Ở nước ta, đã từ rất lâu, người ta cứ đinh ninh rằng ngày rằm tháng giêng là ngày đẹp nhất trong một năm. Ai cũng bảo: “Lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng". Đó là ngày rằm có ý nghĩa thiêng liêng hơn tất cả những ngày rằm trong năm. Nó là tuần trăng đầu tiên trong năm, ở vào lúc mà không khí ngày tết Nguyên đán cổ truyền vẫn còn đằm thắm trong lòng mọi người. Lại đúng vào lúc nông nhàn, trời trong sáng, không rét buốt như những ngày trong năm cũ. Trong ngày 14 và rằm tháng giêng, tất cả các đình, chùa, đền, miếu đều thắp đèn nến sáng trưng, khói hương mù mịt. Các sư, sãi, ông từ, bà đền đều ăn mặc theo tôn giáo làm lễ, tụng kinh, chạy đàn, rước xách, múa "lục cúng" có kèm âm nhạc và những động tác múa từ xa xưa giàu chất nghệ thuật và biểu diễn. Các con công đệ tử chen lấn nhau đến lễ, mang theo các lễ vật Người khấn vái đứng, kẻ khấn ngồi. Cái quan trọng nhất là người nào cũng phải dâng một lá sớ tâu lên Ngọc Hoàng thượng đế và các bậc siêu nhân để “ xin được che chở, giúp đỡ. Lá sớ là do các ông thầy cúng hay chữ viết cho. Người ta đón ngày rằm từ trước đó mấy ngày. Ngày 14 tháng giêng là tưng bừng nhất. Ngày 14, người ta tắm rửa sạch sẽ gọi là rũ bụi, mặc các bộ quần áo mới hoặc sạch sẽ nhất. Đặc biệt là ở Hà Bắc, các bà các chị ăn mặc cầu kỳ và đủ lệ bộ. Ngoài bộ quần áo mớ ba, mớ bảy nhiều mầu sắc ra, còn đeo dây lưng có xà tích, ống vôi quả đào…Nhiều nhà không ăn mặn mà ăn chay. Nhiều người kiêng khem cả chuyện chăn gối. Đêm 14 náo nức tựa như đêm réveilion của đạo Thiên chúa. Họ đi lễ tại các đình, chùa, miếu trong hai đêm 14 và 15. Họ đệ sớ lên xin với Ngọc Hoàng thượng đế, đức Phật, vua Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu, các Mẫu, các vị Thánh v.v… Các lá sớ được viết từ hôm trước. Người đi lễ dâng sớ trình bày nguyện vọng, mong muốn của mình trong suốt một năm. Thường chỉ xin một, hai điều chính yếu, ví dụ như xin được buôn may bán đắt được làm nhà, có con trai v.v… Đồng thời trong sớ cũng kèm theo một và điều sám hối của mình. Những điều này được giữ bí mật tuyệt đối. Nghĩa là chỉ có đương sự và ông thầy cúng viết sớ biết mà thôi. Chẳng hạn như đương sự đã phạm phải một vài hành động độc ác hoặc không công bằng gì đó như đương sự đuổi nàng dâu ra khỏi nhà đối xử tàn tệ với bạn… những điều này, ngay cả chồng hoặc con đương sự cũng không được biết. Lại có một số điều bí mật ở mức cao hơn nữa. Chẳng hạn như đương sự đã từng có hành động ngoại tình thì đương sự chỉ khấn sám hối không ra tiếng khi ngồi lễ. Những chuyện như vậy thật là bí mật mà cũng rất là con người. Đương sự đã dám sám hối khi tin vào một sức mạnh truyền kiếp và suy tưởng. Thà là tin vào một cái gì đó dù là mơ hồ, còn hơn là chẳng tin vào cái gì cả. Họ còn tin tưởng và suy nghĩ là đã có được sự chế ngự bản năng, hạn chế được sự gây tác hại cho cộng đồng. Đó là sự khuyến thiện, trừng ác cao cả. Trong những ngày 14 và rằm, mọi người có được một không gian thiêng và thời gian thiêng. Mọi người đều có tấm lòng rộng mở, hướng về các bậc bề trên linh thiêng, những con người siêu phàm. Trong đó có cả các vị anh hùng có công với đất nước. Không gian thì hoành tráng, nguy nga những đền, đài, chùa, đình tráng lệ, có tiếng chuông tiếng mõ, hương khói ngạt ngào. Mọi người thấy như thế giới đang khôi phục lại sự tươi mát thủa ban sơ. Tất cả mọi sự vật diễn ra hàng ngày bị mờ nhạt. Bỗng có những giây phút được sáng ngời lên như buổi mới được sinh ra. Người ta kính mến bà Trưng, bà Triệu, lại thương Thị Kính, coi vết thương của Thị Kính như thể là vết thương của người đàn bà có thật bị hành hạ. Người ta thêu dệt sự khổ đau và cao cả của một người đàn bà, cầu mong cho người ấy bất tử. Người ta không bất tử, nhưng người ta mong muốn được phục vụ cho cái bất tử. Người ta đi lễ, xem rước, nghe nhạc lễ, xem múa lễ… sẽ thấy thanh thản, sung sướng. Họ thấy đứa trẻtrong họ được sống lại như có phép cải tử hoàn sinh… Không phải ngẫu nhiên, tập tục coi ngày rằm tháng giêng là ngày đẹp nhất trong một năm, coi lễ quanh năm không bằng rằm tháng giêng lại vẫn giữ được nét trang trọng truyền thống lâu dài trong văn hoá Việt nam như vậy. Nó tồn tại với tinh thần cao cả và với vẻ đẹp đến thiêng liêng ăn sâu vào lòng mỗi người dân Việt nam.