Trước Nã Phá Luân một thế kỷ, Charles XII vua nước Thụy Điển đã diệt được nước Nga, nhưng chỉ trong một ngày, sự nghiệp vẻ vang trong 9 năm chiến thắng đã tan ra tro bụi ua Charles XII [1] là một vị anh quân đệ nhất của nước Thụy Điển (Swède) về thế kỷ XVIII. Lên ngôi được ít lâu ngài đã bỏ các sự dật lạc lúc thiếu thời, noi theo gương hai đại đế Alexandre và Cézar, dự bị chiến tranh để mưu đồ cuộc chinh phạt Âu lục, làm cho thanh thế lừng lẫy khắp hoàn cầu. Vua Charles đánh Đan-mạch Mới 18 tuổi, vua Charles đã cầm quân đi đánh Đan-mạch. Ngày 8 Mai 1700, ngài xuất quân, binh thuyền từ kinh thành Stockholm vượt qua bể Baltique tiến đánh đảo Seeland rồi thừa thắng kéo thẳng vào đánh thủ phủ Copenhague. Vua Đan-mạch thấy binh lực của Thụy Điển tiến như gió bão, biết thế không địch nổi, bèn sai sứ giả lai hàng. Charles XII bằng lòng nhận các điều kiện, hai bên mở cuộc điều đình và ký hoà ước vào ngày 8 Août. Tính từ ngày xuất sư, chưa đầy bảy tuần lễ vua Charles đã toàn thắng quân địch. Thật là một thành tích vẻ vang! Đánh Nga hoàng Đánh bại Đan-mạch, Charles thừa thắng đề binh đánh luôn Nga hoàng Pierre le Grand,[2] một tay kình địch mà ngài vẫn lấy làm giới lắm. Pierre le Grand là một vị hoàng đế kỳ dị có công lớn cải tạo và duy tân nước Nga. Khi mới lên ngôi, ngài đánh bại nước Thổ, sắp Hắc Hải vào bản đồ nước Nga, làm cho danh tiếng lẫy lừng khắp nơi (1697). Cuộc thắng trận đó chưa đủ làm cho ngài hài lòng. Lúc bấy giờ ngài nhận thấy trong nước còn nhiều sự hủ bại, dân trí còn thấp kém, các công việc, nhất là thuỷ, lục binh, chưa có tổ chức so với các nước Âu châu còn thua kém lắm, nên sau cuộc thắng trận Thổ một năm sau (1670), ngài vi hành sang Hà Lan, xin vào làm thợ mộc tại một xưởng đóng tàu thuỷ ở Amsterdam để học nghề hàng hải. Sau khi đã thông thạo nghề này, ngài qua Anh quốc quan sát các việc ích quốc lợi dân khác. Hai năm sau, ngài giở về Nga, đem theo một đoàn kỹ sư mở xưởng đóng tàu, lò đúc khí giới, lập cho nước Nga một đội chiến thuyền và nhiều hải cảng mới. Ngoài ra, ngài còn dựng trường học, viện Hàn lâm, ấn quán, thư viện, chấn chỉnh nền cai trị, mở mang các đường thông thương và khuyến khích các thiếu niên tuấn tú xuất dương du học, cùng bài trừ hủ tục trong đám dân gian… Chẳng bao lâu, nước Nga dưới quyền cai trị của ngài trở nên cường thịnh. Vua Charles XII thấy nước Nga bành trướng mau chóng như thế, rất lấy làm quan tâm. Ngài hết sức tìm cách nhổ cái đinh trước mắt để tránh mối hậu hoạn. Ngày 1er Octobre, nhà vua đem 8.000 quân đến Narva, Nga hoàng xuất quân 10 lần nhiều hơn ra kháng chiến, định nhân thời tiết giá lạnh, đánh tan quân địch trong trận đầu. Hai bên đốt pháo làm hiệu và bắt đầu giao chiến. Lúc đầu, quân Nga khí thế rất hăng, bắn một viên đạn trúng vào cuống họng Thụy Điển quốc vương. Nhưng viên đạn ấy lại là một viên đạn chết: nó chỉ nằm ngoài cà-vạt chứ không xuyên qua người. Một lúc sau, viên đạn thứ hai bắn trúng ngựa, nhà vua phải nhảy sang ngựa khác cầm quân và nói rằng: “Quân địch bắt ta phải tập thể thao”, thật là can đảm. Sau 3 giờ giao chiến, quân Thụy Điển phá tan các pháo đài bên địch và thừa thắng đuổi quân địch tới bờ sông Narva. Quân Nga tranh nhau qua cầu; cầu đổ, chết đuối hằng hà sa số. Các tướng sĩ sống sót, không có đường chạy, đều bị bắt làm tù binh. Vua Charles đại thắng kéo quân vào thành Narva, gửi tin báo tiệp về Stockholm và cho đúc một thứ bội tinh, một mặt khắc một người lính Nga, một người lính Đan-mạch, một người lính Ba Lan bị trói dựa vào một cái cột, một mặt khắc một người khổng lồ mang khí giới, đạp ở dưới chân một người dân Cerbère để kỷ niệm cuộc thắng trận ở Narva này. …Và đánh Ba Lan Vua Auguste nước Ba Lan thấy vua Charles thắng Đan-mạch và Nga, tìm cách liên kết với Nga hoàng để đối phó lại. Sau cuộc hội kiến ở Brisen, Auguste bằng lòng cấp cho Nga hoàng 50.000 quân sĩ. Vua Charles biết tin, tìm cách ngăn trở cuộc liên binh đó, truyền lệnh cho quân sĩ kéo qua thành Livonie gần Riga để đánh Ba Lan. Vua Auguste đem quân ra vây, nhưng không cản nổi. Vua Charles lại sai đóng một thứ thuyền cao bờ để cho quân sĩ ngồi trong được kín đáo; khi qua sông nhà vua lại đốt một thứ rơm ướt để cho khói toả khắp mặt sông, che kín không cho bên địch biết cuộc đổ bộ. Vì vậy quân Thụy Điển qua sông xong xuôi rồi mà bên địch vẫn không rõ, nên không thể kháng chiến được. Quân Thụy Điển cứ việc tiến vào nội địa như nước chảy về chỗ trũng. Quân Thụy Điển toàn thắng thẳng tiến vào thành Mitau, bắt vua Auguste thoái vị và lập Stanislas Leczinski làm vua Ba Lan. Nhà văn hào Voltaire thấy vua Charles thắng trận một cách dễ dàng như thế, cho rằng: Trận này là một cuộc du hành chứ không phải là một cuộc chinh phạt. Vua Charles thua trận ở Poltava Vua Charles bình xong Ba Lan, kéo quân vào Saxe mở tiệc khao quân và tiếp kiến sứ giả của các đế vương sai lại triều hạ. Sang tháng Sept. 1707, vua Charles lại kéo 43.000 quân rời Saxe tiến vào đất Nga để vấn tội Pierre le Grand, lưu lại 20.000 quân đóng ở Ba Lan, 15.000 quân đóng ở Phần Lan và hạ lệnh mộ thêm quân sĩ ở Thụy Điển để tiếp cứu. Với quân lực hùng hậu như thế và những cuộc chiến thắng vẻ vang như kia, ai cũng chắc vua Charles sẽ làm chủ đất Nga và Nga hoàng sẽ mua cuộc bại trận bằng một giá rất đắt. Nhưng việc đời không thể nào tiên liệu được! Đầu mùa xuân năm sau, vua Charles truyền lệnh cho quân sĩ tiến đánh thành Grodno. Khi quân Thụy Điển qua sông Niemen cách thành này hai dặm, quân Nga vẫn chưa biết tin tức gì cả. Quân Thụy Điển ập vào thành. Nga hoàng phải đem 2.000 quân chạy trốn. Về sau có người báo: vua Charles chỉ đem có 600 thân binh vào thành, còn đại quân ở xa, nên đêm đêm Nga hoàng lại kéo quân vào thành tập công lại, nhưng bị quân Thụy Điển đánh tan. Vua Charles bèn truyền lệnh cho quân sĩ tiến qua miền rừng Minsk, đến bờ sông Bérésina. Quãng đường này rặt những đồng lầy, rừng rậm, thỉnh thoảng mới thấy một vài cánh đồng, nhưng đều trơ trụi, không có thức ăn, vì dân quê đã đem chôn hết các thực phẩm. Quân Thụy Điển phải dùng một thứ gậy nhọn đầu bọc sắt thọc xuống đất để tìm kiếm, những cũng chẳng tìm thấy được bao nhiêu! Nga hoàng cho đóng đại quân ở Bérésina, mục đích để ngăn quân Thụy Điển qua sông. Nhưng quân Thụy Điển vẫn không sợ, sai người bắc cầu để quá giang; giáp chiến với quân địch. Thấy thế, quân Nga tự lui về thành Borysthène, dẫu gặp nhiều nỗi gian nan cũng chẳng quản. Đi dọc đường, quân Thụy Điển gặp một toán phục binh của Nga hơn 20.000 người nấp ở dưới một cánh đồng lầy. Nhà vua ra lệnh tổng công kích, rồi tự mình nhảy xuống bơi trước để làm gương cho quân sĩ, nước xấp xỉ ngang vai. Quân sĩ thấy nhà vua liều thân như thế, đều phấn khởi ra sức đánh tan được quân địch. Nga hoàng sai sứ giả đến xin giảng hoà; nhưng vua Thụy Điển giả lời: “Chỉ bằng lòng mở cuộc nghị hoà ở Moscou”. Sứ giả về tâu lại, Nga hoàng lấy làm tức giận, ra lệnh cho quân lui về thành Smolensk cố thủ. Ngày 22 Sept., vua Thụy Điển giao chiến với 10.000 kỵ binh và 6.000 bộ binh Nga ở thành này. Quân Nga bị thua bỏ chạy, nhà vua truyền lệnh cho quân sĩ do những đường hẻm đuổi theo. Địch quân thừa hiểm đổ ra đánh, bắn chết 2 viên quan hầu và ngựa của nhà vua. Vua Charles đi chân không, cùng mấy viên võ quan nữa chống cự với quân địch, giết chết được 12 tên giặc mà không bị mũi tên hòn đạn nào cả. Quân địch sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Sau khi đánh tan quân Nga, vua Charles họp tàn quân lại rồi lên ngựa. Tuy đã mệt nhừ nhưng ngài vẫn ra lệnh cho quân sĩ tiến. Kẻ thắng trận thẳng đường tiến vào kinh thành Nga quốc; quân đội gần hết lương thực, có kẻ khuyên nhà vua nên chờ viện binh, nhưng nhà vua không nghe, truyền lệnh cho quân sĩ bỏ đường Moscou mà tiến thẳng về Ukraine là một miền phong phú, có nhiều sản vật để cho quân đội có đủ thực phẩm mà dùng. Vả lại, dân xứ Ukraine vẫn có ý muốn tự trị. Vua xứ ấy là Mazeppa được tin quân Thụy Điển sắp kéo đến thì tỏ ý hoan nghênh và sai người mật kết với vua Charles để mưu tính cuộc độc lập cho tổ quốc. Vua Thụy Điển nhận lời và hứa hội kiến với Mazeppa ở gần sông Desna, đồng thời Mazeppa cũng hứa đem 30.000 quân sang hưởng ứng cùng xuất cả quân khí và lương thực nữa. Nhà vua cả mừng, cho quân sĩ tiến đến bờ sông Desna, nơi đã hẹn với Mazeppa. Đến đấy, không thấy chúa xứ Ukraine đâu cả mà lại gặp một toán lính đón đường tập công. Nhà vua cả sợ, nhưng nhất định cho quân qua sông để giáp chiến với địch quân. Bờ sông rất dốc, phải dùng giây để thả quân sĩ xuống rồi họ hoặc dùng bè hoặc bơi qua sông. Toán quân Nga đóng ở đấy ước độ 8.000 người, họ chống ít lâu rồi rút dần. Vua Charles tiến vào cái xứ mênh mông kia, phần không thuộc đường sá, phần không chắc Mazeppa đã thật lòng với mình, nên có ý dời tâm. Thì, quả nhiên, quân Nga đã biết trước Mazeppa mật kết với quân Thụy Điển nên đã kéo sang công phá xứ ấy, đánh tan toán quân và cướp phá lương thực mà Mazeppa định đem giúp vua Thụy Điển. Vua Charles thấy thế thất vọng lắm nhưng còn trông vào bộ tướng Lewenhaupt đem binh lương sang cứu. Không ngờ mới đi đến làng Liesna chỗ hợp lưu của hai con sông Pronia và Soja thì gặp Nga hoàng đem 40.000 quân đón đánh. Hai bên giao chiến rất hăng hái. Bên Nga, quân sĩ tổn thương ba lần nhiều hơn nhưng không một ai lùi, tất cả đều liều chết chiến đấu, vì thế sau cùng chuyển bại thành thắng được. Vì tướng Lewenhaupt thua trận, quân Thụy Điển bắt đầu bị thiếu lương thực và không thông tin tức với Ba Lan được, thành thử sa vào một tình cảnh nguy hiểm, chỉ còn lấy sự can đảm đối phó lại với địch quân mà thôi. Lại thêm mùa đông 1709 giời rét ghê gớm hơn mọi năm, quân Thụy Điển phần thiếu bánh, phần thiếu áo, chết hơn 2.000 người, tình thế của họ vì thế lại càng thêm nguy ngập nữa! Tuy bước đầu đã gặp nhiều điều bất lợi như thế, vua Charles vẫn cho quân tiến vây thành Poltava trên sông Worskla ở về phía cực đông xứ Ukraine. Rồi nhà vua lại bỏ tiền mộ thêm lính bản xứ để lập một đội binh mạnh tới 30.000 người nhưng không có đủ khí giới cho quân sĩ dùng. Nga hoàng đem 60.000 quân tới bổ vây quân Thụy Điển ở Poltava. Vua Charles đem quân ra nghênh chiến, bị trúng đạn ở gót chân nhưng sắc mặt không đổi, vẫn ra lệnh cho quân sĩ công kích luôn trong 6 giờ nên không ai biết là ngài bị thương cả. Về sau một tên lính tuỳ tòng thấy ở gót giầy nhà vua có máu, gọi nhà giải phẫu đến chữa. Nhà giải phẫu xem xét bệnh tình, tâu xin mổ để lấy đạn ra, nhà vua lấy hai bàn tay ra đỡ ống chân cho thầy thuốc mổ, rồi trông vào chỗ mổ với nét mặt thản nhiên như là người bàng quan không biết đau đớn là gì cả. Hôm sau vua Charles vì vết thương quá đau phải nghỉ ở hành tại, không ra điều khiển tướng sĩ được, bèn cho triệu thống chế Rehenskold vào và truyền lệnh phải dự bị cuộc phản công vào ngày mai. Hôm đó là ngày 8 Juillet 1709, cuộc giao chiến quyết liệt giữa vua Charles và Pierre le Grand ở Poltava xảy ra. Mới sáng sớm, vua Thụy Điển ngồi trên “băng-ca” ra cầm quân, tất cả có 21.000 chiến sĩ. Nhà vua ra lệnh cho đội kỵ binh tiến lên công kích trước. Quân Nga dưới quyền chỉ huy của hoàng thân Mentschikoff tiến lên ứng chiến, nhưng không địch nổi phải lùi. Nga hoàng phải đem viện binh tới, bị một viên đạn chạy xuyên qua mũ, nằm ra bất tỉnh, quân Thụy Điển hô: “Thắng trận”. Nga hoàng lập tức đứng dậy, chiêu tập đoàn kỵ binh lại rồi tiến đánh lui được đạo quân của vua Thụy Điển, viên thống tướng Schlippenbach bị cầm tù. Đồng thời Nga hoàng truyền lệnh cho 62 khẩu đại bác một loạt bắn sang phía địch quân và phái hoàng thân đem quân đi đón đánh, một khi quân địch bị thua phải lùi. Đến 9 giờ sáng, hai bên lại tổng công kích, súng đại bác Nga bắn chết hai con ngựa kéo “băng-ca” của vua Thụy Điển. Nhà vua sai thay hai con ngựa khác và vẫn ra lệnh cho quân sĩ xung đột. Một phát đạn vô tình thứ hai trúng vào giữa “băng-ca”, nhà vua bị té nhào xuống đất. Quân đội Thụy Điển kinh sợ, súng đại bác bên địch vẫn bắn dữ dội, hàng tiền tuyến phải lui, đoàn hậu tập cũng tan vỡ, hoàng thân Wurtemberg và thống chế Rehenskold đều bị bắt làm tù binh, vua Charles tuy bị thương nặng nhưng không chịu trốn, tướng sĩ phải sai thân binh vực ngài lên mình ngựa, nhưng chạy trốn được một lúc lại bị một viên đạn vô tình của bên địch bắn trúng ngựa, nhà vua lại phải sang ngựa khác đi lánh nạn. Khi đạo ngự đã đi xa, quân Nga tiến vào thành Poltava cướp đồ đạc và tiền của rất nhiều. Trong trận này, quân Thụy Điển chết trên 9.000 và bị bắt trên 6.000 người, còn 16.000 người đi theo tướng Lewenhaupt chạy trốn về thành Borysthène. Đạo ngự theo đường khác nhưng cũng tiến về thành này, đi giữa đường lại bị lạc vào rừng, nhà vua vừa đau lại vừa mệt, phải ngủ ở dưới gốc cây, sợ địch quân đuổi theo bắt được. Mãi đến đêm mồng 9 rạng ngày 10 Juillet, đạo ngự mới tới thành Borysthène. Quân sĩ lại được chiêm ngưỡng long nhan thì cả mừng, nhưng một lúc sau địch quân đuổi tới, quân Thụy Điển không đủ sức phải vực vua xuống thuyền vượt qua sông. Hoàng thân Mentschikoff đem 10.000 kỵ binh đuổi theo, dọc đường đầy những thây quân Thụy Điển chết rét chết đói và chết vì thương tích. Tướng Lewenhaupt biết thế không chống được, sai 4 viên sĩ quan cao cấp xin đầu hàng. Một số quân sĩ không chịu để người Nga lung lạc, nhảy xuống sông tự tử. hoàng thân Mentschikoff nhận các điều kiện của kẻ chiến bại, bắt quân Thụy Điển phải nộp khí giới rồi đi diễu trước mặt mình, như 9 năm về trước 30.000 quân Nga phải bỏ khí giới đi diễu trước mặt vua Charles XII ở Narva vậy. Nhận xong lễ đầu hàng, hoàng thân Mentschikoff đem tù binh về hiến Nga hoàng. Nga hoàng cả mừng và hỏi: “Vua Charles XII đâu rồi?” Nhưng vua Charles đã ngồi xe vượt qua đất Thổ, không bao giò lại chịu để cho người Nga lao lung mình. Cuộc bại trận này rất đau đớn, đạo quân thắng trận của Thụy Điển ở Saxe xuất chinh tính ra một nửa bị bắt hoặc bị giết. Và trong một ngày vua Charles XII mất hết sự nghiệp vẻ vang do 9 năm chiến thắng đã gây nên. (thuật theo cuốn Charles XII của Voltaire) TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 72 (3/8/1941) [1] Dạng viết chữ Anh là Karl XII hoặc Carl XII (1682-1718); ở đây tác giả thuật theo sách Pháp nên viết tên riêng vị vua này theo chữ Pháp. [2] Pierre le Grand (chữ Pháp) tức là Pietr I (Pi-ôt Đại đế, 1672-1725), lên ngôi Sa hoàng từ 1682, tự xưng Hoàng đế thứ nhất của đế quốc Nga từ 1721)