BÀ ẤY CHỈ HIỂU LẦM MỘT CÂU TRUYỆN KIỀU

Bạn gái Hà thành, nhất là những vị tín nữ của thuyết tự do  giá thú, chắc đương chau mày, nghiến răng, bất bình thay cho cuộc gả bán của cô Đoàn Thị Tuệ. Cô Tuệ là một nữ nghệ sĩ của  gánh hát Nhật Tân, có tài hát lại có cả tài diễn kịch. Trong khi  theo gánh hát ấy đi diễn trò khắp các tỉnh Bắc Kỳ, cô ấy nổi tiếng  là một đào giỏi. Vậy mà xuân xanh chưa có bao nhiêu. Có người  bảo rằng cô ấy mới 13 tuổi. Đó là người ta muốn cho cô ấy thêm vẻ  ngây thơ. Kỳ thực, nữ nghệ sĩ ấy năm nay đã vừa tới tuần cập kê.  Nghĩa là bằng tuổi cô Kiều trong lúc bắt đầu gặp chàng Kim Trọng. Và về sự phát triển của đường tình, cô Tuệ cũng không thua gì cô Kiều. Cái người đã được cô ấy để vào mắt xanh và  đương cố đóng vai Kim Trọng là một học sinh trường tư, hiện ở với  chị tại phố Hàng Nón Hà Nội.
Không hiểu đá biết tuổi vàng từ bao giờ, lâu rồi hay mới.  Người ta chỉ biết cô cậu đã nặng lời thề thốt, nhất định cùng nhau  tạc một chữ đồng đến xương. ác nghiệt là cái bà mẫu của cô. Bà ấy  cũng như Thúc ông, cố tình nghiến răng bẻ chữ đồng làm đôi. Là vì  có ông chuyên "xếp chỗ ngồi cho khách" ở rạp Hiệp Thành cũng hỏi  cô Tuệ làm vợ. Không rõ vợ chính hay vợ thứ. Chừng như thích  phường trò hơn là học trò, nên bà Vũ Thị Định mới tựa vào công mang nặng đẻ đau, bắt cô Tuệ phải bỏ người tình mà lấy cái người  "không tình". Cố nhiên cô Tuệ không thuận. Cố nhiên bà Định vẫn  cố ép uổng.
Nhưng, những sự đó chỉ là việc bất thường trong các gia đình  nửa mới nửa cũ. Cái lạ là thứ hình phạt của bà mẫu kia đã dùng  để phạt cô Tuệ. Không đánh, không đập, không cần đến thủ đoạn  phũ phàng. Bà ấy đưa tuột cô Tuệ vào làng Đồng Quang, phủ  Thường Tín, cái làng quê mình. Rồi thì bà ta nhốt luôn cô ấy vào  buồng và đóng thật chặt các cửa. Sợ cô ấy còn có thể trốn, bà Định  lại dùng xích sắt xích chân con gái vào chân mình nữa. Nhiều người thấy vậy cho rằng vị hiền mẫu ấy đã xử với con một cách tàn  nhẫn. Nhưng mà xét cho kỹ ra, có lẽ nó không tàn nhẫn tý nào,  chẳng qua bà ta cũng chỉ vì hiểu lầm một câu Truyện Kiều mà  thôi. Cuốn Kiều chẳng có chỗ nói:
"Buộc chân tôi cũng xích thằng nhiệm trao" à? Chắc là bà đó  cho rằng "xích thằng" tức là xích sắt, nên mới dùng nó "trao" cho  con gái. Nhưng sao bà ta lại không xích cô Tuệ vào chân ông "xếp  chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành, mà lại xích vào chân mình. Chỗ đó  cũng khó hiểu một chút. Đáng lẽ bữa nay là ngày cô Tuệ phải xích  về nhà ông "xếp chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành. Vì lệnh bà mẫu cô  ấy giục phải cưới đi, kẻo chậm nữa, e rằng xích không giữ nổi.  Nhưng, cậu học sinh Hàng Nón còn đi trình Cẩm, và nhờ các nhà  đương sự can thiệp, không rõ tấn tuồng đã diễn đến cảnh gì rồi.  Dù cho diễn đến cảnh nào đi nữa, thì cô Tuệ cũng không thể vượt  quyền bà mẫu kết duyên với cậu học sinh Hàng Nón, nếu như bà  ấy không thuận. Bởi vì xứ này không phải là chỗ để chứa những  quyền tự do của cá nhân, dầu nó là quyền tự do về sự giá thú.  Chẳng thế mà quyển Bắc Kỳ dân luật đã cho chúng ta hiểu rằng:  con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, đều phải do người gia trưởng  làm chủ hôn.
Thế nhưng, nói dại đổ đi, nếu cô Tuệ vì tuyệt vọng về đường  nhân duyên mà phải sống khác với tình, thì chẳng có ai bị tội về  cái án đó! Nếu thế thì ai giết người?