LỜI CỦA GIẢN UNG ĐÃ ĐƯỢC THỰC HÀNH

Chuyện này hình như ở Tam quốc chí không có. Người ta chép nó vào bộ Hán thư. Hồi ấy, chắc vì Trương Phi say rượu đánh  mất Tiểu Bái, Lưu Bị mới hạ lệnh cấm rượu. Không phải vì cấm  rượu lậu, không cấm rượu tá như bây giờ đâu. Vì anh hùng khéo  khóc này cầm hết các thứ chế bằng men, vô luận là lậu hay không  lậu. Thế rồi, một hôm tình cờ đi với Giản Ung vào một nhà dân,  Lưu Bị vớ được bộ đồ nấu rượu, ông ấy liền làm như các lính Đoan  ngày nay, bắt luôn cả người và tang vật điệu đi. Và định trị tội  một cách rất nặng, vì tên dân ấy đã dám chứa đồ nấu rượu. Giản  Ung không nói gì cả. Đi một quãng nữa, thình lình gặp một người  đàn ông. Giản Ung chỉ vào mặt hắn và bảo Lưu Bị:
- Người kia có tội. Phải bắt mà trị. - Tội gì?
- Tội dâm.
- Sao Tiên sinh biết?
- Khám trong mình nó, chắc là có chứa "đồ dâm".
Lưu Bị biết  Giản Ung chế giễu việc mình bắt kẻ chứa đồ nấu rượu, ông ta liền  tha cho hắn. Coi chuyện đó, ai chẳng tưởng nó là một câu khôi hài,  không khi nào mà được thực hành. Bởi vì trong thế gian, người ta  có quyền được chứa đồ dâm, bắt làm sao được? Vậy mà ngày nay  nó đã được đem thực hành. Có điều người ta mới thực hành cho  loài bò chứ chưa dùng vào loài người. Theo tin của báo Tiếng dân  nhiều con bò đực ở vùng mấy làng An Phong, Phúc Tích, Thạch An  trong tổng Bình Trung, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đương bị  ki-mi một cách rất ngộ. Cổ nó đeo một cái khung hình vuông giống  như cái gông. Bụng nó, dưới chỗ thận nang, có nhiều dây buộc  chằng chịt, đầu cái bửu bối về sự sinh dục thì có treo một cái ống  như thể hứng lấy tiểu tiện của nó. Cố nhiên là nó bị tội. Nhưng đố  ai biết tội gì? ấy là tội dâm. Không phải nó đã "dâm nhân thê thiếp" như luật Gia Long đã nói, chỉ phạm cái tội chưa thiến. Nghe đâu trong mấy năm nay, ở tỉnh Quảng Ngãi có công việc kén chồng cho loài bò cái vẫn được tiến hành một cách chu đáo.
Người ta đã về nhà quê lựa chọn những con bò đực béo tốt  khỏe mạnh để làm bò giống. Người ta đã sức cho những nhà có  nuôi bò cái phải dắt nó đến cái nhà có bò giống lấy "đực" cho nó.  Rồi thì người ta lại phái nhân viên của Sở thú y về liên thôn quê  thiến bớt những con bò đực không đủ tư cách sinh dục đi nữa. Vậy  mà còn sợ trong cái xã hội loài bò vẫn chưa hết thói hỗn dâm, cho  nên người ta lại phải đề phòng. Những thứ hình phạt đối với bò  đực nói ở trên kia đều do kiểu của Sở thú y đề ra cho dân làm theo.  Ông kỹ sư chế ra bộ đồ "phòng dâm" ấy đã nghĩ rất kỹ, mỗi bộ  phận trong bộ đồ đó đều có công dụng riêng cả. Cái gông, cốt để  cản con bò đực khỏi nhảy lên lưng bò cái. Cái ống là để hãm bộ  bửu bối của nó khỏi thòi ra ngoài. Còn những dây chằng chung  quanh thận nang thì để làm cho cái ổ dâm dục ấy phải vướng vít  không thể tự do hành động. Với sự phòng bị cẩn mật như vậy, con  vật vô giáo dục dù có động cỡn mà muốn hiếp dâm hay hòa gian  với con bò cái cũng không tài nào đạt được ý nguyện. Thần diệu  thay sự sáng chế ấy, chẳng những có thể lặp lại chủng tộc cho loài  bò, nó còn có công duá trì phong hóa cho giống vật mang tiếng dốt  ấy nữa! Vậy là ý kiến của Giản Ung phát minh sau hơn nghìn năm, đã được thực hành ở nước An Nam rồi vậy. Phải, theo thuyết  "trạch chủng tưu lương" thì công cuộc ấy rất nên làm, tuy nó cũng  hơi nhũng nhẵng lôi thôi và có ngãng trở cho sự làm ăn của các  chủ bò. Chỉ tiếc cái khí cụ ấy sao lại chỉ ứng dụng vào một loài bò.  Chúng ta há chẳng thấy những ông tu hành lợi dụng bóng Phật để  đi chim vợ chim con người ta đó sao? uớc gì vị kỹ sư nào đó, cố  nghĩ lấy một bộ đồ "phòng dâm" đẹp đẽ hơn và chắc chắn hơn, để  bán cho mấy ông đó, thì có lẽ trong nước An nam sẽ có nhiều người  thành Phật.