---~~~mucluc~~~---


RABINDRANATH TAGORE TỪ TRẦN

    
heo tin vô tuyến điện mới đây thì Ấn Độ vừa mất một nhà chí sĩ: Rabindranath Tagore.
Tagore tiên sinh chết đi, không những là một cái tang cho nước Ấn, nhưng ta có thể gọi là cái tang chung cho tất cả Á Đông và Âu châu, − nhất là Á Đông vì có người đã gọi Tagore tiên sinh là một hiền triết, khả dĩ là đại biểu nền văn hoá Á Đông trong thế kỷ XX vậy.
Cái đời tiên sinh và sự nghiệp tiên sinh, có lẽ dưới gầm trời này, không mấy ai không biết. Nay nhân lúc tiên sinh nằm xuống, ta là một dân tộc đã được đón tiếp tiên sinh, đã được nghe chính tiên sinh diễn thuyết về sự cần phải và vì sao phải liên lạc người Nam và người Ấn với nhau, ta cũng nên nhắc lại tường tận cái đời cao thượng, cái trí óc tuyệt luân của tiên sinh, và sự quan hệ về tư tưởng của tiên sinh đối với văn chương hiện đại.
Tagore tiên sinh, sinh ngày mùng 6 tháng 5 năm 1861 (vị chi đến nay là tiên sinh được 81 tuổi) ở đất Bengale Ấn Độ là một nơi linh tú đã từng sản xuất nhiều nhà chí sĩ tuyệt luân mang nặng một lòng ái quốc như Anando Mahan Bose, sáng lập ra City College; Babu Bepin Chandra Pal, chủ nhiệm báo New India; Romesh Chunder Dutt đã từng làm hội trưởng hội nghị quốc gia Ấn Độ; Mohandao Karamchand Gandhi, một thánh nhân (mahatma), Bankim Chandra Chatterjea, tay đại thi sĩ, đại cách mệnh đã đặt ra cái tiếng hiệu riêng của đảng quốc gia Ấn Độ, là tiếng Bande Mataram mỗi khi hô lên một tiếng thì các đảng viên phải nhất tề chạy lại.
Tagore tiên sinh là con út một nhà giàu có; cha ngài là Debendranath Tagore cũng đã lừng lẫy tiếng tăm và được suy tôn làm một bực triết nhân, còn chú ngài thì là đảng trưởng một đảng chánh trị phản đối Anh quốc

Kiểm duyệt bỏ
Người ta thuật lại rằng tiên sinh hồi nhỏ, tuy là con nhà khá giả, nhưng có một cuộc đời cơ cực lầm than: thân phụ tiên sinh vì mải lo việc nước nên bỏ cả việc nhà, công việc giáo dục tiên sinh, ngài đều giao phó cả cho tay người nhà đày tớ. Lũ đày tớ này phần thì lười biếng, phần thì khắc nghiệt, giữ tiên sinh ở trong buồng đến năm lên sáu mới cho ra ngoài đi học. Tiên sinh học thì cũng chẳng giỏi gì cho lắm, nhưng từ bảy tuổi đã tỏ rằng có khiếu thông minh và bập bẹ làm được dăm bài thơ thất luật. Thân phụ tiên sinh thấy con học thì càng ngày càng dốt mà thơ thì mỗi ngày mỗi hay đành phải cho tiên sinh ở nhà. Lúc này ông đã học được tiếng Anh, tiên sinh nghiên cứu Phạn văn và đọc nhiều sách lắm, nhưng chuyên chú nhất về quốc văn, bởi vì tiên sinh cho rằng nước nào cũng có một lịch sử riêng, một tiếng nói riêng, nếu dân tộc nào tự huỷ sử nước mình đi là nước ấy tự sát, nước nào bỏ lãng tiếng nước mình đi là nước ấy tự đưa mình đến chỗ tiêu diệt vậy. “Trí khôn ta sở dĩ được sáng tỏ là vì nhờ có tiếng của nước ta vậy” − đó là lời tiên sinh thường nói. Đến năm mười tám tuổi thì văn chương tiên sinh đã lẫy lừng rồi. Từ đó đến sau tiên sinh viết rất nhiều thơ ca và tiểu thuyết, vừa bằng tiếng quốc âm, vừa bằng tiếng Anh. Những sách viết bằng tiếng quốc âm chính tiên sinh tự dịch ra tiếng Anh hết thảy, nên thế giới đều biết tiếng và suy tôn tiên sinh lên làm một nhà hiền triết, một nhà tư tưởng, một nhà chuyên cổ động và hô hào hoà bình cho nhân loại.
Đương lúc này là lúc thế giới kéo nhau vào vòng núi xương sông máu, đâu đâu cũng như có châm ngầm ngòi lửa chiến tranh, mà một người như tiên sinh mất đi và mang theo cả cái “chủ nghĩa hoà bình vĩnh viễn” thực là đáng tiếc. Quả thế, Rabindranath Tagore tiên sinh là một người ái quốc, ái quốc rộng rãi, chân chính lúc nào cũng nghĩ đến dân tộc lầm than, nhưng tiên sinh không bao giờ lại chịu rằng chủ nghĩa quá khích là hay, là phải.
Tiên sinh chủ trương rằng: “Toutes les grandes nations d’Europe ont leurs victimes en d’autres endroits du monde. Cela n’engour dit pas seulement leur sympathie morale mais aussi leur sympathie intellectuelle, si nécessaire à la compréhension des races différentes de la notre. Les Anglais, par exemple, ne peuvent jamais comprendre l’Inde, car leur esprit n’est pas désintéressé”! (Ở khắp mọi nơi trên trái đất, những cường quốc đều gây nên những tai nạn kinh hoàng. Việc đó không những làm cho người ta ác cảm, mà ngay về mặt tinh thần họ cũng không được tin yêu; vì không có lòng tin yêu đó họ không thể hiểu được các dân tộc khác dân tộc ta. Thí dụ như người Anh, óc họ lúc nào cũng vụ lợi, tinh thần họ lúc nào cũng có ý riêng tây, thành thử không đời nào họ có thể hiểu thấu được tâm lý dân Ấn Độ).
Cũng như bao nhiêu chí sĩ khác ở Ấn Độ, tiên sinh oán trách cái chế độ hành hà khắc nghiệt của người Anh. Tiên sinh cho là đại để người Anh mà lôi thôi dính líu vào đâu thì dân Ấn tuyệt vọng “vì họ nghiệm ra rằng cái hạnh phúc của họ giảm đi, hạnh phúc về tinh thần còn giảm tệ hơn là hạnh phúc về vật chất”, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ tiên sinh lại nghĩ đến chuyện bạo động hết. Bởi dân Ấn Độ công luyện tập thì không có mà khí giới cũng không, nay nhất đán cứ bướng bỉnh nổi lên chống người Anh thì sự thể sẽ ra sao? Quyết là kết quả không tốt đẹp. Bởi vậy, một mặt tiên sinh khuyên người Ấn Độ gia công gắng sức học hành để có một trí óc hơn người, một mặt thì tiên sinh mở trường riêng để đào luyện lấy dân tính: cái trường ấy là trường Shantiniketan tiên sinh chủ ý dạy chuyên về văn hoá Đông phương vậy.
Trường Shantiniketan có ý nghĩa là Trường Hoà bình, trường Shantiniketan tổ chức theo một phương pháp riêng, lấy khí giời làm chủ, lấy sự trầm tư mạc tưởng làm đích, có rất nhiều học trò đến theo đòi học tập. Năm 1913, sau khi trình bày nhiều kỳ công về văn chương tư tưởng với thế giới, tiên sinh được giải thưởng Nobel. Từ đó, danh tiếng tiên sinh vang lừng khắp mọi nơi, tiên sinh đi nhiều nước châu Âu để diễn thuyết; tiên sinh sang châu Mỹ nói chuyện về nhân cách; rồi quay về Tàu, sang Nhật tổ chức nhiều cuộc luận đàm ở Đông Kinh. Năm 1924, tiên sinh hạ cố đến đất Đông Dương này và nói chuyện ở Sài Gòn, các báo tây hồi đó có thuật lại cả bài diễn văn của tiên sinh nói, đại ý cho là Ấn Độ và Đông Dương là nơi phát sinh ra văn hoá Á Đông, người Ấn và người Nam cùng chung một cảnh ngộ nên cùng dắt nhau đi mà tìm lấy những cái đặc biệt cho tất cả các dân tộc Á Đông nó khác hẳn với Tây phương vậy.
Hồi đó, có tờ báo Nhật đã gọi tiên sinh là “nhà đại biểu văn hoá Á Đông”. Đồng thời các sách của tiên sinh như “Les oiseaux égarés”, “Les Reliques de la pensée”, “Réminis cences”, “Le cycle du printemps”, “Les pierres affamées”, “Le Naufrage”, “La maison et le monde” đều được thiên hạ tranh nhau mà đọc.
Cũng như đối với Mahatma Gandhi, chánh phủ Anh-cát-lợi cũng chẳng ưa gì tiên sinh, nhưng đến cái tài học, cái tư tưởng và cái triết lý của tiên sinh thì cũng phải chịu nên Anh hoàng, năm 1915, đã phong cho tiên sinh tước Chevalier nhưng vì hồi ấy Anh quốc đương dự vào đại chiến, Ấn Độ thừa cơ nổi loạn, dân gian bị mẫu quốc giết chóc cực kỳ thê thảm nên tiên sinh nhất định không lấy tước Chevalier làm gì. Tiên sinh trả lời rằng “đương lúc đồng bào đau khổ, mình có vui gì, những chuyện danh lợi tiên sinh không dám đâu màng đến”.
Cứ xem những bài diễn thuyết và sách truyện của tiên sinh thì ta thấy rằng tiên sinh cực kỳ công kích cái văn minh vật chất, tuy tiên sinh công nhận khoa học là một việc cần phải có trong cuộc sống bây giờ; tiên sinh cho rằng một phần lớn người Âu Mỹ suy thoái về tinh thần là vì họ sung sướng quá, đầy đủ quá. Mà sung sướng như thế thì không lợi gì hết, nhất là trẻ con nhà giàu thì chẳng có hy vọng làm nên được trò trống gì đâu. “Duy có cái nghèo nó mới khiến cho ta được hoàn toàn tiếp xúc với sự đời. Sống ở trong chỗ phong lưu ấy là sống nhờ, sống mượn, nghĩa là sống một cách giảm thiểu, cách sống như thế có thể làm đẹp cái lòng tự cao tự đại hay là cái lòng lười biếng của ta, nhưng không làm thoả mãn được sự cần dùng của cách giáo dục ta. Sự phong phú ví như một cái lồng bằng vàng, con nhà giàu sinh trưởng trong đó theo một cách không tự nhiên làm cho năng lực yếu nhụt đi”.
Suốt một đời tiên sinh, tư tưởng của tiên sinh nở ra nhất nhất theo cái lẽ chính ấy cả; tiên sinh muốn rằng chân người ta giời sinh ra không đi bí-tất thì phải nên tập cho làm quen với đất, da thịt người ta giời sinh ra không có quần áo để che thì phải nên tập cho quen với gió sương. Tiên sinh là một triết nhân cực mạnh lúc nào cũng yêu đời, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu ý nghĩa, tiên sinh đều muốn cho quy vào câu này cả: Phàm đã là người thì phải có thể ngửa mặt lên giời mà nói “Ta sống đây”. Tiên sinh cho rằng vì đó người ta ở đời cần phải để dành một phần đời sống theo như người cổ sơ. Bởi vậy, tiên sinh cực lực công kích cái lối giáo dục hiện hành; trường Shantiniketan do tiên sinh sáng lập có một phương pháp giáo dục riêng dựa vào cái phương pháp giáo dục mấy ngàn đời nay của Ấn Độ “Đem trâu bò đi ăn cỏ, nhặt cành khô về làm củi, hái quả, dưỡng dục cái bụng nhân từ đối với muôn loài sinh vật, khiến cho mỗi ngày trông cách tu luyện của thầy mình mà tinh thần đạo đức được tăng tiến thêm lên… Tôi − tiên sinh nói − nghĩ đến cái tương lai eo hẹp của xứ Ấn, nghĩ đến cái tương lai eo hẹp của xứ Ấn, nghĩ đến cái hậu vận khốn khó bần cùng của nước tôi mà tôi phấn phát muốn thử thực hành mộng đó”.
Ý tưởng của tiên sinh về xã hội, như thế; đến thi văn của tiên sinh thì mới lại càng nhẹ nhàng và thâm trầm. Hầu hết những tư tưởng đó đều dựa theo kinh Phật và đạo Bà-la-môn; tiên sinh ca tụng cái đẹp của trời, tiên sinh khuyên ta nên hành động, giữ mình cho sạch đừng để cho dục tính nó làm quáng mắt nhất là đừng nên vụ lợi quá bởi vì ai cũng đã thừa biết rằng tính vụ lợi từ xưa đến nay đã gây ra bao nhiêu sự xấu xa đê tiện làm hèn nhân cách người ta vậy. Có người đã nói rằng ta có thể quy tất cả tư tưởng của tiên sinh vào câu nói này mà tiên sinh thường nói: “Đời người như thể một bát nước mà vũ trụ là con sông, đem bát nước đổ vào con sông ấy để hoà lẫn hai thứ nước cùng nhau, dẫu ai cúi xuống nhìn cũng không tài nào phân biệt được”.

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 74 (17/8/1941)