ừa đây, nhân được đọc một tờ báo Pháp, chúng tôi thấy có một bài đề là L’arbre qui guérit la lèpre (Thứ cây chữa khỏi bệnh phong) đăng rất lớn. Bài này là một bài khảo cứu của một vị cố đạo đã đi khắp Viễn Đông về. Theo ông thì bệnh phong là một trong tứ chứng nan y, ngày nay người ta đã có cách chữa cho tuyệt giống. Mà không phải đi tìm đâu xa; thứ thuốc ấy ở ngay nước ta đây cũng có: đó là cây chaumoolgra, to lớn như loại cây đa cây đề, lá nó to, sao vàng lên uống thì có tính cách trừ trùng phong trùng hủi ẩn nấp trong các cơ thể của người ta; mà nhựa nó lấy đem xoa vào những chỗ lở loét gây ra vì phong hủi thì những chỗ lở loét ấy sẽ hàn miệng và lên da non liền. Theo như sự tìm tòi của vị cố đạo nói trên. Sở dĩ người ta tìm được cái cây thần chaumoolgra là vì một sự tích, từ ở Cao Miên vậy. Nguyên, trước đây đã lâu lắm, xứ Cao Miên có một ông vua nuôi nhiều mỹ nữ cung tần lắm. Không hiểu vì trác táng quá hay là vì bọn cung tần mĩ nữ thù hằn vì “xe dê không đến” hằng đêm, vị vua kia một hôm ốm liên miên mất một tháng trời, gây gây sốt và sổ mũi, rồi da thịt cứ hằn đỏ cả lên. Chẳng bao lâu sau, những chỗ da thịt ấy vỡ ra đóng vẩy rất tanh tưởi, bẩn thỉu, bao nhiêu ngự y đều không chữa được. Nhà vua thất vọng, một hôm kia bỏ cả ngai vàng, bỏ cả sự giàu sang phú quý trốn vào rừng để ẩn, đành rằng chết thì chết chứ không đời nào lại chịu quay về triều với cái bệnh quái ác kia. Nhà vua cứ đi lang thang như thế mấy tháng trời ở trong rừng, đói thì ăn quả ăn lá mà khát thì uống nước suối. Cứ như thế… ít lâu sau, thì thấy những cái vẩy bong ra mà những nốt lở loét ở trên người sần lại, nhà vua để ý xem xét thì té ra mới biết sở dĩ mình khỏi được bệnh như thế là vì đã ăn được một thứ quả và một thứ lá cây rất to, không biết tên là gì. Nhà vua ngày một ngày hai khỏi bệnh trở về triều. Cả nước lấy làm lạ; các nhà y học hết sức tìm tòi xem xét cái cây kia xem là thứ cây gì mà lại có một tính cách màu nhiệm chữa được bệnh hủi một cách thần tình như vậy. Hồi đó ở Cao Miên và Xiêm La đã có nhiều ông cố đạo đi truyền giáo ở khắp các chốn thâm sơn cùng cốc. Một ông cố đạo lúc đó mới khám phá ra rằng cây đó là cây chaumoolgra, một cây có rất nhiều ở vùng Mã Lai và Phi Luật Tân. Ông nói ở miền Nam Đông Dương cũng có nhiều thứ cây này. Từ đó ông cố đạo nói trên mới nghĩ cách cổ động dân gian ở miền rừng rú trồng thực nhiều cây chaumoolgra; sự ích lợi của giống cây này, đối với việc chữa bệnh phong hủi mỗi ngày một nhiều thêm; đến bây giờ thì người dân vùng Sumatra, Bornéo, đảo Antilles đã biết công dụng của cây này rõ lắm, họ không còn coi bệnh hủi là một bệnh nan y nữa. Tác giả viết bài báo mà chúng tôi thuật lại vắn tắt trên kia kết luận rằng: “Theo như lời viên cố đạo nọ thì giống chaumoolgra có ở Đông Dương. Vậy ta nên lấy làm tiếc rằng sao người Đông Dương và người Pháp ở Đông dương lại không tìm khảo xem cây chaumoolgra tên là cây gì và, nếu quả những lời viên cố đạo nói trên kia là đúng, ta đem quả, lá và nhựa cây ấy dùng trong việc làm thuốc chữa bệnh phong hủi thì có phải là có ích không?” Những lời nói của nhà báo kia thực quả là dễ nghe lắm lắm. Duy có đoạn dưới ta thấy rằng có hơi thừa, bởi vì chính tôi, tôi biết rằng cây chaumoolgra không có gì là lạ hết, người Pháp và người Nhật đã biết đem dùng cây đó trong y học từ lâu rồi mà chính là họ đem cây ấy ứng dụng vào việc làm thuốc chữa bệnh phong hủi vậy. Trước khi xét cái công dụng của cây ấy trong y học, âu là ta cũng nên nói đến một chút về bệnh phong trước đã. Sự thực, vấn đề này đáng lẽ phải để cho các nhà có thẩm quyền về y học bàn đến thì phải hơn. Nhưng vì bài báo nói trên kia ra đã lâu rồi, cây chaumoolgra đem ra bàn luận được đã mấy tháng nay rồi mà mấy tờ báo y học ở nước ta vẫn chưa có bài đáp lại; vậy nay chúng tôi phải đương lấy cái trách nhiệm ấy vậy, tưởng các bạn cũng nên biết trước khi đọc hết. Vả chăng, câu chuyện bệnh hủi ở xã hội ta, chúng tôi cũng đã muốn nói tới từ lâu rồi, bởi vì có nhiều người thường vẫn đến phàn nàn với chúng tôi rằng ở các chợ hiện nay, nhất là chợ Mơ, chợ Bằng và nhiều chợ thôn quê nữa, có nhiều người nghèo khó ăn mày ăn xin, không hiểu có phải là hủi thực hay không, dạo này hoành hành tệ quá, nhiều người đàn bà con gái đi chợ mua hàng sợ chúng quấy nhiễu phải cho chúng tiền mới yên. Chúng lở loét bẩn thỉu một cách rất ghê gớm, chúng cứ sán lại chỗ đông người giơ những máu mủ hôi thối ở người chúng ra, ai cho thì thôi, bằng không thì chúng ngã lăn vào người; những người bán hàng trong chợ, nhất là những người bán gạo, thường bị chúng doạ và rình lúc vô ý lấy tay vày vọc vào đồ bằng một cách bẩn thỉu, gai mắt không chịu được. Đã bao lần chúng tôi đã định đem trình bày việc này lên báo để các nhà có trách nhiệm giữ gìn sự trị an cho dân chúng đề phòng, nhưng chưa có dịp nào. Nay nhân vì chánh phủ mới mở trường Cao đẳng khoa học và chúng tôi nói về bệnh hủi, vậy tưởng cũng là một dịp nói ra những cái mắt thấy để cho những nhà có trách nhiệm thử để ý dò xem những kẻ kia có phải là hủi thực hay chúng làm ra như thế để doạ dẫm người ta lấy tiền. Dù thực dù giả, những việc như thế ta cũng nên biết, không phải đến ngay nay mới thấy. Nước ta từ xưa có bệnh phong bệnh hủi hầu hết ở khắp nơi, nhát là mấy tỉnh ở theo dọc sông Hồng Hà: Nam Định, Phủ Lý, Thái Bình, Hải Dương… Dưới thời vua Minh Mạng, những người hủi mỗi ngày mỗi lắm. Nhà vua bèn ban chỉ dụ rằng những người hủi phải ở biệt lập riêng một, nơi không được giao thiệp với những người vô bệnh. Khi nào những người bệnh ấy chết thì phải chôn thực sâu, còn đồ đạc quần áo thì cần phải đem thiêu huỷ. Kịp đến thời kỳ Bảo hộ, chính phủ mới lập riêng Trại Hủi (tục gọi là trại Gốc Sấu) ở Mui Tía thuộc hạt Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Trại hủi này nuôi nấng và điều trị những người đáng thương mắc cái chứng bệnh quái ác kia. Trại ấy dù sao cũng vẫn không thể chứa hết được những người bị bệnh hủi, thành ra sau chính phủ phải lập thêm bốn trại nữa: trại Văn Môn (Thái Bình), trại Quả Cảm (Bắc Ninh), trại Liêu Xá (Hải Dương) và trại Hương Phong (Hưng Hoá). Cách tổ chức ở những trại này ngăn nắp lắm, nhiều bạn đồng nghiệp chúng tôi đã viết thành những thiên phóng sự kỹ càng đầy đủ, tưởng không cần phải thuật lại một lần nữa ra đây làm gì. Duy có một điểm ta cần phải biết là bệnh hủi do tại làm sao mà có? Sách thuốc Tàu gọi bệnh hủi là “lệ phong”, là “lại phong” hoặc “đại ma phong” và cho là sinh ra vì một thứ trùng xanh, đỏ, vàng, đen. Mỗi trùng mỗi màu ở mỗi tạng: có khi nó ở can thì làm cho lông mi rơi rụng, nếu nó ở tâm thì thịt da loét lở, nếu nó ở phế thì gãy xương mũi, trĩ mũi, v.v… Đó là theo lối xét bệnh của người Tàu. Bệnh hủi, theo con mắt nhà khoa học phương Tây thì cũng do một giống trùng, nhưng không phải ngũ sắc. Đó chỉ là một giống trùng sắc nhạt, do nhà bác học Hansen tìm thấy năm 1871 nên chi vi trùng hủi bây giờ gọi là bactérie de Hansen. Cũng như vi trùng lao, vi trùng hủi thon thon, hai đầu tròn sinh sản rất mau và ở nhiều nhất ở trong các cơ thể của người ta, nhất là trong nước mũi, cho nên muốn thử xem một người có bị hủi hay không, người ta cứ lấy đính bông ngoáy vào lỗ mũi phết lên mảnh kính đem ruộm thì thấy vi trùng Hansen. Bệnh hủi chia làm nhiều thời kỳ: thời kỳ thứ nhất là thời kỳ khởi bệnh, lắm khi người bệnh không biết, chỉ thấy rức đầu sổ mũi như người thường mà thôi. Hết thời kỳ ấy đến thời kỳ nổi mụn: ở mặt mũi tay chân nổi lên những mụn lấm tấm đỏ, đen hoặc tím, không nhức buốt gì cả. Khi nào lấy tay ấn những mụn ấy xuống thì nó lặn hẳn, nhưng bỏ tay ra thì nó lại nổi lên. Trước sau, người bệnh vẫn không thấy đau đớn gì cả, có khi lấy kim nhọn, dùi nhọn châm vào cũng không biết đau đớn là gì cả. Thầy thuốc lấy nước ở trong mụn ấy ra đem thử mới biết là có vi trùng hủi. Chính vào thời kỳ này, người ta mới bắt đầu phân biệt được người bệnh mắc phải lèpre tuberculeuse, tégumenteire hay là lepre nerveuse ou anesthesique hay là lepre mixte. Bởi vì có ba thứ bệnh hủi, sinh ra cùng một thứ vi trùng, giống vi trùng này hoành hành một cách rất ác liệt ở trong cơ thể người ta. Theo như sự xét nghiệm của nhiều người thì giống trùng này hoành hành dữ nhất về đêm và làm cho mình mẩy đầu xương nhức nhối khó chịu lắm. Lông tóc của người bệnh ngắn dần đi, da dẻ như co lại, cho nên mồ hôi rất khó tiết ra ngoài. Thời kỳ này kéo dài có khi tới vài ba hay dăm bảy năm, chóng hay chậm là tuỳ theo người bệnh biết ăn ở hợp vệ sinh hay không, biết tiết chế sự dâm dục và kiêng kỵ trong sự ăn uống hay không. Có khi bệnh này lại kéo dài mãi tới mươi hai năm. Tuy vậy, trong thời kỳ này bệnh vẫn cứ tăng lên rất mạnh, từ mụn nhọt đổi ra thành mụn hạch. Khắp người bệnh nhân có những hạch con lổn nhổn ở dưới da dưới thịt, khéo tay nắn thì thấy. Có khi lấy mắt trông, người ta cũng phân biệt được những hạch này, nó thường lạnh hơn các bộ phận khác trong người, nhất là muốn biết một người có mắc phải bệnh hủi hay không thì cứ xem dái tai lạnh hơn các chỗ khác trong người và những cái hạch từ dái tai đến cổ, chỗ ăn sang xương bả vai. Cũng như những mụn trong thời kỳ trước, những hạch này thường là màu xám, màu hồng, màu trắng, màu vàng, không nhất định. Sau thời kỳ này là thời kỳ phá lở. Thời kỳ này là thời kỳ nặng nhất, những mụn hạch trong mình người hủi phá ra và vỡ, chảy máu chảy mủ rất hôi thối, vài ngày lại đóng vẩy, ít ngày lại trật ra và mỗi lần đóng vẩy như thế thì những vết thương ở trong người cứ loét ra và cứ lan dần ra mãi. Ở mũi, những hạch ấy loét ra thì sống mũi dẹp xuống và dần dần thịt sẽ tiêu đi mất hết, ở tay, ở chân máu mủ loét ra rất nhiều, vi trùng ăn đến đâu thì đốt tay đốt chân rụng đi đến đấy. Nếu là hủi tê liệt thì thời kỳ này kéo rất dài: da mặt bênh nhân co rúm lại, có chỗ sưng phồng lên như mặt hổ phù, chân tay co rúm lại, bệnh nhân khổ sở vô cùng, có lắm khi không đi được cứ nằm một chỗ mà đợi chết hoặc có muốn đi lại chăng nữa thì phải đi cà nhót rất là khổ sở. Lần lần người bệnh yếu đi, lông tóc rụng hết, trùng ăn đến mắt thành loà; nếu những hạch ở cổ sưng lên và vỡ ra, người bệnh sẽ cấm khẩu, tắc thở và chết một cách vô cùng ai oán. Bệnh hủi là một bệnh di truyền hay truyền nhiễm? Đó là một việc mà nhiều người vẫn muốn biết, như người ta thường vẫn muốn biết bệnh lao là bệnh truyền nhiễm hay di truyền vậy. Thoạt đầu các nhà y học chia làm hai phái: phái di truyền và phái truyền nhiễm; nhưng sau hầu hết người ta đều chịu rằng bệnh hủi là bệnh truyền nhiễm đúng hơn là bệnh di truyền.[1] Chứng cớ có nhiều người hủi đẻ con ra, những đứa trẻ ấy vẫn khoẻ mạnh như thường, vô tật bệnh, nếu đem nuôi riêng thì những đứa trẻ ấy suốt đời vẫn khoẻ mạnh không bị hủi. Người ta tính ra thì trong số 121 đám hủi lấy nhau: 6 người không có con 24 - có 1 con 11 - - 2 con 9 - - 3 con 3 - - 4 con 1 - - 5 con 2 - - 6 con Đó là nói về những cặp vợ chồng có bố mẹ hủi, còn những cặp vợ chồng hủi mà không có bố mẹ hủi thì trong 1.152 người có: 394 người được 1 con 232 - - 2 - 153 - - 3 - 94 - - 4 - 59 - - 5 - 32 - - 6 - 22 - - 7 - 5 - - 8 - 2 - - 9 - 2 - - 10 - Nay nói về phương pháp trị bệnh. Trị bệnh hủi, người ta ở Đông phương hay Tây phương thực chưa có phương pháp gì thực thần hiệu cả. Cây và quả chaumoolgra ép ra làm dầu, người ta dùng làm thuốc trị bệnh phong ở ngay đây cũng đã lâu đời rồi. Người Âu có dùng nhiều thứ thuốc khác nữa và người Á Đông lại khám phá ra một thứ cây có quả chaulurrogra (Tàu gọi là đại phong tử du) nhưng cũng chưa thấy có sự kiến hiệu như arsenic và bismuth chữa bệnh giang mai. Kết luận, chúng tôi xin nói, trái với bạn đồng nghiệp, cây chaumoolgra không phải bây giờ người ta mới biết; người ta biết đã lâu đời rồi, nhưng đến tận bây giờ, kể cả bleu de métylène, gynocardate de soute, acide gynocardique, arsenic, quinquina, v.v…, y học Tây phương và Đông phương vẫn chưa tìm được một phương thuốc thực thần hiệu để trừ bệnh hủi. TIÊU LIÊU Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 76 (31/8/1941) [1] Cho đến cuối thế kỷ XX người ta biết rõ rằng bệnh hủi không di truyền, cũng không phải bệnh truyền nhiễm (= lây); bệnh hủi có thể chữa được, và đã có thuốc chữa; người ta cũng đặt vấn đề không cách ly bệnh nhân hủi khỏi cộng đồng như chủ trương hồi cuối thế kỷ XIX đầu XX.