ống Cương và Lý Trọc đã tách ra ở riêng. Tống Cương ngại gặp Lý Trọc. Trong giờ làm việc, Tống Cương đã lén bỏ về nhà, cho hết quần áo của mình vào túi du lịch, chia đôi số tiền hai người để chung, cầm suất của mình đi, còn suất kia để trên bàn. Tiền lẻ còn thừa để lại hết cho Lý Trọc, lại đè chiếc chìa khoá Lý Trọc đánh cho mình lên trên tiền, sau đó đóng cửa, xách chiếc túi du lịch ra khỏi căn nhà đã chung sống với Lý Trọc. Tống Cương dọn vào ở trong khu nhà tập thể của Xưởng kim khí. Sau hơn một tháng yêu nhau bí mật, Tống Cương và Lâm Hồng quyết định công khai tình yêu. Đương nhiên đây là quyết định của Lâm Hồng. Lâm Hồng chọn rạp chiếu bóng. Buổi tối hôm ấy dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi ngạc nhiên trông thấy Lâm Hồng và Tống Cương sóng vai đi vào rạp chiếu bóng. Lâm Hồng cắn hạt dưa cười cười nói nói với Tống Cương, sau khi tìm được ghế của mình, hai người ngồi một hàng song song. Lâm Hồng tiếp tục cắn hạt dưa một cách thản nhiên, say sưa nói chuyện với Tống Cương. Chỉ có Tống Cương khiêm tốn hoà nhã gật đầu chào hỏi những người quen mình. Cánh nam giới thị trấn Lưu chúng tôi anh nào anh ấy ngổn ngang trăm mối tơ vò. Sau khi máy chiếu phim khởi động, những đàn ông đã cưới vợ và những chàng trai còn sống độc thân, gần như có đến một nửa thời gian nhìn trên màn ảnh, nửa thời gian còn lại cứ nhìn trộm hai người. Kẻ ngồi trước thì quay đầu lại, người ngồi hai bên thì quay đầu sang. Anh nào ngồi ghế sau thì nghển cổ. Tan cuộc ra về, đêm hôm đó, khá đông cánh mày râu nhà ta trằn trọc không sao ngủ được. Anh chàng Tống Cương số đỏ khiến họ hâm mộ đến nỗi muốn chết đi sống lại. Lâm Hồng và Tống Cương thường hay cùng nhau đi trên đường phố. Lâm Hồng dường như đẹp ra. Nụ cười tủm tỉm nhẹ nhõm luôn nở trên môi. Ông già bà cả trong thành chỉ Lâm Hồng nói, đây là cô gái ngâm trong thùng mật. Khi đi bên cạnh Lâm Hồng, Tống Cương sung sướng không sao tả nổi, đâm ra lúng túng. Sau mấy tháng trời mà anh vẫn chưa sửa nổi dáng vẻ, bởi được cưng chiều mà trở nên sợ sệt. Những người già trong thành bảo, quả thật Tống Cương không giống một người yêu, bảo anh vẫn thua gã Lý Trọc hùng hùng hổ hổ. Chí ít Lý Trọc cũng giống như một vệ sĩ, còn Tống Cương cùng lắm cũng là một kẻ tuỳ tùng đi theo. Tống Cương choáng ngợp trong hạnh phúc, đã mua một chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu bóng lộn, gần như tiêu sạch toàn bộ số tiền dành dụm của anh. Chiếc xe đạp Vĩnh Cửu thời đó là gì? Là con ngựa quý Mercedes bây giờ, một năm phân phối cho thị trấn Lưu chúng tôi cũng chỉ được ba chiếc. Ngày đó đừng nói không có tiền, cho dù sẵn tiền cũng không mua được xe mác Vĩnh Cửu sáng loáng. Chú ruột Lâm Hồng là giám đốc Công ty kim khí, quản lý việc bán cho những ai ba chiếc xe đạp Vĩnh Cửu phân phối trong năm, là một nhân vật oai phong đáo để, hàng bao nhiêu con người trông thấy ông đều gật đầu khom lưng. Để Tống Cương trội hẳn lên ở thị trấn Lưu, Lâm Hồng cứ suốt ngày bám níu chú ruột, gần như sắp phải khóc lên, đòi chú cho Tống Cương thân yêu của cô mua một chiếc xe mác Vĩnh Cửu. Bố Lâm Hồng cũng bám riết không buông chú em ruột. Mẹ Lâm Hồng cũng sắp sửa chỉ vào mũi mắng ông chú. Không còn cách nào khác, chú Lâm Hồng phải cắn răng phân phối cho Tống Cương thân yêu của Lâm Hồng chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu mà lẽ ra phải giành cho ông trưởng ban chỉ huy quân sự huyện. Từ đó Tống Cương mặt mày hớn hở. Cưỡi trên xe đạp Tống Cương phóng vù vù, xuất quỷ nhập thần trên phố lớn ngõ nhỏ thị trấn Lưu. Chiếc xe đạp bóng nhoáng lao đến nỗi dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi lóa mắt. Tống Cương còn hay bấm chuông. Tiếng chuông giòn tan khiến người nghe không nuốt nước bọt cũng nhỏ dãi. Khi xuống xe, Tống Cương bao giờ cũng lấy búi sợi bông nhét dưới yên xe, lau cẩn thận bụi bám trên xe, cho nên xe của Tống Cương lúc nào cũng bóng nhoáng. Mặc dù mưa gió hay bão tuyết xe của Tống Cương vẫn không bám một hạt bụi, còn sạch hơn cơ thể anh. Mỗi tháng anh cũng chỉ tắm gội bốn lần, nhưng xe đạp Vĩnh Cửu của anh ngày nào cũng phải lau chùi. Những ngày ấy, Lâm Hồng cảm thấy mình như một công chúa. Mỗi buổi sáng khi tiếng chuông giòn tan vang lên ngoài cổng nhà mình, Lâm Hồng biết xe riêng của mình - chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu bóng loáng - đã đến. Lâm Hồng tươi cười ra khỏi cửa, ngồi nghiêng lên gác ba ga đến Xưởng dệt kim làm việc, thưởng thức những ánh mắt hâm mộ của dân chúng trên dọc đường. Mỗi lần tan tầm Lâm Hồng ra đến cổng nhà máy, anh chàng Tống Cương giỏi giang đẹp trai và chiếc xe sạch bóng đã chờ sẵn ở đó. Cô ngồi lên xe hạnh phúc, trước mặt là người đàn ông khiến cô hạnh phúc, vừa lên cô đã nhắc nhở Tống Cương: - Bóp chuông, mau mau bóp chuông. Tống Cương nhanh chóng bóp chuông vang lên một chuỗi dài, quay nhìn chị em bạn thợ trong xưởng tụt lại phía sau, tự dưng Lâm Hồng có cảm giác mình đã vượt lên trước. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chúng bạn phải cuốc bộ về nhà, còn mình đã có xe riêng. Chỉ cần có Lâm Hồng ngồi trên xe, là tiếng chuông cứ vang lên không ngớt. Dọc đường chỉ cần nhìn thấy người quen, là Lâm Hồng giục Tống Cương bóp chuông. Lần nào Tống Cương cũng bóp thật mạnh một hồi chuông dài bằng dãy Phố. Trong nụ cười tủm tỉm của Lâm Hồng đầy vẻ tự hào. Cô cười và gật đầu chào hỏi những người quen gặp dọc đường. Lúc này các ông bà già của thị trấn Lưu cảm thấy Tống Cương giống như một người yêu. Họ nhận xét, Tống Cương ngồi trên xe trông y như tướng quân cưỡi ngựa ngày xưa. Từng chuỗi tiếng chuông anh phát ra cứ giòn tan giống như tiếng roi thúc ngựa. Tống Cương đạp chiếc xe Vĩnh Cửu sạch bóng, đèo Lâm Hồng xinh đẹp, gặp ai cũng bóp chuông, chỉ không bóp chuông khi trông thấy Lý Trọc. Lý Trọc vẫn đầy vẻ ngang tàng, ngẩng đầu ưỡn ngực, mắt nhìn thẳng đi đến trước mặt. Lúc này trái lại Tống Cương chợt thấy chột dạ, hoảng hốt quay đi, giống như trẻ con mắc lỗi. Anh ngoẹo hẳn đầu xuống đạp xe, y như mắt mọc ở mang tai. Lâm Hồng thì khác, khi trông thấy Lý Trọc, cô giục Tống Cương khẩn trương bóp chuông. Nhưng tiếng chuông anh phát ra thường rời rạc, tiếng được tiếng mất, không sao reo lên nổi một chuỗi tiếng giòn tan. Lâm Hồng biết Tống Cương thế nào rồi. Cô giơ tay ôm eo Tống Cương, áp sát mặt vào lưng anh, nhìn Lý Trọc một cách đầy vẻ sung sướng và ngạo mạn. Trông thấy Lý Trọc cố tình ra vẻ bình tĩnh, Lâm Hồng cười khúc khích, nói bóng nói gió, chỉ gà mắng chó: - Anh Tống Cương, anh nhìn kia, chó ngã xuống ao của nhà nào thế nhỉ? Nghe Lâm Hồng nói thế, mồm Lý Trọc lẩm bẩm phun ra một tràng dài rặt những lời "đ. mẹ", còn dài hơn cả tiếng chuông của Tống Cương. Sau đó nét mặt đầy vẻ mất mát thầm nghĩ, bạn gái mình cặp kè với người anh em của mình, người anh em của mình cặp kè với bạn gái mình, mình đã mất táo, đ. mẹ gà bay trứng vỡ, đ. mẹ rổ tre xúc tép, nhấc lên rổ không, chẳng rớ được con nào. Nhìn chiếc xe Vĩnh Cửu của Tống Cương và Lâm Hồng đi xa, Lý Trọc mới lấy lại được lòng tự tin. Anh ta lẩm bẩm nói một mình: - Đời còn dài, đứa nào là chó ngã xuống ao còn khó mà nói được... Rồi tự động viên khích lệ mình, anh ta nói sùi bọt mép: - Sau này ông sẽ sắm một chiếc xe mác Vĩnh Cửu kiểu siêu hạng, đằng trước ngồi Tây Thi, đằng sau chở Điêu Thuyền, trong lòng ôm Vương Chiêu Quân, lưng cõng Dương Quý Phi. Đem theo "tứ đại mỹ nhân" cổ đại, đ mẹ, ông sẽ cưỡi hẳn bảy bảy bốn mươi chín ngày, từ đương đại cưỡi đến cổ đại, lại từ cổ đại cưỡi đến đương đại, khoái quá ông còn phải cưỡi đến tương lai cho chúng mày trắng mắt ra... Sau khi mối tình của Lâm Hồng và Tống Cương công khai, nỗi thấp thỏm tình yêu lớn nhất của thị trấn Lưu chúng tôi, cuối cùng đã công bố, những anh chàng chưa vợ mất hy vọng, đổ xuống như con bài đôminô. Những anh chàng mất hy vọng này nhao nhao đi tìm các cô gái chưa chồng khác. Thế là đám con trai con gái bày tỏ tình yêu của thị trấn Lưu chúng tôi cứ mọc lên như nấm sau trận mưa xuân, làm cho phố lớn của thị trấn Lưu chỗ nào cũng dạt dào mật ngọt, khiến ông già bà cả của thị trấn không sao nhìn kịp. Họ giơ một ngón tay lên bảo: - Hình như đều có cả rồi, anh nào cũng có người yêu riêng gã Lý Trọc vẫn chưa. Dân chúng thị trấn Lưu rất hiếm khi trông thấy Lý Trọc trên phố lớn. Lý Trọc gầy rộc hẳn đi, như bị ốm nặng. Cái đêm Tống Cương tự sát không thành, lao ra khỏi nhà một cách sung sướng. Lý Trọc nổi cơn thịnh nộ, chửi mắng om sòm một tiếng đồng hồ, sau đó lăn ra ngủ, ngáy sòng sọc tám giờ liền. Sáng sớm thức dậy thấy giường Tống Cương vẫn bỏ không, Lý Trọc lục soát trong nhà ngoài sân một lượt, không thấy dấu tích nào của Tống Cương. Anh ta không biết Tống Cương đã chờ một đêm ở cổng nhà Lâm Hồng, cứ tưởng Tống Cương lẩn tránh mình. Lý Trọc hắng giọng bảo: - Anh ta tránh được một giờ, chứ không tránh được cả đời. Hôm sau vẫn không thấy Tống Cương về. Đến tối ngồi trước bàn, Lý Trọc nghĩ hết kế này đến kế khác đối phó với Tống Cương, nhưng không có kế nào hiểm độc. Lý Trọc đành phải phủ quyết toàn bộ. Cuối cùng anh ta nghĩ ra một kế kích động tình cảm, nghĩa là bá vai Tống Cương khóc khóc mếu mếu, ôn lại những năm tháng còn bé, nước mắt ròng ròng, người bê bết máu, hai đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, dựa vào nhau mà sống. Lý Trọc chắc mẩm như thế, Tống Cương sẽ xấu hổ cúi đầu, dứt khoát sẽ nghĩ lại, nhường Lâm Hồng cho mình. Lý Trọc giương giương đắc ý, cảm thấy đây mới là một kế hiểm độc, hơn nữa còn là một kế có đọc tố cao. Lý Trọc chờ mãi đến khuya, chờ đến nỗi, hai mắt díp lại. Tống Cương vẫn chưa về. Lý Trọc dành phải cười khẩy lên giường nằm ngủ. Trước khi lên giường, Lý Trọc nhìn quanh nhà một lượt nghĩ bụng, sư chạy được, chạy sao nổi chùa, cho dù Tống Cương có tài năng tày trời, cũng phải về nhà, đến lúc ấy mình sẽ dùng kế đánh vào tình cảm. Sang ngày thứ ba, Lý Trọc đi làm về, trông thấy tiền và chìa khoá để trên bàn, biết đã to chuyện, biết sư đã bỏ đi không cần chùa nữa. Lý Trọc điên tiết cứ giở đi giở lại rối tinh rối mù trong nhà, chửi một lượt tất cả những từ ngữ khó nghe trong tiếng Trung Quốc, lại chìa hai câu tiếng Nhật Bản học lỏm trong phim kháng chiến, còn muốn tìm cả mấy câu tiếng Anh. Anh ta không biết một câu tiếng Anh nào, đành phải ngồi thừ trên giường. Lý Trọc nghĩ bụng, mình đã coi thường Tống Cương. Tống Cương đã đọc một nửa quyển "Binh pháp Tôn Tử" rách nát. Kế kích động tình cảm mình chưa kịp dùng, Tống Cương đã áp dụng trước kế chuồn là thượng sách trong ba mươi sáu kế. Đêm nay lần đầu tiên Lý Trọc mất ngủ kể từ khi ra đời. Một tháng sau đó, anh ta luôn luôn chán ăn thiếu ngủ. Anh ta gầy rộc đi và cũng ít nói. Nhưng đi trên phố lớn, anh ta vẫn oai phong lẫm liệt. Lý Trọc trông thấy Tống Cương mấy lần, lần nào Tống Cương cũng tránh xa. Anh cũng nhìn thấy Lâm Hồng vài lần. Lần nào Lâm Hồng cũng đi cùng Tống Cương. Lâm Hồng thân mật nắm tay Tống Cương, khiến anh ta trông thấy mà cay đắng trong lòng. Sau đấy tống Cương đi xe đạp mác Vĩnh Cửu, người đẹp Lâm Hồng ngồi trên gác ba ga, vù vù lướt qua bên cạnh Lý Trọc một cách hết sức phô trương, Lý Trọc đã không phải chỉ đau khổ, mà còn cảm thấy mất hết thể diện. Dân chúng thị trấn Lưu người nào cũng có trí nhớ tốt đều nhớ lời Lý Trọc đe dọa khi đánh hai anh chàng xào xáo tình yêu. Lý Trọc tuyên bố, kẻ nào dám tự xưng là bạn trai của Lâm Hồng anh ta sẽ đánh cho kẻ đó suốt đời không ngóc đầu lên nổi. Trong dân chúng có một số kẻ xấu, khi gặp Lý Trọc trên phố lớn, đã nói một cách chua chát: - Lâm Hồng chẳng phải là bạn gái của anh sao? Tại sao chớp mắt một cái đã trở thành bạn gái của Tống Cương? Nghe nói vậy, Lý Trọc đau xót hất hàm nói: - Nếu hắn không phải Tống Cương, ta đã giết hắn từ lâu! Xách đầu hắn đi "tiếu ngạo giang hồ" từ bao giờ bao giờ. Nhưng Tống Cương là ai? Tống Cương là người anh em nương tựa vào nhau mà sống của ta, ta đành phải chấp nhận, đành phải cắn vỡ răng nuốt vào bụng. Tống Cương treo cổ tự sát vì Lâm Hồng, một tháng sau vết máu trên cổ mới hết dấu tích, khiến Lâm Hồng mỗi khi nghĩ đến là mắt đỏ hoe. Lâm Hồng kể tỉ mỉ cho bố mẹ nghe sự thật việc tự sát của Tống Cương, rồi cũng không kìm nổi, kể lại với mấy bạn gái gần gũi nhất của Xưởng dệt kim. Bố mẹ Lâm Hổng và mấy bạn gái kia lại kể với người khác. Cứ thế, một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền nghìn, câu chuyện tự sát của Tống Cương khi lan truyền trên thị trấn Lưu chúng tôi, giống như các tế bào tách ra, vài hôm sau gia đình nào cũng biết. Cánh đàn bà thị trấn Lưu, ngoài hâm mộ đối với Lâm Hồng, các chị các cô về nhà hỏi chồng, hoặc chồng sắp cưới của mình: - Anh có thể tự sát vì em không? Cánh mày râu của thị trấn Lưu cay đắng vô cùng. Anh nào ngoài miệng cũng leo lẻo nói một lô một lốc những lời không thật lòng "có thể", "có thể", "có thể", lại còn ra vẻ ta đây khí phách anh hùng, coi cái chết như không. Chị em này một khi đã hỏi là cứ xơi xơi không dứt. Anh trả lời nhiều nhất lên tới hơn một trăm lần. Anh trả lời ít nhất cũng năm sáu lần. Có một vài anh bị truy bức dữ quá, đành phải chui đầu vào thòng lọng, hay kề dao bài vào cổ, thành khẩn thề thốt: - Chỉ cần em ra lệnh một tiếng là anh chết ngay đứ đừ. Lúc này nhà thơ Triệu vẫn độc thân, bạn gái trước đi theo người khác, nhà thơ Triệu đang trong thời kỳ trống vắng tình vêu. Anh ta vui mừng trên đau khổ của cánh đàn ông thị trấn Lưu, nghĩ bụng những kẻ bỏ đi ấy chịu khổ là đáng đời. Nhà thơ Triệu tuyên bố, anh ta sẽ không tìm một bạn gái khiến mình tự sát vì cô ấy, chỉ tìm bạn gái vì anh mà tự sát. Nhà thơ Triệu nói như đếm của quí trong nhà: - Các người xem Mạnh Khương Nữ, các người xem Chúc Anh Đài... Tình vêu chân chính đều là nữ vì nam mà tự sát. Nhà thơ Triệu cảm thấy mình và Lý Trọc có sự đồng cảm, đều mất mát vì Lâm Hồng. Từ sau ngày nhà văn Lưu bị ăn đòn, nhà thơ Triệu luôn luôn né tránh Lý Trọc. Mấy lần gặp trên phố gần đây, Lý Trọc đều gật đầu với nhà thơ Triệu rồi đi. Cảm thấy mình đã an toàn, anh ta bắt đầu sán đến làm quen. Gặp Lý Trọc trên phố lớn, nhà thơ Triệu chào bước đến, sốt sắng hỏi: - Chào Lý xưởng trưởng, gần đây có khỏe không? - Khỏe cái con củ bin - Lý Trọc trả lời một cách xấc xược. Nhà thơ Triệu cười hì hì, vỗ vai Lý Trọc, nói thao thao bất tuyệt trước mặt dân chúng qua đường. Anh ta bảo Lý Trọc hoàn toàn không nên cứu Tống Cương treo cổ tự sát. Tống Cương sống lại đã nẫng mất Lâm Hồng của Lý Trọc. Nếu Tống Cương không sống lại... Nhà thơ Triệu nói: - Cán cân tình yêu chẳng phải đã ngả sang bên cậu! Nghe nói thế, Lý Trọc rất buồn, thẳm nghĩ, tên khốn nạn này lại dám rủa Tống Cương chết. Nhà thơ Triệu vẫn hoàn toàn không để ý đến sắc mặt mỗi lúc một khó chịu của Lý Trọc. Tự coi mình thông minh, anh ta nói tiếp: - Việc này giống như câu chuyện bác nông dân và con rắn. Trông thấy một con rắn rét cóng trên đường, bác nông dân liền ủ nó lên ngực, sau khi ấm lại, nó đã cắn chết bác nông dân... Cuối cùng quên hết tất cả, nhà thơ Triệu bảo Lý Trọc: - Cậu là bác nông dân. Tống Cương là con rắn. Lý Trọc nổi giận đùng đùng, túm áo nhà thơ Triệu, quát: - Mẹ kiếp! Nhà ngươi mới là nông dân. Mẹ kiếp! Nhà ngươi mới là con rắn! Nhà thơ Triệu sợ hết hồn, sắc mặt xám ngoét. Mắt nhìn quả đấm cả thị trấn Lưu phải khiếp sợ của Lý trọc giơ lên, nhà thơ Triệu vội vàng giơ hai tay ôm nắm đấm của Lý Trọc, hớt hơ hớt hải nói: - Bớt giận, Lý xưởng trưởng, xin anh bớt giận. Tôi nói thế là có ý tốt, là nghĩ cho anh... Lý Trọc do dự, cảm thấy nhà thơ Triệu hình như có ý tốt bỏ nắm đấm xuống, buông tay túm áo nói cảnh cáo: - Mẹ kiếp, nhà ngươi nghe đây, Tống Cương là người anh em của ta, cho dù trời long đất lở, Tống Cương vẫn là người anh em của ta. Nếu nhà ngươi còn dám nói xấu Tống Cương một câu, ta sẽ... - Lý Trọc ngừng một lát, anh ta lưỡng lự giữa hai chữ "đánh" và "giết" sau đó đã dứt khoát chọn chữ "giết", anh ta nói - Ta sẽ giết nhà ngươi. Nhà thơ Triệu gật đầu, tỏ vẻ như đồng ý, quay người đi nghĩ bụng nhanh nhanh rời khỏi thằng cha thô lỗ này. Nhà thơ Triệu hấp tấp đi được hơn mười mét, trông thấy dân chúng trên phố đang nhìn mình trêu chọc, anh ta đi chậm lại, giả bộ ta đây ung dung thư thái, đồng thời thở dài nói với dân chúng: - Làm người khó quá. Nhìn nhà thơ Triệu bỏ đi, Lý Trọc đột nhiên nhớ đến lời hứa đã nói khi đánh nhà văn Lưu ngày nào, lập tức vẫy gọi nhà thơ Triệu: - Quay lại, mẹ kiếp, ta bảo nhà ngươi quay lại. Trước đám đông dân chúng thị trấn Lưu, nhà thơ Triệu run rẩy, xấu hổ co cẳng chạy. Để tỏ ra ung dung, anh ta dừng chân, từ từ quay người lại. Lý Trọc tiếp tục vẫy tay gọi anh ta. Với nét mặt thân tình, Lý Trọc nói với nhà thơ Triệu: - Nhanh nhanh lại đây, ta vẫn chưa đánh nhà ngươi, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động. Thấy dân chúng tỏ ra khoái chí, thấy mình sắp sửa bị xúi quẩy trong lúc cấp bách sinh khôn, nhà thơ Triệu vẫy tay bảo: - Để hôm khác. Nói xong, nhà thơ Triệu chỉ tay lên đầu mình, giải thích với Lý Trọc: - Trong này đột nhiên có ý tưởng. Tôi phải về nhà ghi lại ý tưởng cái đã, không sẽ lỡ mất. Nghe nhà thơ Triệu nói ý tưởng đã ở trong đầu, Lý Trọc vẩy tay, bảo nhà thơ Triệu cứ yên tâm về. Dân chúng trên phố hết sức thất vọng, nói với Lý Trọc: - Tại sao anh tha cho hắn? Nhìn bóng nhà thơ Triệu đi xa, Lý Trọc nói với dân chúng một cách thấu tình đạt lý: - Anh chàng nhà thơ Triệu này không dễ đâu, đầu anh ta có linh cảm, còn khó hơn bụng anh ta có chửa. Nói xong, Lý Trọc tỏ ra khoan dung sải bước đi liền. Khi đi qua cửa hàng vải, Lâm Hồng say sưa trong hạnh phúc đang đứng bên trong nói chuyện với cô bán hàng, chọn vải may quần áo cho mình và Tống Cương. Lý Trọc không nhìn thấy Lâm Hồng, cũng không biết Lâm Hồng và Tống Cương sắp cưới.