ôm chuẩn bị cưới, Lâm Hồng sắp mấy mâm cỗ ở khách sạn Nhân Dân, mời họ hàng và bạn bè hai bên nam nữ đến dự. Trên một trang giấy trắng, Lâm Hồng đã viết hết họ tên người thân bạn bè của bên nữ. Lại đưa cho Tống Cương một tờ giấy trắng, bảo anh cũng viết người thân bạn bè bên nam. Tống Cương cầm bút trong tay nặng như cử tạ, lâu lắm không viết được một chữ. Ấp a ấp úng, Tống Cương nói, trên đời mình chỉ có một người thân là Lý Trọc. Nghe vậy, Lâm Hồng không vui: - Lẽ nào em không phải là người thân của anh? Tống Cương gật đầu lia lịa, anh bảo ý anh nói không phải thế. Tràn dầy lòng thương yêu, anh nói với Lâm Hồng: - Em là người thân thân nhất của anh. Lâm Hồng cười sung sướng. Cô nói: - Anh cũng là người thân thân nhất của em. Tống Cương cầm bút vẫn không viết được chữ nào. Hết sức cẩn thận, anh hỏi Lâm Hồng, liệu có nên mời Lý Trọc đến dự tiệc cưới? Anh bảo tuy không qua lại với Lý Trọc, nhưng xét cho cùng hai người là anh em. Khi nói những điều này, Tống Cương luôn luôn tuyên bố, nếu Lâm Hồng không đồng ý, anh kiên quyết không mời Lý Trọc. Kết quả Lâm Hồng đã khảng khái trả lời: - Mời hắn đến. Nhìn Tống Cương đầy vẻ nghi hoặc, Lâm Hồng cười hì hì, giục: - Viết vào đi. Sau khi viết tên Lý Trọc lên giấy trắng, Tống Cương viết lia lịa tên bạn bè trong phân xưởng mình. Cuối cùng do dự một lát, anh viết tên nhà văn Lưu. Sau đó căn cứ vào họ tên của hai tờ giấy, anh viết vào thiếp mời màu đỏ. Gục đầu vào vai Tống Cương, Lâm Hồng xem Tống Cương viết. Từng chữ, từng chữ rất đẹp hiện ra dưới ngòi bút của anh. Lâm Hồng ngạc nhiên khen rối rít: - Ôi, đẹp quá! Chữ anh viết đẹp quá! Chiều nay, Tống Cương cầm thiếp mời, đạp xe mác Vĩnh Cửu bóng nhoáng đến chỗ rẽ trên phố lớn, chờ Lý Trực trên đường đi làm về. Ngồi trên xe đạp, Tống Cương gác một chân lên cây ngô đồng để giữ thăng bằng. Khi Lý Trọc đi qua, Tống Cương không cưỡi xe đạp tránh mặt nữa. Từ xa anh vừa gọi vừa vẫy tay. Nhiệt tình của Tống cương khiến Lý Trọc không sao hiểu nổi. Sau khi quay đầu lại nhìn, Lý Trọc cứ tưởng Tống Cương vẫy gọi người khác. Khi đến gần, Lý Trọc nghe thấy Tống Cương gọi tên mình: - Em Lý Trọc. Lý Trọc chỉ ngón tay vào mũi mình, hỏi Tống Cương: - Anh gọi tôi hả? Tống Cương sốt sắng gật đầu. Lý Trọc ngẩng lên nhìn mặt trời, hỏi một cách lạ lùng khó hiểu: - Mặt trời không mọc từ đằng tây đấy chứ? Tống Cương cười ngượng nghịu. Lý Trọc nhìn Tống Cương ngồi trên xe Vĩnh Cửu, gác chân lên cây ngô đồng, trông rất ra dáng. Lý Trọc càng nhìn càng hâm mộ. Anh ta hỏi: - Mẹ kiếp! Trông anh giống như thần tiên trên trời. Tống Cương nhảy ngay xuống. Cầm ghi đông xe, cũng mời Lý Trọc lên xe đi, làm một chầu thần tiên trên trời. Lý Trọc xưa nay chưa đi xe đạp bao giờ, ngay đến gác ba ga xe đạp cũng chưa đặt đít ngồi lên một lần. Nhưng như một tay sành sỏi, anh ta nhấc chân bước qua tuýp ngang, ngồi trên xe, thấy mình vụng quá. Người anh ta lúc đổ sang trái, khi ngả sang phải. Hai tay nắm chặt ghi đông, giống như nắm bó rạ cứu người chết đuối, cứng đơ như hai cái gậy. Tống Cương kẹp hai chân vào bánh sau xe, bảo Lý Trọc thư giãn người, giữ thẳng ghi đông. Sau đó Tống Cương đẩy ở đằng sau. Vừa mới bắt đầu Lý Trọc cứ lắc la lắc lư sang hai bên liên tục. Tống Cương vừa đẩy, vừa đỡ người, không để em ngã. Dần dần Lý Trọc đã tìm được cảm giác cưỡi xe, người thẳng đơ. Tống Cương ở đằng sau càng đẩy càng nhanh. Lý Trọc hoàn toàn không đạp lên bàn đạp, mà nhờ Tống Cương đẩy. Tống Cương vừa đẩy vừa chạy thật nhanh, Lý Trọc được nếm thử thế nào là tốc độ. Anh ta cảm thấy mình đang bay trên đường phố thị trấn Lưu. Khoái quá, Lý Trọc kêu tướng lên. - Gió mạnh quá! Gió mạnh quá! Ở đằng sau, Tống Cương vừa chạy vừa đuổi vã mồ hôi, thở hỗn hà hổn hển, đờ mắt ra, sùi bọt mép. Lý Trọc nghe tiếng gió vù vù, quần áo bay phần phật, cái đầu trọc của mình càng dễ chịu, mát rười rượi. Lý Trọc chỉ huy Tống Cương ở đằng sau. - Nhanh, nhanh, nhanh nữa! Tống Cương đẩy xe chạy hết một dãy phố, không tài nào chạy được nữa, đã từ từ dừng lại, lấy hai chân kẹp bánh sau xe, đỡ Lý Trọc xuống đất. Sau đó anh ngồi xuống thở hồng hộc gần ba mươi phút. Khi xuống xe, Lý Trọc vẫn đang cơn khoái, hai tay vuốt ve chiếc xe Vĩnh Cửu bóng loáng của Tống Cương, trở về cảm giác nhanh như gió như chớp vừa nãy, sau đó nhìn Tống Cương ngồi trên đất thở phì phò, dồn dập. Bây giờ Lý Trọc mới nhận ra Tống Cương đã đẩy xe chạy hết một dãy phố. Lý Trọc ngồi xuống, khe khẽ đấm lưng cho anh, giống như cần phải giúp Tống Cương hít thở. Anh ta bảo: - Anh Tống Cương, anh giỏi quá, anh đúng là một cỗ máy nổ. Nói xong Lý Trọc lại thấy tiếc. Anh ta bảo: - Đáng tiếc anh là một cỗ máy giả, nếu anh là một cỗ máy thật, chúng ta sẽ cùng đi Thượng Hải. Tống Cương vừa thở vừa cười. Anh ôm bụng đứng lên nói: - Lý Trọc, sau này em cũng sẽ có một chiếc xe đạp. Đến khi ấy chúng mình cùng đạp đi Thượng Hải. Mắt Lý Trọc sáng loáng như chiếc xe mác Vĩnh Cửu của Tống Cương. Anh ta vỗ lên cái đầu trọc lóc của mình, nói: - Đúng, sau này em cũng có xe đạp, chúng ta cùng đạp đi Thượng Hải. Lúc này Tống Cương đã trở lại trạng thái bình thường. Do dự một lát, Tống Cương lo lắng nói: - Lý Trọc này, anh sẽ cưới Lâm Hồng. Nói rồi, Tống Cương đưa thiếp mời cho Lý Trọc, mời cậu em đi ăn mừng. Sắc mặt Lý Trọc đang tươi hơn hớn, lập tức sa sầm lại. Anh ta không nhận giấy mời, từ từ quay người, đi một mình, vừa đi vừa đau khổ nói: - Gạo sống đã nấu thành cơm chín, còn ăn mừng cái chó gì. Tống Cương ngây người nhìn Lý Trọc bỏ đi. Tình anh em vừa trở lại đã tan biến. Tống Cương dắt xe Vĩnh Cửu đi trong tâm trạng nặng trĩu. Anh quên cả đạp xe. Về đến nhà, Tống Cương để thiếp mời lên bàn. Trông thấy giấy mời gửi Lý Trọc lại trả về, Lâm Hồng hỏi Tống Cương: - Lý Trọc không đến hả anh! Tống Cương gật gật đầu, lo lắng bảo: - Hình như Lý Trọc vẫn chưa hết hy vọng. Lâm Hồng hừ một tiếng bảo: - Gạo sống đã nấu thành cơm chín, hắn còn hy vọng cái gì! Nghe Lâm Hồng nói thế, Tống Cương ngạc nhiên, thầm nghĩ tại sao hai người nói giống nhau như vậy? Lâm Hồng và Tống Cương đặt bảy mâm cỗ ở khách sạn Nhân Dân. Người thân và bạn bè của Lâm Hồng chiếm sáu mâm. Bên Tống Cương chỉ có một mâm. Lý Trọc không đến. Nhà văn Lưu không đến. Ăn cỗ cưới phải biếu phong bì, nhà văn Lưu tỏ ra coi thường tiệc cưới của Tống Cương. Thật ra anh ta tiếc tiền. Anh ta chìa ngón tay út ra, bảo Tống Cương là loại nhãi nhép, xưa nay anh ta không ăn cơm của đồ nhãi nhép. Nhưng nhà văn Lưu tỏ ra như bố thí, anh ta sẽ đến thăm nhà mới của Tống Cương. Khi vui động phòng, từ đáy lòng mình, anh ta sẽ tặng lời chúc phúc. Các bạn thợ cùng phân xưởng đều đến, vừa thành một mâm. Cỗ cưới đông vui bắt đầu vào sáu giờ tối. Mỗi mâm mười món thức ăn, một món canh, đủ cả thịt gà, thịt vịt, thịt lợn và cá. Rượu trắng uống hết mười bốn chai. Rượu nếp cái uống hết hai mươi tám chai. Mười một anh ngà ngà say. Bảy anh nửa tỉnh nửa say. Ba anh say hoàn toàn. Ba anh say khướt lần lượt ôm gầm bàn nôn liên tục, khiến bảy anh nửa tỉnh nửa say cũng nôn theo. Mười một anh ngà ngà say, tức cảnh sinh tình, há mười một cái mồm, đánh cho mười một chuỗi nấc ngọt bùi cay đắng, làm cho khách sạn Nhân Dân oách nhất của thị trấn Lưu chúng tôi thời bấy giờ cốc chén bừa bộn, y như là phân xưởng của nhà máy phân đạm, ngửi thấy toàn mùi phản ứng hoá học, không ngửi thấy mùi thơm của thức ăn. Tối hôm ấy Lý Trọc cũng uống say. Anh ta ngồi trong nhà uống rượu trắng một mình, uống hết nửa lít rượu trắng. Lần đầu tiên anh ta uống say. Anh ta khóc hu hu, rồi đi vào giấc ngủ. Sáng ra thức dậy mồm anh ta vẫn còn tiếng hu hu. Bà con hàng xóm đều nghe thấy tiếng khóc thất tình của Lý Trọc. Họ bảo trong tiếng khóc của Lý Trọc có cả thất tình lục dục° có lúc như mèo kêu tìm bạn, có khi như lợn bị chọc tiết, có lúc như trâu bò ăn cỏ tống nghé ọ, có khi như gà trống gáy sáng ó ò o. Bà con hàng xóm bực lắm. Họ ca thán Lý Trọc làm ầm ĩ suốt đêm không ngủ được, có chợp mắt cũng mộng mị li bì. ° Thất tình: Theo Đạo giáo là mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn. Lục dục: Theo nhà Phật, chỉ những dục vọng do nhan sắc, hình dáng, tư thái, âm thanh, ngôn ngữ, da dẻ nõn nà, tướng người mà ra. Sau một đêm gào khóc, hôm sau Lý Trọc đi đến bệnh viện làm phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Đầu tiên anh ta đến Xưởng phúc lợi viết giấy giới thiệu. Người xin thắt viết trên giấy giới thiệu là Lý Trọc. Lãnh đạo đơn vị ký tên đồng ý cũng là Lý Trọc, lại còn đóng dấu nghiêm chỉnh. Cầm giấy giới thiệu trong tay, Lý Trọc đi vào khoa ngoại của bệnh viện. Đặt giấy giới thiệu của đơn vị lên bàn bác sĩ, Lý Trọc nói to: - Tôi đến hưởng ứng kêu gọi của nhà nước sinh đẻ có kế hoạch. Đương nhiên bác sĩ biết Lý Trọc tên nổi như cồn. Lý Trọc bước vào, băm bổ, yêu cầu bác sĩ thắt ống dẫn tinh cho mình. Bác sĩ nhìn lòng bàn tay của Lý Trọc vạch vạch kéo kéo trên bụng mình như một con dao, thầm nghĩ dưới gầm trời lại còn có con người như thế này sao! Lại xem giấy giới thiệu của đơn vị Lý Trọc. Người xin và người phê chuẩn đều là Lý Trọc. bác sĩ nghĩ bụng, trong thiên hạ lại còn có giấy giới thiệu như thế này sao! Không nhịn nổi, bác sĩ cười hì hì, hỏi: - Anh chưa lấy vợ, chưa có con, tại sao phải thắt ống dẫn tinh? Lý Trọc trả lời một cách ủy mị: - Chưa lấy vợ đến thắt ống dẫn tinh, sinh đẻ có kế hoạch chẳng phải càng triệt để hơn sao? Bác sĩ nghĩ bụng, trên đời lại còn có thứ lý lẽ như thế này sao? Ông cúi đầu cười. Không kiên nhẫn được nữa, Lý Trọc kéo bác sĩ ra khỏi ghế, cứ làm như Lý Trọc phải thắt ống dẫn tinh cho bác sĩ không bằng, vừa kéo vừa đẩy ông vào phòng mổ. Lý Trọc nới dây thắt lưng da, tụt quần, vén áo, nằm trên bàn mổ, sau đó ra lệnh cho bác sĩ: - Thắt đi! Thắt đi nào! Lý Trọc nằm trên bàn mổ không đến một tiếng đồng hồ thì xuống. Lý Trọc hoàn thành một cử chỉ vĩ đại thắt ống dẫn tinh, môi tủm tỉm cười, đi ra khỏi cổng bệnh viện. Tay trái anh ta cầm quyển bệnh án vừa mổ. Tay phải ôm vết mổ vừa khâu trên bụng, đi vài bước lại nghỉ, đến căn nhà mới của Lâm Hồng và Tống Cương. Lúc này có hơn hai mươi chị em bạn cùng Xưởng dệt kim của Lâm Hồng đang ở đây, đang "đại náo" buồng cưới của Lâm Hồng. Nhà văn Lưu cũng đến, hớn hở ngồi vào giữa hơn hai mươi nữ thợ dệt. Từ trên nóc nhà, các cô gái treo một sợi dây. Trên dây buộc một quả táo rối rít đòi cô dâu chú rể cùng nhau cắn táo. Lý Trọc bước vào, các cô sửng sốt kêu lên Họ đều biết quan hệ giữa Lý Trọc, Tống Cương và Lâm Hồng, vừa giống quan hệ tay ba, vừa không giống, không rõ là quan hệ gì. Họ cứ tưởng Lý Trọc đến khiêu khích gây sự. Lúc ấy Lâm Hồng cũng căng thẳng. Lý Trọc quắc mắt bước vào. Lâm Hồng cảm thấy gã còn ấm ức trong lòng. Chỉ có Tống Cương không nhận ra. Trông thấy Lý Trọc, anh mừng quýnh, thầm nghĩ cuối cùng người anh em đã đến. Rút một điếu thuốc, Tống Cương bước đến vui vẻ nói: - Lý Trọc, cuối cùng em đã đến. Lý Trọc vừa thắt ống dẫn tinh, gạt tay phải một cái, gạt chú rể Tống Cương sang một bên. Anh ta hằm hằm nói: - Ta không hút thuốc. Các cô gái trong nhà ai cũng sợ im thin thít. Lý Trọc ung dung đưa cho Lâm Hồng bệnh án thắt ống dẫn tinh. Lâm Hồng không biết đó là thứ gì không nhận. Cô nhìn chàng rể Tống Cương của mình. Tống Cương thò tay nhận. Lý Trọc chắn tay Tống Cương. Anh ta đưa quyển sổ bệnh án cho một cô ngồi bên cạnh, bảo cô này chuyển cho Lâm Hồng. Lâm Hồng cầm sổ bệnh án của bệnh viện cấp không biết Lý Trọc có ý gì. Lý Trọc giục cô: - Mở ra mà xem viết gì trên đó. Lâm Hồng giở ra xem, nhìn thấy hai chữ "thắt buộc" cô vẫn không hiểu, khẽ hỏi bạn gái ngồi bên cạnh: - "Thắt buộc" có nghĩa là gì? Khi mấy cô gái châu đầu vào xem bệnh án, Lý Trọc nói với Lâm Hồng: - Thế nào gọi là "thắt buộc" phải không? Là hoạn, là thiến. Tôi vừa đi bệnh viện thiến mình... Các cô gái trong nhà kêu lên kinh ngạc. Cô dâu Lâm Hồng cũng tái mặt. Thời bấy giờ thị trấn Lưu chúng tôi thịnh hành một thứ "mốt", mua gà trống về thiến, nuôi thành gà trống to, rồi giết gà, luộc chín, ăn vào có cảm giác tươi non, không có vị máu mê gà mái của gà trống. Dân chúng thị trấn Lưu đều gọi gà trống thiến là "gà tươi". Nghe Lý Trọc bảo mình đã đi bệnh viện thiến, một cô gái buột mồm nói: - Vậy anh là một "người tươi" phải không? Đến lúc nhà văn Lưu xuất đầu lộ diện. Anh ta từ từ đứng dậy, cầm quyển sổ bệnh án từ tay Lâm Hồng, đọc một lượt, rồi với kiểu đầu đầy học vấn, anh ta sửa lại lời nói của cô gái vừa rồi: - Không phải, hoạn hay thiến, khác với phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Sau khi hoạn sẽ trở thành thái giám, sau khi thắt ống dẫn tinh vẫn còn có thể... Nhà vàn Lưu lướt nhìn các cô gái tươi xinh như hoa nở rộ, dừng lại không nói tiếp. Cô gái kia vẫn còn hỏi: - Còn có thể gì nào? Không bình tĩnh được nữa, Lý Trọc nói với cô gái: - Còn có thể ngủ với em. Cô gái tức đỏ bừng mặt, nghiến răng bảo: - Sẽ chẳng có ai ngủ với anh đâu. Nhà văn Lưu gật gật đầu, tỏ vẻ đồng tình với Lý Trọc, nói thêm: - Tức là không thể sinh con. Câu nói thêm của nhà văn Lưu khiến Lý Trọc hài lòng gật đầu. Anh ta lấy lại bệnh án của mình, nói với Lâm Hồng: - Ta đã không thể sinh con trai đẻ con gái với em, ta cũng tuyệt đối không sinh con trai đẻ con gái với người đàn bà khác. Nói xong, Lý Trọc quả quyết quay người ra khỏi căn nhà mới của Lâm Hồng. Khi đi ra ngoài cửa, Lý Trọc dừng chân quay đầu nói với Lâm Hồng: - Em hãy nghe ta nói, Lý Trọc ta ngã ở chỗ nào, sẽ bò dậy ở chỗ đó. Sau đó, như một võ sĩ đấu bò Tây Ban Nha, Lý Trọc quay người đi. Một hai ba bốn năm sáu bảy, khi Lý Trọc bước được bảy bước, trong căn nhà mới sau lưng im phăng phắc. Khi Lý Trọc bước đến bước thứ tám, bỗng rộ lên một trận cười ầm ĩ. Bước chân Lý Trọc khựng lại. Anh ta lắc đầu thất vọng. Lúc này Tống Cương đuổi theo, Tống Cương chạy đến trước mặt Lý Trọc, bước đi cà nhắc như thằng què, kéo cánh tay định nói gì đó: - Lý Trọc... Lý Trọc phớt bơ Tống Cương. Tay trái anh ta ôm bụng, tập tễnh bước đi trên phố lớn một cách bi tráng. Tống Cương cũng đi. Lý Trọc đi một lúc, Tống Cương vẫn bám theo sau. Lý Trọc quay lại khẽ giục Tống Cương: - Anh mau mau về đi. Tống Cương lắc đầu, mồm há ra, vẫn chỉ nói được một tiếng: - Lý Trọc... Trông thấy Tống Cương đứng không động đậy, Lý Trọc khẽ bảo: - Mẹ kiếp, hôm nay anh là chàng rể, mau mau về đi. Lúc này Tống Cương mới nói ra: - Tại sao em phải tuyệt tự? - Tại sao ư? - Lý Trọc nói đầy vẻ thê lương - Ta đã nhìn thấu chốn hồng trần. Tống Cương đau khổ lắc đầu, nhìn Lý Trọc chầm chậm bước theo rìa đường. Đi được hơn mười bước, Lý Trọc quay đầu nói một cách chân thành: - Anh Tống Cương, từ nay về sau anh chú ý giữ gìn sức khỏe! Tống Cương chua xót cõi lòng. Anh biết từ nay trở đi hai đứa chính thức mỗi người một ngả. Nhìn thằng em bước đi tập tễnh, đầu Tống Cương chợt hiện ra cảnh tượng lần đầu tiên hai anh em chia tay hồi còn bé. Ông nội nắm tay mình đứng ở đầu thôn. Mẹ Lý Lan dắt tay Lý Trọc đi xa dần trên đường mòn nhà quê. Võ sĩ đấu bò Tây Ban Nha của thị trấn Lưu chúng tôi cũng không quay đầu lại. Anh ta gặp Tiểu Quan thợ mài kéo trên phố lớn. Trông thấy Lý Trọc đi như một thằng què, tay trái còn ôm bụng, Tiểu Quan thấy là lạ gọi lại hỏi, đau bụng phải không? Lý Trọc chưa trả lời, Tiểu Quan đã phán luôn: - Giun đũa, trăm phần trăm là giun đũa hành hạ ruột cậu rồi. Lý Trọc lúc này vẫn còn say sưa trong cử chỉ vĩ đại thắt ống dẫn tinh của mình. Anh ta kéo Tiểu Quan, giơ sổ bệnh án, nói một cách khinh thường: - Giun đũa coi là cái thứ gì? Sau đó mở sổ bệnh án cho Tiểu Quan xem, lại còn nhấn mạnh, chỉ vào hai chữ "thắt buộc". Tiểu Quan đọc kỹ một lượt bệnh án của Lý Trọc. Vừa đọc, Tiểu Quan vừa ca cẩm bác sĩ viết ngoáy quá. Đọc xong Tiểu Quan cũng không biết "thắt buộc" là ý gì, hỏi Lý Trọc: - Thế nào gọi là "thắt buộc"? Lúc này Lý Trọc tỏ ra đắc ý, kiêu hãnh nói: - "Thắt buộc" là thiến. Tiểu Quan giật mình, kêu thất thanh: - Cậu cắt dái đi à? Lý Trọc rất không hài lòng với câu hỏi của Tiểu Quan. Anh ta sửa lại: - Không phải cắt, mà thắt ống dẫn tinh. - Thế có nghĩa là - Tiểu Quan hỏi - dái cậu vẫn còn? - Đương nhiên! - Lý Trọc trả lời, rồi đưa tay phải sờ đũng quần mình, nói thêm - Còn nguyên - Rồi Lý Trọc tự hào bảo - Mình vốn định cắt bỏ, nhưng sợ sau này phải ngồi dạng tè he ra đái như đàn bà, không lịch sự, cho nên chỉ thắt ống dẫn tinh. Sau đó Lý Trọc vỗ vai Tiểu Quan, ôm bụng, vung quyển sổ chứng nhận thắt ống dẫn tinh, tập tà tập tễnh bước đi. Tiểu Quan đứng cười ngặt nghẽo. Chỉ cái bóng sau lưng Lý Trọc, Tiểu Quan nói với dân chúng trên phố, Lý Trọc đã thắt ống dẫn tinh của mình, hay nói khác đi là thiến, nhưng... Tiểu Quan đã nói thêm một cách thực sự cầu thị: dái Lý Trọc vẫn còn. Lý Trọc đi mỗi lúc một xa, dân chúng xúm lại bên Tiểu Quan mỗi lúc một đông. Họ sôi nổi bàn luận về anh chàng Lý Trọc, nhao nhao bảo, mình đã sống một ngày vui vẻ. Những người dân này không ai ngờ rằng, hơn mười năm sau, Lý Trọc đã trở thành con người có thu nhập cao nhất toàn huyện chúng tôi.