---~~~mucluc~~~---


BỊP

    
t lâu nay, ở xã hội ta thường nảy ra một hạng người mặt sáng như gương mà là phường đi bịp; bịp đủ các cách để ra tiền: mạo là người thân thuộc đến dọn nhà đi như chuyện vừa xảy ra ở Hà Đông; lừa người mua hàng ngọc đá là ngọc thạch như chuyện vừa xảy ra ở Nam Kỳ; vào mua hàng giơ ra giấy một trăm rồi nhân lúc nhà hàng vô ý lại rút cái giấy một trăm lại như chuyện xảy ra ở Hà Nội.
Sở Mật thám bận tâm không biết bao nhiêu. Những báo hàng ngày thực cũng đã phí nhiều giấy để đăng những tin tức về bọn bịp. Vậy mà những phường bịp xem chừng như vẫn không bớt được phần nào; mỗi ngày chúng mỗi hoành hành dữ ở ngay dưới mũi chúng ta; và mới đây ở chợ Đồng Xuân lại mới xảy ra một vụ bịp ác hại hơn nữa đáng cho chúng ta chú ý.
Bác Trần Hữu Trúc một buổi kia thấy ở đùi nổi lên một cái mụn to. Đó là bàm bàm bắp chuối? Đó là đầu gối ông voi? Hay đó là di độc bệnh phong tình còn sót lại? Nào bác có phải thầy thuốc đâu mà biết. Phạm Văn Phú, lang vườn ngu vào hàng số 1, giết người có môn bài, lại đỗ thủ khoa về ngón bịp, ngắm, nghía, sờ mó cái mụn ranh kia bỗng lè lưỡi ra mà bảo:
− À, cái này thì nguy lắm. Phải tiêm!
Phải tiêm! Chính thế, Phạm Văn Phú không phải là bác sĩ, nhưng lấy ống tiêm ra tiêm thực. Nhưng ác hại, cái nghề bịp của anh chàng hình như đến hôm ấy thì đáng đầu đáng số, hình như đến hôm ấy thì cái học của anh chàng nhất định thò đuôi ra, nhất là cái tính liều lĩnh muốn tỏ cho anh chàng biết nó nguy như thế nào, cái mũi tiêm ấy vừa đâm vào đùi bác Trúc thì nó “xin” gẫy khục. Thế là nửa mũi kim tiêm cứ ở lỳ trong thịt Trúc, dù bác Phúc có ì ạch moi móc hay van lậy nó cũng không chịu ra ngoài ánh sáng mặt trời làm chi. Thế là bác Phú bị mời đi. Mời đi về Mật thám. Sở Mật thám sẽ cho bác biết rằng phàm ở đời mà không thành thực, cứ đi bịp bợm người ta lấy tiền thì sẽ bị kết quả tai hại như thế nào. Ta không nên nói đến phương diện ấy. Hôm nay chúng tôi chỉ muốn cảnh cáo một lần nữa cho bà con ta biết rằng hạng đi bịp lấy tiền ở xã hội ta đội muôn nghìn lốt khác nhau. Xem ngay như một nghề thầy lang đủ biết. Kẻ ăn mặc sang đủ nhà lầu ô tô có; hạng áo the quần vải có; mà hạng cu ly bắt tê cũng có. Hạng cu ly đó, ai đã từng đi chơi tối ở những phố đông ở Hà thành đã thấy rồi. Mắt trước mắt sau, một tên môi thâm mắt trắng tự nhiên ở đâu húc phải ngài. Nó hớt hoảng xin lỗi và tòi ở trong người ra một cái hộp nhỏ và nói như khấn ông bà ông vải:
− Đây là sâm Cao Ly, con tính rẻ, chỉ xin ba đồng rưỡi.
Ba đồng rưỡi bạc, nếu ngài bỏ ra mua, thì tôi xin chia buồn đấy: cái thứ sâm Cao Ly đó chỉ là một xu củ dền hay là rễ cây đu đủ hoặc là một hào qui. Cái tên bán sâm ấy là một tên đi bịp. Nó bịp người vặt vãnh chứ không như hạng bịp áo the quần trắng dùng “dao cầu thuyền tán” để “giết người lấy của” mà ta vẫn quen gọi là hạng “lang băm”. Tôi đã từng được nghe thấy có tên lang băm ngày trước là phu xe, không biết lấy một chữ mà bây giờ “thánh cho ăn lộc” đã có cửa hàng nhà ngói và được rất nhiều người mời mọc đi kê đơn bốc thuốc. Có ông xưa chít cái khăn mỏ rìu, sắn cái quần móng lợn để bán thuốc sống ở các chợ nhà quê mà bây giờ tự xưng là thần. Lại có tên ăn cắp, thổi bùa mê, tự cho mình là “vua” thuốc này, “thánh” thuốc khác; có tên đầu trộm đuôi cướp bị tù về tức mình khảo cứu trùng lao; có tên nói bô bô lên rằng “Ông ấy ho ra phổi!” và “Bà ấy rức đầu vì mất dạ con!” mà mở cửa hàng “cao đan hoàn tán” không quên chua một câu rằng “đoán bệnh như thần”; có tên đi bán giấy lậu bị một tháng nhà pha về nói khoác là đi ngoại quốc học về “khoa mổ xẻ” mở một cửa hàng chữa mặt, chữa ngực, chữa thân thể cho người đời; có tên sinh vô gia cư tử vô địa táng nói rằng có nhiều môn thuốc gia truyền; có tên bị bệnh phong tình được người ta chữa cho khỏi, xin cái đơn về vỗ ngực xưng là thầy thuốc không kém gì Hoa Đà Biển Thước; có tên đi làm thợ bị đuổi, về xin tiền buôn thuốc viên bán phát tài rồi cũng gan liều xem mạch rồi về nhà mượn một ông cụ tú kép kê đơn bứa bừa… Nói làm sao cho hết? Bọn bịp này, khám bệnh và một đôi khi đã khám người nữ bệnh nhân. Các bạn tất còn nhớ chuyện một tên thầy vườn ở thành Nam bịp bợm người ta để lấy tiền chưa đủ lại còn bắt nữ bệnh nhân phải giơ bụng cho xem, tuy nữ bệnh nhân chỉ đau răng! Và thấy nữ bệnh nhân không chịu theo cái phương pháp bắt mạch ấy, thầy lang vườn tức giận, ghé răng vào bắt mạch luôn cái dải rút xem bền hay bở… Tôi lại còn nhớ đến chuyện một ông lang vườn khác ở Hải Phòng nổi “máu tham vì thấy hơi đồng” không có bằng cấp gì cả mà dám tiêm thuốc vào lợi cho con bệnh rồi nhổ răng hàm làm cho con bệnh chết sau đấy nửa giờ. Tên ấy không bị bắt, và còn nhiều người nhổ răng làm cho bệnh nhân phát sốt phát rét cũng không bị bắt như hắn nữa. Những tên lang băm này mở cửa hàng có, đi rong có, nhưng xem chừng phát tài nhất có lẽ là những tên bịp về môn chữa mắt ít lâu nay sinh sống một cách rất phong lưu ở Hà thành. Những tên lang băm ấy sống bằng cơm gạo Việt Nam và móc mắt người Việt Nam ra lấy tiền, nói tiếng Việt Nam như ông với tôi vậy, nhưng lúc nào cũng làm ra dáng khó khăn, mượn thông ngôn, bút đàm và bày ra hàng đống giấy khen mà họ bỏ tiền ra mua được.
Những tên bợm bịp ấy thuê nhà rất lớn, quảng cáo rất to, trưng ra những bức ảnh rất ghê. Người nào mà chẳng ưa sự lạ? Thế là họ phát tài, họ lại càng làm dữ: nào con cu ly, con khỉ, con rắn con trăn, răng con bò tót và óc con lợn rừng bày phè phè ra trước cửa; có khi lại trưng cả máy điện, đèn cồn, ống phun, máy hấp chạy sình sịch cả ngày như ba cái xưởng máy cưa để cho những khách đi đường bở vía. Trong khi ấy, một tên ăn cắp giở đứng vung quảng cáo vào mũi ngài và nói như một cu cậu bán dầu trên xe lửa:
− Chữa bệnh không lấy tiền! Mời các ngài vào chữa bệnh không mất tiền!
Ngài vào thử. Một người bắt mạch ngài và nói rằng ngài đau mắt vì bị lao phế hay lao hạch! Họ bèn vật ngài ra rồi đặt nửa tá ventouses vào lưng ngài để hút máu độc ra, họ vành mắt ngài ra rỏ sulfate de zinc pha thêm nước lã hay nước hoàng liên vào và sẽ thét vào tai ngài rằng bệnh ngài sẽ đưa ngài về chín suối! Lúc ấy, ngài sợ, mới hỏi rằng:
- Thế ông chữa cho tôi không lấy tiền?
À, nói đùa thế thì không được. Họ biếu ông mấy giọt thuốc cho đỡ đau một lát, nhưng nếu ông không muốn chết thì phải đưa tiền ra lấy thuốc: một đồng một viên hay là một chục một thang, cái đó tuỳ lòng họ thương ông nhiều hay ít, hay tuỳ cái số tiền trong túi ông ít hay nhiều vậy.
Viết đến đây, chúng tôi lại chợt nhớ đến chuyện một ông lang chữa mắt ở một phố đông đúc kia khám mạch cho bệnh nhân xong rồi bảo: “Ông viễn thị!” Mấy tháng sau, bệnh nhân ấy lại đến nhờ ông bắt mạch cho lần nữa, ông ta lại xem mạch và gọi bệnh: “Ông cận thị!” Không cười, bệnh nhân bèn “bạch” hết cả đầu đuôi và tỏ ý không hiểu tại sao hôm nọ mình viễn thị mà bệnh “chuyển” chóng đến nỗi hôm nay đã đâm ra cận thị rồi. Ông thầy vườn của chúng ta bèn rằng: “À, cái đó không có gì là lạ. Thế tức là… một mắt ông viễn thị mà một mắt ông cận thị”! Bịp bợm đến thế, các bạn nghĩ xem đã quá quắt chưa. Ông lang vườn của chúng ta tưởng thế đã xong, không ngờ cái tên bệnh nhân ấy lại rằng: “Thưa thầy, thế nhưng mắt tôi nom như thường vậy. Tôi xét mình thì chẳng viễn thị cận thị một chút nào. − “À, cái lị ông không biết cái can ông hỏng, ông nhìn bây giờ như thường nhưng đến lúc già thì ông sẽ không nom rõ cơ lơ bớ!”
Ở vào một thời đại mập mờ đen tối như bây giờ, khoa học thì chưa được phổ thông mà tin người thì không biết người nào tốt người nào xấu mà tin được, dân ta thực đã bị một cái khổ rất ê chề là không biết nên theo thuốc nào, theo ông thầy nào. Những kẻ có tài thì phần nhiều không đánh trống gõ mõ, sống gần như ở xa con bệnh, mà kẻ vô tài vô học thì hàng ngày hét vào tai ta những môn thuốc thần tiên kiến hiệu trong năm phút. Người có bệnh mất cây kim chỉ nam thành thử nhiều khi bệnh thì không khỏi mà mệnh thì đem thí cho ông thầy. Thực là ai oán vì tự nhiên mất tiền mà đem tính mệnh ra để cho thầy vườn thí nghiệm xem cái đức dốt của họ đến bực nào. Ấy là chưa kể lại có người còn loè ta những môn chữa kỳ lạ, lôi mũi beo tai ta vài cái mà ăn của ta vài chục rồi lại cười ta là một dân tộc dễ bị lừa; có kẻ lôi sống mũi ta cho ta hắt hơi tỉnh người ra rồi ăn tiền, ấy thế mà người mình vẫn thi nhau kéo đến vứt tiền vào, cầu cạnh xin chữa hộ.
Đau xót nhất là những tên lang vườn ấy không những ăn cắp tiền mồ hôi nước mắt của ta, mà lại còn ăn cắp tính mệnh ta. Họ bịp đến như thế, có thể bảo rằng họ là sát nhân. Vậy mà buồn thay, một số rất đông họ cứ sống đàng hoàng, bà con mình lắm người dại mà tin.
Diệt được bọn lang vườn lang băm đi tức là diệt được một mối hại lớn cho xã hội. Công cuộc bài trừ ấy chúng ta tin ở chính phủ Pháp bởi vì chính phủ Pháp không bao giờ lui ở trước những sự giúp ích cho dân, người Pháp thẳng thắn không bao giờ để cho bọn làm hạt dân đen hoành hành.

TIÊU LIÊU

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 84 (26/10/1941)