---~~~mucluc~~~---


NẠN KHAN GIẤY, MỘT NGUY CƠ KHÔNG NHỎ
CHO LÀNG VĂN VÀ LÀNG BÁO Ở ĐÂY

    
t lâu nay một bọn người trong xã hội ta chiến đấu không ngừng để làm lợi ích cho quốc dân mà tuồng như quốc dân không biết, mà ví dụ có biết nữa cũng ít ai để ý. Đó là việc gì? Đó là một việc có quan hệ mật thiết đến quốc dân, một việc sinh tử: việc chiến đấu để cho có đủ cơm gạo nuôi tinh thần vậy. Cái thứ cơm gạo này, cũng quan hệ như cơm gạo nuôi xác thịt, ấy là nền tư tưởng Việt Nam. Muốn cho cái thứ cơm gạo ấy chu lưu trong các bộ phận để nuôi người, muốn cho cái thứ cơm gạo ấy làm được hết cái chức vụ của nó, nó cần phải có những xe cộ chở đi. Mà xe cộ đó còn là gì nữa, nếu không phải là báo chí và sách vở? Một nước muốn cho tin tức được nhanh chóng, những tư tưởng hay được phổ cập, muốn cho những điều thưởng thức được nhiều người biết, muốn cho cái chí tiến thủ của quốc dân được phấn phát, lẽ tất nhiên là cần phải có nhiều báo chí và sách vở. Nhưng những báo chí và sách vở ấy cần phải bán bằng những cái giá phù hợp với cái túi tiền của người đọc, đãn hậu những người đọc mới ham mua, mới không lè lưỡi lắc đầu chê đắt quá. Giá sách, giá báo muốn không cho đắt quá, chúng ta chỉ trông vào một điều này: giá giấy rẻ đi, và giá giấy rẻ đi chưa đủ, phải cần có nhiều giấy để dùng trong việc in sách báo để truyền bá tư tưởng nữa.
Cứ như tình thế ngày nay thì sách báo mấy độ rày không còn là một thứ đồ ăn phổ thông trong xã hội. Mà tờ báo hằng ngày có bốn trang dày quảng cáo ngày trước hai xu bây giờ bán tới năm xu mà vẫn chưa có lãi; tờ báo hằng tuần độ 40 trang trước bán 0$10 là đắt mà bây giờ bán 15 xu không ăn thua gì. Lại sách, nào giấy nào mực nào ấn loát, lại thêm bao nhiêu thứ phí tổn khác cứ theo thời giá thì 50-60 trang có bán độ tám hay một đồng cũng phải. Một đồng bạc một cuốn truyện! Năm xu một tờ báo hằng ngày! Và mười lăm xu một tờ báo hằng tuần! Đừng nói đến những người nghèo, hay anh em thuyền thợ, nói ngay đến các ông công chức làm bảy tám chục giở lên liệu có đủ tiền mà mua được ba thứ mà không sợ hao hụt tiền “công quỹ”?
Chúng tôi đã từng biết nhiều gia đình một vợ một chồng, một vài đứa con, ai nấy cũng thích đọc sách và xem báo, vậy mà hằng tuần không dám mua một tờ báo để xem. Nếu có thích quá, họ đành phải chung tiền nhau mỗi nhà vài xu mua sách báo để xem chung. […..] Bao nhiêu cái nguy ấy, thử hỏi do từ đâu mà khởi lên?
Từ giấy. […………..] [1]
Nước ta, […..] báo chí xin được phép rồi đều được nhà Đoan cấp cho một cái licence [2] mua giấy ngoại quốc, mà mua được giấy ngoại quốc như thế thường là rẻ lắm. Ấy là nói về dăm năm trước kia chứ không phải bây giờ. Trước kia một ram giấy tốt có khi chỉ vài đồng bạc, chứ bây giờ thì không có để mà dùng, cày cục đến hết hơi hết sức cũng không làm sao mà có.
Lúc bắt đầu chiến tranh, mỗi ram giấy từ một vài đồng đã tăng dần lên đến vài bốn chục, bây giờ thì hết hẳn giấy ram ngoại quốc, chỉ còn giấy cuộn, mà giấy cuộn ấy lại mới càng đắt làm sao. Một tờ báo hàng ngày, nói thực, bán năm xu không có lãi, nếu số in ít quá. Những tờ tuần báo ít người đọc, tự phải đào thải đi; số người đọc giảm; nhiều nhà khổ vì giấy, mà có giấy rồi, in được thành sách thành báo, lại bị cái khổ là người đọc không được mấy vì giá bán đắt gấp năm gấp mười khi trước. Chúng tôi không muốn nói đến nghề làm giấy ở đây, nghề làm giấy tây ở Đáp Cầu và nghề làm giấy bản, giấy lệnh ở Bưởi, Nghĩa Đô, vì nói đến việc đó thì phải nói dài, cần phải một số báo đặc biệt mới trình bày hết được.
Thực đến lúc này chúng ta mới thấy sự chua xót vô chừng của nước ta: bao nhiêu người du học, bao nhiêu người giàu có, ở cạnh người Pháp hàng trăm năm, có bao nhiêu là rừng, có bao nhiêu là tre mà tự người mình không có lấy được một cái xưởng làm giấy [….] để tự mình cung cấp một phần nhu cầu rất nhỏ nhoi của mình. Thôi, nhưng mà điều đó còn là chuyện xa, chứ cái chuyện thiết thực hiện nay ai cũng cần phải biết là làng báo ta thiếu giấy. Vì thiếu giấy, chánh phủ ở đây vừa rồi có ra lệnh rút bớt các trang báo hằng ngày đi: trước sáu trang, tám trang bây giờ chỉ còn được bốn; báo tuần lễ ra hai lần, tuần lễ ra ba lần cũng không được xuất bản quá một số trang đã định, và chưa biết chừng còn phải rút đi nữa, nếu nạn thiếu giấy cứ kéo dài ra mãi. [……]
Những nhà báo, nhà văn chân chính ngay tự bây giờ không khỏi vò đầu tìm hết các cách để làm giảm cái tai hoạ ấy đi: họ hoan nghênh việc tiết kiệm của chính phủ đã thi hành và họ muốn rằng chánh phủ sẽ thi hành ý kiến ấy đến triệt để. Những nhà buôn giấy đầu cơ trục lợi cần phải lôi ra ánh sáng mặt trời; những nhà báo in ít khai nhiều để mua cho lắm giấy cần phải bắt được tay day được trán. Mới đây, một vài nhân viên nhà Đoan, vì muốn xét lời khai xin licence hư thực thế nào đã đến từng nhà báo để xem số giấy in. Thiết tưởng làm như thế chưa đủ và không thể nào chắc chắn được. Ví dụ những tờ báo xuân thu nhị kỳ mới ra một số, nhân viên nhà Đoan đến khám, họ không có báo in sẵn để cho nhà Đoan xét. Lần sau họ biết rồi, họ in hàng tạ để đấy để chìa cho nhà Đoan xem thì lúc đó sẽ ra sao?
Không, chúng tôi biết lắm. Chúng tôi biết chắc rằng hiện ngay bây giờ đây, ở suốt giải Đông Dương này có nhiều người không phải là nhà báo, lợi dụng hai chữ nhà báo buôn giấy cho được rẻ. Họ là những ai? Có lẽ họ có nhiều hạng lắm, có lẽ họ tự do lắm. Báo họ mỗi kỳ ra một mảnh, tuần có tuần không, trích những bài cũ rích; báo họ ra tháng hai kỳ, nghỉ vài tháng lại ra; báo họ in 50 tờ để đưa cho những nhà quảng cáo Tây lấy tiền còn ngoại ra không bán; báo họ không phải là báo, họ là những người nhiều mưu mẹo hơn lòng thành thực, vậy mà mỗi khi khai ở Thống sứ xin licence mua giấy thì nói mỗi tuần lễ ra hàng vài ba vạn số! Ấy vậy mà họ được licence đó và họ lại nhiều giấy hơn cả những người chỉ có lòng thành thực để làm việc cho nước Pháp và Đông Dương! Thưa các ngài, giấy mua rẻ đó, họ đem bán ra ngoài lấy lãi, họ kẻ vở bán cho học trò, họ in nhãn thuốc lậu giương và nhất là đem bán từng manh một. Ai lại còn không biết giấy độ này buôn lãi lắm, dễ làm giàu bằng giấy lắm!
Chúng tôi yêu cầu người có bổn phận về việc này phải điều tra cẩn thận, phải làm cho công bình. Chớ người làm việc thực thà mà không có giấy để in; giấy để in lại trút vào cho những người không làm việc, không có trí óc, không có lương tâm nhà nghề, nếu cái tình trạng ấy mà còn mãi thì thực buồn vô hạn.
Nghề báo ở đây mà không tiến hơn được theo sức của nó − vì nó còn có sức tiến hơn, − lỗi ấy ta phải nhận có một phần tại giấy. Ai có trách nhiệm về việc tiết kiệm giấy, xin chú ý những lẽ chúng tôi trình bày trên kia.

VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 88 (23/11/1941)
[1] Các chỗ này báo gốc để chấm lửng liền từ 2 đến 8 dòng, mỗi dòng khoảng 6 từ; có lẽ là những đoạn do toà soạn bỏ.
[2] licence (chữ Pháp): giấy phép.