Dịch giả: Mộng Bình Sơn
hồi thứ ba mươi tám
Tống chúa thương mẹ trong lao khổ.
Vương Bỉnh vâng lệnh xét án to.

 Bao Công thấy Quách Hòe vô lễ như vậy thì hét lớn:
 - Thuở nay ngươi không nghe danh của Bao Chuẩn hay sao?
 Quách Hòe nói:
 - Té ra ngươi cũng chỉ là một đứa thất phu lỗ mãng,chẳng kiêng đến Tiên Đế, không kể đến Lưu Thái Hậu chút nào, cho nên ngươi mới dám khinh miệt ta như vậy.
 Bao Công nói:
- Quách Hòe! Tội ngươi đã lớn như vậy mà ngươi không biết hay sao?
 Quách Hòe nói:
 - Ai có tội gì đâu mà biết?
 Bao Công nói:
 - Ngươi là người tàn nhẫn, dám làm chuyện ly miêu hoán chúa, thiêu hủy Bích Vân cung, hãm hại Lý Thần Phi, đã sâu độc như vậy thì trời đất nào dung tha.
 Quách Hòe nói:
 - Ngươi đừng cậy tài lẻo mép mà vẽ rắn thêm chân, việc  ấy đã không có bằng cớ, lại không có tông tích gì mà ngươi dám nói càn như vậy?
Nói rồi liền hối kẻ tả hữu đỡ mình lên kiệu đặng trở về dinh.
Bao Công nạt lớn:
- Quách Hòe! Ngươi không về cung được đâu. Nếu ngươi cãi lời ta ắt không khỏi tội.
Thiên tử thấy vậy cũng nổi giận, truyền thị vệ bắt Quách Hòe trói lại. Quách Hòe bị trói lật đật quỳ xuống năn nỉ:
- Oan tôi lắm Bệ hạ ôi! Tôi nay đã tám mươi ba tuổi mà chưa làm điều gì lầm lỗi, xin Bệ hạ đừng nghe lời Bao Chuẩn mà giá họa cho tôi.
Thiên tử nói:
- Quách Hòe! Ngươi phải khai ngay việc ly miêu hoán chúa và thiêu hủy Bích Vân cung cho rõ ràng, nếu không thì Trẫm phải giao ngươi cho tam pháp ty tra xét.
Quách Hòe nghĩ thầm:
- Việc này là việc lớn, nếu khai ra thì Lưu thái hậu cũng không khỏi tội.
Nghĩ vậy liền tâu:
- Nay Bệ hạ hỏi tôi việc ly miêu hóan chúa và việc thiêu huỷ Bích Vân cung mà việc ấy tôi không biết, xin Bệ hạ xét lại, chớ nghe lời Bao Công mà oan ức cho tôi.
Bao Công tâu:
- Xin Bệ hạ giao việc này cho đại thần tra xét thì mới rõ được, nếu hỏi như vậy thì Quách Hòe không chịu khai đâu.
Bàng Hồng tâu:
- Việc này xin Bệ hạ chọn người khác để tra xét, còn Bao Công là người khống cáo, nếu giao việc ấy cho Bao Công thì mất lẽ công bằng.
Thiên tử nghe tâu gật đầu hỏi:
- Theo ý Bàng khanh thì việc này nên giao cho ai?
Bàng Hồng tâu:
- Tôi là người vô can xin Bệ hạ giao cho tôi tra xét.
Bao Công tâu:
- Việc này nếu giao cho Bàng quốc trượng tra xét thì chắc  có nhiều tà vạy, mà đã tà vạy thì không thể làm sáng tỏ được. Như vậy Lý nương nương phải vùi thân trong lò gạch cho đến mãn kiếp mà thôi.
Thiên tử ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Theo lời Bao khanh nói thì việc này nên giao cho ai.
Bao Công tâu:
- Nay Bàng quốc trượng gọi tôi là người khống cáo, nếu đứng ra mà tra xét thì mất lẽ công bằng, vậy xin Bệ hạ giao cho Vương Bỉnh là người chính trực thì mới tra xét được.
Thiên tử liền truyền chi giao cho Vương Bỉnh hiện là Hình bộ thượng thơ đem Quách Hòe về tra xét.
Vương Bỉnh lãnh chỉ đem Quách Hòe về dinh. Vua truyền bãi triều, các quan ai về dinh nấy.
Khi vua về đến cung thì Bàng quý phi ra đón tiếp, thấy mặt vua có vẻ buồn thì hỏi:
- Hôm nay có việc gì mà Bệ hạ buồn như vậy?
Thiên tử thuật lại mọi việc của Bao Công cho Bàng quý phi nghe.
Bàng quý phi nói:
- Tuy Bao Chuẩn nói như vậy, song việc ấy thiếp tưởng không chắc xin Bệ hạ chớ tin.
Thiên tử nói:
- Bao Chuẩn là người chính trực vô tư, lẽ nào đem dạ khi quân mà tâu dối như vậy.
Còn Lưu thái hậu thấy Quách Hòe đi đã lâu mà không về thì trong lòng nóng nảy lắm. Xảy có người đến thuật việc Quách Hòe bị bắt cho thái hậu nghe. Thái hậu kinh hãi làm tờ mật chiếu và lấy vàng bạc, châu báu khiến người đem lo với Vương Bỉnh.
Còn Vương Bỉnh lãnh Quách Hòe về dinh, rồi thẳng hậu đường mà thuật hết các việc cho phu nhân nghe.
Mã phu nhân nói:
- Chắc là Bao Chuẩn gặp yêu ma ngoài đường rồi về triều đặt điều nói.như vậy. Chuyện ấy thiếp đây là đàn bà  còn không tin huống chi Thánh Thượng cùng văn võ bá quan.
Vương Bỉnh nói:
- Bao Công là người chánh trực, vô tư, lẽ nào lại dám bày đặt chuyện ấy mà khi quân.
Mã thị lắc đầu nói:
- Tướng công là người thông minh, trí tuệ, ra giúp triều đình đã mười mấy năm nay, sao lại không biết việc ấy là việc quan trọng, lại lãnh làm chi những điều cực khổ như vậy?
Vương Binh nói:.
- Việc này không phải ta đứng ra mà lãnh đâu. ấy là tại Thánh thượng hạ chỉ mà phú thác cho ta, không thể từ chối được
Mã thị nói:
- Cả trào văn võ không lẽ hết người cho Thánh Thượng phó thác hay sao? ý vì trào thần thấy việc quan trọng nên không ai dám mó tay vào, duy có tướng công là người khờ khạo vụng tính, nên ôm lấy của nợ ấy. Thôi, thiếp khuyên tướng công một lời ngày mai vào chầu phải từ chối việc ấy thì mới an ổn cho.
Vương Bỉnh nghe vợ nói như vậy thì vừa buồn, vừa giận song ngồi làm thinh không nói gì hết.
Lời bàn.
 
 Mã thị, vợ Vương Bỉnh là phận đàn bà, nhưng xét về sự hiểu biết thì hơn Vương Bỉnh nhiều.
 Thông thường mỗi việc khi dính líu đến nhiều người thì chẳng khác một sợi dây chằng chịt, ràng buộc với nhau, quan trọng hơn nữa là việc có quan hệ đến những kẻ có quyền cao, chức trọng. Dù không tư vị, nhưng vẫn đương nhiên gây thù oán với kẻ bị tai họa. Cho nên, nếu đứng về lập trường hy sinh để làm sáng tỏ lẽ công bằng trong xã hội thì chẳng nói làm chi, còn ở đây Vương Bỉnh lại tham danh, muốn dâng công với triều đình mà xông vào chỗ thù hận thì tất nhiên phải bị tai họa trút lên công việc làm của mình.
 Những lời khuyên can của đàn bà đôi lúc cũng rất cần cho đàn ông trong cuộc sống.