Dịch giả: Mộng Bình Sơn
hồi thứ bốn mươi lăm
Sa cơ Tôn Bảo bị Đức lễ nơi chiến đại.
Gặp thời Quỉ Cốc sai Thạch Ngọc phò vua.

Tiết Đức Lễ nghe Dương Tôn Bảo nói như vậy thì cười lớn:
- Té ra ngươi là Dương Tôn Bảo, làm Nguyên soái Tống trào mà không rõ thời vận hưng suy. Lúc này trào Tống đang rối rắm, thiên hạ nay mai thuộc về Tây Hạ mà ngươi không rõ thiên cơ hay sao?
Dương Tôn Bảo nghe nói nổi giận, nạt lớn:
- Nghịch tặc chớ nhiều lời.
Nói rồi vung dao chém Tiết Đức Lễ. Hai bên giao chiến hơn trăm hiệp. Tiết Đức Lễ cự không lại liền giục ngựa bỏ chạy, Dương Tôn Bảo vỗ ngựa đuổi theo, không ngờ Tiết Đức Lễ quày ngựa lại rút Hỗn nguyên chùy đánh ngay vào đầu Dương Tôn Bảo hào quang chói mắt làm Dương Tôn Bảo đánh không kịp bị ngọn chùy trúng nhằm vai. Dương Tôn Bảo hộc máu nhào xuống ngựa, nhờ có Trương Trung chạy lại cõng Dương Nguyên soái chạy vào thành. Tiết Đức Lễ thừa thắng chém giết quân Tống rất nhiều, rồi mới thâu binh về trại.
Khi về trại, Tiết Đức Lễ mừng rỡ nói với chư tướng:
- Nay ta đã đánh Dương Tôn Bảo một chùy, nội trong ba ngày phải rã thịt mà chết. Các tướng nghe nói như vậy nếu vui mừng mở tiệc hân hoan.
Còn Trương Trung cứu được Dương Tôn Bảo đem về thành thì Phạm Trọng Yêm lật đật khiến chư tướng điều trị, và truyền lệnh quân sĩ phải tuần phòng cho nghiêm ngặt, rồi thảo một tờ biểu chương sai người về tâu với triều đình.
Cách ba ngày sau thì thấy mình mẩy Dương Tôn Bảo rã từng sớ thịt, biến thành một đống xương mà thác. Chư tướng thấy vậy đều than khóc, rồi sắm sửa quan quách tẩm liệm. Phạm Trọng Yêm lại sai người về trào đang biểu cáo cấp và sai Trầm Đạt phòng linh cữu về kinh đô.
Bấy giờ Quỳ Cốc Tiên sư đoán biết Tiết Đức Lễ đem quân phạt Tống, đánh chết Dương Tôn Bảo nên gọi đệ tử là Thạch Ngọc nói:
- Nay Tây Hạ sai Tiết Đức Lễ đem quân đến đánh Tam Quan, Dương Tôn Bảo đã bị hỗn nguyên chùy mà thác rồi. Vậy ta cho ngươi một cây quạt tên là Phong vân phiến đặng  để nải Tam Quang mà trừ Hỗn nguyên chùy. Ta lại cho ngươi  một bài thơ này, ngươi hãy xuống đó mà kiến cơ lập nghiệp để hưởng sự giàu sang với đời.
Nói rồi liền lấy hai vật ấy trao cho Thạch Ngọc.
Thạch Ngọc lãnh lấy và thưa:
- Bấy lâu nay nhờ thầy dạy bảo, nay thương pháp đã tinh thông. Vậy thầy sai tôi hạ san chẳng biết lấy chi đền đáp ơn ấy.
Nói rồi lạy tạ từ giã xuống núi. Quỷ Cốc liền làm phép cho Thạch Ngọc bay lên mây đáp thẳng xuống Tam Quan trong chốc lát.
Thạch Ngọc liền mở thơ ra xem thì thấy thơ rằng:

Tiền duyên không phận chẳng nên cầu
Hưởng phước nhơn gian dựa phụng lâu
Hai lược Bình Tây công nghiệp lớn
Rồi sau sẽ được trả thâm cừu.
Thạch Ngọc xem xong rồi thì nghĩ thầm:
- Thầy ta cho ta bài thơ này bảo ta không có tiền duyên, nhưng có phước được hưởng vinh hoa phú quí mà thôi. Lại có nói ngày sau báo được thâm cừu. Tuy vậy hãy còn chưa chắc, vì Bàng Hồng đang lúc thạnh thời, không biết làm sao mà trả thù đặng.
Nghĩ rồi lần bước thẳng đến Tam Quan.
Lúc này Địch Thanh căn bệnh cũng đã thuyên giảm, nhưng chư tướng còn giấu không cho ai hay. Một hôm, Lưu Khánh bàn với Phạm Trọng Yêm:
- Để tôi đằng vân qua dinh Tiết Đức Lễ mà lấy trộm cây Hỗn nguyên chùy rồi sẽ ra trận mà giao đấu với nó thì không còn sợ gì nó nữa.
  Phạm Trọng Yêm nói:
- Không xong đâu, vì ngươi có tánh lỗ mãng, ta e việc không thành mà còn gặp nguy khốn đấy.
Lưu Khánh nói:
- Không can chi đâu? Việc ấy cứ để mặc tôi.
Phạm Trọng Yêm làm thinh không nói, còn Lưu Khánh thì đợi tối đến đằng vân qua Phiên trại, thấy đèn đuốc sang choang, chư tướng đang ăn tiệc với nhau. Lưu Khánh chờ cho tướng sĩ say sưa rồi sa xuống lén vào trong dinh để ám sát Tiết Đức Lễ. Đến chừng vào đến phòng rồi, vừa muốn rút dao thì có một người con gái la lớn lên:
- Thích khách chớ chạy.
Lưu Khánh thất kinh, đằng vân không kịp bị người đàn bà ấy nắm áo kéo lại. Lưu Khánh túng phải quay lại mà đánh. Người ấy một tay thì nắm Lưu Khánh, còn một tay thì chống đỡ, và nói lớn:
- Ngươi là Nam man, sao dám đến trại ta mà làm thích khách, vậy ngươi phải nói rõ cho ta nghe, kẻo mất mạng.
Lưu Khánh nói:
- Ta là Lưu Khánh ở bên dinh Tống, vì thấy Tiết Đức Lễ có Hỗn nguyên chùy rất lợi hại, đã giết chết Nguyên soái ta nên ta nổi giận đến đây làm thích khách.
Người con gái ấy thấy Lưu Khánh là bậc hảo hớn đem lòng thương, nói:
- Lưu tướng quân ơi! Tiết Đức Lễ là cha ruột của tôi, nếu tướng quân muốn làm chuyện ấy thiệt là khó lắm. Vậy thì đi lại chỗ này đặng tôi nói chuyện cho tướng quân nghe.
Vừa nói vừa kéo Lưu Khánh dắt đi.
Lưu Khánh nghĩ thầm: .
- Không biết con này là ai mà có cừ chỉ kỳ lạ như vậy. Thôi ta cứ đi theo nó xem nó dụng ý gì cho biết.
Nói rồi theo người con gái đi vào hậu dinh.
Khi đã dắt Lưu Khánh vào phòng, người con gái ngồi lại nói rất dịu dàng:
- Lưu tướng quân ơi! Lúc này cha tôi đang say, Lưu tướng quân lại đến đây thích khách, nếu không có tôi thì tánh mạng cha tôi không còn. Còn tướng quân cũng may là bị tôi  bắt, nếu bị tướng khác thì tánh mạng tướng quân cũng không còn.
Lưu Khánh nói:
- Tiểu thơ ơi! Vả tôi và Tiết Đức Lễ cũng chẳng thù oán  chi nhau, chẳng qua ai vì chúa nấy. Nay tôi rủi bị tiểu thơ bắt được, xin tiểu thơ rộng lượng mà dung cho tôi, thì ơn ấy rất trọng, ngày sau tôi sẽ báo đáp cho tiểu thơ.
Người con gái nói:
- Nay tướng quân đã đến đây không trở về được đâu. Tôi xem tướng quân diện mạo khôi ngô, chắc là võ nghệ cũng cao cường, sao tướng quân không biết thời vận thạnh suy ở đời mà xử thế. Hiện nay Dương Tôn Bảo đã thác rồi thì còn ai dám trấn giữ Tam Quang mà phò Tống thất nữa. Vậy xin tướng quân bỏ Tống mà thuận nước tôi thì hay hơn.
Lưu Khánh nói:
- Việc ấy tiểu thơ đừng có nói làm chi. Tôi là một kẻ làm trai, chẳng thà chịu thác chứ không chịu qui hàng đâu.
Người con gái nói:
- Nếu tướng quân không chịu quy hàng thì tướng quân cũng không trông gì về ải được.
Lưu Khánh nói:
- Nếu tiểu thơ không chịu tha thì tôi cũng cam thọ tử, chẳng thà chịu chết chứ không chịu qui hàng đâu.
Người con gái nói:
- Sao tướng quân không suy xét mà chấp nhất quá vậy? Nếu tướng quân chị qui hàng thì được làm quan lớn mà lại có vợ đẹp nữa. Xin tướng quân nghĩ lại mà nhận lời tôi thì hay hơn.
Lưu Khánh nói:
- Không đâu! Tôi không phải là người háo sắc, mà lại đã có vợ con rồi. Dẫu biết tiểu thơ dung mạo tuyệt vời, võ nghệ siêu quần, song tôi là đấng nam nhi, không lẽ ham nữ sắc mà bỏ đạo quân thần. Thôi, nếu tiểu thơ không tha thì cứ giết tôi đi là xong, còn việc khác xin chớ bàn đến.
Người con gái nghe Lưu Khánh nói như vậy thì nghĩ thầm:
- Té ra nó đã có vợ rồi, ta còn cầu mong làm gì nữa.
Nghĩ rồi bắt Lưu Khánh đem giam vào hậu dinh, chờ sáng mai sẽ trình lại với thân phụ. Nguyên người con gái này là Bá Hoa Nữ, con gái của Tiết Đức Lễ, nổi danh là một nữ tướng siêu quần ở nước Tây Hạ được mọi người kính nể lắm. Lần này sở dĩ Tiết Đức Lễ đem nàng theo là để phòng trợ chiến khi nguy biến. Vì thấy cha nàng vui say, sợ có điều gì bất trắc nên nàng đề phòng bắc ghế ngồi canh chừng nên mới bắt được Lưu Khánh.
Sáng hôm sau, Bá Hoa Nữ vào thưa với Tiết Đức Lễ:
- Đêm hôm này con thấy cha say rượu, nên con phải đến mà canh chừng. Vừa đến canh hai thì có Lưu Khánh đến thích khách, nên con đã bắt được người ấy đem giam vào hậu dinh để cha định đoạt.
  Tiết Đức Lễ nghe nói nổi giận hét:
- Cha chả! Lưu Khánh cả gan dám đến trại ta mà làm  thích khách, như thế thì số mạng nó đã hết rồi.
Liền truyền quân dẫn Lưu Khánh ra viên môn xử trảm. Bá Hoa Nữ can:
- Lưu Khánh là một dõng tướng bên Tống, nếu ta dụ hàng được thì làm kế nội gián rất thuận tiện. Xin phụ thân  giam lại mà dụ dỗ thì hơn.
Tiết Đức Lễ nói:
- Con nói rất phải.
Liền khiến quân sĩ giam Lưu Khánh vào ngục rồi sẽ liệu.
Bấy giờ Thạch Ngọc vâng lệnh Quỷ Cốc đến Tam Quan vào ra mắt Phạm Trọng Yêm, tỏ hết nguồn cơn.
Phạm Trọng Yêm mới hay Thạch Quận mã, thì mừng rỡ  mở tiệc thết đãi.
Trong bữa tiệc Thạch Ngọc nghe Phạm Trọng Yếm kể  lại việc Lưu Khánh bị địch bắt cho Thạch Ngọc nghe. Thạch Ngọc nói:
- Để tôi ra trận phá Hỗn nguyên chùy trước đã rồi sẽ tìm cách tiêu diệt quân Phiên.
Phạm Trọng Yêm nói:
- Nếu tướng quân có ra trận thì nên dò hỏi tin tức của Lưu Khánh xem thế nào.
Thạch Ngọc vâng lời điểm quân kéo ra trận. Lúc ấy Tiết Đức Lễ cũng vừa điểm binh khiêu chiến. Hai bên đánh nhau từ giờ thìn đến giờ ngọ vẫn chưa phân thắng bại.
Tiết Đức Lễ nghĩ thầm:
- Nếu dùng sức mà đánh với nó e không thắng nổi, chi bằng dùng phép thì hay hơn.
Nghĩ rồi rút hỗn nguyên chùy ra, xông tới đánh Thạch Ngọc, té ra Thạch Ngọc đã dự định trước, liền lấy Phong vân phiến ra quạt vài cái thì hỗn nguyên chùy đã sa xuống đất.
Tiết Đức Lễ nổi giận, nhưng không dám đánh nữa liền giục ngựa chạy trở về.
Tướng Tống là Nhạc Cang thấy vậy giục ngựa đến nhặt lấy Hỗn nguyên chùy rồi hiệp binh cùng Thạch Ngọc rượt đánh quân Phiên. Lúc này có Bá Hoa Nữ xông ra trợ chiến, đón Thạch Ngọc lại.
Thạch Ngọc dừng ngựa đánh với Bá Hoa Nữ và nghĩ thầm:
- Nữ tướng xinh đẹp lạ lùng, võ nghệ lại siêu quần như vậy thật hiếm có.
Còn Bá Hoa Nữ thấy Thạch Ngọc hình dáng tuấn tú, hơn Lưu Khánh bội phần thì cũng động lòng, muốn bắt Thạch Ngọc về vầy duyên.
Hai bên đánh nhau một lúc, Bá Hoa Nữ cự không lại, bị Thạch Ngọc bắt sống trên lưng ngựa, còn Nhạc Cang thì xua quân chém giết quân Phiên một trận tơi bời.
Tiết Đức Lễ thâu góp tàn quân trở về trại ngồi than:
- Không biết Tống tướng ấy có cây quạt chi mà lợi hại như vậy, đã phá được bửu pháp của ta còn bắt sống con gái.
Hôm sau, Địch Thanh ra giữa soái đường nói:
- Nay bệnh ta đã thuyên giảm rồi, để ta ra trận mà đánh với Tiết Đức Lễ một trận.
Phạm Trọng Yêm nói:
- Tuy bệnh tướng quân cũng đã thuyên giảm, song chưa được hoàn toàn, không nên ra trận đâu.
Nói vừa dứt thì nghe quân sĩ vào báo:
- Tiết Đức Lễ đem quân đến khiêu chiến nữa.
Địch Thanh nghe nói liền giục ngựa ra trận, hỏi lớn:
- Ngươi có phải là Tiết Đức Lễ chăng?
Tiết Đức Lễ nói:
- Đúng rồi! Ta là Tiết Đức Lễ đây, còn ngươi có phải là Địch Thanh đó không?
Địch Thanh nói:
- Phải!
Tiết Đức Lễ nói:
- Lâu nay ta nghe danh ngươi cũng ngỡ anh hùng vô  địch, té ra trông ngươi mình mẩy không đầy một nắm xương vậy đánh với ta sao lại.
Địch Thanh nghe nói nổi giận xốc tới đánh với Tiết Đức Lễ dư trăm hiệp. Thạch Ngọc sợ Địch Thanh mới lành bệnh chưa bình phục, nên giục ngựa xông ra tiếp ứng.
Tiết Đức Lễ kinh hãi, một mình ráng sức đánh với hổ tướng, nên đánh không lại bị Địch Thanh chém một dao nhào xuống ngựa chết liền. Thạch Ngọc xua quân áp tới chém giết quân Phiên chết ngổn ngang.
Địch Thanh đắc thắng thâu về ải.
Bá Hoa Nữ hay tin cha mình bị tử trận thì lật đật đem binh trở về nước. Phạm Trọng Yêm hay tin mở tiệc khao thưởng quân sĩ, rồi làm tờ biểu chương mà tấu trình với triều đình.
Lời bàn
Nếu lịch sử xã hội lấy sự chém giết, tranh đoạt nhau là sức mạnh để hình thành sự biến Chuyển của xã hội thì sức mạnh của ái tình cũng diễn biến mạnh mẽ không kém, làm lay chuyển mọi sức mạnh khác trong lẽ sống.
Trong lúc người ta mưu đồ chém giết nhau thì người ta lại mưu đồ để yêu thương nhau. Chém giết và yêu thương lẫn lộn trong cuộc sống, quấn quýt nhau trong lịch sử mà từ ngàn . đưa vẫn tồn tại cho đến ngày nay và mai sau.
Yêu thương và thù hận đều xuất phát từ tâm tư con người, nhưng là hai trạng thái khác nhau.
Một cô gái đẹp không thể không yêu thương một chàng trai hào hoa phong nhã, cũng như một tướng tài không thể không dung tha một đối thủ danh tiếng hơn mình; Tình yêu thương và lòng ganh ty đưa con người đến chỗ vun vén hoặc hủy diệt lấy nhau.
Bá Hoa Nữ, một gái sắc nước hương trời, thể giết hết một tướng lãnh đối thủ với mình, nhưng lại không thể giết chết một chàng trai mình yêu, dù là kẻ đối nghịch.
Cho hay, trong lẽ sống con người rất phức tạp, sự chém giết và yêu thương cũng lẫn lộn trong lẽ sống, trải dài theo lịch sử xã hội.