Tặng Nguyễn Doãn Vượng để cùng nhớ đến những chuyện xa xôi, chuyện mười lăm năm cũ mà anh và tôi cùng các bạn khác đã sống một giấc mộng tươi tốt, đẹp nhất không giờ còn thấy nữa. TIÊU LIÊU ồi ấy, chúng tôi lên mười tuổi. Chúng tôi nhớ lại cái hồi mười tuổi đó, chúng tôi không phải là những đứa học trò chăm chỉ. Sau buổi học sáng về, thằng Tâm lại gần tôi bảo: − Hay là chiều nay, bọn mình chuồn học đi chơi với nhau thì thích nhỉ. Học tư thì cần gì. Tôi nhớ không rõ những lời nói ấy đã rơi vào chỗ nào ở tai tôi, nhưng tôi biết là một chỗ ăn thông với trái tim. Tôi thực dại: làm sao tôi lại không biết thế sớm hơn một chút? Một cái gánh nặng đè lên đời tôi nhẹ bỗng hẳn đi. Tôi không biết trước khi đó thì tôi đã bị bệnh gì, nhưng từ lúc ấy thì tôi thấy tôi khỏi hẳn. Một giờ trưa, chúng tôi cắp cặp đi thực nhanh. Lòng chúng thếnh tháng. Đi được mười lăm phút đồng hồ, chúng tôi mới nhớ ra rằng cần phải mua một xu thuốc lá lẻ để hút chung cho đỡ nghiện. Rồi chúng tôi tức thì đi đến ngay cái chỗ mà cha mẹ ở nhà ngăn cấm không cho đến: đó là bờ sông. Sự thực, chơi ở bờ sông cũng chẳng nguy hiểm gì. Mùa rét nước sông xuống thấp, không thể nào chết đuối được, mà mùa nực nước sông lên, thuyền bè san sát, nếu ví dụ mình có chết đuối thì ai là người nỡ giương mắt ra mà nhìn. Chúng tôi tuy bé mà đã nghĩ những chuyện lớn lao. Chúng tôi không thèm bỏ guốc ra để vén quần lên cho nước đến mắt cá mà thôi đâu; chúng tôi có ý nghĩ là phải làm như những người can đảm, nghĩa là cởi hết cả quần áo ra để tắm. Nước ra quá ngoài chỉ cao độ đến đầu gối mà thôi, nhưng vì chúng tôi không sợ ướt, chúng tôi hụp xuống, vì thế, cả người chúng tôi đều có nước. Ngay lúc ấy, chúng tôi lại mong cả rằng ước gì nước lụt. Còn có cái gì làm cho chúng tôi nghi ngờ được sức của chúng tôi nữa: chúng tôi cầm chắc rằng nếu có nước lụt, chúng tôi đều phải biết bơi như cá! Chúng tôi chơi như thế đã mấy tiếng đồng hồ? Không biết. Mặt trời gần và nóng. Chúng tôi thấy hơi mệt, toan nghỉ ngơi một lát thì bỗng thấy ở trên đê có tiếng người đi xuống. Thằng Tâm kêu: − Chúng nó đến đấy! Thoạt tiên, tôi không hiểu thằng Tâm nói “chúng nó” là nói những đứa nào, nhưng chỉ một lát sau tôi biết ngay rằng đó là một bọn giặc mọi rợ, có tư thù với bọn tôi, chúng cất đại đội binh mã để đến khiêu chiến vậy. Chúng tôi xông ngay lại. Chúng tôi thấy bọn giặc mọi rợ đó là những thằng bé lên bảy lên tám ở trong làng có những cái bụng đồ sộ, đi với một con mụ độ hai mươi nhăm, hăm sáu, tay cắp một cái thúng, dáng chừng là thúng ngô. Chúng tôi không muốn tự nhận với nhau rằng đó chỉ là con mẹ bán bánh tôm ở trường. Thằng Tâm thét: − Nó là một con nữ hải tặc nguy hiểm lắm! À! Nó nguy hiểm thì chúng tôi phải diệt nó trước, − diệt nó trước lũ ranh con! Chúng tôi bèn vây luôn con mẹ ấy lại, chúng tôi nhảy, chúng tôi hò hét, chúng tôi làm những vẻ mặt dữ tợn và tưởng tượng mình là những tiểu tướng như Địch Hổ, Địch Luông vẫn thấy ở trong truyện Chinh Nam vậy. Đã đành là con mẹ bán bánh tôm ở trường biết mặt cả bọn chúng tôi. Nhưng, hôm ấy, chúng tôi chắc là nó không biết bởi vì nó không có thói quen nhìn thấy chúng tôi trần truồng. Nó đứng tì hai tay vào mạng mỡ, chửi rõ to một tràng rất vần vè rồi nó kết luận rằng: − Đồ con nhà mất dạy! Bà đào cha bới ông chúng mày cả lên bây giờ, bà làm gì chúng mày mà chúng mày lại vây bà lại để ăn gì, bà thì đi trình cẩm cho chúng mày tù mọi gông cả lũ. Con mẹ đến tai ác! Dáng chừng cho thế là chưa đủ, nó lại “tái bút” một câu nữa: − Cha mẹ chúng mày ở đâu, rồi bà tìm cho đến ngõ, hỏi rõ tới tên bà chửi cho, có con có cái thì đem về mà dạy nhé! Than ôi! mười tuổi đầu! Chúng tôi đã làm gì cho cha mẹ chúng tôi mà để cho người ta rức móc tàn tệ thế? Bây giờ, lớn khôn rồi mà cha mẹ thì già, còn nghề của tôi không đủ để phụng dưỡng các cụ lúc mặt trời xế bóng, tôi ngồi viết lại câu chuyện mươi năm cũ mà không khỏi buồn lòng. Lạy các cụ! Chúng tôi là trẻ con, chúng tôi dại dột biết bao nhiêu, chẳng thế lúc ấy chúng tôi bị con mẹ bán bánh tôm nó chửi, chúng tôi đã chẳng buồn một ly nào; trái lại, chúng tôi lại còn lấy làm đắc chí mà cười lên ha hả. Thằng Tâm kêu: − À! Nó chửi càn là nó sợ bọn ta! Trần trùng trục chán rồi, chúng tôi lại lấy quần áo mặc vào. Trời nắng lắm, trời đẹp lắm. Ôi! buổi chiều hè sung sướng biết bao. Chúng tôi không thể bỏ phí được. Chúng tôi không trèo lên đường đê có nhiều người đi đâu, chúng tôi đi vào trong những bãi dâu và bãi mía. Đi không đủ, chúng tôi phải chạy. Chúng tôi chạy tự do. Chúng tôi lấy làm sung sướng vì có hai chân và hai tay mà lại dùng chân tay ấy để nô đùa được. Chúng tôi thấy biết bao nhiêu cái lạ. Cây lúa xanh, bóng hoa dâm bụt đỏ, nước sông vàng. Trên đầu chúng tôi là trời, trời bát ngát, trời mênh mông. Mặt đất chúng tôi nằm là mẹ sinh ra muôn vật mà trong ngực chúng tôi là những con vật nhỏ trong muôn vật, ấy thì quả tim đập mạnh, đập không bao giờ ngừng cả. Lúc ấy đã xảy ra việc gì? Đáng lẽ gặp một buổi chiều tự do mà chúng tôi làm chủ được thân mình như thế thì chúng tôi vui lắm thì mới phải! Đáng lẽ chúng tôi phải lấy làm sung sướng vì thấy mình được sống ở trong cõi đời này mới phải! Thực ra, chúng tôi cũng chẳng lo sợ gì đâu. Chúng tôi cũng không phải vì sợ cái tội lỗi nó chờ mình mà tâm tình thay đổi đâu. Chúng tôi đã chạy nhảy nô đùa trong mấy tiếng đồng hồ như giống vật, bây giờ chúng tôi cũng phải nghỉ ngơi một chút cũng như giống vật. Ấy chính lúc ấy, chúng tôi phát minh ra một điều lạ lắm. Chúng tôi không được vui vẻ như người ta tưởng tượng: cái nước chảy ở trong huyết quản của chúng tôi đã đem lại quả tim một cái gì úng mà đặc. Mỗi đứa chúng tôi đã sống như một con vật. Bây giờ chúng tôi nhận thấy con vật ấy buồn lắm lắm. Chao ôi! Chúng tôi chơi đùa như thế tưởng đã quá lâu rồi. Bây giờ chắc phải đến năm sáu giờ là ít. Không ngờ! Thực không ngờ! Chúng tôi còn phải đợi một tiếng đồng hồ nữa thì mới có thể về nhà như những đứa trẻ đi học buổi chiều hôm ấy. Một sự chán nản đến xâm chiếm chúng tôi. Chúng tôi tưởng như đã hưởng mất hết cả cái sung sướng, cái vui vẻ ở trong người vậy. Cái tư tưởng dung dị vẫn làm bận đời ta lại đến với chúng tôi. Thằng Tâm bèn hỏi: − Hôm nay tụi mình có những bài học gì nhỉ? Hôm ấy, chúng tôi có một bài ám tả, một bài tập viết và một bài đọc là bài địa dư. Chúng tôi chưa nói tới bài địa dư thì tôi đã thấy muốn đọc cái bài ấy làu làu cho thằng Tâm nghe. Đã đọc một bài ấy thì lại muốn đọc các bài khác. Chúng tôi bỏ địa dư sang sử ký. Tôi còn nhớ rằng chính hôm ấy tôi đã đọc truyền khẩu được của thằng Tâm rằng Đinh Tiên Hoàng lên làm vua, ngài lập Thập nhị sứ quân trong nước. Cái niên hiệu của ngài đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên. Một cảm giác tương tự thế xui chúng tôi bỏ chỗ chúng tôi đương ngồi: − Chúng mày! Hay là chúng ta “làm một tua” về trường đi. Chúng tôi về trường. Chúng tôi về trường nhưng chúng tôi không dám vào. Song cũng may, ở đằng sau trường chúng tôi học có một cái bãi bỏ không, người ta vẫn để xe bò ở đấy. Bấy giờ mùa nực, cửa sổ lớp học mở rộng. Chúng tôi trèo lên một chiếc xe bò để ở dưới chân tường, kiễng chân lên một tý thì nghe rõ hết cả người ta nói gì trong lớp học. Chúng tôi đứng nghe trộm như thế có khác gì những thằng hủi mà người ta cấm không cho bước vào những chợ ở vùng quê. Chúng tôi thấy như thế, nhưng chúng tôi không bỏ sót một tiếng nào ở trong cái chỗ mà chúng tôi tuy không có thể xác mà có linh hồn ở đấy. Chúng tôi nhận thấy những tiếng nói rất quen, những tiếng của thầy và của bạn thân yêu hàng ngày mà bất hạnh hôm nay, một sự thảm khốc, nói cho đúng là vì một sự liều lĩnh đã chia rẽ ra đôi ngả. Chúng tôi thì thầm với nhau: − Này! Có nghe thấy không? Thằng Đãn bị “truy” đương đọc bài sử ký. Ước gì chúng tôi được thay nó mà đọc nhỉ! Không cái gì chúng tôi bỏ qua. Thày giáo bắt đầu bài mới: Vua Ngoạ Triều. − Vua Ngoạ Triều là một ông vua lười biếng, khi thiết triều thì cứ nằm ở trên giường… Nếu mà chúng tôi hôm ấy đi học, được ngồi cả ở trong lớp thì chúng tôi không đến nỗi mù tịt về ông vua ấy mãi. Năm giờ, lúc mà các bạn học của chúng tôi về, chúng tôi lẩn vào một bụi găng và trông thấy họ dắt tay nhau đi vui vẻ như đi xem hội. Chao ôi! họ vừa trải qua một ngày tốt đẹp biết chừng nào! Trông thấy nét mặt của chúng, ngay cả đến những thằng ngu dốt ở trong lớp, chúng tôi cũng thấy sáng ngời ánh sáng của cái sự học. Biết đâu đấy, buổi chiều hôm nay họ lại chẳng học được nhiều điều hữu ích mà không bao giờ chúng tôi được biết. Thôi, họ đi trước chúng tôi mất rồi, chúng tôi không bao giờ đuổi kịp được nữa.
TIÊU LIÊU
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 17 (23/6/1940).