ăn đang lúi húi vẽ ngang dọc trên một trang giấy có kẻ ô vuông, bỗng vứt bút ra một bên rồi kêu ầm lên:- “Cho tôi một tờ giấy khác đi. Vẽ nhầm mất một ô rồi”.Thì ra Văn đang vẽ bình đồ căn nhà mà anh sắp dọn tới. Ba thước tám bề ngang, một thước hàng ba, bốn thước phòng ngoài, năm thước phòng trong, ba thước sân, ba thước bếp. Anh thuộc lầu những kích thước đó rồi thu lại trên giấy theo một tỷ lệ. Khi anh đặt xong vị trí các ô cửa sổ và cửa ra vào, anh bắt đầu kê đến đồ đạc.Đây là bàn ăn. Anh vừa vẽ chiếc bàn và sáu chiếc ghế vừa lẩm bẩm: “Có lẽ phen này phải mua bộ sa-lông mới được”. Đây là giường bà Cụ đẻ ra anh, giường hai đứa con giai, đây là ghế bố của đứa con gái út, giường của vợ chồng anh. Ngọn bút của anh đang đi nhanh thoăn thoắt bỗng dừng lại ngập ngừng “Bây giờ mua cái tủ nữa thì kê đâu đây?”Còn gần nửa tháng nữa anh mới sang nhà mới thế mà ngày nào cũng vậy, anh cũng huỳnh huỵch vẽ đi vẽ lại, kê vào kê ra, dọn nhà một cách tuy là tinh thần mà thật là vất vả.Chị Văn thực tế hơn nhiều. Chị thu xếp thủng thẳng mà gọn gàng được việc. Để mặc chồng loay hoay tính toán ở những phạm vi cao siêu, chị thu nhặt những mảnh giấy, mẩu dây, cái đinh, thanh gỗ, vật gì cũng nhìn thấy công dụng của nó. Chị bỏ va-li, hộp giấy ra phơi phong rồi những thức gì chưa dùng đến ngay, chị đóng gói lại, gói ghém và vuông vắn. Phải nhìn thấy chị đóng đồ mới thấy cái tài của người đàn bà biết khai thác sức chứa của những dung tích chật hẹp.Chị lặng lẽ làm việc, bận luôn tay mà không lúc nào cần phải om sòm rối rít. Văn đôi khi coi sự im lặng của vợ như một thách thức, hình như vợ chỉ là một người giỏi về thực hành mà dám khinh nhờn một bộ óc đầy những công thức.Văn còn lạ gì việc dọn nhà nữa? Từ lúc còn là học trò đi trọ học, giang sơn vỏn vẹn một chiếc rương sơn đỏ với một chiếc cặp da, đến khi lấy vợ đẻ con mà đồ đạc ngoài chổi cùn rế rách có cả đến bình sữa vú cao su, kim băng tã lót, anh đã biết bao lần thay đổi chỗ ở.Có lần tung tăng như chim non mới mọc cánh đi với vợ về ngôi nhà mới, theo sau là chiếc chăn bọc sa-tanh với cặp gối hồng thêu đôi chim nhạn.Có lần kinh hoàng, tay lôi vợ rũ rượi, tay ghì con đỏ hỏn, chạy chữ chi trên những con đường đào giao thông hào, gối đã mỏi mà còn muốn bước nhanh hơn làn đạn réo sau lưng.Từ Hà Nội dọn về quê, long tong hết các tỉnh khu ba, khu bốn rồi lại từ quê dọn về Hà Nội. Rồi cùng với non triệu người nữa dọn đi Saigon, hành lý có hai mươi cân mà nặng trĩu gánh sầu đất nước.Sang được căn nhà thì Bình Xuyên lại bắn phá, anh lại dọn.Mỗi lần dời chỗ thế này là một lần vương vãi thất lạc, không phải chỉ những đồ vật hữu dụng có thể mua sắm thức khác thay thế được mà còn cả những kỷ niệm vô giá vì không bao giờ có nữa như bức ảnh độc nhất của bà nội anh hay chiếc hoa hồng ép dẹp giữa quyển tự vị mà chị tặng anh khi chị còn là nữ sinh trường Đồng Khánh.Nghĩ đến những ngày đã qua Văn sợ dọn nhà lắm rồi. Đừng ai nói đến chuyện đổi chỗ nữa. Văn chỉ mong yên ổn sống tại ngôi nhà đang ở, thèm khát một cái gì bền chặt sau bao nhiêu bồng bềnh.Ấy thế mà lần này Văn lại dọn nhà, dọn một cách thích thú, say sưa. Chỉ vì căn nhà anh sắp dọn tới là căn nhà anh vừa mới mua, là căn nhà của anh. Anh đã nghe nói nhiều và cũng đã bàn tới nhiều về quyền tư hữu, nhưng anh chỉ mới hiểu quyền đó một cách thấm thía từ khi anh mua căn nhà mới.Năm năm trời dành dụm, thêm hai bát họ mua non, với một số tiến vay của hai cô em gái mới đủ trả tiền nhà. Tính mỗi tháng ăn tiêu dè sẻn để ra được một nghìn, thì cũng phải bốn năm mới hết nợ. Nhưng đó là chuyện về lâu về dài. Bây giờ anh hãy dọn nhà đã. Và anh cặm cụi vẽ vẽ, xóa xóa, mãi chưa thấy hài lòng. Mới trông bài toán nào có khó gì cho cam. Xếp một số đồ đạc vào hai căn phòng, vỏn vẹn có thế thôi. Nhưng xếp đồ vào căn nhà thuê của người khác thì đâu có thành vấn đề. Chỉ có xếp đồ vào căn nhà của mình mới mua thì mới thật là nát óc. Chính là cái mối tương quan mới giữa đồ đạc và căn nhà là điểm tế nhị.Chị Văn thấy chồng cứ loay hoay mãi, cũng phải nói vào: “Để đến nơi mới trông ra chứ kê trên giấy thì biết đến bao giờ mới xong”. Văn đứng lên nhưng vẫn cố giữ phần phải về mình:- “Có tính trước vẫn hơn chứ! Thôi bây giờ tôi còn phải đi ăn cơm tiễn anh Long đi Mỹ. Cho tôi bộ quần áo với cà-ra-vát đi.”- “Em gói kỹ lắm rồi bây giờ không thể lấy ra được.”Có lẽ lúc khác Văn đã bực mình lắm. Nhưng lần này Văn thản nhiên mặc sơ-mi ngắn tay đi ăn cơm khách mà không thấy chút gì mặc cảm. Chúng bạn ai cũng biết anh sắp dọn sang nhà mới. Ai mà còn khắt khe về y phục với một anh mới mua nhà?Văn muốn dọn vào một hôm chủ nhật cho tiện. Nhưng chị Văn đã đi xem bói và thầy dạy mồng tám mới được ngày, không những hợp tuổi anh tuổi chị mà con lợi cả cho tuổi bà cụ nữa. Nhưng mồng tám là ngày thứ sáu, anh phải đi làm. Bà cụ và chị Văn muốn anh xin nghỉ một ngày. Anh hơi ngại vì tháng trước anh đã nghỉ ba ngày rồi. Sau cùng mới đi đến giải pháp dung hòa. Thứ sáu mồng tám sẽ dọn lấy ngày và chủ nhật mồng mười dọn hẳn.Sáng sớm mồng tám, trước khi đi làm Văn đưa vợ qua chợ mua một cái hỏa lò, một nắm củi thông, một bao diêm. Sau đó hai vợ chồng lại đằng nhà mới. Chị lau quét trong bếp cho thật sạch sẽ, kê hỏa lò ngay ngắn, trịnh trọng đặt nắm củi thông và châm diêm đốt. Củi cháy phừng phựt. Chị gọi chồng đến bên rồi nhìn vào ngọn lửa bằng con mắt chứa chan hy vọng. Chị bảo chồng: “Lửa reo mình ạ, dọn đến đây nhất định phải làm ăn phát tài”. Văn gật gù tán thưởng. Không biết lửa reo thật hay là lòng hai người đang reo.Sau đó hình như không muốn cho hàng xóm trông thấy. Chị Văn đóng các cánh cửa lại, rồi mắt nhắm lim dim, chị chắp tay vái khắp bốn phương, vừa vái vừa xuýt xoa khấn khứa. Văn không nghe thấy vợ khấn những gì nhưng cứ trông dáng điệu thì thấy vợ để hết cả thành tâm kính ý van xin Trời Phật phù trì.Tối thứ bẩy, chị Văn mua một ít giò chả về kho để hôm sau khỏi đi chợ mua thức ăn. Còn Văn thì gọi ba đứa con lại căn dặn chúng cách thức sống ở nhà mới làm sao cho gọn gàng ngăn nắp. Anh nói rất kỹ nhưng chúng nghe bằng một tai rất lơ đãng.Sáng chủ nhật, một chiếc xe chở hàng lù lù đưa cái lưng có mui cao gồ vào sát bậc cửa nhà anh. Trẻ con reo rối rít: “Xe đến, xe đến”. Anh chạy ra thì vừa gặp cô hàng xóm nhoẻn miệng cười rồi nói với anh: “Ông ở đây đang vui, bây giờ dọn đi xóm này buồn chết”. Lời nói chỉ là xã giao mà sao hôm nay thấy tình tứ lạ. Và thoáng một giây, anh thấy cô hàng xóm đẹp hẳn lên khác xa ngày thường. Anh lựa một câu mà anh cho là duyên dáng nhất để đáp lại:“Chúng tôi đi cũng nhớ xóm làng lắm”.Tiếng guốc chị Văn ở đằng sau cắt rất mau cái phút ẫm ờ đó và Văn hối hả giục những người phu chuyển đồ lên xe. Có những thứ mà anh không hiểu còn thu vén mang đi làm gì cho thêm bận. Anh bảo vợ vứt đi nhưng chị Văn trả lời bằng một giọng không ai có thể cãi được:- “Cứ để đấy cho tôi. Rồi dùng có việc hết.”Bà cụ thân sinh ra anh ngồi yên một chỗ, hai tay ôm bức ảnh Phật bà Quan âm, ngoài có bọc một cái màn cho khỏi vỡ. Hai đứa con giai mỗi đứa xách một cái cặp nặng mà còn chạy ra đá một trận banh tiễn biệt với lũ trẻ bạn chúng. Đứa con gái út thì chỉ lo nhặt các nút chai nhét đầy hai túi.Đồ đạc chẳng có gì nên chỉ một giờ sau đã lên xe hết. Văn khóa cửa chính rồi nghĩ ngợi thế nào, lại mở ra, đi rảo vào hết các buồng một lượt nữa, soát xem có quên gì không. Mấy con nhện lững lờ đu ở trên trần như không có để ý gì đến cảnh đổi thay bên dưới.Văn trở ra, khóa hẳn cửa lại rồi nói:“Bà và mẹ nó lên ngồi chỗ bên ông tài, ba đứa con lên đằng sau, còn tôi đi xe đạp.”Lũ trẻ bạn của các con anh bám tay vào đây cái xe chở đồ đang rồ máy. Chúng chạy theo một quãng và chỉ đứng lại khi không theo kịp tốc độ xe nữa.Văn trước khi lên xe đạp còn ngoái cổ sang nhà bên cạnh nói với cô hàng xóm:- “Thôi xin chào cô. Chắc còn nhiều dịp gặp cô.”Khi Văn về tới nhà mới thì đồ đã rỡ xuống xe. Anh móc ở túi ra cái bình đồ đã vẽ từ trước và bảo mọi người cứ theo đó mà kê. Song chỉ được một lúc là ai nấy đếu thấy không thể theo ý kiến kỹ thuật của anh được. Cái mặt bàn cao hơn mép cửa sổ trông rất khó coi, giường lấn ra lối đi, và để được cái kệ sách thì không mở được cửa ra vào.Lại đến chị Văn giải quyết và chỉ độ hai giờ sau trông đâu đã tạm vào đấy. Riêng anh vẫn có vẻ không chịu sự sắp đặt này và một vài cử chỉ của anh để thoáng lộ một sự phản đối âm thầm. Giữa lúc đó có tiếng trẻ reo lên. Huy, bạn thân của vợ chồng Văn, từ ngoài bước vào tay mang một cái gói bọc kín. Huy đến gần bà cụ sinh ra Văn trao cái gói tận tay cụ, và nói:“Gọi là mừng Cụ với hai bác”.Lũ con Văn nhẩy với lên đến tận tay bà để bóc cái gói và khi tờ giấy bọc đã tung ra mọi người kêu ầm lên:“Quả gấc! Quả gấc!”Bà cụ cảm động lắm đứng một hồi lâu rồi mới nói: “Được ông đến xông nhà, cậu mợ cháu làm ăn nhất định là may mắn. Tên ông có nghĩa là sáng đẹp, tính nết ông vui vẻ, quả gấc lại đỏ như thế này, thật là mọi sự tốt lành”.Mọi người xử sự như việc Huy đến là một việc rất tự nhiên không có xếp đặt gì ở trong tuy rằng ai nấy đều rõ hôm trước chính chị Văn đã đi chợ mua quả gấc đó và đưa đến nhờ Huy tới xông nhà hộ. Lại dặn đúng giờ nào phải tới, e có người nào đến trước mà vía không lành chăng.Khi Huy ra về Văn cũng biến đâu mất. Chị Văn không nói ra nhưng giận lắm không hiểu làm sao giữa lúc nhà bận thế mà Văn còn bụng dạ đi chơi được.Chị đã nấu xong nồi cơm và đã dọn lên với món giò kho sẵn. Lũ trẻ kêu đói, chị đã cho ăn trước.Vẫn chưa thấy Văn đâu cả. Muộn lắm mới thấy tiếng xe xích-lô đỗ ngoài cửa và tiếng Văn kêu ơi ới:“Ra đỡ hộ tôi một chút”.Văn khệ nệ bưng vào một cái bể kính đựng đôi cá vàng vẻ mặt đầy đắc thắng. Rồi lại chạy trở ra ôm hai chậu hồng.Cả buổi chiều hôm đó anh chỉ loay hoay, kê bể cá, đặt chậu cây, tưới hồng, cho cá ăn. Anh thoáng nghĩ tới mấy người bạn giờ này chắc đang ngồi trong mấy rạp chiếu bóng thường trực và thấy thương hại họ một cách thật thà làm sao họ lại có thể giải trí một cách nghèo nàn như vậy được.Buổi tối, sau một ngày nhọc mệt cả nhà đi ngủ sớm Văn vẫn để đèn, hình như còn muốn ngắm kỹ thêm căn phòng mới. Hai vợ chồng cùng ngửa mặt nhìn lên trần, không ai nói với ai. Có một cảm giác gì êm đềm quá và họ muốn im lặng thật lâu để kéo dài cái giây phút đó. Bỗng Văn nói thật nhẹ:“Này mình. Công nợ trả xong thằng lớn lấy vợ ta cơi lên một tầng lầu.”