Bài toán khó

     ăn loay hoay mãi không ra. Thằng Tùng gối cằm lên hai cánh tay khoanh trên mặt bàn rồi hếch mũi nhìn bố. Nó không tỏ vẻ gì sốt ruột mà hình như còn thích thú trong khi bố nó viết viết xóa xóa dầy đặc bốn, năm trang giấy mà chưa tìm ra lời giải bài toán lớp đệ tam của nó. Văn không nhìn con nhưng vẫn thấy cái nhìn của nó đè nặng trên người mình. Anh lại cúi xuống giấy, vận dụng hết sức lý luận, moi móc ở trong ký ức rung mờ một vài điểm tựa nào còn vững chắc để bấu víu vào đó mà ra thoát bước khó khăn này.
Chẳng qua chỉ tại anh nhiều tự tin quá - Thấy thằng Tùng sau bữa cơm tối cắn mãi quản bút mà không làm xong, rồi liếc qua để bài toán cũng không có gì khó lắm, anh đã hăm hở ngồi xuống, nửa muốn giúp con, nửa muốn cho nó được tự hào về phong độ của một người cha tuy rời nhà trường đã gấn hai chục năm mà vẫn còn có thể để cho lớp người đang lên thán phục. Anh vẫn thường khoe với các con:
“Toán ở trường Bưởi ngày xưa thì chỉ có ba với bác Hải chia nhau dẫn đầu lớp. Bọn tao trước học khó nhiều Đíp-lôm khó bằng Tú tài bấy giờ - Ba coi bộ chúng mày ì ạch lắm”.
Nhưng bài toán hôm nay thật hiểm hóc - Nó cho người ta chơi vơi, lạc lõng, giữa lúc tưởng gần như tới đích thì lại phải làm lại từ đầu. Văn thấy để cho con ngồi chờ, vừa mất giấc ngủ của nó, vừa cho nó cơ hội chứng kiến quá lâu sự lúng túng của mình, nên đã bảo con:
“Khuya rồi, con đi ngủ trước đi - Ba tìm ra, sáng mai dậy ba giảng cho con”.
Tùng lên giường, Văn bình tĩnh hơn - Anh mở cuốn sách toán xem kỹ lại mấy bài giảng về lý thuyết rồi quay trở về bài toán.
Lần này anh làm xong - anh vươn vai một cách thật khoan khoái, và muốn đánh thức con dậy ngay lúc đó cho nó coi - Anh chỉ bỏ ý định ấy khi nhìn đồng hồ đã chỉ một giờ đêm và nghe tiếng con ngáy nhẹ đều ở giường bên.
Anh tưởng rằng sau phút tự hào đã vượt được một khó khăn anh sẽ ngủ ngon lắm. Nhưng không, cái bài toán thiếu chút nữa đã làm anh vấp đổ, cái bài toán lớp đệ tam đó còn lởn vởn mãi trong đầu anh.
May mà anh đã tìm ra lời giải. Nếu không xong, anh không hiểu sáng hôm sau sẽ nói với con sao, và thằng Tùng sẽ nghĩ sao về ba nó?
Nó còn tin rằng ba nó với bác Hải đã luôn luôn dẫn đầu lớp về toán ở trường Bưởi nữa không? Lại còn những thành tích khác của thời học sinh mà ba nó vẫn thường kể lại - mắt sáng và giọng say sưa - cốt để khuyến khích nó, lúc bấy giờ chắc nó sẽ cho cũng đại loại như tài làm toán kia thôi.
Lần này thì chưa sao, nhưng với sự học mỗi ngày mỗi tiến của con, liệu anh còn vượt qua trôi chảy được bao nhiêu lần nữa. Dầu sao cũng có lúc anh sẽ chồn chân đứng lại như con ngựa đua già ngập ngừng trước giậu chắn cao.
Anh có cảm tưởng là các con anh chờ đợi ở anh nhiều thứ quá - Đối với tuổi chúng một người cha chịu nhiều thiếu thốn để nuôi con hình như chưa đủ. Muốn được chúng nó thật kính phục, có lẽ ba nó còn phải đá banh hay, thả diều tài, câu cá giỏi, trả lời được những câu hỏi oái oăm của chúng về các kiểu xe hơi hay về cách phóng vệ tinh.
Anh không có đủ những cái tài kia nhưng làm toán thì anh không thua nhiều người. Từ trước đến nay, thằng Tùng vẫn chịu ba nó là giảng kỹ và dễ hiểu hơn cả ông giáo ở trường. Điểm đó làm đẹp lòng tự ái của anh không ít. Vì thế mà bài toán hôm nay đối với anh như là một thách đố.

*

Sáng hôm sau thằng Tùng vừa dậy, anh đã cho nó coi bài giải. Nó cũng chẳng hỏi ba nó đã phải thức bao lâu mới làm xong. Nó chép vội chép vàng vào quyển vở rồi đi học, không nghĩ gì đến cám ơn, hình như nó coi việc ba nó phải giúp nó là chuyện dĩ nhiên.
Buổi trưa hôm đó, ở trường về thằng Tùng cũng chẳng nói cho ba nó nghe nó được bao nhiêu điểm. Hình như nó đã quên cả chuyện bài toán rồi - Chính Văn phải gạn hỏi:
“Thế nào bài toán thầy giáo bảo sao?”
Lúc đó nó mới trả lời, với một giọng chán chường không thể nào chịu được ở miệng một đứa trẻ:
“Ba làm đúng cũng như không, ba đặt sai dấu phẩy”.
Thằng Tùng nói thật mà anh thấy như mình bị châm chọc. Anh bắt nó đưa vở cho anh coi và trước sự hiển nhiên anh mới chịu tin là mình lầm. Giá không làm được còn đỡ tức, đằng này làm đúng chỉ vô ý mà thành sai. Văn chẳng khác một tay cao cờ, đang cơ thắng, lỡ một nước đi để sa vào thế bại. Anh không nói gì ra ngồi vào bàn ăn, gõ mấy đầu ngón tay xuống mặt bàn, mỗi lần ngón tay mổ xuống anh lại trút được một ít bực dọc đang âm thầm dày vò anh. Có lúc anh đang gõ, bỗng nắm cả bàn tay lại đấm mạnh lên một chút. Giữa lúc đó thằng Long, thằng con thứ hai của anh, đi học về, quần áo xộc xệch, dáng điệu lấm lét. Đi qua chỗ anh, nó hơi nghiêng mặt đi như giấu diếm cái gì. Anh gọi nó lại, nó che tay lên má rồi mới tới gần, mắt dò xét chờ đợi từng cử chỉ của ba nó.
Anh kéo tay nó xuống và thấy trên má một vết cào dài - Anh hỏi:
“Đánh nhau với đứa nào?”
Nó mếu máu như muốn khóc rồi kể lại:
“Thằng Đắc nó khoe bố nó đi xe máy như bay, nó bảo ba ngủ gật trên tay lái, đã thế lưng lại còn còng như lưng tôm. Con tức quá, con đánh nó và nó cào con”.
Anh nhìn vết thương của con mà thấy như đau xót trên má mình. Trước mắt các con, anh đã phơi bầy nhiều bằng chứng về sự sút kém của anh. Làm toán thì sai, đi xe máy lại ngủ gật và còng lưng tôm. Thế này thì quá lắm rồi - Anh không để cho ai chế nhạo anh hơn nữa. Anh phải làm sao cho các con anh kính phục anh, tin tưởng anh như cũ. Anh quay xuống dưới bếp quát to lên cho chị Văn nghe thấy:
“Dọn cơm đi thôi chứ”.
Bữa cơm cuối tháng rất sơ sài. Món chính là món giá đậu xào - Thằng Tùng, thằng Long ăn uống lơ đãng. Chúng kể cho nhau nghe chuyện những thằng bạn ở trường được ba mẹ cho hàng trăm bạc đi ăn quà. Câu chuyện càng làm tăng vẻ nghèo nàn của bữa cơm.
Con Bích, con gái út của anh, cứ ngồi chống đũa chẳng ăn miếng nào. Nó vốn sợ giá đậu, nó kêu tanh và nếu dọn món đó không bao giờ nó dám đụng đũa.
Văn càu nhàu với vợ:
- Làm sao mà không mua món khác?
- Anh không biết cho nỗi khổ của người đi chợ. Tiền có hạn, lại phải tính ăn đổi món, đâu có phải chuyện dễ. Mà nó cũng làm trò ra thế. Người ta ăn được cả chứ có sao đâu.
Văn gắp đầy giá vào bát cơm của con gái rồi gắt lên: “Ăn đi”.
Hai thằng anh thấy như sấm sét đang lởn vởn trong bầu không khí, cúi đầu xuống, và thật nhanh. Con Bích vẫn lấy hai tay đẩy bát ra: “Tanh lắm! Con sợ lắm!”.
Anh không thể kiên nhẫn hơn được nữa anh giơ tay tát nó một cái.
Tất cả nỗi giận của anh về bài toán đặt sai dấu phẩy, về chuyện thằng Đắc cào mặt thằng Long và chê anh ngủ gật trên xe như đã nổ tung ra theo cái tát đó.
Con Bích òa lên khóc. Anh vẫn chưa tha. Anh cầm đũa gạt một miếng giá qua hai hàm răng ương ngạnh của nó rồi quát to: “Muốn sống thì nuốt ngay”. Nó vẫn cưỡng lại - Anh tát thêm cho nó một cái nữa. Lần này nó mới chịu nghe và nó đành nuốt miếng giá đầu tiên trong đời nó, miếng giá tanh nuốt cùng với nước mắt mằn mặn.
Trông cái dáng nó ăn một cách khó nhọc và ghê tởm anh chợt nhận ra mình đã đi quá mức nhưng bầy giờ lùi lại thì lần sau còn bảo được ai. Anh quay sang phía thằng Tùng, thằng Long, thét lên:
“Còn hai thằng kia nữa, liệu cái hồn”.
Văn tưởng rằng sau khi bắt vào khuôn phép đứa con bướng bỉnh, anh sẽ nguôi cơn bực tức. Nhưng không anh chỉ buồn thêm - Trông con Bích dúm dó trước sự phũ phàng của anh, đầu gục xuống bên những hạt cơm, cọng giá vương vãi, đôi vai thỉnh thoảng lại giật lên, anh thấy hối hận về sự bất công của mình.
Cả nhà không ai nói chi cả, và sự im lặng mới lạnh lùng làm sao. Chưa kịp nghĩ thêm về việc mình mới làm anh đã thấy rõ là mình thất bại. Anh có cái cảm giác khó chịu của một người đang đi bỗng bước hụt.
Suốt ngày hôm đó, mấy đứa con như muốn lảng tránh anh - Cả những ngày sau con Bích cũng không sán tới gần ba như mọi khi nữa. Chung quanh anh có một khoảng trống khiến anh sống giữa người thân mà thấy lẻ loi. Anh thèm nhớ những lúc con cái quấn quít bên mình mà cả mấy đứa nhỏ hình như cũng đang chờ ở ba nó một cử chỉ gì gần gụi. Thôi thì làm toán sai cũng được, ngủ gật trên xe cũng chẳng sao, con Bích không ăn giá anh sẽ bảo làm cho nó món khác, chứ còn không có chúng nó ôm ấp quấy phá, anh sẽ không sao chịu nổi.
Con Bích đang lúi húi chơi ở góc nhà. Anh nhìn con, mắt chan chứa tình thương. Anh rón rén đến đằng sau con, bế bổng lên, rồi ôm nó vào lòng. Nó đưa bàn tay mũm mĩm đẩy cằm anh ra và ngắm nghía ba nó với đôi mắt nghi hoặc. Một lúc lầu nó mới khẽ hỏi:
“Bây giờ ba lại yêu con hả ba?”
Anh ôm chặt đầu nó vào ngực mình, day đôi má mình lên mái tóc nó, rồi trả lời:
“Có bao giờ ba không yêu con”.
Tiếng anh thốt ra nghe như một tiếng rên.
Không biết con Bích có hiểu không? Không biết thằng Tùng, thằng Long có hiểu không?