Cãi nhau

     hẳng qua chỉ tại sáng chủ nhật đó trời đẹp. Sau trận mưa đêm, không khí vừa nhẹ vừa mát, lòng người tự nhiên tung tăng như những trái bóng phơ phất bay trước gió. Văn nảy ra ý rủ vợ đi chơi, và vợ hưởng ứng ngay.
Anh sửa soạn rất nhanh rồi đứng ngắm vợ trang điểm trước gương. Anh chợt khám phá ra rằng hai vợ chồng sống bên nhau mười lăm năm rồi tưởng không còn đường nét nào là không quen thuộc thế mà đến hôm nay anh mới nhận ra vợ có một cái gì duyên dáng anh chưa từng biết. Đôi mắt chị mở to đang nhìn sâu vào trong gương, thỉnh thoảng chị lại ghé sát mắt vào nhìn cho rõ hơn. Chị đưa ngón tay vuốt
nhẹ lên lông mày, kéo mấy sợi tóc xuống trước trán rồi khẽ uốn cho tóc cong cong. Kể ba con rồi, giữ được thế này là khá lắm. Cô trước cửa mới ngoài hai mươi mà có vẻ còn già hơn mình. Ồ, cái mụn này mọc ngay dưới cằm khó chịu quá!
Chị khẽ mỉm cười để có dịp bằng lòng hơn về hình ảnh trong gương, nhưng chợt thấy anh bắt gặp được cử chỉ đỏm đáng của mình, chị vội đưa son lên môi rồi nói lảng:
- Hai năm giời mà vẫn chưa hết một cây son.
Văn tiến lại gần, để tay lên vai vợ - Da thịt cô này hôm nay mát lạ. Mũi vợ hênh hếch, hênh hếch, trông ngộ quá, anh nắm lấy cái mũi đó giật một cái. Anh giật cũng khá mạnh mà vẫn thấy chưa diễn được hết những ý nghĩ đang trào lên ở lòng mình.
Chị Văn vùng vằng đứng dậy, vứt cây son ra mặt bàn:
- Đùa lối gì mà lạ thế?
Văn ngơ ngác như đứa trẻ thò tay vào lồng, vuốt ve con chim bỗng thấy nó xù lông ra mổ túi bụi. Tỏ tình với vợ mà cũng khó vậy. Không đúng lúc, không đúng cách, ý nghĩ đẹp nhất cũng trở nên thô lậu.
Văn nhìn đồng hồ rồi nói rất nhẹ:
- Thôi sửa soạn đi không muộn.
- Chẳng đi đâu cả.
Mũi chị Văn vẫn còn đỏ gay, một chút sáp son nguệch lên trên mép khi anh đụng phải tay chị, làm cho miệng chị ngoác thêm ra, khiến anh vừa buồn cười vừa thương hại.
- Đi, chóng anh đền một bữa xi-nê và một chầu kem.
Kể ra lời đề nghị hòa của anh nghe cũng xuôi tai đấy nhưng không hiểu tại sao chị không bằng lòng:
- Đi với ai thì đi - Còn tôi, tôi xin ông cho tôi được ở nhà.
- Cô nói thế nào tôi không hiểu.
- Có gì mà không hiểu. Ai làm thì người đó biết. Ở ngoài thì nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa, về nhà với vợ con là dằn vặt, hành hạ.
- Tôi dằn vặt gì cô mà tôi nưng hứng gì ai?
Câu hỏi đó đã như là cái nút người ta nhận xuống làm xổ tung ra tất cả những điếu u ẩn mà ngày thường chị Văn vẫn gác một bên. Nay anh đã muốn biết, chị sẽ kể ra bằng hết, để anh hiểu rằng từ trước đến nay chị không muốn nói đấy thôi, chứ còn chẳng điều gì thoát khỏi mắt chị.
Thế là anh đứng sững người ra để nghe chị nhắc lại rành rọt những sự lệch lạc, những tình ý của anh từ ngày chưa lấy chị đến bây giờ.
- Ừ lúc chưa cưới muốn sao cũng được, nhưng ngay hôm cưới mà hãy còn toét miệng hót như khướu với mẫy cô phù dâu.
- Đã chạy tản cư mà vẫn tính nào tật nấy. Hôm qua đò Nhõng máy bay bắn ầm ầm, người ta vai đeo bị, tay bế thằng Tùng rã cánh ra chẳng thấy đỡ đần gì cả. Con Sinh nó chạy có một mình, thì nào cầm lẵng hộ nó ư, nào dắt nó xuống đò ư, thế không là nưng hứng là gì?
- Vợ dặn năm lần bảy lượt vẫn quên, con Hiền nó nhờ mua hộp thuốc thì chạy khắp tỉnh mua lấy được, lúc về lại còn: “Dạ thôi ạ - chị Văn vừa nói vừa dợt miệng ra nhại tiếng anh - chị khỏi phải tính toán chẳng đáng bao nhiêu ạ”.
Toàn là những mẩu chuyện như thế cả. Ký ức người đàn bà thiên lệch một cách đáng sợ. Chiều chuộng họ một ngàn lấn họ vẫn quên được dễ dàng, nhưng nếu có lần nào, chỉ một lần thôi mình có cử chỉ gì sơ ý họ sẽ chôn chặt trong trí nhớ suốt đời không phai.
Văn không thể nào chịu được sự bất công đó và anh chống trả kịch liệt. Hai người lúc đầu còn mỉa mai, chua chát sau giọng nói mỗi lúc một cao. Có đoạn Văn gầm thét lên, chị ta lại khẽ rít giữa hai hàm răng:
- Này vừa vừa chứ, hàng xóm người ta đang cười cho kìa.
Nhưng anh vừa dịu giọng đi, chị lại kiếm được cách trêu chọc rỉa móc, khiến anh không nhịn nổi phải hét ầm lên. Trận cãi nhau cứ lằng nhằng từ chuyện nọ sang chuyện kia. Lúc tám giờ sáng mới còn là chuyện anh nắm mũi chị, nhưng đến mười giờ sáng giá có nói tới bỏ nhau có lẽ hai người cũng chẳng tiếc thương gì nữa.
Khi mới lấy nhau, hai vợ chồng Văn tưởng rằng họ sẽ không bao giờ cãi nhau được. Họ đã lấy làm ngạc nhiên thấy Lương, ông anh họ bất cứ chuyện gì cũng mè nheo với vợ, nào lòng lợn thiếu rau thơm, bún thang không cà cuống, nào muỗi chui đốt trong mùng, gió lùa qua khe cửa, không mấy khi đến Lương chơi mà gặp được một bộ mặt không nhăn nhó. Văn đã phải kêu lên:
- Đời sống thế khác gì hỏa ngục mà sao họ chịu nổi nhỉ?
Đến lượt vợ chồng anh, tuy chẳng đến nỗi quanh năm xô xát, nhưng cũng đã nhiều lần điều qua tiếng lại, anh bỏ cơm, chị khóc sưng cả mắt. Mà nguyên nhân nào có to tát gì cho cam? Toàn chuyện cái tơ cái tóc.
Chuyện to, họ lại không cãi nhau - Hồi còn ở hậu phương, chị giao anh cầm một cái túi vải đựng cái kiểng vàng, ít đồ nữ trang cùng tất cả vốn liếng của hai vợ chồng. Văn mải xem anh hàng bán thuốc rong làm trò ảo thuật, nhìn ra túi đã bị rạch mà không hay. Chị Văn tuy xót xa công lao bao nhiêu năm dành dụm chỉ bảo chồng:
- Thôi anh đừng buồn - Em không đeo vàng cũng chẳng sao.
Cũng con người êm ả, dịu dàng đó, có lúc đã chồm chồm lên hung hăng một cách đến ghê sợ, trách móc Văn về những chuyện không đâu, trong khi chính Văn không tìm ra mình có lỗi gì. Chẳng bao giờ chị Văn chịu là mình lầm cả. Bao giờ lẽ phải cũng về chị. Không biết lẽ phải nó là cái gì mà vợ chồng trao xương gửi thịt cho nhau còn được, nhưng nói đến lẽ phải thì không ai chịu nhường ai. Anh cũng cảm thấy trong cuộc đời hàng ngày chị Văn không thể sống một cách cởi mở như anh nghĩa là gặp đâu nói liền đấy khỏi phải vấn vương nghĩ ngợi. Hoặc là vì tính kín đáo, hoặc vì muốn tránh cho con cái người nhà chứng kiến cảnh bất hòa giữa hai vợ chồng, chị đã nén chặt nhiều nỗi ấm ức, kịp đến khi nói được ra thì phải trút hết những khó chịu chồng chất bấy lâu, trước khi tích lũy những bực dọc mới.
Anh cũng thường tự nhủ vợ chồng cãi nhau chẳng qua như người nằm ngủ trở mình, nằm mãi một chiều thấy ê ẩm, nên thỉnh thoảng cũng xây đi, trở lại tìm một thoải mái mới.
Vì thế dù có cãi nhau đấy rồi họ lại chiều quý nhau. Nhưng lần này thật chị đi quá mức rồi. Ai đời chồng chỉ có bẹo yêu vào mũi mà chu chóe, giận dỗi làm như chồng đã phản bội không bằng. Anh sẽ không thèm nói với vợ câu nào nữa trong ít nhất một tháng giời cho mà coi.
Từ lúc cãi nhau với vợ, anh thấy vợ mất hết cả vẻ ưa nhìn. Mặt khó đăm đăm, chân tay lõng thõng, quần áo lôi thôi. Những ngày trước kia sao anh không nhận ra những nét xấu ấy nhỉ? Mà anh lấy vợ làm gì cho khổ thân anh nhỉ?
Chị nhìn anh cũng chẳng còn thấy đẹp đẽ chỗ nào. Lầm lầm, lì lì, cằm bạnh ra, gân trán nổi lên. Người đâu mà chiều chuộng thế nào cũng chưa vừa ý. Vợ chưa nói hết lời đã mắng át, lúc nào đuối lý lại im lặng một cách khinh khỉnh. Được đã muốn thi gan, chị sẽ lì ra đấy xem ai thua ai.
Hai đứa con trai anh chị Văn rủ nhau đi khỏi nhà chơi đùa cho yên ổn. Chúng đã có kinh nghiệm cay chua là giữa tình thế đang găng chúng lẩn quẩn gần bố mẹ là dễ gặp những tai họa bất ngờ.
Đứa con gái út trái lại cứ sán chặt bên chị Văn. Nó hỏi han chị thật dịu dàng và nhìn bố một cách bất mãn. Có lẽ nó cho rằng mẹ nó đã yếu đuối hơn nên cần phải sự bảo vệ của nó. Hay là một linh tính nào đã báo trước cho nó biết sau này nó cũng sẻ gặp những cảnh tương tự nên nó tập trước cách đối phó?
Dầu sao Văn cũng thấy ghét lây cả con gái út đã về hùa với mẹ chẳng biết đâu là phải, trái cả.
Hai vợ chồng Văn mới không nói nhau vài tiếng đồng hồ mà nghe chừng đã lâu quá. Nhất là đối với anh. Từ trước đến nay Văn đã phó mặc vợ việc tổ chức đời sống hàng ngày. Anh chỉ biết tháng tháng nộp chị tiến lương đều đều, còn công việc trong nhà chị lo sao thì lo. Cái áo đứt cúc, đôi vớ phải mạng là anh kêu chị, thăm chị bạn mới sanh, mừng cô cháu lấy chồng, anh lại kêu chị, cần tiền hớt tóc, mua báo, cũng lại chị. Kể ra lúc thuận hòa êm đẹp, đóng vai ông chồng biếng nhác, chờ vợ đi trước từng ý muốn của mình, cũng là một cái thú. Nhưng đến khi giận nhau mới thấy là bất lợi. Văn đã quen nếp sống ý dựa vào vợ rồi nên nhiều việc anh cần phải hỏi vợ quá. Mà cất lời hỏi vợ bây giờ có khác nào nhận là mình trái nên phải làm lành. Không, chị Văn có muốn đấu dịu thì chị bước trước, còn anh chẳng việc gì anh phải chịu nước lép.
Chị Văn ngồi khâu ở một góc phòng, tay đưa kim một cách uể oải, mắt tưởng như chỉ nhìn vào mũi kim không để ý đến xung quanh nhưng thật ra anh làm gì chị cũng biết. Chị cũng thấy nóng ruột lắm rồi. Đằng đẵng một tuần lễ mới tới ngày chủ nhật tưởng được sống một ngày vui vẻ thế mà hai vợ chồng cứ câm lặng, ghẻ lạnh mãi thế này, còn ai chịu nổi. Chồng đâu mà có thứ chồng gan thế nhỉ? Bây giờ anh chỉ nói với chị một câu thôi hay để cho cho chị bấu trả lại một cái, chị sẽ quên hết giận hờn. Có ai bắc hộ một cái cầu giữa hai thế giới xa xăm này không?
Bỗng có tiếng gõ cửa và tiếng thằng Tùng chào:
- Lạy hai bác ạ - Ba mẹ cháu có nhà đấy ạ.
Văn cau mặt lại - Bạn bè nào mà lại nhằm đúng lúc này đến thăm. Chị Văn xếp vội thúng khâu, rồi tất tả chạy ra bên gương chải lại đầu. Thằng Tùng nói vọng vào trong nhà:
- Thưa ba mẹ, có hai bác Thiệu tới chơi đấy ạ.
Văn đằng hắng một tiếng, lấy lại tự nhiên, rồi bước ra phòng khách. Vừa thấy bạn anh đon đả mời chào như không có chuyện gì xảy ra. Chị Văn lúng túng mãi. Chị mất nhiêu thì giờ mới tìm thấy bình tĩnh, lúc chào khách dáng điệu chị hãy còn nhiều nét ngượng ngùng. Vợ chống Thiệu hôm nay không biết vô tình hay hữu ý mà nói chuyện đến ẫm ờ:
- Gớm anh Văn dạo này trông cứ phây phây ra thôi, không biết chị nuôi anh ấy thế nào mà khéo thế!
- Dạ thưa hai bác tôi đoảng lắm ạ, chả được việc gì.
- Hai ông bà thật gương mẫu, ngày nghỉ cũng chẳng đi đâu, lúc nào cũng quấn lấy nhau.
Văn cười rồi đáp:
- Chết anh chị chớ tin vào bề ngoài.
Trong khi tiếp khách, hai vợ chồng Văn đều dùng những câu mập mờ, nhiều nghĩa như vậy. Khách nghe có thể tưởng là họ nói nhún mình nhưng chỉ riêng hai vợ chồng mới hiểu được cái dụng ý chua chát.
Thiệu thật vui tính lại có tiếng cười giòn tan nên câu chuyện mỗi lúc một đậm đà. Anh chị Văn như lây cái vui của Thiệu quên dần những phút gay go buổi sáng. Lúc đầu anh chị còn tránh không nhìn nhau, sau anh đã quay sang nhìn chị, chị quay lại nhìn anh. Chị Văn đưa chén nước mời anh Thiệu, nhưng khách ngồi hơi xa, chị còn đang vươn ra thì Văn đã đỡ chén trong tay vợ, đặt giúp trước mặt khách. Văn hơi mỉm cười khi nhìn thấy trên lưng bàn tay chị hãy còn sót lại vết son sáng nay. Chồng chỉ khẽ chạm vào tay mình thế mà chị Văn cũng thấy một cảm giác gì rất êm dịu.
Hai vợ chồng định tâm chỉ đóng kịch cho khách khỏi nhận thấy họ vừa có chuyện bất hòa, không dè kịch đóng khéo quá đến nỗi xóa nhòa cả cuộc xung đột.
Anh chị Thiệu tới chơi hôm nay chủ đích để mời vợ chồng Văn đi ăn cưới đứa con giai đầu lòng. Chị Văn quay sang chị Thiệu:
- Chóng thế đấy - Bao giờ mới đến lượt thằng Tùng nhà tôi?
- Chẳng bao lâu đâu chị ơi. Bọn mình là sắp có cháu nội, cháu ngoại đến nơi cả rồi.
Văn cười phá lên - Anh vừa chợt nghĩ đến cuộc cãi lộn sáng nay. Sắp có dâu có rể rồi mà vợ chồng hãy còn chí chóe với nhau như con nít.
Lúc tiễn bạn ra về, anh chị Văn còn nói với theo:
- Thế nào vợ chồng chúng tôi cũng xin tới mừng anh chị và ăn cỗ cháu.
Chị Văn quay trở vào trong nhà trước, Văn đi theo sau bỗng cất tiếng hỏi trống không:
- Hôm nào cưới?
Chị Văn trả lời bâng quơ:
- Thứ năm sau.
Một làn gió ở đâu thổi tới làm nhẹ bay tà áo chị, Văn nhìn lên thấy lưng vợ còn óng ả lắm.