Ông Ba kim

     ăn xuống xe hấp tấp hơn mọi ngày. Anh lấy sức nhấc bánh trước lên cho xe qua bậc cửa. Chiếc bàn đạp quay trở lại đập vào chân anh làm anh buột ra một tiếng tục tĩu.
Anh vào bếp thấy vợ đang lom khom nhóm than, má ửng hồng trông đến hay. Anh áp cổ tay trái mình vào sát tai vợ. Vợ không quay lại, khẽ hỏi:
- Mua rồi hả?
- Ừ, mua rồi.
- Bao nhiêu?
- Tám.
- Đắt thế!
- Chưa biết ra làm sao mà đã kêu đắt. Cách đây vài tháng bác Tân mua một cái, kiểu năm ngoái, mà còn phải trả bảy ngàn hai.
- Ờ thế những tám ngàn cơ à! Tưởng mua một cái bảy tám trăm dùng tạm ai ngờ đâu lại rước cả một cái tám ngàn.
Văn lùi lũi đi ra phòng ngoài.
Cả bữa ăn trưa hôm đó, anh ăn uống chểnh mảng, mắt hết đưa về phía vợ lại nhìn xuống cổ tay. Vơ vẫn lầm lì. Anh gợi chuyện:
- Cái này tiện ở chỗ không phải lên dây.
- Anh đã đóng tiền học cho con chưa?
- Quên làm sao được. Này em xem này. Có cả lịch, chỗ chỉ ngày lại có một cái kính lồi lên, trông rõ lắm.
- Tháng này lại còn phải mừng con bác Tám lấy vợ.
- Dây da cá sấu thật đấy nhé.
- Tháng sau lại giỗ Thầy.
- Vỏ bơi hẳn hoi, anh có thể cứ đeo nguyên thế này nhảy xuống nước mà không việc gì.
- Người lạ thật. Nói một đằng thì lại cứ bắt chuyện một nẻo.
Văn thấy mình trái, không nói thêm nữa, ăn vội cho xong bữa rồi đi vào trong bếp lấy cái búa, lúc trở ra cầm nhăm nhăm ở tay. Anh tiến lại gần vợ, khẽ hỏi:
- Cho anh xin một cái đinh.
- Làm sao lại phải đinh?
- Treo lên chứ để ở dưới mấy ông con táy máy nghịch hỏng mất.
- Đến giờ ngủ trưa mà lại đem đinh ra đóng, không đề hàng xóm nghỉ à?
- Thế nào cũng phải treo lên đã.
Văn hơi ngạc nhiên thấy giọng nói của mình hôm nay cứng rắn khác hẳn mọi ngày.
Có đinh rồi, anh chọn đóng ngay ngắn, ngay trên đầu giường. Mọi lần khác đóng đinh thì hoặc chỏi tay không vào, hoặc vừa mới đóng đinh đã ngập lút trong vữa. Lần này đinh vào, vừa ngọt vừa đâm làm Văn thấy một cảm giác khoái trá rung từ đầu búa truyền vào cánh tay. Anh lấy ngón tay trỏ níu cái đinh xuống ướm thử mấy lần xem có thật chắc không.
Với một cử chỉ vừa khoan thai vừa trịnh trọng, anh tháo một cái dây cá sấu ở cổ tay ra, rồi treo cái đồng hồ mới mua vào cái đinh vừa đóng.
Trưa hôm đó anh chẳng ngủ gì cả, nằm nghĩ lan man mắt lúc nào cũng dán vào cái đinh.
Anh thấy bực mình với vợ lạ. Chị Văn mua bán thức gì, anh có bao giờ nói vào nói ra đâu, thế mà hễ đến lượt anh sắm sửa là y như chị ta bằng cách này hay cách khác tỏ vẻ không tán thành. Hoặc cho là không biết mà cả để phải chịu mua đắt, hoặc cho là sắm một món vô vị, chẳng dùng vào việc chi hết. Không biết những người đàn bà khác có giống chị Văn mà coi chồng như một anh chàng ngớ ngẩn hay không?
Kể ra anh cũng đã lầm lẫn nhiều lần, nhưng lần này thì nhất định anh không sai. Đã một tháng nay anh đi thăm gần hết các tiệm đồng hồ lớn, ngắm nghía đủ mọi kiểu, so sánh đủ mọi giá, trả ướm một vài lần rồi lại phải tính luôn cách tháo lui khi chủ tiệm thuận bán. Anh đã rụt rè cân nhắc, đã biết hết cả những nỗi lưỡng lự day dứt của sự chọn lựa, trước khi quyết định hẳn việc mua chiếc đồng hồ này.
Anh cho rằng chị Văn trong thâm tâm chắc cũng phải nhận là tuy đi mua có một mình không có chị bên cạnh, anh cũng đã chọn được một cái đồng hồ thật khéo. Nhưng vì đã lâu nay chị trót đóng vai thành thạo mất rồi nên chị phải khăng khăng từ chối không cho anh chia sẻ độc quyền tháo vát của chị.
Có thể là chị cũng tiếc tiền. Tám ngàn đồng! Dành dụm cả năm may ra mới được số tiền đó. Anh thừa hiểu như vậy nhưng thử hỏi xem có người đàn ông nào biết tiêu xài mà chịu dùng một cái đồng hồ dưới tám ngàn không?
Chưa đến giờ anh đã trở dậy, đến bên cái đinh và với một cử chỉ trịnh trọng như lúc tháo dây ra, anh lại đeo dây vào cổ tay.
Chị Văn vẫn nằm im như ngủ say lắm - Tức thật không có ai mà nói chuyện đồng hồ cả. Người đàn bà kỳ cục thế đấy! Có những lúc chồng cần một người bạn tâm sự thì người vợ cho đó không phải việc mình. Bây giờ mình nói chuyện với ai khác thì lại không bằng lòng.
Văn chợt nghĩ đến Tường, người bạn làm cùng một hãng buôn với anh. Tường có vẻ biết nhiều về đồng hồ, nhưng giờ này còn sớm quá hãng chưa mở cửa. Anh đi đi lại lại trong phòng, vẻ mặt vừa sốt ruột vừa sung sướng y như một anh nóng nảy có hẹn với người tình. Có lúc anh đưa tay trái lên áp vào tai, mắt nhắm thật say sưa, miệng lẩm bẩm: “Tiếng kêu có khác thật. Tanh, tanh, tanh, tanh... nghe giòn ghê”.
Không chờ được lâu hơn, anh dắt xe ra cửa, đi làm sớm hơn ngày thường đến mười lăm phút. Nghe tiếng xe vừa lạch bạch nổ, chị Văn nhỏm dậy ngay, hình như trước đây chị đã cố gắng nằm yên lâu quá, nay chồng đi khỏi, chị được đứng lên thoải mái hơn nhiều. Chị nói với theo tiếng xe đang tắt dần ở đằng xa: “Rõ điên, hàng trăm món tiêu mà ném ngay đi được tám ngàn”.
Gần đến sở, có một khúc đường xấu, xe xóc lên dằn xuống. Văn co tay trái lên để cho nó khỏi chịu cái sức rung của tay lái. Anh nghĩ thầm: “Để nó rung, dễ hại máy lắm”. Và thấy bằng lòng mình đã đủ thông minh biết co tay lên.
Sở vắng ngắt, chưa có ai tới cả. Văn vào phòng, vặn quạt lên, ngồi xuống ghế, để cánh tay trái lên mặt bàn, ngắm nghía, rồi tay phải rút khăn ra, lách vào trong dây, lau sau lưng cái đồng hồ:
“Nó cam đoan vỏ không gỉ, nhưng cứ cẩn thận là hơn”.
Tường hôm nay không biết có công việc gì mà mãi chưa thấy đâu. Khi Tường tới, Văn lúng túng như đã làm một điều gì xấu trong khi vắng mặt bạn.
Tường đến bên bàn Văn, nói một hai câu rồi trở về chỗ mình, không nhận thấy gì mới ở nơi Văn cả.
Hai người ngồi làm việc một hồi lâu, Văn nóng ruột quá, lại trước mặt Tường chìa cổ tay ra hỏi:
- Anh trông có được không?
Tường sửa lại cặp kính cho ngay ngắn rồi ngắm nghía với dáng điệu khoan thai của một tay sành sỏi:
- Được lắm - Kiểu mới đây. Tốt lắm đấy nhé.
- Anh thử đoán xem bao nhiêu?
- Ít nhất cũng trên tám ngàn.
Văn thấy nở nang từng khúc ruột, ở trên đời không gì thú bằng gặp được một anh biết người viết của.
Từ bữa đó có cái gì đổi thay ở nơi Văn. Anh ở nhà đến sở sớm hơn. Anh từ sở về nhà chậm hơn. Anh chỉ trích những người tới chậm. Anh cằn nhằn khi thấy vợ sửa soạn lâu. Hình như bây giờ đời sống của anh được dốc hết vào sự theo đuổi một tiêu chuẩn: giữ sao cho đúng giờ, cho mình đúng giờ, cho người xung quanh đúng giờ.
Mỗi khi đi qua Nhà thờ Lớn, Nhà Bưu điện, Bộ Kinh tế, chợ Bến Thành hay một nhà hàng nọ ở đường Tự Do, anh không bao giờ quên ngước mắt nhìn lên rồi lại cúi xuống cổ tay mình để so sánh. Ở chỗ này anh gật đầu khen đúng, ở chỗ khác anh lắc đầu chê chậm hay nhanh. Khi tiếp các khách hàng, anh không thể nào không liếc xuống cổ tay xem đồng hồ họ đeo kiểu gì và đang chỉ mấy giờ. Anh cũng biết tò mò như vậy là không tốt nhưng anh không thể nào tự kiểm chế nổi - Làm sao có thể khác được khi người ta làm chủ một bộ máy tinh mật, một công trình kỹ thuật hoàn hảo như cái đồng hồ của anh.
Gần hãng của Văn có xưởng kỹ nghệ kéo còi tầm rất đúng. Văn thường nói với Tường: “Tôi muốn thưởng cho anh chàng kéo còi quá”. Và cứ đến trưa khi bên kia tiếng còi tầm nổi lên thì bên này Văn giơ tay trái ra khoe với Tường: “Ba kim lại chập một rồi”. Có hôm vui vẻ hơn Văn bảo Tường: “Anh làm ơn tìm hộ tôi hai chiếc kim kia đâu, chỉ còn có một kim thôi”.
Lẽ tất nhiên muốn thành công trong trò chơi đó, Văn đã phải tính toán nhiều. Chỉ khi nào biết chắc còi với đồng hồ ăn nhịp với nhau và lựa một lúc thuận lợi nhất giữa hồi còi ngân nga anh mới giơ tay ra.
Dầu sao trò chơi đó cũng làm cho Văn nổi tiếng. Buổi trưa sắp đến lúc còi tầm, anh em trong hãng lại nhắc tới Văn, và Văn được mang biệt hiệu là ông “Ba kim chập một”. Có khi muốn vắn tắt hơn, họ gọi anh là ông “Ba kim” hay ông “Chập một”, nhưng muốn gọi cách nào, khi nghe đến tên đó ai cũng biết chỉ có thể là Văn thôi.
Văn không khó chịu về biệt hiệu đó, lại hãnh diện là đằng khác. Và anh cũng phải cố gắng để giữ cho xứng đáng với cái tên mới này.
Chiều chiều anh tìm bắt cho được đài phát thanh Luân Đôn để lấy giờ cho thật đúng và hôm nào bận việc gì quên đi, anh hậm hực như đã có một thiếu sót lớn lao.
Khổ công như thế mà đã có một lần anh không được đền bù. Một buổi lễ nọ, anh được nghỉ tới hai ngày rưỡi, nên bộ máy tự động của anh được treo lên cái đinh lâu quá đã chạy hết cả sức dây thiều. Tới ngày đi làm, khi anh đeo đồng hồ vào tay cũng không dè rằng ba cái kim đã nằm chết cứng không biết bao lâu, nay nhờ sự cử động của tay anh mới bắt đầu chạy lại. Cả buổi sáng hôm đó anh bận quá, chỉ đến lúc gần giờ tầm, nhìn xuống cổ tay anh mới chợt nhận thấy sự tai hại. Mặt trời gần tới đỉnh đầu rồi mà cái đống hồ tốt, cái đồng hồ chưa bao giờ sai của anh mới chỉ có năm giờ. Làm sao đầy? Chỉ một chút xíu nữa thì anh buột miệng hỏi giờ Tường. May mà anh nhớ ra kịp. Ông “Ba kim” lại đi hỏi giờ sao? Câu chuyện không có gì, sao anh thấy như đau đớn đến cả thể xác?
Càng tới gần mười hai giờ trưa thì anh càng thấy nôn nao.
Tiếng còi tầm bỗng nổi lên như xé. Anh đưa mắt thật nhanh xuống cổ tay rồi lùi lũi đi ra.
Từ đầu đến cuối Tường vẫn không hay chi cả.
Khi Văn ra đến gần cửa, Tường bỗng nắm tay trái Văn, kéo sát lên gần mắt, và hỏi bạn: “Nào, xem có chập một không nào?” Văn rút tay lại thật nhanh và gắt lên: “Này đừng có đùa nhả”.
Tường trố mắt nhìn Văn không hiểu tại sao vẫn là trò chơi thường ngày mà Văn lại có thể giận dữ đến như vậy.