Phần thứ Hai
P2.Chương 15

    
iữa lúc sáu người góp vốn tuyệt vọng. Lý Trọc đã trở về đầy vẻ phong trần. Lý Trọc xa thị trấn Lưu đã ba tháng mười một ngày. Anh ta ra khỏi bến ô tô đường dài của thị trấn Lưu chúng tôi vào lúc chiều tối, vẫn mặc bộ quần áo như cũ, vẫn một tay xách túi, một tay cầm tấm bản đồ thế giới cuộn lại. Bước vào cửa hiệu điểm tâm của bà Tô, anh ta ngồi trước một chiếc bàn. Bà Tô không nhận ra Lý Trọc. Khi ra đi, đầu anh ta trọc lốc sáng loáng. Lúc trở về lại là mái tóc dài, râu ria đầy mặt. Lý Trọc đập tay lên bàn nói to một tiếng:
- Bà Tô, cháu đã về!
Bà Tô giật nẩy mình. Chỉ mái tóc dài của Lý Trọc, bà Tô sửng sốt kêu lên:
- Cháu, cháu, sao cháu lại thế này?
- Bận sắp chết bà ạ - Lý Trọc lắc lư cái đầu nói - ở Thượng Hải cháu bận kinh khủng, không có thời gian cắt tóc.
Hai tay bà Tô nắm trước ngực, nhìn con gái Tô Muội cũng đang ngạc nhiên đứng bên cạnh, bà thận trọng hỏi Lý Trọc:
- Thế nào buôn bán có thành không?
- Đói sắp chết đến nơi! - Lý Trọc nói với bà Tô - Cháu đói lã cả người, bà mau mau lấy cho cháu năm chiếc bánh bao nhân thịt.
Bà Tô vội vàng sai Tô Muội bưng ra cho Lý Trọc năm chiếc bánh bao nhân thịt. Lý Trọc chộp luôn một chiếc tống vào mồm. Giọng ồm ồm, anh ta nói với bà Tô:
- Bà báo ngay cho bọn anh Đồng, ra nhà kho họp, ăn xong bánh bao cháu sẽ đến.
Vẻ mặt của Lý Trọc khiến bà Tô cảm thấy anh ta đã ký được nhiều hợp đồng làm ăn. Bà gật đầu lia lịa, quay người ra cửa, hấp ta hấp tấp chạy đi. Đi được hai mươi mét, sực nhớ đến nhà kho đã trả lại người ta, bà lại hấp ta hấp tấp quay về. Đứng ở cửa, bà Tô lo lắng nói:
- Hay là cứ đến cửa hiệu thợ rèn của anh Đồng mà họp?
Mồm ngậm đầy bánh bao, Lý Trọc không nói được, đành phải gật đầu liền mấy cái.
Như được thánh chỉ, bà Tô chạy về ngõ Thành tây của thị trấn Lưu chúng tôi. Chạy đến cửa nhà ông Trương thợ may, bà Tô gọi rõ to:
- Lý Trọc đã về...
Bà Tô gọi liền bốn tiếng ông Trương, Tiểu Quan và ông Dư cùng đến. Nghe thấy tiếng bà Tô, anh Đồng cũng lao ra cửa. Cả bốn người đứng trước cửa hiệu thợ rèn, nghe bà Tô thở hổn hà hổn hển kể Lý Trọc bước vào cửa hiệu điểm tâm với vẻ mặt hồ hởi như thế nào, vỗ bàn nói oang oang ra sao. Nghe hết lời giới thiệu một cách ngắt quãng của bà Tô, anh Đồng ngẫm nghĩ một lát, tươi cười nói:
- Thành rồi, việc đã thành rồi!
- Chúng ta nghĩ xem - Anh Đồng nói tiếp - Nếu việc không thành, Lý Trọc đâu có hung hăng như thế? Liệu còn báo chúng ta đến họp không? Có mà lẳng lặng chuồn, tránh mặt từ lâu rồi. Ông Trương thợ may, tiểu Quan mài kéo và ông Dư nhổ răng gật đầu lia lịa, vui mừng chửi toáng lên:
- Tên khốn nạn, tên khốn hạn, tên khốn nạn...
Anh Đồng thợ rèn cười, hỏi bà Tô:
- Tên khốn nạn luôn mồm nói giọng Quảng Đông giống như một nhà buôn Hồng Kông chứ bà?
Bà Tô nghĩ kỹ, lắc đầu đáp:
- Vẫn luôn luôn nói giọng thị trấn Lưu.
Anh Đồng có phần không tin. Anh bảo:
- Thế nào chẳng có mấy câu tiếng Thượng Hải?
- Câu Thượng Hải cũng không - Bà Tô đáp.
- Tên khốn nạn không đến nỗi mất gốc - Anh Đồng khen Lý Trọc một câu.
- Tóc anh ta dài lắm, nom y như một ca sĩ - Bà Tô gật gật đầu nói.
- Tôi hiểu rồi - Anh Đồng tỏ ra thông minh - Tên khốn nạn đúng là tim cao hơn trời, ngay đến nhà buôn Hồng Kông cũng không lọt mắt. Anh ta đã học tập nhà buôn nước ngoài. Các ông các bà thử nghĩ, Các Mác và ăng ghen đều là người nước ngoài, đều để tóc dài và râu quai nón.
- Đúng rồi - Bà Tô kêu lên - Mặt anh ta toàn râu là râu.
Bà Tô lúc này là phần tử tích cực. Bà lau mồ hôi trán, bảo còn phải đi thông báo cho ông Vương bán kem một tiếng. Tiểu Quan mài kéo bảo vừa giờ trông thấy ông Vương tay xách chai xì dầu đi khỏi ngõ thành tây. Bà Tô lập tức vội vàng chạy ra ngõ phía tây thành phố, chạy đến cửa hàng xì dầu.
Anh Đồng, ông Trương, ông Dư và Tiểu Quan ngồi trong cửa hiệu thợ rèn. Bốn người phấn khởi mặt đỏ tưng bừng, há mồm cười khà khà, giống như bốn người mắc bệnh thần kinh, cứ đi đi lại lại, va chạm lung tung trong cửa hiệu. Anh Đồng là người đầu tiên bình tĩnh lại. Anh vẫy tay ra hiệu cho ba người kia ngồi cả xuống ghế băng. Anh bảo Lý Trọc chưa biết chúng ta đã trả nhà kho, đã cho ba mươi cô thợ may nông thôn về quê và chia ba mươi chiếc máy khâu. Anh bảo, biết chuyện này, Lý Trọc có thể sẽ nổi giận đùng đùng, có thể sẽ chửi một lô một lốc những câu bậy bạ trái tai. Anh Đồng bảo với ba vị Trương, Quan, Dư.
- Tay Lý Trọc hễ mở mồm chửi là cứ tằng tằng nổ ra hàng tràng như súng máy, xin các vị không nên bực tức, phải hết sức bình tĩnh, cứ để anh ta chửi chán chửi chê một trận cho đã. Sau đó hãy giải thích cho anh ta biết cái khó của mình.
- Anh Đồng nói đúng - Tiểu Quan đáp - Đừng nói chửi tôi, cứ cho là chửi Lão Quan bố tôi, chửi bố tôi là cái vòi phun máu chó, Tiểu Quan này cũng sẽ không bực tức.
- Phải rồi - Ông Dư nhổ răng nói - Chỉ cần Lý Trọc kéo về một khoản làm ăn lớn, dù có chửi mười tám đời tổ tông nhà tôi mười tám lượt, Dư nhổ răng vẫn tươi cười tiếp đón.
Anh Đồng đã yên tâm. Anh nhìn một lượt chung quanh cửa hiệu của mình. Anh bảo trong cửa hiệu không có cái ghế nào ra hồn. Anh chàng Lý Trọc dù sao cũng đã khải hoàn trở về, nên giành cho hắn ngồi một cái ghế tử tế. Anh Đồng vừa dứt lời, ông Dư nhổ răng lập tức ra khỏi cửa, chuyển cái ghế nằm sợi mây của ông đến. Ông Trương và Tiểu Quan trông thấy chiếc ghế sợi mây vá chằng vá đụp của ông Dư, như tấm bản đồ thị trấn Lưu, cứ lắc đầu quầy quậy, bảo chiếc ghế này tồi tàn quá thể. Ông Dư tỏ vẻ không vui, chỉ vào chiếc ghế cưng của mình, ông nói:
- Nhìn vào thì tồi tàn, nằm xuống êm đáo để.
Lúc này bà Tô và ông Vương bán kem hớt hơ hớt hải bước vào. Vừa bước vào bà Tô đã bảo trông thấy Lý Trọc đang nghênh ngang đi đến. Anh Đồng thợ rèn vội vàng nằm thử xuống chiếc ghế sợi mây kiểm nghiệm xem sao. Sau khi nằm thử, anh Đồng tán thành ý kiến của ông Dư:
- Cũng êm êm.
Khi anh chàng Lý Trọc tóc dài râu rậm, trông dáng dấp như một nhà buôn nước ngoài bước vào cửa hiệu thợ rèn, nhìn thấy nụ cười sung sướng trên mặt sáu bạn góp vốn của mình kính cẩn đứng đó, Lý Trọc ha ha cười, nói oang oang:
- Lâu lắm mới gặp lại!
Anh Đồng thợ rèn trông thấy Lý Trọc đầy vẻ bụi trần, cung kính mời anh ta ngồi vào chiếc ghế sợi mây:
- Cuối cùng, anh bạn đã trở về, anh bạn vất vả quá!
Năm người kia cũng nói theo:
- Anh bạn vất vả quá.
- Không vất vả - Lý Trọc xua tay nói - Làm ăn buôn bán không được kêu vất vả.
Anh Đồng và mọi người đều gật đầu rối rít, hì hì cười Lý Trọc không ngồi vào ghế mây. Anh ta ngồi luôn lên ghế băng, để cả túi du lịch và bản đồ thế giới lên ghế băng. Anh Đồng và mọi người đều cố tình mời Lý Trọc ngồi vào ghế mây của ông Dư. Lý Trọc lắc đầu xua tay, còn nháy mắt với anh Đồng. Anh ta nói:
- Tôi ngồi ghế băng. Kể ra ghế băng còn là người yêu cũ của tôi.
Anh Đồng phá lên cười. Anh nói với ông Trương, ông Vương, ông Dư, Tiểu Quan và bà Tô:
- Tôi đã từng nói, Lý Trọc không mất gốc đâu mà.
Nhìn thấy sáu người bạn góp vốn đều đứng, Lý Trọc bảo mọi người ngồi xuống. Sáu người đều lắc đầu bảo không muốn ngồi, đứng thế này rất tốt. Lý Trọc gật gật đầu đồng ý để họ đứng. Lý Trọc bắc chân chữ ngũ, tựa lưng vào tường, cho mình thoải mái dễ chịu, tỏ vẻ sẵn sàng nghe báo cáo công việc. Lý Trọc nói:
- Tôi đi hơn ba tháng. Tình hình ở nhà tiến triển ra sao?
Sáu bạn góp vốn nhìn nhau im như thóc. Sau đó ông Trương, ông Vương, ông Dư, Tiểu Quan và bà Tô nhìn cả vào anh Đồng. Do dự một lát, anh Đồng bước lên một bước như lên núi dao, ho mấy tiếng, hắng giọng, rồi từ từ trình bày. Anh Đồng lần lượt nói rõ đầu đuôi sự việc đã diễn ra sau khi Lý Trọc đi. Cuối cùng anh Đồng bảo:
- Cũng là do tình hình bức bách buộc chúng tôi phải làm thế, mong anh bạn hết sức thông cảm.
Nghe anh Đồng trình bày, Lý Trọc cúi đầu. Sáu bạn góp vốn nhìn Lý Trọc thấp thỏm không yên, thầm nghĩ chỉ cần tên khốn nạn này ngẩng đầu lên, chắc chắn sẽ nổi lên một trận chửi mắng. Nhưng Lý Trọc đã khoan hồng đại lượng, vượt ra khỏi dự kiến của mọi người. Anh ta nói:
- Giữ được núi xanh, không sợ hết củi đun.
Cả sáu người thở phào nhẹ nhõm. Sáu trái tim lo ngay ngáy đã yên tâm. Sáu khuôn mặt căng thẳng sau khi thư giãn đã tươi cười. Anh Đồng thợ rèn hứa với Lý Trọc:
- Chỉ trong một ngày, nhà kho sẽ thuê trở lại, ba mươi máy khâu sẽ mang ra. Chỉ cần hai hôm, ba mươi cô gái nông thôn sẽ có mặt.
Lý Trọc gật gật đầu, sau đó bảo:
- Không vội.
Không vội là thế nào? Sáu bạn góp vốn há mồm trợn mắt nhìn Lý Trọc. Lý Trọc ngồi bắc chân chữ ngũ trên ghế băng, vẫn tỏ ra thoải mái dễ chịu. Đến giờ phút then chốt, mười con ngươi mắt của năm vị Trương, Quan, Dư, Vương, Tô lập tức nhìn vào một mình anh Đồng theo thói quen, chỉ mong anh Đồng đứng ra nói chuyện. Anh Đồng lại bước lên bước nữa, thận trọng hỏi:
- Anh bạn đi hơn ba tháng, tình hình bên Thượng Hải có tiến triển gì không?
- Thượng Hải, là một thành phố lớn - Vừa nghe hai tiếng Thượng Hải, Lý Trọc lập tức phấn chấn hẳn lên - Cơ hội kiếm tiền nhiều như lông lợn, nước dãi cũng đổi được vàng..
Ông Trương thợ may thận trọng sửa lại lời nói của Lý Trọc:
- Có phải nhiều như lông bò hay không?
- Còn ít hơn lông bò một chút - Lý Trọc nói một cách thực sự cầu thị - Không kém lông lợn mấy cái đâu.
Sáu bạn góp vốn thấy Lý Trọc đột nhiên tươi tỉnh, nhìn nhau mỉm cười an ủi. Lý Trọc tiếp tục khảng khái, xúc động nói:
- Thượng Hải, thành phố lớn, cứ đi vài bước lại thấy một nhà ngân hàng. Người đến gửi tiền lấy tiền bên trong xếp thành hàng dài. Máy đếm tiền kêu soàn soạt. Công ty bách hoá cao hàng mấy tầng, lên lên xuống xuống như leo núi. Người bên trong đông nghìn nghịt như trong rạp chiếu bóng. Trên phố lớn càng khỏi phải nói, từ sáng đến tối chen đi chen lại, chen tới mức loài người không còn giống loài người, chen tới mức, mẹ kiếp, như đàn kiến dọn nhà...
Lý Trọc cứ thao thao bất tuyệt kể về thành phố lớn Thượng Hải. Nước bọt bắn tung toé ra thị trấn Lưu bé cỏn con, bắn lên mặt anh Đồng thợ rèn. Anh Đồng giơ tay chùi mặt, nhìn năm người kia ai cũng đang khà khà cười nhăn nhở, chẳng ai biết Lý Trọc đã lạc đề ngàn dặm.
Anh Đồng thợ rèn đành phải ngắt lời Lý Trọc, một lần nữa thận trọng hỏi:
- Anh bạn đã bàn chuyện làm ăn với Công ty may mặc Thượng Hải...
- Bàn chứ! - Không chờ anh Đồng nói hết, Lý Trọc đã giương giương đắc ý đếm ngón tay - Bàn với không dưới hai mươi công ty may mặc, trong đó có ba Công ty còn là hãng buôn nước ngoài...
Anh chàng Tiểu Quan sửng sốt kêu lên:
- Cho nên cậu giống như Mác - Ăngghen.
- Mác-Ăngghen cái quái gì? - Lý Trọc không hiểu ý Tiểu Quan. Ông Trương thợ may đứng ra giải thích:
- Cậu để tóc dài râu xồm, chúng tôi đoán cậu bàn bạc buôn bán với nhà buôn nước ngoài, cậu đã học kiểu dáng của người ta.
- Kiểu dáng nhà buôn nước ngoài cái quái gì?- Lý Trọc vẫn chưa hiểu.
Anh Đồng lại thấy sắp lạc đề lập tức tiếp lời:
- Chúng mình muốn nói đến chuyện làm ăn buôn bán, anh bạn đã bàn bạc thế nào rồi?
- Bàn tốt - Lý Trọc đáp - Đâu chỉ bàn làm ăn buôn bán, ngay đến nhãn mác hàng hoá cũng đã trao đổi thông suốt với họ...
Bà Tô lên tiếng:
- Cho nên cậu đã gửi điện báo cho tôi, sửa mác xu chiêng Bánh bao thịt thành mác Điểm tâm phải không?
Lý Trọc nghĩ kỹ lại, mắt sáng lên nói to:
- Đúng, đúng, đúng...
Bà Tô đắc ý nhìn năm người kia. Bốn người Trương, Quan, Dư, Vương gật đầu rối rít. Anh Đồng nghĩ bụng, mẹ kiếp lại sắp sửa đi lạc đề. Anh vội vàng bảo Lý Trọc:
- Anh bạn bàn bạc với hai mươi công ty, đã bàn xong với mấy công ty?
Lúc này Lý Trọc mới "ái à", thở dài một tiếng buồn rượi rượi. Tiếng thở dài đã lọt vào tai sáu người kia, giống như sáu chậu nước lạnh hắt vào sáu cái đầu đang lên cơn sốt. Sáu sắc mặt vừa hớn hở lên đã sa sầm xuống. Lý Trọc lần lượt nhìn từng người, giơ năm ngón tay nói:
- Năm năm trước tôi đi Thượng Hải kéo việc làm cho Xưởng phúc lợi, chỉ cần đem theo bức ảnh chụp kỷ niệm toàn gia đình Xưởng phúc lợi, cộng thêm lòng chân thành và nhiệt tình của mình, là thuyết phục được từng nhân viên nghiệp vụ của mỗi công ty, kéo về cho Xưởng phúc lợi từng lô từng lô hàng gia công. Giờ đây, năm năm sau, tôi cầm tấm bản đỏ thế giới đi Thượng Hải ký kết hợp đồng làm ăn buôn bán, so với năm năm trước, chân thành hơn, nhiệt tình hơn, cũng thông thuộc hơn, nhưng...
Năm ngón tay xòe ra của Lý Trọc chụm lại, biến thành động tác đếm tiền:
- Bây giờ thời đại khác rồi, xã hội đã thay đổi, phải dựa vào đút lót hối lộ mới kéo được hợp đồng. Tôi hoàn toàn không ngờ luồng gió tiêu cực, lối làm ăn bất chính lại thổi nhanh đến thế, mạnh đến thế...
Năm ngón tay của Lý Trọc không đếm tiền nữa, lại duỗi thẳng đung đa đung đưa:
- Mới có năm năm, luồng gió ấy đã thổi khắp lục địa Trung Quốc...
Sáu bạn góp vốn nghe tới mức hai mắt đờ đẫn. Anh Đồng thấp thỏm không yên, cất tiếng hỏi:
- Anh bạn có đút lót, có hối lộ không?
- Không - Lý Trọc lắc lắc đầu - Cuối cùng khi tôi phát hiện ra thứ đạo lý cứng rắn này, thì số tiền trong túi tôi chỉ còn đủ mua một chiếc vé ô tô trở về.
- Như thế có nghĩa là - Anh Đồng nói giọng run run - Một hợp đồng anh bạn cũng không thoả thuận được?
Lý Trọc trả lời một cách dứt khoát như đinh đóng cột:
- Không thoả thuận được.
Câu trả lời của Lý Trọc như một tiếng sét đánh giữa trời quang mây tạnh, làm sáu cái đầu choáng váng, im lặng nhìn nhau. Ông Trương thợ may là người phản ứng đầu tiên. Nhìn anh Đồng thợ rèn, toàn thân run run, ông nói:
- Tiền mồ hôi xương máu của chúng tôi đã mất như thế sao?
Anh Đồng thợ rèn lúc này cũng mất hết chủ động, nhìn ông Trương thợ may, anh không biết gật đầu hay lắc đầu. Ông Vương bán kem thì khóc hu hu. Vừa khóc, ông vừa nói:
- Đây là số tiền cứu mạng của tôi!
Bà Tô cũng hu hu khóc hai tiếng, sau đó chợt nhớ mình chưa đóng tiền liền nín ngay. Tiểu Quan và ông Dư sợ toát mồ hôi. Hai người hoang mang nhìn Lý Trọc, lắp ba lắp bắp nói:
- Lý Trọc, Lý Trọc, làm sao nhà ngươi để mất như vậy?
- Không thể nói mất - Lý Trọc nhìn sáu khuôn mặt hồn xiêu phách lạc, nói một cách kiên quyết - Thất bại là mẹ thành công, chỉ cần mọi người lại góp cho tôi một trăm suất tiền, tôi lập tức đi Thượng Hải, đút lót cho từng đứa, hối lộ cho từng công ty, bảo đảm sẽ kéo về cho chúng ta từng hợp đồng làm ăn lớn. Ông Vương bán kem vẫn đang khóc hu hu. Ông lau nước mắt nói với anh Đồng:
- Tôi không có tiền.
Anh Đồng nhìn ông Dư và Tiểu Quan đang đầy vẻ sợ hãi, lại nhìn ông Trương toàn thân đang run run, lắc lắc đầu thở dài thườn thượt nói:
- Chúng tôi đâu còn tiền!
- Các ông không có tiền ư? - Lý Trọc đầy vẻ thất vọng, vung tay nói - Vậy thì tôi cũng bó tay, đành chịu mất hơn bốn trăm đồng tiền của tôi vào đấy.
Nói xong, Lý Trọc nhìn sáu người bạn góp vốn đang hoang mang không biết làm thế nào, không nhịn nổi cười hai tiếng. Ông Vương bán kem nhìn Lý Trọc, hỏi anh Đồng:
- Sao hắn vẫn còn cười được?
- Được thua là chuyện thường tình của nhà binh. Bậc đại trượng phu thắng cũng được, thua cũng không sao - Lý Trọc giơ tay chỉ sáu người góp vốn - Sáu người các ông mặt mày ủ rũ, mới có một chút mưa gió đã không chịu nổi, giống như sáu tên tù binh...
- Mẹ kiếp - Anh Đồng lửa giận ngút trời - Mày mới giống một tên tù binh!
Anh Đồng vung bàn tay phải cầm búa, tát vào mặt Lý Trọc một cái đánh bốp, như búa bổ, Lý Trọc từ ghế băng ngã xuống đất. Anh Đồng gầm lên:
- Bố mày bỏ ra bốn ngàn đồng chứ ít à!
Lý Trọc ôm mặt nhảy khỏi nền nhà, bực tức nói:
- Làm kiểu gì? Làm kiểu gì?
Sau đó lại ngồi lên ghế băng, lại bắc chân chữ ngũ, vừa ta vẻ cần phải làm rõ phải trái với anh Đồng, thì ông Trương, ông Dư và Tiểu Quan, ba cái mồm đã thét lên ba tiếng "ba ngàn đồng", xô vào đá Lý Trọc một trận túi bụi. Lý Trọc kêu oai oái nhảy lên ngồi xổm trên ghế băng, luôn mồm kêu "làm kiểu gì". Ba người Trương, Quan, Dư cũng đá chân vào nhau kêu đau đớn. Ông Vương bán kem bi tráng nhất. Ông gào lên ai oán "năm trăm đồng" của tao, rồi lao vào như lấp lỗ châu mai, ôm chặt vai Lý Trọc, há mồm cắn như ăn thịt, dường như ông muốn cắn ra một mảng da thịt trị giá năm trăm đồng nhân dân tệ. Réo lên như con lợn bị chọc tiết, Lý Trọc nhảy khỏi ghế, vẫy mạnh mấy cái, mới thoát khỏi hàm răng nhọn sắc của ông Vương bán kem. Thấy tình hình bất lợi, Lý Trọc xách túi và bản đồ thế giới chạy ra ngoài cửa hiệu lò rèn. Dừng ở ngoài cửa, Lý Trọc biết mình đã thoát khỏi miệng hổ, chỉ vào những người trong nhà, Lý Trọc giận giữ nói:
- Làm kiểu gì? Làm kiểu gì? Buôn bán không thành, thì còn nhân nghĩa, chúng ta có thể ngồi lại bàn bạc tử tế với nhau.
Lý Trọc vốn còn muốn tiếp tục nói lý với mọi người. Trông thấy anh Đồng cầm búa xồng xộc xông ra, Lý Trọc vội vàng nói:
- Hôm nay không nói nữa!
Hảo hán không để thiệt trước mắt, Lý Trọc co cẳng chạy, chạy nhanh hơn cả chó và thỏ. Anh Đồng cầm búa sắt đuổi ra tận đầu ngõ mới đứng lại, gào thét lên với Lý Trọc đang hoảng loạn chạy trốn:
- Mẹ kiếp mày nghe đây, từ nay trở đi, hễ gặp lần nào, bố mày lại cho một trận. Bố mày sẽ cho mày ăn đòn đời đời kiếp kiếp.
Nói xong những lời hùng hồn, anh Đồng thợ rèn quay về, nghĩ đến bốn ngàn đồng của mình đổ hết xuống sông xuống biển, anh lập tức héo quắt như giống cà chua bị sương muối. Bốn vị Trương, Vương, Dư, Quan nghĩ đến khoản tiền của mình như ném mảnh sành văng trên mặt nước, người nào cũng nước mắt lưng tròng. Trông thấy anh Đồng xách ngược búa bước vào, ông Vương bán kem khóc thành tiếng đầu tiên. Ông Trương thợ may khóc hu hu nói:
- Tiền mồ hôi xương máu của chúng ta thế là đã mất sạch rồi sao?
Vừa nói ra câu này, Tiểu Quan và ông Dư đã òa khóc. Anh Đồng vứt chiếc búa xuống cạnh lò than, ngồi vào chiếc ghế sợi mây của ông Dư, giơ nắm đấm thụi vào đầu mình. Anh Đồng coi đầu anh là đầu Lý Trọc, cứ đấm huỳnh huỵch, như đánh trống.
- Mình là thằng khốn nạn chó đẻ - Anh Đồng tự chửi mình - Tại sao mình lại cả tin vào tên khốn nạn chó đẻ Lý Trọc!
Tiểu Quan và ông Dư cũng không nhịn nổi, đấm vào đầu mình, chửi rủa thậm tệ:
- Mấy người chó đẻ chúng tôi...
Bà Tô là người duy nhất không mất tiền. Nhìn mấy người bạn góp vốn ai cũng đấm đầu chửi rủa bản thân, bà Tô cũng khóc. Vừa lau nước mắt, vừa nghẹn ngào, bà nói:
- May mà tôi đã đi chùa thắp hương...
Tự đánh mình đến nỗi đầu choáng mắt hoa, anh Đồng nghiến răng nghiến lợi tuyên thề:
- Thằng khốn nạn Lý Trọc, bố mày thề không đánh mày thành chằng què, thằng ngố, thằng mù, thằng điếc, bố mày không là người.
Ông Vương bán kem khóc thảm thương muốn chết. Nghe lời thề của anh Đồng, ông cũng lau nước mắt, nét mặt "gió rít căm căm, nước sông lạnh buốt", giống như đòi Kinh Kha đâm chết vua Tần, ông vung nắm đấm lên thề:
- Lão dứt khoát phải đánh cho hắn thành kẻ tàn tật...
Tiểu Quan và ông Dư cũng hằm hằm thề độc. Tiểu Quan mài kéo thề phải cắt dái Lý Trọc, cắt mũi cắt tai Lý Trọc, cắt ngón tay ngón chân Lý Trọc. Ông Dư nhổ răng thề phải nhổ răng trong mõm Lý Trọc, phải rút xương trong thân thể Lý Trọc. Cho dù đã thề như vậy, các ông vẫn không hả giận, các ông tiếp tục thề độc lại cắt lại nhổ, phải cắt phải nhổ Lý Trọc thành một một quyển đại từ điển tàn tật. Ông Trương thợ may là một người có văn hoá, ăn nói cũng giống như một chiến sĩ nghĩa quân. Ông bảo mình hận lắm, hận chẳng thể cắt béng đầu Lý Trọc. Để chứng minh lời nói của mình không phải trò đùa, ông Trương bảo dưới gầm giường của mình đang cất giấu một con dao quân dụng Nhật Bản, tuy đã han rỉ, chỉ cần đến chỗ Tiểu Quan mài hai tiếng đồng hồ sẽ sắc sáng loáng, cắt được cổ Lý Trọc.
Nghe những câu nói xơi xơi căm giận, những lời thề độc của năm người góp vốn, bà Tô khiếp vía, sắc mặt xám ngoét. Nghe ông Trương thợ may bảo phải cắt đầu Lý Trọc, bà cứ tưởng thật. Nhìn cánh tay yếu ớt như thư sinh của ông Trương, không nhịn nổi, bà Tô lo lắng hỏi:
- Cổ Lý Trọc to bằng bắp đùi, ông cắt được không?
Ông Trương thợ may ngẩn người, sau đó nghĩ kỹ, cảm thấy không dám chắc, ông sửa lại:
- Không nhất thiết phải cắt đầu hắn.
- Không cắt được đầu hắn - Tiểu Quan mài kéo nói to - cũng phải cắt hai hòn dái hắn.
Lúc này ông Trương thợ may lắc đầu không đồng ý. Ông nói:
- Chuyện bỉ ổi đó, tôi không làm được.