Dịch giả: Nguyễn Thanh An
- 5 -

    
12
rư Cốc đi tới trước cửa hiệu truyền thần, Tam Lại Tử đang ngồi bên trong, cứ như đang suy nghĩ vấn đề gì quan trọng vậy, lông mày hắn nhíu lại. Hắn nhìn thấy Trư Cốc, mặt Trư Cốc vàng ệch như người mắc bệnh gan vì chỉ có những người mắc bệnh gan thì sắc mặt mới vàng như vậy. Từ trước tới giờ Tam Lại Tử chưa từng có cảm tình với những người trong đội bảo vệ, không phải do Trư Cốc khinh bỉ, không coi hắn là người mà còn là vì trong mắt Tam Lại Tử, chúng đều là bọn chó, chó dựa thế chủ chuyên ức hiếp người khác. Trong mắt Tam Lại Tử, Trư Cốc cũng là một con chó.
Trư Cốc bước qua ngưỡng cửa.
Tam Lại Tử lạnh lùng hỏi: “Đến đây làm gì?”.
Trư Cốc cố cười đáp lại: “Chủ tịch mới, ông Vương Bình Thuận bảo tôi tới thông báo với anh....”
Tam Lại Tử nhanh chóng cắt đứt nữa chừng: “Vương Bình Thuận bảo mày tới bảo tao rời khỏi cửa hiệu truyền thần, đúng không?”.
“Đâu có, đâu có, chủ tịch Vương mến mộ anh, sau khi ông ấy nhìn thấy bức truyền thần anh vẽ cho Du Trường Thủy thì luôn mồm khen anh là nhân tài của thị trấn Đường. Chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, mà đã học được nghề vẽ của Tống Kha. Đúng là bậc kỳ tài, Chủ tịch Vương bảo tôi tới nhắn với anh rằng, sau này anh cứ ở trong cửa hiệu truyền thần. Sẽ không có ai đuổi anh đi đâu, từ nay về sau anh sẽ là họa sĩ của thị trấn Đường.”
Tam Lại Tử không nói gì.
Trư Cốc ngửi thấy mùi tanh thối, hắn cảm thấy buồn nôn, liền nhanh chóng chuồn khỏi cửa hiệu truyền thần.
Tam Lại Tử nhìn theo bóng hắn, lòng thầm nghĩ: “Sao trên người mày lại có mùi chết chóc thế?”.
Những ngày này luôn có một lũ hồn ma tụ tập bay lượn trên thị trấn Đường, chúng vừa bay lượn vừa kêu gào những tiếng rất kỳ lạ.
Trư Cốc truyền đạt lời của Vương Bình Thuận xong liền đi về nhà. Lúc này, hắn rất yêu quý ngôi nhà của mình, chỉ cần có thời gian rảnh hắn lại mò về, trong lòng hắn lúc nào cũng có hình bóng của Phùng Như Nguyệt. Người dân trong thị trấn ai cũng biết việc Trư Cốc đưa hai bố con ông già mù về. Có người nữa đùa nữa thật trêu hắn: “Đội trưởng Trư Cốc à, anh định dùng lồng vàng nhốt mỹ nhân đấy à, khi nào mới chịu đưa cô ấy ra hát cho chúng tôi nghe khúc Thập bát mô đây?”. Trư Cốc liền giả vờ rút súng moze ở hông ra rồi dọa: “Nếu còn ăn nói lung tung nữa, ông mày bắn một phát nát cái đầu chó bây giờ”. Thực ra, trong lòng Trư Cốc vô cùng đắc ý, hắn cất súng vào bao, cười thầm rồi vội vã bỏ đi. Ông Vương Bình Thuận cũng biết chuyện này, ông ta hỏi Trư Cốc, có phải đã có ý với cô gái kia không. Trư Cốc không tỏ rõ thái độ. Ông ta liền nhấn nhá khuyên hắn:
“Trư Cốc à, cháu là cháu ruột của chú, chủ cũng chẳng ngại nói thật với cháu. Cháu bây giờ cũng đã lớn tuổi rồi, cháu nên lấy vợ sinh con đi, nhưng cháu lại lôi đầu bố con nhà ông mù kia về nhà, miệng lưỡi thiên hạ đáng sợ lắm đấy. Có một số chuyện nói ra thì hơi khó nghe, nhưng quả thật chú cũng thấy xấu hổ. Chú muốn tìm cho cháu một cô gái con nhà gia giáo, cháu xem thế nào?”
Trư Cốc nghe cảm thấy bực bội trong lòng, nhưng không tiện phản bác lại, dù gì thì Vương Bình Thuận nói cũng có lý, Trư Cốc đành giả vờ mượn cớ bỏ đi. Hắn cũng chẳng muốn nghe thêm những lời khó nghe kia nữa. Lòng hắn thầm nghĩ, tôi cứ thích Phùng Như Nguyệt kia đấy, liên quan quái gì tới ông chứ.
Trư Cốc đi vào ngõ Đôi Mễ, một bầy cú mèo đen cứ kêu gào kỳ quái rồi xông thẳng từ góc khuất trong ngõ ra, chúng bay vèo vèo qua đầu Trư Cốc, cuốn theo gió lạnh quét qua người hắn.
Bất giác Trư Cốc nhớ tới ngày Du Trường Thủy chết, trên cây táo ở ủy ban bỗng đâu đáp xuống vô số cú mèo, bây giờ lũ cú mèo đó lại xuất hiện trong ngõ Đôi Mễ, lẽ nào có người trong nhà sẽ chết ư? Nhà mình cũng ở trong ngõ này, lẽ nào... Trư Cốc không dám nghĩ tiếp nữa, vội vàng về nhà.
Trư Cốc mở cửa nhà, mùi ngải cứu hun nồng nặc phà vào mặt hắn, từng lọn khói màu xanh nhạt bay ra từ khe cửa căn phòng bố con Phùng Như Nguyệt. Tại sao Phùng Như Nguyệt lại hun ngải cứu trong phòng? Trư Cốc đi vào phòng khách, khi hắn định gõ cửa phòng Phùng Như Nguyệt thì đột nhiên một người xuất hiện từ phía sau ôm chặt lấy hắn. Hắn quay đầu lại nhìn, hóa ra là bố hắn - ông Vương Bình Ích. Ông ta ghé sát vào tai hắn thì thầm: “Con lấy Phùng Như Nguyệt đi, con hãy lấy Phùng Như Nguyệt đi!”.
Bàn tay gầy gò của ông Vương Bình Ích rắn chắc lạ thường, ông ta cứ ôm chặt Trư Cốc, lưng hắn đã bị siết đau đến mức không chịu nổi.
Trư Cốc vội nói: “Bố, bố bỏ tay ra”.
Trên khuôn mặt ông Vương Bình Ích xuất hiện nụ cười gượng gạo: “Con đồng ý lấy Phùng Như Nguyệt thì bố mới buông tay”.
Lòng Trư Cốc phân vân khó hiểu, không hiểu tại sao bố mình ban đầu còn phản đối kịch liệt chuyện đưa hai bố con ông già mù vào nhà ở. Thế nhưng chỉ vài ngày sau lại trầm mặc không nói năng gì, vậy mà bây giờ đột nhiên dở chứng muốn hắn lấy Phùng Như Nguyệt?
Trư Cốc bất lực trả lời: “Bố à, bố mau buông tay ra đi, con hứa với bố con sẽ lấy Phùng Như Nguyệt”.
Ông Vương Bình Ích dần buông lỏng tay, không để ý gì tới Trư Cốc nữa. Ông ta lầm lũi đi vào phòng mình, vừa đi vừa nói như ma nhập: “Lấy Phùng Như Nguyệt, lấy Phùng Như Nguyệt”.
Sao bố mình lại trở nên điên điên khùng khùng vậy chứ? rốt cuộc là cái gì đã biến ông trở thành như vậy? Lúc này, cửa phòng Phùng Như Nguyệt bật mở, Phùng Như Nguyệt bước ra, cửa phòng phía sau tự động đóng lại, Trư Cốc còn nghe thấy tiếng chốt cửa. Khuôn mặt Phùng Như Nguyệt đỏ bừng, đôi mắt long lanh đáng yêu, cô ta thẹn thùng hỏi han Trư Cốc: “Anh à, anh về rồi ư? Em đi nấu cơm trưa cho anh nhé!”.
Trư Cốc thắc mắc: “Như Nguyệt à, em làm vậy là sao hả?”.
Phùng Như Nguyệt cúi đầu đáp: “Bố em vẫn bệnh tật mãi như vậy, trong phòng bốc mùi nên em đi hái lá ngải về hun trong phòng, làm vậy sẽ khử được mùi hôi”.
Trư Cốc nghĩ một lát thấy Phùng Như Nguyệt nói cũng có lý.
Có điều ông mù Phùng sao lại ở lỳ trong phòng không ra ngoài vậy chứ? Theo lý, nếu đã bệnh như vậy thì nên ra ngoài phơi nắng không biết chứng bệnh tình thuyên giảm. Trư Cốc hỏi: “Như Nguyệt à, sao em không đưa bố ra ngoài tắm nắng?”.
Phùng Như Nguyệt khẽ đáp: “Bố em sợ nhìn thấy ánh sáng bệnh của ông ấy hễ tiếp xúc với ánh nắng lại nặng thêm, vì thế, đành phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong nhà thôi”.
Trư Cốc thắc mắc: “Lúc mới tới nhà anh, chẳng phải em nói ông ấy chỉ bị đói thôi đúng không, thực ra không bệnh tật gì đúng không?”.
Phùng Như Nguyệt buồn bã đáp: “Thực ra, bố em mắc một căn bệnh hiểm nghèo, lúc đó, em sợ anh sẽ không cưu mang hai bố con em nên buột mồm nói vậy thôi. Bệnh của bố em là sợ ánh sáng, chỉ cần ông ấy nhìn thấy ánh sáng thì sẽ bị ngất. Ông ấy mắc phải căn bệnh này, trước đây từng chữa trị rất nhiều thầy lang, nhưng họ đều không kết luận được là bệnh gì. Những ngày này, thật vất vả, thiệt thòi cho anh phải cho hai bố con em tá túc. Bệnh tình của bố em đang dần có chuyển biến tốt em thực sự mong ông ấy có thể khỏe lại”.
Trư Cốc thở dài thông cảm.
Anh cũng mong ông khỏe lại, Như Nguyệt à, để anh vào thăm ông một lát nhé!
Vừa nghe Trư Cốc nói vậy, Phùng Như Nguyệt bỗng căng thẳng: “Anh à, anh, anh đừng vào, em sợ mùi kỳ lạ trên người ông ấy khiến anh không thở được mất. Chờ khi nào bệnh của ông ấy thuyên giảm, thì anh có thể tự nhiên thăm được. Bây giờ, bây giờ không được, bố em cũng không muốn anh nhìn thấy bộ dạng ông ấy lúc này”.
Trư Cốc thanh minh: “Như Nguyệt à, em không phải sợ đâu, thôi, anh không vào là được chứ gì”.
Phùng Như Nguyệt thở phào, cúi đầu nói: “Anh à, anh nghỉ chút rồi uống chút trà, em sẽ đi nấu cơm cho anh ngay đây”.
Nói rồi cô liền vội vã đi về phía bếp.
Ánh mắt Trư Cốc dõi theo bóng cô, hắn nuốt nước miếng ung ực. Sau khi Phùng Như Nguyệt vào bếp, Trư Cốc mới thôi không dõi theo. Hắn đưa mắt nhìn chằm chằm vào cánh cửa đang đóng im ỉm kia. Lúc này, hắn thực sự muốn phá cửa xông vào xem rốt cuộc ông mù Phùng giờ thế nào.
Một bầy cú mèo từ ngoài sân vỗ cánh bay vèo lên trời, vừa bay vừa kêu những tiếng quái đản.
Trư Cốc sợ sởn gai ốc.
Hắn không muốn có bất cứ chuyện gì không may xảy đến gia đinh hắn.
Lòng hắn bỗng thảng thốt, bất an một cách khó hiểu.
13
Du Vũ Cường mò vào ngôi nhà lớn họ Du trong thôn Du Ốc vào giữa trưa một ngày nắng chói lọi. Ngôi nhà lớn họ Du vắng lặng chết chóc. Không hiểu người nhà đi đâu hết cả. Du Vũ Cường nhìn thấy bức truyền thần của ông chú ruột Du Trường Thủy trên bàn thờ. Hắn lặng lẽ ngắm bức truyền thần của Du Trường Thủy, khóe mắt ướt nhòe. Người đã chết rồi, những ân oán trước kia đã bay theo gió, dù gì ông Du Trường Thủy cũng là chú ruột của hắn, cho dù ông ta thế nào thì vẫn có ơn dưỡng dục đối với hắn. Du Vũ Cường quỳ xuống, lạy ba lần trước di ảnh ông ta.
Hắn bỗng nghe thấy giọng nói âm u vọng tới từ phía sau: “Vũ Cường, đúng là cháu phải không? Sao bây giờ cháu mới trở về?”.
Du Vũ Cường quay đầu lại nhìn thì phát hiện thấy một người đang đứng bên cạnh giếng trời, một tia nắng chiếu đúng vào khuôn mặt đầy những nếp nhăn dọc ngang. Vóc dáng nhỏ bé, gầy gò, yếu ớt tới mức chỉ một cơm gió nhẹ cũng có thể cuốn đi, nhưng ánh mắt già nua lạnh lùng vẫn tràn trề sự kiên nhẫn khó tin. Người đó chính là vợ của Du Trường Thủy - bà Ngô Quỳnh Hoa.
Bà Ngô Quỳnh Hoa quay người đi về phía phòng mình.
Sau khi bà Ngô Quỳnh Hoa đi vào phòng, bà không đóng cửa lại. Du Vũ Cường biết, bà mở cửa đợi hắn vào. Trong nhà này chỉ có mỗi bà thím Ngô Quỳnh Hoa và thằng em họ Du Vũ Bình đối xử tốt với hắn. Du Vũ Cường đi về phía phòng bà rồi bước vào trong.
Bà Ngô Quỳnh Hoa đang ngồi xếp bằng trên tấm nệm, đôi mắt nhắm nghiền, hai tay đặt trên đầu gối.
Du Vũ Cường khẽ gọi một câu: “Thím à!”.
Bà Ngô Quỳnh Hoa lạnh lùng hỏi: “Đã bao năm chấu không đặt chân vào ngôi nhà này rồi?”.
Du Vũ Cường ngượng ngùng đáp: “Cháu xin lỗi thím”.
Bà Ngô Quỳnh Hoa nói tiếp: “Cháu chỉ cần biết lỗi với bản thân là được rồi, không có ai cần cháu xin lỗi đâu. Thím đã nghe nói về chuyện xảy ra sau khi cháu trở về thị trấn, đó là số mạng của cháu, cháu không trốn được đâu. Số mạng đã định sẵn rồi, có tránh cũng không tránh được. Lúc bà nội cháu mất, cháu cũng không vợ, này chú cháu cũng đi rồi, cháu mới trở về, nhưng để làm gì nữa? bao năm nay, chúng ta giống như kẻ thù với nhau vậy. Chú cháu chết, cũng là số mạng của ông ấy, ông ấy đáng chết, chẳng ai có thể cứu ông ấy được”.
Du Vũ Cường hỏi: “Thím à, thế Du Vũ Bình đâu ạ?”.
“Hôm này là ngày 22 tháng Giêng, giỗ bảy ngày cho chú cháu. Vũ Bình cùng mọi người trong nhà ra mộ ông ấy cúng rồi”.
Du Vũ Cường ngạc nhiên thốt lên: “Thế ạ?”
Bà Ngô Quỳnh Hoa nói tiếp: “Vũ Cường à, có phải cháu trở về vì nghe tin ông ấy chết không vậy?”.
“Vâng”.
Bà Ngô Quỳnh Hoa lại tiếp lời: “Thím đã đoán thế nào cháu cũng về, chỉ cần cháu không trốn ở xa, thì khi nghe tin ông ấy chết, chắc chắn cháu sẽ về. Nhưng người đã chết rồi, mọi chuyện coi như đã xong, cháu trở về làm gì chứ? Thím lo cháu về lại mất mạng oan uổng, thôi cháu đi đi, đi càng xa càng tốt. Cái nhà này thế nào đành phải trông chờ vào một tay Du Vũ Bình, nếu như thất bại cũng là ý trời thôi, đó là việc bất đắc dĩ mà, cháu không cần phải bận tâm đâu. Thím biết cháu là người có nghĩa khí, cháu không nhẫn tâm nhìn chú cháu chết tức tưởi như vậy, nhưng cháu có tìm được kẻ thù thì làm gì được đây? Còn oan oan tương báo tới lúc nào nữa? hơn nữa, người nhà họ Chung trong thị trấn vẫn không ngừng lùng sục tìm cháu, nếu chẳng may cháu bị bắt, chúng chắc chắn sẽ không nương tay đâu. Chú cháu đã chết rồi, không thể bí mật giúp cháu được nữa, đó là chuyện không thể xảy ra được. Vũ Cường à, cháu nghe lời thím đi, mau đi đi, đừng bao giờ quay về đây nữa. Bây giờ cháu có thể trở về gặp mặt thím một lúc, thím đã mãn nguyện lắm rồi, chú của cháu cũng mãn nguyện rồi”.
Mắt Du Vũ Cường ướt nhòe, hắn nghẹn ngào hỏi: “Thím à, thế chú cháu sao lại chết vậy?”.
Bà Ngô Quỳnh Hoa thở dài đáp: “Chú cháu chết không minh bạch chút nào, chú cháu chết trên giường con điếm già Lý Mị Nương kia. Vũ Cường à, cháu nghe lời thím, cháu không phải lo chuyện này đâu, mau đi đi!”.
Du Vũ Cường quỳ sụp xuống trước mặt bà Ngô Quỳnh Hoa rồi nói: “Thím à, vậy thím phải tự bảo trọng đấy, cháu sẽ nghe lời thím, cháu đi dây!”.
14
Trời ấm dần lên, những thân cây trong rừng rậm nhú lên vô số những lộc xanh hay đỏ. Những cây cỏ dại công xanh tươi trở lại, tiếng chim hót đường như cũng lánh lót hơn, mọi vật đều tràn ngập sức xuân. Nhưng rừng rậm vẫn âm u, không ai dám bước vào.
Bóng của Thượng Quan Ngọc Châu thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng như bóng ma, một tay cầm xẻng, còn tay kia cầm túi trắng bằng vải thô. Khuôn mặt cô ta được che bằng mạng trắng nhưng đôi mắt đỏ vẫn quét qua quét lại trong rừng, miệng cô ta phát ra những âm thanh cổ quái như lời nguyền.
Thượng Quan Ngọc Châu đứng bên một bụi cây gai.
Cô ta ngồi xuống, để chiếc xẻng trên đất, sau đó hướng về phía bụi gai kêu những tiếng rất lạ, tiếng kêu vừa lanh lảnh vừa thê lương.
Một lát sau, từ bụi cây gai phát ra những tiếng sột soạt tiếng động đó càng lúc càng rõ, càng lúc càng đông, tia đỏ trong mắt Thượng Quan Ngọc Châu càng rõ. Cô ta cởi sợi dây buộc túi vải ra rồi đặt túi vải xuống đất, hai tay mở rộng miệng túi.
Thượng Quan Ngọc Châu thấy rất nhiều rết bò vào trong túi.
Những con rết đó, to có nhỏ có, trên người chúng còn ánh lên màu nâu bóng. Bò vào túi, chúng lập tức cảm nhận được sự nguy hiểm, nhưng lúc nghĩ đến việc nên bò ra khỏi miệng túi thì đã quá muộn. Thượng Quan Ngọc Châu xách túi lên, buộc dây lại. Chiếc túi vải lúc này đã nặng trình trịch, những con rết giẫm đè lên nhau, bên ngoài túi chổc chốc lại trồi lên hình con rết.
Thượng Quan Ngọc Châu xách túi lên, đi về phía rừng sâu.
Cô ta không còn kêu những tiếng kỳ quái nữa, không gian lúc này trở nên cô quạnh vô cùng.
Thượng Quan Ngọc Châu đi tới trước một ngọn núi với đầy dây leo bò khắp nơi, quan sát xung quanh một lượt rồi vén những chiếc lá và những cành dây leo dầy đặc ra, dưới lớp dây leo lộ ra một cửa động hình tam giác, vừa đủ để một người bò vào trong. Thượng Quan Ngọc Châu bỏ túi đựng rết vào trong trước, sau đó mới bò vào. Sau khi cô ta bò vào động, những chiếc lá và cành dây leo dầy đặc kia lại trở lại hình dạng ban đầu, không thể nhận ra rằng chỗ này lại có cửa động bí mật.
Trong động rất ấm áp, đống lửa vẫn cháy rừng rực.
Thượng Quan Ngọc Châu bỏ thêm củi vào đống lửa, những cành củi khô gặp lửa lớn cháy tí tách. Cô ta lại tháo mạng che mặt vuông, khuôn mặt trắng như ngọc thoáng hiện nét buồn, khóe miệng xuất hiện nụ cười gượng gạo.
Đột nhiên Thượng Quan Ngọc Châu ôm bụng, nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt phút chốc biến mất. Cô cúi đầu, nhìn vào cái bụng đang trướng dần lên của mình khẽ nói: “Thanh nhi à, con đừng sốt ruột, mẹ sẽ cho con ăn ngay đây, đừng sốt ruột nhé, mẹ sẽ không để con đói đâu”.
Nói rồi cô ta đi về phía chiếc giường tre.
Cơ thể Thượng Quan Ngọc Châu uốn éo như rắn.
Cô ta tới bên giường, lấy chiếc bình sành được đậy kín bằng vài đỏ ra đặt trước đống lửa. Tiếp đó, cô bê một chiếc chậu gỗ, đổ hết nước nóng vào trong rồi đặt cạnh bình sành.
Thượng Quan Ngọc Châu ngồi quỳ bên bình sành, mắt nhắm nghiền, hai tay nhẹ nhàng vuốt ve cái bụng trướng lên của mình, lầm rầm nói gì đó, trong giây lát, động trở nên kỳ dị vô cùng. Đọc xong lời nguyền, khuôn mặt Thượng Quan Ngọc Châu lại đỏ rực lên, cô khẽ thở rồi há miệng ra.
Một con rắn bò từ trong miệng cô ra, thè cái lưỡi đáng sợ.
Trên mặt Thượng Quan Ngọc Châu hiện rõ sự đau đớn bất thường, mặt đỏ rực, từ đôi mắt đỏ chảy ra hai hàng lệ đỏ. Con rắn xanh từ từ bò ra từ miệng của Thượng Quan Ngọc Châu, cô giơ hai tay đỡ nó. Con rắn xanh này dài khoảng hai thước, trên người nó còn dính chất dịch trong người Thượng Quan Ngọc Châu. Cô không kịp chùi nước mắt trên mặt, vội vàng đặt con rắn xanh vào chậu gỗ.
Cô cẩn thận rửa ráy sạch sẽ cho con rắn, như thể một ngưới mẹ đang tắm cho con của mình vậy. Cô còn khẽ nựng: “Thanh nhi à, con đừng sốt ruột nhé, mẹ tắm cho con sạch sẽ xong sẽ cho con ăn ngay. Hôm nay, mẹ bắt được rất nhiều đồ con thích ăn, chắc chắn con sẽ rất vui”.
Đầu con rắn ngóc khỏi mặt nước, nó hướng về phía Thượng Quan Ngọc Châu rồi lúc lắc. Thượng Quan Ngọc Châu mở nắp bình sành, sau đó đổ hết đám rết trong túi vải thô đang giẫm đạp lên nhau không sót một con vào bình sành. Con rắn xanh ngóc đầu, bơi lượn trong chậu gỗ, dường như nó háo hức muốn chui vào bình sành ngay lập tức để chén một bữa no nê.
Thượng Quan Ngọc Châu nhìn thấu được nỗi lòng của con rắn, cô bắt lấy nó rồi đưa vào bình sành. Xong xuôi lại phủ vải đỏ lên miệng bình, buộc chặt lại bằng dây đay.
Thượng Quan Ngọc Châu ngồi trên chiếc ghế tre nhỏ, đưa tay thấm mồ hôi rịn trên trán, nước mắt đọng trên khóe mắt. Cô mệt mỏi nghe thấy những tiếng ăn mồi phát ra từ bình sành, toàn thân run bắn... Đó là cuộc chiến một mất một còn.
Thượng Quan Ngọc Châu đứng dậy, đi tới bên giường rồi ngồi xuống, lôi lên một chiếc hòm gỗ dưới gầm ra, lấy một cuộn tranh ra. Cô mở cuộn tranh ra, trải rộng trên giường, đó là bức truyền thần một người phụ nữ. Người phụ nữ đó trông rất đoan chính và xinh đẹp, đôi mắt trong veo như hồ nước mùa thu đang ai oán nhìn Thượng Quan Ngọc Châu.
Thượng Quan Ngọc Châu dang đôi tay run bắn khẽ chạm vào cặp mắt trong tranh.
Cô khẽ nói: “nếu anh ấy đối xử với tôi giống như với cô thì tốt biết mấy chứ, như vậy tôi sẽ không còn phải cô độc một mình nữa, cũng sẽ chẳng còn phải sợ gì. Tại sao đến cả trong mơ anh ta vẫn gọi tên cô hả? Lại hoàn toàn không để ý gì tới tôi? Có phải anh ta thuộc về cô? Thật sự thuộc về cô đúng không? Tôi muốn có người đàn ông như anh để bảo vệ. Tôi không giống sư phụ, người đã yêu thương một anh chàng thư sinh, không đời nào, người như thế căn bản không thể bảo vệ tôi được. Nếu như sư phụ tôi không yêu họa sĩ Tống Kha thì đã không chết như vậy, nếu sư phụ yêu người đàn ông giống như Du Vũ Cường thì chắc chắn đã không chết như vậy. Nhưng sư phụ tôi lại chỉ mê mẩn Tống Kha mà thôi, anh ta ngoài nét bút tài hoa ra thì còn có gì chứ? Không... Du Vũ Cường không còn là của cô nữa, cô đã chết rồi kia mà, cô không thể làm được gì cho anh ấy nữa. Tôi muốn có được anh ấy, bất luận thế nào tôi cũng phải giành được anh ấy. Tôi cũng muốn có sự ấm áp, cũng mong mõi một bờ vai đàn ông”.
Mắt Thượng Quan Ngọc Châu lóe lên những tia đỏ lòm đáng sợ.
Cô ta đã lấy bức truyền thần của Thẩm Văn Tú trên người Du Vũ Cường khi hắn hôn mê.
Bỗng Thượng Quan Ngọc Châu giơ hai tay che mặt, khóc thút thít: “Sư phụ à, thù lớn của sư phụ con còn chưa báo xong, sao con lại có thể nghĩ tới những chuyện nam nữ vớ vẩn này được chứ? Sư phụ à, con có lỗi với sư phụ, con nhất định sẽ báo thù cho sư phụ. Sư phụ yên tâm, con sẽ lần lượt giết hết bọn chúng!”.
Một lát sau, Thượng Quan Ngọc Châu đột nhiên cười nhạt nói: “Du Vũ Cường à, em đã bỏ bùa anh, em có thể để anh rời đi,cũng có thể gọi anh quay lại, cho dù anh có đi tới chân trời góc bể thì em cũng vẫn có thể gọi anh quay về bên em. Chờ báo thù cho sư phụ xong, em nhất định sẽ giành được anh, anh sẽ phải ở bên em tới chết mới thôi, để cả đời em sẽ không phải cô độc nữa, em đã nếm đủ mùi cô độc rồi...”.
Chiếc bình sành đã im ắng trở lại.
Thượng Quan Ngọc Châu hờ hững lấy một chậu nước nóng, rồi đặt bên cạnh bình sành.
Cô mở bình sành, nói khẽ gì đó vào bình một lúc, con rắn xanh lại ngóc đầu lên, trông bộ dạng rất thỏa thuê. Thượng Quan Ngọc Châu giơ tay bắt, rửa ráy cho nó trong chậu gỗ, tiếp đó lại quỳ xuống, lầm rầm nói gì đó, mở miệng để con rắn xanh bò vào trong.