Chương 4
16

    
hi ta tới Đại Linh Nham, hòn đá hồn lớn, đêm chưa buống xuống hẳn. Ta đã đi suốt ngày trên đường núi, men theo một khe hẻm dài, sâu, những vách đá dựng đứng, mầu nâu, phủ rêu xanh viền bên. Đầu vực, đỏ như lưỡi lửa, ánh mặt trời lặn cuối cùng cháy rực lên ở trên các chỏm núi.
Dưới chân vách đá, sau một rừng cây thủy sam, dưới những cây bạch quả già nghìn tuổi, dựng lên một ngôi miếu đã được cải tạo thành trung tâm đón tiếp khách đi đường. Bên kia cổng chính, mặt phủ đầy lá bạch quả màu vàng nhạt. Không một tiếng người. Ta đi thẳng đến sân sau, bên trái tòa nhà, nơi cuối cùng ta tìm ra một đầu bếp đang cọ rửa nồi. Ta xin anh cho một bữa ăn nhưng chẳng ngẩng đầu lên, anh trả lời rằng đã quá giờ ăn.
- Ở đây nói chung ăn tối đến mấy giờ?
- Sáu giờ.
Ta mời anh ta nhìn đồng hồ. Mới sáu giờ kém hai mươi.
- Nói với tôi chả tích sự gì, anh nói, vẫn tiếp tục cọ nồi. Anh đi gặp người quản lý ấy. Tôi chỉ căn cứ vào phiếu ăn chia ra.
Ta lại đi qua các hành lang uốn khúc ở trong tòa nhà lớn trống không, chẳng thấy một ai chỉ còn cách lớn tiếng gọi:
- Ơi! Có ai trực ở đây không?
Sau nhiều lần gọi, một tiếng đáp lại, giọng kéo dài, tiếng bước chân vang lên và một cô phục vụ mặc tạp dề trắng hiện ra trong hành lang. Cô nhận tiền cho căn phòng và bữa ăn, tiền đặt cược cho chiếc chìa khóa. Cô mở một căn phòng cho ta rồi bỏ đi. Bữa tối chỉ có một đĩa những món ăn thừa và một bát canh trứng âm ấm, không có tí khói nào bốc lên. Ta tiếc đã không ngủ ở nhà nàng.
Nàng, ta đã gặp trên con đường núi, ở lối ra của Long Đàm, Vực Rồng. Nàng đi bình thản trước ta, mặc quần vải hoa, hai bó dương xỉ to đùng treo trên đòn gánh. Vào hai, ba giờ chiều, mặt trời chính thu vẫn còn nguyên sức nóng. Lưng nàng đã đẫm mồ hôi và áo nàng dính bết vào từng chiếc xương sườn. Nàng giữ lưng rất thẳng, chỉ có eo oằn ngả xuống. Ta theo sát nàng. Rõ ràng nàng đã nghe thấy tiếng chân ta. Nàng đổi đòn gánh, một đầu có mũi sắt nhọn, để cho ta đi qua, nhưng các bó dương xỉ móc trên đòn gánh vẫn chăn con đường mòn hẹp.
- Cô đừng ngại, ta nói, cô cứ đi đi, chớ bận cho tôi.
Sau đó, để qua một con suối, nàng phải đặt quang gánh. Ta có thể thấy những lọn tóc bị mồ hôi làm dính vào má, đôi môi mọng và khuôn mặt trẻ thơ của nàng nhưng ngực nàng đã đọi cao. Ta hỏi tuổi nàng. Nàng nói mười sáu; song nàng không hề có tất cả cái vẻ nhút nhát mà các cô gái vùng núi bày ra khi gặp một người lạ. Ta nói với nàng:
- Đi một mình ở đường mòn này mà không sợ ư? Không có ai, không có làng mạc nào trước mắt cả.
Náng liếc vào cái đòn gánh nhọn đầu ở trong các bó dương xỉ:
- Khi đi một mình trên đường mòn, chỉ cần mang một cái gậy để đuổi sói.
Nàng còn nói nàng ở không xa, ngay trong lòng núi.
Ta hỏi nàng: Cô còn đi học?
Nàng nói nàng đã đi nhưng bây giờ đến lượt em trai nàng.
Ta nói: Tại sao bố cô không để cho cô học tiếp?
Nàng nói bố nàng đã chết.
Ta hỏi nàng: Trong nhà cô còn lại ai?
Nàng nói nàng còn mẹ.
Ta hỏi: Cái gánh này phải nặng đến một nửa tạ chứ, đúng không?
Nàng nói để đun nấu mà không còn củi nữa thì phải trông vào dương xỉ.
Nàng để ta đi lên trước. Vừa vượt qua chỏm núi, ta đã thấy một ngôi nhà gạch lẻ loi, nép ở sườn núi.
- Anh nhìn kia! Cái nhà với cây mận trắng trước mặt ấy, là nhà em.
Lá cây gần như đã rụng hết. Chỉ còn vài chếc đỏ sậm run rẩy trên các cành màu tím sáng bóng.
- Cây mận trước cửa nhà em rất lạ. Nó đã nở hoa vào mùa xuân, rồi nó lại nở hoa vào mùa thu, hoa của nó trắng như tuyết, mới rụng mấy ngày vừa qua thôi. Nhưng không như vào mùa xuân, không cho ra một quả nào cả.
Khi ta đi qua cạnh nhà nàng, nàng muốn ta vào uống trà. Ta leo các bậc đá và ngồi xuống cái cối xay trước cửa. Nàng đem các bó dương xỉ vào sau nhà.
Một lát sau, nàng mở cửa lớn giữa nhà và đi ra, với một ấm trà bằng gốm, đổ đầy trà vào một cái bát vại có nền màu lam. Ấm trà chắc vẫn để trên than hồng bếp lò vì nước trà nóng.
Tựa vào cái giường bằng xơ cọ của cái căn phòng ở trung tâm đón tiếp, ta rét. Cửa sổ đóng nhưng trên tầng một, không khí lạnh dễ dàng đi qua bức tường bằng ván. Dẫu sao đây cũng  là một tối giữa mùa thu trong lũng núi. Ta còn nhớ nàng đã cười như thế nào khi rót trà cho ta, thấy ta hai tay bưng cái bát lên miệng. Môi nàng hé ra. Môi dưới rất mọng, như sưng sưng. Nàng vẫn mặc chiếc áo vét ngắn đẫm mồ hôi. Ta bảo nàng:
- Như thế này cô bị lạnh mất.
- Các anh thì có, các anh người thành phố ấy. Ngay mùa rét, em vẫn tắm nước lạnh, nàng nói. Anh không muốn ngủ ở đây sao?
Thấy ta ngạc nhiên, nàng vội nói ngay:
- Mùa hè khi khách đi đường nhiều, nhà em cho họ trọ.
Ta đã vào trong nhà, theo con mắt nàng dẫn đi. Các bức tường bằng ván che  một nửa bằng những bức ảnh mầu kể chuyện Phàn Lê Huê, một nữ tướng thời cổ xưa. Lúc bé ta có nghe nói đến nữ anh hùng này nhưng ta đã quên mất.
- Cô thích đọc tiểu thuyết à? Ta hỏi, chỉ vào các bức tranh.
- Em đặc biệt thích kịch hát.
Ta hiểu rằng nàng nói đến các tiết mục hí kịch đài phát thanh truyền đi.
- Anh không muốn rửa mặt sao? Em mang cho anh một thau nước nóng nhé? Nàng hỏi.
Ta nói không cần, ta có thể ra bếp. Nàng bèn lập tức đưa ta đi ngay, cầm lấy một cái thau mà rất nhanh nàng múc một gáo nước trong cóng ra rồi cọ nó. Nàng đổ đầy nước nóng vào thau, đưa cho ta và nhìn ta nói:
- Anh vào xem phòng, sạch lắm.
Ta không chịu được ánh mắt ươn ướt của nàng. Ta quyết định ở lại.
- Ai đấy?
Môt tiếng trầm trầm của đàn bà cất lên sau bức vách gỗ.
- Mẹ, một người khách, nàng kêu lên trước khi nói với ta. Mẹ ốm, nằm liệt giường đã một năm rồi.
Ta cầm lấy chiếc khăn tay nóng nàng đưa cho rồi nàng vào trong buồng. Ta nghe thấy họ thì thầm. Ta lau mặt, cảm thấy tỉnh táo đôi chút, nhấc ba lô lên, đi ra cửa, đến ngồi lên chiếc cối ở sân. Khi nàng chở ra, ta hỏi:
- Bao nhiêu tiền nước?
- Không phải tiền.
Ta lấy ở trong túi ra chỗ tiền lẻ nhét vào tay nàng. Nàng cau mày lại đăm đăm nhìn ta. Ta xuống đường mòn và chỉ ngoái lại lúc đã xa hơn một chút. Nàng vẫn đứng bên cối, nắm chặt món tiền trong tay.
Ta cần một ai đó để nguôi vợi nỗi niềm. Ta xuống giường, đi ở trong phòng.
Bên cạnh, ván sàn cũng cọt kẹt. Ta gõ vào vách:
- Có ai không?
- Ai đấy? Một tiếng nói trầm trầm của đàn ông hỏi
- Anh cũng đến chơi núi sao?
- Không, tối đến làm việc, sau một phút ngập ngừng, giọng ấy đáp.
- Tôi có thểm quấy quả anh được không?
- Tùy.
Ta ra gõ vào cửa phòng bên cạnh. Khi anh ta mở cửa, ta phát hiện thấy nhiều tranh sơn dầu và ký họa dặt ở trên bàn và thành cửa sổ. Anh ta hẳn đã lâu chưa đụng đến râu tóc. Chắc là cố ý. Ta nói:
- Lạnh thê chứ!
- Nếu có rượu thì dễ chịu hơn, nhưng không có ai ở cửa hàng bách hóa cả.
Ta chửi thề: Cái xó chết tiệt này…!
- Nhưng con gái ở đây - anh ta chỉ cho ta một kí họa về một cô gái môi mọng - gợi dục lắm.
- Anh nói đến môi của họ?
- Họ gợi dục không đồi trụy.
- Anh tin có cái dâm không đồi trụy?
- Tất cả đàn bè đều gợi dục nhưng họ luôn cho anh một cảm giác về đẹp mà nghệ thuật thì cần có cái ấy, anh nói.
- Vậy anh không nghĩ là có một cái đẹp không dính đến đồi trụy sao?
- Có lẽ là người ta tự lừa người ta thôi! Anh nói không quanh co.
- Anh không muốn ra ngoài làm một vài vòng, xem chút ít núi ban đêm sao?
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên, anh ta nói. Nhưng bên ngoài chẳng nhìn thấy gì nữa đâu, tôi đã làm một vòng rồi. Anh ta lại ngắm đôi môi mọng.
Ta ra sân. Vươn lên từ suối, các cây bạch quả đồ sộ che khuất những cây đèn mà ánh sáng đem cho lá một màu nhợt nhạt. Ta quay đầu lại, núi và trời ban đêm mờ đi trong sương mù u tối trong đó các ngọn đèn sáng lên yếu ớt. Duy nhất nổi bật lên mái chìa của tòa nhà. Giam cầm trong cái ánh sáng lạ lùng này, ta hơi choáng váng.
Cổng chính đã đóng. Ta mò mẫm kéo chốt. Vừa bước qua ngưỡng cửa, ta lập tưc ngập vào bóng tối, ta nghe thấy tiếng một con suối rỉ rả.
Được vài bước, ta quay lại. Dưới chân vách đá, các ngọn đèn biến mất, sương mù xám phơn phớt lam cuộn lại trên các đỉnh núi. Dưới đáy vực, một con dế cất lên tiếng rúc ngập ngừng. Tiếng suối lúc dội lúc chìm, lại giống như gió, mà gió thì lại đang xuyên đi qua giữa khe sâu.
Sương mù ẩm tràn lấn cái khe, xa xa, hình bóng các cây bạch quả to tướng được ánh đèn chiếu vào đang nhòa lẫn trong sương mù nặng hạt. Bóng núi hiện lên dần dần. Ta đi xuống hẻm núi với các vách đá dựng đứng. Sau cái khối mờ mờ đen của núi, chập chờn một ánh sáng yếu ớt, nhưng ta đang bị bóng tối dày đặc bủa vây và dần siết chặt gọng kìm của nó lại.
Ta nhìn lên cao, một hình thù khổng lồ đen ngòm vụt dựng lên vào bầu trời uy hiếp ta. Ỏ chính tâm của nó, ta nhận ra đầu một con đại bàng đồ sộ, cánh thu lại, tựa như đang lấy đà bay. Dưới những móng vuốt to tướng  của con ma núi hung dữ này, ta ngộp thở.
Xa hơn nữa, trong rừng cây thủy sam dựng lên đến một chiều cao chóng mặt ở hai bên, bóng tối hoàn toàn đặc sệt đến mức nó tạo thành một bức tường dầy mà người ta có cơ va phải nếu đi lên một bước. Ta quay lại một cách bản năng. Đằng sau ta, qua bóng tối cây cối, ánh đèn sáng nhỏ xíu của một ngọn đèn không rõ rệt, như một mảng ý thức lờ mờ, một kỉ niệm xa khó tìm lại thấy. Tựa hồ ta đang ở tại một nơi không xác định quan sát cái nơi ta đã đến từ đó, mà cũng chẳng có đường; cái mảng ý thức chưa biến mất này cứ chờn vờn trước mặt ta.
Ta giơ tay lên để yên chí ta tồn tại thật nhưng ta chẳng thấy gì hết. Ta đánh bật lửa, nhận thấy tay ta giơ lên quá cao, tựa như vung một bó đuốc. Nhưng mầm lửa lập tưc tắt ngấm ngay, dù không có gió. Cả đến tiếng rúc của dế cũng câm bặt. Tai ta đầy bóng tối, một bóng tối nguyên khai. Theo bản năng, con người thờ lửa là để thắng cái sợ bên trong mình.
Ta lại đánh bật lửa. Ánh lửa yếu ớt run rẩy và lập tức bị một làn gió đen ngòm vô hình diệt luôn. Trong bóng tối man dại, nỗi kinh hoàng dần nuốt chửng ta, nó làm ta mất tự tin, mất trí nhớ với phương hướng. Ta thầm nhủ mi sẽ rơi vào vực nếu mi cứ đi thẳng tiếp nữa. Ta quay lại thì chẳng còn đường dưới chân. Ta ngập ngừng dò vài bước. Trong rừng, một dải ánh sáng yếu ớt như một hàng rào nhấp nháy ra hiệu cho ta rối tắt. Ta nhận ra mình đang ở trong khu rừng bên trái con đường, vậy đường chắc phải là ở bên phải ta. Loay hoay lần mò ta có ý chỉnh hướng đi, trước hết ta cần tìm lại được Hòn Đại bằng tăm tối, dựng đứng và cô độc.
Sương mù mịt mùng cỏ, lại giống như một làn khói dâng lên hạ xuống theo những mấp mô của mặt đất, trong đó lấp lánh vài ba ánh sáng. Cuối cùng ta đã quay lại dưới Hòn Đại bằng mà cái màu đen ngòm của nó đè ụp lên ta. Thình lình ta phát hiện ở giữa hai cánh giáng rộng của nó, một cái ức xam xám, có hình một bà già, một áo khoác lớn vắt vai, nom vẻ không có chút nào tốt lành, cung cách đúng là một mụ phù thủy, đầu cúi xuống, thân hình khô xác. Dưới lớp áo khoác của mụ, một người đàn bà trần truồng quỳ, trên lưng chỉ thấy lờ mờ các dấu xương sườn. Một mặt quay về con vật ma quái kia, người đàn bà như đang than khóc, hai tay chắp lại, khuỷu tay xa người càng để lộ rõ hơn thân hình trần trụi. Mặt vẫn không cho rõ nét nhưng đường viền má phải thì thấy thanh tú và mềm mại.
Bộ tóc rủ xuống vai và hai tay làm nổi thêm thân người lên, Quỳ trên hai gối, đầu cúi, đó là một cô gái. Cô như kinh hoàng cầu khẩn kêu van. Đôi khi cô đổi dạng nhưng ngay tức thì lấy lại dáng vẻ thiếu phụ, một người đàn bà than khóc, hai bà tay chắp nhau. Chỉ cần quay người lại, cô lại trở ra ngay thành một cô gái với những đường nét kiều diễm hơn. Đường lượn vú trái trong khoảnh khắc vụt hiện ra, rồi lại không thấy nữa.
Qua cửa miếu, bóng tối tan hoàn toàn. Ta trở lại dưới ánh sáng mờ mờ các cây đèn. Những chiếc lá cuối cùng chưa rụng của các cây bạch quả già vươn lên từ suối đã hòa lẫn vào trong đêm. Chỉ các hành lang và các mái chìa được chiếu sáng là thực tại.

17
Khi mi đi đến cuối làng, một người đàn bà trung niên, quấn tạp dề quanh áo dài ngồi xổm ở bên khe suối chảy trước nhà bà. Dao trong tay, bà làm thịt những con cá không dài hơn ngón tay là mấy. Trên khe suối, một bó đuốc thông, ánh sáng nhảy nhót của nó phản chiếu lên lưỡi dao sáng loáng. Xa hơn nữa, núi khuất trong bóng tối. Vài đám mây nhuốm đỏ tía kéo lên trên đỉnh. Không một bóng người. Mi trở lại. Bó đuốc thông lôi cuốn mi, chắc thế. Mi tới bên người đàn bà hỏi liệu mi có trọ lại được không.
- Người ta vẫn thường nghỉ chán ở nhà tôi.
Bà nhìn thủng ý mi. Đặt dao xuống, lau tay vào tạp dề, bà liếc người con gái mi dắt đi, rồi đưa mi đi không nói một lời. Bà vào trong nhà thắp một ngọn đèn dầu hỏa, cầm đèn lên. Mi theo bà. Sàn nhà cọt kẹt dưới chân hai người. Trên gác, phảng phất rất rõ mùi thơm rạ mới cắt.
- Tất cả các phòng trên gác đều còn trống. Tôi đi kiếm chăn. Đêm vùng núi chúng tôi rét.
Bà đặt ngọn đèn dầu hỏa xuống thành cửa sổ rồi đi xuống.
Nàng nói không muốn qua đêm ở dưới nhà, nàng nói nàng sợ. Nàng cũng không chịu ngủ cùng với mi, nàng nói nàng cũng sợ. Mi bèn để đèn cho nàng, đá chân dọn dẹp rơm trên sàn rồi sang phòng bên. Mi nói mi không thích ngủ trên giường ván, mi thích rúc rơm. Nàng nói nàng ngủ quay đầu vào mi, hai người có thể nói chuyện qua vách. Ván vách không lên sát mái, nhìn thấy vòng tròn của ánh đèn sáng trên trần gỗ phòng nàng.
Thế này thì đặc sắc đấy nhỉ, mi nói.
Bà già ôm chăn đến.
Nàng lại nói muốn nước nóng.
Bà trở lại xách một xô nước nóng.
Rồi mi nghe thấy nàng chốt cửa phòng lại.
Cởi trần, một khăn tay trên vai, mi xuống nhà. Không ánh sáng. Ngọn đèn dầu hỏa duy nhất của căn nhà lại ở trên gác. Bà chủ đang đứng trước bếp lò. Bộ mặt không biểu cảm của bà được các ngọn lửa chiếu sáng. Các que củi nổ lách tách và mùi cơm chín bốc lên.
Mi lấy một cái xô đi xuống suối. Trên các đỉnh núi, những đám mây cuối cùng nhuốm đỏ tía đã biến mất, bóng tối của hoàng hôn bao trùm khắp nơi. Những mành ánh sáng nhấp nháy trên những gợn sóng trong veo. Sao mọc trên trời, ếch nhái ộp oạp ở khắp nơi.
Đằng trước mặt, tiếng trẻ con cuời chọc thủng bóng tối sâu đầy của núi. Bên kia con sông, đồng ruộng trải dài, một sân đập lúa nổi hẳn trong bóng tối. Có lẽ trẻ con đang chơi bịt mắt bắt dê ở đó. Một vệt tối chia cắt sân đập lúa với đồng ruộng. Tiếng cười của một cô gái vang lên. Chắc chắn là nàng. Sống ngay trong bóng tối nhá nhem đối diện với mi, tuổi thơ bị quên khuấy đi của mi sống lại. Một ngày nào đó, một đứa nào đó trong những đứa trẻ kia cũng sẽ nhớ lại ngày thơ ấu của nó. Một ngày nào đó, tiếng nói choe chóe của các quỷ con này sẽ trở nên rắn rỏi hơn, vang sâu hơn, trầm hơn. Hai bàn chân trần vỗ lên các tấm đan của sân đập lúa, cũng có thể để lại những vết âm ẩm, sẽ đưa chúng ra khỏi tuổi thơ và đến thế giới thế giới lớn rộng. Và mi bèn nghe thấy tiếng chân trần vỗ lạch bạch trên các tấm đan. Một đứa trẻ trên bờ chơi thả thuyền bằng cái khung thêu của bà nó. Bà nó gọi, nó quay lại và vắt chân lên cổ chạy. Tiếng chân vỗ lên tấm đan nghe trong veo như pha lê. Và trong ngõ, mi lại thấy hình bóng nàng với bím tóc đen như mun trên lưng. Trong các ngõ của thị trấn Ô Y, gió mùa đông bắc chắc hẳn lạnh băng. Nàng quảng ở vai một gánh nước lạnh và đi những bước ngăn ngắn trên các tấm đan bằng đá. Những thùng nước đè lên đôi vai mảnh dẻ của người thiếu nữ. Nàng đau lưng. Nghe tiếng mi gọi, nàng dừng lại. Trong thùng, nước gợn sóng và chảy xuống các tấm đan. Nàng quay đầu, thấy mi nàng cười. Rồi những bước chân con cón lại tiếp tục. Nàng đi đôi giày vải màu tím. Trong bóng tối, trẻ con thốt lên những tiếng gọi rất rõ nhưng mi không nắm được nghĩa của chúng. Người ta sẽ có thể nói là một tiếng vọng không dứt…ya ya…
Trong khoảnh khắc ấy, kỉ niệm ấu thơ của mi lại nổi lên. Gầm rú, những chiếc máy bay bổ nhào xuống. Trong ánh chớp, các cánh đen ngòm của chúng lướt qua đầu mi. Mi nép vào ngực mẹ, dưới một cây táo dại nho nhỏ, gai của nó đã xé rách tấm áo vải bông của mẹ và để lộ ra hai cánh tay tròn trặn. Rồi sau đó lại chị vú, vú bế mi lên tay, mi thích nép vào chị. Đung đưa đôi vú to tướng của mình, chị thêm cho mi chút muối vào vào miếng cháy cơm vàng thơm hơ khô ở góc bếp; mi thích ẩn ở trong bếp của chị. Trong bóng tối, lóng lánh hai đôi mắt đỏ thắm của cặp thỏ trắng mi nuôi. Một con đã chết trong chuồng, chồn cắn, con kia biến mất. Sau đó mi lại tìm thấy nó, lông nhem nhuốc, lềnh bềnh trong thùng nước tiểu của chuồng xí. Sau nhà, trong sân, một cái cây mọc giữa cách hòn gạch vỡ và mảnh ngói phủ rêu. Cái nhìn của mi không bao giờ vượt quá chạc cây, ở ngang mép tường. Nếu tầm mắt mi xa nữa, mi không biết sẽ phát hiện ra cái gì. Mi chỉ có thể kiễng chân lên để dướn tới cao ngang một cái lỗ trên thân cây. Mi đã ném đá vào đó. Người ta bảo cây có thể hóa thành ma, những con ma như người vậy; chúng sợ cù. Nếu mi chọc một cái gậy vào trong lỗ ấy, cái cây sẽ cười phá lên, như khi mi thọc nách nàng; lúc ấy nàng quặt chặt hai tay lại và cười hết cả hơi. Mi còn nhớ nàng thiếu một cái răng! Kìa, mất một cái răng! Người ta gọi nó là Yaya[11]! "Mỗi khi mi reo lên như thế nàng lại tức điên. Nàng bỏ đi, không biết đến mi nữa. Đất bùn như một làn khói đen phụt lên những cái đầu, các thân người, cấc bộ mặt. Mẹ mi đã đứng dậy, phủi đất cát cho mi, mi không chị sao cả. Nhưng mi nghe thấy một tiếng hú dài chói tai, nhưng không phải của mẹ mi, do một người đàn bà khác phát ra. Rồi mi bị lắc lư không thôi trên các con đường núi, ngồi tromg một chiếc cam nhông phủ bạt, bị kẹp giữa chân người lớn, giữa những va ly và hòm xiểng. Những giọt nước mưa lăn trên mũi mi. Đồ nhà thổ! Tất cả xuống đẩy đi! Bánh xe cam nhông quay tít trong bùn, bắn tóe lên người ta. Đồ nhà thổ! Mi bắt chiếc câu chửi của người tài xế, đó là câu chửi đầu tiên của mi. Mi chửi bùn đã làm tụt một chiếc giày của mi ra! Ya ya…tiếng trẻ con còn reo vang trên sân đập lúa. Chúng cười, chúng reo và đuổi theo nhau. Hết tuổi thơ, trước mặt mi, chỉ bóng núi đen ngòm còn lại…
Khi mi quay lại cửa phòng nàng, mi van nàng mở. Nàng bảo mi đừng có làm trò vớ vẩn, bây giờ nàng đã khá rồi. Nàng cần yên tĩnh, nàng không muốn cái đó, nàng cần thời gian, nàng cần quên, nàng cầm thông cảm chứ không cần tình yêu, nàng chỉ muốn một người nào đó để giãi bày tâm sự. Nàng hy vọng mi không làm hỏng quan hệ của hai người, nàng vừa cho mi lòng tin của nàng, nàng nói nàng muốn tiếp tục đi với mi, vào Linh Sơn, nàng sẽ quan năm tháng với mi. Nhưng không phải bây giờ. Nàng xin mi hãy tha thứ cho nàng, nàng không muốn, nàng không thể.
Mi nói mi không muốn gì hết, mi chỉ đơn giản nhận thấy qua khe vách một ánh sáng nho nhỏ ở bên kia mà thôi. Vậy nàng và mi không phải là một mình, một người khác nữa đang ở trên gác. Mi bào nàng đến xem.
- Không, anh đừng lừa người, đừng làm em sợ.
Mi nói mi thấy rõ tia ánh sáng nho nhỏ chiếu qua khe vách, mi có thể đảm bảo rằng có một gian phòng nữa ở đằng sau. Mi ra khỏi phòng, rơm rải trên sàn làm vướng chân mi. Giơ tay lên, mi có thể chạm các viên ngói trên mái dốc ngiêng. Muốn đi xa nữa, phải cúi xuống.
Vừa mò mẫm mi vừa nói: Còn một cái cửa nữa.
- Anh thấy cái gì? Ở trong phòng nàng hỏi.
- Chả thấy gì. Không có khe cửa. Ồ, cửa còn khị khóa.
- Đáng sợ.
Mi nghe thấy nàng nói sau vách.
Mi quay về phòng. Mi tìm thấy một sọt che lớn, đem úp nó lên đống rơm. Mi leo lên trên, tay nắm vào xà ngang.
- Bảo em mau lên, anh nhìn thấy cái gì? Ở trong phòng bên cạnh nàng vật nài.
- Anh thấy có một cái đèn dầu đang cháy, đèn đặt trong một cái khám đóng vào tường. Một bài vị thờ tổ tiên dựng ở trong cùng khám. Bà chủ đây chắc chắn là một mụ đồng cốt  gọi được hồn người chết và giam cầm hồn phách, và làm mê mẩn đầu óc người sống. Mụ chắc phải thôi miên người sống để cho ma nhập vào người họ rồi nói ra bằng miệng của họ.
- Im đi! Nàng vật nài. Và mi nghe thấy người nàng  dựa vào vách trượt xuống.
Mi nói rằng khi còn trẻ người đàn bà này có lẽ chưa có gì là một đồng cốt hết. Như mọi người đàn bà trạc tuổi mụ, mụ hoàn toàn bình thường. Năm hai mươi tuổi, đúng vào tuổi cần một người đàn ông âu yếm thì chồng mụ chết.
Nàng hỏi: Sao mà chết?
Mi nói hắn ta cùng với một người anh em thúc bá ban đêm đi ăn cắp cây long não ở trong rừng một làng bên. Lúc cái cây sắp đổ, chân hắn lại mắc phải cái rễ giữ lại. Nghe thấy cây nghiền ken két, muốn chạy trốn, hắn lại lầm phía, chạy về hướng cây sẽ đổ xuống. Trước khi kêu lên được thì hắn ta đã bị nghiền nát như cháo.
- Em nghe thấy chứ? Mi hỏi.
- Em nghe, nàng nói.
Mi nói người anh em họ của người chồng sợ quá cứ thế chạy trốn không dám báo tin hắn ta chết. Rồi người đàn bà trẻ này gặp trong núi một người gánh than củi móc ở đầu quang gánh một chiếc giày bằng gai, người này trên đường đã gọi mọi người hãy đi nhận mặt xác chết. Mụ đã chính tay là ra những chiếc giày có thêu chỉ đỏ ở trên mặt và ở gót này. Làm sao mà không nhận được ra chứ? Lúc ấy mụ ngất đi, gáy cứ thế đập xuống đất. Mụ phủi bọt mép trắng rã rồi lăn lội dưới đất kêu gào: Ma quỷ kia, gọi cho chúng nó đến tất cả đi! Gọi cho chúng đến tất cả đi!
- Em cũng muốn kêu, nàng bảo mi.
- Thế thì kêu đi.
- Kêu không ra tiếng.
Tiếng của nàng khàn khàn đáng thương. Mi lại gọi nàng, nhưng nàng vẫn từ chối qua bức vách. Tuy thế lại muốn mi kể tiếp.
- Kể cái gì?
- Nói về mụ ta, nói về cái mụ điên này.
Mi nói đàn bà cái làng này không tài nào giữ chặt được mụ. Phải nhiều đàn ông cưỡi lên người mụ, giữa lấy tay mụ mới trói được mụ lại. Từ ngày ấy mụ phát điên. Toàn báo trước các tai ương cùng những thay đổi xảy ra ở làng. Mụ đã báo tin thí dụ rằng mẹ của Hỉ Mao sẽ thành góa bụa, và cái đó đã đến thật.
- Em cũng muốn trả thù.
- Trả thù ai? Bạn trai em ư? Hay đứa con gái đã có quan hệ với hắn? Em muốn hắn lại vứt bỏ cô gái sau khi đã chơi đùa với cô gái hay sao? Như hắn đã làm với em đấy ư?
- Hăn nói yêu em. Hắn chỉ là đùa chố lát với cô ta thôi.
- Cô ta trẻ? Đẹp hơn em chứ?
- Mặt nó toàn tàn nhang, mồm thì rông ngoác!
- Nó gợi dục hơn em à?
- Hắn bảo là nó chài đàn ông, nó có thể làm mọi cái, hăn muốn em như nó!
- Cái gì như nó?
- Đừng hỏi em cái đó!
- Vậy là em biết hết tất cả cái gì chúng nó làm cùng với nhau ư?
- Dạ.
- Và nó, nó biết cái mà em với hắn làm chứ?
- Ôi, đừng nói nữa.
- Vậy nói cái gì đây? Nói người đàn bà hoa đỏ kia chứ?
- Em thật sự muốn trả thù!
- Như mụ đồng này?
- Mụ đã làm gì?
- Đàn bà tất cả đều kiếp những lời nguyền rủa của mụ. Đan ông tất cả đều đén tìm mụ tán chuyện. Mụ lôi kéo họ đến rồi vứt bỏ họ. Về sau mụ phấn son quá đáng lắm lập một ban thờ làm mọi thứ õng ẹo đáng sợ để cầu xin ma quỷ.
- Tại sao mà họ làm thế?
- Phải biết rằng mụ lên sáu đã đính hôn với đứa bé chưa ra đời. Năm mười hai tuổi, mụ sống ở gia đình thằng chồng trong khi thằng này còn thò lò mũi. Rồi một hôm, cũng trên cái gác này, trên đống rơm này, bố chồng đã lạm dụng mụ. Mụ vừa mười bốn. Sau đó, mỗi lần ở nhà một mình, mụ lại run bắn người. Sau đó nữa, mụ đã phải ru thằng chồng bé tí hay căn tàn nhẫn vú mụ. Muốn hay không mụ cứ phải chịu đựng, gồng gánh, chặt củi, kéo bừa. Cuối cùng, đến tuổi trưởng thành, vào tuổi yêu được vợ thì thằng chồng bị cây đè chết. Bố mẹ chồng của mụ đã già, công việc đồng áng và nhà cửa dựa hoàn toàn vào mụ. Hai người già không dám kiểm soạt mụ chặt nữa, sợ họ bỏ mụ mà đi bươc nữa. Bây giờ cả hai đã chết rồi. Mụ thật sự tin rằng  mụ giao lưu được với thần linh, mụ có thể tùy ý goi ra lành bằng cầu khấn hay mang lại cái dữ bằng các lời nguyền của mụ. Dĩ nhiên mụ bắt những ai đến thắp hương phải trả tiền. Cái lạ thường nhất là bây giờ mụ có thể bằng pháp thuật làm cho ngất đi tại chỗ một đứa bé mười tuổi rồi làm cho qua mồm nó, người bà ngoại chết từ lâu mà con bé không biết, nói lên bằng đúng giọng của bà ta. Những người tham dự tất nhiên sởn hết da gà.
- Lại đây đi, nàng van ta, em sợ.

18
Khi ta đến bờ hồ tảo, ở nguồn của sông Ô Giang, Sông Đen, trời sầm xì và lạnh. Bên hồ xây một tòa nhà mới. Đấy là trung tâm quản trị của khu bảo tồn tự nhiên mới mở, đứng một mình giữa cái vùng bùn mênh mông này, dựa trên những móng cao làm bằng đá phiến xếp chèn. Người ta đến đó bằng một đường mòn lầy và xốp; hồ lui đã rất xa, nhưng trên bờ cũ còn mọc lên đây đó những cỏ nước hiếm hoi. Leo cầu thang đá bên tòa nhà, người ta đến những gian được chiếu sáng hoàn hảo nhờ các cửa sổ lớn, những mẫu vật chim, cá, bò sát chất đống ở đây.
Người phụ trách trung tâm quản trị tầm vóc cao, mặt toát ra lòng độ lượng. Ông cắm bếp điện để rót đầy trà vào một cái ca tráng men lớn. Ông ra hiệu bảo ta lại gần lửa để uống trà đang nóng.
Ông nói rằng mười năm trước, quanh hồ, một vùng chung quanh hàng trăm, núi hãy còn cây che phủ. Hai mươi năm sớm hơn nữa, một rừng rậm và tăm tối trải ra đến tận bờ hồ và ông thường tình cờ nhìn thấy hồ. Bây giờ, ngay đến các búi cây cũng biến mất khỏi các núi, đồi. Gỗ dùng để nấu cơm và nhất là để sưởi. Mười năm vừa rồi, mùa đông đặc biệt rét, băng giá sớm và hạn hán mùa xuân rất gay gắt. Trong Cách mạng văn hóa, Ủy ban cách mạng huyện vừa mới lập đã muốn cách tân bằng dẫn nước cải tạo đồng ruộng trong toàn huyện. Huy động một trăm nghìn dân công đánh mìn mở hàng chục con mương tưới tiêu và đắp đập ngăn hồ. Nhưng làm cạn cái hồ với những trầm tích lâu hàng nhiều triệu năm không dễ. Năm đó một trận gió lốc đã nổi lên trên mặt hồ, nông dân cả quyết rằng con rồng đen của hồ Tảo bị quấy rầy đã chạy trốn. Bây giờ chỉ còn lại một phần ba khối lượng nước. Bờ hồ hóa thành đầm lầy. Người ta chẳng làm cạn các đầm lầy ấy mà rồi cũng chẳng trả lại được cho chúng cái dáng vẻ ban đầu.
Ở cửa sổ đặt một ống nhòm có tàm nhìn rất lớn. Trong ống kính, vùng nước xa nhiều cây số đang biến thành một bề mặt mênh mông lóa trắng. Người ta phân biệt bằng mắt thường một chấm nhỏ tôi tối. Đó là một cái thuyền với đằng mũi bóng hai người hiện ra nhưng mặt vẫn bị lờ mờ. Ở đăng đuôi, một người đang cử động, tựa như quăng lưới.
- Diện tích hồ lớn thế này, không tài nào kiểm soát được họ. Khi mình đến, họ đã chuồn từ lâu, ông nói.
- Cái hồ này nhiều cá không?
- Bắt ở đây cả trăm thậm chí cả nghìn cân cá một mẻ là chuyện dễ. Vấn đề là người ta còn cứ dùng mìn. Con người ta tham mà, làm sao lại được.
Ông lắc đầu, vì chính ông chịu trách nhiệm về cái trạm quản trị của khu vực bảo vệ tự nhiên.
Ông bảo ta hồi đầu những năm năm mươi, một người đỗ tiến sĩ đã được cử đến đây sau khi anh ta ở nước ngoài về. Anh ta quê quán ở Thượng Hải, đến làm ở đây; đầy nhiệt tình, anh đứng đầu một nhóm bốn sinh viên tốt nghiệp sinh học và thủy canh để lập một trạm chăn nuôi động vật hoang dại. Anh đã nuôi thành công rái cá, cáo bạc, ngỗng đầu loang lổ cũng như nhiều loại chim nước và cá. Nhưng rất nhanh anh đã mâu thuẫn với nông dân săn bắt trái phép. Một hôm anh đi qua ruộng ngô, một nông dân phục sẵn đã chụp lấy đầu anh từ đằng lưng, quàng vào cổ anh một rổ ngô mới bẻ rồi đổ cho anh ăn cắp mà đánh anh đến hộc máu mồm. Không một cán bộ nào của huyện ủy dám đứng ra bảo vệ chính nghĩa của một phần tử trí thức, thế là anh chết, tức chết. Trạm chăn nuôi tự giải thể, rái cá được đem chia cho các cơ quan khác nhau của huyện ủy thịt chén.
- Anh ấy không có gia đình à?
- Không ai nói chuyện đó. Các sinh viên đi theo anh ấy đã đến dạy học ở cac trường đại học, tại Trung Khánh và Quí Dương.
- Cũng chẳng ai đến đặt vấn đề chuyện anh ấy?
Ông nói rằng vào dịp thanh lọc các hồ sơ liên quan các vụ lâu ngày của huyện mới phát hiện ra hơn một chục sổ tay của anh ấy, trong đó ghi nhiều điều chỉ dẫn về môi  sinh của hồ này. Ông đã xem xét kĩ và thấy chúng rất tỉ mỉ mà viết cũng rất văn vẻ. Nếu ta thấy thú, ông có thể cho xem.
Một âm thanh rỗng không cất lên, đén từ đâu không rõ, như tiếng của một ông già cố ho.
- Tiếng gì thế?
- Hạc, ông nói.
Ông đưa ta xuống tầng trệt. Trong gia chăn nuôi quây bằng lưới sắt, có một con hạc cổ đen đầu đỏ, cao hơn một mét và nhiều con hạc xám, chốc chốc chúng lại kêu lên. Ông bảo ta rằng con hạc cổ đen bị thương vào chân và họ đã bắt được nó để nuôi, còn các hạc xám đẻ ra năm nay thì bắt được ở tổ trước khi biết bay. Trước kia, vào mùa thu, hạc đên qua mùa đông ở đây. Chúng ở khắp nơi trong các đám lau sậy ven hồ nhưng về sau, chúng đã gần như biến mất hoàn toàn vì săn bắn. Sau khi lập khu vực tự nhiên, cách đây hai năm, khoảng sáu chục con đã trở lại và năm ngoái, hơn  ba trăm con hạc xám cổ đen. Đông hơn cả vẫn là hạc xám, nhưng vẫn chưa thấy hạc đầu đỏ về.
Ta hỏi ông liệu có ra hồ được không. Ông bảo mai, nếu có mặt trời, ông sẽ bơm xuồng cao su đưa ta làm một vòng. Hôm nay, gió quá mạnh và trời quá lạnh.
Ta cáo biệt ông rồi thả bước đi ra phía hồ.
Men theo một con đường nhỏ ở sườn núi, ta đến một cái chòm có bảy, tám gia đình sinh sống. Cột kèo các ngôi nhà đều bằng đá. Chỉ có những cây non mới trồng ở trước cửa nhà và trong sân. Cách đây vài chục năm, rừng sâu đen ngòm chắc phải viền bọc lấy cái chòm này.
Ta xuống tới ven hồ, bước qua các vồng đất mềm nhão, lầy lội ở giữa các thửa ruộng. Thời tiết này tụt giày chân đi không thì quá lạnh nhưng để giày thì bùn cư dày thêm dần ở dưới đế. Trước mặt ta, tận đầu cùng cánh đồng, có một con thuyền và một đứa bé ở bên hồ. Nó mang xô và cần câu. Ta thèm đẩy con thuyền đến chỗ nó, bèn hỏi nó:
- Cho thuyền này xuống nước được không?
Nó đi chân đất, quần xắn cao quá gối. Nó nom vẻ mười ba hay mười bốn tuổi. Mắt nó không để vào ta mà hướng về sau ta nữa. Quay đầu lại, ta thấy một hình người ở rìa làng đang gọi nó. Ở rất xa, cái bóng này như mặc áo cánh màu sắc tươi tắn, và là dáng một đứa con gái. Ta bước một bước lại phía thằng bé. Giày ta sục hoàn toàn vào bùn.
- Ơi…ya…yi…yơ…!
Âm thanh xa ấy nói cái gì ta nghe không rõ, chỉ thấy tiếng gọi tron veo dễ chịu. Chắc là gọi thằng bé. Cần câu trên vai, nó đi ngang qua người ta.
Ta càng đi lên càng khó, những đã đến ven hồ rồi thì âu bằng ta cứ ra giữa hồ nhìn xem một cái. Cái thuyền ở cách ta quá lắm mười bước. Ta chỉ việc xoạc cẳng xang chỗ thằng bé vừa đứng ở đó là đến được tới thuyền, chỗ đất ấy có vẻ khô rắn hơn. Một sào tre cắm ở mũi thuyền. Ta đã dò ra thấy trong lau sậy những con chim nước đang bay. Có lẽ vịt trời. Chúng đang kêu nhưng vì gió thổi từ bờ đến cho nên nghe thấy tiếng gọi rất xa của hai đứa bé mà không rõ được tiếng chim nước kêu ở chỗ gần trên mặt nước này.
Ta tự nhủ chỉ cần đẩy cái thuyền cho ra khỏi các búi sậy thì tới được các vùng nước rộng lớn kia. Để cho ta một mình trôi bồng bềnh giữa hồ, trong các đồi cao biệt lập và êm ả này, ta sẽ chẳng phải nói với ai mà hòa tan vào cảnh quan chỉ còn là một với ánh hồ, sắc trời, các màu núi cũng không phải là xoàng. Ta rút chân để đi lên một bước nhưng ta liền thụt đến nửa ống chân vào bùn. Ta không dám đưa sức nặng của ta về đằng trước. Ta biết rằng một khi đầu gối ta bị ngập, ta sẽ không còn cách nào để thoát ra khỏi đây. Ta cũng không dám xê dịch bàn chân sau. Không thể tiến thoái, ta không biết làm gì nữa. Tình huống hề, dĩ nhiên, nhưng vì không ai thấy ta, không ai có thể cười nhưng cũng chính vì thế lại càng ít người đến giúp ta được hơn. Cái này mới đáng ngán.
Cũng giống như lúc nãy ta từng thấy những người ở trên thuyền của họ nhờ cái ống nhòm của trung tâm quản trị, bây giờ ta cũng chỉ có thể hiện ra qua ống nhòm của họ như một cái bóng thấp thoáng không rõ mặt. Cho dù có chĩa ống nhòm vào ta, người ta cũng nghĩ đây chỉ là một nông dân ra hồ vớt nhặt vài sản phẩm gì đó để có thêm thu nhập và chẳng ai sẽ quan tâm đến việc đó.
Mặt nước im lặng, lũ chim nước đã biến mất. Mặt nước lấp lánh đang dần dần tối lại, không thể phân biệt ra. Sắc màu hoàng hôn từ các búi lau sập lan rộng đi, không khí lạnh dâng lên ở dưới chân ta. Ta tê cứng. Không tiếng dế rúc, không tiếng ếch nhái kêu. Rút cục, có thể đây chính là cái im lìm nguyên thủy trụi hết ý nghĩa mà ta nắm bắt được chăng?

19
Một tối rét buốt, giữa thu. Một màn tối dầy sâu dìm ngập cái bề mặt hỗn độn sơ khai; trời và đất, cây cối và núi đá hòa lẫn, con đường không thể nhìn thấy, mi chỉ có thể ở nguyên tại chỗ không thể rút chân ra, thân người chúi về đằng trước, hai tang dang rộng mà sờ lần trong cái đêm đen tối ngòm này, mi nghe thấy động đậy nhưng không phải là gió, chính là cái màn tối trong đó chẳng có trên có dưới, chẳng có trái có phải, chẳng có xa có gần, chẳng một trật tự nhất định nào, mi hòa trộn hòan toàn vào trong cái hỗn mang ấy, mi chỉ biết thân hình mi có một đường viền nhưng ngay cả cái đường viền ấy cũng đang dần nhạt nhòa đi trong tâm tưởng mi, một ánh sáng dâng lên ở trong mi, như đốm lửa cô đơn của một ngọn nến trong màn tăm tối, lửa đó tỏa ra ánh sáng nhưng không mang nhiệt, một ánh sáng băng giá đang tràn ra cơ thể mi, trào ra khỏi đường viền cơ thể, những đường viền mà mi bảo tồn trong tâm tưởng, hai tay mi quặp lại để gìn giữ ngọn lửa ấy, cái ý thức lạnh băng và thấu suốt, mi cần cái cảm giác ấy, mi gắng bảo vệ nó, trước mặt mi hiện ra mặt hồ yên tĩnh và ở bên kia, các lùm cây dựng lên, những cái cây đã mất hết lá, và cả những cây khác, chưa hoàn toàn trơ trụi, những cây dương thon thả còn mắc lại vài chiếc lá vàng, những cây táo một mầu đen kim loại với một hay hai chiếc lá vàng nhạt run rẩy trong gió, những cây bách đỏ tía chỗ dầy chỗ thưa đều giống như những cuộc sương mù; ở mặt hồ, không một gợn sóng, chỉ là những ảnh chiếu ngược rõ với những mầu sắc phong phú biến đổi trên nhiều tầng cấp độ, từ đỏ thẫm đến đỏ tía, da cam, vàng dịu, xanh gắt, xám, nguyệt bạch, mi suy nghĩ dồn dập rồi thình lình các mầu sắc biến mất để hòa vào thành vô vàn những sắc thái xám, đen, trắng đậm hay sáng nhạt, như một bức ảnh cũ đã phai, chỉ duy nhất các bóng tối còn rõ nét, thay vì nói mi đang ở trên mặt đất thì hãy nói rằng mi đang ở trong một không gian khác, mi nín thở quan sát hình ảnh của chính tâm cảnh mi, tất cả êm ả biết bao, cái êm ả làm mi lo sợ, mi có cảm giác đây là một giấc mộng, mi không nên sợ nhưng chính lại là mi không thể ngăn mi sợ bởi vì cái êm ả nó quá hoàn hảo, một êm ả dị thường.
Mi hỏi nàng có trông thấy cái bóng ấy không?
Nàng bảo có trông thấy.
Mi hỏi nàng có thấy chiếc thuyền không.
Nàng bảo có cái thuyền thì mặt hồ mới càng êm ả ra kia.
Thình lình mi nghe thấy nàng thở, mi vươn tay ra sờ vào nàng, bàn tay mi ngập ngừng trên người nàng đã bị một tay nàng ngăn lại, mi nắm lấy cổ tay nàng, kéo nàng lại, nàng cũng liền quay lại nép vào ngực mi, mi ngửi thấy mùi thơm ấm áp của tóc nàng, mi tìm môi nàng, nàng quay người tránh, thân nàng ấm nóng, sống động thở rộn lên, tim nàng bắt đầu đập nhanh mạnh hơn ở trong lòng bàn tay mi.
Mi nói mi muốn cái thuyền con đắm.
Nàng nói thì thân thuyền đã đầy nước rồi mà.
Mi dịch nàng ra, đi vào thân người ẩm ướt của nàng.
Nàng đã biết sẽ là như thế, nàng thở dài và tức thì người nàng chùng thả, mất hết gân cốt.
Mi muốn nàng nói nàng là một con cá!
Không!
Mi muốn nàng nói nàng tự do.
A, không.
Mi muốn nàng đắm chìm, muốn nàng quên hết cả.
Nàng nói nàng sợ.
Mi hỏi nàng sợ gì.
Nàng bảo nàng không biết nói ra, nàng lại nói nàng sợ đêm tối, nàng sợ đắm chìm.
Sau đó là những má nóng bỏng, những lưỡi lửa nhảy nhót, lập tức bị bóng đêm nuốt chửng, những thân người xoắn vặn, nàng bảo mi nhè nhẹ một tí, nàng kêu đau! Nàng giẫy, nàng gọi mi là thú dữ! Nàng sa bẫy, bị săn đuổi, bị xé nát, bị nuốt sống, a... Cái màn tối dầy đặc, sờ mó được này, cái hỗn mang chưa từng mở, chẳng có trời lẫn chẳng có đất, chẳng có không gian lẫn thời gian, có, chẳng có chẳng có, chẳng có có lẫn chẳng có, có chẳng có có chẳng có có, chẳng có chẳng có có chẳng có chẳng có, ngọn lửa nóng bỏng của than, con mắt ướt, cái huyệt mở, những cuộn khói sương, những môi nóng bỏng, những tiếng kêu trầm khàn từ cổ, người và vật, kêu gọi đêm tối sơ khai, nỗi khổ của con cọp dữ trong rừng, lòng tham, lửa đã dâng lên, nàng kêu khóc, thốt ra những tiếng thất thanh, con thú ngoặm cắn, gầm gừ, nó bị quỷ ám, nó nhảy dựng lên, quay cuồng, lửa ngày một tỏ sáng, những ngọn lửa biến hóa không ngừng, hình dạng ở trong cái lỗ huyệt có những cuộn khói cất lên, một cuộc vật lộn sống mái xảy ra, con thú nhào xuống đất, kêu chói lói, lại nhảy lại gào rít, bóp chết và nuốt chửng... Kẻ ăn trộm lửa đã chạy, ngọn đuốc đi xa, nhập sâu vào trong đêm đen, nhỏ dần, ngọn lửa chỉ còn là cái chấm tí teo chập chờn trong gió tối lạnh[12]. Nó tắt ngấm.
Em sợ, nàng nói.
Sợ gì?
Em không sợ gì nhưng em thích nói em sợ.
Cô bé ngố này.
Bờ bên kia,
Em bảo sao? Mi không hiểu.
Em yêu anh không?
Em không biết,
Em ghét anh không?
Em không biết,
Em chưa làm cái này bao giờ?
Em chỉ biết sớm muộn rồi cũng đến cái ngày này.
Em thích không?
Em đã là của anh, hãy nói những điều dịu dàng với em, cùng em nói đến bóng tối.
Bàn Cổ vung lưỡi búa mở trời.[13]
Đừng nói Bàn Cổ.
Kể cái gì đây?
Kể cái thuyền kia,
Một cái thuyền con sắp đắm.
Người ta tưởng nó sắp đắm nhưng nó đắm không được.
Cuối cùng nó có đắm không?
Em không biết.
Em đúng là một đứa trẻ.
Kể chuyện cho em đi.
Sau đại hồng thủy, giữa trời và đất sẽ chỉ còn lại một cái thuyền con, trên thuyền chỉ có hai anh em, một trai, một gái, chúng không chịu được nữa cảnh cô đơn, chúng ôm chặt lấy nhau, chỉ có thân xác kẻ kia mới là có thật, mới chứng nhận được cho sự tồn tại của kẻ này.
Anh yêu em,
cô gái đã bị con rắn quyến rũ,
con rắn là đứa anh trai.

20
Một ca sĩ người dân tộc Di dẫn ta vào núi, phía sau hồ Tào, trong các làng xóm của dân tộc Di. Càng đi lên đỉnh núi càng có vẻ tròn xoe, cây cối um tùm và sum suê, toát ra một thứ mùi đàn bà nguyên thủy.
Nước da rất nâu, mũi thẳng, mắt nhỏ dài, đàn bà Di thật đẹp. Họ rất ít khi nhìn thẳng vào mặt người lạ. Ngay dù ở chỗ ngoặt của đường mòn trên núi, ngẩng mặt về anh ta, họ vẫn giữ con mắt cúi xuống và dừng lại, không một lời, nhường cho anh ta đi.
Người dẫn đường của ta đã khe khẽ hát cho ta vài bài dân ca Di, đều buồn giống như những lời than, ngay cả tình ca cũng thế.
Nếu một tối trăng em đi ra,
chớ đốt đuốc trên đường,
nếu đốt đuốc trên đường,
mặt trăng nó sẽ đau lòng đấy.
Vào mùa cây cải dầu ra hoa,
em đừng mang rổ đi hái hoa,
nếu em mang rổ đi hái hoa,
cây cải dầu nó sẽ đau lòng đấy.
Nếu mày yêu một cô gái chân thật,
thì chớ có do dự,
nếu mày do dự,
người con gái nó sẽ đau lòng đấy.
Anh ta cho biết hiện nay hôn nhân giữa con trai con gái Di vẫn do bố mẹ xếp đặt. Trai trẻ muốn yêu nhau tự do thì phải đi ẩn trong núi để được gặp nhau. Nếu bị phát hiện chúng sẽ bị bắt và thời xưa còn bị gia đình giết chết.
Con cu gáy và con gà cùng nhau mổ hạt,
Con gà có chủ, con cu gáy thì không,
chủ con gà đến tìm nó,
còn lại con cu gáy một mình.
Cô gái và chàng trai cùng nhau nô rỡn,
Cô gái có chủ, chàng trai thì không,
chủ cô gái đến tìm cô gái,
còn lại chàng trai có một mình.
Những bài tình ca này, anh ta không hát được ở nhà trước vợ con. Anh ta đến nhà khách, nơi ta trọ và cửa đóng lại, anh ta hát, giọng êm dịu bằng tiếng Di, đồng thời lần lượt dịch ra cho ta nghe.
Áo dài, thắt lưng quấn quanh lưng, anh ta có cặp mắt buồn và hai má hốc hác. Chính anh ta cũng đã dịch các bài hát này ra tiếng Hán, bằng một ngôn ngữ đầy chân thành tự phát chảy thẳng ra từ trái tim. Đấy là một nhà thơ bẩm sinh.
Tuổi anh ta không xa tuổi ta lắm nhưng anh ta nói anh ta đã già. Làm ta hết sức ngạc nhiên, anh ta nói bây giờ anh ta chẳng còn được cái tích sự gì, nhưng anh ta có hai đứa con, một trai mười bảy, một gái mười hai, và anh ta phải làm ăn vất vả vì chúng. Sau đó, khi ta đến quê hương anh ta, một sơn thôn, ta thấy trong bãi chăn thả súc vật sát với nhà ở, anh ta nuôi hai con lợn. Trong nhà, nền bằng đất nện, trên giường chỉ có một tấm chăn mỏng bằng vải bông nhờ nhờ đen đã cũ. Vợ anh ta ốm. Hoàn toàn rõ ràng rằng cuộc đời là một gánh nặng cho anh ta.
Cũng chính anh ta đã đưa ta đi gặp pimo, một thầy tu Di. Ta và anh ta vào một nhà rất sâu, đi qua những hành lang hẹp, tối tới một mảnh sân ngang, ở đây thầy tu có một buồng đơn độc, với một cửa ra vào. Anh ta đẩy cửa sân rồi gọi. Lập tức vang lên một tiếng đàn ông đáp lại. Anh ta bảo ta vào. Bên trong, trước cái bàn gần cửa sổ, một người đàn ông mặc áo dài màu lam đang ngồi. Ông ta đứng dậy. Ông cũng đeo thắt lưng và đội khăn đen trên đầu.
Ca sĩ giới thiệu ta bằng tiếng Di rồi nói với ta rằng thày tu người ở vùng Kha Lạc, xuất thân từ một đại gia tộc nay từ trên trại ở núi cao được mời xuống làm pháp sư cho người Di ở thủ phủ huyện, ba mươi tuổi. Không chớp mắt, pháp sư nhìn ta chằm chằm, mắt sáng long lanh. Khó đương lại nổi cái nhìn của ông ta. Tuy ông chằm chằm nhìn thẳng vào ta nhưng thật ra ông nhìn đến nơi khác. Chắc là một thế giới khác, thế giới của rừng núi hoặc của các hồn linh.
Ta ngồi vào bàn trước mặt ông. Ca sĩ nói rõ vì sao ta đến. Ông đang chép lại một bài văn thờ cúng kinh điển bằng tiếng Di, ông cũng dùng bút lông như người Hán. Khi nghe ta nói xong, ông gật gật đầu, quệt bút vào nghiên mực cho ướt, cắm bút vào một cái bình, đậy nghiên mực lại. Sau đó ông đặt ngay ngắn ở trước mặt bài kinh thờ cúng, cũng viết bằng bút lông trên giấy da thô đã ngả vàng, mở nó ra ở đầu một chương đoạn, thình lình cất tiếng niệm lên.
Tiếng ông quá vang đối với căn phòng nhỏ bé như thế này. Nó buột thoát ra, đều đều, giọng rất cao rồi trầm bổng lên xuống ở vào khoảng giữa bốn hay năm độ âm cao: một nhát lời khấn cầu đưa bạn đến các vồng đất bằng của vùng cao nguyên.
Trong gian buồng tối này, qua cửa sổ sau ông, ánh nắng xem vẻ đặc biệt rực rỡ, đất lầy lội ở sân chói lòa. Một con gà trống vươn cổ lên như để nghe ông rồi lại bắt đầu mổ hạt, đầu cúi xuống, đã quen thuộc với cái tiếng nói này, tựa như với nó việc tụng niệm các bài văn thờ cúng này là chuyện cơm bữa.
Ta hỏi người đưa đường:
- Ông ta hát gì đấy?
Anh ta nói đó là những bài văn thờ cúng dành riêng cho cuộc đại tháo lui, cái chết của một người. Nhưng bài văn này được sáng tác bằng tiếng Di cổ, anh ta chẳng hiểu được gì nhiều trong đó. Qua anh ta, ta tìm hiểu phong tục tập quán người Di trong hôn nhân và ma chay, ta đã nhờ anh ta xem liệu ta trước hết có dịp nào dự một lễ tang giống như những gì anh ta vừa kể cho ta nghe không. Thời buổi này việc ấy là một cảnh tượng hiếm. Cái giọng nam cao liên miên trầm bổng phát thẳng từ họng người thầy cúng ra, vang lên trong hốc mũi rồi thoát ra ngoài, cái âm thanh đầy sức sống nhưng cũ rão này làm hiện lên ở trong ta một đám ma với những người đánh trống, thổi kèn xò na, múa các lá cờ cũng như mang các người giấy, ngựa giấy đi rảo. Các cô gái cưỡi ngựa, các cậu trai vác súng, suốt dọc đường đi, tiếng súng nổ rền.
Ta cũng thấy ngôi nhà táng của hồn người chết. Đặt trên quan tài, nó làm bằng tre đan bồi giấy mầu. Một bức tường bằng các cành cây đan nhau vây quanh nó. Nơi làm tang lễ, những đống củi cao đang cháy. Người thân của người chết ngồi vòng tròn quanh một trong những đống lửa đó; các ngọn lửa bốc lên mỗi lúc một cao hơn trong khi vang lên trong đêm tối tiếng niệm kinh thờ cúng; đám đông chạy, nhảy, đánh trống chiêng, nổ súng.
Con người đến với thế giới trong tiếng khóc tiếng kêu rồi lìa bỏ thế giới trong huyên náo, xem ra là phù hợp với bản tính người.
Phong tục này không phải của riêng các làng trại dân tộc Di. Người ta tìm thấy nó ở trong tất cả lưu vực Trường Giang, nhưng phần lớn nó mang một dấu ấn quá dung tục, mất đi hàm nghĩa nguyên sơ của cái cảnh ầm ĩ này. Ở Phong Đô, Tứ Xuyên, nơi từng được gọi là “quỷ thành”, đất cổ xưa của người nước Ba, ta đã dự lễ tang của bố viên giám đốc một cửa hàng bách hóa lớn của huyện. Trên quan tài, người ta đặt một nhà táng giấy cho hồn người quá cố. Trước cửa nhà ông ta, xếp đầy xe đạp của những người tới chia buồn còn bên phía đối lại chồng chất vòng hoa, người ngựa hàng mã. Cạnh đường, ba nhóm kèn xò na lần lượt thổi từ sáng tới chiều theo ca, nhưng không một người thân thích nào, không một mối quan hệ nào đến khóc người chết mà đã lại hát những bài hiếu ca hay nhảy những điệu múa lễ. Họ chơi bài xì ở sân, túm tụm bên những cái bàn. Ta muốn chụp một bức ảnh về những phong tục hiện đại này nhưng ông giám đốc đã giữ máy ảnh của ta và đòi xem giấy tờ.
Dĩ nhiên còn những người biết những bài hiếu ca của con cái. Trong vùng Kinh Châu, tại Giang Lăng, đất cũ của người nước Sở, những bài hiếu ca này đã được truyền lại tới ngày nay. Chúng được hát lên trong lễ gọi hồn do đạo sĩ của làng tổ chức. Người ta gọi đó là “Cổ bồn ca”, gõ chậu mà hát. Người ta tìm thấy vết tích trong Trang Tử[14]: khi vợ Trang Tử chết, ông bèn hát và gõ vào một cái bồn, biến chuyện tang ma thành chuyện vui vẻ, âm thành bài hát này hẳn phải là vang dội đến nay.
Một số chuyên gia hiện nay về dân tộc Di đã chứng minh rằng ông tổ sáng lập của người Hán, Phục Hi, có một mối quan hệ với con hổ vật tổ của người Di, vật tổ này người ta tìm thấy một ít dấu vết của nó ở mọi nơi tại các đất Ba và Sở. Trên các viên gạch triều đại Hán phát hiện tại Tứ Xuyên, Tây Vương Mẫu được trình bày dưới dạng một con hổ cái mang mặt người. Khi ở cái làng người ca sĩ Di, ta đã quan sát hai đứa bé nô ở đất, trước một hàng rào mây đan. Chúng đội mũ có đầu hổ, thêu chỉ đỏ, giống như các mũ của trẻ con vùng Nam Giang Tây và Nam An Huy. Trong các di chỉ cổ của nước Ngô nước Việt, trên hạ lưu Trường Giang, người Giang Tô và Triết Giang nổi tiếng vì thông minh, vẫn giữ lại nỗi sợ hổ cái. Có phải là một thời cổ bị vùi sâu trong vô thức những người tôn thờ các vật tổ hổ cái vào thời mẫu hệ không? Không ai biết được. Cuối cùng, lịch sử chỉ là một màn sương dầy. Chỉ có tiếng hát của người pháp sư là rõ ràng, sáng sủa.
Ta hỏi người dẫn đường có thể dịch cho ta nghĩa đại khái của các bài kinh thờ cúng kia không. Chúng chỉ cho vong linh người chết con đường đi trong cõi âm, anh ta nói. Chúng thưa với Ngọc Hoàng, với tứ phương chư thần, với sơn thần, thủy thần và cuối cùng kể rõ gốc gác tiên tổ người chết từ đâu mà đến. Lúc đó hồn người chết có thể trở về quê hương bản quán, theo cái mạch đường đã được chỉ dẫn này.
Sau đó ta hỏi thầy tu đã đếm được bao nhiêu súng trong cái lễ lớn mà ông tổ chức. Ông nghĩ một lúc, rồi qua người dẫn đường đáp rằng có hơn một trăm. Nhưng trong tang lễ một nhà thổ ty, ông đã từng thấy một nghìn hai trăm súng. Lúc đó ông mười lăm tuổi, ông phụ lễ cho cha ông; ở họ ông, pimo thầy cúng là tổ truyền.
Một cán bộ người Di của huyện nhiệt tình dành cho ta một se Jeep để đưa ta đi Yến Thương tham quan ngôi mộ hướng thiên khổng lồ, mộ vua thời xưa của người Di. Đó là một quả đồi tròn, đỉnh lủm xuống, cao năm chục mét. Vào thời kỳ “khai thác giá trị đất đai vì cách mạng”, người ta hóa rồ hóa dại. Để làm vôi, người ta đã mang đi ba hàng rào đá dùng cho ma chay bao quanh quả đồi, họ đã đào rồi đập vỡ các bình đựng tro người chết, đem gieo ngô lên khoảng đất trống này. Bây giờ chỉ còn vài ngọn cỏ dại cằn cỗi, bị gió thổi rạp là còn mọc ở đây. Theo những người nghiên cứu thuộc dân tộc Di, các đài tế những người chết ở đất Ba được các tư liệu Trung Quốc của Hoa Dương Quốc chí xác nhận là rất giống với ngôi mộ hướng thiên kia. Các đài đó được dành cho việc thờ phụng tiên tổ và được dùng vào việc quan sát trời.
Ông khẳng định rằng tổ tiên người Di quê quán gốc gác ở vùng A Bạt tại tây bắc Tứ Xuyên, họ cùng có tổ tiên chung với người Khương cổ. Ta đứng về quan điểm của ông. Người Khương và người Di rất gần nhau ở mầu da, khuôn mặt và thể cách sinh lý, ta có thể làm chứng cho cái đó vì ta ở các vùng đó trở về. Ông vỗ vào vai ta để mời ta đến nhà uống rượu. Chúng ta đã thành bạn. Ta hỏi ông liệu ở người Di có cần cứ phải uống rượu hòa máu để thắt chặt tình bạn không. Ông gật đầu: người ta phải giết một con gà trống, hòa máu nó vào rượu. Còn ông, ông đã cho con gà vào nồi rồi, chúng ta sẽ ăn và uống luôn một thể. Ông vừa cho con gái đi Bắc Kinh để học. Ông giao phó nó cho ta, nhờ ta săn sóc nó. Ông cũng đã viết một kịch bản phim, lấy đề tài từ một sử thi anh hùng thời cổ được lưu truyền bằng miệng. Nếu ta giúp được ông tìm ra một xưởng phim thực hiện nó thì ông tìm cách điều động một đoàn kị sĩ Di tham gia quay phim. Ta đoán ông thuộc về giai cấp quý tộc chủ sở hữu nô lệ người Di đen. Ông không cải chính. Ông kể năm ngoái, ông đã đến dãy núi Đại Lạng. Ông đã làm được việc ngoi ngược lên đời thứ mười hay thậm chí hàng chục đời – ta không nhớ nữa – tổ tiên của cái chi mà ông có chung với một cán bộ địa phương người Di.
Ta hỏi ông trong xã hội Di ngày xưa liệu đẳng cấp các bộ tộc có ngặt lắm không. Một con trai và một con gái cùng bộ tộc muốn lấy nhau hay đã có quan hệ tình dục với nhau có bị giết hay không? Với anh chị em con chú con bác cũng thế. Nếu một nô lệ Di trắng có quan hệ tính dục với một phụ nữ quý tộc Di đen, thì đứa con trai có bị kết tội tử hình và người con gái có bị bức tử không?
- Đúng, ông nói, nhưng chẳng phải cũng đã có như thế ở người Hán các anh đấy ư?
Ta nghĩ một lát, mà đúng.
Ta nghe nói các án tự sát có thể được tiến hành bằng các hình thức treo cổ, uống thuốc độc, trầm mình xuống sông hay nhảy từ trên cao vào khoảng không. Còn tử hình, do người khác làm cho, thì là bóp cổ, lăng trì, dìm chết đuối với một hòn đá buộc vào người, đẩy ngã từ đỉnh cao xuống, giết bằng dao hoặc súng. Ta hỏi ông có như thế hay không.
- Có như thế, nhưng ở người Hán các anh chẳng phải cũng có như thế đấy ư?
Ta nghĩ một cái lại cũng thấy đúng.
Ta lại hỏi liệu các hình phạt tàn nhẫn hơn thế nữa có còn nhiều hay không. Cắt gót chân chẳng hạn, chặt các ngón tay, xẻo tai, móc mắt, xuyên thủng mũi, chọc vỡ con ngươi.
- Đều đã có cả nhưng là trong quá khứ. Thế trong Cách mạng văn hóa chẳng đã làm như thế đấy thôi?
Ông nói đúng, sao ta lại ngạc nhiên cơ chứ?
Ông kể ông đã gặp trong núi Đại Lang một sĩ quan cũ của Quốc dân đảng vẫn cứ tiếp tục tự giới thiệu mình là tốt nghiệp khóa mấy năm mấy của học viện quân sự Hoàng Phố và là thượng tá của đại đội nào, sư đoàn nào, quân đoàn nào trong quân đội quốc gia. Bị bắt làm tù binh và bị một tù trưởng bộ tộc thu làm nô lệ, ông chạy trốn nhưng rồi đã bị bắt lại. Người ta đã kéo lê ông ra chợ, xích vào xương đòn gánh và bán cho một người chủ khác lấy bốn chục nén bạc. Khi Đảng cộng sản đến, thân phận nô lệ cũ đã cứu ông khỏi bị các hình phạt vì chẳng có ai biết lý lịch của ông. Bây giờ, khi người ta đang lại nói đến một liên minh mới ra đời giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng thì ông mới dám kể ra. Lúc đó người ta đã muốn cử ông làm ủy viên Hội nghị hiệp thương nhân dân Trung Quốc nhưng ông thoái thác. Ông đã bảy mươi tuổi, có năm con ra đời khi ông là nô lệ. Chủ nô đã cho ông hai người vợ và ông đã có chín con, bốn đứa chết. Ông còn đang sống trong núi, không muốn biết xem chút nào cái gì đã xảy ra với người vợ thứ nhất và các con ông. Người cán bộ hỏi ta có viết tiểu thuyết không. Anh ta sẵn sàng cho không ta câu chuyện này.
Sau bữa ăn, khi ta ra khỏi nhà anh ta, cái phố nhỏ đã chìm trong bóng tối; giữa hai hàng mái, nền trời hiện ra thành một hình chữ nhật dài màu xám thẫm. Một ngày phiên chợ, phố sẽ đầy những người Di đầu quấn khăn và người Mèo với mảnh khăn mùi soa buộc tóc, nhưng nó không khác mấy với một cái phố ở nội địa.
Trên đường về trung tâm đón tiếp, nơi ta trọ, ta đi qua một rạp chiếu bóng. Ta không biết có đang là một buổi chiếu hay không. Một tấm áp phích mồi khách vẽ một người đàn bà huy hoàng với bộ ngực nhô cao, đèn rọi vào sáng choang. Tên phim đại khái không phải là một tên đàn bà thì là dính tình yêu. Trời còn sớm, ta không muốn quay lại gian phòng có bốn cái giường vắng lạnh. Ta quay gót để đi đến nhà một người bạn ta vừa mới quen. Anh học khảo cổ học ở đại học. Ta không biết anh đến đây như thế nào và ta chưa hỏi. Anh chỉ đơn giản nói một cách miễn cưỡng rằng anh chưa có bằng tiến sĩ.
Theo quan điểm của anh, dân tộc Di sống chủ yếu trong lưu vực sông Kim Sa Giang và chi lưu của nó, Nha Củng Giang. Thủy tổ của họ là người Khương, di cư dần dần tới đây khi chế độ nô lệ thời Thương và Chu ở đồng bằng trung bộ đã biến mất. Vào thời chiến quốc, khi nước Tần và nước Sở đánh nhau ở Quý Châu hiện nay, tổ tiên của họ lại tiếp tục di cư đến Vân Nam. Đây là sự việc đã được xác nhận một cách không thể nghi ngờ trong Biên niên sử của người Di ở Tây Nam, bản văn cổ bằng tiếng Di. Nhưng năm ngoái anh đã phát hiện ở bờ hồ Tào hơn một trăm công cụ đá có từ thời đá cũ, rồi cũng ở tại chỗ đó, những công cụ thời đá mới, sự mài bóng cùng chế tác giống hoàn toàn với những dụng cụ đá ở di chỉ Hà Mẫu Độ, bến Mẹ sông, tại hạ lưu Trường Giang. Những vết tích kiến trúc giống với nhà sàn cũng đã được khai quật ở huyện bên Hách Chương. Vậy nên anh nghĩ rằng ở thời đá mới, đã tồn tại một quan hệ giữa các địa điểm mà chính anh và ta đang ở đây với văn hóa của tổ tiên các bộ tộc Di.
Khi anh thấy ta đến, anh lấy ở dưới gầm giường của trẻ con ra một rọ đá, ngỡ ta đến xem các công cụ anh tìm thấy. Cả hai nhìn nhau cười. Ta bảo anh:
- Tôi không đến vì đá.
- Đúng thế, đá ấy hả, không phải là thứ cấp bách nhất, nào lại đây, lại đây.
Anh đặt ngay cái rọ vào sau cửa rồi gọi vợ:
- Cho cái uống nhé!
Ta nói ta vừa uống rượu rồi.
- Không lo, chỗ tôi đây, anh hoàn toàn có thể say bò ra mới thôi, nếu say thì ngủ lại đây!
Anh chắc người Tứ Xuyên. Nghe cách anh nói, ta cảm thấy gần anh và bèn nói theo giọng Tứ Xuyên. Vợ anh chuẩn bị tức khắc những món để kèm với một loại rượu có hương vị đậm đà. Tràn đầy phấn khích, anh bạn lao vào những tràng giang đại hải: về các mảnh hóa thạch của voi răng kiếm machairodus lấy ra từ các đầm lầy của hồ Tào mà những người bán cá đem bán, về các cán bộ địa phương có thể hội họp cả một buổi sáng để quyết định mua có duy nhất một cái bàn tính.
Trước khi mua nó, phải hơ nó qua lửa đôi chút để xem các quả lăn là bằng sừng bò hay gỗ sơn.
Hàng thật hay hàng giả?
Cả hai chúng ta đều cười hết hơi, cười đau cả bụng. Thật ít khi vui như thế.
Khi ta ra khỏi nhà anh, dưới chân ta bỗng thấy nhẹ bỗng, điều hiếm có ở vùng cao nguyên này. Ta biết ta đã uống vừa đủ thôi, không vượt quá bản lĩnh của ta. Sau đó ta nhớ đã quên không lấy ở trong rọ của anh một lưỡi tầm sét đá mà các hậu duệ của người Nguyên Mưu từng sử dụng[15]. Chỉ cho ta đồ đá trong rọ để sau cửa, anh đã kêu to lên lúc ấy:
- Muốn lấy bao nhiêu tùy thích, đấy là những pháp bảo tổ truyền của chúng ta đấy!
-----------
[11] Ya, tiếng Trung Quốc, vừa là tiếng reo vừa đồng âm với răng, nha.
[12] Nguyên tác: lãnh âm phong. Chú ý lại dùng chữ âm đi với phong, cho ra một từ mới.
[13] Nhân vật huyền thoại, người đã mở ra bầu trời.
[14] Tác phẩm của Trang Chu, triết gia đạo Lão, thế kỷ 4 trước C.N.
[15] Di chỉ khảo cổ ở tỉnh Vân Nam.