ừ hàng ngàn lồng ngực phát ra một tiếng hét vang trời: “DÔ”.
Văn cùng gào lên với mọi người, nhưng tiếng anh hình như át trùm hết cả tiếng người khác - Lúc thường anh đã nói “Vào”, trong khi các bạn miền Nam của anh kêu “Vô” nhưng ở trận banh quốc tế này khi mà danh dự của cả dân tộc rực sáng hay lu mờ tùy theo trái banh da đi vào trong hay ra ngoài một cái khung gỗ trắng thì tất cả mọi người quên hết những dị biệt về ngôn ngữ và đều thống nhất ý chí trong một tiếng hò: “DÔ”.
Cái lúc hùng tráng như một thảm kịch đó, kêu “Vào” cũng không đúng mà kêu “Vô” lại càng sai. Phải kêu: “DÔ”.
“DÔ” mới là danh từ được công nhận. Dùng tiếng khác anh chỉ tỏ ra anh không phải là người của cầu trường.
Vậy thì tiếng “DÔ” khủng khiếp ấy đã nổi lên như sấm động.
Trái banh ngập ngừng luống cuống rồi như sợ hãi quá trước sức uy hiếp của tiếng hò, nó chui tọt vào thành, nằm nép mình dưới lưới im không động đậy.
Đội banh nhà vừa bị dẫn trước một bàn nay đã gỡ hòa - Từ mọi phía tiếng vỗ tay ran lên, đều đều, đều đều đến nỗi cho ta một cái cảm giác im lặng. Có tiếng kèn mừng nổi lên hấp tấp hình như người thổi kèn cũng hòa mình với sự say sưa của khán giả rồi quên cả nhịp điệu.
Vài chiếc nón, mấy chiếc dép cao su được tung lên trời, vừa rớt xuống lại được ném tiếp lên, cao vút như niềm hân hoan đang dâng lên cuồn cuộn.
Trong khi chờ đợi trái banh được đặt lại giữa sân, mọi người mới chợt nhận ra rằng trời nóng và nắng đang chiếu xiên khoai vào chỗ ngồi. Những lá quạt giấy trước đây im phăng phắc khi ai nấy còn mê man theo đuổi trái banh, bây giờ mới hoạt động trở lại trông dập dìu như những đàn bướm tím.
Văn đấm mạnh sang đùi Tuấn, anh bạn ngồi bên, rồi nói: “Cậu cho tôi khao cậu một chai nước chanh”.
*
Văn mê xem đá banh đã gần bốn chục năm nay rồi. Ngay từ năm lên sáu anh đã lăn lộn với trái banh. Theo định nghĩa quốc tế thì trái banh phải là một quả bằng da vòng tròn từ 68 đến 71 phân và cân nặng từ 396 đến 453 gam. Nhưng ở nơi Văn cứ mỗi tuổi trái banh lại có một hình thể khác nhau, kích thước khác nhau và không phải lúc nào cũng luôn luôn làm bằng da.
Khi anh còn học ở trường làng, trái banh của anh là một gói giẻ rách, tàm tạm tròn, có buộc dây chung quanh, đá một lúc dây bung ra, trận đấu ngưng lại để cầu thủ buộc dây thêm cho chắc. Vào khoảng tháng năm, tháng sáu khi cây bưởi ở vườn bà ngoại đã có trái non, anh thường hái trộm một trái làm banh. Nhưng nếu đá ngay thì bưởi dễ vỡ. Phải cắm trái bưởi vào một cái đũa dài rồi hơ lên bếp cho bưởi mềm đi, đá mới bền. Đặc biệt mấy ngày Tết nhà mổ lợn, lấy bong bóng đá, nẩy thì có nẩy nhưng không chơi được lâu và đá không thật chân.
Đến khi lên trường học phủ lỵ, Văn đã tiến bộ hơn. Phủ có một cái sân quần, ông Đồn và ông Chánh Đoan vẫn ra đánh vợt. Anh tán tỉnh với người nhặt banh mua lại một trái banh quần rồi đá cho đến khi nó tuột hết lần da trắng trơ cao su đen ra.
Sau đó là đến thời kỳ banh cao su đặc và banh cao su bơm. Phải mãi đến khi thi vào được trường Bưởi anh mới biết thế nào mới thật là một quả banh da.
Y phục của anh khi đá banh cũng qua nhiều đổi thay - Thường thường là cởi trần, quần cụt, nhưng gặp hôm trời rét thì anh và các bạn đóng luôn bộ quốc phục mà giao tranh. Áo the đen lượt thượt, áo dài trắng phất phới chẳng cần gì đồng phục để phân biệt thế mà giao banh vẫn gắn, truyền banh vẫn ngoạn mục. Chân thì đi đất, dần dần tiến lên đi bít tất, rồi đi giầy vải.
Bữa mà ông Giám học ở trường Bưởi gọi anh lên phát cho một cái áo chẽn theo màu sắc của trường và cấp cho cái giấy đi đóng giầy đinh, anh cảm động như đã leo lên đến tuyệt đỉnh của thang danh vọng. Cũng từ bữa đó anh được hưởng những đặc quyền chỉ dành cho một thiểu số hảo thủ: Không phải xếp hàng khi vào lớp, tới chậm giờ không bị phạt hay xin phép nghỉ dễ dàng.
Văn trọ ở Hàng Than và Tuấn, bạn đồng đội, trọ ở đường Sông Tô Lịch. Tan học hai người cùng về với nhau. Và hôm nào cũng vậy bắt đầu từ đền Quan Thánh cho tới vườn hoa Hàng Đậu là chỗ họ chia tay ai về nhà nấy, Văn và Tuấn mỗi người đi một bên vỉa hè rồi cứ vừa đi vừa truyền cho nhau một viên đá hay một quả bàng. Trái banh ứng chế đó chạy chữ chi trên mặt đường, từ chân Văn sang chân Tuấn rồi lại từ chân Tuấn trở về chân Văn, làm cho họ quên hết cả đường dài.
Không có trận banh quan trọng nào mà Văn bỏ qua không đi xem - Có tiền thì lấy vé. Không tiền thì anh nghĩ đủ cách để qua mặt người soát vé. Có khi anh lợi dụng sự chen lấn để đi thoát. Có khi anh mang banh, xách giầy cho các cầu thủ đi trà trộn giữa lúc họ tới sân. Chẳng lúc nào anh lấy thế làm xấu cả. Khi người ta theo đuổi mục đích chính đáng như xem đá banh làm gì có phương tiện nào gọi là xấu? Trái lại nhiều lúc anh lại tự hào về khối óc phong phú của mình đã nghĩ ra lắm mưu nhiều kế lừa được người gác cổng. Hơn nữa trốn vé lại còn đòi hỏi nhiều gan dạ và dũng cảm. Sân banh Cột Cờ nằm sát ngay một trại lính Lê Dương. Có lần anh đã băng qua mặt một tên lính gác đen ngòm, vượt suốt chiếu ngang trại mà vào sân, lính hô anh cũng không đứng, dọa bắn anh cũng không lui. Trước một sự coi rẻ cái chết đến như vậy, người lính gác chỉ còn biết lắc đầu rồi hạ súng xuống, nhe hàm răng trắng ởn ra cười.
Được hun đúc trong cái tinh thần đó nên khi đã luống tuổi không còn chạy theo trái banh được nữa, Văn vẫn còn là một khách trung thành của sân banh - Chị Văn không làm sao giảng nổi được sự mê say của chồng. Đối với chị, trái banh chẳng qua là một trò chơi con nít, một người trên đầu đã hai thứ tóc như anh sao còn để cho nó quyến rũ, mê hoặc? Đã có lần chị bảo anh:
“Chủ nhật nào cũng thấy anh nói chuyện banh vào, banh ra. Vào thì đã làm chi? Mà không vào thì đã làm sao?”
Nói thế có bực không - Mê say là thuộc phạm vi tình cảm, đem lý trí ra phân tách một cách lạnh lùng như vậy là không biết mê say rồi.
Không làm chi với chẳng làm sao! Đá vào bên người ta thì được, để người ta đá vào bên mình thì thua. Không hiểu được cái nghĩa được, thua tức là không hiểu được cả ý nghĩa cuộc sống!
Cho nên vợ nói sao thì nói, Văn vẫn theo đuổi say mê bóng tròn - Đó là một thứ bệnh nghiện nặng, vô phương cứu chữa. Người Pháp hình như cũng cùng một ý nghĩ trên khi họ gọi những người như Văn là bị bóng tròn “cắn”. Đúng vậy quả banh da thật là một con chó dại, khi nó đã “cắn” ai, truyền nọc nó vào cơ thể mình, thì chỉ còn một cách là chờ nọc ngấm và mình trở thành một người điên dại.
Văn thường nói với chúng bạn, muốn thật thưởng thức bóng tròn phải ngồi bên khán đài bình dân. Đừng có trả lời Văn rằng đi xem hạng chót cực lắm. Nào phải xếp hàng nối đuôi nhau từ 7 giờ sáng để lấy vé, nào phải bỏ bữa cơm trưa, ăn qua quít cái bánh mì chờ từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều mới xem trận banh hạng nhì đá mở màn, rồi đến 4 giờ rưỡi chiều xem trận chính thức, nào chỗ ngồi không có mái che, nắng chín người, mưa sũng áo...
Văn sẽ giơ tay ra một cách quyết liệt, ngăn không cho người đối thoại nói tiếp, rồi giải thích, giọng có đôi chút miệt thị rằng xem đá banh mà còn để ý đến chen chúc, đói khát, mưa nắng thì có khác nào yêu mê một người tình mà không chịu hy sinh cho người đó. Mình đã được ngồi trong sân mà xem, còn những người không có vé, bám lủng lẳng vào những cành cây mỏng mảnh, hay đậu chơi trên những nóc nhà dốc tuột, họ có phàn nàn gì đâu?
Vả lại bên khán đài bình dân có một không khí truyền cảm mãnh liệt, kích thích người xem đến cực độ. Chỉ ở đó người ta mới hồi hộp đến nghẹn thở khi banh tới gần thành nhà, tức giận đến uất máu khi mất một cơ hội thắng điểm, sung sướng đến điên cuồng khi banh vào lưới địch, buồn bã đến thẫn thờ khi ôm hận thất bại. Tất cả những tình cảm đó được trút ra qua những tiếng hò, tiếng hét, tiếng vỗ tay, tiếng chửi thề. Có người quên hẳn mình là khán giả, ngồi ngoài xem mà tưởng đứng trong sân, lồng hẳn mình vào một vai cầu thủ, sống vai đó một cách rất thực, đến nỗi thấy trong sân người ta co cẳng đá, ở ngoài này cũng phóng chân ra đá một trái banh tưởng tượng. Chỉ khi người ngồi trước mặt kêu lên mới thấy mình lầm.
Cũng ở bên khán đài bình dân người ta mới được nghe những lời phê bình thật đích xác về lối chơi của từng đội, từng cầu thủ. Bóng tròn không còn là một trò chơi giải trí nữa mà được đưa lên hàng một nghệ thuật tinh vi, một khoa học có những phép tắc nghiệt ngã.
Văn cũng có lần được bạn mua biếu vé khán đài trung ương. Ghế có ghi số, không phải đi sớm, ngồi xem ung dung, lại có mái che mưa nắng mà sao Văn cứ thấy như lạc lõng không phải chỗ mình. Ông khách ngồi bên phải suốt buổi chỉ hút xì gà, xong hiệp nhứt rồi mới quay sang hỏi: “Đội nào đá với đội này đây ông?” Bà ngồi bên trái chốc chốc lại bắt Văn giảng thế nào là phạt góc, thế nào là phạt trực tiếp và có mấy thứ việt vị. Văn thấy nhớ Tuấn lạ. Trước mặt anh là một rừng người lố nhố. Tuấn ở trong đó, giờ này chắc cũng thấy thiếu Văn.
Trời bỗng đổ mưa - Rừng người vẫn thản nhiên không nhúc nhích. Văn ngồi nơi khô ráo, nghĩ đến Tuấn đang ướt như chuột lột, mà thấy như mình đã phản bội bạn. Bà ngồi bên cạnh lại còn làm anh bực mình thêm khi bà lẩm bẩm: “Thôi cái xe hơi để ngoài quên không lên kính rồi”.
Một lần khác Văn xin hẳn được cả một cái thiếp mời khán đài danh dự - Anh đang tiến vào cổng bỗng một chú bé chừng 13 tuổi, đầu chải bóng, quần áo sạch sẽ chạy theo hỏi: “Ông có thiếp mời?”
Anh chưa kịp trả lời, chú bé đã nói tiếp, giọng như cầu khẩn:
- Ông cho cháu vào theo với.
- Người soát vé không chịu đâu. - Văn đáp.
- Thưa ông, cháu thấy các ông khác có giấy mời cũng mang trẻ em đi theo. Hôm nay cháu đã mượn được của thằng bạn bộ quần áo mới, dép này cháu cũng đi mượn. Cháu ăn mặc dàng hoàng, chải đầu sạch sẽ, họ sẽ cho cháu là con ông không ai ngờ được đâu.
Văn buồn cười về thằng bé tinh khôn nhưng thấy nó cứ lẵng nhẵng theo mình, anh hơi khó chịu và rảo bước đi lên. Khi anh đưa cái thiếp cho người soát vé, có ai đó khẽ giựt áo anh như muốn nhắc anh điều gì, anh làm như không biết cứ đi thẳng. Có tiếng người soát vé xua đuổi đứa nhỏ ở đằng sau anh.
Vào đến chỗ ngồi, anh thấy thằng bé nói đúng. Một số người đã mang trẻ em theo và anh hơi thấy hối hận đã không cho nó cùng vào.
Anh chợt nhớ lại những ngày anh còn nhỏ. Mấy chục năm trước anh giống hệt thằng bé này, không có tiền nhưng nghĩ đủ mọi cách để được xem đá banh. Đáng lẽ anh phải coi nó như một người bạn đồng bệnh. Đáng lẽ anh phải thấu hiểu hơn ai những nỗi đau đớn của người bạn vong niên đó đang bị một cơn ghiền chưa thỏa mãn dằn vặt dày vò. Thế mà anh đã hắt hủi nó. Tội nghiệp cho nó đã mất công đi mượn quần áo, giầy dép, sửa sang mái tóc mà rồi cũng chẳng gặp được sự tương dung ở một người đã từng là nó. Chắc nó đã phải vắt óc ra nhiều ngày mới nghĩ ra được cái mưu này. Bây giờ nó đến phải trở về nhà, cởi bộ y phục mượn ra rồi nằm khóc thút thít.
Tất cả những ý nghĩ đó làm cho anh thấy trận banh nhạt nhẽo lạ. Bên khán đài bình dân vẫn cái không khí sôi nổi quen thuộc của những tháng ngày thịnh hội. Phía bên này anh ngồi một mình một ghế, có lưng dựa, có chỗ để tay, nhưng những tiện nghi đó chỉ làm anh càng thấy lẻ loi. Anh có cảm tưởng như mỗi ngày anh một quên dần những đức tính thuần túy của người mê say bóng tròn.
Những buổi đá banh sau, anh lại lấy vé hạng chót, trở về khán đài bình dân, trở về với Tuấn, trở về với những người hò la, chửi thề, tung nón, đá nhầm người ngồi trước mặt. Anh lại thấy thích thú trở lại, như một người gò bó trong bộ quần áo sang trọng, đi ăn ở một khách sạn đắt tiền, nay trở về cởi trần, ăn bữa cơm thanh đạm với người vợ hiền không phấn son.