hà văn Lưu, một trong hai đại văn hào của thị trấn Lưu chúng tôi, hôm ấy cũng đến nghe ở Toà án, chứng kiến tận mắt vở kịch vui khiến ai cũng ôm bụng cả cười, nghe tận tai những lời nói khảng khái cảm động của Lý Trọc. Xúc động quá, ban đêm nhà văn Lưu không ngủ được thầm nghĩ mình có một đề tài hay ngàn năm khó gặp. Thế là khoác áo ngồi dậy, viết ngay trong đêm một bài dài dằng dặc vạn chữ "Nhà triệu phú kêu gọi tình yêu". Trong bài báo, nhà văn Lưu đã sử dụng đầy đủ phong cách "nói bốc, nói đại, nói cầu toàn" bôi son trát phấn cho Lý Trọc, ca ngợi chuyện Lý Trọc chơi bời hàng mấy trăm lượt đàn bà thành mấy trăm cuộc thất tình, viết Lý Trọc dấn thân vào tình yêu trong trắng với tràn đầy nhiệt huyết, kết quả mấy trăm cuộc tình đó, Lý Trọc không gặp một cô gái nào còn trinh nguyên, mà toàn là những phụ nữ dâm đãng, buông thả, không giữ gìn mình trong sinh hoạt. Trong bài viết, nhà văn Lưu còn truy tìm nguồn gốc, viết cả vào câu chuyện Lý Trọc nhòm trộm mông trong nhà vệ sinh năm mười bốn tuổi, cậu bé Lý Trọc khi vào nhà vệ sinh, vừa mới ngồi xuống hắng hai tiếng, do sơ ý chiếc chìa khoá trong túi quần đã rơi ra, rơi xuống hố phân, giữa lúc cậu bé Lý Trọc quay người cúi xuống tìm chìa khoá, một người họ Triệu nào đó đi vào, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, bộp chà bộp chộp, túm luôn cậu bé Lý Trọc, vu cáo cậu nhòm trộm mông đàn bà, lại túm cậu đem diễu phố, đi khắp lượt phố to ngõ nhỏ của thị trấn Lưu. Nhà văn Lưu viết nhà thơ Triệu, một đại văn hào khác của thị trấn Lưu thành một người họ Triệu nào đó, một kẻ hồ đồ lóa mắt, không phân biệt được xanh đỏ trắng vàng. Sau đó nhà văn Lưu viết trong bài báo những câu bốc đồng: Một cậu bé trong trắng có chí tiến thủ, từ đó bị mắc oan không sao xoá nổi. Nhưng cậu bé không rơi vào cảnh sa đọa, ngay từ lúc còn bé tí tẹo đã biết nhẫn nhục chịu đựng, sau khi lớn khôn, hăng hái lo toan trị nước an dân, cuối cùng đã làm nên sự nghiệp vĩ đại. Bài báo này đầu tiên đăng trên Báo buổi chiều của thành phố chúng tôi. Chưa tròn hai tháng, mấy trăm tờ báo lá cải của các địa phương trong cả nước đã lần lượt đăng lại. Đọc bài báo này, Lý Trọc hết sức hài lòng, nhất là đoạn viết về chiếc chìa khoá trong túi quần rơi ra, tơi tõm xuống hố phân khi đại tiện trong nhà vệ sinh lúc còn bé, Lý Trọc khoái quá cứ khen rối rít. Tay trái vỗ xuống bàn, tay phải rung rung tờ báo nói bô bô: - Tay nhà văn Lưu khốn nạn tài hoa thật, chỉ một chiếc chìa khoá đã sửa lại một vụ án oan án giả lớn nhất chưa từng có xưa nay trong lịch sử thị trấn Lưu. Sau đó với vẻ mặt hí hửng, Lý Trọc nói: - Cuối cùng lịch sử đã trả lại lẽ công bằng. Lý Trọc chỉ hơi không tán thành cái tít của bài báo. Anh ta giơ năm ngón tay bảo, dù sao mình cũng có một tài sản cá nhân năm mươi triệu nhân dân tệ, mà nhà văn Lưu chỉ viết thành triệu phú, nhưng anh ta không kỳ kèo chuyện này. Anh ta nói với những người dưới quyền: - Một người chưa từng nhìn thấy tiền bao giờ, viết được một "triệu" cũng không dễ dàng gì. Bài báo này trong khi đăng đi đăng lại, cũng luôn luôn thay hình đổi dạng: Tiêu đề sửa thành "Phú ông hàng chục triệu kêu gọi tình yêu". Lần này đọc bài báo, Lý Trọc tương đối hài lòng với tít bài. Anh ta vẫy vẫy tờ báo lá cải của địa phương xa ngoài ngàn dặm trong tay, nói: - Bài này viết thực sự cầu thị. Bài báo của nhà văn Lưu sau khi quay một vòng trong cả nước lại trở về. Báo tỉnh chúng tôi cũng đăng lại. Lần này tiêu đề biến thành "Nhà tỉ phú kêu gọi tình yêu". Đọc xong bài báo, Lý Trọc cười khiêm tốn bảo: - Nói quá lời, nói quá lời. Nhà văn Lưu thật không ngờ bài báo của mình lại được mấy trăm toà báo đăng lại, suýt nữa đuổi kịp tổng số đàn bà con gái đã qua tay Lý Trọc. Cuối cùng nhà văn Lưu đã nổi tiếng, thở một hơi sầu muộn bao nhiêu năm nay không ai biết đến mình. Anh ta cười toe toét đi trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi. Trong tay ve vẩy một giấy báo lĩnh tiền, gặp ai anh ta cũng khoe: - Ngày nào cũng có giấy báo lĩnh tiền, ngày nào cũng ra bưu điện. Sau đó anh ta cứ bô bô than thở: - Làm danh nhân mệt ơi là mệt. Sau khi nhà văn Lưu nổi tiếng, nhà thơ Triệu hối hận không kịp, hối hận hôm ấy không đến Toà án nghe xét xử, hối hận mình không tranh viết về Lý Trọc trước. Chỉ vào đoạn cậu bé Lý Trọc trong nhà vệ sinh, nhà thơ Triệu đau lòng nhức óc nói với dân chúng thị trấn Lưu: - Đây là đề tài của tôi, bị nhà văn Lưu nẫng mất... Kẻ thù gặp nhau chỗ lối hẹp, hai đại văn hào của thị trấn Lưu chúng tôi đụng độ nhau trong lễ khai trương siêu thị của anh Đồng thợ rèn. Anh Đồng lúc này đã có ba cửa hàng. Thấy siêu thị là một mô hình mới đang xuất hiện như măng mọc sau trận mưa xuân trên lục địa, tiến bước cùng với thời đại, anh Đồng cũng mở một siêu thị ba ngàn mét vuông ở thị trấn Lưu. Anh Đồng có ý định tổ chức lễ khai trương long trọng rầm rộ. Không mời được chủ tịch huyện Đào Thanh, anh mời thư ký riêng của chủ tịch huyện. Không mời được các cục trưởng, anh mời các trưởng phòng. Lý Trọc bận đàm phán buôn bán, nhận trả lời phỏng vấn nhà báo cũng không đến, anh ta cử người mang tặng lẵng hoa lớn nhất. Ông Dư nhổ răng đang đáp tàu hoả từ Milan đi Paris, khi đi qua biên giới Thụy Sĩ đã gửi điện chúc mừng, đề nghị ông Vương bán kem đọc thay. Ông Vương bán kem cầm bức điện của ông Dư nhổ răng đọc không nổi. Hai hàng chữ nước ngoài bên trên không biết là chữ Italia hay là chữ Pháp. Anh Đồng hớn hở cầm bức điện giơ lên trước quần chúng vây xem giới thiệu: - Bạn bè nước ngoài cũng gửi điện chúc mừng. Anh Đồng thợ rèn cũng mời hai danh nhân xã hội của thị trấn Lưu chúng tôi, nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu. Nhìn thấy nhà văn Lưu, nhà thơ Triệu mặt sắt đen sì. Trông thấy nhà thơ Triệu, nhà văn Lưu mặt tươi roi rói. Hai người đứng bên nhau không ai nói với ai. Vốn dĩ hai người cũng coi như không có chuyện gì. Nhưng khi anh Đồng giới thiệu, lời anh nói đã khiến hai vị hục hặc nhau. Chỉ vào nhà văn Lưu, anh Đồng nói trước: - Vị này là tác giả của bài "Nhà triệu phú kêu gọi tình yêu". Dân chúng nhiệt liệt vỗ tay. Nhà văn Lưu mặt đỏ tưng bừng. Tiếp theo anh Đồng giới thiệu nhà thơ Triệu: - Đây là người họ Triệu nào đó đóng vai trò quan trọng trong bài báo "Nhà triệu phú kêu gọi tình yêu". Dân chúng không vỗ tay, nổi lên những tiếng cười đùa. Trong bài báo của mình, nhà văn Lưu viết nhà thơ Triệu thành người họ Triệu nào đó. Nhà thơ Triệu đang xấu hổ bỗng trở nên căm giận. Bây giờ anh Đồng thợ rèn lại nói như vậy. Lửa đổ thêm dầu, nhà thơ Triệu không sao kìm chế nổi, chỉ thẳng vào mũi nhà văn Lưu mắng té tát: - Có giỏi cứ viết thẳng "nhà thơ Triệu", đồ hèn nên mới úp úp mở mở viết người ta thành "người họ Triệu nào đó". Nhà văn Lưu mỉm cười, đề nghị nhà thơ Triệu đừng nổi nóng. Anh ta nói: - Độ tuổi ông nổi nóng dễ bị trúng gió. Lời nói bóng gió miệng nam mô bụng một bồ dao găm của nhà văn Lưu, khiến nhà thơ Triệu vốn mặt sắt đen sì đã điên tiết, mặt đỏ phừng phừng. Ngay trước đông đảo dân chúng, nhà thơ Triệu hạch sách nhà văn Lưu: - Rành rành là đề tài của người ta, dựa vào đâu mà ông viết? - Cái gì, đề tài của ông ư? Nhà văn Lưu giả đò lẩn thẩn. - Đề tài Lý Trọc nhòm trộm mông đàn bà trong nhà vệ sinh - Nhà thơ Triệu chỉ tay vào quần chúng vây xem - Đàn ông đàn bà có tuổi của thị trấn Lưu ai ai cũng còn nhớ, chính ta đây bắt quả tang hắn, chính ta đây túm cổ hắn đi diễu phố... - Đúng thế - Nhà văn Lưu gật đầu lia lịa - Lý Trọc nhòm trộm mông là đề tài của ông, tôi không viết cái đó. Cái tôi viết là Lý Trọc tìm chìa khoá. Tìm chìa khoá là đề tài của tôi. Dân chúng cười ầm lên, khen nhà văn Lưu nói có lý. Nhà thơ Triệu tịt ngóp. Mặt đỏ phừng phừng lại đen sì xám ngoét. Thấy hai người đấu khẩu, anh Đồng nghĩ bụng không thể làm hỏng lễ khai trương của mình, vung mạnh tay, nói một tiếng rõ to: Đốt pháo. Pháo nổ đùng đùng đẹt đẹt giòn giã, dân chúng lập tức cho qua, chẳng ai đếm xỉa đến nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu. Họ dồn tất cả hào hứng vào tiếng pháo. Bài báo của nhà văn Lưu khiến tiếng tăm của Lý Trọc lừng lẫy thiên hạ. Phóng viên báo, đài phát thanh, đài truyền hình tới tấp kéo về thị trấn Lưu chúng tôi, tiến hành những cuộc phỏng vấn dầy đặc như mưa. Sáng sớm vừa bảnh mắt, Lý Trọc đã nhận trả lời phỏng vấn các nhà báo. Tối đến vừa nhắm mắt đi vào giấc ngủ, máy điện thoại di động đã réo. Nhà báo ở xa cũng bắt đầu phỏng vấn Lý Trọc trên điện thoại. Lúc nhiều nhất có đến bốn máy camêra chĩa vào Lý Trọc quay chụp, có những hai mươi ba đèn nháy manhêom của máy ảnh bấm sáng, có những ba mươi tư phóng viên nêu câu hỏi tập thể xin Lý Trọc trả lời. Lý Trọc hí hửng như một chó con nhìn thấy đống xương thịt. Anh ta biết cơ hội làm ăn buôn bán đã đến. Khi trả lời nhà báo về vấn đề tình yêu, anh ta thường khôn khéo lái sang chuyện buôn bán của mình. Sau khi khoác lác nói vài câu lời thề tình yêu, anh ta lập tức nhắc đến tuổi thơ ấu bần cùng thê thảm. Anh ta bảo tại sao mình có tên là Lý Trọc, bởi vì nhà nghèo quá, ngay đến tiền cắt tóc cũng không đủ. Lần nào cắt tóc mẹ cũng bảo thợ cắt tóc cạo trọc đầu. Như thế một năm sẽ bớt được mấy lần bỏ tiền cắt tóc. Nhắc đến tuổi ấu thơ, Lý Trọc thường khóc nấc lên thành tiếng, sau đó lau nước mất, lớn tiếng cảm ơn cải cách mở cửa, cảm ơn Đảng và Chính phủ, cảm ơn nhân dân toàn huyện. Cảm ơn xong, bắt đầu kể mình lập nghiệp như thế nào, làm thế nào có sự nghiệp vĩ đại hôm nay. Nói đến đây, anh ta xua tay lia lịa, giải thích một cách khiêm tốn. Anh ta bảo, anh ta không cảm thấy sự nghiệp của mình vĩ đại, bởi báo chí nói vĩ đại, anh ta theo báo chí, cũng nói mình vĩ đại. Lý Trọc xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, không còn là một hình tượng ái tình vứt bỏ con. Đầu tiên xuất hiện với hình tượng một nhà kinh doanh thành công. Lý Trọc xứng đáng là Lý Trọc, hay nói một cách khác, chỉ trong hai tuần lễ, anh ta đã lôi cuốn được mọi tin bài của các địa phương trong cả nước nói về mình, đều xoáy vào chuyện buôn bán của anh ta. Công ty của Lý Trọc cũng nối tiếng như cồn. Từng khoản, từng khoản vốn vay ngân hàng kếch sù cũng đổ vào theo sau các nhà báo. Hàng lô xích xông bạn hợp tác rầm rập kéo đến theo sau những khoản vay ngân hàng. Có phú ông của các địa phương trong cả nước. Có phú ông của Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Có phú ông là Hoa kiều ở nước ngoài. Họ đều muốn đến đầu tư, đều muốn hợp tác với Lý Trọc lập nhà máy, mở công ty. Chính quyền các cấp cũng ra sức ủng hộ Lý Trọc. Trước kia anh ta định làm một dự án mới, một hai năm sau mới được phê duyệt. Bây giờ chỉ một tháng đã phê xong. Trong thời gian này, Lý Trọc cũng chỉ ngủ hai ba tiếng một ngày, vừa trả lời phỏng vấn nhà báo, vừa đàm phán buôn bán. Mỗi ngày anh ta phát ra mấy chục tấm cácvidít, và đều nhận được mấy chục tấm danh thiếp. Trước kia trong số bạn hàng đàm phán buôn bán với anh ta có không ít bọn lừa đảo. Lý Trọc là người như thế nào? Cứ nhìn một cái là anh ta biết ai là người hợp tác chân chính với mình, ai là kẻ muốn nẫng của cải của mình. Anh ta nhắm mắt bàn chuyện buôn bán với người ta, người ta cứ tưởng anh ta ngủ. Nhưng anh ta tỉnh táo hơn ai hết. Anh ta muốn hợp tác với bất cứ người nào, có một tiền đề là phải gửi vốn vào số tài khoản của công ty anh ta trước đã. Nếu có ai định bảo anh ta gửi vốn của mình cho họ, chỉ là kẻ si nói mơ. Đừng có nói là tiền của công ty Lý Trọc, cho dù là cái rắm của mình, anh ta củng không để bọn lừa đảo ngửi thấy. Lý Trọc chỉ rộng rãi với bọn nhà báo, mời nhà báo ăn, mời nhà báo uống, mời nhà báo chơi, khi nhà báo đi, còn mang theo hàng đống tướng quà. Nhưng đối với những đối tác làm ăn, anh ta lại khắt khe, không chi một hào. Anh ta bàn với họ trong tiệm cà phê của Công ty mình và áp dụng chế độ A A. Anh ta bảo: - Ai ăn người ấy bỏ tiền. Đây là thông lệ quốc tế. Tiệm cà phê của Lý Trọc là quán chém tiền vào bậc nhất Trung Quốc. Trong khách sạn năm sao ở Bắc Kinh, Thượng Hải dùng hạt cà phê nhập khẩu xay tại chỗ cũng chỉ có bốn mươi đồng một cốc. Còn ở chỗ Lý Trọc, cà phê tan, bán với giá cắt cổ, một trăm đồng một cốc. Bọn lừa đảo kêu oai oái luôn mồm. Chu Du ngày trước vừa phải đền phu nhân, vừa phải tổn quân. Bây giờ bản thân không lừa được tiền bạc, lại phải tốn tiền cà phê. Nghề khách sạn, nghề ăn uống, nghề bán lẻ của thị trấn Lưu chúng tôi phát triển nhanh vòn vọt. Người ở các địa phương ùn ùn đổ về như hoa tuyết bay lả tả. Họ ở thị trấn Lưu, ăn ở thị trấn Lưu, ra ra vào vào mua hàng hoá trong các cửa hàng của thị trấn Lưu. Họ đến từ các địa phương trong cả nước. Họ đều có giọng nói địa phương của mình. Khi đến thị trấn Lưu, ai cũng nói tiếng phổ thông. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi xưa nay đều nói tiếng địa phương, bây giờ cũng uốn lưỡi nói tiếng phổ thông. Ra ngoài đường uốn lưỡi nói với người địa phương khác, về nhà không khéo cũng uốn lưỡi nói chuyện. Khi ăn cơm uốn lưỡi nói tiếng phổ thông. Vợ chồng đã nằm trên giương, cũng uốn lưỡi nói tiếng phổ thông. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi ngày nào cũng nhìn thấy Lý Trọc. Giở báo ra thấy Lý Trọc đang cười. Nghe đài thấy lý Trọc đang cười. Xem ti vi thấy Lý Trọc đang cười. Lý Trọc không những nổi tiếng, mà còn làm cho thị trấn Lưu của chúng tôi cũng nổi tiếng. Thị trấn Lưu đã có tên hơn một ngàn năm lịch sử. Nhưng trong thời gian này, người ta bỗng nhiên quên bẵng tên của mình. Mọi người luôn mồm nói Lý Trọc đã thành thói quen. Khi nói đến thị trấn Lưu, tự nhiên nói thành thị trấn Lý Trọc. Người ngoài tỉnh khi lái xe đi qua, cũng quay kính cửa sổ xe, hỏi dân chúng trên đường phố. - Đây có phải là thị trấn Lý Trọc?