Thôn xóm sáng trưng đèn đuốc, Pùa, A Sinh và đội du kích sục vào rừng tìm Lử.Pao trào nước mắt, nghiến răng ken két. Lễ truy điệu Ngọc theo yêu cầu của Đắc, làm rất nhanh, gần sáng xong, Tếnh, Phừ khiêng thi thể nhạc sĩ ra trấn để chôn trong nghĩa trang liệt sĩ. Bà cụ Doa đi theo, khóc Ngọc như khóc con trai mình.Chỉ một đêm, thôn xóm đã lại như có trận bão vừa quét qua. Mặt người đang hớn hở lại u ám, ngơ ngẩn. Nhưng, nhạc sĩ chết mà không mất. Pao, trong đau thương, linh cảm thấy điều đó. Cái chết của Ngọc lưu lại ở nơi đây một cái gì huyền diệu lạ lùng, ở ngay trong anh. Anh đi trong thôn, cảm thấy chân minh lâng lâng. Thấy bóng một lão già, anh quát: "Ông Sếnh!". Không ngờ, lão Sếnh thật. Lão khúm núm. Anh chưa hỏi lão đã lắp bắp thưa: lão sợ quá, thề có Phật Quan âm, lão không dính vào chuyện này, lão hứa từ nay làm ăn chăm chỉ, không như con chó chạy theo Giàng Súng, lão bảo Giàng Súng là con rắn nằm trong hang, độc lắm. Pao nghe, cứ ngờ ngợ, không nhập tâm. Trở về nhà lúc sâm sẩm, Pao thấy cha đang ngồi trong bếp và Seo Cả ở trong buồng. Nhà nguội lạnh, cơm tối không nấu. Pao bỏ ra trụ sở, tự thấy không thể nói gì với cha anh và Seo Cả lúc này. Hai người này đang ở tột đỉnh của cơn phân tâm.Ngôi nhà vắng lạnh như mồ hoang.Ngôi nhà đã trở thành ngôi mồ chôn hai con người đang hoá kiếp là hố pẩu và con dâu của ông thật. Hố pẩu có cảm giác rõ rệt là như thế. Bởi vì, ngoài Pao ra còn có ai tới nữa đâu.Ngồi lặng trong căn nhà không đèn đóm gần như suốt đêm, hố pẩu tưởng cứ ngồi như thế, không cử động, rồi sẽ chết, chết dần dần, từ cái chân trở lên.Nhưng, vào lúc hai cái chân đã chết, ông bỗng thấy có cảm giác gai gai người. Ông mở mắt, lờ đờ. Không nhận ra rõ rệt một cái gì, ông chỉ thấy một bóng hình chờn vờn trước mắt, rồi sau đó là một tiếng cười gai góc và một giọng nói quen quen:- Hà hà… sao không thắp đèn lên, hố pẩu? Chà, lạnh như hang đá thế này…- …- Dà, đang vui lại buồn, rồi lại vui. Đời cứ như bàn tay lật.-…- Khổ! Anh em đi cải tạo về, ai cũng kêu đói. Mà hố pẩu này, ác giả ác báo thôi. Nghe nói Việt Minh giết một đứa trể con vùi xác trên núi Chè, nó tha về xóm đấy. Thằng Giống bảo Châu Quán Lồ giết. Tôi phải bịt mồm nó ngay.-…- Hố pẩu lo buồn làm gì. Lử chẳng có tội gì hết. Chính phủ có lí của chính phủ. Mình có lí của mình chứ. Giữ lấy cái gốc thôi.-…- Chà, lạnh quá! Để tôi thổi lửa nhé.Ngọn lửa thoi thóp bừng lên. Mặt hố pẩu ê lạnh rắn câng. Hai mắt hố pẩu nặng như hai hạt đá.- Kìa! Sao mặt hố pẩu nhợt như mặt gà mái đẻ thế!- Ông Giàng Súng!Hố pẩu thầm kêu. Trời! Hố pẩu không chết. Chân Hố pẩu sống lại rồi. Đôi chân dựng hố pẩu đứng lên. Hố pẩu bước chệnh choạng. Giàng Súng vội đứng dậy:- Hố pẩu sao thế?Hố pẩu cứ bước, như pho tượng biết đi. Rồi, bất ngờ, khi lão Giàng Súng lùi ra tới cửa, ông bỗng vung tay:- Đi! Đi khỏi nhà tôi ngay!Loạng choạng, hố pẩu đưa tay vịn vào cửa, mặt tối sầm như trúng gió độc. Ông cố lê ra cái quan tài thì gục xuống, không còn hay biết gì hết.Hố pẩu ốm liệt.Một đời người, hơn sáu chục năm trường, chưa bao giờ ốm nặng như thế. Cơm không một hạt, nước không một hớp, thuốc bà Doa cho uống lại nôn ra, ông cứ nằm xẹp, không động đậy, không mấp máy môi, không mở mắt.Bảy ngày bảy đêm toàn như thế Trong giấc mê lịm, ông toàn thấy ác mộng, hết thuồng luồng, rắn rết lại gặp những chuyện đời đau đớn, cảnh Pao trói Lử, cảnh đám cưới Lử lấy Seo Cả, cảnh Seo Cả nằm chết ngất trong vũng máu, cảnh cán bộ Chính bị Lử bắn. Mê lịm nhưng hố pẩu chưa chết được. Đời còn níu giữ ông để ông làm trọn điều ông chưa làm. Để ông đi tới cái nơi ông phải đi tới.Ngày thứ mười một, hố pẩu chui ra khỏi đám mây mù mê hoảng. Ông chép miệng cay đắng: con cái còn như thế, chết chưa được. Ông nghe thấy dần dần những tiếng động quen thuộc. Ông nghe tiếng Seo Cả gọi, tiếng bà Doa nói, tiếng lão Sếnh khóc mếu, tiếng Pùa hô tập thể dục. Rồi ông nghe thấy tiếng một đám đông ồn ào. Có người nào đó chửi Giàng Súng. Một bà mẹ nói: "Được rồi! Bây giờ về gặt nốt đi đã. Không là đói đấy. Còn công, nợ, ân oán thế nào sẽ có chính sách, tính toán sau với nhau". Hố pẩu trở lại với đời dần dần từng giờ, từng phút.Ngày thứ mười ba - lạ thế, hệt như chuyện hổ hoá người, phải nằm đủ mười ba ngày dưới lòng hố trải lá han - hố pẩu mở mắt ra thì thấy Pao đứng bên giường.Ôi chao! đi mãi, đi mãi trong mê sảng, giờ gặp Pao! Mắt Pao thâm quầng. Môi Pao khô nẻ. Chưa đến ba mươi, sao tóc Pao xác xơ."Con ơi! Cha hiểu, con đã khổ quá nhiều rồi!".Hố pẩu định nói một lời yêu thương với Pao. Nhưng khi ông quờ quờ tay, định tìm tay Pao thì Pao quỳ xuống, giọng nghẹn ngào:- Cha ơi, cha đừng ngã lòng, thối chí, đừng đi lạc sang đường rừng núi. Đời con cần có cha. Cha hãy giúp con. Việc của con, việc của dân tộc mình còn ngổn ngang. Cha cùng con, cùng các đồng chí của con, xếp sắp lại, dọn dẹp lại cha nhé. Hố pẩu mở hai con mắt nhìn Pao. Pao đã đứng dậy. Giờ, ông mới thấy thật rõ Pao. Quần áo lanh đã rách nát cả rồi. Mấy năm nay không ai may mặc cho, giờ Pao mặc quần áo bộ đội. Nhưng ông không lạ. Pao vẫn là Pao, là con ông, là người Hmông họ Giàng, từ trong tấm lòng, trong nghĩa tình với ông."Pao, con, sao con rộc rạc người thế! Khéo ốm đấy con”. Ông định nói, nhưng Pao đã quay đi. Và mắt ông chắt ra hai dòng nước nhỏ ấm nóng. Từ đó, ông tỉnh. Ông gọi Seo Cả:- Cả à, tối rồi, thắp đèn lên con. Sáng thì ma quỉ nó mới sợ, con à.Seo Cả châm lửa bếp vào ngọn đèn. Gió quá, chị cầm cây đèn ra đóng cửa. Nhưng, tay chị vừa quài ra kéo cánh cửa gỗ thì bị một bàn tay lạnh như sắt nguội bập chặt.- Im, mày kêu, tao giết!Chị lui lại, đưa tay che cổ. Con dao sáng, lạnh hơi thép dứ trước mặt chị. Chị rùng mình, thều thào:- Lử… Lử…Bóng đen áp sát lại gần. Mùi hôi, tanh, lờm lợm phả vào chị. Nó là Lử? Nó thật rồi.Nó, cái răng nanh hổ ác, tên trùm phỉ, thằng tay sai thờ phụng Pháp làm bố mẹ, kẻ sát nhân độc ác, đứa phá phách đời Seo Cả. Trong nó có cả máu thằng lính dõng, máu lưu manh, máu thổ phỉ, máu thú dữ.Nó đã về đây, đúng căn nhà gia đình Thật ra, nó đã hết chỗ nương thân.Bọn theo nó lần lượt về làng. Cản chẳng nổi, doạ không xong, nó còn trơ một thân. Đói khát, nó đi cướp lương ăn của bọn Châu Quán Lồ thì bị đánh đuổi. Nó chạy. Nó ăn quả rừng, uống nước suối. Nó tìm cách gọi tàu bay bố mẹ, nhưng điện đài không có. Nó muốn đốt ba đống lửa lại sợ lạy ông tôi ở bụi này với du kích. Nó chờ lão quản ma thì lão quản ma đã chuồn. Nó chờ Giàng Súng thì Giàng Súng lảng. Nó bấu víu vào Seo Cả thì Seo Cả buông rơi. Nó căm hờn. Nó điên dại. Nó bắn, nó giết bất kể ai. Nó không biết sẽ sống thế nào. Sang với Lồ thì không được. Nó đành ở một mình với rừng.Nhưng rừng chẳng cho nó tạm trú nữa. Nó gây sự, nó được đòn thù. Du kích, sau cái chết của Quang Ngọc, sục từng bụi cây, hốc đá. Thú rừng chạy loạn cả lên. Nó phải chạy. Nhưng chạy đi đâu được? Cuối cùng nó tìm về với cha nó và vợ nó.Nó đây. Nó ghé sát mặt người phụ nữ, thở dốc:- Cả! Con khốn nạn! Mày bỏ tao à?- Tại sao mày không đem gạo, đem ngô cho tao ăn? Tao giết mày!Người phụ nữ lui lại. Trong bóng đêm, mặt chị nghiêm lạnh, không nét sợ hãi.- Lử! Anh không biết nghe lời tôi.- Hả?- Anh phải theo con đường sáng - Giọng chị nâng cao, nhức nhối - Anh về, dù sao tôi cũng là vợ anh… Khổ thân tôi… nhưng tôi sẽ bảo đảm cho anh.- Đ. mẹ, câm mồm!Đáp lại sự chân thành chua xót của người vợ, tên trùm phỉ ngoan cố xô tới. Nó định đánh chị. Nhưng, từ trong nhà, một bóng người vừa nhanh nhẹn bước ra. Hố pẩu!- Lử - Giọng ông già khàn re - Mày có phải con tao không?- Tôi… tôi họ Giàng con cha… Tôi là… - Lử lắp bắp…- Là con tao thì phải nghe lời tao. Tội mày cao bằng núi. Về hàng đi con. Về làm con, làm chồng, sống có anh có em. Lử, tao là cha mày, tao…Tên phỉ không đáp, tọt ngay vào nhà. Ngoài đường thôn có nhiều tiếng chân người chạy. Tiếng A Sinh ráo riết: “Vây chặt khu này lại. Có người bảo nó vừa chạy vào đây đấy!”.- Cho tao mượn cái váy, Cả!Tên phỉ rít. Nó xộc vào buồng, rồi quay trở ra, cổ chui vào cái váy, một tay thả váy, một tay cầm khẩu súng ngắn.- Đừng đi, Lử!Người cha bước lại, giữ tay nó. Nó vằng ra, nhưng nhìn thấy ánh đèn ở ngoài đường thì hiểu rằng, ra bây giờ là nguy hiểm, nên sững lại.- Cho tôi nấp, cha. Để tôi lên gác nhé. Cha nói, con Cả nói, tôi giết chết!Nó định quay vào. Nhưng ông già đã lại nắm tay nó, thì thào gấp gáp: "Không! Không! Trên ấy không kín. Theo tao!". Giọng ông đầy vẻ thương hại. Tên phỉ theo ông ra hiên. Và bất ngờ quá, ông ghé xuống cái quan tài. Seo Cả hiểu ý ông, cúi xuống, đỡ ông một tay. Lòng quan tài đen ngòm hiện ra.- Nằm vào đây! Trốn ở đây… kín… kín nhất!Lử rên một tiếng hài lòng, bò vào.Pùa dẫn A Sinh và hai anh du kích vào nhà mình. Hố pẩu và Seo Cả đang khơi to bếp lửa.- Cha, chị Seo Cả. Lử có vào đây không? - Pùa hỏi.- Hứ! Có mùi nó hay sao ấy! - A Sinh nhăn mũi.Hai anh du kích dịch vào đống lửa, hơ tay, hơ áo quần. Rét quá. Pùa vớ cái điếu hút sục sục, dáng từng trải, dộng ống điếu xuống đất, cau mặt:- Một mình nó làm khổ bao nhiêu người!Căn nhà vẫn không một lời đáp. Hố pẩu mím môi như sắp bật khóc, mặt ông ứ máu. Nhưng, bỗng hố pẩu đứng dậy, thật khoan thai:- Nghỉ ngơi xong chưa nào?- Cha! - Pùa đứng phắt dậy, kêu ngờ vực.- Ra đây! Ta chỉ chỗ bắt thằng Lử!Ông già bước đi ra phía cửa. Pùa, A Sinh bước theo.Đoàng!Pùa chỉ kịp kêu một tiếng, đã hoảng hốt cùng A Sinh nhảy vọt ra sân. Hố pẩu đã khuỵu ngay xuống ngưỡng cửa vì viên đạn của Lử từ trong quan tài bắn ra. Hai anh du kích vội vàng leo lên gác.A Sinh và Pùa nằm bò sau cối chè.- Thằng Lử! - A Sinh quát - Mày nghe tao nói chính sách đây: mày mà hàng thì…A Sinh không nói hết câu, Pùa đã đứng dậy, mắt đỏ nọc, người căng vì giận dữ, chĩa mũi súng vào cái quan tài, nổ liền ba phát.- Thằng này không cần giải thích nữa!Pùa gắt. Cái quan tài vỡ toác. Trong buồng Seo Cả, có tiếng thét thất thanh.