Cả làng đều đi xem hội. Riêng Hoa thì không. Su ốt mấy hôm liền, trống ngoài đình đánh liên tục. Trống rước nhịp nhàng trống tế bài bản đĩnh đạc và trang trọng; trống vật, trống thi bơi chải hòa cùng tiếng hò la ùa vào các mái rạ làm con người phải nóng lòng sất ruột, muốn quăng bỏ tất cả để ra đình. Ngay cả khi chẳng có tiết mục gì, chỉ là lúc các cụ ngồi tán gẫu cũng vang lên những hồi trống rất lạ. Chẳng phải tiếng trống nhát gừng nghiêm trang kiểu trống lễ. Cũng chẳng phải tiếng trống thúc giục của những trò tranh đua. Đó là tiếng trống vui giữ nhịp. Nó vang lên để báo hiệu cho trời đất là lễ hội vẫn đang tiếp diễn. Tiếng trống có lúc thì thùng cấp tập, có khi đủng đỉnh khoan thai. Tiếng trầm và to lúc đánh vào giữa mặt trống, tiếng đục và chẳng có độ vang khi đánh vào rìa trống, tiếng lắc cắc như vó ngựa đều đặn khi đánh vào tang trống. Có lúc lại đem phối hợp những thứ tiếng đó lại tạo nên những nhịp điệu rất bất ngờ rất kỳ lạ. Nói chung đó là tiếng trống vui, hồn hậu mà ở làng Đình chưa hề được nghe. Trước đấy ông Trương Lạc đánh trống cũng giỏi, trong trận đại địch, ông Lạc mắc bệnh qua đời. Anh chàng phụ trống lên thay song tiếng trống chả ra gì. Ngày mới mở hội, tiếng trống của anh ta chán mớ đời khô khốc rời rạc như cơm nguội. Dân lảng nghe chí lắc đầu và bảo: “ Hội thì to, lại rầm rộ. mà trống chẳng ra sao. Chẳng có hồn có phách gì cần “. ° ° °Ông hai Xe đến làng Đình đang mở cuộc vận động xin chân mõ cho cậu Trình. Không những ông dẫn Trình đến nhà lý Cỏn, ông còn dẫn cả Trình đến nhà tiên chỉ Nhậm. Nhân nhà cụ tiên chỉ có giỗ, Trình liền vén tay áo xin vào làm giúp ngay. Bởi vì ngoài việc đi rao, việc chia phần ngoài đình là công việc tối hệ trọng của nghề mõ. Nếu không giỏi tay dao tay thớt, thì làm sao các cụ duyệt cho được. Nhà cụ Nhậm thịt con ngỗng. Trình liền trổ tài, rút xương con vật. Thịt đem luộc lên lấy dao sắc thái đúng hai trăm miếng. Cổ ngỗng đài. Trình lấy đa cổ nhồi tiết và đậu xanh làm dồi ngỗng. Toàn bộ xương băm ra trộn bột lấy mỡ ngỗng rán giòn để các cụ nhắm rượu. Cụ Tiên chỉ thưởng thức món chả xương ngỗng vừa giòn, vừa tật xát, lại thơm phức, gật gù khen:- Thế là cả con ngỗng ăn được tuốt tuột. Chẳng bỏ đi tẹo nào. Thằng này thế mà giỏi.Trình gãi đầu, nói khiêm tốn:- Cụ quá khen. Con tự chế ra món này. Chẳng là nhà chúng con nghèo. Bao giờ thịt gà, thịt vịt đều gom hết cả xương lại rồi đem băm thật nhỏ. Sau đó đem trộn muối rang cháy cạnh, dùng để làm muối vừng ăn dần hàng tháng... Dạ, … xương lợn cũng làm như thế. Chả bỏ phí tẹo nào. Song, các cụ là nhà giàu có, sang trọng không thể tin như thế. Con mới nghĩ ra cách trộn bột đem rán. Dạ, … cái món này làm đồ nhắm uống rượu là nhất ạ.Thấy cụ Nhậm khen như vậy, ông hai Xe khấp khởi mừng thầm. Ngày mười ba, cụ Tiên chỉ dẫn hai cha con Trình ra đình. Cụ Tiên chỉ trình bày tường tận sự việc. Nào là cụ mõ Điếc đẻ ra ông hai Xe. Nào là ông hai Xe lại đẻ ra cu Trình. Như vậy, Trình là cháu nội cụ mõ Điếc Trình vừa giỏi giang, vừa muốn nối nghiệp ông nội. Như vậy là Trình có duyên với làng Đình. Giải quyết cho cậu ta là có tình có lý. Lý Cỏn không nói, để cho cụ tú Cao nói. Cụ Tú bảo:- Việc này nên để thư thả bàn cho kỹ, chẳng rồi làng ta lại mang tiếng cạn tàu ráo máng với cả kẻ đầy tớ trong làng. Chị ba Pháo là người hiền lành, cần mẫn. Ở với làng mình chẳng hề có điều tiếng. Chị ta mới nằm xuống được một năm. Chẳng lẽ ta lại hất cái bát cơm của con chị ta sao? Nay là ngày hội không nên bàn những chuyện như vậy.Ông hai Xe định bẩm thêm mấy câu, song các cụ không cho. Trình nói rằng cô Hoa hiện đang bận trông nom ông hộ Hiếu sắp chết, cậu ta xin được thay cô hầu hạ các cụ trong ngày hội. Các cụ cũng gạt để bảo đã cắt một trai đinh giáp Nhất làm thay việc của Hoa rồi. Trình là người kiên nhẫn. Chưa xin được việc, cậu ta vẫn cứ lân la ở lại đình. Thấy anh chàng đánh trống đánh quá kém, Trình liền xin đánh hộ. Ở quê Trình, có phường chèo. Tối tối rỗi việc, Trình vẫn đến học đánh trống. Trời phú cho chàng trai nhanh nhẹn ấy có đôi tay rất khéo. Dần dần, Trình đánh trống chèo nổi tiếng. Đánh trống chèo là khó, thế mà nhiều tay trống cự phách trong nghề vẫn phải khen Trình. Cho nên việc đánh trống hội với Trình nào có khó khăn gì. Cậu ta đem cả cái hồn của Trống chèo vào trống hội. Đến nỗi các cụ ngồi trên sạp đình cũng phải nghiêng cổ dỏng tai nghe. Các cụ lúc nãy phản đối việc lấy Trình làm mõ, lúc này nghe Trình đánh trống cứ thấy tiêng tiếc trong lòng.Hoa ở ngôi chùa đổ nghe tiếng trống, nghe những câu chuyện ấy chả chút động lòng, mà chỉ thêm nẫu ruột nẫu gan. Cô ngồi trước pho tượng hộ pháp, dựa lưng vào tường, nhìn người cha li bì trong cơn bệnh. Ông hộ Hiếu bị hôn mê kể từ hôm làng mở hội. Khi cu Trình đánh trống ngoài đình, ông đột nhiên mở mắt thức dậy, Hoa vui mừng khôn xiết. Cô còn bón cho ông cụ uống được nửa bát nước cháo. Ông cụ bảo mát ruột lắm. Rồi ông còn khen: “ Ai đánh trống hội mà hay thế nhỉ?”. Ông lắng nghe tiếng trống, tỏ vẻ mãn nguyện lắm. Khi tiếng trống dứt, ông gọi Hoa lại gần và nói một câu làm cô gái rùn cả người:- Ngày mai rằm phải không… Ngày mai thì thầy đi đấy.- Con xin thầy. Thầy đừng nói gở làm con sợ.Không hiểu sao ông cụ lại nhắc lại cái câu nói mơ hồ khó hiểu mà ông đã nói từ mấy hôm trước:- Nhớ lời thầy nhé… Hôm nay… mười tư… Đừng đi… xem hội…Chỉ nói được có thế, ông cụ lại chìm vào giấc ngủ. Ngực ông vẫn thoi thóp phập phồng. Khi ấy có mấy bà trong làng đến thăm. Thấy Hoa khóc lã chã, có bà bảo:- Chắc ông cụ nói đúng đấy. Cụ bảo ngày mai cụ đi. Tôi dặn điều này phải nhớ. Khi ông cụ đi hẳn rồi, cô mà ôm lấy bố rồi khóc như mưa như gió thế kia là không ổn đâu. Ngồi xa ra, tha hồ mà khóc. Ngồi gần, nước mắt rơi vào mặt người chết, sẽ làm vong linh người sắp đi cứ dùng dằng mãi, không siêu thoát được.Các bà trong làng đến hỏi thăm rất đông, nay đã về vãn hết. Người ta còn bận lên đền Mẫu, vì hôm nay là ngày cuối cùng mở cửa đền. Chỉ còn lại một mình Hoa với người cha già trong phút lâm chung. Hoa cứ ngồi dựa cột, hết nghĩ gần lại nghĩ xa. Cô thấy nóng ruột, trong lòng cứ khắc khoải phập phồng. Hình như cô đang chờ đợi một điều gì mà cô chẳng rõ. Chắc là vì người cha bạc mệnh sắp qua đời. Cũng không phải. Bời vì điều ấy ai chẳng rõ. Người ông hộ Hiếu còn gì nữa đâu. Từ trước, người ông vốn gầy còm, nay lâm bệnh, lại chẳng ăn uống gì, nên thịt đã tiêu gần hết. Sức kháng cự của ông cụ rất mãnh liệt nên mới còn sống nổi đến hôm nay. Vậy còn điều gì sắp xảy ra nữa đây? Hoa đang chờ đợi cái gì? Ừ! Có lẽ cô đang chờ đợi thật. Bây giờ cô mới chợt nghĩ ra là cô đang chờ đợi bà ba Váy. Lần trước, bà Ba đem thư của anh Huy gửi cho ông Trịnh Huyền. Bà bảo con trai bà, anh cu Cò ở hà Nội, chắc chắn thế nào cũng gặp lại anh Huy. Thì ra sự mong chờ thầm kín của Hoa là như vậy. Một sự chờ đợi mong manh. Nửa mong, nửa lại không mong… Tại sao lúc ra đi, Huy hẹn rằng thế nào cũng sẽ viết thư cho cô? Quái lạ thật! Tại sao mấy hôm nay bà ba Váy bỗng không thấy mặt? Bà bận việc nhà hay bận lên đền? Hay là ông lý Cỏn lại ốm trở lại. Ông chồng bà Ba cứ khặc khừ luôn. Chẳng phải! Người ta bảo mấy sáng nay vẫn thấy ông Lý ở ngoài đình. Cứ nghĩ vơ vẩn lung tung mãỉ, Hoa dần dần thiu thiu ngủ. Trong giấc ngủ, cô mơ thấy gặp Huy. Chẳng biết sao Huy lại chạy trốn có vẻ sợ hãi. Hoa đuổi theo và gọi. Lạ thật! Đuổi mãi mà không kịp. Chợt vấp chân ngã soài ra đất. Hoa tỉnh dậy, thấy Nhụ đang ra sức lay gọi đánh thức cô dậy. Nhụ bảo:- Gớm! Sao cô ngủ say thế? Chắc cô thức đêm trông ông mệt quá.- Có chuyện gì không? - Hoa hỏi:- Thầy cháu và cháu phải lên đền hát dâng hầu Mẫu. Sáng mai mới xong việc. Thầy cháu bảo phải đem ngay đến cho cô cái này.- Gì thế?- Thư! Thư của chú Huy. - Nhụ thì thầm với Hoa. – Cô ạ, chú Huy bị bắt rồi.- Sao? - Hoa giật mình hỏi.- Chú Huy bị bắt ở Hà Nội, nhưng chắc không việc gì đâu. Nhụ vẫn thì thầm vẻ quan trọng - Người ta bảo chẳng có chứng cứ gì. Rồi cũng phải thả ra thôi - Giọng Nhụ lúc này lại có vẻ thú vị - Thư này chú Huy viết ở trong tù gửi ra cho cô đấy.Hoa rất bất ngờ. Cô chờ đợi bà ba Cỏn nhưng lại chính Nhụ mới là người làm thỏa lòng mong đợi của cô. Lá thư là một mẩu giấy báo nhàu nát. Huy đã viết bằng bút chì ở những chỗ trống, bên lề trang báo:Hoa ơi!Tôi cử ân hận tại sao không viết cho Hoa biết tấm lòng của mình với Hoa khi chưa bi bắt. Muốn nói nhiều lắm song hoàn cảnh không cho phép. Chỉ muốn dặn Hoa điều này: Hoa ơi! Em nên nhớ rằng em là người rất tốt đẹp. Những bất công rồi sẽ hết. Em sẽ là người chủ xứng đáng trên đất nước ta. Em sẽ không mãi mãi chìm trong kiếp mõ. Em là con Người. Hãy đạp tan gông xiềng và bất công ở thế gian này mà ngẩng cao đầu...Hoa run run đọc đi đọc lại những dòng chữ mà cô không hiểu hết. Có phải đây là một lá thư tình không nhỉ? Mình là con nhà mõ. Cậu ta là một cậu ấm. Thực hay là mơ nhỉ? Mình muốn chờ đợi một lá thư như thế này, hay một lá thư kiểu khác? Cha mình mẹ mình đều muốn mình thoát khỏi kiếp mõ, Huy với những lời lẽ khó hiểu nhưng chắc cũng mong muốn như vậy. Nhưng điều quan trọng là phải thoát ra như thế nào thì chẳng ai nói cho mình rõ ràng...Hoa nhìn người cha già đang thoi thóp thở; lòng cô chẳng khác mớ bòng bong. Lòng cô vừa vui lại vừa buồn. Bỏ làng mà đi ư? Đi đâu? Về đâu? Hay là về quê mẹ với ông cậu nuôi gia đình với lũ con lít nhít còn không đủ cơm ăn? Hay là một liều nhắm mắt đưa chân? Liệu có thoát khỏi cái cảnh chết đói nơi đầu đường xó chợ. Kiếp mõ tuy là nhục nhã song dù sao vẫn có miếng cơm ăn. Trời ơi! Tôi muốn thoát khỏi kiếp tủi hổ nhục nhã lắm chứ, nhưng cha mẹ ơi, anh Huy ơi, sao các người chẳng chỉ ra cho tôi lối thoát.Nhụ đi rồi, Hoa mới chợt nhớ ra ngày trước bà ba Pháo đã may cho ông hộ Hiếu một bộ quần áo nâu mới nhưng ông không chịu mặc. Bộ quần áo ấy vẫn vắt trên cây sào trong buồng. Trông người cha ăn mặc rách rưới như một kẻ ăn mày. Hoa thấy xót xa. Cô đứng lên lặng lẽ nhanh nhẹn tìm về nhà mình.Về tới ngõ, Hoa ngạc nhiên thấy nhà mình sáng đèn. Mới đầu cô sửng sốt. Sau mới nghĩ ra rằng bố con ông hai Xe đã ở trong đó. Con Vàng thấy chủ sủa một tiếng gâu, vẫy đuôi Hoa ngồi thụp xuống ôm lấy con vật, một tay bịt miệng nó lại ra hiệu im lặng. Con chó liếm má cô chủ; Hoa thì thầm nói vào tai con vật như nói với người:- Đừng sủa! Để tao xem họ đang làm gì trong ấy.Con chó như hiểu lời, nó lặng im và chỉ liếm lấy liếm để lên khắp mặt cô chủ, ý chừng xa cô liền mấy ngày rồi, nó nhớ Hoa quá. Hoa rón rén đi luồn đằng sau nhà ngang, rồi ra đầu hồi nhà chính ở đó vách rơm trát bị bong mấy mảng tạo ra những lỗ hổng. Cô ghé mắt nhìn. Trong nhà cái đèn địa leo lét nhưng cũng đủ sáng để Hoa thấy hết quang cảnh bên trong.Ông mõ Xe ngồi trên chõng, một chân chồng lên, một chân thả xuống đất. Tay lão luôn khư khư cầm chiếc điếu cày. Ông già này có thói quen rất ngang ngạnh, đi đâu cũng kè kè cái điếu riêng của mình, ông không chịu hút điếu của ngườỉ khác. Ông cụ nghiện nặng. Hút sòng sọc luôn miệng nhất là khi có chuyện phải nghỉm nghĩ. Những khi ấy lão mõ Xe cứ lăm lăm trong tay cái điếu, rồi nói đề đà, tay trái vung vẩy cái điếu nói nhát gừng mất câu chưa xong, lão đã ngắt quãng bằng cách rít một điếu thuốc lào giòn tan.Lúc này chắc là ông mõ Xe đang có điều gì gay cấn trong lòng. Ông ngồi thừ chẳng nói một lời, liên tục rít điếu cày. Trình thọt dựa cột, đầu gật gà gật gù. Bỗng hắn lên tiếng:- Bây giờ chắc người ta đang rước ông Đùng bà Đà đây. Nghe nói vui lắm. Hàng chục năm mới rước một lần Thế mà... Tiếc thật!Ông mõ Xe trừng mắt với con, cáu kỉnh bảo:- Hội với hè cái gì. Việc khác còn hệ trọng hơn. Tao đang tính nát nước ra đây này.Thấy thái độ bực dọc của cha, Trình lặng im ngay, không cãi lại. Còn ông già chừng như muốn nói một điều gì lắm, song vẫn còn ngần ngừ, nên chỉ ngồi thừ. Hoa nghĩ bụng chắc ông già muốn thốt ra một câu rất quan trọng, song vì một lý do nào đó, có thể vì lão nghe thằng con của lão còn ham vui, còn trẻ người non dạ, cho nên lão vẫn cứ dùng dằng. Lão bứt rứt đứng lên rồi lại ngồi xuống. Hoa cũng thấy sốt ruột muốn nghe trộm. Hoa không sợ Trình, còn ông mõ Xe cô sợ, bởi vì ông già này có vẻ thâm, ông già luôn ăn nói ngọt xớt, khó mà biết được trong bụng ông nghĩ thế nào. Vả lại, Hoa còn biết ông lão đã dắt Trình đến nhà lý Cỏn, sau đó lại đến nhà tiên chỉ Nhậm…Cuối cùng, chắc đã suy tính kỹ càng, ông lão cũng thổ lộ những điều ruột gan với con trai. Ông mõ Xe tay trái chống cái điếu cày xuống đất như các ông lý dịch chống ba toong, tay phải ông vẫy vẫy gọi anh con trai lại gần. Ý chừng ông muốn nói nhỏ thôi. Nhưng Trình vẫn đứng nguyên dựa cột. Trình vốn ít nói. Có lẽ anh ta cũng chẳng thấy điều ông bố mình sắp nói là quan trọng, nên anh ta vẫn khống nhúc nhích. Còn ông hai Xe, ông thấy chung quanh yên tĩnh vắng lặng thấy cũng chẳng cần thiết phải thì thầm, thằng con ngang bướng không lại gần thì lão cũng cứ nóỉ:- Trình mày nghe đây. Lão hộ Hiếu rồ dại đã nói thẳng với ta rồi: con cái Hoa không chịu lấy mày. Đến giúp ông Lý là người quan trọng nhất, chuyện ra sao mày biết rồi đấy. Ông ấy nói bỗng dưng truất chân mõ của con Hoa để trao cho mày là không được. Lão ấy bảo con mẹ ba Pháo ăn ở tốt với dân làng, nên lão không nỡ đối xử tệ với con Hoa. Nhưng còn một lối thoát, nếu mày cưới được con Hoa, thì lão Lý cũng bằng lòng cho mày chân làm mõ.Trình cười:- Như thế còn nói chuyện làm gì. Đã cưới được cái Hoa thì còn cần gì đến ông Lý nữa.- Vẫn cần chứ! Mày ngu lắm, con ơi! Nhà ta đã mấy đời làm mõ. Mà đã là mõ, thì anh nào chả cần đến ông lý, ông chánh.Trình hừ trong miệng, có ý phản đối, song không nói. Ông hai Xe đến chỗ này, đứng phắt dậy. Ông lại gần anh con trai tay vẫn cầm chiêc điếu cày. Ông bỗng gằn giọng lại; và cũng cầm tiếng lại. Trước khi cất lời, ông nhìn trước, nhìn sau:- Mày ngu lắm, con ơi! Nghe cho rõ đây này... Câu nói của lão lý Cỏn cứ làm tao ngẫm nghĩ mãi. Nghĩ mãi rồi cũng sáng ra. Tao đã nghĩ ra một kế. Hừ, lão ta đã nói thế thì tao cũng sẽ tương tựu kế mà làm đúng như thế.Nghe đến đây, Hoa bủn rủn hồi hộp, cô nhìn rất rõ khuôn mặt hớn hở của ông hai Xe. Trình cũng tò mò hỏi cha:- Làm đúng như thế nghĩa là thế nào hở thầy?Ông hai Xe quá đắc ý đến nỗi cười lên hơ hớ:- Nghe đây này... Lão Lý muốn mày phải cưới con Hoa mới cho chứ gì? Thì mày sẽ cưới con Hoa chứ sao. Con dỏng tai lên mà nghe cho kỹ. Cái nhà này là của mày. Mày có quyền...- Có quyền?- Chứ sao? Nghĩa là hễ ai đi vào cái nhà này... tức thị người ấy là người của mày.- Người của con?- Chứ sao? Cái buồng kia là của mày. Tại sao con Hoa lại vào trong buồng của mày? Đã vậy, hễ lúc nào nó về và đi vào cái buồng của mày, lập tức mày phải theo vào ngay. Bởi vì, đó là buồng của mày. Một khi đã vào bên trong rồi hãy đóng cửa lại, rồi cài then thật chặt. Và như thế, con Hoa sẽ là vợ của mày. Bắt buộc nó phải làm vợ. Ơ hơ! Thế nào hở thằng ngốc? Mưu của bố mày đã cao chưa?Trình im lặng chẳng nói nửa lời. Anh ta vẫn dựa cột với bộ mặt thản nhiên. Trình bằng lòng hay không bằng lòng với bố? Chả biết được. Khi ấy Hoa đứng ở hồi nhà, run lên vì âm mưu của ông hai Xe. Cô không còn nghĩ tới việc lấy lại bộ quần áo mới cho ông hộ Hiếu mặc lúc chết nữa. Cô rên lên trong lòng: Ôi chao! Đến như làm mõ mà người ta cũng phải tìm mưu sâu kế hiểm để tranh giành hay sao? - Cô rên rỉ như con thú bị mũi tên độc - Ta sẽ nhường, nhường cho các người hết cả...”. Hoa rất nhẹ chân, khẽ khàng lủi ra vườn, vạch hàng rào chui ra ngõ. Cô như bị ma đuổi vội vàng bước xa khỏi ngôi nhà mà cô đã sống từ tấm bé. Cô thấy sợ hãi và ghê tởm. Để giành được chân làm mõ mà người ta có thể tàn nhẫn được thế hay sao? Qua những việc mà tận mắt cô mục kích, hình như Hoa đã hiểu ra được phần nào lá thư của Huy. Một quyết định dứt khoát đã nảy nở trong đầu óc cô. Hoa về ngôi chùa đổ, ngồi cạnh người cha hấp hối, khóc như mưa như gió. Cô khóc cho đến lúc không còn nước mắt mà khóc nữa. Cũng có thể nói cô nuốt nước mắt để cho những giọt lệ chảy vào thẳm sâu của lòng mình. Và cũng từ lúc ấy lòng cô bỗng cứng rắn lên như đá, bởi vì cô hiểu lúc này mình chẳng còn trông cậy được vào ai, hơn là vào chính mình. Có thể tới đây, cuộc sống khắc nghiệt sẽ vùi dập cô xuống tận đất đen. Tuy nhiên cô phải biết tự đứng dậy, bởi vì nếu không cô sẽ chết. ông cụ hộ Hiếu trước khi đi vào cõi vô tận vẫn còn nói mơ được mấy câu. Vẫn là những câu mà ông đã dặn dò con gái: “Đừng đi xem hội"... "Đừng làm mõ nữa”. Ông đã dặn Hoa đến ngày mười lăm mới chết. Lời nói của ông già lỉnh thiêng thật. Đến gần nửa đêm ông đã hoàn toàn hôn mê, nhưng ông già vẫn ngáp ngáp, cố hút tí dưỡng khí cho qua được ngày mười bốn. Cụ hộ Hiếu ngáp ngáp hơn một canh giờ. Hết canh một, sang canh hai cụ mới thôi ngáp, mới chịu ra đi.Về sau, có người am hiểu nói rằng cụ hộ Hiếu không phải phù thủy mà là một vị bồ tát. Ở thời mạt pháp, cụ phải đóng vai phù thủy để cứu giúp mọi người, để giữ gìn Phật pháp, để lòng từ bi chăng bao giờ cạn ở cõi nhân gian.Hoa đã biến đổi khác hẳn. Lúc chiều, các bà trong làng sợ cô quá yếu đuối khóc than để nước mắt rơi vào mặt người chết làm cho vong linh ông hộ Hiếu khó siêu thoát. Nhưng đến lúc ấy, lúc khâm liệm cho ông cụ, cô gái đã không còn một giọt nước mắt nào nữa. Trông cô tiều tụy hẳn đi. Tưởng như cô đã già thêm mười, mười lăm tuổi. Lúc ấy các bà lại giục cô: "Khóc đi! Khóc to lên cho nó nhẹ người “. Quả như vậy, nỗi đau lặn vào trong đã làm cho Hoa ngất đi hàng giờ lúc hạ huyệt ông hộ Hiếu. Người ta tưởng sau đám tang, Hoa sẽ ốm hàng tháng là ít. Nhưng cả làng Đình đã nhầm. Ngay tối hôm chôn cất, cô Hoa đã khoác tay nải lên đường không nói cho ai biết. Cô đã tự nguyện dấn thân vào con đường bất định, con đường mà cô chẳng hề biết đằng trước mặt sẽ có bao nhiêu điều bất trắc. Nhưng cô tự nhủ với lòng mình: "Sẽ không bao giờ tôi làm mõ nữa”.