Thương ôi, bóng đã vân vân xế chiều Đã lâu lắm, chàng mới lại có dịp về chơi Hà Nội. Những công việc làm ăn của chàng ở Sài Gòn, trong ba tháng vừa qua, bị tan vỡ một cách không ngờ, chàng buồn rầu ra thuê một cái nhà sàn ở Long Hải ở một mình rồi sau một ngày quyết định, chàng lấy vé tàu ra Bắc. Chàng không định ở lâu ngoài này. Đó chỉ là một dịp để nghỉ ngơi và thăm mộ mẹ. Mẹ chàng chết vì bệnh lao đã được sáu năm nay và chôn ở nghĩa trang Phúc Thiện. Nghĩa trang này ở sát chùa Voi Phục, có một lối đi rộng và dài, hai bên giồng toàn thông. Phong cảnh thâm u và tịch mịch. Chàng thấy một cái buồn nhẹ nhàng bao phủ tâm hồn. Chàng thấy lưu luyến cảnh vật, chàng không muốn về ngay, vả lại lúc ấy nắng hãy còn gay gắt tuy trời đã sang thu, chàng bèn vào một cái quán ở cổng chùa Voi Phục nghỉ chân và uống một chén nước chè giải khát. Cái quán hàng này là một cái quán hàng quen của chàng. Tám năm trước, hồi chàng còn ở với mẹ ở ngoài này, ngày bốn buổi đi học ở trường Trung học, chàng vẫn thường có dịp đi xe đạp về con đường này chơi. Những ngày ấy, chàng vẫn thường đi chơi một mình. Chàng vào chùa Voi Phục, chàng vào chùa Láng và có hôm vui chân đi vòng cả sang núi Bò. Giời thì đẹp mà tâm hồn thì trong sạch, chàng thấy một tấm lòng yêu đời và muốn sống thiết tha: đời chưa hề bạc đãi chàng, chàng chỉ thấy cái đẹp và cũng tha thiết tin cái đẹp trong lòng người. Chàng có tính hay vào một hàng nước, để giải khát và nghỉ ngơi vơ vẩn một mình như thế. Một tuần, rồi hai tuần, chàng thành một khách hàng quen, chàng trò chuyện với cô hàng nước và dần dần chàng thấy một cái gì nhẹ nhàng, thơ mộng như là sự quý mến cô hàng nước vậy. Cô hàng nước ấy sống một cách âm thầm ở túp nhà nhỏ bé ở bên đường. Chung quanh chỗ ở toàn là cây cả, cây cao với lá xanh thành một cái riềm mát dịu làm cho khách đi đường cũng thấy được mát mẻ khi ngồi nghỉ. Cô thò cổ ra mời khách nghỉ chân như một con chim ở trên cao thò cổ nhìn xuống đất. Mỗi khi trời hửng nắng, lá cây rung động với gió và reo lên thì mắt cô bé lại sáng ngời, cái miệng nói như cười riêng với mắt chàng, thì chàng thấy một cái vui nhè nhẹ và lòng cũng hơi bâng khuâng một chút. Mùa hè đi qua, rực rỡ và nhanh như một buổi hoàng hôn, mùa thu kế tiếp với một màu bàng bạc và những ngọn gió buồn như giục những người đàn bà may áo lạnh cho chồng bởi vì mùa lạnh đã đến. Mùa lạnh đến thực, sầu thảm đìu hiu. Tiếng sếu kêu như mang sự cô quạnh cho lòng, những ngọn gió thổi vèo vèo qua những cánh đồng và bãi tha ma hun hút vào những gian hàng trống quá và vắng người nghỉ quá. Những ngày tươi đẹp đã qua rồi, bây giờ chỉ còn sự buồn tẻ mà thôi, những người du ngoạn, những cặp uyên ương hiện giờ đương kề vai nhau ở cạnh lò sưởi còn nghĩ đâu đến chốn này họ đã dắt nhau đến để tìm những cảm tình đẹp giúp cho họ nói nên những lời ân ái đẹp? Cô hàng nước, thấy gió mùa đông thổi làm rụng rào rào những lá ở trên cây xuống mặt đất ướt át, đoán trước thế nào chàng cũng không đến thường thường như trước: mỗi tuần lễ một vài kỳ. Cô đã đoán thấy trước những ngày âm thầm ở cái cửa hàng nhỏ bé, không cười nữa vì không có cái cười thân mật, không nói nữa vì không có câu nói đáng yêu của chàng. Cô hàng nước không còn đợi chờ gì nữa. Còn đâu là những phút hồi hộp, cô đưa mắt nhìn ra phía xa xa để đón chàng bởi vì cô đã biết trước chàng sẽ đến lúc nào. Còn đâu là những cái rung động dịu dàng của trái tim khi đôi bạn trẻ tuổi này, cùng gặp đôi mắt của nhau ở trên bát nước chè, cùng mỉm cười không nói, – nhưng mà biết bao là tâm sự! Những tâm sự ấy hai người trẻ tuổi ấy không thổ lộ cho nhau biết bao giờ. Nhưng họ hiểu nhau như một người, có lẽ họ cũng có lúc hơi buồn nhưng lần nào cũng vậy, họ đều thấy vui vui khi được gặp mặt nhau và có cái cảm giác nếu luôn luôn ở bên cạnh nhau thì sướng quá. Riêng cô hàng nước… Cô hàng nước chất phác mỗi ngày quý người trẻ tuổi của nàng hơn một người bạn thân quen biết đã lâu ngày. Cô có bao nhiêu giấc mơ đẹp, cô tưởng tượng bao nhiêu cảnh say lòng ở trong một cái tổ chim êm ấm: một vợ một chồng và hai ba đứa con thơ, những đêm đông lạnh quây quần ở chung quanh một mâm cơm nóng sốt… Không, không, đó chỉ là hy vọng mà thôi, cô hiện vẫn là một người con gái nghèo nàn, một buổi chiều đông, ngồi ở cửa hàng trông đợi một bạn lòng kia không đến nữa. Người bạn lòng kia không bao giờ đến nữa thực. Hết mùa thu năm ấy, chàng vì kế sinh nhai phải vào làm việc trong Nam Kỳ. Một bức thư giới thiệu với những người có tiếng tăm ở Huế, một bức thư nữa giới thiệu với những người có tiếng tăm ở Sài Gòn, chàng không bao lâu đã tự tìm lấy được một địa vị ở Bến Tre, thế rồi tháng ngày qua, chàng đi khắp lục tỉnh rồi đến Sài Gòn, chẳng mấy chốc đã gây được một cơ nghiệp có thể gọi là kha khá. Chàng lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Chính thực, chàng cũng chưa muốn bận bịu về chuyện gia đình. Nhưng bởi chàng ở với dì ghẻ, mà dì ghẻ và cha nàng ép lắm, mỗi bữa cơm thường giục chàng phải đến xem mặt người mà nàng và dì ghẻ đã xem hộ, chàng đành phải theo lời và lấy cho xong. Vả lại, người ta phải lấy vợ bởi vì người ta phải lấy vợ, phải có một người đàn bà để sinh con đẻ cái và coi về bếp nước, phải chiều theo số mệnh mà ông trời đã định. Chàng lấy vợ như thế và chàng không băn khoăn gì hết. Phải, phải, suốt một đời chàng, chàng đã thực để tâm đến một người đàn bà con gái nào đâu? Những cô con gái con nhà tử tế, chàng không biết đến bởi vì chàng sợ hại người ta, còn như những hạng đàn bà hồng phấn hay nghèo nàn thì vì danh giá, vì tính tự phụ không hề bao giờ chàng nghĩ đến chuyện trăm năm cả. Chàng là con một ông Tú cổ. Cái học mới của chàng rèn đúc trí óc chàng, nhưng cái luân lý cổ ăn sâu vào tâm hồn chàng: chàng lấy vợ như là làm một việc đã định sẵn, lòng lâng lâng không mơ tưởng đến những nghĩa cũ tình xưa, ngay như cô hàng nước thì thực không trở lại với tâm hồn chàng một phút nào, mà biết đâu chàng chẳng quên những giây phút êm đềm ngồi uống một chén nước mà kể những chuyện cho qua cơn nóng nực? Thảng hoặc cũng có đôi khi chàng nhớ đến, nhưng có nhớ đến thì cũng chỉ như ta nhớ đến một người bạn sơ giao mà thôi: gặp nhau là những chuyện không quan hệ lắm, nếu có phen tái ngộ thì càng tốt mà nếu như chẳng còn bao giờ gặp nữa thì cũng có gì là quan hệ. Sợ trớ trêu của số phận, sự tình cờ mà ta rất thường gặp ở đường đời xui cho hai người hôm nay lại đối diện trong quán nước. Quán nước vẫn như tám năm về trước, không thay đổi một chút nào: vài nải chuối, mấy cái bát, ấm nước chè và dăm quả dưa hồng. Chàng thăm mộ mẹ xong, mệt mỏi, vào nghỉ chân và bảo cô hàng nước cho một bát nước chè. − Chè tươi hay nước vối đấy, cô hàng? Chàng lại hỏi cái câu hỏi đầu tiên mà chàng đã dùng với cô hàng nước. Tự nhiên, cô hàng nước thấy một cái gì quen quen, cô ngửng đầu lên và ngay lúc ấy, chàng cũng nhìn về phía cô hàng, bốn con mắt quen thuộc cùng lại gặp nhau trên bát nước chè và đôi trái tim lại cùng rộn rịp như tám năm về trước. Như tám năm về trước, chàng lại thấy mọi sự vui sướng nhẹ nhàng khi thăm hỏi và trò chuyện cùng cô hàng nước, duy chính cô hàng nước thì bây giờ không còn như trước nữa: cái đường ngôi tuy vẫn thẳng nhưng tóc đã không óng mượt nữa rồi, những vết răn đã hiện ra ở chung quanh đôi mắt trước kia rất đẹp và đôi má thì sị xuống bởi cô hàng nước ấy bây giờ đã béo ra và xồ xề như một người đàn bà đã có hai ba con rồi. − Cô hàng, thấm thoát thế mà đã tám năm giời rồi đấy nhỉ… Cô hàng nước thấy như trái tim se lại. Chính cô, cô cũng biết không sao lại thế, nhưng cô cũng cứ giấu vẻ buồn mà cười gượng với người bạn cũ. − Vâng, chóng quá, tám năm trời rồi… Thời gian trôi, cuộc đời mỗi ngày chỉ mỗi chứa chất lên vai người ta những mối sầu khổ làm cho người ta già đi, làm cho lòng người ta cằn đi. Ánh sáng trời không rực rỡ nữa, chim chóc không còn hát những điệu ru lòng, bao nhiêu cây cối của em, em ơi, đã rụng hết cả hoa lá, không còn ngày nào còn mong được có cái vẻ xanh tươi mơn mởn thời xưa. Chàng thấy nao nao buồn một cái buồn vơ vẩn trong lòng. Chao ôi, cô hàng nước! Cô hàng nước kia còn bao giờ biết được những ý nghĩ của chàng và biết được rằng mùa xuân khi đã hết thì không còn gì cả, nó chỉ để lại cho lòng sự tiếc nhớ cái đẹp rất chóng tàn mà thôi. Thôi thôi, không biết như thế lại hay, cô hàng nước lại càng đỡ khổ. Chàng uống chén nước chè trong suốt và nhấp giọng: trong cái chát của nước chè chàng thấy một cái ngọt dịu dàng cũng như sự gặp gỡ của chàng với cô hàng nước hôm nay có một cái buồn nhè nhẹ ở trong cái vui không nói ra lời được. Chàng hỏi: − Thế nào, cô hàng? Độ này ra làm sao? Tôi vào Nam từ dạo ấy đến giờ, lần này mới lại về chơi Bắc Kỳ là một, lại được gặp cô hàng, thực lấy làm mừng quá! Cô đã được mấy cháu rồi? − Cám ơn ông, cháu được hai cháu, một trai một gái. − Thế bác giai đâu? − Bẩm thầy cháu lên cúng ở trên tỉnh vừa về, đương dở bận ở trong kia. Chàng lại ngồi uống nước và bảo cô hàng bổ một quả dứa ăn. Ở phía trong, sau một cái liếp đưa ra những tiếng sè sè, một mùi thơm theo gió bay đến chỗ chàng ngồi, chàng đoán là người chồng cô hàng nước đương hút thuốc phiện và chàng đưa mắt nhìn cô ta. Tự nhiên cô hàng nước thấy ngượng ngùng. Chàng không muốn ngồi lâu ở đấy, nhưng băn khoăn lắm lắm khi bước lên xe ra về. − Thôi, cô ngồi bán hàng. − Lạy ông ạ. Bao giờ ông lại vào trong Nam cháu xin gửi chào bà nhà ạ, và chúc các cô các cậu hay ăn chóng nhớn. Cái xe kéo chàng đi từ từ rồi lẫn vào rặng cây xanh um tùm. Nhẹ nhàng, cô hàng nước đứng dậy trông theo cho cái xe kỳ khuất rồi mới ngồi xuống, lấy miếng trầu ăn, vừa nhai vừa buồn, và nhớ đến chàng như nhớ đến một mối hạnh phúc đã mất rồi. Thôi, thế là từ nay lại xa cách, không biết bao giờ lại mới được gặp mặt nhau nữa. Cô hàng nước lại quay về với chuyện thiết thực ở đời: ngày ngày ngồi bán hàng cho khách qua đường để kiếm dăm xu một hào nuôi một ông chồng nghiện và hai đứa con thơ dại. Cuối năm nay, một đứa con nữa lại ra đời. Cuộc đời của cô hàng, mỗi ngày lại mỗi thiết thực thêm; có lẽ rồi cô cũng chẳng còn thì giờ để nghĩ đến chàng trẻ tuổi làm việc ở trong Nam Kỳ nữa. Sự đời nó như thế, biết làm thế nào? Mỗi người có một con đường đã định sẵn; thương tiếc cũng chẳng làm gì được, nghĩ ngợi lắm cũng chẳng làm gì được. Một cuộc đời hạnh phúc, ai chẳng muốn có, nhưng có được hay không, cũng là do ở số kiếp mà thôi. Mai kia đây, chàng, chàng sẽ lại lên tàu và vào đất Nam Kỳ. Gió đập vào thành tàu, chàng sẽ có những buồn riêng những vui riêng, mà cô hàng nước thì ở lại chỗ lều tranh vách đất của mình, sẽ lại kéo dài cái đời bằng phẳng cho đến mùa đông của cuộc đời: bán nước chè và những đồ giải khát cho những khách đi du ngoạn. Những cặp tình nhân trẻ tuổi, yêu đời và ham sống sẽ đi qua trước quán nước của cô và sẽ lấy cái cửa hàng nước của cô làm nơi nghỉ mát tạm thời. Cuộc đời xuân sắc của họ làm cho cô nghĩ ngợi và có khi ham muốn có một cái gì rất viển vông. Và buồn thương cho cái bóng xuân của mình đã vân vân xế chiều. Nhưng rồi cuộc đời nào cũng sẽ vào khuôn mẫu đã vạch sẵn của cuộc đời ấy. Cô hàng cũng chẳng buồn được lâu đâu, sự tiếc nhớ những ngày trẻ đẹp rồi qua đi như một bóng mây mà lòng người rồi ra sẽ chứa chan một tấm tình nhân đạo: Người ta thấy được vui sướng bởi vì thấy có người vui sướng ở chung quanh mình. Ngày mai, ngày mai, sẽ hết cả, không còn gì nữa.[1]
[1] In kèm với bài này có một minh hoạ của Mạnh Quỳnh, và 2 ảnh của Võ An Ninh và Nguyễn Duy Kiên, có ghi chú mô tả: Ảnh 1: Xuân tàn. Cô hàng nước, − tuổi nay đã luống rồi, − đang đưa mắt ra nhìn cây cỏ trước nhà như để bâng khuâng tiếc nhớ một vảnh dĩ vãng tươi đẹp đã qua rồi… Ảnh 2: Bên đường dừng bước. Quán nước của cô hàng nước Ô Cầu Giấy đã làm … mát lòng được bao khách thừa lương…
TIÊU LIÊU
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 24 (11/8/1940)
[1] In kèm với bài này có một minh hoạ của Mạnh Quỳnh, và 2 ảnh của Võ An Ninh và Nguyễn Duy Kiên, có ghi chú mô tả: Ảnh 1: Xuân tàn. Cô hàng nước, − tuổi nay đã luống rồi, − đang đưa mắt ra nhìn cây cỏ trước nhà như để bâng khuâng tiếc nhớ một vảnh dĩ vãng tươi đẹp đã qua rồi… Ảnh 2: Bên đường dừng bước. Quán nước của cô hàng nước Ô Cầu Giấy đã làm … mát lòng được bao khách thừa lương…